Hôm nay,  

Học Một Sàng Khôn

15/03/200800:00:00(Xem: 198143)

Tác giả: Nguyễn Thi

Bài số 2249 -1626-26-vb7150308

Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một Facilitator cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California, đồng thời cũng tham gia việc dạy Việt ngữ cho cộng đồng. Mong Nguyên Thi tiếp tục góp thêm những bài viết về đề tài những buổi học thảo, hội thảo hệ thống học đường tại California.

Tục ngữ Việt Nam có câu "Đi một ngày đàng, học một sàng khôn." Câu này đúng thì tuy có đúng thật nhưng đặt vào trường hợp tôi thì thấy sao càng học càng thấy mình vẫn còn dốt.

Bằng chứng là khi còn ở Việt Nam tôi đã học cũng hơn 5 năm hết các lớp Anh văn từ trường "làng", trường "tỉnh", rồi đến trưòng "thành phố" Hội Việt Mỹ do các giáo sư ngoại quốc hướng dẫn, thế mà khi đụng phải việc cần dùng đến, giúp mẹ tôi bán hàng cho khách du lịch, thì tiếng Anh của tôi bỗng dưng không cánh mà bay. Trong khi đó ba tôi trình độ Anh văn chỉ đủ dạy anh em chúng tôi đến cuốn "English for Today" số 2 là hết vốn liếng, vậy mà sao tôi cảm thấy ba chào hàng với khách rất trơn tru và nhất là khi rời cửa tiệm ai cũng đều mua một vài món hàng.

Khi cả gia đình tỵ nạn đến Mỹ tôi mới biết tại sao ba tôi lại "tài" giỏi như vậy. Ngày xưa khi nghe ba nói chuyện "rào rào" với khách tôi nghĩ từ ngữ Anh văn của ba là vô hạn. Mỗi chữ ba dùng là "lời vàng thước ngọc" mà không biết đến bao giờ tôi mới "học cao hiểu rộng" như ba.

Qua Mỹ được ba tháng và mỗi ngày phải làm thông dịch viên cho cả gia đình mỗi khi ba đi làm (từ sáng đến tối, 6 ngày một tuần) tôi đã học được cái "tài" ngoại giao của ba - luôn luôn mở lời chào trước với câu "Hello, How are you doing!", nếu họ trả lời hoặc chưa trả lời thì mình nên tiếp thêm một vài câu dựa theo thời tiết lúc đó như "Trời nóng quá!" hoặc "Trời lạnh quá!", kế đến là học thuộc lòng tiểu sử của gia đình mình (gia đình mấy người, gồm những ai, đi học đi làm ở đâu... ), phát âm và viết cho đúng những gì mình cần mua hoặc mượn (hoặc nhờ ngay người ấy đọc lại chữ đó vài lần cho dễ nhớ), nếu mình hoàn toàn không nghe được chữ nào thì nói họ lập lại câu đó và nhờ họ viết vào giấy để...  tra tự điển sau, và nhất là phải tập tính dạn dĩ như các em nhỏ tức là phải mở miệng nói một vài câu vì khi nghe ta phát âm sai người bản xứ mới có thể giúp ta sửa đúng giọng được.

Sở dĩ ba tôi có khả năng nói ào ào bằng tiếng Anh vì khi xưa đi lính ba tôi đã áp dụng công thức này. Sở của ba ở gần Bến Bạch Đằng nơi các sĩ quan Mỹ ra vô mỗi ngày, ngày ngày dợt đi dợt lại đề tài thời tiết và gia đình với các sĩ quan Mỹ khác nhau trong vòng vài phút riết rồi ba thuộc lòng lúc nào cũng không hay. Và sau 3 tháng ngồi "phụ" ba thông dịch từ trường học, đi chợ, hội viên nhà thờ "bào trợ", hàng xóm...  chính tôi không phải thầy bói cũng tiên đoán được ba sắp sửa muốn nói điều gì.

Nhiều người nói qua đến Mỹ rồi việc đầu tiên là phải đi "đại học" để học ESL (English as a Second Language). Tôi nghĩ điều này không nên, nếu mục đích chính của ta là học để có đủ một số vốn sinh ngữ để đi làm thì học Anh văn đàm thoại ở các trường trung học ban đêm có lẽ thiết thực hơn. Anh văn đàm thoại giúp ta áp dụng được những gì đã học ngay trong cuộc sống. Trong khi đó các lớp ESL ở đại học giúp ta nói và viết đúng văn phạm để ta có đủ khả năng nghe, hiểu và làm bài (luận văn) ở những lớp học cao hơn. Hơn nữa ở ngoài đời đa số người Mỹ chúng ta tiếp xúc thường ngày lại hay dùng tiếng lóng và gần như không dùng đúng văn phạm như ta đã học trong sách vở.

Còn nếu ai muốn học một khóa Anh văn cấp tốc trong ba tháng mà còn được trả lương thì nên làm công việc như tôi vào mỗi dịp hè - làm tiếp viên cho những tiệm ăn "nhanh" như McDonald, Burger King...  vì tại nơi này ai vào làm cũng được, không cần có kinh nghiệm, và thực đơn cũng không có gì nhiều (để học thuộc lòng) cho mỗi bữa ăn. Câu đầu tiên ta luôn luôn nói là "Hello. May I help you"" và cố gắng nghe cho được những món ăn khách muốn mua để bấm cho đúng nút vào máy tính tiền. Ở những tiệm ăn này người tiếp viên lúc nào cũng làm việc liền tay, trung bình họ có thể lấy "order" của khách trong vòng 1-2 phút hoặc lâu hơn một chút vì có đông người trong nhóm muốn trả tiền chung hoặc vì khách chưa biết nên chọn món gì (đây là lúc ta nên trổ tài ngoại giao và đề nghị khách nên chọn "món ăn đặc biệt trong ngày"). Tôi bảo đảm rằng những ai có Anh văn là ngôn ngữ thứ hai sẽ thấy tiếng Mỹ của mình tiến bộ hàng tuần thấy rõ. Không tiến bộ sao được nếu ta phục vụ hàng trăm khách hàng già trẻ lớn bé, Mỹ, Mễ, Tàu, Phi...  tai ta nghe mỗi người phát âm một kiểu cho ngần ấy món ăn, miệng phải lập lại những gì họ muốn mua, và tay phải bấm đúng nút vào máy tính tiền và cũng là máy báo cho "đầu bếp" biết phải nấu món gì cho khách hàng, cho mỗi "ca" làm việc trung bình 6 tiếng một ngày, và 5 ngày mỗi tuần.

Mùa nghỉ hè đầu tiên tôi được người bạn lính của ba giới thiệu làm việc tiếp viên tại nhà hàng Sambo, tương tự như nhà hàng Denny's. Ban đầu tôi rất sợ, không biết tiếng Anh của mình có đủ để đi làm không. Ba tôi trấn an, tiếng Anh của chú lính ấy chỉ bập bẹ vài câu chào hỏi thông thường vậy mà chú đã làm việc tại nhà hàng trên 3 tháng rồi; hơn nữa đây là cơ hội tốt để tôi có thể vừa thực tập nói tiếng Anh vừa có được một số tiền tương đối khá để trả tiền đại học.

Tôi bắt đầu làm việc từ đó. Tôi xin làm ca ngày vì nghĩ rằng ban ngày đa số mọi người đều bận đi làm nên ít khách đến ăn ngoại trừ giờ ăn điểm tâm và buổi trưa. Thực tế không phải như tôi nghĩ vì làm ca nào cũng có cái bận của ca đó, nhất là nguyên nhân nhà hàng này mở cửa 24/24 và 7 ngày mỗi tuần vì cách nhà hàng vài căn là trạm xe buýt Greyhound chạy xuyên bang, cứ mỗi tiếng đồng hồ là có chuyến xe cặp bến cho khách nghỉ giải lao trước khi xe chuyển bánh đi tiếp. Tôi "mượn" luôn tờ thực đơn "menu" dài 8 trang và tờ menu trẻ em 2 trang đem về nhà "nghiên cứu" học thuộc lòng.

Suốt một tuần lễ đầu tôi đi theo một tiếp viên lâu năm kinh nghiệm để học nghề viết thực đơn theo lối tốc ký, để đầu bếp nấu nhanh, khách hàng ăn nhanh, có bàn trống để tiếp đón khách hàng mới và tiếp viên được tiền "tip" nhiều vì phục vụ khách hàng nhanh chóng. Chưa bao giờ tôi thấy thức ăn Mỹ phức tạp đến thế.

Riêng món trứng điểm tâm, ở nhà mẹ tôi chỉ làm món trứng luộc, trứng chiên hoặc trứng ốp-la. Khi ra nhà hàng, khách gọi món trứng chiên tôi phải viết SCRAM (scramble), OE (over easy) cho loại trứng vừa đập ra chiên vài giây một mặt thì lật qua mặt kia chiên thêm vài giây và bỏ ra đĩa, OM (over medium) thì chiên như trên nhưng lâu hơn một chút, OH (over hard) thì coi như trứng chiên chín cả lòng trắng lẫn lòng đỏ, SUNNY (sunny side up) là loại trứng vừa đập ra chiên khi thấy lòng trắng trứng trên lòng đỏ hơi màu trắng đục là lấy ra đĩa ngay; những người không ăn trứng chiên vì có dầu thì ăn trứng luộc còn vỏ BOIL hoặc trứng luộc bỏ vỏ POACH. Nếu ăn trứng chiên mà còn bỏ thêm các thức ăn khác vào thì gọi là OMELET như cheese omelet, ham omelet, mushroom omelet...  hoặc western omelet là loại có bỏ đủ loại thức ăn như thịt ham thái nhỏ, hành thái nhỏ và ớt xanh không cay thái nhỏ. Có khi khách thích ăn western omelet nhưng không thích hành thì ta cần phải chú thích để đầu bếp bỏ món ấy ra.

Đấy là chưa kể món khoai tây đi kèm theo bữa ăn. Với điểm tâm khách có thể gọi hash brown khoai tây thái nhỏ và chiên dòn hai mặt (thường mỗi phần lớn bằng bàn tay), cottage fries là khoai tây đã luộc và thái thành từng khoanh rồi mới đem chiên, tater tots là loại khoai đông lạnh đã làm sẵn và lớn bằng đầu ngón tay cái khi khách order thì mới bắt đầu chiên ngập dầu như chiên French fires. Dĩ nhiên bữa ăn trưa gồm bánh mì sandwich hoặc hamburger mà không có khoai tây chiên French fries thái dài thì ăn không được ngon. Riêng với bữa ăn chiều thì nhiều cách chế biến hơn như boiled potato - khoai tây luộc còn vỏ, mashed potato - khoai tây luộc và nghiền cho nhuyễn, baked potato - khoai tây nướng còn vỏ, potato wedges - khoai tây còn vỏ cắt lớn gấp ba lần French Fries và có nêm gia vị, muối tiêu trước khi chiên ngập dầu, potato salad - khoai tây luộc cắt vuông nêm gia vị, muối tiêu, mayonnaise, và trứng luộc thái nhỏ.

Rồi những loại nước sauce đi kèm món thịt, nước dressing đi kèm món sà-lách, v.v. . Sau mấy mùa hè làm việc tại nhà hàng tôi tương đối khá nhuần nhuyễn về các món ăn và thức uống của Mỹ, vì thế mỗi khi không biết nói gì là tôi đem đề tài ăn uống ra tiếp chuyện.

Những tưởng với bao nhiêu năm học ngoại ngữ kèm thêm kinh nghiệm sống ngay tại Mỹ thì Anh văn tôi ít nhất phải càng ngày càng đi lên. Nhưng không, có một dịp tôi được nhà trường cho nghỉ giữa khóa về thăm nhà, sau mấy lần ghé thăm hội viên nhà thờ bảo trợ, mấy đứa em tôi bảo "How come your English is so bad"" Tôi hỏi ngược lại Anh văn tôi tệ ở chỗ nào thì chúng nói tệ từ trên xuống dưới, từ cách phát âm đến cách dùng từ ngữ quá cổ lỗ sĩ. Chao ôi! Đây chính là những đứa em mà cách đây vài năm tôi đã phải liên tục làm thông dịch viên và dạy chúng làm homework mỗi ngày vì chúng hoàn toàn không biết một câu Anh văn nào.

Hỏi kỹ thêm thì chúng nói tại tôi không biết dùng chữ "Cool", "Chill", "Guy" v.v...  những chữ này gần giống như "xì-trum" của Việt Nam thời xưa mà nghe riết cũng nhức đầu vì cứ lập đi lập lại. Trong khi đó các em tôi vì lần đầu tiên nghe Anh văn lại sống ngay trên đất Mỹ nên chúng nói chuyện và suy nghĩ như Mỹ con.

Từ đó tôi bắt đầu để ý xem những vở kịch ngắn trên tivi để được cập nhật hóa ngôn ngữ thời nay. Thế mới biết bể học là mênh mông, ngày nào còn tồn tại là ngày đó ta vẫn còn nhiều điều cần học hỏi thêm.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,345,051
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến