Hôm nay,  

Tracy

18/04/200800:00:00(Xem: 981469)

Người viết: Phan
Bài số 2275 -16208252-vb2140408

Tác giả là một nhà báo, người phụ trách một cột mục trên tạp chí Ca Dao tại Dallas, đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2007. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

*

1.
Tôi đến Mỹ đã 20 năm. Lần đầu tiên bước chân vô Hãng Mỹ, tôi nhớ hoài buổi sáng hôm ấy, cũng ngơ ngác, hoang mang, con đường lạ hoắc… Nhưng không có ai nắm tay tôi như đoạn văn bất hủ "Tôi đi học" của Thanh Tịnh. Hôm ấy, tôi đi làm.
Cùng vô phòng Manager với tôi, có ba người Việt khác nữa và hai anh Mỹ đen. Sau một hồi chờ đợi, sau màn xếp lớn, xếp nhỏ tay bưng ly cà phê và nói tiếng Anh líu lo… Tôi theo ông Supervise đi về giang sơn của ông. Xếp tôi là một người Mỹ trắng, nhỏ con, ông lớn hơn tôi chừng mười tuổi nghĩa là cỡ bốn mươi. Ong, có vẻ hiền qua nụ cười thân thiện, gương mặt thiếu da cho râu mọc vì quá nhiều râu. Tên ông, vô cùng lạ lẫm với tôi: Joe Wall. Tôi không hiểu gì về cái họ "Vách Tường" của ông. Tôi nhìn kỹ gương mặt xếp mình để dễ bề đối phó. Trên đường từ Manager Office xuống Supervise Office của ông, ông hỏi tôi về tên, họ, địa chỉ, số điện thoại… tôi trả lời được hết và mừng thầm về những câu hỏi trúng phóc khả năng tiếng Anh của tôi lúc bấy giờ. Câu hỏi: "Vì sao anh rời bỏ quê hương"" Như một cú knock-out punch. Tôi đo ván, trả lời không nổi.
Bước vô Văn phòng làm việc của xếp, ông mời tôi ngồi. Chỉ tôi cái máy pha cà phê, nói với tôi: Muốn uống bất cứ lúc nào cũng được. Nhưng khi thấy bình cà phê đã hết thì phải pha bình mới, ông chỉ tôi cách pha cà phê theo kiểu Mỹ, cho thực tập liền. Cuối cùng là nụ cười ưng ý trên mặt xếp, ông nói với tôi: "Mày uống hết mà không pha thì tao… cắt cổ mày." ông đưa tay lên cổ ông, khứa ngang một cái và lè lưỡi. Tôi hiểu English by hand dễ ụi! Tiếp theo, ông chỉ cái tủ lạnh bé tẹo, nói tiếp với tôi: Có thể ăn bất cứ lúc nào, bất cứ cái gì có trong đó. Ong suy nghĩ một hồi, nói với tôi: Tao dạy mày chửi thề tiếng Mỹ để khi tao chửi thề thì mày ngưng ngay công việc đang làm vì mày làm sai rồi. Tôi thấy thích ông từ sự cởi mở, thân tình đó. (Nhiều năm sau tôi mới biết đó là mẫu người đàn ông sinh đẻ ở Texas Country.) Ong bảo tôi theo ông, ra khỏi văn phòng.
Trên đường đi quanh co trong Hãng, ông giới thiệu cho tôi nhiều phân xưởng để biết. Khi trở lại đường cũ thì nơi làm việc của tôi ngay sau Văn phòng ông. Tôi nghĩ đến lần đầu tiên. Mình trực tiếp nói chuyện với một người Mỹ, dù rằng tôi chia động từ "to be" sai bét. Nhưng chia động từ "tu-quơ" của English by hand thì hiểu nhau dễ dàng. Cho dù nói chuyện mỏi…tay, thì tôi cũng cố gắng làm việc để tự túc sinh tồn, không phiền người bảo lãnh tôi sang đây.
 Đã đến nơi mà tôi sẽ làm việc lâu dài, ông nói chuyện với người phụ nữ Mỹ trắng cỡ tuổi tôi. Sau khi giới thiệu tên tôi với người nữ có tên là Tracy. (Ong xếp không phát âm được chữ "Ut" - tên tôi nên ông giới thiệu tôi là thằng "Du-Ti". Chữ "U" với chữ "T". (Tôi khoái cái tên Mỹ của mình liền tức khắc! "Mít-tờ-Du-Ti")
Ong xếp bảo tôi ở lại đây làm việc với Tracy, cô ta sai gì làm nấy. Tracy cũng nhỏ con như người Việt, khá xinh, có vẻ thân thiện nên tôi mừng thầm. Xếp đi rồi, Tracy nói tôi: Tao dạy mày nói tiếng Anh… Khi tao nói "I love you" thì mày trả lời: "I love you, too." Thử coi, "I love you". Tôi trả lời liền "I love you, too."  Tracy ôm tôi tỏ tình thân mật làm tôi mừng nhiều. Mọi người xung quanh vỗ tay như pháo nổ. Tôi lên tinh thần dễ sợ! Không ngờ người Mỹ vui vẻ và thoải mãi đến thế này. Cô ta tưởng tôi người Tàu nên hỏi tôi "I love you" thì tiếng Tàu nói làm sao" Tôi muốn đính chính mình không phải người Tàu, nhưng càng nói nhiều càng bí vì từ tiếng Anh tôi đâu có bao nhiêu. Tôi xổ luôn tiếng Tàu với Mỹ. "I love you" thì tiếng Tàu nói là "Ngộ ái nị".
Coi như xong màn làm quen. Tracy đưa cho tôi cái kính bảo hộ lao động, cái betl thắt ngang bụng để bảo vệ cột sống. Chúng tôi vào việc. Sau khi hoàn thành công việc được giao, tôi trình Tracy. Cô ta coi lại kỹ càng và lần nào cũng khen tôi… "You do so good… Ngộ ái nị". Tôi trả lời liền. "Ngộ ái nị… too". Tracy khoái chí.
Cuối tuần, chính xác là giờ giải lao của buổi sáng thứ sáu. Xếp đưa cho Tracy cái phong bì. Tracy quay qua nói tôi: "Tuần sau, mày mới có check". Tracy nói gì với xếp thì tôi không hiểu vì cô ta nói với tôi bằng tiếng Anh chọn lựa những từ đơn giản và tốc độ chậm thật chậm cho tôi hiểu, còn nói với xếp thì líu lo như chim, tôi chịu! Tới trưa, Tracy nói tôi đi theo cô ta. Cô ấy chở tôi đi Nhà bank để bỏ check vô trương mục của cô ta, cash ra ít tiền mặt và dẫn tôi đi Nhà hàng ăn trưa. Cô ta cảm ơn tôi đã giúp cô ấy trong tuần, cảm ơn sự thông minh của tôi đã cho cô ấy hứng thú làm việc. (Tôi đoán một nửa/ hiểu một nửa, như thế).
 Lần đầu tiên trong đời, tôi đi ăn với một người nữ mà tôi không là người trả tiền - khó chịu đến tệ hại trong tâm tư mình. Về nhà nghĩ ngợi về bữa ăn trưa đó. Tracy trả hết 45 đồng, cô ta cho tip 15 đồng. Coi như đi đứt ba tờ 20. Tôi tính nhẩm lương mình một tuần là 40 tiếng, nhân (x) cho $5/giờ, bằng 200, trừ thuế, còn $180… đi ăn trưa với Tracy được ba lần trong một tuần. Vợ con coi như ăn gió rồi còn gì! Nghĩ đến những sáng kiến của mình trong tuần đầu làm việc, đã dẫn đến câu cảm ơn sự thông minh mà Tracy nói. Tôi hy vọng sớm lên lương! Chỉ có cách đó mới sống nổi…
Cuối tuần thật lẹ đến vì tôi để hết tâm trí vô công việc. Sáng thứ sáu lại đến, xếp kêu Tracy vô Văn phòng, lần đầu tiên tôi thấy xếp tôi đóng cửa Văn phòng làm tôi teo… dám mình bị đuổi"! Sau đó, xếp với Tracy đi lên Văn phòng lớn, tôi hồi hộp chờ đợi họ trở về để biết số phận mình! Họ trở lại trong âu lo của tôi, hai người họ nhìn nhau, nhìn tôi… họ phá ra cười làm tôi hú vía. Xếp kêu tôi vô Văn phòng, sau khi cửa khép thì không có Tracy-người đồng minh đáng tin cậy của tôi, tôi lại hoảng! Xếp nói tôi bình tĩnh, yên tâm đi… Ong nói chậm từng tiếng cho tôi hiểu: "Tracy cho tôi biết là bạn làm việc rất tốt. Tôi đưa Tracy lên gặp Manager của chúng ta để nói cho ông ấy biết là bạn làm việc rất tốt. Tôi đề nghị tăng lương cho bạn trước hợp đồng. Hãng nhận bạn vô làm với mức lương $5/giờ. Nhưng cái check đầu tiên của bạn là $7/giờ. Tôi muốn bạn làm việc tốt hơn nữa và không được nói với ai về tiền lương của bạn - luôn cả Tracy, nếu vi phạm thì bị đuổi.
Tôi ra khỏi Văn phòng ông xếp bé, mừng như trúng số, bởi mấy người Việt đã làm trước trong Hãng cho hay: Ai cũng vô đây $5/giờ. Sau ba tháng mà không bị đuổi thì lên lương $6/giờ, cho vô chính thức để có Bảo hiểm sức khoẻ. Thế là tôi yên tâm mình sẽ được vô chính thức, có bảo hiểm cho gia đình. Mừng.
Trưa thứ sáu, tôi cầm tờ check đầu tiên trong đời đi làm thuê ở Mỹ. Tôi nói Tracy theo tôi. Tôi đưa cô ấy đi ăn Phở cho nhẹ tiền mà lại là món ăn của dân tôi. Cô ta thích đôi đũa đến cười hắc hắc trong tiệm phở làm ai nấy dòm tôi phát ngượng. Cũng may là chưa ai biết tôi vì tôi mới qua đây, chưa quen biết ai. Từ đó, chúng tôi thường đi ăn phở vào cuối tuần - mỗi người trả một tuần chứ không chơi kiểu Mỹ là mạnh ai nấy trả.
Ba tháng sau, ông Manager gọi tôi lên Văn phòng. Tóm tắt cho lẹ: "Tao lên lương cho mày $2 nữa, là $9/giờ. Từ nay, mày có Bảo hiểm sức khoẻ, Hãng mua cho công nhân nên không tốn tiền, nhưng muốn mua cho vợ con thì đóng thêm tiền. Đem giấy tờ này về chỗ làm, nhờ Tracy giúp mày điền Information vô đây". Ong nói thêm khi tôi đã ra cửa: "Buổi chiều tối về nhà, chịu khó đi học thêm tiếng Anh thì khả năng làm việc của mày còn cao hơn…" Tôi cám ơn xếp rồi dông lẹ.
Chính vì giúp tôi điền Information vô giấy tờ Bảo hiểm, tiếp theo là giấy tờ về 401K, rồi tới Vacation… mà Tracy có quà tặng sinh nhật cho tôi.
Chúng tôi làm việc ăn ý nên chẳng xếp nào khiển trách. Tình cảm đồng nghiệp phát triển tự nhiên đã cho tôi tinh thần làm việc vô cùng thoải mái. Tôi nghĩ đến những người Việt cùng vô Hãng một ngày với mình, giờ mới được $6/giờ. Học nghề của những người đồng hương đã làm trước mình thì bị dấu nghề vì ai cũng sợ thằng sau biết hết việc của thằng trước mà lương còn thua vài đồng thì đương nhiên thằng trước đi ra! Khái niệm đồng hương bắt đầu hình thành trong đầu tôi là thứ mà trước đây tôi chưa hề nghĩ đến, khi tôi còn ở Việt Nam. Tôi cũng biết không nên phát biểu lộn xộn trong những bữa cơm trưa vì đồng hương nào không có kẻ tốt người xấu. Cũng có những người Việt cầm tay người Việt dạy từ cách vặn, xiết con bù-lon sao cho đủ lên lương! Mấy mặt đàn anh, cha chú, cầy tràn trối chết để em út, con cháu… trốn trong kho hay góc xưởng mà làm homework cho bữa học tối nay của tụi nhỏ. Thương lắm và thấm thía khi nhìn thấy tình đồng hương trên xứ người. Ngược lại, buồn không ít vì cô Supervise người Việt mắng té tát vào mặt một người Việt đáng tuổi mẹ cô ta chỉ vì cái lỗi vô Văn phòng Supervise mà không gõ cửa, trước. Cửa phòng làm việc của cô ấy im ỉm đóng chứ không như Văn phòng xếp tôi - tôi muốn ăn ngủ gì trong đó cũng được. Nhiều khi, ông ấy phải dọn dẹp sách báo của tôi. (Cái khoản này thì khỏi nói! Tôi mê đọc báo từ hồi không có tiền mua. Qua đây, báo free thì chuột xa hũ nếp rồi còn gì.) Nghĩ đến người Việt đối xử với người Việt không như xếp Mỹ với tôi! Đến ngày sinh nhật ông Manager, cô Supervise Việt Nam ăn mặc đẹp, ép đồng hương Việt Nam (không dám đụng tới Mỹ) mỗi người đóng $2 để cô ta đi mua hoa, quà về Mừng Sinh Nhật Mr. Manager. Tôi lén đọc cánh thiệp chúc mừng nhỏ nhắn gắn trên bình hoa chỉ có tên cô ta. Trò mượn hoa cúng Phật là hành trang bỏ nước ra đi sao ta"!
Tôi không biết nên mừng hay buồn vì mình tôi ngoài luồng, ngoài qũy đạo của cô gái chưa chồng và hơi thiếu khả năng có được, khi không còn trẻ nữa. Cô ta không nhìn xuống mà người cô ta nhìn lên cũng không nhìn xuống! Trong mắt cô ta chỉ có đồng loại ngu si và đồng lương vô tình. Tôi đoán thế!
Trở về nhà, vợ lấy lớp cho tôi hai-tư-sáu còn vợ ba-năm-bảy để một đứa ở nhà với con một đứa đi học tiếng Anh vào buổi tối. Vợ tôi học hành tấn tới như tác phong nghiêm túc của cô ấy từ thuở nhỏ-trong chuyện học hành. Tôi cũng dùi mài Tự điển hàng đêm, nhưng homework của tôi thì vợ làm. Tôi chỉ tra Tự điển để dịch những chuyện tếu lâm Việt Nam sang tiếng Anh. Tracy đã ghiền thứ tiếng anh ba mứa của tôi. Cô ta thông minh cực kỳ, nắm cốt chuyện của tôi xong thì cô ta kể vanh vách trong những giờ nghỉ và tụi Mỹ thì cười đau bụng, cười chảy nước mắt nước mũi…
Hôm Valentine Day's đầu tiên trên nước Mỹ. Tôi mua hai bó hoa hồng, tặng vợ trong ngỡ ngàng một bó; một bó để vô xe truck cũ xì, vô cùng bụi đời của Tracy ngoài parking, với hàng chữ - không bảo đảm văn phạm tiếng Anh. Tôi viết: "Hy vọng, bạn là người bạn lâu dài của cả gia đình tôi." Từ đó, tình hữu nghị Việt-Mỹ thắm thiết. Thỉng thoảng, Tracy gởi cho vợ tôi món quà như cây son, cây viết chì kẻ mắt, chai dầu thơm… Vợ tôi đáp lễ bằng những bữa ăn trưa. Tôi một hộp lunch; Tracy một hộp tương tự. Cô ta bắt đầu làm quen với món ăn Việt Nam và vô cùng thích thú.
Hôm tôi mở hộp lunch của mình là cơm trắng với món cá trê không xương, xào với cà ri, nấm mèo, bún tàu, củ hành trắng… Tracy hít mùi cà ri rồi đẩy qua cho tôi phần ăn của cô ta là miếng sườn heo nướng b.b.q, bắp hạt, khoai tây nghiền, xà lách… Tôi đổi liền chứ sao không đổi vì dù gì món cá xào tôi cũng đã ăn tối hôm qua, còn lại mới giỡ cơm đi làm trưa nay.
 Sau bữa trưa ngon miệng vì được đổi món. Tracy hỏi tôi về món cá xào cà ri tuyệt vời. Tôi ba hoa lắm mồm để chuốc hoạ vào thân. Cà ri thì khỏi dịch rồi, vì viết sao đọc vậy: Curry. Cá trê không xương, tôi dịch là Catfish fellet. Củ hành trắng là White onion. Bún tàu…búu tàu trong veo thì cho nó là Clear noodles… Chết cha với nấm mèo! Tôi hoàn toàn không biết từ "mushroom" là nấm nên phang đại là "Ears cat". Vì thấy nó mỏng mỏng, giòn giòn như tai mèo.
Không tưởng tượng nổi là Tracy nôn thốc ra bàn. Mặt mày xanh như tàu lá… Cô ta gào lên trong tức tưởi, oán hờn… "Mày giết hết bao nhiêu con mèo để có nhiêu đây tai mèo"" Tôi bỏ chạy trong những lời rủa xả mà nếu hiểu thì chắc là nặng nề lắm! Đi tìm con nhỏ Việt Nam giỏi tiếng Anh, lôi nó tới thông dịch cho Tracy. Từ đó, nó gọi tôi là anh "Tai Mèo". Tracy ưa vặn tai tôi rồi cười mỗi khi cô ta chợt nhớ tới món tai mèo! Và bảo tôi há miệng cho cô ta xem "cái răng có sữa" của tôi! Nhớ lại tiếng Anh hồi mới qua thật buồn cười. Tôi xưng răng nhưng không biết nói làm sao với Tracy! Tôi nói là trong răng tôi có sữa, làm gì biết những từ: làm độc; có mủ… trong tiếng Anh mà đại khái là: to fester, to septic, infection… Vậy mà cô ta hiểu. Sau đó, cô ta đi đâu không biết! Trở lại đưa thuốc trụ sinh cho tôi uống. Thỉnh thoảng hỏi tôi: "Cái răng có sữa của mày, sao rồi""
Tôi làm việc với Tracy được hơn năm. Cô ta nói tôi lúc 10h45. "Tao có việc đi nhà băng khoảng một tiếng. Ai hỏi, mày tìm cách nói giùm tao vì tao không bấm thẻ". Tôi biết giờ ăn trưa là 11h00 tới 11h30, tức cô này chơi ăn gian ông xếp. Tôi ăn trưa xong, trở lại chỗ làm. Ong xếp đi kiểm tra đầu giờ chiều, có hỏi Tracy thì tôi nói cô ta đi resroom. Tới 11h45, Tracy mới lặng lẽ trở vô chỗ làm. Cô ta dúi cho tôi ly cà phê đá togo. Thiệt là mọc nanh thành qủy với cô bạn này!
Giờ nghỉ break-time buổi chiều, cô ta nói tôi nghe:
"Tao mừng quá! Nhà băng đồng ý cho tao mượn năm ngàn đô la."
"Mày mua nhà hay mua xe""
"Nô. Tao dẫn hai đứa con tao đi chơi Disney Land. Con gái tao 13, con trai 10 tuổi rồi. Tụi nó chưa được đi Disney Land bao giờ."
"Thì để chồng mày lo."
"Tao đâu có chồng. Mày quên là tao đã nói với mày rồi sao""
 Thôi không nói nữa. Tôi về suy nghĩ thật nhiều mà không tài nào hiểu nổi người Mỹ! Đi mượn tiền nhà băng để đi chơi, nghỉ hè thì thật là hết nói. Tôi nghĩ tới con mình… con nhà Việt Nam là may mắn hay xui xẻo vì cha mẹ đang tích cực gom góp mua nhà! Mua nhà xong, sẽ mua một cái xe mới cho vợ con xử dụng để anh chồng yên tâm đi làm hai jop hơn là sự an toàn cho vợ con. Sau đó, nhanh chóng trả dứt tiền xe để mua tiếp chiếc nữa cho anh chồng vì cái xe cũ mua từ hồi qua đã hết xài được. Khi có nhà và hai cái xe mới rồi, thì lo vô Quốc Tịch Mỹ càng sớm càng tốt vì nhiều lý do. Đi tuyên thệ là làm Passport luôn nhưng chuyện về quê thì hoàn toàn chưa tính tới! Làm để biết mình đã có quốc tịch Mỹ, thế thôi. (Không có dân tộc nào chạy trốn cái Quốc tịch gốc của mình mãnh liệt như Việt Nam). Công việc tiếp theo của một đôi vợ chồng Mỹ gốc Việt là bắt đầu tích lũy, chuẩn bị từ sớm cho con khoản tiền đi Đại học sau này. (Người Việt di dân chỉ chấp nhận bấm thẻ một đời. Bằng cấp của đời sau là mồ hôi, nước mắt của thế hệ trước. Điều này đáng ghi vào sử sách.) Còn một vấn đề nan giải hơn hết là hai gia đình bên Việt Nam luôn trông mong vào sự thành đạt của vợ chồng Mít bên đây! Oi. Sao tôi lại là một người ngoại quốc trên nước Mỹ mà không là người ngoại quốc trên đất nước tôi - giấc mơ của 80 triệu đồng bào quốc nội.


Tracy đi vacation hai tuần, tôi cáng đáng hết công việc của hai người. Ong Manager hài lòng ra mặt. Gọi tôi lên Văn phòng để chỉnh lương tôi lên $10.50/giờ. Ba người Việt cùng vô Hãng với tôi một ngày, mới được $6.25 tới $6.75/giờ. Tôi không vui như những lần đầu lên lương vì cảm nhận được Tracy sắp lên đường! Nhất là tôi vừa biết được ông Manager của tôi là người thầu lao động với Hãng chứ không phải ông ăn lương Hãng, nên ai làm việc được thì ông lên lương không tiếc để loại bớt những người không cần thiết. Ong sẵn sàng trả lương gấp rưỡi tới gấp đôi cho người làm việc bằng hai người thì vẫn còn lời khoản trả Bảo hiểm cho một người thay vì hai người. Kinh tế tư bản chỉ đơn thuần con số lợi nhuận. Tôi nói với Tracy bằng tình đồng nghiệp. Cô ta mừng cho tôi đã hiểu biết về cuộc sống, đời sống Mỹ.
Hôm cô ta đang làm việc hai tay dính đầy bột thơm xài cho máy lọc không khí. Tôi bắt điện thoại và đầu dây bên kia là Cảnh sát muốn gặp Tracy, tôi đưa cái điện thoại vô cổ Tracy cho cô ta nói chuyện. Cô ta nhờ tôi mở xách tay, mở cái bóp nhỏ trong đó để lấy ra miếng giấy màu hồng là bản second copy của ticket Cảnh sát. Tracy nói chuyện với Cảnh sát, tôi trở lại công việc của mình - cùng bàn làm việc. Nhưng đầu óc tôi không quên được tờ cùi check lương của Tracy gấp làm tư, nhưng lại lộ diện đúng cột tiền lương là $8.75/giờ. Tôi buồn nhiều hơn vui là mình hơn lương Tracy.
Đúng như tôi đã nghĩ. Ong Manager kiếm chuyện với Tracy bằng công việc. Ong ta giao việc quá sức cho Tracy không thông qua Supervise. Tracy nói tôi:
"Việc này, tao với mày không phải làm. Dưới line họ làm thành phẩm rồi giao lên đây cho mình như từ trước tới giờ. Tao với mày chỉ có việc ship đi cho khách hàng bằng phương tiện thỏa thuận của Hãng với khách hàng là gởi xeTruck hay UPS. Ong ta muốn kiếm chuyện… nên tao nhất định không làm. Mày có muốn làm thì làm, tao nhất định không làm!"
"Vậy… tao cũng không! Nếu bị đuổi thì mày đi đâu xin việc, nhớ dẫn tao theo là được." Tôi nói.
"Sao mày nghĩ vậy" Mày đang có việc làm và lương tốt…" Tracy nói.
"Khi có tranh chấp ở Hãng xưởng. Tao đứng về phía chủ thì tao tự biến mình thành nô lệ. Tao đứng về phía đồng nghiệp, cùng lắm!... Bị đuổi cả đám thì tao cũng còn bạn bè có thể tin được." Tôi nói.
Cô ta im lặng và cảm động. Tình hình thấy rõ là ông Manager cố ép Tracy tự ý thôi việc để ông khỏi trả tiền thất nghiệp. Tôi bắt đầu hiểu biết về tư bản Mỹ sau những nụ cười xã giao vô cùng lịch thiệp. Tôi nói với Tracy phải cân nhắc lợi hại trong việc tự ý thôi việc hay để cho Hãng lay-off " Tự ý thôi việc thì đi Hãng khác có thế mạnh là khi họ gọi lại Hãng này để check tiểu sử cá nhân thì mình có lợi. Nhưng bị lay-off  thì có lợi về tiền thất nghiệp trước mắt, rộng thời gian để đi tìm việc đúng ý!
   Tracy lắc đầu với tính toán của tôi, nhưng cô ta không phải người Việt nên mới mấy ngày, ông Manager xuống cự nự "Sao không làm"" Cô ta cự lại thẳng thừng… bỏ về theo phong cách Mỹ 100%. Tôi đứng nhìn theo. Buồn.

2.

 Chiều đó, tôi ra chỗ hẹn mà Tracy nói lúc xế chiều-sau khi cự té tát với ông Manager. Chúng tôi uống bia tới tối. Tôi ra về với những thông tin không vui tí nào, những thông tin mà Tracy cho hay, hoàn toàn bất lợi cho tôi. Cô ấy nói: "…Joe Wall là xếp tốt nhất với nhân viên trong mấy ông Supervise ở Hãng mình. Nhưng cũng là người cam phận thủ thừa, ông ta rất sợ đôi co với cấp trên vì quyền lợi bản thân. Tóm lại, ông ấy chỉ tốt tới mức đừng đụng chạm tới quyền lợi Supervise của ông ấy, và ông cũng không thích nhân viên ưa tạo ra đôi co với cấp trên…
   Ong Manager là người tài giỏi nhưng bất lương. Ong ấy trọng người tài đến khi hết cần (không làm lợi được gì cho ông ấy nữa) thì đá ra-không tình nghĩa gì hết! Joe Wall đã lên tiếng về lương của tao ít nhất cũng phải bằng mày… nhưng Joe Wall cũng không hiểu chuyện riêng của Manager! Ong ta cố ép tao tự thôi việc vì đã hoàn toàn tin tưởng vô mày, đồng thời ông ta muốn lấy chỗ cho Jennie! Nó làm biếng và ngu tới hết cỡ nên con Supervise Việt Nam dưới xưởng cố tống nó đi. Đi đâu" Nó cặp bồ với ông ấy nên chỉ còn cách đẩy tao đi, đưa nó lên với mày. Mày sẽ làm hết công việc cho nó ngồi chơi ăn lương. Hiểu chưa"..."
Tôi biết nói gì hơn khi nghe những tin tức thâm cung bí sử của xếp lớn. Tôi hiểu Tracy nhiều hơn mình thường nghĩ… Thì ra, cô ta biết hết lương bổng của tôi, biết quá nhiều chuyện trong Hãng, nhưng đối xử tử tế với tôi-người lấy chỗ cô ta một cách bình thản đến bất lương. Chúng tôi chia tay sau bữa bia đáng nhớ.
Cô ta có trở lại Hãng đúng ngày sinh nhật tôi để cùng đi ăn trưa được một lần. Tôi thành người nô lệ thứ thiệt vì làm việc hai người mà lãnh có một đầu lương. Jennie muốn đến mấy giờ; về mấy giờ" Không thèm nói với Supervise một tiếng! Cô ta khai thác hết cái body bốc lửa của mình kể ra cũng hơi rẻ. Tôi thành bạn với Joe Wall vì chỉ có tôi là kín tiếng khi nghe ông thở than. Ong thường xuống chỗ làm để tự tay giúp tôi những hôm công việc ngập mặt mà Jennie thì đú đởn nhở nhơ, chả có việc gì cũng cầm vài tờ giấy lên phòng Manager cả buổi! Chả coi Supervise của mình ra gì. Joe Wall nói với tôi trong thân tình: "Lương-công-nhân của mày đã đụng trần nhà (ceiling)! Có cơ hội thì nhảy Hãng khác đi. Tao làm Supervise đã 10 năm mà lương tao cũng không hơn mày là bao! Mày không có khả năng lên lương hơn nữa thì dông đi trong thế mạnh là mày có khả năng làm việc tốt. Và thời buổi dễ kiếm việc làm…"
Tôi nhảy. Sang Hãng mới với jop cũ, lương $13/giờ. Tôi muốn liên lạc với Tracy để kéo cô ấy về đây vì Hãng cần thêm một người làm việc với tôi. Nhưng không cách gì liên lạc được vì thời ấy Cellphone còn mắc mỏ quá, chưa dám xài. Phone nhà thì tôi đã mua nhà nên không còn số phone ở Aparterment mà tôi đã ghi cho Tracy.
Chia tay nhau 5 năm, từ hôm Tracy trở lại mời tôi đi ăn trưa vào ngày sinh nhật mình. Thỉnh thoảng tôi thấy cái xe Ford truck -F150  to lớn, cũ xì, màu xanh lá cây, chạy trên đường là tôi đuổi theo với mong ước được gặp lại Tracy. Nhưng hoàn toàn thất vọng. Những buổi chiều ngày nghỉ, sau khi cắt cỏ, rửa xe… tôi đi vòng vòng căn nhà mình, nhìn vô cái xe mới mua được trong garager. Tôi nhớ Tracy. Trong gia tài tôi đang có, có sự giúp đỡ buổi đầu của cô ấy thật đáng kể. Không có Tracy thì tôi đâu biết tới cái Computer là gì" Nói chi tới những ma thuật back-up những dữ liệu khơi khơi bị mất vì cúp điện bất tử; vì trâu buộc ghét trâu ăn-phá mình! Ước gì mời được cô ấy đến đây để uống với tôi chai bia thể hiện lòng biết ơn của một người di dân tay trắng. Không biết giờ này, cô ấy nơi đâu" Có sống thoải mãi và hạnh phúc không"...
Ngoài kia tuyết giăng đầy, mùa lễ Tạ Ơn làm tôi nghĩ đến những người đã giúp mình. Tôi nghĩ tới Tracy. Trông mong gặp lại. Vợ tôi đọc báo để la lên "Anh ơi! Toyota, 5 năm không tiền lời, nè! Anh mua đại cái xe mới chừng 20 ngàn/ down 5 ngàn, thì mỗi tháng trả ba trăm… nhẹ re! Anh sửa chi cái xe cũ hoài, vừa mất thời gian mà tuần nào cũng tốn vài ba chục…"  Tôi trả lời bằng cách mặc thêm áo lạnh vì nhớ ra hôm qua, tôi đi xét xe (inspection) không pass. Bể pô thì tôi đã thay pô mới-sáng nay ngoài garager lạnh buốt. Nhưng cái đèn đỏ phía sau thì đi đi uống bia ở nhà ông bạn, tối de trở đầu đã báo hại ông bạn phải thay thùng thơ mới! Xe tôi thì bể đèn. Hôm qua, người thợ sửa xe Việt Nam mách nước cho tôi: "Anh ra nghĩa địa xe mua cái đèn cũ cho hợp với xe anh thì chừng hai chục. Mua đèn mới cả trăm mà lại coi kỳ!..."
Tôi lái xe đi trong tuyết giá lạnh lùng. Con đường ra ngoại ô theo miếng giấy chỉ đường của người thợ sửa xe đã dẫn tôi đi tới nơi tôi muốn đến nhất! Tôi vô Văn phòng của nghĩa địa xe, mấy người đàn ông Mỹ đang uống rượu bên lò sưởi. Họ nói tôi: " Mày tự đi tìm cái đèn mày muốn đi. Tụi tao cho không mày đó! Còn muốn tụi tao đi tháo cho mày thì năm chục." Dĩ nhiên là tôi tự đi tìm với cái Crewriver mà họ cho mượn.
Tôi lang thang trong nghĩa địa xe lạnh buốt xương, gió ù ù thổi, những bông tuyết li ti bay vội về cuối trời… Xe Mỹ thì nhiều mà xe Nhật thì hiếm hoi như hoa lạc giữa rừng xe. Tôi đứng tim khi bất chợt thất một bóng người cũng co ro trong áo ấm. Không lẽ linh hồn những chết vì tai nạn giao thông, còn trở lại đây để tìm kỷ vật trong những xác xe phế thải này" Tôi nhìn trân trân vào đôi mắt xanh người nữ, vài lọn tóc vàng phất phơ với gió đông phong đến nổi da gà. Cô ta cũng nhìn tôi trân trân… đếm thời gian. "Mày là Du-Ti, phải không"" Chúng tôi ôm nhau thật lâu. Tracy lau vội nước mắt rồi nói tôi vô xe. "Khùng quá, khùng quá! Tao với mày khùng quá…!" Nói vậy mà buông nhau ra thì cô ấy lại ôm tôi lần nữa cho thoả bặt tin.
Bữa nhậu giữa trời tuyết bay mà tôi nhớ hoài. Sự nghiệp chai-ly từ Việt Nam sang đây, chưa có độ nào đáng nhớ như hôm nay! Tracy moi dưới ghế lái xe của cái xe Ford truck màu xanh lá cây, lấy lên chai rượu còn hai phần ba. Rượu vơi theo chuyện kể về mình. Tôi có nhà, có xe, cuộc sống ổn định nhờ công ăn việc làm, tốt. Gia đình hạnh phúc nhờ thuận vợ thuận chồng… Cô ta, ăn ở với người đàn ông ra tù, rồi lại vào khám vì anh ta không giữ lời xây dựng lại từ đầu với cô ta để có một gia đình như cả hai mong muốn. Buồn. Cô ấy buồn hơn là đứa con gái đã trưởng thành nhưng không nghe lời mẹ. Nó bỏ học theo bạn trai đi sống ở tiểu bang khác, được vài năm thì bỏ nhau. Đem con về cho mẹ, nuôi, rồi lại đi… không biết đi đâu"! Thằng con trai đã lớn, học hành cũng không mấy hứa hẹn tương lai, ưa trốn học để vui đùa ngoài lớp.
Điều làm tôi bất ngờ nhất là cô ta vẫn chưa trả hết nợ nhà băng mà cô ta đã mượn sáu năm trước để đưa con đi chơi Disney Land. Cô ấy tính nhẩm cho tôi nghe là tiền lời đã qua tiền vốn nhưng nợ vốn vẫn còn nguyên. Lạ lùng hơn nữa là cô ấy không buồn phiền chuyện nợ. Cô ta vui vì đã làm được một việc mà cha mẹ cô ấy không làm xưa kia, khi cô bé Tracy xin được đi Disney Land một lần. Nhưng cha mẹ cô ấy đã từ chối. Cô buồn bã, bỏ nhà đi hoang khi tuổi đời quá trẻ, nên mới có hai đứa con mà hai người bạn tình đã thành dĩ vãng. (Cô ấy đã ép tôi suy nghĩ nhiều ngày sau đó về cách nghĩ, cách sống của người Việt và người Mỹ. Càng nghĩ càng Đông-Tây đến hoang mang.) Tôi không nghĩ nhiều về đặc ân mà tôi đã được hưởng từ cha mẹ mình, vì hoàn cảnh tuổi nhỏ của tôi ở quê nhà là chiến tranh. Lo chạy giặc suốt thời thơ dại, ước mơ một bữa no, một tối ngủ không sợ pháo kích đã là hoang đường. Tôi tính hoài không ra khoản tiền đưa gia đình đi chơi một tuần ở những nơi xa như Disney Land bên Florida hay California. Khi tôi có đủ điều kiện để đi một chuyến thì con cái đã lớn, chúng thích đi chơi với bạn hơn đi với cha mẹ. Vợ tôi không đồng ý khi nghe tôi nói ra những ân hận khi con còn nhỏ. Lẽ ra mình đừng quá tính toán, cho chúng đi chơi đó đây thì bây giờ không có gì ân hận! Tôi so sánh gia đình mình với gia đình Tracy ngay trong lúc chúng tôi trò chuyện, ngay trong men rượu thấm dần đến khi chúng tôi say và ngủ trong phòng lái của cái xe Ford truck tồi tàn đến trời nhá nhem. Mấy người trong nghĩa địa xe đánh thức chúng tôi ra về cho họ đóng cửa. Tôi đưa Tracy mảnh giấy viết vội về địa chỉ nhà, số điện thoại của tôi để liên lạc.
Tôi trở về nhà trong âu lo của vợ vì thời tiết xấu mà tôi đi quá lâu. Chẳng mua được đèn xe, lại còn nồng nặc mùi rượu. Thay vì cằn nhằn cho tôi một trận. Vợ tôi chúi mũi vô cái computer mới mua, không trèo lên mạng "Tâm tình bạn gái" như phụ nữ ưa làm như thế! Em theo dõi thị trường chứng khoán để đầu tư. Tôi tự hỏi mình đầu tư vô gì đây" Sao tôi cứ mãi hoài là người vớ vẩn.
Sáng ra, thay đồ đi làm, tôi buồn hơn hôm qua khi thấy lại miếng giấy trong túi áo lạnh mình. Tracy là như thế! Cô ấy coi tôi là người bạn chân thành để nói hết khổ tâm; nói hết những chuyện khó nói của một người nữ-nhất là nói với người đàn ông không cùng màu da tiếng nói. Nhưng Tracy ương ngạnh, ngang bướng, lúc nào cũng thách thức cuộc sống một mình. Cái nghị lực đáng nể của Tracy đã cho tôi bài học: Sống làm sao ở xứ sở này"!
Thời gian trôi theo cơm gạo áo tiền, những lần sinh nhật tôi diễn ra trong đầm ấm gia đình với chút quà của vợ con, bữa ăn lãng mạn hơn bình thường với bình hoa tươi trên bàn. Tôi thường nhớ tới Tracy, vì không tin cô ấy có được những hạnh phúc nhỏ nhoi mà cần thiết như tôi đang có. Những hạnh phúc lẽ ra thuộc về người bản xứ chứ không phải di dân. Tôi mang mặc cảm mình đến đây đã cướp đi công ăn việc làm là căn bản của cuộc sống hạnh phúc của người bản xứ. Tôi nói với người Việt điều này, ai cũng cho tôi là khùng điên! Tôi nói với người Mỹ, họ trả lời không thật: "Đây là xứ sở cơ hội. Bạn có chí tiến thủ thì bạn thành công. Nên suy nghĩ về những việc làm không phạm pháp thì tốt hơn là nghĩ vớ vẩn!
Ai hiểu điều này cho tôi hơn Joe Wall" Thỉnh thoảng tiện đường, tôi vẫn ghé thăm ông trong tình thân hữu là phía ông nghĩ thế, nhưng tôi nghĩ khác. Tôi là người phương Đông nên ưa mang nặng ơn nghĩa của những người đã giúp mình khi vạn sự khởi đầu nan. Khi tôi làm nhân viên của ông thì ông tặng quà Giáng sinh cho tôi để cảm ơn tôi đã làm việc tốt cho ông chứ không như người Việt ưa tặng quà cho xếp nhân dịp lễ lạc để lập lại thói quen triều cống của người Việt với Thiên quốc Tàu - một thói quen đáng nhục mà người Việt bỏ nước ra đi còn mang theo làm chi"!
Nhưng khi không còn là lính của Joe Wall thì tôi lại ghé thăm ông với gói trà xanh trong tình bạn hữu. Chúng tôi thường ngồi uống trà, hỏi thăm nhau về gia đình, công việc làm ăn… ông Joe đã già hay không còn cần thiết nghiêm nghị với tôi mà ông thường ủy mị khi nắm tay tôi lúc tôi tạm biệt. "Thỉnh thoảng, ghé thăm tao nha. Tao gần retire rồi. Bao nhiêu năm qua, bao nhiêu nhân viên… chỉ có mày với Tracy là thỉnh thoảng ghé thăm tao. Tracy bây giờ khổ lắm! Nó nghiện rượu nên khó kiếm được việc làm tốt, lương nó không bao nhiêu mà còn nuôi cháu ngoại. Con trai nó giận mẹ-bỏ đi lính rồi!..."
   Những tin tức thưa dần về Tracy đến hôm Joe Wall gọi tôi. Chuyện đến phải đến, kết thúc của một người nghiện rượu là tai nạn giao thông. Cảnh sát gọi hết những số điện thoại trong cellphone của cô ấy, chỉ có Joe Wall xác nhận là bạn bè. Chính ông đã ra tay lần cuối với Tracy là hợp tác với cảnh sát để liên lạc con gái, con trai của cô ta. Tôi bàng hoàng với tin Joe Wall cho biết nên vội đến bệnh viện với ông, cũng là lần cuối tôi thấy lại Tracy còn thở-dù là thở bằng bình oxygen. Người bạn tươi vui hôm nào đã như bà cụ vì tác hại của rượu ở độ nghiền. Tôi nắm bàn tay cô ấy đã muộn màng nhưng cứ nói: "Ngộ ái nị, too". Đó là lần cuối cho một tình bạn trên quê hương thứ hai của tôi. Sau đó, con trai cô ấy quyết định rút ống để chấm hết đời sống thực vật cho mẹ mình.
Đường về nhà tôi không xa lắm. Cũng không gian lạnh đầy, nhưng chẳng bao giờ được nhậu với Tracy lần nữa. Con gái cô ta là hình ảnh Tracy của hai mươi năm trước, cũng xinh đẹp với nét ngang bướng, bất cần đời. Đứa cháu ngoại đã hơn 10 tuổi, hơi thiếu hồn nhiên trên gương mặt sớm già hơn tuổi tác vì hoàn cảnh gia đình. Người con trai phong trần trong màu áo lính, đôi mắt anh ta rất buồn. Nó u u cam chịu hơn là những đôi mắt hài lòng cuộc sống…
Tất cả đã thành quá khứ của ngày mai - ngày tôi không còn rượt đuổi khi thấy cái xe Ford truck-F150  màu xanh lá cây trên đường. Vĩnh biệt Tracy. Người bạn Mỹ trong đời tỵ nạn mà tôi sẽ nhớ cô hoài.

Phan
(Viết theo chuyện kể của bạn tôi)

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,650,544
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến