Hôm nay,  

Ngôn Ngữ Và Thơ

18/12/200700:00:00(Xem: 246414)

Người viết: Nguyễn Thi

Bài số 2180-1972-747vb3181207

*

Tác giả Nguyễn Thi, cư dân San Jose, là một nhà giáo dạy Việt ngữ, đồng thời lam công việc của người dẫn giải (facilitator) cho những buổi học thảo nói về Hệ Thống Học Đường tại California dành cho phụ huynh Việt Nam có con đang học từ mẫu giáo đến lớp 12. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà kể về chuyện Dạy Việt ngữ tại Trường Về Nguồn, San Jose, Calif. và trích nhiều bài thơ lục bát ngộ nghĩnh của các em trong lớp học Việt ngữ.

*

“Hàng năm cứ vào độ cuối thu lá ngoài đường rơi rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức nhớ lại những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường…”

Bài học năm nào của Thanh Tịnh nhắc nhở chúng ta một ký ức tươi đẹp mỗi đầu niên học.  Riêng tôi, tôi hồi hộp lo ngại không biết khóa này học sinh của mình có ngoan ngoãn nghe lời thầy cô giảng bài hay là lại chữ thầy thầy giảng, tai em em nghe nhạc hip hop.  Tâm trạng của tôi chắc chắn những thầy cô khác cũng đã từng trải qua, nhất là những thầy cô vác ngà voi mỗi cuối tuần dạy Việt ngữ tại những thành phố có đông người Việt định cư.

Bạn bè tôi cứ thắc mắc: “Tại sao bạn lại phí thì giờ cho những công việc vô bổ ấy"  Những em sinh trưởng tại Hoa Kỳ không có dịp học tiếng Việt đến nơi đến chốn, lại không có cơ hội xử dụng tiếng Việt nhiều ngoài xã hội vì Anh văn là ngôn ngữ ắt có và phải có cho mọi công ăn việc làm và xã giao hàng ngày tại một quốc gia đa văn hóa như Hoa Kỳ.  Hơn nữa cha mẹ các em vì sinh kế gia đình không có thì giờ để tận tình chăm sóc con cái như ở Việt Nam.  Cao lắm là mỗi ngày họ trao đổi với nhau vài câu như: “Con học bài xong chưa"  Con làm bài xong chưa"  Con có đói không, có cần tiền không"” …”

Tôi chọn câu trả lời giản dị nhất là thời buổi kinh tế mắc mỏ, giá xăng leo thang, thay vì chở con đi học rồi trở về nhà chưa đầy một tiếng lại phải lật đật đi đón, vừa phí xăng vừa tốn thì giờ, chi bằng ở ngay tại trường, giúp việc trong văn phòng hay làm phụ giáo, công việc không nặng nề lắm mà lại thấy vui vui khi nghe các em tập tành ê a tiếng Việt.  Trong giờ học, thật đúng là một khung cảnh trường Việt khi ta đi bộ dọc theo những lớp học từ lớp thấp đến lớp cao, các em cố gắng uốn lưỡi méo miệng để đọc cho đúng các chữ có dấu hỏi, dấu ngã; đây đó những bài học lịch sử địa lý Việt Nam được thầy cô khổ công giảng giải.  Tuy nhiên, nếu ai đó ghé ngang qua trong giờ chơi, tiếng la hét, tiếng nô đùa, gọi nhau ơi ới hoàn toàn bằng tiếng Anh, rất hồn nhiên như những người Mỹ bản xứ.

Câu trả lời phức tạp tôi chưa nghĩ ra… Đôi khi tôi tự hỏi tại sao có nhiều người lại chọn nghề “bán cháo phổi”"  Nếu được trả lương, cũng chưa tương xứng với số giờ họ phải bỏ ra để vun bồi kiến thức cho đa số những học sinh chỉ thích chơi hơn là thích học.  Đã vậy còn có những người chịu làm việc không thù lao để được nghe những câu năn nỉ: “Thầy Cô cho em học ít thôi vì trường Mỹ em còn nhiều bài phải làm.  Tiếng Việt nhiều dấu quá, Cô cho em trả lời bằng tiếng Mỹ nhanh hơn…”, hoặc bị phụ huynh than phiền: “Con tôi đi học đều mỗi tuần cả năm trời mà vẫn chưa đọc trôi chảy.  Thầy cứ cho nhiều bài tập, ở nhà tôi thấy mấy đứa coi tivi suốt ngày…”

Ngôn ngữ Việt Nam khi nói lên hoặc viết ra đã diễn tả tư tưởng cảm xúc của tác giả một cách mỹ miều hơn những ngôn ngữ khác trên thế giới.  Chúng ta đã từng được người bản xứ khen tặng “Tiếng Việt của bạn nghe như âm nhạc du dương.”  Trong chúng ta ai ai cũng có một nàng thơ, mặc dầu không chuyên nghiệp, những câu tục ngữ, câu ca dao thường hay dẫn đầu câu chuyện. 

Không gì thích thú cho bằng sau khi giải nghĩa cả tiếng đồng hồ về luật lệ của thơ lục bát với đề tài gia đình cho những em thuộc lứa tuổi từ 11 đến 18 và được nhận lại những ý nghĩ ngộ nghĩnh chỉ có thể xảy ra tại hải ngoại mà thôi.

Tình thương đối với ông bà, chú bác, cô dì:

Bà em thương cháu rất nhiều,

Bà thăm các cháu mỗi chiều thứ hai. (1)

Em thương chú bác của em,

Em thường thăm hỏi cô dì khoẻ không" (2)

Dì Năm em kế má em,

Ở xa em nhớ em thương quá chừng. (3)

Những nhận xét tinh ý:

Ông em đã quá tám mươi,

Nhưng mà vẫn khoẻ và cười luôn thôi. (4)

Chú em mới tuổi bốn ba,

Tóc chú bạc trắng ông già bốn mươi. (5)

Dì em thích nhất là ăn,

Chỉ ăn cơm cá và canh cả ngày. (6)

Em thường làm món chuối chiên,

Má ba anh chị em Hiền thích ăn. (7)

Cô Ba tôi thích màu xanh,

Cô ấy rất thích ăn chanh mỗi ngày. (8)

Những bài học trong cuộc sống:

Chú Năm muốn một con trai,

Bây giờ chú có thêm hai cháu nè. (9)

“Cháu ơi, chú bảo cháu này,

Cháu mà chăm học sau này nên thân.”(10)

Dì em cần có nhiều tiền,

Để cho anh họ liên miên học hành. (11)

Thật khó có thể ngờ rằng thế hệ trẻ tiếp nối tại hải ngoại tuy không có dịp sống trên quê hương Việt Nam thân yêu, qua những bài thơ lục bát dài từ 8 đến 10 câu và những đề tài tự do, các em đã cho chúng ta thấy sự suy nghĩ và nhận xét của các em rất là Việt Nam. 

Đối với những em tâm hồn còn ngây thơ, đi chợ với mẹ và ăn uống vẫn là đề tài hấp dẫn:

 Chợ Quê  (12)

Hôm qua mẹ ghé chợ quê,

Gặp nhiều hoa quả chẳng chê chút nào.

Mẹ mua những quả ngọt ngào,

Và còn mua những quả đào thơm ngon.

Lại mua những quả hồng dòn,

Thật là hấp dẫn ngọt ngon vô cùng.

Nho xanh mẹ mua cả thùng,

Em liền hỏi mẹ có dùng được không.

Em đòi mua quả thanh long,

No tròn bóng bẩy lại hồng đẹp xinh.

Nhà Hàng  (13)

Hôm kia ăn ở nhà hàng

Khi đến ta thấy một bàn trái na.

Ta ngồi vừa thấy trái cà

Tiếp viên đi đến rót trà cho ta

Trước tiên ăn cháo với trà

Ăn xong thì có con gà màu xanh

Món ăn chính có đĩa hành

Thức ăn ngon quá phải dành để ăn

Sau cùng chè nhão cần khăn

Ăn đây ta nghĩ ta làm ngon hơn.

Bước vào tuổi mộng mơ, những suy nghĩ mông lung luôn đặt câu hỏi:

Âm thầm  (14)

Âm thầm chiếc lá vàng rơi

Lặng lẽ xóa bỏ khung trời tuổi thơ.

Tôi mong, tôi đợi, tôi chờ

Thế mà thu đến phai mờ tháng năm.

Thời gian lướt quá âm thầm

Đem theo bè bạn, tình thân con người.

Một năm chớp mắt thành mười

Cuộc đời thay đổi biết cười sao đây"

Nhưng dù đời có đổi thay

Luôn luôn phải nuốt đắng cay để cười.

Già dặn thêm vài tuổi đời đã biết nhớ biết thương:

Gió Đi Gió Về   (15)

Ngồi buồn lại muốn làm thơ

Gọi trăng, gọi gió, gọi thơ lại về.

Nắng tan trên ngọn cây trầu

Gió thì đi vắng làm tàn vần thơ.

Gọi người con gái tôi thương

Cho tôi xin chút vấn vương trong lòng.

Để tôi dệt được áng thơ

Tặng nàng trong lúc tình tôi mong chờ.

Để rồi gặp cảnh hững hờ éo le:

Hôm Qua  (16)

Hôm qua tôi có gặp anh

Mắt anh trong sáng, miệng anh vui cười.

Hoa hồng còn thấy xanh tươi

Nào ngờ hoa héo vào mười giờ sau.

Anh đi quá vội quá mau

Để cho tôi thấy nỗi đau trong lòng.

Tôi giờ vẫn nhớ vẫn mong

Hôm xưa nhiều tiếng giờ không còn lời.

Đau buồn tôi hỏi ông trời

Ông bày chi cảnh mỗi nơi một người.

Còn gì đau đớn hơn khi tình cảm ảnh hưởng luôn đến thời gian, không gian, và thể xác:

Đêm nay  (17)

Đêm nay trời đất lặng thinh

Lòng em đau đớn như đinh đóng vào.

Cả người em thấy cồn cào

Cứ nhớ hình ảnh vẫy chào bước đi.

Thưở ấy anh nói đi thi

Sau khi thi đỗ sẽ đi ngay về.

Lòng em vẫn tin lời thề

Cứ chờ anh mãi bên lề nhà em.

Hôm nay anh đã trở về

Nhưng anh đã quên lời thề năm xưa.

Tuy nhiên, khi Trung Thu đến, các em sống lại với tuổi hồn nhiên:

 Trung Thu  (18)

Trung Thu trăng rất tròn to,

Đi mua bánh nướng về cho ông bà.

Ra ngoài chơi với bạn Hà,

Bọn em ca hát với ba sau nhà.

Anh Hai đem bánh và trà,

Dân qua nhà với nhiều quà cho em.

*

Tết Trung Thu  (19)

Trung Thu là lúc vui đùa,

Trẻ em vui vẻ đi mua lồng đèn.

Lồng đèn nhìn đẹp ông khen,

Em đi trên cỏ mon men tới gần.

Tới gần mới thấy múa lân,

Trẻ em cùng nhẩy trên sân rồi về.

Riêng các em trai, đây là dịp ăn chơi:

*

Thời Thơ Ấu  (20)

Trung Thu em mất nhiều tiền,

Em buồn em giận em điên em khùng.

Hôm qua em gặp bà Dung,

Bà cho bà tặng nhiều tiền cho em.

Em ăn bánh nướng rất ngon,

Ăn ngon mùi cháy cũng còn trong tâm.

Ngày Trung Thu đã qua mau,

Trẻ em chờ đến năm sau trở về.

*

Ăn Chơi Trung Thu  (21)

Trung Thu em đi dạo chơi,

Em đi với bạn chơi bời suốt đêm.

Ăn rồi em muốn ăn thêm,

Ăn nhiều kẹo bánh rất mềm rất ngon.

Nhưng em không thích kẹo giòn,

Ăn hoài sẽ hư sẽ mòn hết răng.

Ông bà cha mẹ kể rằng,

Ăn xong Trung Thu hàm răng không còn.

Sinh sống tại hải ngoại, nhất là tại San Jose, California, thành phố đa văn hóa được mệnh danh là thung lũng tình thương của người Việt, các em có nhiều cơ hội trao đổi sinh hoạt trong cộng đồng vào những dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ Hai Bà Trưng, Tết Nguyên Đán, Tết Trung Thu… Đặc biệt những học sinh trung học Việt Nam có dịp thi thố tài năng Việt ngữ qua những chương trình Đố Vui Để Học, Thi Diễn Văn Nghệ, Thi Hùng Biện, … do hội Viet-American Foundation tổ chức trong 15 năm qua.

Thiết nghĩ ngôn ngữ và những lời thơ trên của các em cho chúng ta nhận thức rằng nếu mỗi người trong chúng ta khuyến khích và tạo cơ hội cho các em tiếp tục sinh hoạt với ngôn ngữ Việt, thì thời giờ, những hy sinh vật chất cũng như tinh thần vẫn không phải là một giá quá đắt mà chúng ta phải trả để nuôi dưỡng con Rồng cháu Tiên.

Nguyễn Thi

Chú thích

Bài thơ Lục Bát của lớp 5A, 5B trường Việt Ngữ Về Nguồn tại San Jose, CA, khóa 20-21, 2006

 1. Nguyễn T. Kim-Hạnh

2. Lâm Crystal

3. Nguyễn T. Miêng   

4. Trần Thanh Vân Kathie

5. Nguyễn Thu-Anh Anne  

6. Nguyễn Ngọc Quyên 

7. Đỗ Minh Hằng

8. Thiều Phương Hà

9. Đinh Tâm Anthony  

10.  Nguyễn Ngọc Crystal

11.  Đinh An Bê Kevin 

12.  Lý Xuân Kimberly

13.  Nguyễn Hải-Mi

14.  Lê Thị Nhung

15.  Phạm Vũ Xuân Vinh 

16.  Lê Thị Hồng

17.  Đỗ Chí Việt-Thường

18. Nguyễn Ngọc Quyên 

19.  Trương Tammy

20.  Trần Anh Vũ

21.  Nguyễn Xuân Văn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,933