Hôm nay,  

Đại Sứ Thiện Chí

19/11/200700:00:00(Xem: 263487)

Tác giả: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 2153-1945-721vb2191107

*

Diệu Hương là tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà và bài về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

*

"Sweet Tomatoes" không phải là những trái cà chua ngọt mà là tên nhà hàng quen thuộc của chúng tôi, một nhà hàng loại "salad buffet, all you can eat", mà có người dịch là "ăn bao bụng" nghe vừa trần tục, vừa đi xa nghĩa gốc của tiếng Mỹ! Ở đó mọi người đều trả một số tiền giống nhau cho bửa ăn và tha hồ ăn cho đến lúc bao tử không còn chổ chứa.

Ở đó, những anh chàng bồi bàn trong bộ đồng phục màu xanh như màu của những bông  cải broccoli đi quanh các bàn ăn của thực khách, không phải để lấy orders mà chỉ là để  thu dọn những cái dĩa dơ. Một người trong số họ, đội thêm cái mũ màu trắng của chef cook, cũng đi quanh các bàn ăn chỉ để mời khách ăn món bánh ngọt rất phổ thông của Mỹ "chocolate chip cookie" được các em bé và... rất nhiều người lớn thích. Những cái bánh cookies của "Sweet Tomatoes" có đủ tiêu chuẩn "bánh mới ra lò, nóng hổi vừa thổi vừa ăn" vì nhà hàng có cả một bakery, chổ sản xuất bánh ngọt làm bánh liên tục, nên quầy bánh ngọt của họ là nguyên nhân để "Sweet Tomatoes" trội hẳn so với những nhà hàng "Salad Buffet" khác.

Tôi mê "Sweet Tomatoes" vì đó là nơi tha hồ ăn mà không sợ bị mập ra, không sợ bị cả trăm thứ bệnh trên đời mang đến từ miếng ăn. Ở đó cũng là nơi "all you can eat" duy nhất bạn có thể ăn no càng cứng bụng mà không bị mệt mỏi, không bị buồn ngủ, không bị nhức đầu vì trong thức ăn có bột ngọt (MSG), không bị ám ảnh bởi bệnh cao máu, bệnh mỡ trong máu, bệnh tiểu đường... Ngay cả món kem tráng miệng cũng được làm tại chỗ rất fresh với sữa low fat hay skim milk được loại bỏ gần hết chất béo nên chúng tôi tha hồ ăn mà không bị e ngại số lượng calories nạp vào quá lớn có thể làm cho quần áo nhích lên một size trong thời gian rất ngắn. Tiệm ăn không có thực đơn mà chỉ có một quày rau dài khoảng 30 feet (khoảng chín thước) toàn rau tươi hay rau luộc đủ màu trông rất bắt mắt và hấp dẫn, chỉ tiếc là không có mùi thơm dễ chịu của những loại rau Việt Nam như rau thơm, tía tô, húng quế, diếp cá, ngò gai...

Hôm nào nhà hàng không đông khách, có thể tự ý chọn chỗ ngồi, chúng tôi đều chọn chỗ ngồi trong góc để có thể quan sát toàn cảnh tiệm ăn. Hơn thế nữa, phía trên cái bàn trong góc này còn có treo hình một con gà trống với cái mào đỏ và một bụi trúc trông rất giống hình trong quyển sách Tập đọc hồi Tiểu học ở Việt Nam.

Ở cái bàn trong góc đó, tôi đã gặp một "Đại sứ thiện chí" có trái tim bao dung và nhân ái. Lần đó, ở bàn bên cạnh, có một gia đình gồm hai vợ chồng và hai em nhỏ khoảng 6, 7 tuổi. Người chồng có vẻ là người Mỹ gốc Do Thái với cái mũi cao to, không lộ rõ ra ngoài lòng thương con như người vợ, dường như là một người Mỹ gốc Bắc Âu với đôi mắt màu xanh xám. Bà ta chăm chút cho hai đứa bé rất cẩn thận, lâu lâu lại đút cho đứa bé trai, hay thắt lại cái nơ màu hồng trên đầu cho đứa bé gái, chốc chốc lại hỏi hai em ăn có vừa miệng không" Có thích lấy thêm món nào nữa không"

Điều làm chúng tôi chú ý đến họ đến quên cả ăn vì đó có vẻ là một "international family", hai em đó chắc chắn không phải là con ruột của hai ông bà. Em trai có nước da màu sậm của người Phi Châu. Em gái rõ ràng là người Á Châu, nhưng không hiểu là người nước nào" Từ vị trí đang ngồi, chúng tôi không thấy được cặp mắt của em gái. Hình dáng của "cửa sổ tâm hồn" giúp chúng ta phân định được đó là người nước nào.

Trên cái khay thức ăn màu vàng có năm ngăn nhỏ dành cho trẻ em, thức ăn có đủ màu, trông khá vui mắt: từ màu vàng của bắp, màu xanh của những hạt đậu petit bois nho nhỏ, màu cam của cà rốt luộc cắt thành khoanh tròn, màu đỏ của củ dền thái thành sợi mỏng, màu trắng của những thỏi cheese hình vuông và của khoai tây luộc; nghĩa là đủ thứ thức ăn đầy dinh dưỡng của con nít ở Mỹ. Trước mặt mỗi em còn có một hộp sữa và một hộp nước cam nhỏ. Em trai ăn uống rất ngon lành, trong khi em gái uống nhiều hơn ăn.

Khi người cha đứng dậy đi lấy thêm thức ăn, em trai đòi đi theo. Bà mẹ hỏi em gái:

-"Do you want something else, honey""

Thật bất ngờ với chúng tôi, em gái buột miệng:

-"Má, cơm. I want some rice, mommy."

Ở bàn bên này, chúng tôi cùng nhận ra cô bé là người Việt Nam.

Tôi quay sang bàn bên cạnh làm quen với bà mẹ tóc vàng, mắt xanh của em và được "bà mẹ gà" cởi mở kể lại duyên cớ tại sao mình có "hai đứa con vịt".

-"Chúng tôi lấy nhau đã hơn mười năm nhưng không có con. Thay vì dùng đến những phương pháp nhân tạo, chúng tôi quyết định xin con nuôi. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng muốn xin một trẻ sơ sinh cùng màu da với chúng tôi để lớn lên, cháu có cảm giác mình là con ruột. Chúng tôi chỉ đến điền đơn ở một "Adoption Agency" ở địa phương. Tưởng là đơn giản nhưng hồ sơ xin con nuôi phức tạp hơn nhiều người tưởng, có cả "Background check", "Credit check" chi tiết hơn cả việc đi mua nhà và đi xin việc, vừa để chắc chắn những trẻ em ngây thơ vô tội được vào một gia đình đàng hoàng, đứng đắn; vừa để xem quyết tâm của những người đi xin con nuôi. Cũng mất gần cả tháng, sau khi hoàn thành nhiều đơn từ, và đợi có kết quả của "Background check", chúng tôi được vào "waiting list" chờ xin con nuôi. Dù đã được nhân viên ở Agency cho biết muốn xin một em bé sơ sinh Caucasian, thời gian chờ đợi ít nhất là ba năm, lâu nhất là... vô hạn định, chúng tôi vẫn kiên trì chờ. Biết đâu nếu chúng tôi may mắn, một người nào đó ở trên đầu "waiting list" mỏi mệt bỏ cuộc sau bao nhiêu năm chờ đợi, hoặc đã sinh được con, chúng tôi sẽ có một em bé sơ sinh cùng màu da, để khi lớn lên cháu sẽ không có mặc cảm mình là con nuôi.

Để chuẩn bị cho một thành viên mới của gia đình, cái phòng trống trong nhà, chúng tôi đã chuyển thành "baby room" khi vừa hoàn tất thủ tục xin con nuôi. Nhưng ngày qua ngày, tháng nối tiếp tháng, và cả năm lần lượt trôi qua, bụi phủ đầy "baby room", thậm chí một vài món đồ chơi treo ở chổ có ánh nắng mùa hè chiếu vào đã bắt đầu bạc màu.

Ngày tháng dần trôi, hy vọng của chúng tôi càng lúc càng nhạt nhòa. Hình như thời buổi này, người ta không còn sinh đẻ nhiều như thời "baby boomer" của ba mẹ chúng tôi. Dạo đó, những người lính mới được về từ World War II, con nít liên tiếp chào đời, các vị bác sĩ OBGYN làm việc không lúc nào ngơi tay, đi đến đâu cũng thấy babies.

Vả chăng, hiếm khi có người chịu cho đứa con mình đã mang nặng đẻ đau ròng rã hơn chín tháng trời, và mang cả một phần DNA của mình.

Sang đến năm thứ sáu, chúng tôi không còn kiên nhẫn nữa, khi biết cái "waiting list" ngày càng dài thậm thượt, vì chỉ có nối vào ở khúc cuối, mà khúc đầu vẫn còn nguyên. Thế là chúng tôi có ý định xin con nuôi ở ngoại quốc. "Searching" trên internet cả tháng, chúng tôi vẫn chưa quyết định mình sẽ xin con nuôi từ nước nào vì mỗi nước có một luật lệ, thủ tục rườm rà riêng. Thoạt đầu, phạm vi của "international adoption" của chúng tôi mở ra đến Phi châu. Thủ tục đơn giản và dễ dàng hơn ở Mỹ nhiều, thời gian chờ đợi thường không quá ba tháng.

Vừa hoàn tất thủ tục xin con nuôi từ Phi Châu, một hôm, trong chương trình TV buổi tối, tôi thấy tài tử Angelina Jolie xin được một em bé Việt Nam mặt mũi kháu khỉnh, thông minh, chúng tôi đổi chuyến vacation từ Nhật qua Việt Nam, đến thăm các viện mồ côi, may ra tìm được một bé con nuôi. Không đặt nhiều hy vọng, chúng tôi chỉ đi thăm các viện mồ côi ở quanh Sàigòn và tìm được cô bé này."

Bà cười thú nhận rất thành thật:

- "Vì khác màu da, đương nhiên lớn lên các em biết mình là con nuôi. Nên chúng tôi chọn các em ở độ tuổi từ 5 đến 7 tuổi, ở tuổi đó, các em có thể nói ra điều mình muốn, đở vất vả cho chúng tôi nhiều."

Theo lời bà, mặc dù chưa biết đọc, biết viết rành rẽ, nhưng cả Tom đến từ Ethiopia lẫn Lynn đến từ Việt Nam đều nói rành rẽ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình, và lâu lâu vẫn lộn ngôn ngữ gốc vào tiếng Mỹ. Như em Lynn lâu lâu vẫn gọi bà là "má" thay vì "mommy". Hơn thế nữa, các em mới về với cha mẹ nuôi ở Mỹ vài tháng nên thói quen tập quán ở quê hương gốc vẫn chưa phai nhạt nhiều.

Chúng tôi quan sát và một lần nữa nhận rõ thức ăn đầu đời ảnh hưởng đến thói quen của người ta như thế nào. Mặc dù ở giữa nhà hàng có cả chục món soup, hơn mười loại bánh mì, ba món mì sợi spaghetti là những món chính cho buổi ăn tối, Tom chỉ thích ăn bắp. Lynn chỉ thích ăn cơm, mặc dù đó không phải là loại cơm được nấu theo kiểu Việt Nam.

Chúng tôi xin phép bố mẹ nuôi của Lynn để được "phỏng vấn" em bằng tiếng Việt, và sẽ dịch ra tiếng Mỹ cho hai ông bà cùng nghe. Có lẽ cũng muốn biết thêm về background của cô con gái nuôi, họ vui vẻ bằng lòng cho chúng tôi tìm hiểu thêm về em.

Tôi đến quày bánh, chọn Angel Cake, một cái bánh được làm bằng lòng trắng trứng, rất giống với bánh bông lan Việt Nam, và một củ khoai lang màu đỏ cam đầy mật còn nóng để "hối lộ" cho Lynn trước khi hỏi chuyện em.

Ăn xong cái bánh, một phần củ khoai và nghe chúng tôi hỏi bằng tiếng Việt, cô bé Việt Nam 6 tuổi ngây thơ kể cho chúng tôi về chuyện mình "được qua Mỹ với Mommy và Daddy" bằng ngôn ngữ tuổi thơ rất chân thật và hồn nhiên với đôi mắt lãng đãng nỗi buồn:

-"Con không biết ba má đẻ ra con là ai. Ở viện mồ côi, con chỉ có các dì phước và má Bảy nấu cơm cho tụi con ăn. Con sắp được đi học ở các trường dì phước, hay của các sư cô, thì Daddy và Mommy của con đến xin đưa con về Mỹ. Con không muốn đi vì ở viện mồ côi con có nhiều bạn cũng nói tiếng Việt như con, con cũng giúp cho các soeur đút cơm và tắm cho các em nhỏ hơn. Các soeur biểu con đi vì qua Mỹ con sẽ có nhiều đồ ăn, nhiều đồ chơi, có cả búp bê biết nói nữa. Con không dám cải các soeur nên con đi theo Daddy và Mommy. Hồi con đi, mấy đứa bạn con trong viện mồ côi khóc nhiều, con cũng khóc theo... "

Khi chúng tôi hỏi về cuộc sống hiện tại ở Mỹ, đôi mắt màu đen của Lynn đổi từ xa xăm sang rạng rỡ:

-"Daddy và Mommy mua cho con nhiều đồ chơi, dạy con nói tiếng Mỹ, bây giờ con hiểu gần hết mọi điều Mom và Dad nói với con. Con được ăn ice cream mỗi ngày rất ngon, và có đến ba đôi giày màu hồng."

Chúng tôi quay lại dịch cho bố mẹ nuôi của em, với lời kết luận:

-"Lynn vẫn còn nhớ viện mồ côi của em, nhưng hạnh phúc khi sống với ông bà. Chúc mừng ông bà đã có một cô con nuôi ngoan ngoãn, dễ thương. Chỉ độ một năm nữa thôi, ông bà có thể hỏi thẳng em và sẽ được nghe em kể bằng tiếng Mỹ về nơi ở đầu đời của em."

Khi cái "gia đình quốc tế" ở bàn bên cạnh chào chúng tôi ra về thì Lynn chạy đến hỏi tôi một câu hỏi mà tôi không thể có câu trả lời chính xác cho em:

-"Cô ơi, khi nào con được về thăm các bạn, các soeur và má Bảy hả cô""

Tôi ngồi xuống để ánh mắt mình ngang tầm với mắt em, nhìn thẳng vào đôi mắt ngây thơ bằng cái nhìn cảm thông, và trả lời bằng tiếng Mỹ để bố mẹ nuôi em có thể nghe được:

-"Nếu Lynn ngoan, kính trọng và nghe lời Daddy, Mommy, chịu khó học hành cho giỏi, thì ở Việt Nam má Bảy, các bạn, và các soeur cũng vui như được gặp Lynn vậy. Khi nào Lynn viết tiếng Mỹ giỏi thì nhờ Daddy và Mommy gởi thư về thăm các soeur và các bạn. Lynn càng ngoan, càng học giỏi thì càng mau được về thăm viện mồ côi. Cô chắc chắn nếu Lynn ngoan và giỏi thì sau này Lynn sẽ được về thăm lại Việt Nam."

Bạn tôi hỏi lại em bằng tiếng Việt:

-"Con có hiểu hết mọi điều vừa nghe không""

Cô bé Việt Nam trả lời bằng cả hai ngôn ngữ:

-"Yes, I do. Dạ hiểu."

Quay sang bố mẹ nuôi của em, tôi nói mà như nói với chính mình:

-"Tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc vẫn phong tặng danh hiệu danh dự "Đại sứ thiện chí" cho những người nổi tiếng với các hoạt động thiện nguyện có tính cách quốc tế, đặc biệt là nuôi con nuôi ở ngoại quốc. Nhưng với tôi, ông bà thực sự là một trong những "Đại sứ thiện chí" rất thầm lặng, đáng quý nhất."

Chúng tôi nhìn theo cái dáng bé nhỏ của em khuất sau cửa ra của "Sweet Tomatoes" mà nghỉ đến khuôn mặt bầu bĩnh của Pax Thiên, con nuôi của cặp tài tử nổi tiếng đương thời ở Mỹ. Cầu mong cho hàng ngàn em bé mồ côi khác được những gia đình người Mỹ có tấm lòng nhận làm con nuôi, để các em có được một cuộc đời mới, bình an, tốt đẹp hơn, được lớn lên no đủ dưới bầu trời tự do.

Cũng như chúng tôi, bây giờ và trong những ngày tháng tới ở tương lai, những ngày tháng lưu lạc quê người dài hơn thời gian sống trên quê hương chôn nhau, cắt rốn của mình, nhưng thói quen, tập quán đầu đời vẫn còn nguyên. Mỗi ngày chúng tôi vẫn ăn bông cải xanh broccoli mà nhớ đến bông cải trắng cauliflower nho nhỏ của Đàla.t năm xưa, ăn miếng cheese cake màu trắng ngà mà lòng vẫn tưởng nhớ đến món bánh gan mát lạnh màu nâu vàng làm bằng trứng vịt mẹ vẫn cho ăn thời xưa trước năm 1975; Lynn sẽ sống cả cuộc đời còn lại với bố mẹ nuôi người Mỹ nhưng tôi tin chắc từ tận cùng ký ức, em vẫn không quên những củ khoai lang nhỏ bé mộc mạc, thô sơ, không to quá khổ và đầy ắp mật ngọt như "sweet potatoes" ở Mỹ, mỗi lần ăn những dĩa cơm nấu bằng gạo Mỹ có trộn đầy butter và các loại herb, Lynn sẽ nhớ đến những chén cơm trắng nấu bằng lúa miền Tây ở viện mồ côi thuở đầu đời.

Mùi thơm nhẹ nhàng, ngan ngát của tía tô, rau thơm, húng quế, diếp cá, ngò gai... vị ngọt đằm thắm của xôi nếp một, vị ngọt đậm đà của đường mía lau một cách nào đó vẫn hiện diện trong một góc bình yên nhất ở tâm hồn của Lynn, của tôi, của cả triệu người Việt Nam phải sống đời lưu lạc...

Dedicated to bac Dinh va chi Dung with special thanks

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,264,940
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến