Hôm nay,  

Bùa Yêu

25/10/200700:00:00(Xem: 235947)

Bài số 2130-1922-698vb4241007

*

Bồ Tùng Ma tên thật là Nguyễn Tân, tuổi 60, cựu sĩ quan hải quân, định cư tại thành phố Glendale, là một trong những tác giả Viết Về Nước Mỹ được đặc biệt quí trọng. Năm 2002, ông nhận giải bán kết Viết Về Nước Mỹ với các bài viết "Ông Mỹ Chết Nhát" và "Ông Ba Đau Khổ". Năm tiếp theo, ông viết "Tái Sinh", như tự truyện của một cựu sĩ quan hải quân, cựu H.O., hiểu ra lẽ "tái sinh" trong sức sống ồ ạt tại Mỹ.

*

Bà Chinh đưa mắt nhìn cái phòng khách vừa mới được sơn phết lại, được "diện" thêm một bộ sô-pha mới và mấy bức tranh lập thể vừa mua từ Việt Nam. Tết nhất mà, cái gì cũng phải tân trang chứ! Ngay cả cái mặt của bà mà bà cũng phải sửa lại, huống chi phòng khách. Bà chép miệng:

-Phải chi có cái piano ở góc phòng thì tuyệt.

Ông Chinh nói:

-Nhà này có ai biết đờn piano đâu. Ngay cả đờn cò cũng không ai kéo được.

-Ông không biết, chứ ai không biết. Hồi học ở Marie Curie, tối thứ bảy nào tôi cũng được... Madam Helene dạy riêng 1 giờ piano. Tôi học nguyên cả... tháng như vậy, chứ đâu phải ít.

Ông Chinh phá lên cười, muốn sặc cả nước trà ra ngoài:

-Tức là học được 4 giờ, sao bà không đi dự thi dương cầm quốc tế. Thôi, bà có muốn dợt le thì đi Good Will mua một cái piano phế thải rỗng ruột về mà chưng trong phòng khách. Chỉ chừng 10 đô thôi. Có đồ gì lỉnh kỉnh tọng vào trong ruột piano cũng tiện.

Bà Chinh là người ưa dợt le, không những dợt le với người ngoài, mà còn với người thân và với cả... bà nữa. Mình học Marie Curie thật mà, không kiếp này thì cũng kiếp trước. Bà nghĩ vậy và cảm thấy mình không lố bịch chút nào cả. Ông Chinh chỉ buồn cười cho cái tánh lố bịch của vợ, chớ không hề ghét bà, nhất là khi ông nhớ tới những tháng năm bà tảo tần lặn lội đến trại tù cải tạo thăm ông. Vì vậy ông cứ  "cho bà học" Marie Curie dài dài, không cần cải chánh với ai cả. Thật ra có lúc ông cũng hơi bực mình một chút. Tại sao không Gia Long, Trưng Vương, Đồng Khánh... mà phải là Marie Curie. Marie Curie thì có gì hay hơn đâu.

Ông nhìn chằm chằm vào bà, nói tiếp:

-Tôi muốn dẹp mấy bức tranh lập thể. Không hiểu thằng cha đó vẽ cái gì vậy. Cái chổi cùn, miếng giẻ rách hay là cái quỷ quái gì"

-Ông không có trình độ thưởng thức đâu. Thôi, ông lo việc ông đi. Không hiểu sao tôi lấy ông, mà từ chối...

-À, bà nói bà từ chối lời cầu hôn của thằng họa sĩ trốn quân dịch, chuyên đi biểu tình, tác giả mấy bức tranh quỷ quái đó, phải không" Nó là bạn tôi, tôi không biết nó sao. Có cái bằng Trung học Đệ nhất cấp mà nó thi năm lần cũng rớt. Nó nói vì lý do "dốt toán giỏi văn chương". Ôi cha, toán hay văn chương gì nó cũng dốt hết. Bà Đoàn Thị Điểm thì nhầm với bà Huyện Thanh Quan, vua Gia Long thì nhầm với vua Càn Long. Nó chỉ được cái ưa dợt le giống như bà mà con gái thích. Trước đây nó ôm cây đàn ghi ta đi chỗ này chỗ kia, gảy tưng tưng để cua đàn bà con gái, chẳng chịu học hành gì cả. Bây giờ lại bày đặt làm họa sĩ. Nó học trường mỹ thuật nào mà vẽ. Nó chỉ vẽ tranh lập thể thôi, lập thể theo kiểu của nó. Nó đâu có vẽ loại tranh khác được. Vẽ người khó, vẽ ma quỷ dễ mà.

Ông Chinh nói xong lại lẩm bẩm: "Lạ thật. Nó thuộc loại học dốt, cũng chẳng đẹp trai gì lắm, lại mát dây, không hiểu sao phụ nữ thích nó. Hồi trước nếu ông bà già vợ mình không chê nó vô nghề nghiệp thì vợ mình đã là vợ nó rồi. Ai cũng đồn nó có bùa yêu. Cũng có người nói nó bị một con ma đào hoa nào đó nhập vào người sau một trận ốm thập tử nhất sinh, chết đi sống lại. Từ đó nó có biệt hiệu là Tòng Ma. Nhưng theo mình nghĩ, chắc nhờ đàn hát và giọng nói êm ái của nó mà đàn bà thích. Đàn ông yêu bằng mắt, đàn bà yêu bằng tai mà. Mình thì mở miệng nói chuyện với phụ nữ không ra, ăn một cục nói một hòn, còn nó thì thao thao bất tuyệt, có khi nói bậy bạ nữa, vậy mà...". Ông Chinh mỉm cười nhớ lại ông thường bị vợ phê bình về việc ông nói chuyện qua điện thoại "Nói gì như chửi người ta". Ông quen nói như vậy qua máy PRC25 khi hành quân trước đây nên bây giờ vẫn còn thói quen đó.

-Đúng ông là đồ võ biền. Phát ngôn vô căn cứ. Tòng còn là thi sĩ nữa đo -Bà Chinh nói lớn, cắt ngang dòng suy nghĩ của ông.

 Ông Chinh lại cười, sặc cả nước trà ra ngoài:

-Chắc lại làm thơ tự do.

-Đương nhiên. Thời buổi bây giờ mà niêm với luật sao. Nghe này "Mặt trời đóng đinh trên em. Thân thể mù lòa. Chết điếng đôi vai gầy. Trăn trở hạt sương mai... "

-Thôi, đem mấy câu thơ này "phụ đề" lên mấy bức tranh đó là vừa. Tôi nói rồi, dẹp mấy bức tranh đó đi. Ngay cả tranh có giá trị mỹ thuật cao, nhưng mình không hiểu, không thấy đẹp, tại sao cứ phải treo.

-Ông không hiểu chớ ai không hiểu.

-Bà hiểu hả" Bà mà hiểu tôi chết liền. Bà chỉ ráng hiểu thôi, mà hiểu cũng không nổi, phải không" Cũng như mấy câu thơ vừa rồi, bà đang ráng phải không" Việc gì mà khổ vậy"

-Ông không phải là tôi, sao biết tôi không hiểu.

-Bà không phải là tôi, sao biết tôi không biết bà không hiểu.

-Ông chỉ được cái già mồm. Này, trong nhà thì sao cũng được, nhưng có khách đừng có làm ê mặt tôi nghe. Tòng sắp đến Mỹ, có thể ở nhà mình trong mấy ngày Tết.

-Bà nói sao" Tòng ăn Tết với mình" Vậy là tiêu mấy ngày Tết rồi.

-Tòng được một tổ chức quốc tế có trụ sở tại Washington mời qua Mỹ hội thảo về hội họa. Tổ chức chịu mọi phí tổn về ăn ở, tham quan. Đáng lẽ anh ấy đáp xuống sân bay gì đó ở New York nhưng tôi mời anh ấy đến nhà mình ăn Tết trước khi đi hội thảo. Máy bay sẽ đến sân bay quốc tế Los Angeles lúc 8 giờ 20 tối ngày mốt bằng Singapore Airlines, chuyến bay số SQ 28. Ông và tôi đi đón.

-Sao bà không cho tôi biết trước.

-Dành cho ông một sự ngạc nhiên mà! Ông sáng mắt ra chưa" Hồi ông sắp đi Mỹ theo diện HO, mặt ông cứ hếch lên, làm như chỉ có mình ông đi được, còn loại trốn quân dịch như Tòng thì có nằm mơ cũng không thấy nước Mỹ.

-Bà cứ suy bụng ta ra bụng người. Mặt tôi hếch hồi nào" Mặt bà hếch thì có. Nhưng Tòng đến nhà mình thì ngủ ở đâu"

-Thằng Bạch xuống phòng khách ngủ tạm. Tôi qua phòng thằng Bạch. Tòng ngủphòng tôi. Phòng con Chinh cứ để y cho nó.

-Tại sao phải di chuyển rắc rối như vậy. Để Tòng ngủ phòng thằng Bạch không được sao"

- Nhà này chỉ có phòng tôi là tiện nghi hơn cả. Người ta đi hội thảo quốc tế, ai lại để ngủ phòng thằng Bạch nhỏ xíu.

-Nhưng khi nào anh ta rời nhà mình"

-Chắc cùng lắm là tuần sau.

-Hắn ở nhà mình tôi thấy hơi khó chịu, không phải vì chuyện hắn định cưới bà trước đây đâu, mà vì hắn và tôi không hợp nhau. Tôi biết nói chuyện gì với hắn. Nhưng thôi được. . .

-Ông không biết nói chuyện với Tòng thì tôi nói. Phần lớn công việc đón tiếp để tôi lo, ông chỉ việc lái xe và lấy cái gì đó... banh môi ông ra để người ta tưởng ông đang cười, giống như phim gì mình coi trong Lãnh sự quán Pháp hồi trước đó.

Ông Chinh phì cười:

-L'homme qui rit, theo truyện của Victor Hugo.

Bà Tòng nói tiếp:

-Người gì mà mặt mày lúc nào cũng như sắp đâm lưỡi lê. À, còn nữa, khi người ta nói gì mà mình không đủ trình độ hiểu thì im lặng, đừng có nhảy vào miệng người ta mà ngồi tréo chân. Ngày mai thứ bảy không có weekend gì cả. Con Trinh clean phòng khách và nhà bếp; thằng Bạch clean 2 phòng ngủ; tôi lo cái master bedroom cho Tòng; còn ông thì tôi bảo chi ông làm đó. Nói trước này, trưa mốt ông ra chợ Vons mua hai cái bong bóng, một cái xanh da trời, một cái đỏ, lấy viết marker màu xanh đậm ghi trên bong bóng "Welcome To USA", "Welcome To Los Angeles". Còn vòng hoa thì để đến phi trường mua cũng được.

-Ôi chao! Làm gì mà... ghê vậy Hương" Rồi có ôm nó hôn không, tôi hay bà"

-Chắc là tôi làm việc này. Ông thì ma mà ôm.

*

Mới 6 giờ tối bà Chinh đã hối thúc ông Chinh ra xe. Bà nói thà sớm còn hơn trễ vì máy bay đôi khi đến sớm cả giờ, vả lại có thể kẹt xe nữa. Ông Chinh nói chủ nhật mà kẹt xe gì, nhưng ông cũng nghe lời bà, đi ra xe với hai cái bong bóng xanh vàng trên tay. Thấy ông mặc quần jean và áo T-shirt cũ mèm, bà Chinh định bảo ông vào thay áo quần khác, nhưng rồi bà khoát tay bảo đi kẻo trễ. Bà Chinh hôm nay diện một bộ đồ rất trẻ, cái váy xòe màu xanh da trời lấm chấm vàng và cái áo trắng. Nhưng mặt bà mới được kéo da nên trông không được tự nhiên, nó chẳng khác nào mặt tượng Phật Di Lạc bằng sứ, nhất là khi bà cười làm duyên. Ông Chinh định bảo bà bớt cười đi, nhưng ông không nỡ. Chính vì "tội nghiệp" bà như vậy nên ông hay nhịn bà, chớ không phải ông sợ bà. Ông chỉ cần nẹt một tiếng là bà im ngay, nhưng ông không muốn làm vậy. Ông thấy thương bà, gần như thương hại. Bà kéo da mặt lần này là lần thứ ba, chắc bà không dám kéo nữa vì sợ bị... nứt. Da mặt kéo nhưng da cổ không kéo vì nghe nói nguy hiểm hay tốn nhiều tiền sao đó, nên trông cổ bà như được quấn một cái khăn da. Đàn bà tuổi nào cũng thích làm đẹp mà. Mẹ ông nằm trên giường bệnh, nhúc nhích tay chân không nỗi, mà sáng nào cũng bảo đem gương cho bà soi. Ông thấy nhớ mẹ ông vô cùng. Bà đã mất cách đây 6 tháng. Ông còn nhớ ông hay chụp hình cho mẹ, nhưng hình nào bà cũng chê xấu. Chắc mẹ ông tưởng bên ngoài bà trẻ hơn trong hình. Vợ ông cũng chẳng khác gì mẹ ông. Lần nào ông đưa hình ông chụp bà cho bà xem, bà cũng chê xấu, trừ những hình chụp từ xa. Ông Chinh càng nghĩ càng thương vợ và chiều vợ, nên lắm lúc bà chướng như đứa trẻ lên năm mà ông vẫn giả lơ.

Ông mãi nghĩ mà xe đi hết freeway 105 lúc nào không biết. Hai người đến nơi lúc 6 giờ 30. Bà Chinh mua một bó hoa nhỏ nhưng khá đắt tiền, cầm bó hoa bồn chồn đi tới đi lui. Ông Chinh nói:

-Bà làm gì như gà mắc đẻ vậy" Bà đón ông ngoại con Trinh mà... hăng như vậy, chắc ổng không... mất sớm đâu.

-Ghen hả" Sao cái gì nơi ông cũng tầm thường vậy. Ông không có cách gì thoát ra khỏi vỏ bọc tầm thường, cứng nhắc, để vươn lên như người ta sao. Đã vậy còn ngoan cố, không chịu học hỏi. Quân đội đã hại ông, ông chỉ biết bóp cò, nghe lệnh và ra lệnh.

-Còn bà thì sao" Chồng sĩ quan, mà vợ theo sinh viên học sinh tranh đấu biểu tình. Tôi mà không bảo lãnh bà về thì chắc bà đã theo Việt Cộng rồi.

-Đi theo Việt Cộng thì bây giờ tôi đã làm Phó Chủ tịch nước rồi. Cứ nói cho đã đi. Lát nữa nhớ câm nghe!

Cho đến 8 giờ 45 mới thấy tấm bản ghi máy bay đến: Singapore, flight: S28, arrived. Nhưng cho đến gần 10 g vẫn không thấy ông Tòng xuất hiện.

Bà Chinh nói:

-Không biết sao lâu vậy kìa.

-Máy bay đến là được rồi, chỉ sợ...

-Miệng mắm miệng muối.

-Gì mà miệng mắm miệng muối. Chỉ sợ anh ta đem quà cáp nhiều, lại là khách du lịch nữa, nên có thể họ xét lâu.

Bỗng bà Tòng kêu lên:

-Hello! Tòng!

Một người đàn ông trên 50 tuổi, cao lêu nghêu, trong bộ đồ vét đen thui, cà vạt đỏ, tóc chải vuốt ra phía sau, nước da xanh tái, mắt lờ đờ, đang đẩy chiếc xe chứa 2 cái va-li ra khỏi khu cấm. Trông anh ta chẳng khác gì bá tước Dracula đi đâu về.

Bà Chinh định đến ôm người đàn ông nhưng rồi bà chỉ trao bó hoa cho ông ta:

-Không gặp có hai năm mà trông Tòng chững chạc quá.

Ông Tòng nghiêm trang nói:

- Trong một phần... à triệu giây bao nhiêu tế bào chết đi và bao nhiêu tế bào sinh ra. Tôi hôm qua không phải tôi ngày nay, tôi ngày nay không phải tôi ngày mai. Dù thế nào mặc lòng, tình cảm chân thật giữa người và người thật đáng quý. Tôi vô cùng cảm xúc trước sự tiếp đón...  nồng nàn, chân tình và... và... cảm động, nhưng không kém phần long trọng của...  của... Hương. Dưới bầu trời Cali hôm nay, tôi xin... xin cám ơn.

-Thật quý hóa khi bạn còn nghĩ đến tình bạn xưa cũ. Không ngờ qua bao nhiêu thăng trầm của... lịch sử, Tòng đã vươn lên được,... khỏi vỏ bọc tầm thường của một người tay trắng, làm nên sự nghiệp. Tôi xin góp phần vào sự nghiệp của bạn một cách khiêm nhường. Mời bạn tạm trú tại nhà tôi trước khi lên đường hội thảo -Bà Chinh trang trọng trả lời.

-Không khách sáo. Tôi xin nhận lời.

-Bạn đi đường mệt không"

-Không mệt lắm, nhưng có nhiều...  trăn trở, nhất là khi qua cửa ải hải quan. Không biết sao họ truy ra được hũ mắm nêm tôi đem làm quà cho Hương. Có lẽ vì nó bị vỡ bay mùi. Rồi họ xét kỹ quá.

-Họ không biết bạn đi dự hội thảo quốc tế sao"

-Có lẽ họ có mặc cảm tự ti với tôi vì tôi trình giấy tờ về hội thảo. Tôi đưa ra tất cả giấy tờ về hội thảo để được ưu tiên xét hành lý, họ lười, chỉ liếc sơ. Vậy mà họ xem rất kỹ hộ chiếu, giấy thông hành và tờ khai.

-Bạn có còn nhớ thằng cha hải quan đó tên gì không" Mình có thể thưa, à... có ý kiến.

-Chuyện nhỏ. Nghĩ đến chuyện nhỏ không làm chuyện lớn được.

Ông Tòng giao chiếc xe đựng va li cho ông Chinh rồi cầm bó hoa nhỏ đi bên cạnh bà Chinh ra chỗ đậu xe. Ông Chinh cột hai cái bong bóng vào xe rồi đẩy xe lẽo đẽo theo hai người. Gần đến xe, ông Chinh bật remote thế nào mà xe rú lên inh ỏi. Ông Tòng giật mình quay lui ngỡ ngàng nhìn ông Chinh:

-Ủa Chinh đó hả, vậy mà mình cứ tưởng...

-Ôi chào! Ở Mỹ khó ai thuê người ở lắm -Ông Chinh đưa tay ra bắt tay ông Tòng, rồi nói tiếp:

-Tòng trông không khác trước bao nhiêu, giống y như hồi tôi bảo lãnh ở bót cảnh sát ra...

-Thôi, cho va-li lên xe đi -Bà Chinh vừa nói vừa lườm ông Chinh.

*

Hôm nay ông Chinh và Trinh đi làm, Bạch đi học, chỉ còn bà Chinh và ông Tòng ở nhà. Hai người đem ghế ra hiên ngồi nói chuyện.

-Hương này, bạn có được hạnh phúc không"

-Không lấy nhau vì tình thì sao hạnh phúc được. Nhưng thôi, bây giờ mình già rồi, chỉ còn lo cho con cái.

-Bạn mà già gì. Mới trông tưởng chỉ 40, trông kỹ chỉ chừng 25, 26.

Mặt bả Chinh tươi hẳn lên:

-Con mắt họa sĩ của bạn thật là... chính xác. Mỗi lần mình với con Trinh ra đường ai cũng tưởng hai chị em. Có khi nó không sửa soạn, ăn mặc xuềnh xoàng, người ta còn tưởng nó là chị mình nữa đó. Cái con nhỏ thiệt kỳ, 25 tuổi rồi mà chẳng có lấy 1 thằng bạn trai, mình đặt tên Trinh cho nó thiệt là đúng. Mình chưa thấy đứa con gái nào thật thà nết na như nó, chỉ phải cái học hành chẳng ra gì cả. À, bạn có biết Pi-Cát-Xô và gì, à... Văn-Gót không"

-Sao lại không biết. Tôi thích Van Gogh, anh này chúa lãng mạng. Anh ta yêu bà chị họ có con, lớn hơn anh ta đến 7 tuổi. Còn anh chàng Picasso lăng nhăng quá. Dù sao tôi vẫn theo trường phái lập thể của Picasso.

-Tòng uyên bác thật, cái gì cũng biết.

-Chuyện nhỏ.

-Tòng có sang tác bài thơ nào mới không"

-Tôi làm thơ tự do. Một số người không đủ trình độ thưởng thức, bài bát tôi, làm tôi... đứt dây sáng tác luôn.

-Cái thứ dân Việt Nam vô học!

-Đối với thi ca thì họ vô học thật, nhưng đối với hội họa thì có khá hơn. Tháng trước anh chủ tịch xã Cẩm Phô đặt tôi vẽ ảnh ông Hồ. Thấy hình treo lên, anh công an khu vực hỏi tại sao tôi vẽ mặt bác Hồ không giống, mà giống cái hột gà. Anh chủ tịch cắt nghĩa thật lô -gích: không nghe nói bác là người Việt Nam đẹp nhất sao, mà người Việt Nam đẹp thì có mặt hình trái xoan, tức hình cái hột gà.

-Hay thật! Vậy mà người ta nói mấy cha Việt Cộng dốt.

-Bây giờ thời kỳ đổi mới, họ giỏi và chịu chơi lắm, không phải như trước đâu.

-Tòng thấy nước Mỹ thế nào"

-Hoàn toàn thất vọng. Tôi ở đây hơn một tuần mà nhận thức được nhiều điều. Người Việt ở đây chỉ chạy theo đồng tiền, không biết gì về nghệ thuật. Còn người Mỹ thì hình như óc họ chỉ có Hamburger, hot dog. Tôi đưa tranh cho họ xem, ai cũng lắt đầu.

-Khi nào Tòng đi hội thảo hội họa quốc tế"

-Tôi chán quá, đã gọi điện thoại từ chối tham dự. Có lẽ tôi sẽ đi Paris. Người Pháp có văn hóa hơn người Mỹ.

*

Hôm nay ông Chinh cùng thằng Bạch và ông Tòng đi hội chợ Tết. Trinh đi làm nail. Bà Tòng ở nhà. Được chừng một giờ ông Tòng nói khó chịu trong người, nhờ bạn ông Chinh chở về nhà trước. Đến trưa Ông Chinh và Bạch mới về. Đến cổng, thằng Bạch kề tai ông nói nhỏ:

-Ba này! Mấy đêm nay bác Tòng làm gì mà cứ khoảng 2, 3 giờ sáng là thức dậy đi nhẹ nhẹ như ma. Chắc bác muốn xuống vườn hút thuốc, sợ làm phiền người khác. Nhà mình bây giờ toàn mùi thuốc lá. Còn cái restroom nữa, bác bỏ giấy vào bồn làm nghẹt cầu, con phải cho tay vào móc...

-Tội con tôi chưa! Nhưng chuyện nhỏ mà con. Để ý đến chuyện nhỏ, không làm chuyện lớn được đâu -Ông Chinh cười, nhái giọng ông Tòng.

-Nhưng trong nhà mình thì OK. Bác ra ngồi ngoài hiên hút thuốc, bỏ tàn bay qua nhà ông James, ông ta complain quá trời. Sao bác hút nhiều quá vậy"

-Để ba nói với bác. Mấy người nghệ sĩ thường phải hút hút thuốc nhiều mới có hứng mà sáng tác. Có người còn dùng cả cocaine nữa. Bác chỉ hút thuốc là khá lắm rồi.

-Bác Tòng có đi Paris thật không hả ba"

-Sao lại không thật.

-Sao con nghe điện thoại bác Tòng nói với ai đó, gì mà... , để con nhớ coi. À, con nghe mấy câu như sau: "Công ty du lịch toàn cầu đó hả"... Nếu tôi kết hôn ở lại Mỹ thì tôi mất số tiền ký thác phải không" Có cách nào không mất không"... Lấy lại một ít cũng được.... Tôi bỏ ra một số tiền lớn để đi du lịch, mà như vậy thì thiệt thòi cho tôi quá."

Ông Chinh nhìn Bạch nghi hoặc.

Khi mở khóa cửa bước chân vào nhà, hai người nghe có tiếng đàn Tây Ban Cầm và tiếng hát giọng nữ từ trên lầu vẳng xuống. Thỉnh thoảng lại có tiếng thì thầm và tiếng đàn bà cười rú lên như bị thọc lét. Ông Chinh lẩm bẩm: "Cái bà này thật mất nết. Phải nẹt cho bà ấy một trận mới được, còn thằng Tòng Ma... ". Hai người bước lên khỏi cầu thang thì nghe có tiếng động nhẹ phía dưới. Cả hai quay người nhìn xuống. Bà Chinh đang bê một gói thực phẩm vào nhà. Ngay lúc đó có tiếng đàn hát từ phòng con Trinh phát ra: "Stronger than any mountain cathedral, Truer than any tree ever grew. Deeper than any forest primeval. I am in love with you... ".

Sau tiếng hát là tiếng nói ông Tòng:

-Picasso lớn hơn Marie Thérèse Walter đến 29 tuổi. Anh lớn hơn em chỉ có 28 tuổi chớ mấy! Em đừng lo gì cả. Một bức tranh của anh nuôi gia đình mình ít nhất cũng 30 năm. Thêm một bức nữa, nuôi luôn thằng Bạch và... hai bác.

Thằng Bạch đẩy nhẹ cửa phòng. Trinh ngồi tựa đầu lên vai ông Tòng hát, còn ông Tòng thì vừa vòng tay ôm lấy người Trinh, vừa gảy đờn.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,647,042
Chủ Nhật 13 tháng 8, 2017 là họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ năm thứ mười tám, trong khi các bài viết của năm thứ mười chín -2017-18- đã bắt đầu phổ biến từ 1 tháng Bảy.
Tác giả tự sơ lược tiểu sử: Tôi tên là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Mùa Vu Lan đã chính thức bắt đầu, mời đọc một bài viết sống động và xúc động về Mẹ. Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975.
Tác giả là một nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội quen biết tại Little Saigon. Là một sĩ quan VNCH từng du học Mỹ và về nước làm chiến binh, sau 1975, ông biết nhà tù cộng sản,
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn trong một gia đình công chức người Bắc di cư. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh).
Tác giả Hồ Nguyễn, cư dân Buffalọ NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 400 người tử vong...
Với bút hiệu Xuân Đỗ và bài "Hắn và cuốn Nhật Ký Đặng Thuỳ Trâm..." tác giả đã nhận giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2008. Ông định cư tại Mỹ theo diện H.O. và hiện là cư dân Riverside, nam California.
Tác giả hiện là trưởng ban Tuyển Chọn Chung Kết giải Việt Báo từ năm 2017. Tham gia Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, bà nhận giải chung kết VVNM 2001, với bài “32 Năm Người Mỹ Và Tôi” và vẫn tiếp tục viết.
Tác giả họ Trần, trước 1975 là công chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện hưu trí tại Westminster.
Tác giả là một kỹ sư công chánh, cư dân Torrance, California, đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ từ năm 2002. Ông cũng đã xuất bản một số du ký “Á Châu Quyến Rũ”, tập 1 & 2 và “Đi Cruise Bắc Mỹ”
Nhạc sĩ Cung Tiến