Hôm nay,  

Mẫu Số Chung Của Người Lưu Vong

19/10/200700:00:00(Xem: 241581)

 

Người viết: Nguyễn Trần Diệu Hương

Bài số 2126-1918-694vb6191007

*

Diệu Hương là tác giả đã hai lần nhận giải viết về nước Mỹ. Ngay từ năm đầu tiên, với bài "Chương Kết Của Cuộc Đời", cô được trao giải danh dự 2001. Sau 4 năm liên tục góp thêm bài viết mới, cô nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2005, với bài viết về một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà trong dịp 30 lần tháng Tư tại Mỹ, và bài "Cầu Vồng Giữa Mùa Hè", về một quả phụ Mỹ thời chiến tranh Việt Nam. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại vùng San Jose. Sau đây là bài viết mới nhất của cô.

*

Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi phải dùng đến đồng hồ báo thức. Mỗi lần có chuyện gì phải dậy sớm, tiềm thức tôi làm việc ngay cả trong giấc ngủ, nên bao giờ tôi cũng trở dậy đúng giờ, ngay cả trong những năm mười lăm mười bẩy, mê ăn mê ngủ, tôi luôn ra khỏi giường trước giờ phải thức giấc ít nhất là mười lăm phút.

Thói quen dậy sớm đó theo tôi vượt biên, lưu lạc ở Mã Lai, Phi Luật Tân, Nhật rồi đến quê hương thứ hai ở Mỹ. Dù ở đâu, đêm trước dù có đi ngủ rất trễ, hôm sau tôi vẫn thức giấc đúng giờ. Mỗi lần đi business trip hay đi du lịch, bao giờ tôi cũng chọn chuyến máy bay sớm nhất trong ngày vì tôi thuộc loại người quen dậy sớm, như người Mỹ vẫn gọi là "morning person". Do vậy, tôi phải đến phi trường rất sớm khi các xa lộ chưa đông lắm vì cả thành phố lẫn dân địa phương vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Nhưng lúc đó, tôi có cảm giác tiền đóng thuế từ mỗi paycheck của minh chỉ dành để xây dựng những xa lộ rộng mênh mông, không bị kẹt xe như giờ đi làm hay giờ tan sở, nhìn từ máy bay, các xa lộ giống như một bãi đậu xe rộng và rất dài, xe cộ phải nhích lên từng thước một.

Chiều hôm trước, vừa sắp xếp đồ vào vali, vừa nói chuyện qua điện thoại với một công ty shuttle bus chuyên đưa người ra phi trường, tôi yêu cầu một người nữ tài xế để đỡ bị ám ảnh bởi những bài báo có những ông tài xế Taxi không tốt thảng hoặc vẫn xẩy ra đâu đó trong nước Mỹ. Hôm đó không có một tài xế nữ nào làm việc trong khoảng thời gian tôi cần xe taxi. Chừng như hiểu ý tôi, người trực điện thoại trấn an tôi:

- Chúng tôi sẽ sắp xếp cho cô một tài xế cẩn thận và tốt nhất trong các nhân viên của Công ty chúng tôi.

Sáng sớm, tôi trở dậy trước khi "wake up call" của khách sạn reng lên từ điện thoại. Và rất đúng hẹn, chiếc shuttle bus mầu vàng đã chờ sẵn ở cửa chính của khách sạn. Người tài xế khá đứng tuổi, với tiếng Mỹ đầy accent của tiếng mẹ đẻ, mở cửa xe sẵn sàng với nụ cười thân thiện làm tôi yên tâm hơn:

- Good Morning, cô đến phi trường LAX phải không" Hãng máy bay nào vậy"

Chưa đầy sáu giờ sáng, mặt trời còn ngái ngủ, thấy người tài xế tóc trắng mầu sương khói có vẻ phúc hậu, tôi cười đáp lại ân cần:

- Ông, ông có muốn uống cà phê từ khách sạn không" Tôi trở vào lobby lấy cà phê cho ông" Tôi sẽ đi máy bay của Southwest.

- Cảm ơn cô rất nhiều, tôi vừa ghé một tiệm Starbucks ở đầu đường.

Chiếc mini van mầu vàng bắt đầu vào xa lộ khi trời hừng sáng, đèn đường vừa tắt, nhường chỗ cho mặt trời soi sáng những lối đi của xa lộ hãy còn thênh thang, chưa bị kẹt xe. Hình như đó cũng là lúc dễ lái xe nhất trong ngày.

Người tài xế, ở vào độ tuổi sắp bước vào sáu mươi, không phải tập trung vào việc lái xe, rất cởi mở kể cho tôi nghe những vui buồn trong nghề lái xe taxi của mình, khi tôi hỏi ông trung bình mỗi ngày bao nhiêu lần ông đến phi trường" Ông kể về những hành khách thuộc đủ mọi quốc tịch mà ông đã có dịp đưa đón, từ những người Mỹ bản xứ, rất thực dụng nhưng cũng rất hào phóng khi cho tiền tip, đến những khách du lịch đến Mỹ, rất dễ nhận ra nhờ giọng Mỹ rất cứng, đầy aaccent tiếng mẹ đẻ và quyển tự điển song ngữ trên tay. Ông hỏi tôi gốc gác ở đâu" Như từ bao giờ, tôi vẫn tự hào trả lời mình là một thuyền nhân đến từ Việt Nam.

Có vẻ là một người biết chút ít về Việt Nam, người tài xế hỏi tôi:

- Vào đầu những năm 80, cô có thấy người Nga ở Việt Nam không"

Câu hỏi đưa tôi về với hình ảnh những người được gọi là "chuyên gia" Nga mà vào cuối thập niên 70, chính quyền ở trong nước không muốn người dân tiếp xúc nhiều.. Chỉ cần cho tôi xác nhận có biết về những người Nga, ông tài xế người Mỹ gốc Afhganistan như chạm đến nỗi lòng kể cho tôi nghe cả một "ân tình mang theo" từ ngày bỏ quê nhà ra đi.

Ông Kal, tên người lái xe, cũng là một người lưu vong như tôi, và cả trăm ngàn người Mỹ gốc Việt khác, đã kể cho tôi nghe về quãng đời lưu lạc của ông từ khi ông trốn khỏi quê nhà, dưới sự thống trị của "Liên bang Sô Viết" hay Cộng sản Nga thời đó. Thì ra nỗi lòng của những người Mỹ gốc ngoại quốc lưu vong (dù là gốc Ba Lan, gốc Nga, gốc Cuba, gốc Việt Nam, hay gốc Trung Hoa...) đều có một mẫu số chung,. giống nhau ở chỗ "nỗi niềm mang theo" luôn có sự ghê sợ chính quyền Cộng sản đã một thời áp bức mình ngay trên quê nhà. 

Hồi đó, không chịu nổi sự thống trị sát máu của chính quyền Sô Viết từ Nga, ông Kal đưa cả gia đình gồm vợ, mẹ và hai con còn rất nhỏ vượt biên giới trốn khỏi Afghanistan. Sau nhiều gian khổ như mọi cuộc vượt biên giới, ông và cả gia đình được nhận vào Mỹ như những người tỵ nạn chính trị.  Gia đình ông gồm năm người, chỉ có hai người ở trong độ tuổi lao động bắt đầu cuộc sống mới với hai bàn tay trắng như hầu hết những người lưu vong khác. Gánh nặng đè lên vai của hai vợ chồng người Afghanistan tỵ nạn Cộng sản gồm bà mẹ già, hai đứa con nhỏ, cái gia tài chỉ vỏn vẹn mấy tấm hình gia đình và mấy bộ quần áo. Lúc đó là đầu mùa hè, mùa hái ra tiền của những Công ty xây dựng, ông Kal được nhận làm như một người phu thợ hồ, một cái nghề không liên quan gì đến một thời ông đã đứng trên bục giảng một trường Trung học ở Afghanistan, Bà vợ chưa từng đi làm ngày nào hồi còn ở trong nước như hầu hết đàn bà con gái ở Afghanistan- xin vào làm người dọn dẹp phòng ngủ ở một khách sạn lớn. Mỗi tối hai vợ chồng về nhà, người mỏi nhừ vì công việc lao động chân tay họ làm suốt tám tiếng, nhưng họ không hề ân hận mình đã trốn khỏi quê hương để sống ở quê người. Mọi việc ở nhà trông cậy vào bà cụ thân sinh ra ông, từ việc nấu nướng, dọn dẹp, đến đưa đón hai đứa con nhỏ đi hoc ở trường Tiểu học cách nhà chỉ một block.

 Hiểu rõ nỗi vất vả của con trai và con dâu, hiểu rõ thân phận lưu vong của mình, bà cụ chu toàn bổn phận của mình một cách toàn hảo, mặc dù bà không biết lấy một câu tiếng Mỹ. Bà không dám nhấc điện thoại mỗi lần chuông điện thoại reo, vì biết là mình không thể hiểu được ngôn ngữ ở quê người. Ông Kal lập ra một quy ước để cả gia đình có thể liên lạc với bà cụ qua điện thoại. Chuông điện thoại reo 3 tiếng, họ gác máy, gọi lại lần thứ hai, lúc đó, bà cụ biết đó là điện thoại từ người nhà, an tâm nhấc máy.

 Đi chợ hay đi xe bus ở Mỹ thì đâu cần phải hiểu hay nói được tiếng Anh. Điều thống nhất tuyệt vời của ngôn ngữ là những con số, bao giờ cũng giống nhau, dù ở một quốc gia nào. Cứ thấy người khác làm sao thì mình làm theo y như vậy.

Mỗi lần đến một nơi nào cần phải giao tiếp bằng tiếng Mỹ, một trong hai đứa cháu của bà đi theo để làm thông dịch viên cho bà nội, từ thời hai cậu bé còn ở trường Tiểu học mãi cho đến bây giờ đã trở thành hai thanh niên ở trường Đại học, vẫn ngoan ngoãn đưa đón bà nội quê mùa, mỗi lần ra khỏi nhà vẫn có một miếng khăn nhỏ phủ từ đầu xuống đến lưng như từ hồi còn ở quê nhà. Từ gương hiếu thảo của bố, hai cậu con trai biết bổn phận của mình đối với cha mẹ và bà nội.

Khi nhân dân Đông Âu đứng lên lật đổ được chế độ Cộng sản, Cộng hoà Liên bang Sô viết tan ra nhanh chóng như một tảng nước đá lớn bị một vòi nước sôi tưới vào, đất nước Afghanistan của ông Kal được thoát khỏi sự xâm lược đó đã để lại một hệ quả tai hại lâu dài trên một đất nước nhỏ bé. Từ tài nguyên vật chất đã bị ngoại bang rút riả rất nhiều, đến gia sản tinh thần văn hóa của người Afghanistan cũng bị băng hoại.

Ông Kal chưa từng về thăm lại quê nhà từ ngày lưu vong, nhưng mẹ và vợ ông đã về thăm lại quê nhà. Lúc trở lại Mỹ, cả hai người đều rất buồn, họ kể lại cho ông Kal nghe về một thế hệ con nít lớn lên ở Afghanistan không còn giữ được lễ nghiã, truyền thống của dân tộc nhỏ bé này. Ngay cả những người quen biết cũ của họ, sau một thời gian dài sống dưới sự thống trị của chính quyền Cộng sản Nga, bản chất cũng biến đổi, họ trở nên gian trá, lọc lừa hơn, và trái tim đầy tình người ngày xưa từ từ khô héo dưới thời chính quyền Cộng sản thống trị, chừng như chẳng thể tìm lại được tươi mát, để xúc động trước nỗi bất hạnh của đồng loại ngày nào.

Tất cả những mất mát đó là một nỗi buồn trong tâm hồn ông Kal, vẫn đang trào lên như nước thủy triều mỗi lần ông chở một người khách nói tiếng Mỹ với accent của người Nga trên chiếc Taxi quen thuộc của mình.

Ông cười buồn kể lại với tôi:

- Vẫn biết là những người Nga đó không phải là người trực tiếp gây ra những hậu quả đáng buồn hiện nay ở Afghanistan nhưng cứ nghe giọng nói của họ là nỗi buồn tận tâm hồn của tôi lại dăng đầy chất ngất.

Tai tôi vẫn nghe người tài xế Mỹ gốc Afghanistan kể lại cả một "nỗi niềm" canh cánh trong lòng, mắt tôi vẫn thấy cảnh xe cộ nối tiếp nhau rất trật tự trên những xa lộ thênh thang của một nước Mỹ giầu mạnh, nhưng tâm hồn tôi lại hướng về đất nước Việt Nam thân yêu, tội nghiệp của mình ở tít tắp bên kia Thái bình dương.

Rồi cả ông Kal lẫn tôi đều im lặng thả hồn về quê cha đất tổ của chính mình.

Ở đó, ông Kal đã một thời bị áp bức bởi những người Cộng sản Sô viết, lúc đó ông là một người trung niên ở tuổi ngoài ba mươi chỉ có quá khứ mà không có tương lai. Ở đó, ở "quê hương là chùm khế ngọt" của tôi, có một thời tôi vừa bước khỏi tuổi thơ, miệng còn hơi sữa, mặc dù không còn có sữa để uống, không có quá khứ và cũng không có cả tương lai dưới chính sách khắc nghiệt của những người Cộng sản cùng gốc Việt Nam với mình.Không quen chia sẻ "nỗi niềm" với một người lạ, tôi chỉ mỉm cười, an ủi ông Kal:

- Là một thuyền nhân, đến Mỹ bằng quy chế tỵ nạn, tôi hiểu ông nhiều, như hiểu rất nhiều người Mỹ gốc Ba Lan, gốc Tiệp khắc, gốc Cu ba, gốc Trung cộng. Cứ tin là "sau cơn mưa trời bao giờ cũng sáng", đến một lúc nào đó, sẽ không còn có áp bức, đói nghèo trên quê nhà của ông, của tôi và của nhiều người lưu vong khác. Tôi tin như vậy, ông cũng nên tin, để còn có sự lạc quan cần thiết trong cuộc sống đầy tất bật ở quê hương thứ hai.

Đó là lời kết luận của tôi, khi tôi chào người tài xế lái taxi phúc hậu, với nửa trái tim luôn hướng về quê nhà.

Trời sáng rõ, tôi xách hành lý vào "security check line", kịp nhìn thấy mặt trời vừa ló dạng ở phương Đông, hy vọng sẽ chiếu rọi ánh sáng của trí tuệ và văn minh đến tất cả những nước ở khối đang phát triển, trong đó có quê hương thân yêu tội nghiệp của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,764,574
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College.
Bước qua thêm một mùa Lễ Mẹ, mời đọc bài viết mới nhất của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010: Nhà văn Linh Mục Nguyễn Trung Tây, thuộc Dòng Truyền giáo Ngôi Lời, tỉnh dòng Chicago.
Tác giả là cư dân San Jose, đã nhận giải vinh danh tác phẩm Viết Về Nước Mỹ 2008 và ba năm sau, với bài "Thế Hệ Gạch Nối", nhận thêm giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2011.
Tác giả là một Phật tử, pháp danh Tâm Tinh Cần, nhũ danh Quách Thị Lệ Hoa, đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2011, với loạt bài tự sự của một phụ nữ Việt thời chiến, kết hôn với một chàng hải quân Hoa Kỳ.
Ngày Lễ Mẹ đang tới. Mời đọc bài viết của Dong Trinh. Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2.
Chủ nhật cuối tuần này là Mothers Day, mời đọc bài viết mới của Năng Khiếu: chuyện về bà ngoại, đồng thời là chuyện về bà mẹ. Tác giả họ Trần, trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH.
Tháng Năm, Chủ Nhật 14 sắp tới là Mothers Day. Mời đóc bài Phan viết nhân ngày Lễ Mẹ.Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và nhận giải danh dự năm 2016. Tác Giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, sang Mỹ năm 1973, đã về hưu từ lâu và đang cư trú ở Orange County.
Iris Đinh là tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư,
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông"
Nhạc sĩ Cung Tiến