Hôm nay,  

Sao Ông (bà) Không Đi Soi Ruột Già?

22/09/200700:00:00(Xem: 356665)

*

Người viết: Phila To

Bài số 2101-1964-669vb7220907

Tác giả tên thật là Tô Văn Cấp, sinh năm 1941, định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. 1, hiện làm việc tại học khu Ocean View. Ông đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ, bài nào cũng cho thấy tấm lòng và sự lạc quan, yêu đời.  Sau đây là bài viết mới nhất.

*

Vừa nghe xong cô xướng ngôn viên Chu L.. thông báo ngày giờ và địa điểm buổi nói chuyện của Bác sĩ Phi... về chứng ung thư ruột già, bà Đồ vội vàng nhắc chồng:

"Này, mình nhớ ngày mốt đi tham dự buổi hội thảo về chứng bệnh ung thư ruột già do phòng mạch bác sĩ Đặng Phi .. tổ chức đấy nhá, nhớ xin về cho tôi một ít .. tài liệu để tôi tham khảo, và mình nhớ hỏi v.v.."

Mỗi khi nghe trên rađio loan báo có chương trình "hội luận y khoa" của các bác sĩ về một chứng bệnh nào đó thì bà Đồ đều nhắc chồng nhớ đi tham dự và đừng quên mang tài liệu về cho bà tham khảo. Ông luôn chiều theo ý bà mà không hề hỏi lại là tại sao bà không đi, kể cả những chương trình nói về phụ khoa. Bà thì lúc nào cũng ngồi sẵn bên radio mỗi khi có bác sĩ nói chuyện rồi tay bà thoăn thoắt trên các con số điện thoại như lướt trên phím đàn piano để gọi vào đài, vì biết "sét-ấp" trước nên bà luôn là người đầu tiên được khai bệnh qua điện thoại.

Vừa nghe bà nhắc tới chuyện đi tham dự .. là ông biết hết những gì bà sẽ nói tiếp, những gì ông đã thuộc lòng rồi nên thở dài lẩm bẩm:

"Biết rồi khổ lắm nói mãi, bói ra ma, quét nhà ra rác"

"Hay nhỉ! Ông bảo ai là ma thế" Nhắc chừng để ông nhớ mà lại bảo tôi nói mãi, nói nhiều! Nỡ lòng nào ông phụ lòng tôi thế ""

Nghe bà đổi cách xưng hô từ "mình" sang "ông" và có vẻ buồn nên ông vội nói:

"Thì tôi có nói gì về bà đâu, tôi bảo chương trình hội thoại về bệnh ruột già này tôi đã nghe nhiều lần rồi, để tôi nhắc lại cho bà nghe có đúng không nhá:

 "Bệnh ung thư ruột già là một bệnh giết người đứng hàng thứ 2 sau bệnh.., bất luận nam hay nữ tới tuổi 50 đều phải đi soi ruột già, nếu phát hiện sớm thì việc điều trị dễ dàng và cơ hội chữa lành đến xx%. Nếu soi lần dầu tiên không có gì thì 5 năm sau mới phải soi lại, 5 năm sau soi lại nếu không có gì thì 10 năm sau mới soi. Nếu trong lúc soi mà phát hiện có những bứu thì bác sĩ sẽ cắt ngay di rồi gửi dến lab để xét nghiệm xem bứu lành hay dữ. Bệnh ung thư ruột già không có triệu chứng nhưng khi phát hiện trong phân có dính  máu thì .. thường là  trễ rồi v.v.."

"Thôi, tôi biết ông giỏi rồi nhưng lại lười quá không chịu đi khám bệnh".

Biết căn bệnh ung thư ruột già là nguy hiểm nên bà luôn nhắc nhở nhưng ông Đồ thì lười, lúc nào cũng như "ruột để ngoài da", như thấy hết, biết hết nên không cần soi-mói gì cả.

Với các bà thì dù một sợi tóc rụng cũng có nguyên nhân nên phải đi khám bệnh ngay. Các bà không những luôn lo lắng đến sức khỏe của chính mình mà còn lo cho gia đình, cho chồng con, có khi còn "mách thuốc" cho cả bạn bè nữa. Còn các ông thì lười như hủi, coi trời bằng vung, "chưa thấy quan tài thì chưa đổ lệ", một khi thấy quan tài rồi thì các ông nhắm tít mắt lại, người đổ lệ không phải các ông mà chính là các bà!

Ngày nay ở hải ngoại nếu để ý đến các trang cáo phó thì chúng ta sẽ thấy đa số nữ  thọ hơn nam, nhất là các ông gốc lính, dính chục năm tù thì thường ra đi ở tuổi 65-70! Điển hình như trong họ hàng tôi, trong số các bậc trưởng thượng thì đa số là "aunts" thiểu số là "uncles".

Chưa có một cuộc tìm hiểu nào về nguyên nhân tại sao các ông vào lứa tuổi ngũ lục tuần lại thờ ơ trong vấn đề tự săn sóc sức khỏe, nhưng qua câu chuyện hằng ngày, chúng ta nhận ra quý ông có vẻ lười, họ có thể ngồi liên tục nhiều giờ bên chén trà ly café để ôn quá khứ nhưng lại hấm hứ cau có khi phải ngồi chờ nơi phòng mạch.

Có vị còn tự hào "ta là phái mạnh" nên mọi chuyện từ nhức đầu đến đau ngực chỉ là chuyện nhỏ rồi sẽ qua đi, nhiều khi còn lạc quan tếu để tự an ủi rằng: "hai mươi năm cầm súng, mười năm .. bị cầm tù mà còn sống đến ngày nay là hạnh phúc lắm rồi, những năm  tháng còn lại chỉ là .. Bonus (!)

 Một yếu tố khá tế nhị ít người nhắc đến nhưng có thể là yếu tố quyết định liên quan đến việc "ông lười" đi khám bệnh, đó là vấn đề "đầu tiên" tiền đâu" Mà thành phần này không phải ít trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, nhất là giới HO mà mới đây một bạn trẻ "có chức" gọi họ là thành phần "phế thải"!

Họ đến Mỹ ở lớp tuổi quá trẻ để xin tiền già (SSI) nhưng lại quá già để xin một "good job" có "heo-ăn-sữa-răng"! Xin được việc lao động trong một hãng Mỹ có đầy đủ benefits thì khi vừa đủ 6 tháng thử thách là nhận được giấy tạm thời nghỉ việc! Hành trình tìm việc khó khăn như vượt biển Đông. Đa số "dở dở ương ương, nửa thầy nửa thợ" nên quay về làm việc với chủ "đồng hương" hoặc tự làm chủ lấy mình. Chủ đồng hương hay tự làm chủ thì nhất định khó có bảo hiểm sức khỏe, mặc dầu tiền lương vẫn phải đóng thuế, thế thì phải làm sao"

 Kiếm cách sao cho có tờ giấy MSI (Medical Services Initiative) cũng chẳng dễ dàng gì! MSI hầu như không có giá trị đối với các phòng mạch mà chỉ để đề phòng khi khẩn cấp nhập bệnh viện mà thôi.

Họ đến Mỹ ở tuổi 45, 50, cái tuổi phải đi soi ruột như các bác sĩ khuyến cáo. Nhưng lấy gì để soi nếu phải chi ra một nửa hay gần cả tháng lương cho công việc "quét nhà ra rác" đây" Thôi thì đành chờ 15, 20 năm sau khi tới tuổi về hưu, tới tuổi xin tiền già, cầm cái Medicaire rồi hãy tính!

Trễ rồi! Đừng ngạc nhiên khi thấy "Chúa gọi về" toàn là những cựu quân nhân ổ cái tuổi chưa tới thất thập cổ lai hy. Những người ra đi không nói lý do trên cáo phó nhưng tôi biết không ít các niên trưởng đã được gọi về cõi trên vì ung thư ruột già.

Ông Đồ là một trong những người ở vào hoàn cảnh kể trên, nên từ lâu nghe chuyện đi soi ruột già để truy tìm ung thư thì ông vẫn ù-lỳ, nghe qua rồi bỏ. Một ngày kia ông bạn Phan văn Đ.. cho ông Đồ coi những hình chụp các bứu độc trong ruột già và kể cho ông nghe những gì đã đi soi và đang điều trị như thế nào, tốn kém ra sao và ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, nếu Đ.. không đi soi sớm thì nay không còn ngồi đây để kể chuyện cho ông đồ nghe, nhưng ông "Đồ vẫn gàn":

“Tao sẽ đi chụp, bác sĩ nói rằng chụp hình cũng thấy bứu mà ít tốn  ..$.”

“Nhưng nếu thấy thì lại phải đi soi để cắt, mất thời gian và tốn thêm tiền.”

Nghe bạn Đ.. khuyên có lý nhưng ông Đồ vẫn đi chụp hình ruột già và may mắn bác sĩ coi phim xong phán một lời: "không có gì, 2 năm sau chụp lại", yên trí rồi.

Hai năm qua đi ông Đồ vẫn phây phây, bỏ ngoài tai những lời khuyên đi soi ruột mặc dù lúc này trong tay đã có bùa hộ mạng Medicaire.

Bất ngờ ông nhận được điện thoại của chị Th.., giọng chị mệt mỏi:

"Anh cho biết muốn đi thăm Lộ Đức thì đi bằng cách nào""

"Đi làm cái gì"  Th.. vốn là dân zu-da sao lại cho chị đi Lộ Đức""

"Chính anh Th.. đòi đi chứ không phải tôi, trễ rồi anh ơi, bệnh ung thư ruột già của anh Th.. đã lan qua các bộ phận khác rồi, đã chạy đủ x lần "kimô" nhưng vẫn không ổn định, nay bệnh viện cho về nhà để nghỉ ngơi, ông đòi đi Lộ Đức".

Mới mấy tháng trước đây, Th .. từ New York về CA chơi còn mạnh như voi, hạnh phúc yêu đời, tại sao lẹ quá vậy" Thương bạn, ông Đồ giật mình toát mồ hôi vội hướng dẫn chị Th.. đường đi đến Lộ Đức. Lộ Đức thuộc miền Nam nước Pháp, nơi Đức Mẹ Fatima hiện ra, hằng năm có nhiều triệu người đến đây cầu xin phép lạ, xung quanh nơi hang đá có nhiều nạng chống và xe lăn do bệnh nhân để lại.

 Bằng xe lửa GVT, từ Paris chúng ta có thể đến Lộ Đức cầu nguyện rồi về liền trong ngày. Vào chùa thấy Bụt muốn tu, đến Lộ Đức giữa núi rừng tịch mịch lòng ta thấy thảnh thơi và trở nên hiền lành đạo đức hơn.

Người viết không có ý quảng cáo, vì lòng tin tùy thuộc vào mỗi người, nhưng lúc bình thường thì ta "bình chân như vại" khi hoạn nạn, sóng to gió lớn, gặp hải tặc gian ác thì chúng ta mới cầu cứu Quan Thế  Âm Bồ Tát, van xin Đức Mẹ Maria, khấn cả Chúa lẫn Phật. Cầu xin bạn tôi được ban ơn lành khỏi bệnh hay ít nhất anh cũng được toại nguyện trong tâm hồn.

Thấy người lại nghĩ đến ta, sau khi chỉ đường cho chị Th.., ông Đồ liền gọi ngay đến phòng mạch bác sĩ Lê Đức.. để lấy hẹn xin soi ruột. Hai tuần sau được gặp BS, với nụ cười hiền hòa, ông giải thích tất cả những thủ tục cần thiết làm ông Đồ yên tâm sẵn sàng lên bàn soi.

Tới ngày giờ lên bàn soi, ông Đồ vẫn lạc quan, coi như "không có gì" vì từ khi chụp hình ruột tơi nay cũng mới tròn 2 năm, và với kinh nghiệm "chiến trường" đã từng nằm trên bàn mổ hàng chục lần nên ông cưới mím chi khi cô y tá vô nước biển, cho thở oxy và vỗ về:

"Đừng sợ, không sao đâu, chỉ một lúc là xong, BS Lê Đức .. mát tay lắm.."

Khi mở mắt ra ông Đồ hơi cáu, hỏi sao lâu thế, BS đã đến chưa"

Cô y tá mỉm cười rất tươi:

"Đã soi ruột cho ông xong xuôi rồi, một lát BS trở lại cho ông biết kết quả".

Thông thường, khi mọi điều tốt lành thì người y tá luôn vui vẻ cười tươi, lịch sự bắt tay bệnh nhân và "Congratulation", nhưng ở đây, cô nói xong rồi bỏ đi như cố tránh bệnh nhân hỏi han lôi thôi khiến ông Đồ lo lắng.

Lúc sau BS đến đưa cho ông Đồ xem một xấp hình chụp những "hang cùng ngõ hẻm" trong ruột già tương tự như những hình mà bạn Phan văn Đ.. đã cho ông xem trước đây. Có lẽ không muốn bệnh nhân hoảng hốt nên bác sĩ vội trấn an:

"Không có gì quan trọng lắm đâu, trong ruột già của bác có 3 cái bướu thì tôi đã cắt ra hết cả rồi, 2 cái nhỏ này thì không sao, còn cái thứ 3 này hơi lớn và có vẻ bất thường nên phải gửi đi xét nghiệm thì mới biết chắc được là bướu lành hay dữ, hai tuần sau ông trở lại tái khám tôi sẽ cho biết kết quả".

Hai tuần ư! Hai lần "bẩy ngày đợi mong" gặp toàn những mộng mỵ, không cần diet mà ông Đồ cũng xuống 6.5 pounds, ngày nào cũng ra vào đứng ngồi không yên. Đúng ngày hẹn, ông vội vàng đến phòng mạch và ghi tên vào sổ khám bệnh và không quên nhắc lại với anh nhân viên lo hồ sơ:

"Tôi có hẹn với BS lúc 11.15AM"

"Bác chịu khó chờ một tí, hôm nay BS có nhiều bệnh nhân".

"Nhưng tôi đã có hẹn trước mà. Một tí là bao lâu"" Ông Đồ bắt đầu lên giọng.

"Thưa chừng 45 phút, xin bác thông cảm".

Thế có chết người không! Hay là có vấn đế khó nói mà BS kéo dài thời gian chờ đợi" Ông Đồ nóng lắm rồi nhưng đành nín thinh đi tìm chỗ ngồi. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" nên ông Đồ cau có than phiền mọi chuyện xung quanh:

"Bệnh nhân ở đâu ra mà nhiều thế này! Có thêm cả trẻ em ồn ào nữa."

"Phòng chờ bằng cái lỗ mũi lại còn bày ra đồ chơi của con nít! Nhét thêm mấy cái máy tự động bán bánh kẹo, nước ngọt, không còn một ghế trống!"

Nhìn đâu cũng thấy khó chịu nên ông Đồ bỏ ra ngoài đứng nhìn trời hiu quạnh mà trong lòng nóng như lửa đốt, nhìn những người qua lại trên đường cười nói mà ông thèm được một ngày bình thường như họ. Sao không ai chú ý đến mình kìa"

Trước đây khi đi rong chơi, ông thường than thân:

 "Chán quá! Ngày nào cũng như ngày nào, thật là vô vị!"

Chẳng riêng ông Đồ than như vậy mà quanh đây cũng có nhiều trường hợp kêu ca tương tự. Nhưng nếu một bất ngờ nào đó xảy đến, dù nhỏ như "cọ-quẹt" xe cộ, bị police cho một ticket, hoặc phải đứng chờ một "bản án" như hôm nay thì mới cảm thấy những ngày "vô vị" bình thản đó mới thật là đáng quý:

"Ngày nào cũng đáng quý, đáng sống vui vẻ với mọi người".

Nhìn những bệnh nhân phải đeo theo bình oxy mà nghĩ đến mình trong tương lai nếu như có gì không ổn. Thở kiểu ôm bình dưỡng khí không phải là rẻ tiền này mới thấy cái không khí ngoài thiên nhiên quý giá biết là chừng nào! Cái không khí tự do Trời ban cho để thở "free", hít vào thở ra thoải mái đến hết đời cũng không vơi nhưng lại bị coi rẻ xem thường, người ta còn phung phí làm ô nhiễm thêm môi trường:

 "Nhớ nhà châm điếu thuốc, khói huyền .. trẻ thơ say"!.

Cũng tới lúc ông Đồ được gọi vào phòng ngồi chờ, lại chờ! Biết làm gì đây cho mau qua thời gian căng thẳng này" Bức hình vẽ bộ phận tiêu hóa treo trên tường sao hôm nay trông nó ghê quá, nhất là phần ruột già, chỉ toàn những ung cùng bứu, những cái bứu độc nó nở tòe loe trông mà phát rét, nổi gai ốc.

Ngày đầu tới khám bệnh, BS chỉ dẫn cho xem bức tranh lục phủ ngũ tạng đẹp lắm mà, ruột non ruột già gì trông cũng dễ thương cả, sao hôm nay lại ghê thế này"

Thôi đúng rồi! Hổm BS hỏi trong gia đình có ai chết vì bệnh ung thư không thì ông Đồ nói không, nay nhớ lại thì hình như có bà chị qua đời vì ung thu máu, ông thân sinh qua đời lúc 47 tuổi vì bệnh "thương hàn" ("). Có thể vì bịnh ung thư lắm chứ, vì thời đó chỉ có "trúng gió" chứ làm gì biết đến cao mỡ, cao máu, trụy tim, ung thư v..v.

Đang là một tên bán Chúa rồi rửa tay tuyên bố "Ta vô tội" nay trong hoàn cảnh bi đát này ông Đồ mới sám hối lâm râm đọc kinh cầu nguyện cứu Cha trên Trời!

"Chào bác Đồ, hôm nay bác có khỏe không"".

Tiếng BS Lê Đức làm ông Đồ giật mình, hai tay chặn ngực, giờ đã điểm, chỉ còn chờ 2 tiếng "lành" hay "dữ" mà thôi! Yên lặng cúi đầu nghe tuyên án.

Vị thầy thuốc nhiều kinh nghiệm chắc đã đoán ra tâm trạng căng thẳng tột cùng của bệnh nhân nên ông tiến đến vỗ vai ông Đồ:

"Kết quả bai-ốc-xy không có gì quan trọng lắm, chúc mừng ông".

Ông Đồ ngước lên rụt rè đưa bàn tay ướt đẫm mồ hôi nắm tay BS đang đưa ra chờ. Chưa bao giờ ông thấy vị BS này dễ thương và đẹp giai như hôm nay:

"Cám ơn BS, từ sáng đến giờ tôi như ngồi trên lò lửa, cầu cứu Thượng Đế ban cho ơn lành".

Thấy  bệnh nhân chưa hết lo lắng, tay chỉ hình chụp bứu, BS giải thích:

"Hãy tự cứu mình trước khi cầu xin Thượng Đế. Cái bướu thứ 3 có triệu chứng không bình thường nhưng do bác đi soi và cắt bỏ đúng lúc nên không đáng ngại nữa. Tuy nhiên vẫn phải theo dõi, bác nên uống Calcium Caltrat (for colon health) để ngăn ngừa nó tái phát và đề nghị 3 năm sau đi soi lại thay vì 5 năm. Chúc bác ra về vui vẻ"..

Theo lời giải thích của các BS thì thông thường nếu soi lần đầu không có gì thì 5 năm sau mới phải soi lại và nếu vẫn không có gì thì 10 năm sau nữa mới cần soi lần 3. Ông Đồ vui vẻ ra về nhưng đắc ý nhất là lời khuyên hợp lý của BS:

"Hãy cứu mình trước khi cầu Thượng Đế"

Chia tay vị thầy thuốc, ông Đồ như trút được gánh nặng ngàn cân, lúc này ông thấy nhân viên nào của phòng mạch cũng dễ thương, ông tiến đến bắt tay và cám ơn người lo hồ sơ mà ông đã bực mình gắt gỏng khi mới đến. Phòng mạch đâu có chật chội như ông nghĩ, những cái máy bán nước uống là để giúp bệnh nhân giải khát trong lúc chờ đợi chứ đâu phải để "lượm bạc cắc" v.v..

Thường ngày đi và về trên đường Euclid dọc theo công viên Mile Square Park, ông Đồ không vui khi nhìn những cặp vợ chồng " cụ ông lầm lũi đi trước, cụ bà lẽo đẽo theo sau", thỉnh thoảng cụ ông quay lại càu nhàu:

"Làm cái gì mà đi chậm quá vậy"".

Hôm nay từ phòng mạch BS Lê Đức ra về, vẫn nhìn thấy những hình ảnh quen thuộc ấy nhưng nghe hình như cụ ông quay lại sau nhỏ nhẹ:

"Có vũng nước đó, cẩn thận kẻo té, đi từ từ thôi, bà đưa tay đây tôi dắt cho.."

Lái xe về đến nhà lại thấy bà Đồ vẫn đứng ngoài cửa chờ như mọi ngày khiến ông thường rất khó chịu vì tưởng bà kiểm soát chuyện đi đứng của ông. Hôm nay thì khác, nhìn thấy ánh mắt lo lắng của bà, ông vội đi nhanh đến, tay cầm tay khẽ nói:

"Tất cả đều là bướu lành, mình đừng lo, không có gì đâu".

"Sao mình không cho tôi đi với, cứ đi một mình lỡ có gì thì sao""

Thấy bà trách yêu và mỉm cười, lòng ông rộn lên một niềm vui và hạnh phúc đã nguội từ lâu. Hôm nay ông hiểu ý bà lo lắng khi ông đi một mình, nếu bị .. thì làm sao đủ bình tĩnh lái xe về chứ không phải trách ông đi ăn lẻ một mình. Nghĩ vậy nên ông choàng tay qua vai bà rồi cùng nhau đi vào nhà, ông ghé tai nói nhỏ:

"Mình mới gội đầu bằng dầu chùm kết phải không""

*

"Hãy tự cứu mình trước khi cầu Thượng Đế".

Chưa bao giờ ông "Đồ gàn" thấy câu BS Lê Đức nói hay và đúng đến thế! Ít ra là đúng với ông, nếu cứ tiếp tục gàn, tiếp tục lười cho đến khi thấy màu hồng trong chất thải thì trễ rồi, lại đành than câu: "Trời kêu ai người nấy dạ!".

SAO ÔNG (BÀ) KHÔNG ĐI SOI RUỘT GIÀ"

Chứng bệnh ung thư ruột già không có một triệu chứng gì rõ rệt cả, tới tuổi phải soi thì hãy mạnh dạn lên đi. Dù cho không có mêdi-mêdi thì cũng phải ráng chi một khoản tiền mặt đáng kể. Nhưng nếu để trễ thì sự tốn kém không biết bao nhiêu mà lường, dẫu cho chính phủ đài thọ thì cũng đừng vì lười mà gây thêm nhiều tốn kém, đó là sự đóng góp vào quỹ y tế bằng tiền lương của chính con cháu chúng ta.

Xin đừng cho đó là "bonus" mà đánh bạc bằng mạng sống mình. Ngày xưa trên chiến trường, nếu có "ra đi" thì đó là một sự hy sinh cao quý, còn ngày nay sống trên đất Mỹ với đầy đủ phương tiện y khoa mà "tự hy sinh" thì phí quá!

Hãy mạnh dạn lên, dẫu cho "quét nhà không có rác" thì cũng là dịp "clean up" cái ruột già, khai thông bế tắc tồn đọng bấy lâu giúp chúng ta thoải mái yêu đời hơn, hay ít ra cũng tránh cho những người thân không còn mất vui vì tính "cau có khó chịu" của cha của chồng, lúc nào cũng nhăn nhó như bị táo bòn.

Nói thì dễ nhưng làm mới khó, khó đối với những anh chị em không có bảo hiểm y tế. Để khuyến khích những anh chị em này thêm can đảm như lời khuyên của các bác sĩ thì không gì bằng một sự giúp đỡ cụ thể thiết thực là "discount" của các "lương y như từ mẫu". Giảm một tỉ lệ nào đó nhất định không làm các lương y nghèo thêm, không giúp bệnh nhân giầu thêm nhưng do tâm lý, discount sẽ giúp họ thêm mạnh dạn và... nhất là tất cả mọi người thêm một nụ cười.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,979,569
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến