Hôm nay,  

Ngô - Sắc

24/04/200700:00:00(Xem: 927686)

Người viết: Phan

Bài số 1248-1859-565vb2230407

*

Tác giả là một nhà báo, phụ trách mục “Chuyện Vỉa Hè” trong Ca Dao Magazine ở Dallas, đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt. Bài viết mới của ông lần này là một chuyện tình lớp trẻ.  Chàng tên Ngô, nàng tên Sắc. Đánh thành Ngô Sắc Ngố, một chuyện tình dễ thương.

*

* Ngô

Nó đẹp trai gần tới cái tên đầy đủ của nó là: Trịnh Khôi Ngô. "Gần tới" nghĩa là còn cách độ mươi phân thì nó không thua người cao một cái đầu. Nhưng bù lại, nó cao hơn con nít một cái đầu. Bản thân nó không nghĩ, nhưng thói đời nằm ở những kẻ bình thường, trung bình đến cả đời cũng không hơn ai hay thua ai. Họ không biết làm gì cho hết sự bình thường của mình hơn là châm chích nhữngngười không bình thường. Bây gìơ, nói nó là người lớn thì nó chưa đủ cao mà con nít thì… đứa nào có râu như nó" Vỉa hè phải bàn luận lâu lắm mới có cụm từ chính xác cho trường hợp của nó là: "Con nít sống lâu năm". Nếu nó biết giận thì ngoài vỉa hè chắc đã có người chết, nhưng nó chỉ cười nhe mười cái răng.

Thấy thương, nên tôi dạy nó trả lời những ai nói nó thiếu thước tấc. Cứ kể chuyện này cho ta: "Napoleon đứng duyệt trận, ông nói với viên sĩ quan tùy tùng: Trận chiến sẽ kết thúc đúng như dự tính của tôi. Người sĩ quan tùy viên trả lời: Ngài đúng là một thiên tài quân sự, chỉ tiếc là Ngài thấp hơn tôi một cái đầu. Napoleon nói câu cuối: Nếu ngươi lập lại câu đó một lần nữa thì ngươi sẽ bằng ta!" Nó, thành danh khủng bố ngoài vỉa hè, từ đó. Vì ai nói nó: Chấp người ta một cái đầu thì nó chỉ nói: Nếu ngươi lập lại một lần nữa, ngươi sẽ bằng ta!

Ai cũng biết quan hệ của nó với chị Nhung - chủ tiệm nail không còn bình thường từ hôm cuối tháng mười, chính xác là từ chiều ngày Halloween. Anh Hưng (chồng chị Nhung) đi làm về, dẫn đứa con gái út ra tiệm chơi. Con bé đòi đi xin kẹo, thấy anh Hưng có vẻ không muốn bỏ bàn nhậu đằng sau tiệm đang vui nên nó nói: "Chú Hưng để con dẫn bé Thảo đi một vòng quanh đây cho nó xin kẹo." Anh Hưng đồng ý liền, nhưng chị Nhung thì không: "Mày dẫn con tao đi, rồi mày mê chơi, mê gái. Bỏ con nhỏ lạc sao"" Làm nó quê vì mọi người cười ồ. Chị nói với con bé Thảo: "Để má hóa trang thành bà phù thủy trong phim "Một trăm lẻ một con chó đốm", rồi má dẫn con đi, mới xin được nhiều kẹo!" Nó nghe rồi, táp luôn một câu - chó dại: "Không cần đâu cô Nhung! Cô cứ để mặt mày tự nhiên như dzậy cũng đủ con nít khóc rồi! Make-up thêm thì… chú Hưng cũng khóc luôn!" Mấy cô thợ nail bụm miệng vì cười thì đã miệng thiệt. Nhưng sợ bà chủ cắt hợp đồng. Có anh Hưng là lạ, hát vu vơ cho vợ bớt quê chứ không giận người nói. Anh còn bá cổ nó nói nhỏ: "Cảm ơn mày nói giùm chú. Tao mà nói vậy là tàn đời với bả!"

Nó, ngày càng nổi tiếng với những chuyện vui (tiếu lâm) miền quê. Được giải khuyến khích của Hàng ba, tức vỉa hè chứ không phải Hàn lâm nào hết. Tôi thích nó với chuyện: "Anh sui - chị sui", thích phong cách kể chuyện tự nhiên như không, nhờ chất giọng và phong cách người kể qúa tự nhiên, không hề cường điệu. Nó kể:

"Chị sui chồng nghẻo, anh sui vợ ngủm. Nên anh sui nói với chị sui: Lẽ ra thì tui cưới dâu cho con trai tui, nhưng bắt con nhỏ về nhà chồng thì chị còn có một mình. Tối lửa tắt đèn, khổ lắm. Thôi. Tui cho thằng Đực nhà tui qua ở bên chị, đặng nó còn đỡ đần cho chị… sớm tối chiều hôm. Tui cũng còn một mình, nhưng dù sao đàn ông cũng đỡ hơn.

Chị sui cảm kích anh sui có nghĩa khí nên nhắc tụi nhỏ đi thăm anh sui, thường. Lần nào cũng gởi cho gà, cho vịt hoài hoài để anh sui có đồ nhấm rượu, sớm tối chiều hôm.

Đến hôm đầy tháng đứa cháu đầu lòng của đôi bên. Anh sui qua ăn đầy tháng cháu nội thì trời giông to, không về được. Đôi vợ chồng trẻ, vô ngủ trong buồng với con thơ. Nhà ngoài, mưa đêm ảo não. Ech nhái còn kêu ọ ẹ, nói chi con người!

Anh sui nằm bộ ván bên đây, chị sui nằm bộ ván bên kia. Nói chuyện một hồi, không nghe anh sui trả lời gì nữa, chị sui lò tay ra ngoài mùng, phẩy phẩy cây đèn cho tắt, đặng ngủ. Chứ đàn bà, con gái… ai đi chu mỏ thổi đèn. Gặp cây đèn hôm nay nhà có khách, dầu đầy, càng phẩy lửa càng hung. Chị sui phẩy miết! Bên kia, anh sui lò đầu ra khỏi mùng, hỏi nhỏ: Chị kiu tui hả""

*

Nó khổ đời từ hôm sau Halloween, chị Nhung ghim nó đậm. Nó qua chơi tiệm nail là chuyện không còn bình thường, nhưng không qua đó thì đi đâu cho hết buổi trưa" Hàng quán vắng tanh, đi loanh quanh, đi dăm phút cũng về tiệm nail thì mới có người "talk". Nó đang talk với chị Dung (địa chỉ đáng tin cậy của nó, nó gặp em gái chị Dung có một lần là hỏi tới. Tiếc là cô em chị đã có bạn trai.)

Khơi khơi, chị Nhung xía vô chuyện của nó với chị Dung: "Thôi đi Dung ơi! Đừng hỏi người ta những câu khó trả lời vì sự thông minh ở đàn ông… đâu có bà con gì với đẹp trai". Nó tức chị Nhung câu đó, nhưng tự lượng sức mình không đủ thâm hậu để trả lời nên nó đi tầm sư học đạo. Nó chọn thầy Huy - là một sai lầm trầm trọng nhất cho nỗi buồn tỉnh lẻ của nó mà nó không hề biết! Nó nói với sư phụ:

"Cô Nhung… khen con đẹp trai, nhưng chửi con ngu, hoài. Chú Huy chỉ con nói lại cho bả biết mặt. Con tức qúa!"

Thầy Huy nổi tiếng: Học hành ba chữ lem nhem… nhưng đông tây kim cổ gì cũng không thua ai. Thầy dạy thằng nhỏ không công nên không bị đòn đã là may!

"… Chữ nghĩa của tao không bằng cái pơ-mít (bằng lái), bà Nhung không nể đâu. Mày đừng nói là chú Huy nói mà nói là chú Phan nói thì bả mới tức. Bả ưa nói là bả đẹp nhứt tiệm nail, phải hôn" Được. Mày nói với bả, chú Phan nói: Nhan sắc thường tỉ lệ nghịch với chỉ số IQ. Bảo đảm, bả sanh sự với Phan-vỉa hè. Vậy là tụi mình ngồi rung đùi! Trưa trưa, có người kể chuyện cho nghe, chứ để nó đi ngủ hoài, sao được""

Tôi không hề biết gì về âm mưu thổ phỉ nên sau bữa ăn trưa, cứ tà tà cầm tờ báo qua tiệm nail kiếm chỗ nhắm mắt dưỡng thần. Tôi thích mấy cái ghế bên tiệm nail - nằm đã. Máy lạnh riêu riêu, mỹ nhơn dập dìu… như lạc vào tiên cảnh, chả mấy chốc mà tiên ông: "Xin kíu gia chủ ta thăng!"

Nhưng trưa nay, vừa bước vào cửa tiệm nail, tiếng cái phong linh treo ở cửa để đuổi ma tà leng keng, leng keng… nghe chướng tai. (Qua Mỹ rồi mà còn dị đoan thấy sợ, cái chị Nhung này. Tôi nghĩ thôi, chứ ngu gì nói ra, mất chỗ ngủ sao") Chưa chọn được ghế trống mà phải ở trong góc thì ngủ mới đã. Thấy mọi người cười cười… chị Nhung không mời ăn miếng bánh, trái như mọi hôm mà quang quác như con qụa gìa:

"Ong kia! Ong nói cái gì với thằng Ngô""

"Nói với thằng ấy, thì tôi ngồi gãi đầu gối còn sướng hơn! Chị còn không biết nó ba trợn ngang ngửa với ông Huy rồi sao""

Không nghe chị nói gì thêm nên tôi lảng vô cái ghế tuốt bên trong, mới ngả lưng tự thưởng sự êm ái của ghế mới thì cô Dung rù rì:

"Chị Nhung đang hằm anh, lắm đó!"

"Chuyện gì""

"Chị… lúc nào không đẹp nhất hôm nay, tiệm này! Vậy mà thằng Ngô thẳng thừng tuyên bố Chú Phan nói: Nhan sắc tỷ lệ nghịch với chỉ số IQ. Ai xấu nhứt khôn nhứt. Còn người đẹp nhứt… thì bà con tự hiểu đi!"

"Trời đất. Cái thằng khỉ. Tôi đâu có nói gì đâu! Hèn gì hôm nay thấy chị Nhung hơi lạ! Tưởng không đắt khách nên chị không vui."

"Sáng gìơ, đâu có ế. Làm thấy mồ tổ. Chị Nhung hằm anh nói xéo chị. Anh liệu hồn anh đó."

Tôi lơ mơ, lơ mơ… mới úp tờ báo lên mặt thì tiếng chị Nhung ai oán ở nhà ngoài: "…Chữ nghĩa một bồ, còn đi làm chi nữa" Ở nhà viết tiểu thuyết đủ giàu rồi! Làm qúa, tiền để đâu cho hết"" Không ai lên tiếng nên chị thở dài… như xe lửa, tiếp: "Sáng ra có người mời cà phê cà pháo, ngày ba bữa ăn nhà hàng, tối lai rai rượu mời, rượu thưởng. Có đâu như tui… ngu dốt, cực khổ mà cũng không yên thân làm ăn. Sắm được cái ghế nào mới là có ông trên bà trước, ngủ trưa…"

Tôi hết nhịn nổi bà chị - vua xin báo, này. Tôi lên tiếng:

"Tôi thử ghế giùm chị. Không cám ơn thì thôi. Tui dzìa!"

"Dzậy thì cám… ơ…n…"

Nghe muốn rụng lỗ tai, tôi mở cửa sau ra parking sau. Tính qua tiệm giặt kiếm thằng qủy con, điều tra kẻ đứng sau lưng nó - làm tôi mất nơi nhắm mắt dưỡng thần để tối về mới còn sức viết báo.

Mới ra ngoài đã thấy nó với ông Huy ngồi cười ha hả! Mọi chuyện từ từ khui ra. Ong Huy trả thù tôi viết chuyện "Ma đè" hôm Thankgiving, làm ông bị bà xã cắt đứt bang giao, điều tra đến nay chưa bỏ cấm vận, "không có giao lưu văn hóa khỉ khô gì hết! Ong liệu hồn ông đó!"

 Gìa Huy vất vưởng hổm rày như con ma trơi. Còn thằng qủy nhỏ trả được thù: "Con thấy cô Nhung giận tím mặt… qúa đã!" Nó nhăn răng cười chú Phan mất ngủ, có thể mất chỗ ngủ lâu dài. Tôi cảnh cáo hai thầy trò nó: "Từ nay, hai thầy trò mày đi làm phải đem theo bông gòn để không thôi có ngày tao đánh bể đầu, rồi không có gì chậm!"

***

Từ đó, hết ngủ trưa trong tiệm nail. Đám vỉa hè trở lại parking sáng sáng sau mùa đông lạnh. Thằng Ngô vẫn hóng chuyện như trẻ nhỏ bên quê nhà, như tôi hồi xưa thật là xưa ở tiệm hớt tóc, ngoài đầu ngõ nhà tôi. Những cao thủ vỉa hè vẫn cà phê tay cầm - đấu láo luyên thuyên bên ly cà phê đầu ngày. Trưa vắng thì cãi nhau rôm rả - toàn chuyện đâu đâu, chiều tối lai rai tùy theo mùa nào thức nấy. Nó vẫn là thành viên trẻ nhất của vỉa hè. Không hút thuốc, không uống bia. Các chú, các bác nhậu thì nó đi mua đủ thứ, cần. Đâu vào đó thì ngồi hóng chuyện, chứ nó cũng ít nói, chỉ tội ăn nhiều. Coi vậy chứ khi nó nói cũng lý lẽ lắm nha. Ong Huy nói nó: "Ngô à! Đũa bên quê mình là đũa tre (cứng, dẻo) nhưng đường xa vạn dậm, xuất khẩu qua tới đây là gần mục hết rồi. Mềm như đũa măng. Mày gắp nhẹ nhẹ tay một chút! Gắp đậm qúa, gẫy đũa à con!" Nó trả lời vô cùng có lý: "Đã nhậu thì say, không say không về! Phải hôn" Tại chú Huy đem ra có một chai rượu thì con nhường cho mấy chú say rượu. Con nhỏ, con say mồi." Nó lại ăn. Nhìn nó ăn đủ biết ba má nó nghèo vì lãnh lương bao nhiêu cũng đi chợ hết thì mới đủ cho nó ăn. Tội nghiệp, thằng nhỏ bị chứng bệnh nan y, hết thuốc chữa: "Sao con kỳ lắm nha mấy chú! Hễ con ăn no là con buồn ngủ. Mà ngủ dậy là con đói bụng."

 Ngoài vỉa hè, thật khó kiếm một người nói chuyện có tầm mức Học gỉa như nó. Thằng này càng nói càng hay, có lần nó triết lý với tôi: "Hồi nhỏ, người ta ăn nhiều nên ít nói. Tới gìa, người ta ăn ít lại nên nói nhiều! Như mấy chú dzậy đó!" Tôi cứng họng với nó là thường. Cứ cái kiểu cà tửng, cà tửng mà không hỗn hào với người lớn của nó thì ai không thương" Nó còn an toàn giao thông tới mức: Chú nào xỉn thì nó chở về chứ không cho lái xe. Ngày mai nó đón cho đi làm. Nó được lòng nhiều người thuộc hàng cha chú, chỉ không có duyên với con gái, thôi. Nó tán con nhỏ nào thì cuối cùng cũng là tình bơ vơ. Nó kể chuyện tình đầu của nó thì đố ai không buồn, không nhớ "Sang ngang" của Đỗ Lễ: "… nhà anh nhà em cách nhau con mương… muỗi. (Muỗi dữ lắm mấy chú ơi!) bờ bên anh trồng dừa, bờ bên em trồng chuối để xắt trộn cám cho heo ăn. Hai đứa, ngày xưa… học chung một lớp / cây củi sau nhà, má con phang con mà trúng nó bên bển. Con năn nỉ, xin lỗi muốn chết!

 … Hôm, em đi tỉnh dzìa, nó sẵn xuồng ngoài bến chợ (chờ má nó đi chợ). Nó thấy em đẹp qúa nên hỏi dzìa hôn" Anh cho giang dzìa. Em bẻn lẻn thẹn thùng làm nó quên má nó luôn! Hai đứa xô xuồng tách bến nhân gian, bơi vào cuộc mông lung của lục bình quê ngoại. Thôi. Con hổng kể nữa đâu!" (Mấy ông qủy - vỉa hè chửi cha nó, nó cũng không kể tiếp). Nó dấu chuyện cô hàng xóm như mèo dấu cứt nên không có người Mỹ nào biết… vì Mỹ đâu biết tiếng Việt. Còn người Việt thì thuộc chuyện tình của nó hơn thuộc chuyên tình Lan và Điệp. Nó hồi ức: Con nhỏ hàng xóm xăn quần lên trên đầu gối để cho heo ăn, rửa chuồng heo, tắm heo một hồi… ướt mình ướt mảy, quần áo cứ rít rịt vô người, gìo cẳng trắng tinh. Nó lính quýnh qua phụ mà theo nó là "Bà bắt hồn". Không ngờ càng gần cô hàng xóm đang ướt át, nó càng rạo rực, tự nhiên dzậy hà. Gặp bữa ông bà nhà bên đi đám giỗ bên sông, nó quên luôn chuyện má nó sai chẻ củi. Nó sang giúp người láng giềng xách nước rửa chuồng heo. Làm một hồi, nó cũng ướt luôn. Hai đứa ngồi nghỉ ở bụi chuối sau hè. Tự… gío đưa bụi chuối sau hè / giỡn chơi một chút ai dè… ngây nha! Bây gìơ nhớ lại, nó nhớ chập đầu con nhỏ nói thôi đừng, hồi líu lưỡi cà lăm thì đừng thôi! Làm nó hổng biết thôi đừng hay đừng thôi" Tới hồi nó nghe: "Thôi rồi!" thì chú Năm Ngươn là ông gìa con nhỏ, phạng cho nó một cái dầm chèo vô lưng. Bây gìơ, nhớ lại, con còn nghe rêm xương sống.

Nó, y chang ông Huy - cái lối kể chuyện lập lờ. (Nhập đề tám trang, vô chuyện ba giòng, hết giấy, khỏi kết luận.) Ong Huy bị ma đè ngoài chòi một đêm mưa gío xa xưa, đến nửa đời sau cũng không biết cái đêm hôm ấy là ma hay người"!

Nó đi xuất cảnh ODP, có hẹn riêng: "ráng chờ nó vinh quy bái tổ". Nhưng đường về quê xa lắc lê thê. Một năm rồi năm năm, "nhận được thư báo em lấy chồng, bâng khuâng nhìn cánh thiệp… buồn teo." Nó thường kết thúc câu chuyện bằng vài cái chớp mắt mà không ai biết phải nói với nó là thôi đừng hay đừng thôi! Cho vừa với mối tình chuồng heo qúa vãng.

* Sắc

Mùa thu lá bay ngoài parking vỉa hè. Ai mà biết chị Nhung nhận thêm thợ mới cho mùa làm ăn cuối năm.

Một cô bé mặn mòi, có nụ cười hàm tiếu, đôi mắt sáng trên gương mặt còn thơ ngây mới lớn đã hớp hồn cậu Ngô bên tiệm giặt. Con bé làm được chừng hai tuần thì nghe chị Nhung khen hết lời, từ tay nghề tới đạo đức tác phong. Nghe mấy chị em trong tiệm nail cũng thích con bé lễ phép, mới từ Việt Nam qua được hai năm nhưng không xổ tiếng Anh giọng Uc như mấy cô Sàigòn, học thầy Uc được đôi câu trước khi đi mà tưởng là đã thông thạo hơn đời!

Với mấy sư phụ vỉa hè ngoài parking sáng sáng thì mưu đồ chộp con bé về làm dâu nhà mình, chỉ sợ mấy thằng con trai nhà mình bên đây đã Mỹ hóa, chê con nhỏ nhà quê. Mà nó quê thiệt, từ ăn mặc tới ăn nói. Sáng nào cũng xuất hiện trong những bộ đồ may ở việt Nam, nhìn là là biết ngay - mới sang. Sáng nào cũng xách cái túi giấy dầu vàng vàng, chẳng biết có gì ăn trong đó, nhưng cười toe, chào các chú buổi sáng và sáng nào cũng hỏi: "Mấy chú ăn đồ hôn" Con có đồ ăn." Một ngày như mọi ngày thì ai không chướng tai. Gìa Huy phán thẳng: "Để đồ cho thằng Ngô nó ăn đi con. Đồ con nít, tụi chú không ăn!"

Thằng Ngô theo mấy sư phụ lâu rồi! Nó hiểu. Nhưng tánh con nít cũng chưa hết, nó giận chú Huy. Chẳng thầy trò gì nữa. Nó tránh mặt chú Huy mà đâu biết chú Huy đi giày, đi guốc trong bụng nó! Bây gìơ, ngày nào nó cũng quần áo ủi thẳng tắp như xưa nay (làm tiệm giặt mà). Cậu Ngô mới tậu một cái xe Camry bốn cửa mới toanh. Ý gì mà bán bỏ cái xe Honda Civic độ của cậu" (Bốn bánh xe bự như bánh xe bò, pô bự như ống khói tàu đò và bị bể, một lần đề ba là cảnh sát khoái liền!) Lúc này cậu Ngô chững chạc hẳn ra. "Muốn làm người lớn thật rồi sao, ta"" Chú Huy cứ nói trỏng không mà có người đỏ mặt, đỏ mặt người con trai mới lớn.

Cậu âm thầm mua tặng cho chị Nhung tiệm nail cuốn lịch thật đẹp, lại tự tay đóng đinh treo lên tường, làm chỉ số IQ của chị Nhung tăng lên! Thù xưa giảm xuống. Vậy là cậu Ngô tàn tàn qua tiệm nail lúc rảnh! Hai tay đút túi quần, miệng huýt gío vu vơ… lâu lâu xuống câu xề: Kiếm ơi…! Em có thấu cho lòng anh dzò dzõ đim (đêm)… dài!"

 Nó chỉ giải thích riêng cho chú Phan từ: "Kiếm": "Nó, nó bên bển tên là Nguyễn Huỳnh Kim Sắc. Con hỏi sao con gái mà tên ngộ dzậy" Nó nói ba nó mê truyện chưởng, mê kiếm từ nhỏ. Lớn lên học kiếm ở nhiều nơi, nhiều thầy. Má nó cũng là con gái của một ông thầy dạy ba nó kiếm thuật đó chú Phan. Ba nó được thầy gả cho con gái như phim Tàu dzậy đó. Tới có nó là đặt tên Nguyễn Thị Huỳnh Kiếm, tại má nó họ Huỳnh. Nhưng bà nội nó không chịu cái tên con gái là Kiếm, má nó nghĩ mấy ngày mới vừa bụng đôi bên: Kim Sắc thì cũng là Kiếm, (kiêm sắc kiếm). Đúng là tuyệt chiêu, đúng là con gái thầy kiếm, vợ kiếm khách, ha chú Phan ha.

Bây gìơ, ba nó cũng còn múa kiếm mỗi sáng thay vì tập thể dục, ngày nào cũng dzậy! Thích luận kiếm mà không có bạn. Chú Phan chỉ con vài chiêu kiếm luận, được hôn""

"Được thì cũng được, nhưng mày phải coi chừng cái bụng mày trước! Cây dầm chèo hồi xưa chỉ rêm xương sống chứ cây kiếm thì đổ ruột nha con! Có ngày ổng cho mày một nhát là xong đời."

Nó cười. "Chú đừng nói ai nghen. Kể con nghe vài chiêu kiếm đạo để có gặp ổng, con còn biết nói chuyện, coi, chú Phan."

"…bữa nào mày tới nhà con Sắc mà thấy ông gìa nó vui thì đía chút cũng được. Có chuyện này cho kiếm khách: Ba kiếm khách gặp nhau ở tửu quán giang hồ Hà Nội trong kỳ Hội nghị APEC. Kiếm khách Nhật nói là kiếm thuật của Nhật đã nâng lên hàng Kiếm Đạo. Vô địch thiên hạ. Ong rút thanh trường kiếm, đi một chiêu Phù tang. Con ruồi tông vô vách nhà, trong khi hai cái cánh của nó, tà tà đáp xuống mặt bàn. Ong hỏi: Còn kiếm thuật của ai trong thiên hạ đạt tới độ chính xác như điện tử Nhật Bản" Kiếm khách Trung Quốc không phục. Ong chờ con ruồi khác bay ngang, cũng rút kiếm, ra chiêu - Huỳnh hoa bảo điển. Con ruồi bay luôn! Hai người kia cười khẩy, nhưng ông nói: Con ruồi ấy đã tuyệt đường sinh sản. Ơ quê tôi. Hễ con gì đẻ nhiều là phải thiến! Thì kiếm sĩ mới được cấp giấy phép hành nghề. Các ngài có thấy bộ phận sinh dục của nó trên bàn chúng ta không" Ngầu biến, đấy! Kiếm khách Việt Nam, nói: Không thể có kiếm thuật vô song, vì mỗi kiếm sĩ có hoàn cảnh và trọng trách riêng nên chỉ tu luyện theo khẩu quyết: Biết thời thế mới là trang tuấn kiệt. Các ngài coi đây! Con ruồi nữa bay ngang… cũng bay luôn! Kiếm khách Nhật không dám cười cặp anh em Việt Nam - Trung Quốc, nữa. Ngài Nhật hỏi ngài Việt: Thưa tiên sinh, con ruồi ấy sao rồi" Nó còn một hay hai qủa thận" Nó không bán thận, chứ" Kiếm khách Việt ta trả lời: Thận thì phải qua Trung Quốc mới bán được. Hôm nay là Hội nghị APEC, tôi vừa cắt lưỡi nó thôi vì con ruồi này từ Sàigòn bay ra, nó đòi tự do dân chủ gì đấy thôi! Tôi phải bảo vệ cho Thủ tướng thì mới có cơm ăn áo mặc. Kiếm sĩ Nhật lại hỏi: Thế, cái lưỡi nó đâu ạ" Và tôi nghe nó nói: Cảm ơn ngài cạo râu miễn phí cho tôi, là sao ạ" Kiếm sĩ Việt trả lời: Con ruồi này tinh khôn hơn Thủ tướng, lúc tôi ra chiêu thì nó cuộn lưỡi vào. Trước mặt quần hùng, các ngài mà nó: Cám ơn tôi cạo râu miễn phí. Thì đúng là đám đòi tự do ngôn luận, báo chí đây thôi. Thôi. Tôi không bàn nữa để đi tiêu diệt nó, chứ không thì nó la toáng lên… còn gì thể diện quốc gia trước hội nghị quốc tế! Tôi mất việc đấy."

"Con hổng hiểu gì hết, chú Phan ơi! Thôi bữa nào, con đưa chú tới đàm đạo với ổng, cho tụi con chuồn đi chơi, vui hơn."

 Trời sắp tết hay lòng mình đang tết, nhìn hai người bạn nhỏ đá lông nheo, biết đã. Sáng xuân tươi hồng, nó đang luyên thuyên với mấy chú ngoài parking. Con nhỏ đến, xuống xe, hôm nay không có bịt giấy dầu nên không mời mấy chú ăn đồ. Nó hỏi trỏng không: "Hôm nay hổng có gì ăn, hả"" Con nhỏ trả lời: "Em hết tiền rồi! Anh Ngô có tốt thì đi mua Donut, đi." Nó nhìn con nhỏ… nhíu mày, rồi nói như không: "Em mà hết tiền. Tiền đầy hai túi mà nói hết!" Mấy trự gìa cười cười, con nhỏ không hiểu, ngoe nguẩy bỏ đi. Ong Huy kí đầu nó. "Cái này là mày học sách Phan- vỉa hè, tao không có dạy mày nhìn của của người ta, nha thằng qủy con!" Tới đây, tôi mới hiểu ra câu: "Tiền đầy hai túi mà nói hết". Quần áo may bên Việt Nam kỳ thiệt! Ai may cho con nhỏ cái áo sơ mi trắng, có hai túi áo ngực mà lại đi nhận hai cái cúc túi áo màu hồng. Đúng là tiền đầy hai túi mà nói hết! Thằng qủy con ngày càng lợi hại. Tôi hỏi nó: "Cho mày đếm, mày đếm hôn"" Mặt nó đỏ lên như hoa anh đào!

*

Trưa, qua tiệm nail ngủ lại được rồi! Chắc tại bà chủ Nhung đi Chùa dịp tết nên bớt chằn. Cô Dung lại rỉ tai:

"Thằng đệ tử anh lúc này qúa cỡ rồi nghen."

"Gì nữa""

"Con Sắc kể em nghe: Nó nói con Sắc mặc đồ sến qúa! Nó chở đi chơi, đi shopping mua quần áo mới. Con Sắc sắm mấy bộ tân kỳ (mấy hôn nay, anh không thấy chỉ số IQ của con Sắc giảm mạnh rồi sao" Nhan sắc tăng lên bội phần. Đúng là người đẹp nhờ lụa.) Công nhận thằng nhóc làm tiệm giặt nên có kinh nghiệm về quần áo, nó chọn cho con nhỏ mấy bộ được ghê."

"Chà! Không chừng bọn gìa mình tốn tiền phúng điếu tụi nó tới nơi à chị Dung."

"Em thấy, hai đứa nó được qúa chứ! Thằng Ngô nó chững chạc hẳn ra, con Sắc cũng thùy mị qúa trời, còn muốn gì nữa" Em kể tiếp anh Phan nghe: Con Sắc không cho nó trả tiền quần áo. Nó để con Sắc trả, nhưng phải cho nó tặng cái áo dạ hội với đôi giày cao gót. Đồ hiệu đàng hoàng nha anh Phan, bộn tiền ạ. Phải công nhận là đẹp hết biết luôn. Con Sắc lên đồ, nhìn không ra nha anh Phan. Mấy con nhỏ chụp hình lịch là đồ bỏ. Em thấy con Sắc mà gặp người biết make-up thì nó đẹp hơn tài tử Hongkong. Chỉ có điều nó đi đôi giày cao gót chưa quen, như người ta đi cà khiêu, em cười bể bụng với nó.

 Lúc này… cái gì cũng anh Ngô, nói! Chao ôi. Trong đôi mắt em anh là tất cả! Cuối tuần này đi dạ vũ à nghen!"

"Nghe có lý qúa hen, chị Dung. Chị có thường đi dạ vũ với ông xã, hôn""

"Mèn ơi! Ong xã em mà đi dạ vũ thì em trúng số. Rủ ổng đi nhảy đầm. Ong nói: Bà bắt tui nhảy không đèn chưa đủ sao" Còn bắt đi nhảy có đèn… mờ. Mắc dịch, bọn đàn ông mấy anh. Nhiều khi mua được bộ đầm rẻ muốn chết, làm gì có dịp mặc. Rủ chồng đi dạ vũ cho mình có cơ hội mặc thì không đi. Cuối cùng rẻ thành mắc tại bỏ phí không hà."

"Sao chị giống bà xã tui qúa dzậy! Bà nào cũng ca có một bài. Tụi tui đâu phải con cào cào đâu mà nhảy loi choi suốt ngày, chị hai! Cho xin số điện thoại của ông xã chị đi. Tôi đang thiếu nhân tài cho Hội vỉa hè, lúc này ông Lì làm biếng Họp qúa, nghe kể về ông xã chị, tui khoái rồi đó!"

"Bữa nào anh Phan tới nhà em chơi, mới biết tài tếu lâm của ông xã em. Bảo đảm anh cười no bụng."

"Ừ. Bữa nào rảnh cho hay đi, tôi tới."

 "…để em kể tiếp chuyện thằng Ngô cho anh nghe: Anh biết không" Nó không biết chuyện gì con Sắc cũng kể em nghe, nó hỏi em: Cô Dung thấy được hôn" Nói thiệt đi, con tới luôn đó cô Dung. Mấy chú ở đây chọc quê con không hà! Con mà giuộc chuyến này… con chết đó cô. Chú nhóc tính làm ăn lớn thiệt đó. Anh ủng hộ không""

"Quan trọng là hai gia đình tụi nó. Chứ hai đứa nó thì… OK, rồi. Chị."

"Chắc, hổng có gì đâu. Nghe nói, thằng Ngô cũng vừa lòng ông bà gìa con Sắc, lắm. Hôm tết, nó tới nhà con Sắc, chơi. Gia đình con Sắc có vẻ yên lòng với bề ngoài chửng chạc, lễ phép, đẹp trai của cậu Ngô. Còn cậu Ngô ngoài vỉa hè thì con Sắc cũng chưa hiểu hết đâu! Nghĩ vui qúa ha, anh Phan."

*

Ngoài hàng ba vỉa hè, nó lại thì thầm với sư phụ Huy của nó:

"Con có cái nhẫn hột xoàn đàng hoàng (của bà ngoại con để giành cho con cưới vợ), con có nên cho người ta bây gìơ chưa, chú Huy""

"… Không bao gìơ nên vậy! Thứ nhất. Đồ của ngoại cho là đồ gia bảo, không nên hồ đồ trao đi khi chưa có gì chắc ăn! Thứ hai. Hột xoàn với con gái như bia với dân nhậu, đưa vô tay nó là không có hồi âm! Xách bia của mình đi nhậu với người khác, sao con" Muốn gì thì gì, tặng qùa rẻ rẻ làm kỷ niệm, thôi. Lúc nào cũng được. Cùng lắm! Khỏi cúng tháng bảy, coi như cúng rồi! Còn đồ gia bảo thì phải tặng trước mặt hai họ - trong Lễ Đính Hôn đàng hoàng. Hễ xù là phải trả lại. Ai dại gì đi nắm dao đằng lưỡi! Nắm cán như chú còn bị xù mươi bận mới thành gia thất được đó con."

Nó trầm tư hổm rày như thằng táo bón, bỏ mấy chú không người mua rượu, nhậu xỉn không ai chở dzìa. Con đường độc đạo mà bao nhiêu thế hệ đàn ông cứ ngu ngơ đi vào lối mòn xưa cũ. Để mai này lại nghe trách không chở đi dạ vũ…

Ong Huy ngồi coi tiệm, buồn tay. Vẽ lên bìa giấy thùng cạc tông: Hình trái tim đỏ rực như thường thấy trong ngày Valentine. Ơ giữa trái trái tim hồng tổ chảng, ông ghi: "Ngố" rồi tặng cho thằng đệ tử. Nó không hiểu nên hỏi chú Phan.

Chú Phan, biết nó đang yêu nên ngu như chú Phan hồi năm nẳm. Chú Phan viết bài: "Ngô - Sắc", chờ nó hiểu là có uống rượu mừng.

PHAN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,689,083
Tác giả tên thật là Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 8/2015. Đã nhận giải đặc biệt 2016. Nhận giải danh dự VVNM 2017.
Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018. Tác giả là cư dân Minnesota, đã nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2008.
Ông Hai nhâm nhi ly trà sâm Đại Hàn, mùi sâm thơm thơm, vị đăng đắng, hơi ngòn ngọt, màu nâu cánh dán.
Chó là một động vật rất gần gũi với con người và có ích trong nhiều lãnh vực như trông và giữ nhà, dẫn đường cho người tàn tật hay khiếm thị
Không biết từ ngữ “Ăn Tết” có từ lúc nào. Nhưng khi nói về tết với đầy đủ ý nghĩa của nó người ta dùng từ Ăn Tết.
Không biết từ khi nào tôi bận tâm về cái việc xuất hành đầu năm! Hồi còn ở quê nhà thì khỏi nói, chuyện xuất hành, hái lộc đâu phải là phần vụ của lũ con nít chúng tôi.
Tết sắp tới rồi! Một câu nói thật ngắn gọn, thật đơn giản, vậy mà sao tôi cứ nghe nao nao, cho dù tuổi đời đã gần đến cái gọi là cổ lại hy!
Vặn tay cầm, thấy không khóa, thím Sáu bèn đẩy cửa bước vô. Đèn đuốc trong nhà sáng rực, nhưng không thấy có người. Nghe tiếng động trong phòng tắm
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Năm 2007, cô nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.” Chỉ ít tuần sau đó, cô “chạy” đủ giấy tờ đón ba má từ Việt Nam dự lễ phát giải. Sau chuyến du lịch, hồ sơ bảo lãnh gia đình được hoàn tất và từ 2011, ba má, và vợ chồng người em trai đã chính thức định cư, đoàn tụ. Hiện nay, cô là một thành viên trong ban điều hành Mount Vernon, di sản của vị Đệ nhất Tổng Thống Hoa Kỳ George Washington, tại Alexandria, Virginia. Bài mới của cô là chuyện vui gia đình và bạn đọc Viết Về Nước Mỹ cuối năm.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bài viết mới của bà trích từ báo xuân Việt Báo Tết Mậu Tuất 2018, hiện đang phát hành khắp nơi. Đây là tự sự của một tôn nữ thời đổi đời: Làm tài xế Taxi tại Huế. Định cư, kết hôn với người Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến