Hôm nay,  

Mỏ Muối, Cao Bồi, Máy Bay & Đám Cưới

29/08/200700:00:00(Xem: 309551)

Người viết: Nguyễn Viết Tân

Bài số 2077-1940-644vb4290807

*

Tác giả Nguyễn Viết Tân từng chọn bút hiệu Tân Ngố và nhận một giải thưởng chính năm 2001 với bài “Bên Bờ Freeway. Thời ấy, ông là người làm công việc trồng cây ven xa lộ. Mới đây, họp mặt thân mật các tác giả Viết Về Nước Mỹ, ông nói ông chỉ là chuyên gia cầu cống và “vị nào có cầu cống nghệt thì kêu tui”.

*

Từ xa xưa, con người đã biết lấy nước biển, cho nước bốc hơi để làm thành muối. Quốc gia nào ở sâu trong nội địa thì đành mua muối của những nước khác có biển.

Ở VN từ Bắc chí Nam đâu đâu dọc bờ biển cũng có ruộng muối, nhưng tuỳ theo thế đất và độ mặn của vùng biển mà nghề này phát triển mạnh hay không.

Diêm dân  daân làm muoái-  xưa nay vẫn cực hơn nông dân rất nhiều, họ phải lấy nước biển vào ruộng, phơi qua nhiều nắng, chuyển nước đậm đặc đó lên ruộng khác, rồi cuối cùng mới tới ruộng đất nện hoặc tráng xi măng. Khi muối khô rồi mới cào thành từng đống.

Ai đã từng đi qua Mũi Né - Phan Thiết - Phan Rang đều thấy những đống muối trắng sát, như những quả núi nhỏ.

Vùng biển ngoài bắc hay ruộng muối ở Bạc Liêu chỉ sản xuất ra được một loại muối màu nâu, là bởi vì nước phù sa của hai con sông Hồng Hà và Cửu Long đã nhuộm nước biển Nam và Bắc không còn trong xanh nữa. Miền Trung thường không có sông lớn chảy ra nên độ mặn của nước biển rất cao, có vùng quanh năm lại ít mưa nên nghề muối an nhàn hơn các nơi khác, muối làm ra thường trắng tinh.

Chúng ta hãy tưởng tượng khi ruộng muối đã phơi được mấy tuần, sắp thu hoạch mà trời dộng xuống một trận mưa, hay cơn bão lớn kéo vào bờ thì người làm muối buồn khổ đến thế nào, đành chịu cảnh trắng tay trong chốc lát.

Trong Phúc âm, chúa Giê Su có nói:

-Các con là muối đất thế gian, nếu muối không mặn thì...

Tôi ngạc nhiên, sao ngài không nói là muối biển, mà lại gọi là muối đất (").

Cho đến khi tôi đến thành phố Hutchinson-Kansas thì mới vỡ lẽ ra: Muối nằm sâu trong lòng đất, dầy đến cả trăm thước, và trải dài hơn... 60 dặm!

Nó lại là muối không pha tạp chất, người ta cứ đào lấy nó như đào đất và số muối thành phẩm nếu dùng để ăn, thì nước Mỹ này ăn đến mấy ngàn năm mới hết.

Nước Mỹ đã giàu có, mà ngay cả đến muối, ông trời cũng đặc ân ban cho sẵn, mà lại cho rất nhiều nữa mới lạ kỳ.

 Trước khi kể về mỏ muối, tôi xin dẫn các bạn đi ngang Dodge City.

Đây là một thành phố nhỏ, nếu các bạn coi phim miền Viễn Tây thấy thế nào, thì ở đây y chang như vậy, bởi vì nơi đây chính là cảnh còn bảo trì nguyên dạng, dùng để quay phim.

Có lẽ hồi còn nhỏ, chúng ta coi phim Cao Bồi lùa từng đàn bò hàng mấy ngàn con qua những thảo nguyên, rồi khi vào những thành phố, chúng bắn nhau, tranh gái hay vì một vài lý do vớ vẩn nào đó cũng có thể gây án mạng, ta chẳng bao giờ tự hỏi:

-Nó lùa bò đi đâu thế" Nếu chăn bò, thì cứ thả rông cho bò ăn cỏ, cứ lùa đi hoài làm chi vậy"

Ta hãy nhớ lại hồi sau cuộc nội chiến Nam-Bắc của Mỹ:

Miền Nam thua trận, kinh tế kiệt quệ, việc làm khó kiếm, nên mấy tay sừng sỏ mới mua bò của các tiểu bang như Texas hay Oklahoma mà đem đi bán trên Dodge City của Kansas, để xe lửa chuyển lên miền Bắc. Bò mua chừng 2 đô la một con mà bán đến 5 đô la. Người buôn bò lời quá, mà nơi hội tụ là ga xe lửa lớn nhất vùng này, tiệm rượu, nhà chứa mọc lên như nấm, mấy anh thanh niên đầu bò đầu bướu lại có súng trong tay thì rất thích gây hấn. (Nên nhớ là dù thua trận, người Miền Nam vẫn được quyền giữ súng, vì Hiến Pháp đã qui định như vậy).

Thành phố luôn luôn xáo động, súng nổ khắp nơi, ông Sheriff bèn ra lệnh: "Ai bước chân vào thành phố này mà còn đeo súng, tôi sẽ bắn què giò"

Ông ta tên là Hitcock, không một tay cao bồi nào bắn súng nhanh bằng, nên họ đành chịu phép mà phải tuân hành lệnh của ông.

Cho đến bây giờ, những tiệm rượu, chuồng ngựa, nhà chứa gái, ga xe lửa đã trở thành Museum mỗi năm đón nhiều triệu du khách ghé thăm.

Mỏ muối Hutchinson cách Wichita chừng hơn nửa giờ lái xe.

Cách đây gần một trăm năm, có ông Ben Blanchard chuyên mua bán đất đai, ông hy vọng sẽ kiếm được mỏ dầu thì giàu lên cấp kỳ, ai dè gần khánh tận tài sản rồi mà khoan bao nhiêu giếng cũng chưa thấy dầu. Chàng ta bèn âm thầm đi mua mấy chục thùng dầu thô, đang đêm đổ xuống một lỗ giếng rồi phao lên là mình khoan trúng mỏ dầu.

Có người ngây thơ đã mua lại vì bơm thử thì dầu có vọt lên thật, được có mấy chục thùng rồi tắc tị, người ta khoan sâu thêm thì dầu đâu không thấy, mà chỉ thấy đùn lên một thứ bột trắng như tuyết, nếm thử thì ra muối ăn.

Ngay lập tức, hơn hai mươi công ty muối đổ xô về đây xin khai thác, nhưng cho đến hôm nay chỉ còn ba đại công ty: Hutchinson, Cargill Salt và Morton. Có lẽ chúng ta ít ai để ý khi đi chợ mua hộp muối tròn màu xanh trắng, có cô nhỏ mặc đầm xoè và che cây dù dưới mưa bay, đó là sản phẩm của hãng Morton đấy.

Thực ra, số lượng muối mà chúng ta dùng để ăn rất ít nếu đem so sánh với số muối dùng để rải trên đường lộ ở những tiểu bang có nhiều tuyết về mùa đông, cả hàng triệu tấn mỗi năm chứ không ít.

Du khách muốn xuống mỏ muối, phải mua vé chừng 20 đô la, sẽ được thuyết trình về an toàn trước khi vào thang máy, đi sâu xuống lòng đất 600 feet trong âm u, đèn tắt tối thui hết 1 phút, rồi trước mặt sáng trưng, có đoàn xe goòng chở mọi người đi thăm thú mọi nơi, có cả giftshop dưới mỏ nữa.  Thỉnh thoảng có những tảng muối vĩ đại, trong trắng như pha lê, lại có những nơi có khe nước đã bị trám kẻo nước chảy ra sẽ xoi mòn muối làm đường hầm có khi bị xập. Khi bắt đầu vào thang máy, mọi loại nước uống bị cấm mang xuống, vì có thể rò rỉ ra một chút, cũng đủ làm muối chảy tan ra theo dây chuyền mà nguy hiểm cho cả mỏ. Nếu chúng ta muốn lấy một cục muối bằng nắm tay về làm kỷ niệm, thì cứ bỏ 1 đô la vào thùng tiền, lấy một túi vải nhỏ để đựng muối mà mang về chưng trên bàn để ngó chơi.

Những khu vực đã khai thác muối rồi, người ta làm thành nơi tồn trữ phim ảnh, những dữ liệu sản xuất của những công ty trên toàn nước Mỹ, vì độ sâu, độ ẩm, nhiệt độ ở nơi đây bảo đảm an toàn cho dù có một trận tấn công nguyên tử vào nước Mỹ.

Đó đây có những màn ảnh lớn, du khách có thể bấm máy TV để coi hình ảnh, phim về việc khai thác muối, người tourguide cũng giải thích vì sao tất cả các xe cộ, xe goòng, xe xúc, máy móc vận hành dưới mỏ đều chạy bằng động cơ điện, hoặc máy diesel. Dưới những hầm mỏ, có rất nhiều khí metal, nếu máy móc có bu-ri, khi nó đánh lửa sẽ có nguy cơ tạo ra vụ nổ, nhưng động cơ diesel chạy bằng béc phun (fuel injection), nên tránh được sự phát ra tia lửa.

Gần ngay mỏ muối, có một Museum tên là Cosmosphere, nơi đây trưng bày rất nhiều hình ảnh và hiện vật về hàng không, không gian: Hoả tiễn V1 và V2 của Đức đã bắn qua Anh hồi Đệ Nhị Thế Chiến; Apollo 13; Liberty 7 từ phi thuyền Mercury và đặc biệt nhất, một máy bay oanh tạc khổng lồ hai phi công: SR 71 Blackbird. Tôi đã nhìn thấy nhiều máy bay lớn, nhưng không ngờ trên thế giới này mà lại có một máy bay bỏ bom lớn như thế!

Rời Viện Bảo Tàng Hàng Không, chúng tôi được anh Thăng dẫn vào hãng máy bay Beechcraft, nơi anh và một số người đồng hương của tôi đang làm việc.

Hầu như những người quen của tôi đều làm công việc có dính líu đến máy bay, thí dụ như ghế nệm, máy lạnh v v...

Đây là một hãng làm những máy bay cỡ nhỏ, chong chóng hay phản lực đều có cả, loại này thường bán cho các đại gia, họ dùng máy bay như ta lái chiếc xe Toyota mà thôi.

Thăng tâm sự:

-Ngày còn đi học Trung học ở quê nhà, mỗi lần nghe tiếng máy bay trên trời, em nhìn chiếc máy bay nhỏ xíu tuốt trên các tầng mây, ước ao mình có thể nhìn thấy nó tận mắt, chứ không mong gì được sờ vào nó, hoặc ngồi trong máy bay, bây giờ lại chính là người design ra chiếc máy bay, thì kể cũng là một sự hy hữu.

Thăng dẫn chúng tôi đi quan sát nhiều phần việc, các nhân viên ăn mặc gọn gàng và làm việc coi bộ thoải mái, cứ từ từ mà làm, vì làm gấp mà không đạt an toàn sản phẩm thì có mà mang hoạ...

Một cô người quen làm thợ khoan lỗ rivet, mà Thăng nói cô ấy làm lương khoảng 22 đô la một giờ. Khá quá chừng.

Máy bay do Beechcraft bán ra khoảng từ 3 cho đến 20 triệu. Mấy năm gần đây họ làm khung phòng máy bay bằng chất composite, mục đích chính là để giảm linh kiện, vì trước đây cần cả ngàn parts mới thành hình cái thân máy bay, còn bây giờ chỉ cần đúc 3 khúc, đầu mình và đuôi, ráp vào là xong. Máy bay Starship và Premier của hãng Beechcraft đã làm bằng vật liệu composite, riêng Boeing thì chỉ có loại 787 mà thôi, nhưng cũng chưa bán ra ngoài thị trường được vì còn qua rất nhiều thử nghiệm.

Tuy nhiên loại mới này cũng có những trở ngại kỹ thuật, thí dụ khi bay vào vùng mưa bão sấm sét lightning, cho dù bị direct or indirect hit thì các phi kế trên máy bay cũng đều bị ảnh hưởng nên chạy lộn xà ngầu.

Vì sự an toàn của hành khách nên cơ quan Quản Trị Hàng Không FAA đòi hỏi nhiều điều có khi thậm vô lý, mà công ty vẫn phải làm, vì ngay cả FAA cũng chưa có kinh nghiệm về loại vật liệu mới mẻ này, cứ bắt làm cho ăn chắc, kẻo sau này lại chịu trách nhiệm nếu có gì xảy ra.

Cách đây vài năm, một Boeing cất cánh tại NY được vài phút thì bị cháy, sau đó điều tra  mới biết dây điện trong cánh máy bay đã không được cột chặt, khi nó bị lúc lắc đã sinh ra tĩnh điện static và làm cho máy bay bốc cháy. Từ đó về sau, tất cả các hãng máy bay đều phải cột chặt các dây nằm trong cánh, cho dù tai nạn mới xảy ra có một lần mà thôi.

Mỗi năm Beechcrraft xuất xưởng 400 chiếc loại lớn, còn loại nhỏ giá chừng 600 ngàn một chiếc thì có năm bán chạy quá, phải hoàn thành hai chiếc một ngày.

Trong thời kỳ chiến tranh VN, hãng này còn làm trực thăng đa dụng Bell UH1 mà Hải Lục Không Quân Mỹ đều dùng, riêng KQVN thì mỗi Sư Đoàn có đến 400 chiếc, vị chi 6 SDDKQ có đến hơn 2000 trực thăng UH1.

Người ta gọi Wichita là Air Capital vì nơi đây sản xuất rất nhiều máy bay, trước đây đạt đến 80% nhưng bây giờ chỉ khoảng 60% mà thôi.

Các hãng máy bay gồm có Boeing (trước đây tổng hành dinh ở Seattle bây giờ dời về Chicago, nhưng có nhiều phân xưởng ở đây) hãng Learjet, Cessna, Beechcraft.

Máy bay Air Force One 747 của Tổng Thống; máy bay bỏ bom nguyên tử B29; pháo đài bay B52 cũng làm tại đây.

Đồ trên máy bay có nhiều thứ đắt tiền một cách vô lý, thí dụ như cái sticker nhỏ bằng móng tay út, dán lên để cho người ta biết chỗ một dụng cụ mà phải mua 50 đô la; cái quạt 3 inches nếu mua ở Radio Shack chỉ đáng 10 đô la mà hãng máy bay phải mua 1 ngàn đồng, cho nên nếu một Kỹ sư tận tâm và nhiều kinh nghiệm, có thể tiết kiệm cho công ty rất nhiều tiền vì thế có thể hạ giá thành phẩm xuống.

Nhìn lại lịch sử của thành phố này, chúng ta thấy các công ty máy bay tụ hội về đây mới có trên dưới 70 năm, mà bây giờ nhờ công khó, sự tài giỏi và tham vọng của các kỹ sư tài ba như các ông Lear, Beech hay ông Wallace của hãng Cessna... đã tạo nên một kỷ nguyên mà ngành Hàng Không Không Gian Hoa Kỳ đã đi bằng đôi hia ngàn dặm.

Từ Wichita, chúng tôi đi xe mất vài giờ mới lên tới Kansas City để dự đám cưới. Có hai thành phố Kansas nằm hai bên biên giới: Một gọi là Kansas Mo. thuộc Missouri, còn bên này là Kansas Ka. thuộc tiểu bang Kansas.

Đám cưới tổ chức ở nhà thờ Công Giáo rất đẹp, phái đoàn nhà trai (những người từ nơi xa đến) đi lạc nên khi vô nhà thờ thì cha đã giảng gần xong.

Lúc mọi người chúc bình an cho nhau, cô dâu chú rể đi suốt hàng ghế đầu, ôm hôn cha mẹ thân quyến cùng bạn bè, tôi thấy thằng cháu cưng bị mấy cô phù dâu ôm chặt mà thấy tội nghiệp, tính xả thân nhảy ra cứu cháu mà rồi không dám, vì thấy mấy cô gái miền Viễn Tây này cô nào cũng to lớn, cũng thịt da ngồn ngộn, nhìn hãi quá.

 Tuy gia đình chúng tôi đi dự đám cưới khá đông, nhưng cũng lọt thỏm vào rừng người da trắng. Tức cười nhất là khi ăn tiệc ở hội trường nhà thờ, phe đàng trai VN thì các bà các cô diện quá đẹp, đàn ông mặc com-lê cà-rà-goạch đàng hoàng, nhưng phía đàng gái họ là dân miền Viễn Tây, chỉ mặc Jean và áo sọc, ăn uống sơ qua rồi họ trổi nhạc, kéo nhau ra nhảy kiểu folk dance. Người MC chỉ giới thiệu cô dâu chú rể, không có một lời giới thiệu cha mẹ họ hàng hai bên. Anh chị tôi đã hoà nhập với văn hoá vùng này lâu rồi, nên cũng kéo nhau ra nhảy ào ào, còn chúng tôi mặt mày tiu nghỉu, ngồi nán lại một lát rồi len lén rút lui về khách sạn ngủ khò.

Người bạn anh tôi mới ở VN qua ít lâu lẩm bẩm:

-Sao đám cưới Mỹ vùng này lạ quá, lạt như nước ốc. Không phê bằng đám cưới VN mình.

Trước lúc từ giã nhau để mỗi người lên xe đi về một hướng, tôi xung phong lại quầy trả tiền khách sạn, 11 phòng mà mỗi phòng 150/dde^m làm tôi hơi xót ruột, nhưng cũng đành "chơi nổi để lấy tiếng ngu".

Lúc chia tay, anh chị tôi còn dặn vói:

-Tháng mười tới này lại tới phiên thằng Cộc nó cưới vợ đấy nhé, nhớ đi cho vui.

Ý kiến bạn đọc
06/12/202300:59:30
Khách
Vui quá , nhờ tác giả mới biết thiên nhiên đã ưu ái cho nước Mỹ có mỏ muối tuyệt vời 🙌
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,027,050
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến