Hôm nay,  

Chuyện 30 Tháng Tư: Dì Năm Ở Mỹ

21/04/200700:00:00(Xem: 286599)

Người viết: Nguyễn Hữu Thời

Bài số 1246-1857-563vb7210407

 Nguyễn Hữu Thời là tác giả đã góp nhiều bài viết về nước Mỹ đặc biệt ngay từ năm đầu tiên của giải thưởng. Trước năm 1975: Dạy học. Quân nhân QLVNCH (Khóa 18 Thủ Đức). Hiện giúp việc cho Sypris Data System Co. Los Angeles.

*

Mỗi lần tôi đến thăm Dì Năm; Dì cứ lặp đi lặp lại câu nói: " Cho tới bây giờ đã hơn ba mươi năm sống tại Mỹ mà ngồi nghĩ lại những ngày trước 30 tháng Tư ở Sàigòn, tôi cứ ngỡ là chiêm bao, là chuyện mới xảy ra ngày hôm qua! " Nghe riết rồi người viết cũng thuộc nằm lòng những chuyện Dì kể; do đâu Dì được tuyển vô làm sở Mỹ ở cơ quan DAO trong phi trường Tân Sơn Nhất với công việc là dọn dẹp sạch sẽ văn phòng, nhà vệ sinh; mặc dù tiếng Anh, tiếng U của Dì lúc đó chỉ biết là "Thank You" và "How are You" thôi, và do cơ hội nào lúc khuya 29 rạng 30 tháng Tư năm 1975, Dì được binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ bồng lên trực thăng bay ra hạm đội 7 đang thả neo ngoài khơi Vũng Tàu trong chuyến di tản cuối cùng rời Sài gòn.

 Năm nay, Dì Năm đúng 75 tuổi, lại có sự trùng hợp kỳ lạ là ngày 30 tháng Tư đúng là ngày sinh nhật của Dì. Với tuổi 75 nhưng sức khỏe Dì thật sung mãn, tiếng nói sang sảng, đầu tóc Dì bạc trắng như cước giống tóc bà Barbara Bush; thân mẫu của Tổng thống Bush đương nhiệm.

Từ ngày Dì về hưu năm 65 tuổi, cứ mỗi sáng thức dậy, Dì mang đôi ba-ta vào, và bắt đầu đi bộ quanh khu nhà khoảng 30 phút. Sáng nào cũng vậy, trời nắng cũng như trời mưa, khí hậu lạnh hay ấm. Dì nói đi quen thành ghiền, hôm nào có gió lớn không đi được thấy trong người nó "nhột nhạt" sao đấy, hai cái chân nó "ngứa ngáy", khó chịu làm sao! Người Dì gầy, mảnh mai nhưng rắn chắc, gọn gàng.

Những năm gần đây, Dì ăn chay trường. Ban đầu Dì thấy trong người hơi yếu đi nhưng bây giờ thấy trở lại bình thường, và khỏe hơn, bụng dạ thấy nhẹ nhàng hơn lúc còn ăn mặn. Mỗi lần được mời tiêc tùng, cưới hỏi ở nhà bà con, bạn bè, nhà hàng, Dì nhìn những món ăn có cá thịt trông nó ớn ớn sao ấy!

Dượng Năm đã hy sinh vì chính nghĩa Quốc gia năm 1962 hồi Dì mới 29 tuổi. Hết tang chồng ba năm, Dì đem thằng Cưỡng; con độc nhất vừa lên tám rời quê vào Sài gòn sinh sống. Thu góp chút vốn liếng còn lại; Dì sang cái sạp bán báo và thuốc lá ở góc đại lộ Trần Hưng Đạo và Cộng Hòa gần chợ Nancy.

Dượng Năm là Cán bộ Công Dân Vụ thuộc tỉnh Bình Định; đặc trách công tác ở các xã Hoài Hương, Hoài Thanh, Hoài Xuân, Hoài Mỹ thuộc quận Hoài Nhơn, Bình Định. Một hôm vào hạ tuần tháng Mười năm 1962, Dượng hoàn tất công việc ở xã Hoài Mỹ thì đã hơn chin giờ đêm, ngoài đường trời tối đen như mực, ngửa bàn tay ra không thấy, mưa rơi lâm râm. Chủ tịch Hội đồng xã khuyên Dượng nên nghỉ đêm ở đây, rồi sáng hãy về. Dượng cảm ơn, và từ chối. Dượng nóng lòng muốn về với vợ con đang mong ngóng ở nhà.

Nhà Dượng ở thị trấn Bồng sơn, cách xã Hoài Mỹ khoản sáu, bảy cây số đường đất quanh co, chạy qua những rặng dừa, những bụi tre rậm, bãi tha ma. Khi chiếc xe gắn máy vừa sắp đến cầu tre bắc qua sông Lại Giang, khoảnh hẹp nhất giữa xã Hoài Mỹ và Hoài Xuân; bỗng từ trong bụi tre gần đó có người ra chận xe lại xin quá giang. Xe vừa ngừng, một tên khác liền nhảy ra dùng dao găm đâm sâu vào bụng Dượng, xe và người cùng ngã xuống một lúc; nhưng tiếng máy xe vẫn còn nổ giòn.

Thi hành xong thủ đoạn ám sát hèn hạ, tưởng Dượng đã chết, hai tên Cộng phỉ liền rút êm sau lũy tre làng rậm rạp, cạnh bờ sông. Chúng còn gắn trên thi thể nạn nhân mảnh giấy lên án, và xưng là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Bị trọng thương, máu ra rất nhiều nhưng Dượng cố lết vào nhà dân gần đó cầu cứu. Dân làng chở Dượng đến Bệnh viện Bồng sơn cứu cấp; Dọc đường Dượng tắt thở. Dượng bỏ lại Dì Năm tuổi còn xuân xanh, và cháu Cưỡng vừa mới được thu nhận vào lớp mẫu giáo Mầm Non.

Dì hận Cọng sản giết chồng mình khi tình chồng vợ đang cao độ nồng ấm. Thằng Cưỡng mới lên năm đã thành kẻ mồ côi cha. Sự đau khổ, hận thù vô cớ giết chồng mình, nó dai dẳng không nguôi đã hằn sâu trong đầu óc Dì, khó quên, và không thể tha thứ .  Dì thường nói: "Đối với Cọng sản Việt nam, tôi thề không đội trời chung".

 Sáng mồng một Tết Mậu Thân năm 1968, Cọng sản xâm nhập Đô thành, những toán đặc công quậy phá khắp nơi. Chỗ khu nhà Dì ở có bốn tên Việt Cộng xuất hiện tại đường Phan văn Trị và Nguyễn Biểu gần trường Trung học Công giáo Thánh Linh, thuộc quận 5, Sàigòn. Hai tên cầm súng ngắn, hai tên cầm AK 47 trông vẻ ngơ ngác đang tìm đường lẩn trốn vì chúng đang bị tiểu đội Cảnh Sát Dã Chiến dưới quyền chỉ huy của Thiếu úy L. đuổi đánh tới tấp.

Bên hông hẻm nhà Dì Năm có một con đường nhỏ ăn thông qua đường Trần Bình Trọng, và đai lộ Trần Hưng Đạo. Cuối đường là một cái ngỏ thường ngày vẫn mở cho những dân trong xóm muốn đi tắt qua đường Trần Bình Trọng hoặc ra đại lộ Trần Hưng Đạo. Lúc ấy, mọi nhà trong hẻm đều cửa đóng, then gài, ngoài đường phố xá vắng tanh. Từ trên căn gác, Dì Năm bò ra nằm dí ngoài hiên xem động tĩnh, khi thấy đằng xa có bốn tên Việt Cộng từ ngã tư Nguyễn Biểu-Phan văn Trị; chỗ gần tiệm cà phê, hủ tiếu của xì-thẩu Xường đang hốt hoảng chạy vào xóm, Dì liền bò vào trong, và tụt nhanh xuống thang gác, lẹ làng bước ra ngoài khóa ngay cổng ngỏ lại, rồi rút ngay vào nhà đóng kỹ cửa phòng thủ. Dì bước qua bếp, lận ngay con dao trong cạp quần; chờ đợi. Dì nhấn mạnh: " Nếu bọn chúng tông cửa vào nhà. Tôi thề quyết ăn thua đủ với chúng. Đời người ai cũng một lần chết mà!" Một chốc, bốn tên Cọng sản chạy đến trốn lẫn vào cái hẻm cũng là cái bẫy của tử thần đang chờ đợi. Chúng không có lối thoát, bị toán Cảnh sát Dã Chiến vây chặt bên ngoài, đành buông súng đầu hàng, và bị bắt sống. Hành động can đảm của Dì lúc ấy đã được các cơ quan an-ninh Đô thành lưu ý khen ngợi.

Kịp đến khi hiệp định Paris ký kết năm 1973, Mỹ liên tục rút quân. Bộ Tư lệnh Viện Trợ Quân Sự Hoa kỳ tại Việt nam thường gọi là MACV giải tán, và thu gọn lại tùy thuộc vào tòa Đại sứ Mỹ ở Sài gòn. (Văn Phòng Tùy Viên Quân Sự DAO). Công việc buôn bán của Dì ế ẩm. Dì liền nạp đơn xin vào làm lao công cho cơ quan DAO trong căn cứ Tân Sơn Nhất. Nhờ những giấy tờ chứng minh Dì là một quả phụ của một chiến sĩ quốc gia đã hy sinh vì Tổ quốc; cộng thêm lòng can đảm của Dì khi Cọng quân xâm nhập Đô thành hồi Tết Mậu Thân năm 1968 như đã trình bày ở trên; phòng nhân viên cơ quan DAO mời Dì vào phỏng vấn.

Điều may mắn cho Dì; người phụ trách phỏng vấn để tuyển dụng là một phụ nữ Việt nam, vợ một sĩ quan Dù đang tác chiến ở Cổ thành Quảng trị. Cô N. đọc hồ sơ, và rất làm hài lòng về ý chí kiên trì, một lòng thờ chồng, nuôi con cùng sự gan dạ của Dì hồi Tết Mậu Thân. Với những lời đề nghị thật nồng nhiệt của phòng nhân viên, Dì được Mỹ tuyển dụng. Hồ sơ được chuyển qua cơ quan an ninh VNCH. Sau khi sưu tra, tìm hiểu, Dì được cấp ngay thẻ an ninh để được tự do ra vô phi trường Tân Sơn Nhất làm việc bất cứ giờ giấc nào.

 Ngày 20 tháng Tư năm 1975, xếp Mỹ bí mật cho biết là sẽ di tản nhân viên qua Guam, nhân viên nào muốn tham gia nên làm đơn để lên danh sách. Dì kê tên hai mẹ con vào. Ngày 22 sẽ có chuyến bay đưa Dì và Cưỡng đi như chương trình đã định. Cưỡng hiện là binh nhất cơ hữu, thuộc tiểu đoàn phòng thủ có nhiệm vụ bảo vệ doanh trại Đơn Vị Ba Quản Trị Trung Ương, đường Tô Hiến Thành, Sài gòn. Em từ chối không di tản. Cưỡng quả quyết nói:

 "Mẹ cứ đi theo sở đi. Con ở lại! Con mang tội bất hiếu! Xin Mẹ tha thứ cho. Con không thể bỏ đồng đội, bỏ đơn vị để đào ngũ chạy thoát thân một mình trong lúc đất nước, tổ quốc đang dầu sôi lửa bởng, đang lâm nguy được. Con ở lại chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng, và con sẽ chết trên quê hương nầy."

 Dì tiếp: "Tôi rất ngạc nhiên về lời nói nầy của nó. Nó học chưa qua bậc Trung học. Tới tuổi, nó tình nguyện nhập ngũ. Tôi không biết nó học ở đâu được câu nói đầy ý nghĩa nầy! Tuy vậy, nhiều lần tôi cũng xin hoãn chuyến bay để chờ Cưỡng đổi ý."

Sau đây là lời Dì Năm kể về    ngày giờ cuối tại Tân S ơn Nhất và cảnh di tản.

*

 

Thuyết phục mãi thằng Cưỡng vẫn cương quyết không đi. Thêm nữa, đơn vị Cưỡng hiện đang cấm trại 100 phần trăm; nên nó ít khi về nhà. Thỉnh thoảng, nó chỉ tạt qua nhà thay quần áo, tắm rửa; rồi lại vào ứng chiến ở đơn vị ngay. Hằng ngày, tôi thấy những bạn cùng sở đem cả gia đình di tản, và mỗi ngày, mỗi đêm có những chuyến bay liên tục chở dân di tản rời phi trường TSN ra khỏi Sàigòn. Tôi sốt ruột lắm nhưng tôi dùng dằng không thể ra đi một mình để Cưỡng kẹt lại. Nấn ná mãi đến ngày 28, tôi kẹt cứng trong sở không về nhà được nữa.

Tối 28 Cọng sản pháo liên miên vào phi trường Tân Sơn Nhất, nhiều quả đạn trúng trong khu DAO. Tối 29, chúng pháo nặng hơn nhưng những chuyến bay trực thăng hình con sâu rộm từ hạm đội bảy vẫn cứ bay vào, và hạ xuống khu DAO bốc người còn kẹt lại, bất chấp đạn pháo. Đêm hôm đó, tôi đang ngồi run lẩy bẩy nơi góc phòng ăn trong DAO, và tâm trí rối loạn không biết phải làm gì. Ngoài kia, tiếng súng lớn, súng nhỏ nổ liên hồi, khói lửa bốc cháy khắp nơi. Tôi như nửa tỉnh, nửa mê. Bỗng nhiên cửa phòng xịch mở; hai người lính Thủy Quân Lục Chiến Hoa kỳ, mình mặc áo giáp, đầu đội mũ sắt, người cao lớn mang súng ngắn, người kia tay lăm lăm khẩu súng tiểu liên tiến nhanh đến tôi, và nói như quát:

 "Bà theo chúng tôi rời khỏi nơi nầy ngay. Ngồi đây rất nguy hiểm."

Tôi đứng dậy tính đi theo họ nhưng tôi quỵ xuống. Tôi gượng đứng dậy lần nữa nhưng tôi không đứng lên được. Hai chân tôi tê cứng như chuột rút. Tôi ngước lên nhìn họ cầu cứu. Bỗng người mang súng ngắn cúi xuống bồng tôi lên, và vác tôi đi như vác khúc gỗ, chúng tôi thoát ngay ra phía cửa sau, chạy quanh qua nhiều căn trại mới đến nơi trực thăng đang đậu, chong chóng quay tít như sắp bay lên. Ba chúng tôi là người cuối cùng lên chiếc trực thăng nầy.

Trên đường ra chỗ trực thăng, mỗi khi có hỏa châu sáng lên, tôi thấy nhiều chiến sĩ Dù Quân Lực VNCH đang bố trí ngoài vòng đai dây kẽm gai, và họ đang chiến đấu một cách gan lì và dũng mãnh, tiếng súng vẫn nỗ liên hồi. Việt Cọng đã tràn đến vòng đai phi trường mà anh em Dù vẫn bình tĩnh chiến đấu, một mất, một còn với giặc làm tôi khâm phục vô cùng! Họ thật có kỷ luật. Chiến đấu rất hăng say trong những giờ phút cuối cùng.

Ngồi trên trực thăng, tôi liên tưởng đến thằng Cưỡng con tôi không biết giờ nầy ra sao! Bay trong khoản thời gian ngắn, trực thăng từ từ hạ xuống sân tàu thủy lớn, và chúng tôi được hướng dẫn đi vào bên trong. Các bác sĩ, y tá Hoa kỳ mặc quân phục, chạy đi, chạy lại giúp đỡ, và cứu chữa khẩn cấp cho những người bị xỉu, bị thương. Họ làm việc thật nhanh nhẹn và tận tâm vô cùng.

Chừng hai tiếng đồng hồ sau, tất cả chúng tôi đều được chuyển qua chiếc tàu khác. Điều làm tôi rất ngạc nhiên và thán phục vô cùng là từ chiếc tàu nầy chuyển người qua chiếc tàu nọ, họ bắc một cái cầu lớn bề ngang rộng cỡ hàng mấy trăm mét. Mình đang ở trên mặt biển mà tôi có cảm tưởng như ở trên đất liền. Mặt cầu, mặt tàu rộng thênh thang. Rải rác đó đây, có nhiều chiến hạm chạy tới, chạy lui, đèn đuốc sáng trưng trông giống như thành phố nổi di động trên mặt biển.

Trời sáng dần dần, những chiến hạm rời hải phận Vũng Tàu hướng về Phi Luật Tân, một số tấp vào Cảng Subic Bay, và những người tỵ nạn được chuyển qua máy bay chở thẳng đến đảo Guam, đảo Wake thuộc Mỹ. Riêng chiếc tàu tôi đi; cứ tiếp tục chạy tới Guam mất nhiều ngày đường.

Tới Guam, chúng tôi được những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ hướng dẫn vào những lều tạm trú dã chiến quân đội, có sẵn giường bố nhà binh, và được chỉ dẫn làm những giấy tờ cần thiết để chuẩn bị vào Mỹ. Những ngày tôi sắp rời Guam, tôi thấy có một số người đã đem được vợ chồng con cái, cha mẹ già, và những người chạy có một mình như trường hợp tôi; họ đòi trở lại Việt nam. Họ tuyệt thực, nhóm họp biểu tình, rỉ tai tuyên truyền với nhau là bây giờ đất nước được " giải phóng" rồi, chính phủ Cách mạng mở rộng vòng tay đón tiếp những người vì hoảng hốt, và bị " Mỹ Ngụy" xúi giục chạy đi, giờ có thể trở lại Việt nam sống trong hòa bình. Có hai người, một ông, một bà, tới lều tôi tuyên truyền; xúi giục tôi ghi tên đòi về Việt nam, và cùng họ tham gia biểu tình, tuyệt thực. Tôi nổi sùng mắng cho một trận. Tôi nói cho các người biết rằng "Cọng sản nó lừa phỉnh đấy, tôi biết Cọng sản lắm! Các người tin tụi nó nói, có ngày chết về tay bọn nó đó. Lúc ấy, các người có hối hận cũng đã muộn lắm rồi, và khi chết không nhắm mắt được đâu!" Họ có ý không bằng lòng, và có những lời nói hăm dọa, ép buộc. Tôi cảnh cáo cho họ biết rằng, nếu còn đến lều tôi lần nữa, tôi kêu quân cảnh Mỹ ngay đó. Tôi biết nói tiếng Anh mà, dù là tiếng bồi.

Những ngày sau, tôi không thấy họ đến nữa. Như cậu biết đó, sau nầy những người đòi cho được về Việt nam hay bị lừa phỉnh nhẹ dạ theo về Việt nam trên chiếc tàu Việt Nam Thương Tín, và số phận họ ra sao thì mọi người tỵ nạn Cọng sản ở đây đều rõ.

 Cuối tháng Năm, tôi được chuyển lên phi trường Anderson rồi được đưa vào trại tỵ nan Indiana Town Gape ở tiểu bang Pennsylvania. Mỗi ngày, tôi và quí vị đồng hương tỵ nạn đi học Anh văn được tổ chức trong trại do các giáo sư Mỹ Việt thiện nguyện hướng dẫn.

Cuối tháng Sáu, tôi liên lạc được với bà Susan White xếp cũ của tôi; lúc tôi làm sở DAO Sàigòn. Bà cùng chồng liền bay lên Pennsylvania bảo trợ tôi về Los Angeles nầy. Nghỉ ngơi hai tuần để làm các giấy tờ cần thiết. Xong, ông bà White hướng dẫn tôi làm đơn xin thi làm janitor cho City Los Angeles, tôi được tuyển dụng, và giữ mãi công việc ấy cho đến ngày tôi nghỉ hưu năm 1998. Còn Cưỡng con tôi, sau khi nó nghe lệnh phải buông súng đầu hàng của ông Tổng thống ba mươi sáu giờ Dương văn Minh, nó cùng bạn gái trốn về Vũng Tàu làm nghề đánh cá. Cuối năm 1976, nó vượt biên cùng gia đình vợ, và hiện định cư ở San Diego,

 Giờ đây, ngồi nghĩ lại những ngày tôi sống ở quê tôi Thiết Đính, Bồng Sơn, những năm tháng bán thuốc lá lẽ, bán báo ở Sài gòn, những ngày Cộng sản xâm nhập Đô thành hồi Tết Mậu Thân 68, những năm tháng làm việc trong DAO, những chuyện xảy ra & Tôi cứ ngỡ là giấc chiêm bao&

 Nhân ngày 30 tháng Tư sắp đến, một ngày mà những người Việt nam yêu chuộng tự do, công bằng, không chấp nhận bạo quyền Cộng sản, họ không bao giờ quên được. Tôi muốn nhân dịp nầy, nói lên lòng biết ơn sâu xa những binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đã bế tôi lên trực thăng rời Sài gòn dưới lằn lửa đạn trong những giờ phút cuối cùng, những chiến sĩ nhảy dù của Quân Lực VNCH đã đánh trả rất mãnh liệt với Cộng quân ở vòng đai phòng thủ phi trường Tân Sơn Nhất suốt ngày đêm 28, 29 tháng Tư năm 1975 để cho cuộc di tản hoàn tất tốt đẹp, và đã cứu biết bao nhiêu mạng người, những binh sĩ và Sĩ quan Hải quân Mỹ trên Hạm đội 7 đã chuyên chở, giúp đỡ tôi di tản đến nơi an toàn, chính phủ và nhân dân Mỹ đã mở rộng vòng tay đón tiếp tôi, che chở tôi, bảo lãnh và hướng dẫn tôi để có được cuộc sống hôm nay trong tự do, và no ấm."

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,302,200
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.