Hôm nay,  

Đi Hoang

15/04/200700:00:00(Xem: 254156)

Tác giả: Nguyễn Trần Phương Dung

Bài số 1241-1852-558vb7140407

*

Tác giả cho biết bà rời Việt Nam từ năm 10 tuổi, định cư tại Mỹ, cuối tuần học lớp Việt ngữ và rồi mê văn chương Việt, muốn viết văn Việt. Bài đầu tiên của bà cho thấy phong cách và bút pháp vững vàng. Tác giả kể là bài được gửi dự Viết Về Nước Mỹ là “do sự khuyến khích của ông xã.” Mong Nguyễn Trần Phương Dung sẽ tiếp tục viết thêm.

*

- Nếu con còn muốn sống với gia đình thì phải sửa đổi, học hành đàng hoàng. Dì nhất định không chấp nhận cảnh đi đi về về xem nhà như cái chợ của con. Còn nếu con muốn duy trì cuộc sống buông thả hiện tại thì về lấy hết quần áo đồ đạc đi đi . Rồi con sẽ thấy không ai thương và lo cho con bằng gia đình đâu.

Lời dì nói như mũi gai đâm vào tim nó. Thì ra tất cả những gì nó nghi ngờ đều là sự thật. Dì đã về phe “bà ta” chống lại nó. Nó còn nhớ lời đe của bà cách đó hai tuần khi thấy nó sửa soạn đi chơi:

- Đi một chút rồi liệu mà về không thôi tao không mở cửa cho nữa đâu.

Nó thản nhiên trả lời:

-Con chưa đủ 18 tuổi, mẹ phải cho con vô và nuôi con..

- Mầy lầm rồi. Tao đã hỏi cảnh sát. Mày mà bỏ đi một lần nữa là tao ký giấy tờ không chịu trách nhiệm cho mày nữa. Sau đó đừng hòng trở về nhà vì sẽ không ai giúp mầy đâu!

- Dì sẽ giúp con.

- Không. Tao sẽ không cho bất cứ ai giúp đở mầy, kể cả dì .

Nó hơi chột dạ nhưng vẫn làm mặt lì xỏ giầy ra khỏi nhà. Thằng bồ đang đợi nó cách đó mấy con đường. Nó vừa đi vừa ngó lại đằng sau xem bà ta có đi theo không. Bà ta biết nó có bồ nhưng chưa gặp. Đã mấy lần bà hỏi dò “Cuối tuần mẹ nấu phở, con đem bạn trai về nhà chơi cho mẹ biết mặt nhé” nhưng nó đâu có ngu để bị dụ. Đã mấy tháng nay nó bỏ học và liên tục bỏ nhà đi chơi. Không ai biết nó đi đâu, làm gì. Không ai bắt gặp lúc nó ra đi. Không ai tìm được nó ngoài trừ lúc nó tự động đi về. Nó rất ranh, leo cửa sổ ra khỏi nhà lúc không ai để ý hoặc làm bộ đi học rồi chuồn luôn. Khi trở về, nó luôn luôn đi bộ một mình. Thằng Tim đã hơn 19 tuổi trong khi nó chưa đầy 16. Nó thừa biết nếu để bắt gặp, thằng Tim sẽ bị ghép tội dụ dổ gái vị thành niên.

Nó quen thằng Tim năm ngoái khi vừa lên Trung Học. Nó thông minh và học khá, nhưng bướng bỉnh và hay hờn dỗi. Nó lại chơi với đám con gái thích se sua, bắt chước các tài tử ca sĩ trên TV, mắt kẻ đen xì và môi tô tối thui. Quần áo mặc ôm sát người, hở ngực hở rốn nhìn chịu không được. Mẹ lo nó “gần mực thì đen” nhưng nó cãi miễn điểm học của nó cao là được, còn nó chơi với ai mặc kệ nó. Thằng Tim lúc đó học lớp 12 và là một nhức đầu của các thầy cô và ban giám thị. Nó chỉ huy một băng chuyên quậy phá. Ngoài giờ học tụi nó đóng đô ở một góc sân trường, vô cớ gây chuyện với những học sinh đi ngang qua. Những đứa học sinh đàng hoàng thấy bóng tụi thằng Tim là tránh xa chổ khác. Mới đầu nó cũng không mấy cảm tình với cái đám cô hồn này. Nhưng rồi bọn thằng Tim bắt đầu tán tỉnh đám con gái tụi nó, buông lời chọc ghẹo mỗi khi tụi nó đi ngang qua. Thằng Tim còn chơi nổi mua một sợi dây chuyền bằng bạc tặng cho nó. Đám con gái nhìn nó với ánh mắt vừa ganh tị vừa khinh bỉ. Nó ngấm ngầm kiêu hãnh được thằng “nổi tiếng” để ý. Rồi bổng dưng không thấy thằng Tim đi học nữa. Học sinh trong trường đồn thằng Tim gia nhập băng đảng “Rồng Á Châu”, đánh lộn với mấy thằng trong băng đảng “Chó Sói Mễ Tây Cơ” và bị cảnh sát bắt nhốt vào Trại Cải Huấn. Nó hú hồn nghĩ may mà không dính vào thằng du đãng.

Mùa hè trôi qua trong nhàm chán. Bố mẹ lo làm ăn chẳng mấy khi ở nhà. Nó lại chẳng hợp với thằng anh “mọt sách”, tối ngày chỉ ở trong phòng. Nó thay đổi dữ dội, từ tính tình đến thân thể. Nó đang qua gian đoạn từ “con” sang “cô” và bắt đầu bỏ nhiều thời giờ chải tóc, soi gương. Nhưng hình như chẳng ai nhận ra sự thay đổi ở nó. Bố thì chẳng bao giờ để ý đến nó. Ông ra khỏi nhà lúc nó chưa ngủ dậy. Lúc về thì đã tối mịt, vội vàng ăn cơm rồi vô phòng xem TV và đi ngủ. Mẹ thì mở miệng là càu nhàu và la mắng. Cái điệp khúc “Bố Mẹ không đi làm thì lấy tiền đâu nuôi tụi bây, tiền đâu trả tiền nhà, tiền đâu sắm quần áo đẹp.” được lập đi lập lại mỗi lần nó than thở mẹ không dành thời gian cho nó. Buổi chiều khi đi làm về, mẹ chẳng mấy khi hỏi han anh em nó, xem đã làm gì trong ngày hay có cần gì không. Thay vào đó là những lời than trách tại sao anh em nó không chịu giúp việc nhà, để mẹ phải bò lưng làm “mọi” cho chúng nó sau một ngày làm việc mệt nhọc. Nó đã chán nản với bốn bức tường lúc ban ngày, lại càng chán nản hơn với sự lãnh đạm của bố và khó chịu của mẹ vào buổi tối. Nó tránh nói chuyện hay đi đâu với mẹ, ngoại trừ đi shopping và đến nhà dì.

Dì là em gái duy nhất của mẹ. Nó yêu dì lắm. Trong mắt nó dì giỏi nhất và dễ thương nhất. Lúc nó còn nhỏ đi đâu dì cũng dắt theo và cưng chìu rất mực. Dì kể lúc nhỏ nó đã điệu lắm, chỉ thích mặc áo đầm. Khi mang nón thì sửa tới sửa lui trông chóng cả mặt. Rồi dì có gia đình. Nó nhớ đã khóc sưng cả mắt khi dì có con. Nó sợ bị ra rìa như mọi người vẫn chọc nó. Nó sợ dì không thương nó nữa. Dì đã ôm nó vào lòng và hứa sẽ luôn yêu thương lo lắng cho nó. Lúc đó nó mới cười và hết nguýt lườm đứa nhỏ nằm trong nôi. Lần nào mẹ qua thăm dì nó cũng đi theo. Tự lúc nào nó đã yêu thương đứa em họ với hai cái má phúng phính nhìn muốn cắn. Dì nói em bé dễ thương và ục ịch giống nó hồi nhỏ. Nó sung sướng hãnh diện hôn vào cái nọng thơm mùi sữa làm con bé nhột cười sằng sặc. Mới đây mà con bé đã vào mẫu giáo và một con bé xinh xắn khác lại chào đời. Dì tiếp tục quay cuồng với cuộc sống riêng. Nó vẫn mến dì, nhưng thấy khó tâm sự với dì hơn xưa.

Rồi nó lên lớp 10. Khóa đầu của niên học đầu trôi qua tương đối yên ổn trừ những giận dỗi xích mích giữa nó và đám bạn gái. Tụi nó thường ganh tị, nói xấu nhau khi đứa này hơn đứa kia điều gì. Mẹ nhức đầu với những lần chơi rồi nghỉ chơi, nghỉ chơi rồi chơi của đám con gái “lắm chuyện”. Nó giận Mẹ “chẳng hiểu gì cả”. Hai mẹ con cứ hậm hực với nhau.

Một bữa sau giờ tan học nó gặp lại thằng Tim, lúc này đã 19 tuổi và trông ngầu hơn xưa. Thằng Tim mặc áo ba lỗ, khoe hình xâm con rồng le lưỡi xanh lè nơi bắp tay. Thấy nó và đám bạn trố mắt nhìn, thằng Tim ung dung tiến tới mời cả đám đi ăn kem. Nó còn đang lưỡng lự thì mấy con bạn đốc vô :

- Coi bộ thằng Tim còn thích mầy đó.

- Đi đại đi . Tụi tao đi chung, có gì phải sợ"

Hôm đó hơn 7 giờ tối nó mới về tới nhà . Vừa bước chân vô cửa đã đụng ngay bản mặt hầm hầm của mẹ:

- Con ranh này đi đâu giờ này mới về"

- Con đi ăn kem với bạn.

- Đừng có nói láo. Ăn kem gì mà mất 4 tiếng đồng hồ"

- Tụi con vừa ăn vừa nói chuyện nên quên mất giờ. Tại sao mẹ không tin con"

Nó giận dỗi chạy nhanh vào phòng đóng cửa lại. Tối hôm đó mẹ giận không gọi nó ra ăn cơm, nó cũng tự ái không thèm ra. Nó biết mình có lỗi đi học về trễ nhưng mẹ đâu cần phải lớn tiếng với nó như vậy" Mẹ không cho nó điện thoại cầm tay thì nó lấy gì để gọi, chẳng lẻ phải mượn của mấy con bạn hay dùng điện thoại công cộng trước mặt thằng Tim" Sao mẹ không hiểu cho nó" Sao mẹ không ngọt ngào hỏi thăm nó như mẹ của những đứa bạn nó thường làm" Biết đâu nó kẹt chuyện gì ở trường phải về trễ thì sao" “Chưa gì đã giận dữ”. Nó ấm ức ứa nước mắt và chìm vào giấc ngủ với cái bụng đói meo.

Chiến tranh lạnh xảy ra những ngày sau đó giữa mẹ và nó. Bà chở nó đi học buổi sáng và đón nó ngay sau giờ tan học, không cho đi bộ về với đám bạn nữa. Ngày hai chuyến đi về hai mẹ con không nói với nhau tiếng nào. Không khí ngột ngạt khó thở. Về nhà mẹ cấm không cho nó dùng điện thoại hay vào Internet. Nó cảm thấy mình đang bị tù. Nó nghĩ thầm “Được rồi, để coi bà ta có canh chừng mình 24 tiếng một ngày được không. Không cho mình đi chơi với bạn sau giờ học thì mình đi trong giờ học!”

Nó và đám bạn thay phiên gọi vô trường hay viết giấy “xin phép” cho nhau nghỉ học. Bịnh, hẹn bác sĩ, gia đình có người. chết, chúng kiếm ra cả chục lý do chính đáng để nghỉ một vài giờ học. Nhà trường chẳng chút nghi ngờ. Bố mẹ gọi vào thì đỡ cho nhà trường một cú điện thoại về nhà khi học sinh vắng mặt. Bố mẹ thì mù tịt vì mỗi ngày vẫn đưa chúng nó đến trường đúng giờ và đón về đúng lúc. Tụi nó vui vẻ cúp cua dắt nhau về nhà một đứa nào đó trong đám thằng Tim đàn đúm, tập uống bia, hút thuốc. Tụi nó rất khôn không ra nơi công cộng trong giờ học vì biết nếu lỡ gặp cảnh sát sẽ bị đưa về khám và lôi thôi đủ thứ.

Không ai biết chuyện gì xảy ra cho đến khi phiểu điểm được gửi về nhà. Mẹ tá hỏa tam tinh khi thấy điểm nó đang từ A, B rớt xuống D, F:

- Học làm sao mà điểm rớt như vậy"

- Tại con không hiểu bài.

Mẹ giận dữ cắt ngang:

- Chứ không phải tại mầy cúp cua nghỉ học nên rớt điểm à" Từ rầy về sau liệu mà lo học hành không thì đừng hòng xin xỏ quần áo gì nữa.

- Mẹ có mua cái gì cho con đâu" Đồ của con toàn là của bạn tặng.. Nó lầm bầm cãi và chỉ ngừng khi thấy mặt mẹ tái xanh vì giận, nếu không phải sợ nó gọi cảnh sát chắc bà ta đã cho nó mấy bạt tai rồi.

Ngày hôm sau mẹ ùn ùn lên trường lấy giấy tờ chuyển nó sang trưòng khác, mặc cho nó khóc lóc năn nỉ. Nó hứa sẽ lo học hành đàng hoàng trở lại nhưng mẹ nhất quyết tách nó ra khỏi cái đám bạn “xấu xa”. Ngày đầu tiên đi học trường mới, nó bỡ ngỡ lạc lõng giữa những khuôn mặt lạ hoắc. Tựu trường đã nửa năm, đám học trò đã kết thân thành nhóm, hoặc ít ra cũng đã nhẵn mặt nhau. Khi không nó bị bỏ vào một nơi không quen biết một ai. Càng nghĩ nó càng giận mẹ. Đến giờ ra chơi, nó đi tìm cái điện thoại công cộng, gọi cho thằng Tim đến đón. Nó biết về thế nào cũng có chuyện, nhưng mặc kệ, cứ đi chơi rồi tới đâu thì tới.

Nó đi luôn 3 ngày. Tối Chủ Nhật nó ấn chuông nhà lúc 11 giờ khuya, phải mất hơn 10 phút sau mẹ mới ra mở cửa. Mặt bà xanh xao, đôi mắt quầng thâm thiếu ngủ, bà lườm nó:

- Còn biết về nhà à" Sao không ngon đi luôn đi"

“Sẽ đi, nhưng chưa phải là lúc này.” nó nghĩ thầm trong bụng. Thằng Tim vừa mới bỏ nhà ra đi tháng trước, “cuỗm” theo một mớ tiền của ba má nó. Gia đình thằng Tim có mấy cơ sở làm ăn khấm khá, có két sắt giữ tiền mặt trong nhà. Ba má thằng Tim chỉ lo làm giàu, không để ý đến thằng con ăn chơi lêu lổng. Ngay cả lúc nó bị bắt vô “Trại Cải Huấn” vì tội đánh lộn, ông bà còn thở phào vì có người trị thằng con “trời đánh” giùm mình. “Để nó ở ngoài chỉ tổ thêm chuyện.” Ra tù, thằng Tim sống “tốt lành” được mấy tháng vì bị probation officer theo dõi. Sau đó không biết làm sao nó cạy được cái két sắt, lấy trộm hơn 20 ngàn rồi bỏ đi. Ba má nó tiếc lắm nhưng không dám gọi cảnh sát. Họ làm ăn trốn thuế thì làm sao giải thích số tiền mặt quá lớn ở trong nhà, đành ngậm bồ hòn nhìn thằng con phá của mà không làm gì được. Sau mấy ngày ở tạm motel, thằng Tim tìm được một căn chung cư một phòng trong một khu lao động. Nhìn bản mặt non choẹt của nó, mới đầu ông chủ nhà tỏ vẻ e ngại, nhưng khi thằng Tim rút bóp trả trước 6 tháng tiền nhà, ông đưa chìa khóa cho nó mà không cần hỏi han gì thêm.

“Phải ở trong những khu như thế này mới dễ trốn. Hàng xóm nghèo nàn không ai hơi đâu để ý đến bọn mình.” thằng Tim đã giải thích như vậy với cả đám.

Tụi nó đã thề sống chết có nhau. Thằng Tim hứa sẽ bảo bọc cho cả đám nếu tụi nó nghe lời nó. Hai ba thằng con trai đã bỏ nhà dọn vào ở với thằng Tim. Đám còn lại thì đi đi về về. Tụi nó cũng muốn tỏ ra mình cũng có thể ly thân gia đình như ai, nhưng ngặt một nổi chổ ở chật chội quá. Đám tụi nó đã quen có bố mẹ hầu, bây giờ phải tự nấu ăn, dọn dẹp, lau chùi bếp núc, phòng tắm. Tất cả là một cực hình. Tụi nó nạnh nhau, để hôi hám mốc cả lên, thằng Tim la quá tụi nó mới dọn dẹp qua loa cho có. Nó là một trong những đứa sợ dơ nhưng làm biếng dọn. Ở với bọn thằng Tim được vài bữa là nó nhớ bún riêu, nhớ phở mẹ thường nấu. Nó muốn về nhà tắm rửa, ngủ trên giường của mình cho sướng cái thân.

Nó cứ đi đi về về gần 2 tháng. Bố mẹ nó tức điên lên nhưng không làm gì được. Nhỏ nhẹ nó không nghe, la lối nó không sợ, khóc lóc nó cũng không mủi lòng. Mẹ cầu cứu cảnh sát. Lúc cảnh sát đến, dọa bỏ vào Trại Cải Huấn, nó còn nói: “Tôi không làm gì phạm pháp, ông lấy lý do gì bắt tôi"” Nó chỉ cảm thấy xấu hổ với dì và chính mình. Dì bỏ hàng giờ nói chuyện, viết thư khuyên lơn nó. Nó áy náy đã làm dì buồn. Thỉnh thoảng nó nhớ lại cái mộng “lớn lên làm bác sĩ” và hơi xấu hổ. Nếu tiếp tục cuộc sống như bây giờ, nó biết sẽ chẳng bao giờ đạt được giấc mộng và dì sẽ chẳng bao giờ hãnh diện về nó. Những lúc suy nghĩ như vậy, nó muốn xa bọn thằng Tim và trở lại cuộc sống ngày cũ. Nhưng khi tụi thằng Tim gọi rủ rê, nó lại quên hết và đi ngay. Nó bị giằng co giữa hai điều tà thiện và tự biết càng ngày càng khó quay về.

Lần trước nó về nhà, mẹ đã làm dữ và nói đó là cơ hội cuối cùng của nó. Nó không nghe mấy hôm sau tiếp tục đi chơi, theo tụi thằng Tim qua tận Las Vegas nhảy đầm. Nó trở về sau 2 tuần, ngay ngày sinh nhật một tuổi của con dì. Nó bảo thằng Tim bỏ nó ở gần nhà dì, rồi đi bộ đến nơi. Nó vào buổi tiệc như chỗ không người, không một chút ngượng ngùng, không một chút mặc cảm lỗi lầm. Dì đang bận tiếp khách, chỉ bảo nó tự lấy đồ ăn. Sau buổi tiệc, dì kêu nó lên phòng nói nó phải về xin lỗi bố mẹ rồi đi học trở lại, nếu không dì cũng không nhìn nó nữa.

Nó bỏ đi ngay sau câu nói của dì. Không còn gì giữ chân nó lại gia đình này nữa. Dù có lỗi, nó cũng không ngờ dì tuyệt tình với nó như vậy. Trái tim nó bị tổn thương. Thì ra tình thương của dì, của bố mẹ dành cho nó “có điều kiện”. Nó phải ngoan, phải đi học thì họ mới thương. Còn nó hư thì họ từ, mặc cho nó sống chết ra sao. Vậy mà nói lúc nào cũng thương và lo cho nó. Thật là giả dối! Nó hận dì. Nó hận mẹ. Nó không bao giờ muốn gặp họ nữa.

Nó trở về sống với bọn thằng Tim. Từ hôm đó đến nay đã 6 tháng. Số tiền thằng Tim ăn cắp của ba má nó đã vơi đi gần hết. Tụi nó bàn với nhau cách kiếm tiền để sống. Đi làm thì không được bao nhiêu vì tụi nó đều nhỏ tuổi, học hành chưa tới đâu, nghề ngỗng chẳng có. Thằng Tim tìm gặp thành viên băng “Rồng Á Châu” cũ, lấy thuốc phiện chia nhau đi bán lẻ lấy lời. Tuy bỏ gia đình đi hoang nhưng nó không bao giờ muốn dính vào chuyện phi pháp. Nó khuyên thằng Tim tìm đường khác nhưng nó không nghe. Chưa đầy 2 tuần bán chẳng thấy lời đâu, chỉ thấy mấy thằng say thuốc với nhau. Nó nhất định không thử dù bị đồng bọn mời mọc, chọc quê. Nó thấy trò đùa bắt đầu nguy hiểm và muốn bỏ đi, nhưng không biết về đâu"

Nó không còn hận mẹ và dì như hồi mới bỏ đi. Lắm lúc nó còn nhớ gia đình ray rứt, nhất là con bé út của dì mới lẫm chẫm biết đi với cặp mắt tròn xoe và hai má bầu bĩnh dễ thương. Nhưng nó không còn là nó của một năm về trước. Nó đã thay đổi. Mọi người đã thay đổi. Mọi việc đã thay đổi. Liệu nó còn có thể trở về và sống những ngày tháng an bình hay không" Liệu mọi người có chấp nhận và tha thứ cho nó hay không" Liệu nó có thể an phận sống cuộc sống bình thường, ngày ngày cắp sách đến trường, không đua đòi, không nhảy nhót kiếm chuyện hay không"

Đùng một cái thằng Tim bị đụng xe chết. Nó tông vô hàng cây lớn trên exit của xa lộ lúc nửa đêm về sáng. Tối hôm đó bão lớn, trời mưa như trút nước. Tụi nó ở nhà chơi bài, thắc mắc sao thằng Tim đi đâu suốt đêm không về, không gọi cũng không bắt phone. Sáng hôm sau tụi nó xem TV, thấy chiếu cảnh Caltrain đi dẹp các cây đổ trên xa lộ và tìm thấy xe thằng Tim xẹp lép dưới một tàng cây. Trong xe chỉ có một mình thằng Tim và xác nó đã lạnh cóng. Cảnh sát báo tin cho ba má thằng Tim tới nhận xác nó về chôn.

Hôm đám tang thằng Tim, tụi nó đưa nhau đến dự. Tụi nó không dám đến gần, sợ bị gia đình thằng Tim nhận ra rồi xua đuổi. Nhưng rồi không dằn được, nó lẻn đến sau quan tài. Đây là lần cuối cùng nó có thể đến gần thằng Tim. Nó thấy má thằng Tim khóc lóc thảm thiết, hai mắt sưng húp, mặt mày xanh xao. Ba thằng Tim thì bình tĩnh hơn. Ông không khóc nhưng nó nhìn thấy trong mắt ông sự đau đớn và buồn sầu vô hạn. Thảm nhất là ông nội thằng Tim. Ông đã già lắm với mái tóc bạc phơ và cái lưng còng. Đôi cánh tay già nua ôm lấy quan tài, tiếng ông ngắt quãng, nghẹn ngào:

- Cháu ơi. Lúc cháu sống ông không hay được gặp cháu. Lúc nào cũng lo lắng không biết cháu ở đâu, làm gì" Bây giờ tìm được cháu, biết cháu ở đâu thì cháu chỉ còn là cái xác. “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời"”

Nó đã bật khóc nức nở khi nghe lời than khóc của một ông cụ gần đất xa trời, phải chống gậy đi đưa cháu. Gia đình thằng Tim nhất định không tệ như tụi nó nghĩ. Nếu không thương thằng Tim thì họ đâu đau đớn như thế này"

Nó chạnh lòng nghĩ đến gia đình. Không biết bố mẹ có còn nghĩ đến nó, lo lắng không biết nó đang ở đâu không" Nếu nó là người nằm trong quan tài kia, liệu bố mẹ và dì có đau khổ như ông nội và ba má thằng Tim không" Nó mong là có. Nó nhớ giọng buồn bã của dì khi nói những “lời cuối cùng” với nó. Nó nhớ những giọt nước mắt của mẹ mỗi lần nó bỏ nhà ra đi. Nó nhắm mắt lại nói thầm, “Chắc chắn là có. Chắc chắn là dì và bố mẹ thương mình”.

Trong tim, nó vẫn là con bé tuy bướng bỉnh ngang ngược, nhưng lúc nào cũng mong đợi sự thứ tha và vòng tay ôm ấp vỗ về của người lớn, để sà vào khóc dỗi và tìm sự thương yêu, che chở.

Sau đám tang thằng Tim, nó lang thang đến công viên Vườn Nhật gần chỗ tụi nó ở. Nó có nhiều kỷ niệm với công viên này. Bên cạnh công viên là một sở thú nho nhỏ. Hồi nhỏ mẹ thường dắt anh em nó đến đây chơi. Dì đến công viên chụp hình đám cưới. Nó là con bé Flower Girl xinh xắn bên cạnh dì dưới một cây đào đầy hoa. Nó và thằng Tim thỉnh thoảng cũng đến nơi này. Tụi nó thích đi dạo quanh bờ hồ có cây cầu đỏ bắt ngang. Lần nào tụi nó cũng bỏ ra 50 xu mua đồ ăn cho cá nuôi trong hồ.

Nó leo lên thành cầu ngồi, nhìn dòng nước lững lờ trôi. Trời đã về chiều. Công viên thưa thớt bóng người. Nó đăm đăm nhìn những con cá muôn sắc bơi lượn bên đám lục bình xanh ngắt. Đã có lúc nó muốn được như con cá, bơi tung tăng khắp nơi không bị bó buộc. Nó từng nghĩ cá nên thoát ly về đại dương. Nhưng nó quên là muốn được an toàn, con cá phải sống trong sự bảo bọc của cái hồ cho đến đúng lúc. Nếu con cá theo dòng suối bơi đi khi còn quá nhỏ, chưa chắc gì nó đã tìm về được đại dương. Cá có thể kiệt sức chết giữa đường, lạc, hoặc làm mồi cho những con cá lớn hơn. Nó nhớ lại những ngày tháng sống dưới mái ấm gia đình. Bố mẹ tuy không được ngọt ngào như nó mong muốn, nhưng luôn lo lắng và chu cấp cho mọi thứ nó cần.

Nó muốn bố mẹ hoàn hảo, nhưng nó đã là người con hoàn hảo đâu" Bây giờ nó mới thấy cái vô lý của sự xích mích giữa nó và bố mẹ, đưa đến việc nó thoát ly gia đình. Ra đời rồi nó mới thấy mọi việc không phải dễ dàng và năm lần bảy lượt phải trở về khi gặp khó khăn. Nhưng nó vẫn không chừa. Nó muốn bố mẹ để cho nó đi về tùy hứng. Nó muốn bố mẹ công nhận là nó trên cơ, nó muốn làm gì, đi đâu tùy ý. Không ai cản trở hay làm gì được nó. Bố mẹ khóc lóc năn nỉ ỉ ôi nó càng làm tới. Khi bố mẹ chịu hết nổi, chìu ý cho nó “đi luôn” thì nó lại đâm hận mọi người. Giận đè lên giận, phản ứng chồng lên phản ứng. Chuyện bắt đầu bằng con kiến đã trở thành con voi. Bao nhiêu biến cố đã xảy ra một năm qua. Nó bỏ học. Gia đình từ nó. Nó bỏ đi. Thằng Tim chết. Băng tụi nó rã. Nó muốn về với gia đình nhưng tự cảm thấy xấu hổ. Nó cũng không còn nơi khác để đi.

Nó ước mong mình có thể lội ngược dòng thời gian. Chắc chắn nó sẽ là một đứa con ngoan, chăm chỉ học hành để không phụ lòng bố mẹ và dì. Nhưng trễ rồi, sợi chỉ đã rối nùi, vết thương lòng đã quá lớn, làm sao để gỡ, để hàn gắn đây"

Có tiếng chim kêu trên đầu. Nó ngước nhìn. Từng đàn chim đang bay về tổ. Tự dưng nó nhớ đến một câu trong Kinh Thánh “Chim có tổ, chồn có hang, con người không có nơi tựa đầu.” Nó tủi thân bật khóc. Đưa tay chùi nước mắt, nó mất thăng bằng rơi xuống cầu. Dòng nước êm ái đón lấy nó. Cảm giác mát lạnh chui vào mũi miệng, lan đi khắp thân thể. Nó chẳng buồn cựa quậy.

Nó đã quá mỏi mệt với cuộc sống quậy với bọn thằng Tim gần một năm qua. Giờ đây nó chỉ muốn ngủ một giấc dài bình yên. Nó muốn mơ về căn nhà nhỏ có giàn hoa giấy, nơi bố mẹ và thằng anh “mọt sách” đang trông chờ nó trở về. Nó muốn mơ được qua nhà dì, chơi rượt đuổi với con bé “ục ịch giống nó hồi nhỏ”, và ôm hôn lên đôi má thơm mùi sữa của con bé con đang chập chững biết đi. À không, nó bỏ nhà đi đã hơn nửa năm, chắc bây giờ con bé con đã biết nói. Không biết con bé lớn còn ục ịch không..." Nó nhắm mắt chìm vào giấc ngủ.

Trong cơn mơ màng, nó nghe nhiều tiếng nói lao xao bên tai. Bàn tay ai đó đang lay vai nó, giọng nói ấm áp:

- Cô bé ơi, làm sao mà rơi xuống nước vậy" Tỉnh lại đi. Tỉnh lại rồi về nhà.

Nó lâm bâm:

- Phải rồi. Về nhà. Tôi muốn về. Hãy cho tôi về.

. . .

“Người ngồi nghe thương nhớ

Ôi buồn phút quạnh hiu

Nào người chia cơm áo

Đâu người hằng thương yêu"

Còn chăng người cha hiền

Những đêm thâu ưu phiền

Về thôi, và khẽ nói với cha rằng:

Cha ơi nay con đã về

Tội đầy cùng Trời với cha

Bao nhiêu tháng năm hoang đàng

Một lần ghi dấu ăn năn.”

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,075,234
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.