Hôm nay,  

Nỗi Đau Vẫn Còn Đó

16/08/200700:00:00(Xem: 174127)

Bài số 2066-1929-633vb5160807

Tác giả Trần Thiên Thịnh vượt biển đến được trại Pulau Bidong, Mã Lai. Sau 7 năm vất vưởng, ông bị cưỡng bách hồi hương. Thêm 3 năm tuyệt vọng ở Việt Nam, ông được tái phỏng vấn và tới Mỹ khi đã 30 tuổi. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông kể lại ước mơ của người cha thân yêu...

Sáng nay, ông thức dậy sớm hơn thường lệ. Nói là thức dậy sớm chứ thực ra, suốt đêm hôm qua ông có chợp mắt được chút nào đâu. Ông mãi suy nghĩ về việc thằng Thành, con ông phải đi về Việt Nam làm việc theo sự chỉ định của công ty. Ông không dám trách móc về việc làm của nó. Ông chỉ biết buồn vì thằng con của ông không còn chọn lựa nào khác. Ông biết vậy nhưng cũng đã thăm dò thằng con.

 Con không thể xin chuyển qua làm bộ phận khác và ở lại đây với Ba được sao"
Hỏi chỉ để hỏi mà thôi. chứ thực ra ông đã biết câu trả lời như thế nào rồi. Trong thời buổi người khôn của khó lúc này, người ta còn tranh giành, đấu đá lẫn nhau để có công ăn việc làm. Trong khi thằng con ông được đề cử đi mà ông lại mong muốn nó từ chối. Thật là nghịch lý. Biết đi là tốt cho con, nhưng ông vẫn cảm thấy áy náy sao đó trong thâm tâm. Phải chi hắn được đổi qua một nước nào khác, không phải Việt Nam thì ông không cần bận tâm cho lắm.

Nghe ông hỏi như vậy. Nó cảm động lắm. Nó nói với ông rằng, con biết con đi Ba ở lại một mình đơn chiếc rất buồn. Nhưng nếu con không đi thì coi như mình tự ý bỏ việc. Trong khi đó, rất nhiều người cầu mong để có được cơ hôi này. Thôi thì để con nói chuyện với vợ chồng con Tâm thu xếp để Ba về trên đó sống với tụi nó một thời gian.

Ấm nước reo sôi trên bếp đã lâu, ông vẫn không nghe thấy. Ông mãi lo suy nghĩ về những tháng ngày sắp tới, khi thằng Thành đi xa. Cho đến khi Thành từ trên gác đi xuống, nó thấy ông cứ ngồi tư lự, mắt dõi ra sân vườn mông lung. Thường ngày, ông không có động thái như vậy. Những ngày tháng khi bà còn sống, sáng ra ông thường ngồi bên ấm trà nóng bà đã pha sẵn, đọc báo hoặc coi tin tức, chờ bà làm điểm tâm và chuẩn bị  cơm trưa cho cha con ông. Xong đâu vào đó, ông chỉ biết xách gói ra đi. Kể từ khi bà qua đời cách đây không lâu, ông phải tự pha lấy trà và thay bà chuẩn bị cơm nước cho cả hai cha con.

Nó lên tiếng hỏi:
Nước sôi rồi. Sao Ba chưa pha trà" Ba có bị sao không"
Nếu hôm nay Ba không được khỏe, thì goị điện thoại xin nghỉ bệnh đi Ba.
Ông chợt giật mình bừng tỉnh.
À không! Ba không sao cả. Để Ba đi lấy cơm cho con mang đi làm.

Không cần đâu Ba. Hôm nay mấy người trong chổ làm rủ nhau đi ra ăn ngoài. Lâu lâu con cũng cần phải đi ăn với họ một bữa cho vui với anh em. Để con gọi xin cho Ba nghỉ bệnh ngày hôm nay. Nếu có gì, thì Ba gọi vô chỗ làm cho con. Trưa con về đưa Ba đi bác sĩ.

Thôi! chắc không sao đâu. Ba nghỉ ở nhà bữa nay được rồi. Chắc tại tối qua ngủ không được nên sáng nay Ba hơi mệt thôi. Con đi làm đi kẻo trể. Ông nói vậy để cho thằng con yên tâm mà đi làm, chứ trong thâm tâm ông nghĩ lung lắm.
Thành đi rồi. Ông trở lại với căn nhà trống trải, vắng lặng. Nhìn lên bàn thờ, nơi có di ảnh của vợ ông. Ký ức đau thương ngày xưa lại đổ về trong tâm trí của một con người đã có tuổi. Càng nghĩ, ông càng cảm thương cho người vợ hiền vắn số.

*
Ngày trước, thời chiến chinh binh lửa. Trai gái làng cưới nhau xong là ông đi. Lâu lâu ông mới được phép đôi ba ngày. Thời gian làm sao đủ cho đôi vợ chồng son mặn nồng ân ái. Nói chi đến thời gian săn sóc cho nhau. Lúc có bầu thằng Thành. Bà một thân, một mình theo đoàn người chạy loạn băng qua đại lộ kinh hoàng vô tạm cư tại Đà Nẵng. Ông theo đơn vị, trấn thủ nơi miền địa đầu đất nước, làm sao mà lo lắng được cho bà. Ngày đứa con đầu lòng chào đời, ông cũng không ở bên cạnh để có lời ủi an. Rồi tiếp đến, những tháng bà mang bầu con Tâm và sinh nó ra. Ông cũng biền biệt.
Cho đến những ngày sau 1975, bà dắt díu hai đứa con thơ, tìm về nơi làng quê cũ thì được tin ông đã phải tập trung cải tạo. Vợ chồng con cái vẫn không thể sum vầy. Một lần nữa, bà thân cò một mình lăn lội kiếm sống vừa thăm chồng, vừa nuôi con.
Biền biệt gần mười năm ông mới được về nhà. Ông cũng chỉ gặp lại được người vợ thân yêu cùng đứa con gái. Con Tâm nhìn ông với ánh mắt xa lạ, ngỡ ngàng. Ông không được gặp lại đứa con trai trân quý. Thằng Thành đã được bà gửi "về ngoại" sống như những gì bà xa gần đã nói với ông trong những lần thăm nuôi trước.
Thằng Thành ra đi, để lại trong bà một sự thương xót vô biên. Bà vừa mừng, vừa lo cho nó. Mừng là vì nó đã thoát được cảnh sống lầm than nơi quê hương khốn khổ. Dẫu sao đi nữa, nó cũng sẽ có được một tương lai tốt đẹp. Bà hy vọng và mừng là vì thế. Lo, bà lo vì một thân, một mình nó lênh đênh trên biển cả, biết bao hiểm nguy có thể vây ập đến và nuốt chửng người con yêu quý cuả bà. Rồi, ngày tháng cô đơn lạc lõng trong các trại tị nạn, không một người thân bên cạnh, có ai lo lắng cho nó những khi trái gió trở trời. Bà ngày đêm khấn nguyện cho nó được bình yên. Bà như đứt từng khúc ruột mỗi khi nghĩ đến thằng con.

Cho đến một hôm, bà thật sự mừng rỡ khi nhận được thư của nó. Nét chữ nghuệch ngoạc cùng với nhiều lỗi chính tả. Nhưng bà rất mừng, mừng đến chảy cả nước mắt vì nó vẫn còn một chút gì đó của riêng nó, của quê hương nơi nó được sinh ra. Trong thư nó nói rằng nó nhớ và thương bà lắm nên mới nhờ người ta chỉ cho nó viết thư thăm bà. Nó kể lể đủ thứ chuyện nơi trại tị nạn nó đang sống. Nó nói rằng ở nơi đây, nó chỉ có ăn xong đi học. Vừa học tiếng Việt, vừa học tiếng Anh. Nó không phải cực khổ đi mót lúa, mót khoai như những ngày đang ở nhà. Nói tới đây nó nói nó thương bà và con Tâm rất nhiều. Nó cũng thêm rằng nó đã được phái đoàn Mỹ phỏng vấn và sẽ được đi định cư tại Mỹ một ngày gần đây. Nó hứa là khi qua tới Mỹ, nó sẽ để dành tiền mua quà gửi về cho bà và con Tâm, em của nó.

Tháng ngày trôi qua. Nó được một gia đình người Mỹ tốt bụng bảo lãnh và nuôi nấng cho ăn học. Trong những thư về nhà, nó nói rằng nơi thành phố nó đang sống không tìm thấy một người Việt Nam nào cả. Suốt ngày ở trường và ở nhà nó đều phải nói tiếng Mỹ. Nó nhớ tiếng Việt lắm nên những khi có thời gian, nó sẽ viết thư bằng tiếng Việt cho gia đình và bạn bè nó còn trong trại tị nạn.
*
Cuối cùng thì gia đình ông cũng đến được đất Mỹ nhờ chương trình nhân đạo H.O. Gia đình đoàn tụ. Cha mẹ con cái, anh em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ông mừng vì đã gặp lại được thằng con yêu quí. Bà thì khỏi phải nói. Cứ xuýt xoa khen hoài thằng Thành, bảo rằng nó mau lớn, càng lớn khuôn mặt nó càng giống ông như đúc. Đối với nó, thoáng chút ngỡ ngàng khi gặp laị mọi người ở phi trường. Ngỡ ngàng cũng phải. Kể từ ngày bà sinh nó cho đến hôm nay, phải nói chưa bao giờ ông được bồng ẵm nó. Tình cha con phân cách theo chiều dài cuộc chiến, càng chia lìa vì đất nước điêu linh. Đối với nó, gia đình là những gì được gói ghém trong tấm hình đen trắng bạc màu ông bà gửi cho nó trong thời gian xa nhà.

Gia đình, vợ chồng con cái sum họp, sống với người bảo trợ một thời gian. Thằng Thành vẫn đến trường học hành như ngày nào. Thêm vào đó nó có bổn phận hướng dẫn cho con Tâm để bắt kịp việc học ở trường. Nó cảm thấy hạnh phúc khi sống bên mái ấm gia đình và tỏ ra hiểu biết hơn khi giúp được cho ba mẹ và em nó trong thời gian đầu hội nhập. Còn đối với con Tâm, nhờ sự hướng dẫn của anh Thành nó, việc hội nhập coi như không mấy gì khó khăn. Riêng ông bà thì gặp không ít trở ngại trong cuộc sống. Những năm tháng tù đày và khốn khó ở quê nhà, cộng với tuổi tác ngày càng già nua, bệnh hoạn đã làm cho sức lực của cả hai không còn được sung mãn. Công việc làm ăn nơi gia đình ông bà đang sống toàn là những nặng nhọc. Mặc dầu đã có sự hỗ trợ của máy móc tối tân, nhưng cũng cần phải có sức khỏe mới hoàn tất được công việc. Ngược lại, sức khỏe của ông bà không cho phép. Cộng thêm vào đó, tiếng người không được rành rẽ cho mấy. Dù rằng đã cố gắng học hành, nhưng ông bà cũng không thể nào bắt kịp nhịp sống khi tuổi già ngày một chồng chất, càng tỉ lệ nghịch với sự bén nhạy của trí tuệ. Không lẽ cả gia đình cứ ngồi để đón chờ sự thương hại và bố thí tiếp tục của gia đình người bảo trợ" Càng nghĩ, ông càng đớn đau cho thân phận mình và con cái. Đau cho mình thì ít mà thương cho con cái thì nhiều. Từ ngày sinh tụi nó ra cho đến bây giờ, ông chưa làm được gì cho thằng Thành và con Tâm cả, có chăng chỉ một mình thân bà mà cũng chỉ được bữa đói, bữa no. Đứa cô đơn lưu lạc nơi xứ người khi còn nhỏ dại, bên mình không có một người thân. Đứa ở lại quê nhà với mẹ nhưng hoàn cảnh cũng chẳng khác chi. Giờ đây, toàn gia đình qua được nơi xứ tự do này ông tâm nguyện sẽ làm tất cả những gì để có thể bù đắp lại những gì mất mát mà bà đã phải gánh chịu. Bù lại những thiếu vắng cha con mà vì hoàn cảnh ông không thể cưu mang cho hai đứa con trước đây. Ông chỉ mong ước mai này con ông được học hành đến nơi đến chốn, cho dù có cực khổ đến đâu thì ông vẫn vui lòng.

Đang băn khoăn lo lắng cho cuộc sống gia đình. Ông bất ngờ nhận được điện thoại người bạn cùng hoàn cảnh ông ngày trước, hiện mới được định cư nơi miền tây nắng ấm. Qua câu chuyện điện thoại với người bạn, ông phần nào cảm thấy cuộc sống sinh nhai nơi miền viễn tây có phần dễ dàng hơn nơi ông và gia đình đang cư ngụ. Để cho chắc chắn, ông đã thân hành làm một chuyến chu du về miền đất hứa, nơi có những người bạn từng sát cánh với ông trong đơn vị ngày cũ, cũng như cùng chung số phận với ông trong những năm tháng tù đày. Trước là thăm bạn bè và người thân, sau là tìm đường sống cho toàn bộ gia đình. Quả nhiên, cuộc sống nơi đây có phần dễ sống hơn nơi tiểu bang đèo heo gió hút mà gia đình ông đang sống. Việc làm nơi đây tìm kiếm cũng tương đối dễ dàng. Thêm vào đó, nghành công nghệ thông tin đang trên đà phát triển nên các hãng xưởng lắp ráp linh kiện điện tử hầu hết tập trung nơi đây đang rất cần nhân công. Có những lúc quá cần người, nhiều người không cần giỏi tiếng Anh cũng được mướn. Họ chỉ cần những người làm việc siêng năng và cần cù. Việc huấn luyện còn lại thì đã có người đi trước chỉ bảo người đến sau. Cuối cùng thì công việc cũng xong nhờ vào sự chịu khó của những người công nhân gốc Á châu, mà phần lớn là người Việt.

Thế là gia đình ông, một lần nữa di cư về nơi mảnh đất sống này. Buổi sáng chia tay với gia đình người bảo trợ. Ông nghẹn ngào nói lời cám ơn gia đình đã cưu mang thằng Thành nhiều năm, cũng như gia đình ông trong thời gian lưu lại nơi đây. Lời cám ơn chân tình, cảm động của ông đã làm cho mọi người trong gia đình bảo trợ rơm rớm nước mắt.

Sau thời gian ngắn, ổn định nơi vùng đất mới. Ông xin đi làm trong một hãng sản xuất "chip" điện tử. Công việc cũng không lắm nặng nhọc và khó khăn, chỉ cần sự tỉ mỉ và cần cù siêng năng của người làm. Điều đó, đã không thiếu trong bản chất con người của ông. Ông làm việc tận tuỵ, không bỏ sót một giờ làm thêm nào.

 Riêng bà cũng không chịu ngồi yên trong nhà ngày một nhàm chán. Không chữ nghĩa nhưng cũng đã có công việc cho bà phụ cắt chỉ ở một hãng may gia công. Thành và Tâm ngoài giờ học ở trường và làm bài ở nhà còn phụ giúp bà nhận hàng vắt sổ thêm ở nhà vào những ngày nghỉ và cuối tuần. Về sau này, nghành may gia công không còn được hưng thịnh như xưa. Bà cũng không quản ngaị khó khăn, xin đi làm việc cho những nhà hàng Việt Nam, khi cắt thịt, khi rửa rau...bất cứ làm việc gì bà cũng không từ nan. Đồng tiền kiếm được mỗi tháng từ công việc làm không nhiều, nhưng cũng đủ góp phần chi tiêu trong cuộc sống gia đình và ông bà cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.

Tưởng rằng cuộc sống của gia đình êm đềm kể từ đây, khi một đời bà đã tận tụy lo cho chồng con. Bà mong chờ niềm hạnh phúc của người mẹ được nhìn thấy ngày con cái mình nên người. Bà đã đau với cái đau của chồng con trong những tháng năm loạn lạc. Nhưng bà đã không thể nhìn thấy niềm hạnh phúc đang đến gần với bà và gia đình. Bà không thể chờ đợi để nghe thằng Thành hãnh diện nói lời cám ơn ông bà trong bài diễn văn ra trường của nó bằng cả hai ngôn ngữ Anh-Việt. Bà cũng không kịp nhìn thấy những giọt nước mắt của con Tâm khóc cha ngày khoác áo cô dâu về nhà chồng. Bà ra đi để lại trong ông một sự hụt hẫng vô biên, một nỗi đau của người chồng, người cha chưa thể cưu mang cho gia đình một niềm hạnh phúc đủ đầy.

Căn nhà càng trống vắng hơn kể từ ngày con Tâm theo chồng đi công tác nơi miền xa. Niềm thương nhớ người vợ hiền và con gái càng dày xéo nỗi đau trong tâm hồn ông. Sự chăm sóc, quan tâm của thằng Thành cũng không thể làm ông nguôi ngoai trong những lúc cô đơn trống vắng. Nhưng nó là nguồn ủi an, là lẽ sống của ông. Tâm thân ông đang nương nhờ vào đó trong những tháng ngày còn lại trên cõi đời.

*
Buổi sáng, sau khi dọn dẹp những thứ cần thiết trước khi ra phi trường về sống với vợ chồng con Tâm. Cha con bùi ngùi chia tay nhau. Ông ngậm ngùi nói với con trai rằng: Ba hy vọng con hiểu được vì sao gia đình mình đến đây. Ba cũng hy vọng con hiểu rõ do đâu mà mẹ con bỏ cha con mình để ra đi sớm như vây.. Con là điểm tựa, là niềm tự hào của gia đình, của ba. Ông nói mà nghe đau nhói trong con tim.

Dường như một nỗi đau vẫn còn đâu đó trong tấm thân già của một người cha.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,345,506