Người viết: Nguyễn Viết Tân
Bài số 2039-1902-606vb2090707
Tác giả Nguyễn Viết Tân sinh năm 1950 tại Dầu Tiếng Bình Dương. Quê quán: Rạch Giá, Kiên Giang. Trước 1975, phục vụ tại Phi Đoàn 253 Sói Thần, Đà Nẵng. Công việc của ông ở Mỹ là cùng với các bạn thầu landscaping cho freeway tại vùng Nam Cali, nhận job trải dài qua ba quận hạt Los Angeles, San Bernadino và Orange County. Năm 2001, với bút hiệu Tân Ngố, và bài “Bên Bờ Freeway” ông là tác giả đã nhận một trong 4 giải thưởng chính, Viết Về Nước Mỹ năm thứ hai. Sau đây là loạt bài du ký mới của ông, với nhiều ghi nhận đặc biệt từ một chuyến đi xuyên bang nước Mỹ.
*
Cuộc đời như một giòng sông cứ êm đềm trôi chảy một cách rất bình thường khiến tôi đâm chán, bèn tung tin trên email rằng: "Mùa hè này, thằng Chộp, con trai anh chị Phương Toàn sắp cưới vợ, mà nó lại lấy một con nhỏ Mỹ Đen"!
Thế là trong nhóm bà con anh em bàn tán inh ỏi, nhất là đám đang định cư bên Úc, quyết tâm kéo nhau thật đông qua Mỹ ăn cưới, để xem "con nhỏ đen dòn" đó đẹp đến cỡ nào, mà một đứa đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu ... như thằng Chộp lại quyết tâm rinh về làm vợ.
Anh chị em tôi có ba người ở bên Úc, con cái cháu chắt rất đông, không biết nghe ai đồn thổi mà đều cho rằng cậu Bảy hồi này đang phất, giàu nứt đố đổ vách, vậy nên chỉ cần mua vé bay tới Cali, các mục ăn ở, di chuyển đến tiểu bang Kansas để ăn cưới thì cứ việc phú cho cậu, khỏi lo chi hết!
Đúng là thần khẩu hại xác phàm!
Nếu người của xứ Kangaroo qua đây chừng hai chục, gia đình anh chị Ba và cả nhà tôi cũng khoảng gần bốn mươi người, chắc phải thuê cái xe đò Hoàng mà đi chứ mua vé máy bay chịu sao thấu (")
Lại còn cái vụ ăn uống ngủ nghỉ dọc đường, cho dù ăn tiệm Mc Donald's và ngủ ở Motel 6 đi nữa, thì đi về chừng hơn 10 ngày cũng đủ làm tôi méo mặt.
Bà chị dâu đề nghị:
-Đi xe đi, như đi du lịch vậy, chứ đi máy bay có nhìn thấy gì đâu, thấy chỗ nào đẹp mình ghé dô coi, mệt thì mướn phòng nghỉ, mai chạy tiếp. Chú đừng lo cái vụ ăn, tôi sẽ mang theo đồ VN chứ tụi mình ăn đồ Mỹ không hạp đâu.
Sau cùng thì thiệp mời cũng tới.
Tụi nhỏ bây giờ còn có website giới thiệu hình ảnh và chương trình đám cưới nữa, nên cái vụ xí gạt của tôi mới lòi ra - cô dâu là một cô đầm Mỹ Trắng, "chớ hổng phải Mỉ Đeng" - nên cả nhóm bên Úc tẽn tò rút dù hết, không có mống nào qua.
Thôi bây giờ còn ít thì ta mướn 2 xe van đi cho vui và an toàn hơn.
Ấy thế mà rồi lại cũng đầu voi đuôi chuột, tổng kết cuối cùng cho biết là chỉ còn có 10 người đi, nên một xe 15 chỗ ngồi cũng còn rộng chán.
Đã chuẩn bị cả tuần trước rồi, vậy mà chờ người này, đón người kia mãi cho đến 10g sáng thứ bảy, chúng tôi mới nhắm hướng đông tấn phát.
Đi ăn cưới có khác, mấy bà mấy cô mang quần áo để diện nhiều quá, nên đành phải gỡ băng ghế cuối cùng ra mới xếp hết valy, nhồi nhét lên tận trần, cứ như là xe đò bên VN.
Mới lú đầu lên xa lộ 91 thì kẹt xe!
Xe cứ nhúc nhích từng chút nên mãi hơn hai tiếng đồng hồ sau mà chưa tới Riverside, bọn con nít bắt đầu ọ oẹ đòi đi restroom, thế là phải tách ra khỏi freeway mà vô tiệm ăn Mỹ.
Hãy còn ở phần đất California mà sao coi hoang vắng quá, hai bên đường toàn là một loại cây còi cọc không cao quá đầu gối, cảnh trí coi buồn tênh, không có gì đáng để ngắm nên tôi nằm cò queo gối đầu lên đùi vợ đánh một giấc thẳng cẳng. Tuy ngủ nhưng khi đói bụng thì cũng thức giấc và đề nghị "Mình ghé vô Rest Area ăn cơm đi".
Gió sa mạc Arizona khô và nóng quạt vào mặt, tuy khu vực nghỉ chân có những cây to bóng mát, nhưng thời tiết chẳng dễ chịu chút nào.
Mới ăn hamburger có một bữa mà sao đã thấy nhớ cơm gì đâu, chúng tôi bày đồ ăn ra như khi đi picnic. Bà chị chu đáo ghê, đã có món gà bóp muối tiêu chanh, lại có món sườn kho sả, một bọc khô cá sặt nướng và cả hũ dưa cần ta trộn bắp cải muối xổi, mà nồi cơm tuy đã nguội nhưng vẫn còn dẻo và thơm như xôi mới nấu.
Ngon ơi là ngon.
Khoảng 5g chiều thì chúng tôi gần đến thành phố Phoenix, đã thấy những cây xương rồng cao lớn chọc lên bầu trời đua nhau với những khu nhà ngói đỏ mới cất. Cầu vượt, xa lộ mới làm nên êm ru láng bóng, cây kiểng trồng hai bên quá đẹp, sạch sẽ như những công viên. Đẹp nhất là những hàng điệp bông đỏ pha vàng, loại này ở quê tôi thường được trồng kế bên bàn thờ ông Thiên ở phía trước sân. Bông điệp đẹp quá mà sao ở miền Nam Cali tôi không thấy cây nào.
Tôi gọi phôn cho anh bạn, báo là vì kẹt xe nên chắc đến 6g chiều mới đến, anh nói cứ từ từ mà đi không nên lái nhanh, vì trời mùa này tối rất muộn, mình tha hồ ra sân sau ngắm cảnh.
Thành phố này rất khang trang, mấy năm qua phát triển rất nhanh, việc làm dễ kiếm, nhà cửa lại rẻ nên người Việt đổ về đây khá đông, ngoài ra còn những người bên Cali qua đây mua nhà rồi cho mướn nữa, họ hy vọng giá nhà đang từ 200 ngàn sẽ nhảy lên 400, bán đi bỏ túi 200 ngàn dễ như chơi.
Xe trang bị máy định vị, nên chúng tôi đến nhà ngay chóc.
Anh Minh đang tưới sân cỏ đằng trước nhà, có ý chờ.
Chúng tôi tay bắt mặt mừng vì đã khá lâu hai gia đình không gặp nhau. Vượt biên qua Thái, ở cùng trại Songkhla, qua Phi cùng chuyến, tới Mỹ cùng ngày, cùng lao đao trong nhiều năm ... bây giờ nhìn lại quãng đời đã trải qua, bốn đứa chúng tôi đều ngậm ngùi nhưng cũng vui mừng khi thấy con cái đều đã thành nhân.
Chị Dung và bốn đứa con ra tận cửa chào đón, hai đứa con gái nay đã là Dược Sĩ mà trông xinh tươi, bé bỏng như những thiếu nữ mười sáu mười bảy, đứa con trai thứ ba đã xong cử nhân, còn thằng út cũng xong Trung Học. Thấy chúng nó xếp hàng khoanh tay chào, tôi bỗng nhớ tới đám con mình, có huấn luyện, nhắc bảo đến đâu, chúng nó cũng chỉ nói "Hi" với khách rồi lủi vô phòng!
Hai cô cháu Trang Nhã với Tường Vi mời chúng tôi và cha mẹ vào bàn ăn, nhưng sau đó tụi nó rút lui vì đã dùng bữa rồi.
Chuyện vui như Tết.
Chúng tôi nhắc nhớ chuyện ngày xưa, kể chuyện ruộng đồng yêu dấu ở vùng Cái Sắn Rạch Giá, chuyện vượt biên, chuyện đi câu tôm hùm, câu cá hồi mới tới Cali ....
Xong bữa thì chị tôi và các cháu ra ở Hotel, chỉ có gia đình tôi ngủ lại.
Cảnh sa mạc có khác, buổi chiều chim chóc ríu rít về tổ trong những bọng khoét vào thân cây xương rồng, những cây này đường kính lớn như cột đình và cao đến mấy chục thước, đứng sừng sững coi rất đẹp và hùng tráng.
Sáng hôm sau chúng tôi đi lễ Chúa Nhật, trong nhà thờ toàn là người già, anh Minh nói là vùng này người về hưu ở đông nhất nước Mỹ, vì thời tiết ấm nóng nên ít đau khớp xương và nhà rẻ, như căn nhà anh đang ở giá chỉ hơn 300 ngàn mà thôi.
Sáng đó chúng tôi còn ăn một bữa bánh cuốn rồi mới chia tay, anh chị Minh hứa hẹn sẽ đi xe đò về Little Sài Gòn chơi một ngày rất gần, vì bây giờ mỗi tuần có đến mấy chuyến từ Phoenix đi Bolsa, mà vé xe lại rẻ rề.
Chúng tôi ngược lên hướng Bắc để đi thăm Grand Cayon. Tôi thì đã đến nơi này mấy lần, nhưng trong nhóm cũng có nhiều người chưa từng, nên khi đến xa lộ 40 thì quẹo hướng tây về phía Los Angeles.
Vùng này bắt đầu là những rừng thông bạt ngàn, nhà cửa thưa thớt.
Khi mặt trời xuống thấp thì chúng tôi đã đến bên bờ vực. Nhìn giòng nước nhỏ xíu chảy ngoằn ngoèo ở tít tắp dưới kia, rồi ngắm ánh tà dương trải dài bên sườn đá, chúng tôi cảm thấy bé nhỏ trước vũ trụ bao la, hoá công tài tình đã tạo nên kỳ công quá hùng vĩ này.
Kỳ tới: Tới Vùng Bình Nguyên