Hôm nay,  

Chữa Bệnh Ở VN, Chữa Bệnh Ở Mỹ

10/02/200700:00:00(Xem: 138010)

CHỮA BỆNH Ở VN, CHỮA BỆNH Ở MỸ

Người viết: Cảnh Bùi

Bài số 1197-1809-516 vb7100207

*

Tác giả là cư dân Midway City, phu nhân một sĩ quan H.O. Đây là bài viết đầu tiên của bà dự thi Viết Về Nước Mỹ.

*

Không hiểu sao mặc dù đã ở Mỹ suốt gần ba năm trời nay, tôi vẫn còn nguyên giòng máu…Sài Gòn, vẫn cảm thấy gần gũi thiết thân với các bác sĩ ở VN mà trước nay tôi đã từng đi khám, chữa bệnh, và lòng tin cậy lớn lao đối với các cơ quan y tế trong nước. Bạn bè tôi, chị Liên, ở Mỹ còn lâu hơn, vẫn thường vù về VN để chữa răng. Chị kể, làm răng ở Sài Gòn chỉ tốn chừng 200 - 300 đô là quá 'sịn' rồi, vừa chắc, bền, đẹp, rẻ lại được cơ hội về quê thăm nhà, ngao du sơn thủy…Bởi vậy, Liên không ngại gì giao phó hai hàm răng cho một ông nha sĩ quen ở Thanh Đa chăm sóc, cứ chừng vài năm lại bay về VN, ai hỏi đi đâu cũng toe toét khoe 'về VN làm răng giả.'

Tôi cũng vậy, mỗi lần về Sài Gòn thăm quê, luôn luôn dành thời gian đi nội soi bao tử ở bệnh viện Đại Học Y Khoa, đường Nguyễn Chí Thanh, quận 10 để coi vết loét bao tử đã lành chưa và coi cái con virus Helicobacter đã bị diệt hết chưa.. Con vi trùng đó ám ảnh tôi sáu - bảy năm nay, khiến tôi mỗi lần đụng đũa vào dĩa thức ăn chung của cả nhà thì cơ hồ như rụt cả cổ, cả tay…

Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên đi nội soi bao tử ở bệnh viện Hồng Đức, đường Pasteur, tôi được xác định là nhiễm virus Helicobacter vào năm 2000. Kết quả xét nghiệm này làm tôi đắm chìm trong sự đau khổ, dày vò. Tôi sợ con virus này gấp triệu lần ông bác sĩ nội soi. Năm nào cũng đi soi một - hai lần khiến tôi quá quen với ông bác sĩ, không còn biết sợ sệt là gì. Bạn bè nghe kể chuyện mỗi năm đi soi hai - ba lần đều lắc đầu, le lưỡi, trợn mắt bái tôi làm… 'sư phụ.' Mặt mày buồn hiu song vẫn cố ra vẻ tươi tỉnh, tôi tự trấn an mình: 'Bệnh thì phải chữa bệnh thôi. Bác sĩ cứu mình chứ hại mình sao mà sợ ổng.'

Sau lần đầu tiên ngờ nghệch ở bệnh viện Hồng Đức, những lần sau nội soi ở Bệnh Viện Đại Học Y Khoa liên tục vào các năm 2001 - 2002 - 2003, tôi trở nên thành thạo hơn nhiều. Chỉ cần cô y tá gọi tên, tôi lẳng lặng vào phòng, leo lên chiếc giường sắt, nằm nghiêng mình qua trái, chờ đợi. Cô y tá bảo tôi hả họng ra, cầm cái ống bơm xịt xịt xịt đúng 5 'nhát' thuốc tê vào miệng rồi bảo tôi nuốt xuống. Ông bác sĩ đến cạnh bên, bảo tôi chịu khó thở đều…Cái ống nội soi lớn bằng sợi dây thắng của xe gắn máy chạy qua cổ họng, chui vào thực quản, xuống lần, xuống lần…đi tới đâu, tôi biết tới đó. Tôi không khóc, nhưng nước mắt tuôn ràn rụa. Cổ họng tôi gầm lên từng cơn. Thỉnh thoảng ông bác sĩ rút sợi dây lên một chút rồi lại ấn mạnh xuống…cổ họng tôi lại gào rú lên. Trong chừng 7 phút, cái ống được rút khỏi cổ, tôi mới hoàn hồn.

Hè năm 2005, tôi về thăm nhà, cũng rán sắp xếp một lần đi nội soi, nhưng lần này tôi quyết định đổi chỗ, hy vọng 'phước chủ may thầy', may ra tôi sẽ khỏi bệnh. Bất chấp  giá cả, tôi tới xin khám ở Bệnh Viện Việt Pháp, quận 7. Đường xa tít lại phải ghi danh, lấy hẹn trước hơn một tuần lễ nhưng tôi vẫn không ngại, miễn sao thầy chữa hết bệnh thì thôi.

Đúng ngày giờ hẹn, tôi đến, cùng năm bảy bệnh nhân khác, xếp hàng chờ đợi…Gần hai tiếng đồng hồ sau vẫn không thấy động tĩnh, tôi nản lòng bỏ ra về sau khi để lại những lời than phiền về cách hoạt động của một bệnh viện tầm cỡ quốc tế tại Sài Gòn.

Năm ngoái lại về chơi tết, lần này tôi mang niềm hy vọng mới, lòng mừng khấp khởi vì mới hay ra, anh ruột của bạn tôi là một bác sĩ đang làm việc tại bệnh viện Medic, Hòa Hảo, quận 10. Tôi gọi điện thoại nhờ anh dắt vô Medic nội soi với mục đích khám và chữa một chứng bệnh kinh niên cứ làm tôi bị ợ chua, khó tiêu, nóng rát ở ngực, bụng mà tôi nghi là viêm loét dạ dầy và tá tràng, đồng thời để coi có con Helicobacter nằm trong bao tử hay không. Nghe phone, anh từ chối, nói bận, bảo tôi đợi ít hôm.

Ngày hôm sau, anh đột ngột tới tận nhà tôi, nói huỵch toẹt: 'Tôi khuyên chị không nên đi nội soi ở Hòa Hảo vì ở đó bệnh rất đông, chị rất dễ bị lây các bệnh truyền nhiễm.  Bệnh viêm gan siêu vi, có khi còn nhiễm HIV nữa đó.' Tôi chưng hửng, kêu trời không thấu, vì không lẽ căn bệnh kinh niên của mình lại không có nơi nào chữa trị. Anh bác sĩ bảo hãy coi như tôi đang bị con Helicobacter hành hạ và anh lạnh lùng kê đơn, bảo tôi chịu khó uống thuốc để diệt nó.

Tôi mua một đống thuốc cầm sang Mỹ, nhưng lần lữa không muốn uống. Trong dịp thử máu, một lần ở văn phòng bác sĩ Phạm Gia Khánh, đường Bolsa, một lần ở phòng mạch bác sĩ William Lợi Ngô, tôi hú vía khi biết rằng mình chưa bị nhiễm siêu vi gan, HIV dù đã nội soi ở Sài Gòn những 5 - 6 lần trong nhiều năm liên tiếp.

Lời nói thật của anh bác sĩ thân như người nhà làm việc tại bệnh viện Hòa Hảo đã khiến tôi mất niềm tin ở hệ thống bệnh viện Sài Gòn. Nhưng căn bệnh nóng rát ở trong 'lục phủ ngũ tạng' của tôi thì vẫn không biến đi. Tôi nhớ lại, thảo nào một anh bác sĩ khác đầy uy tín cũng ở bệnh viện Hòa Hảo từng khám bệnh bao tử cho tôi cũng từng khuyên tôi 'không cần nội soi bao tử' mà chỉ yêu cầu uống thuốc 'kiểm soát acid ở dạ dày' và uống thuốc tráng bao tử một tiếng đồng hồ sau mỗi bữa ăn. Ông thân mật hơn, dặn dò tôi 'đừng suy nghĩ nhiều, cái đầu làm hại cái bao tử đó thôi…' Tôi vâng dạ ra chiều hiểu ý, nhưng lối sống của tôi thì hầu như không thay đổi, từ khi còn ở VN phải đi làm, cũng như khi qua Mỹ vẫn phải tiếp tục đi học, đi làm…

Cuối cùng thì chẳng đặng đừng, tháng 8-2006, tôi gọi phone xin khám bệnh ở văn phòng bác sĩ Bùi Xuân Dương, góc đường Bolsa - Ward. rất gần chỗ tôi ở. Song năm lần bảy lượt tôi cứ thậm thò thậm thụt, ghi tên rồi lại không tới phòng mạch đúng hẹn…

Có lẽ vì việc ghi danh chữa bệnh ở Mỹ có phần rắc rối, phải lấy hẹn, phải có giấy giới thiệu của bác sĩ gia đình… Qui định ngặt nghèo của hãng bảo hiểm đặt ra làm tôi chột dạ, sau này tôi hiểu vì hãng bảo hiểm phải trả phần lớn tiền khám, chữa bệnh, người bệnh chỉ 'co-pay' 10 đô mà thôi cho mỗi lần khám.

Tôi phải tới khám bệnh ở bác sĩ gia đình, chờ ông 'chữa không khỏi' cả tháng sau, mới trở lại xin giấy giới thiệu tới bác sĩ chuyên khoa bao tử. Bởi cơn nóng rát kéo dài, tôi đành bấm bụng, thu hết ý chí, nhất định phải tới phòng khám của bác sĩ Bùi Xuân Dương.

Thái độ thân thiện của ông làm tan biến nỗi sợ hãi trong tôi. Ông yêu cầu nội soi bao tử. Thật lòng tôi nghe mà mừng vì chính tôi muốn như vậy, và không quên dặn bác sĩ 'coi giùm xem có con Helicobacter hay không.' Hơn nữa, tôi cũng muốn thử xem phương pháp chữa trị 'kiểu Mỹ' là như thế nào.

Y theo ngày hẹn, tôi có mặt ở Trung Tâm Y khoa Magnolia. Tôi thật sự bất ngờ với cách làm việc của các y bác sĩ ở đây. Anh chàng y tá Long Trần gọi tên tôi với vẻ trêu đùa làm tôi phải phì cười trong khi lòng mình chình chịch nỗi lo, không biết 'que sera sera'. Không ớn sao được khi mình sắp phải 'lên bàn mổ' lạ hoắc lạ quơ. Nằm lên chiếc giường sắt nhỏ, bên tay mặt là sợi dây truyền nước biển, bên tay trái là cái băng vải của máy đo huyết áp, tôi cảm thấy bớt sợ dần…

Tôi bắt đầu mỉm cười hài lòng vì mình đã tìm được sự lựa chọn đúng đắn. Ê kíp y bác sĩ ở đây làm việc với thái độ cẩn trọng, từ tốn, từ anh Long Trần, bác sĩ Phùng Mạnh Lành, cô Mai, cô Hương…và sau đó là bác sĩ Bùi Xuân Dương đã làm cơn căng thẳng của tôi tan biến dần. Tôi đùa với bác sĩ Lành, xin ông cho ít thuốc thôi để trở về nhà còn làm việc. Chừng vài phút sau động tác truyền thuốc của bác sĩ Lành, tôi chìm vào giấc ngủ sâu, không còn biết gì hết.

Khoảng 45 phút sau, cô y tá lay gọi, tôi bừng dậy, không biết mình đang nằm ở đâu. Cô y tá chỉ nói 'xong rồi, cô nằm nghỉ một tí rồi về nhé.' Tôi kinh ngạc đến tột độ, nhớ lại mọi việc và chỉ có một cảm giác như có ai vừa lau miệng cho mình và thấy hơi đau một ít trong cổ họng. À, thì ra…Tôi ngủ say, không hay biết, không có cảm giác nào cả trong suốt thời gian nội soi.

Cô y tá khẽ gỡ day truyền nước biển, gỡ máy đo huyết áp để tôi thong thả bước xuống chiếc giường sắt nhỏ, nhìn sang ông Nguyễn Truyền, nhà ở Costa Mesa đang nằm ở giường bên cạnh. Cũng như tôi, ông được cô y tá đánh thức. Khi biết 'mọi việc xong xuôi,' ông thốt lên: 'Hả, xong rồi hả" Ủa, …à, thật là tuyệt diệu.'

Bác sĩ Dương xuất hiện, đưa tôi hình chụp chỗ loét tá tràng và kê toa cho thuốc 'kiểm soát acid.' Hai tuần sau ông báo tin 'không tìm thấy vi khuẩn Helicobacter.' Ở trong phòng mạch của ông, tôi phải nén nỗi vui mừng để khỏi thốt lên câu: 'Ồ, vậy sao, không có con vi trùng quái ác ấy à"'

Tôi thấy thanh thản và hạnh phúc tới mức không cảm thấy có một chút lo âu nào khi bác sĩ Dương yêu cầu 'nên nội soi ruột luôn để kiểm tra'. Thường trước mỗi lần được yêu cầu khám, chữa bệnh, tôi phải tự trấn an mình bằng cách nghĩ rằng bác sĩ cứu mình chứ không hại mình, cho nên không có gì phải sợ hãi và né tránh. Giờ thì tôi không cần phải tự trấn an trước bác sĩ Dương.

Bác sĩ Dương phân tích để tôi hiểu thêm, cái vỏ ngoài của ống nội soi ở VN hay ở Mỹ đều được dùng chung cho tất cả mọi người, và nó được nhúng vào một loại hóa chất để khử trùng sau khi xài cho người trước. Nhưng biện pháp đó không thể khử trùng sạch cái ruột của ống nội soi. Ở Mỹ, người ta thay hẳn cái ruột đó để mỗi người chỉ xài một cái 'ruột' riêng cũng như ống chích chỉ xài một lần rồi bỏ, trong khi người bệnh ở VN phải dùng chung một ống nội soi, cả vỏ lẫn ruột. Tôi lập tức gọi điện thoại về Sài Gòn dặn người nhà không bao giờ nên đi nội soi, nếu không phải lâm vào trường hợp hạn hữu.

Trong lần soi ruột có phần rắc rối so với nội soi bao tử: phải nhịn ăn, chỉ uống nước trong vắt trước khi soi một ngày; phải 'bơm thuốc vào hậu môn' trước khi soi một tiếng đồng hồ…

Lúc tôi đến Trung Tâm Y Khoa Magnolia, huyết áp tăng lên 15, hơi cao so với độ tuổi khiến anh Long Trần cẩn thận khuyên tôi sau đó phải đi khám bác sĩ gia đình.

Cũng không khác lần nội soi bao tử, tôi cũng gặp lại bác sĩ Phùng Mạnh Lành, Long Trần... Lúc được đẩy từ phòng chuẩn bị ở ngoài, vào phòng nội soi, ánh đèn sáng trưng tắt phụt hồi sau để lại dòng ánh sáng dịu dàng, mờ ảo. Tôi yên lòng thiếp đi…

Cũng vậy, khi tôi bừng tỉnh, thì đã nội soi xong rồi. Không một cảm giác đau đớn, khó chịu. Tôi ngồi dậy, có cảm giác mình vẫn có thể lái xe về nhà, nhưng quy định ở Trung Tâm Magnolia không cho phép. Tôi phải chờ người nhà tới đón. Bác sĩ Dương lại xuất hiện báo tin 'có hai khối u nhỏ đã được cắt đi trong khi nội soi'. Tôi nghe mà muốn khóc. Tôi cám ơn ông bác sĩ nhân hậu, hình như trời sinh ông ra là để chăm sóc cho người. Tôi lại gọi điện thoại về VN, báo tin cho người nhà tin may mắn.

Giờ đây, điều tôi băn khoăn là không hiểu tại sao VN, Sài Gòn lại không có được những trung tâm y khoa như thế, với những máy móc không lấy gì tân tiến ghê gớm, với những ê kíp y bác sĩ làm việc tận tình như thế, không cần 'phong bì bôi trơn' trong khi không ít người bệnh ở Sài Gòn có thừa tiền để chi trả một cách đầy đủ, sòng phẳng.

Có một lúc bất chợt, khi cô y tá đẩy tôi từ phòng ngoài vào phòng nội soi ở Trung Tâm Magnolia, một ý nghĩ chợt thoáng qua đầu: 'Mình tặng cô ấy bao nhiêu tiền đây"' Suy nghĩ thật nhanh, thật tự nhiên, như phản xạ. Tôi đã mang cái tâm lý ấy từ Sài Gòn, VN, đi khám bệnh ở đâu cũng trông mong vào 'nhứt thế, nhì thân, tam tiền, tứ chế. 'Vì vậy mà tôi đã 'tình nguyện' nhét vào túi ông bác sĩ TTK ở Bệnh Viện Đại Học Y Khoa một số tiền để cậy xin bác sĩ lòng thiện cảm mà chữa cho mình hết bệnh.

Chợt nhớ ra mình đang ở Quận Cam, chứ không phải ở Sài Gòn, tôi xua tan ý nghĩ bậy bạ đó. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao mấy bà Việt Kiều về nước, ai cũng có cái tính thẳng tuột, không quen, thông thích, không chịu lo lót, hối lộ để mong được việc cho mình.

Và cũng hồi hè 2006, tôi về thăm nhà với ý định kiểm tra răng. Tôi vốn 'lê la' nhiều phòng mạch của các bác sĩ nha khoa, và vẫn nhớ có lần đi chữa răng ở phòng mạch bác sĩ Hoàng T.H, nổi tiếng ở Sài Gòn hồi năm 2001, các cô y tá đã thản nhiên đặt hết 'đồ nghề' trên ngực tôi, vừa thao tác, vừa nói chuyện tía lia… Đó là lần 'một đi, hai không trở lại' của tôi.

Lần này, không có nhiều thời gian, tôi mau mau ghé phòng mạch của một nha sĩ ở đường Phan Đình Phùng, Phú Nhuận, theo lời giới thiệu của một người quen ở đường Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận. Tôi định thay hai răng cửa nhưng thôi vì cận ngày lên máy bay sang Mỹ, nên ông bác sĩ chỉ cạo vôi răng, đánh bóng răng…Tôi tiếc không thực hiện được ý định làm điệu hàm 'tiền đạo' của mình ở VN, theo kiểu 'đẹp, bền, tốt, rẻ' mặc dù ở Mỹ tôi sắp đến hẹn khám định kỳ với bác sĩ Đặng Thị Như Mai, ở đường Beach.

Chỉ hai tuần sau ngày từ VN sang Mỹ trở lại, bác sĩ Như Mai gọi yêu cầu tới kiểm tra răng. Tôi tới với nỗi áy náy, nghĩ 'chắc không có gì, vì mình mới kiểm tra ở VN.' Nhưng không, tôi hết hồn khi bác sĩ Mai chỉ cho tôi thấy ba cái răng hàm trên bên phải bị sâu 'liền tù tì'. Tôi thầm tức ông nha sĩ thiếu lương tâm ở Phú Nhuận không thấy, hay thấy mà bỏ lơ, vì làm răng giả thì mới 'đáng đồng tiền' thay vì trám răng sâu. Tới giờ thì tôi hoàn toàn 'tâm phục khẩu phục' bác sĩ Như Mai lương tâm và trách nhiệm đối với bệnh nhân.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,006,443
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến