Hôm nay,  

Tháng Năm, Năm Tháng…

14/05/200700:00:00(Xem: 833137)

Tác giả: PHAN

Bài số 1264-1875-580vb2140507

*

Tác giả là một nhà báo phụ trách mục “Chuyện Vỉa Hè” trong Ca Dao Magazine tại Dallas. Sau đây là bài mới của ông viết cho Ngày Lễ Mẹ.

*

* tháng năm  

… Sự chuyển động của đời sống luôn diễn ra hai mặt, một mặt tất bật theo đà văn minh dễ thấy và một mặt lặng thầm. Sự chuyển động ngầm trong đời sống cũng hai mặt: tích cực và tiêu cực. Sáng tháng 5 mưa phùn héo hắt ngoài cửa sổ, tay xé tờ lịch tháng tư đen, lòng tôi thầm cảm ơn thời gian đã cất đi cho một tháng tư ưu trầm về qúa khứ, hiện tại và tương lai đi về đâu" Tháng 5 lừng lững hiện ra trước mắt những kỷ niệm gia đình của từng người, từng gia đình di dân hay bản xứ đều nở môi cười trên gương mặt những người mẹ. Tháng 5 là tháng của mẹ - vui đàn con nhỏ ngô nghê, vui cháu chắt ngộ ngĩnh với những ngây thơ con trẻ. Tháng 5 là tháng của tuổi thơ rù rì trong phòng chúng, đập heo, đếm tiền giành dụm cả năm qua để thì thầm anh, chị, em bàn tán: Mua qùa gì cho mẹ, cho bà"

    Ngày Morther's day đối với trẻ nhỏ sống ở Mỹ có lẽ là ngày lễ chiếm nhiều âu lo của chúng nhất bởi những lễ lộc khác, chúng chỉ là người nhận. Lễ này là lễ chúng cho đi. Thử quan sát sự cho đi và nhận lại của trẻ nhỏ, ta thấy khác người lớn ở điểm duy nhất là chúng bất vụ lợi. Đứa nào cũng dốc lòng mình ra tới hết sức (công lao và tài chánh) mà đều thấy là chưa đủ. Tấm lòng trẻ nhỏ thật vô đáy nhưng khác cái vô đáy của người lớn là lòng tham. Tấm lòng trẻ nhỏ chưa có thời giờ để ô uế, chưa kịp vấp ngã trước lòng dạ con người đổi trắng thay đen, giòng đời đen bạc, phủi tay… để từ đó về sau không còn dám đối xử với ai một cách dốc lòng như thuở nhỏ. Người lớn sống với nhau bằng quan niệm bánh ích đi bánh quy lại, có qua có lại mới toại lòng nhau làm cho quan hệ con người ngày càng thiếu hồn nhiên, thân thiện.

Không lẽ tình cảm tỷ lệ nghịch với sự từng trải, tuổi đời và những cái bánh vẽ đâu đâu cũng có, tới hồi nhá không nổi sự đãi bôi của tình người thì hụt hẫng, hoang mang rồi cô độc.

Sáng tháng 5 bên ly cà phê và cái laptop ngoài sân sau nhà. Tôi nhớ năm mới qua Mỹ, đứa con lớn mới sáu tuổi đã bấm bụng trút hầu bao đếm đi đếm lại tiền lì xì của chú bác cậu dì… vỏn vẹn bốm mươi đồng. Nó ước gì có thêm $9.99 nhưng để làm gì thì bố đừng có hỏi! Tôi cho tờ mười đồng để bắt nhịp cho con tôi hòa nhập vào cuộc sống mới. Dĩ nhiên là tôi hiểu lý do cần tiền của chú bé con.

Hôm sau, tôi đón cháu ở daycare, (hồi mới qua, tôi sợ con mình không theo kịp nên gởi cháu ở daycare Mỹ trong khi đi làm có $5.00 / giờ. Bây giờ nhớ lại còn ớn xương sống). Trên đường về apartment, con tôi xin bố: "Hôm nay về nhà, con làm homework xong, bố chở con ra chợ Albertsons chỗ bác sĩ Lee, được không"" Dĩ nhiên là được một cách vui vẻ trong lòng bố, nhưng mặt ngoài cứ 'tỉnh' xem sao! Albertsons nào cũng vậy, sao lại phải đúng Albertsons chỗ bác sĩ Lee"

    Thằng nhỏ Việt Nam có chút xíu xìu xiu, mặt xanh lè xanh lét vì lần đầu tiên trong đời nó xài một món tiền lớn hơn nó nghĩ nhiều lắm! Và cũng lần đầu tiên trong đời, nó bọc trong túi tới năm chục đồng. Tôi thấy nó đi nghiêng hẳn về bên túi có tiền. Thiệt ra là nó nắm tiền trong tay rồi cho tay vào túi quần cho đừng ai thấy! Mặt mày khẩn trương, nghiêm trọng lắm lận. Nó tiến thẳng đến tủ đồng hồ, chỗ Customer service, dõng dạc nói với bà cụ Mỹ trắng: "Làm ơn báo cho tôi cái đồng hồ, này. (tay nó chỉ chính xác một cách tự tin, chứng tỏ nó đã quan sát trước, thậm chí nhiều lần. Chắc là đi chợ với mẹ, cu cậu đã "kết" cái đồng hồ Seiko tự động - automatic đó từ lâu rồi nên biết luôn gía cả là $49.99)

Bà cụ Mỹ vô cùng lịch sự, vui vẻ, niềm nở tiếp người khách tí hon. Bà nói: "Mua tặng mẹ ngày Morther's day phải không" You're good boy." Thằng nhỏ hỉnh mũi để rồi tiu nghỉu khi bà ấy tính thuế (sale tax). Mặt nó cắt không còm hột máu, bao nhiêu mơ ước tiêu tan, tính rốt ráo tuổi thơ cũng vẫn thua Uncle Sam khoản thuế. Nó bắt đầu rướm nước mắt khi hiểu ra nước Mỹ phũ phàng, nó chấp nhận không đành khi đếm tiền lần nữa, lần nữa. Nó chỉ có chính xác năm chục đồng. Nhưng con có cha như nhà có nóc, nó cười lại được liền để bắt đầu sang màn hai cảnh một. Bà cụ khuyên nó lấy cái màu trắng, đẹp hơn. Bố cũng trả lời là mẹ thích màu trắng hơn. Nhưng cuối cùng nó chọn màu vàng. Ừ. Vàng thì vàng. Cùng lắm, mẹ nó đem đổi lại, dễ thôi! Nhưng hôm sau tặng mẹ rồi. Mẹ vui lắm lắm làm nó cũng vui không kém. Chắc nó tự hào vô kể, nhưng nghe mẹ nó xin lỗi: "Con cho mẹ đổi màu trắng được không"" thì nó không buồn mà đăm chiêu dữ lắm! Tới nó giải thích, tôi mới té ngửa con tôi: "màu trắng (inox, nickel) với màu vàng bằng tiền ($49.99 + thuế). Mẹ xài cái màu trắng tới hư là bỏ, nhưng mẹ xài cái này bằng vàng, tới hư , mình bán vàng cũng còn tiền mua thứ khác!" thì ra là cu cậu tưởng cái đồng hồ màu vàng là làm bằng vàng. Con nhà nghèo nó khôn trước tuổi, con người Việt nó khôn khác Mỹ! Nghĩ ra ngậm đắng nuốt cay thế nào!

   Đâu hai năm sau, tôi mua nhà. Nhà tôi qua đường là chợ, thằng con đã đủ bản lĩnh để băng qua đường, (nhưng bố phải coi chừng xe cho con). Nó qua chợ Tom Thumb mua lọ hoa thì đúng hơn bình vì nhỏ xíu như tiền nó có, sau đó đem về dấu ngoài luống rau húng cây, húng lủi bên hè. Sau hết là (set) đồng hồ báo thức để sáng mai, dứt khoát phải thức dậy trước mẹ, để mẹ bất ngờ thấy con chình ình trên bàn ăn qua lọ hoa đẹp nhất kính dâng mẹ hiền. Mẹ khen hết lời và không tiếc lập lại lời cảm ơn nhiều lần cho thỏa dạ con trẻ.

Có năm chỉ là bức tranh vẽ ngô nghê của tuổi nhỏ dại khờ nhưng chứa đựng trong đó nguyên trọn lòng biết ơn sinh thành dưỡng dục.

Năm nay nó đi học xa. Là hoàn cảnh bắt buộc, là tương lai của nó. Biết chắc mùa thi, không về được thì lo qùa cho mẹ sẵn, để ở nhà và dặn thằng em: "…anh hai gọi thì đem ra tặng mẹ." Một cách nào đó, đứa anh đã dạy đứa em lòng hiếu thảo, quan tâm tới mẹ của mình. Thế là mặt trời bé con nhà tôi làm nghệ thuật - tự tạo ra món qùa bằng hết sức sáng tạo của nó. (Tiền điện thoại tháng này sẽ đáng kể vì phải xin ý kiến longdistand của anh hai thường xuyên. Sáng nào trên đường đi học, mặt trời bé con  cũng hội ý với bố về món qùa có một không hai. Nỗi âu lo là con làm một mình, không có anh hai, giúp. Đại cương là một tiểu phẩm với toàn màu nóng. Nóng tới dộp da chứ đừng tưởng bở. Trong khi đứa anh thì lặng lẽ mua cho mẹ đôi giày, cái áo lạnh… bằng đồng tiền ít ỏi của tiền lương partime, của cuộc sống xa nhà. (Từng đêm, tôi nghĩ đến nó, tôi nhớ tôi với cái máy ảnh ở hồ Kỳ Hòa để có tiền ăn cho ngày mai đến lớp. Hy vọng sự khởi đầu một cuộc đời bằng khó khăn thì sau này trưởng thành không gì làm khó được! Nhất là một người ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng thì sau này thông cảm được với những kẻ trắng tay.)

   Với tôi, đôi giày, cái áo… gía bao nhiêu" Không còn là vấn đề so với thu nhập của tôi bây gìơ (đã qua thời đổ giọt mồ hôi với nắng Texas mà chỉ có $5.00 / giờ). Tôi hài lòng một cách ích kỷ với công sức đổ ra cho con tôi khôn lớn, tôi mang ơn trên đã ban phước xuống một gia đình người di dân muộn.

*năm tháng…

Rồi thời gian làm cho người ta lớn lên chứ đâu cha mẹ nào mong con lớn để thoát khỏi tầm tay mình, đâu người bạn nhỏ nào muốn thoát khỏi sự chăm sóc tận tình, tràn đầy thương mến của cha mẹ. Nếu hết những gia đình trên toàn cầu đều như nguyện, ấy! Thì cuộc sống tươi đẹp biết bao! Nhưng anh chị kia mong con lớn để hết trách nhiệm; người bạn trẻ nọ mong đủ tuổi để thoát ly gia đình là hiện thực đầy dẫy trong những gia đình bản xứ lẫn di dân, hiện tại. Cho qua phần bản xứ vì chúng ta thuộc thành phần di dân. Nói tới di dân thì có lẽ cuộc đời của những người di dân cùng giống nhau một điểm là vô cùng vất vả trên quê hương thứ hai. Chuyện cơm áo bao gìơ cũng là nỗi lo hàng đầu của người viễn xứ. Thường thì quy trình hội nhập của một gia đình di dân là hy sinh thế hệ thứ nhất, chấp nhận cày bừa trong bóng tối u u của màu da không sáng, kiến thức hạn hẹp, ngôn ngữ bất đồng… Nói chung, chịu đựng cơ cực một cách lầm lũi để mong cầu, hy vọng ở thế hệ thứ hai được hưởng trọn vẹn sự ấm no, một nền giáo dục khoa học kỹ thuật tiên tiến vào bậc nhất thế giới để thành tài, để vĩnh viễn chia tay đói nghèo.

    Ước mơ đó không có gì sai mà chỉ sai ở con đường đi đến ước mơ. Có ai nói, nghe cũng chí nghĩa chí tình lắm lắm: "…Ném một hòn đá vào đám Đại Hàn, thể nào cũng trúng một một ông họ Park. Ném một hòn đá vào đám Việt Nam, thể nào cũng trúng một ông bác sĩ." Không thể phủ nhận sức học của người Việt Nam là qúy hiếm. Có sống trong cộng đồng nhiều chủng tộc mới thấy người mình thông minh, cần mẫn và có tài. Theo cái đà và tinh thần câu nói trên thì người Việt sẽ làm chủ 70% phòng mạch bác sĩ trên nước Mỹ như nghề nail của người Việt hiện tại. (Nhất sĩ nhì nail).

Bạn có tưởng tượng nổi một cậu bé Việt Nam chưa tới mười tuổi, từ chối lời rủ rê của bạn bè trang lứa rủ ra sân chơi bóng. Cậu bé trả lời hết sức ngây thơ: "Má tao nói chơi thể thao chỉ làm cho mình đau, mất thời gìơ. Thời gìơ giành để học, phải học nhiều để lớn lên làm bác sĩ mới có nhiều tiền." Thiệt là lãnh không nổi bà má tào lao độc địa. Sao lại đi hun đúc cho đứa bé tội nghiệp kia một ý chí kiên cường bất hạnh đến như thế! Không chừng ba mươi năm nữa, lật tờ báo thấy tin: bệnh nhân bị cảm (flu) thông thường nhưng Doctor Money Nguyễn đè ra thay bao tử để tính được nhiều tiền. Tiền có phải là cứu cánh giải phóng con người khỏi những ức chế hay chỉ là phương tiện giúp người ta thoát khỏi được lòng tự ti, mặc cảm một cách thiển cận. (Đâu có ai nghèo hơn ông sư, sao không thấy ai coi thường ông ấy. Suy ra có tiền chưa chắc đã thành tiên thành Phật như câu lề đường: tiền là tiên là Phật, là sức bật tuổi trẻ, sức khỏe tuổi gìa, cái đà danh vọng, cái lọng che thân, cán cân công lý… tiền hết ý.) Tóm lại: Dạy con thành nhân thì nó thàng thành thân, dạy thành thân ông này bà nọ nhưng thiếu cái "nhân" cho một con người bước vào xã hội là tai họa.

    Kể ra, mỗi đứa trẻ đều mang nặng trên đôi vai non nớt những kỳ vọng của mẹ cha. Những kỳ vọng của lòng tham người lớn sao lại chất lên đôi vai con trẻ để phát sinh, là nguyên nhân của những người trẻ mất thăng bằng tâm lý tạo hệ qủa nghiêm trọng như người bạn trẻ Nam hàn - Cho Seung-hui. (Tôi bị ám ảnh sự việc xảy ra ở Đại học Virginia Tech đã nhiều hôm.) Dĩ nhiên là không có lý lẽ cho hành vi giết người hàng loạt, không tha thứ được cho bất kỳ một kẻ sát nhân nào. Thế kỷ 21 có hai tiêu đề chính là làm cho trái đất nguội bớt và chống bạo lực khủng bố. Vô hình chung, con người đã tạm bằng lòng với khoa học kỹ thuật hiện tại. Chỉ riêng người má tào lao kia muốn đẩy con mình vào ngõ cụt, trầm cảm… bất chấp những hệ qủa ghê gớm có thể xảy ra với một đứa bé phải chịu qúa nhiều áp lực đồng tiền. Rồi ai thương cho 32 người vô tội, 32 gia đình đau khổ triền miên trong mất mát không gì bù đắp nổi. Duy tâm một chút thì anh chàng Cho Seung-hui trả lời sao đây với người bạn cùng quê Đông nam Á, tên Lý Hiền!

Từ đâu mà Cho có lòng hận thù những người giàu có hơn mình" Thù ghét ấy có bắt nguồn từ giáo dục gia đình" Từ áp lực đồng tiền đè lên vai con trẻ để nó mãi ấm ức nghèo khó trong gía trị đích thực của một con người không đặt ở trương mục người ấy có.

Trở lại với tháng 5 của những người mẹ đang đón chờ niềm vui, hạnh phúc từ con trẻ. Người mẹ bị thế giới thương thù lẫn lộn trong tháng 5 này có lẽ là người mẹ của anh chàng Cho. Tôi cũng đang tưởng tưởng ra nỗi khổ cùng tận của người đàn bà mất con bất chợt như một tai ương, đau hơn cái chết của con mình là lòng cắn rứt về cái chết lãng nhách của bao người khác. Có lẽ gia đình bà cũng giống chúng ta là một gia đình di dân kinh tế. Thế hệ cha mẹ lam lũ trên miền đất hứa này để thế hệ thứ hai có tương lai. Những kỳ vọng mà cha mẹ đặt trên vai Cho như thế nào mà dẫn tới hậu qủa cả thế giới đau buồn. Thương thù lẫn lộn. Bài học tháng 5 cho những người di dân đang làm cha mẹ trước khi hậu qủa nghiênm trọng xảy ra với chính con mình.

    Đọc lời tạ tội của người chị ruột của Cho Seung-hui, đại diện cho gia đình Cho, người ngoài cuộc như tôi, như bạn có thể tha thứ được nhưng những gia đình có con em tử nạn không chính đáng chút nào, thì sao" Tạo thành một nỗi đau nhân thế!

Tháng 5 năm nay, tôi chỉ cầu nguyện, xin mong Ơn trên xoa dịu nỗi đau lòng cho những gia đình nạn nhân của sự vụ Virginia Tech, cho luôn cả người mẹ Nam Hàn mang nỗi đau mất con một cách lãng nhách mà còn rứt ruột sẻ chia với nỗi đau người khác do con mình gây ra. Nỗi đau sinh ra một đứa con khác người nhưng không phải vĩ nhân mà quái nhân. Có bao nhiêu phần trăm trách nhiệm bởi kỳ vọng mẹ cha, giáo dục gia đình thì để tự gia đình, mẹ cha của hung thủ thú tội với trời đất. Một kẻ bàng quang còn rúng động tâm thần, tôi chỉ xin chia chung nỗi mất mát qúa lớn của 33 gia đình không có ngày Morther's day năm nay trong nhà. Xin chia sẻ khổ đau của 33 người mẹ bất hạnh trong lễ Morther's day năm nay.

  * Lời tạ tội của người chị ruột, đại diện cho gia đình hung thủ Cho Seung-hui: "Chúng tôi vô cùng xấu hổ vì tội ác này. Chúng tôi tuyệt vọng, bơ vơ và mất hẳn điểm tựa. Kẻ sát nhân này chính là người mà tôi cùng anh ta lớn lên dưới mái gia đình. Vậy mà gìơ đây, tôi có cảm tưởng như  tôi chưa từng biết anh ta. Gia đình chúng tôi bao gìơ cũng là một mái ấm. Em tôi tuy có trầm lặng, nhưng đã cố gắng hòa nhập với gia đình. Chúng tôi hoàn toàn không hiểu tại sao nó có thể gây ra một hành động bạo lực khủng khiếp đến như thế…"

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 843,994,411
Nhạc sĩ Cung Tiến