Hôm nay,  

Gỏi Sầu Đâu

07/02/200700:00:00(Xem: 269443)

Gỏi Sầu Đâu

Người viết: Nguyễn Viết Tân

Bài số 1195-1807-514 vb4070207

*

Nguyễn Viết Tân lá tác giả sách “Chuyện Miền Thôn Dã” vừa xuất bản năm trước. Với bài “Bên Bờ Freeway” ký bút hiệu Tân Ngố, ông đã nhận một  giải thưởng chính  Viết Về Nước Mỹ từ 2001.

*

Đầu tháng 12, một người bạn vong niên rủ rê tôi đến thăm anh chị ở thành phố Rosemead. Mới ngồi chưa nóng đít thì vợ chồng chị TX tới, đồ ăn bầy ra, có một món mà chủ nhà đang giữ bí mật.

Thì ra đó là món "Gỏi bông sầu đâu".

Thực ra có lẽ vì bông sầu đâu hiếm quá, mắc quá nên nhà hàng của xứ Chùa Tháp tên là Battambang phải độn nhiều thứ rau thơm, xà lách cùng đu đủ vô. Phía trên cùng của dĩa gỏi, họ trải đều một lớp rất mỏng bông sầu đâu, giống như chùm hoa ngâu. Nếu ta lấy một cái bông cải broccoli đã bị úa vàng rồi xé nhỏ ra thì trông giống y hệt.

Món ăn quá đặc biệt nhưng tôi thấy không ngon bằng làm theo kiểu VN, bởi họ thay thế nước mắm chua ngọt bằng nước mắm ba khía màu hơi nâu nâu và nặng mùi hơn mắm nêm của mình.

Tuy cho rằng không ngon bằng kiểu VN, nhưng chúng tôi cũng "ních trất" cả hộp gỏi lớn mà không than phiền gì!

Cám ơn anh chị Chiến đã cho chúng tôi thưởng thức một món ăn tưởng đâu không thể kiếm được ở xứ sở này.

*

Chắc trong chúng ta không mấy người không biết bản nhạc Hoa Soan Bên Thềm Cũ với câu: “...như hương hoa soan vương bên thềm, nhẹ nhàng như ngất ngây ...

Tôi vẫn nghe người Huế gọi cây soan là cây sầu đông hay cây thầu đâu, bởi thế nên khi nghe đến gỏi sầu đâu thì cứ đinh ninh rằng đó là cây soan, rồi tự hỏi nó đắng nghét như có chất độc vậy mà làm sao ăn được(").

Hồi còn rất nhỏ tôi cũng đã từng thấy cây soan ở Kinh 5, nhà ông Bạ Tụng và ông Trùm Dậu có trồng khá nhiều, trong Thức Hoá thì thấy có nhà ông Chánh Hoạt. Khi nó mọc cao chừng hai ba thước và lớn bằng cổ tay là đã ra hoa. Hoa thơm ngát và trổ vào khoảng tháng tư, vào dịp lễ Phục Sinh. Khi lễ hôn chân Chúa thì có tục lệ rang lúa nếp cho nổ bung ra trắng xoá, phủ gần hết trong quan tài Chúa, dĩ nhiên là để chừa mặt và chân Chúa ra. Con nít khi vào hôn chân thường hốt đầy túi nổ, có khi còn bỏ vô đầy một vạt áo nên nổ vơi đi mau lắm.

Các ông Trùm muốn giới hạn vụ này lại, nên hái hoa soan bỏ lẫn vào. Hoa soan sắc trắng có pha chút màu tím, trộn lẫn với nổ càng thêm thơm và con nít phải lựa ra mà ăn chứ không thôi ăn nhằm hoa soan thì đắng lắm.

Cây soan nếu không trồng sát vào bên nhau, hoặc gò uốn khi nó còn non thì lớn lên cong queo không sử dụng làm cột kèo gì được, gỗ nó cũng chẳng tốt hơn gỗ tạp như cây bông gòn, cây so đũa là mấy.

Ở Huế chỉ thấy soan mọc rải rác ở hàng rào, dùng để làm củi chứ cũng không được cái tích sự gì.

Người ta dú chuối trong lu khạp, nếu bứt ít lá soan bỏ vô thì chuối mau chín và có màu vàng tươi coi rất đẹp mắt.

Mãi cho tới khi qua tới xứ Mỹ này, tôi mới nghe một người bạn nói tới gỏi sầu đâu, anh ta khen ghê lắm. Tôi tò mò hỏi về món này, nhưng nghe tả kỹ rồi đó, mà tôi cũng không thể hình dung cái cây này lá hoa nó ra làm sao nữa, nhưng chắc chắn đó không phải là cây soan.

Vào mùa hè vừa qua, Má tôi nay đã gần trăm tuổi nhưng tinh thần còn rất minh mẫn nên chúng tôi tôi bàn nhau cùng về thăm bà một lần cho bà mừng, vì đã mấy chục năm nay chưa bao giờ tám anh chị em gặp gỡ cùng lúc dưới mái nhà xưa.

Người bạn đã từng nói chuyện với tôi về cái món gỏi sầu đâu cũng về trong mùa hè này, nên anh mời tôi nhớ ghé thăm vườn ruộng của anh ngay chợ Thốt Nốt trên đường từ Long Xuyên qua Cần Thơ.

Thời điểm này sắp đến mùa sầu đâu mọc lá non và cá chạch lấu hàng năm đã lại theo con nước mà đổ về.

Những hàng quán ở Miền Tây mùa nầy đua nhau chế biến gỏi sầu đâu sao cho ngon hơn quán kia.

Căn bản là gỏi sầu đâu trộn khô cá sặt.

Vì lá sầu đâu đắng quá, nên người ta bằm dưa leo, xắt ngang (như kiểu dưa leo ăn với bánh cuốn) mà trộn vô.

Có quán dùng trái cóc non, gọt vỏ, dùng dao bào thái ngang rất mỏng -thái cả hột- mà trộn thêm vô lại càng thêm ngon.

Con khô sặt rằn lớn gần bằng bàn tay, nướng vừa chín tới, để trên một tấm thớt, lấy cái chày nhỏ mà chần trên con cá, xong rồi bóc thịt hai bên là bao nhiêu xương hom sẽ dính lại cùng với xương sống. Hai miếng khô nạc cá thơm phức sẽ được xé nhỏ ra mà trộn vô gỏi , rưới nước mắm tỏi ớt chua ngọt lên ... rồi nhậu.

Còn một thứ cá để trộn gỏi nữa là cá chạch lấu. Con cá chạch thường thì chỉ bằng ngón tay, nhưng chạch lấu lớn như cổ tay và dài thòong đến vài ba gang. Cá luộc vừa chín tới, đừng mềm quá, một tay nắm đầu cá còn tay kia dùng đũa mà tuốt thì thịt cá bóc ra hết chỉ còn bộ xương. Cá này xé ra trộn gỏi thì ngon "bá cháy".

Tôi đến chợ Thốt Nốt ghé nhà anh bạn thì trời đã về chiều, anh nhờ cô em vợ gọi các nhà hàng xem nơi nào có món gỏi sầu đâu, rồi đặt trước một bàn.

Đường từ Kiên Giang lên đến đây bụi bặm quá trời, tôi đi bằng Honda, đầu lại phải đội cái nồi cơm điện nên mồ hôi mồ kê chảy ra đầm đìa, tắm rửa cho thoải mái rồi chúng tôi mới ra tiệm.

Tuy gọi là nhà hàng, nhưng đây cũng chỉ là một thị trấn miền quê nên cung cách phục vụ cũng xuề xoà như những quán nhậu bình dân, nghĩa là thiên hạ cũng phà thuốc mù mịt như khói tàu, cũng vừa ăn uống vừa hô to: Dô! Dô ..

Món đầu tiên bưng ra dĩ nhiên là món gỏi sầu đâu.

Tôi được mời ưu tiên gắp đầu tiên.

Ngon thiệt!

Nếu ai đã từng ăn được nấm tràm, canh khổ qua thì thấy lá sầu đâu cũng đắng, nhưng ngon một cách khác. Nuốt nó rồi, vị ngọt còn đọng lại cuống họng rất lâu, nhất là sau khi nốc một ngụm bia lớn.

Thấy lá sầu đâu bị bóp gỏi đã dập dạp không thể biết được hình dạng ra làm sao, tôi kêu nhà hàng cầm ra cho xem, thì ra nó giống y như bó rau bồ ngót, nhưng lá to hơn và dầy, xanh mướt như lá cây gỗ sao.

Cô chủ quán nói mình gọi là sầu đâu chứ thực ra cây này xuất xứ từ Campuchia và nếu viết cho đúng thì phải là SDAU. Cô còn cho biết khi nó mới ra hoa, thì gỏi làm bằng hoa còn mắc và ngon hơn làm bằng lá rất nhiều.

Phố thị đã lên đèn rồi, mà anh bạn nhất định mời cho bằng được chúng tôi phải chạy tới căn nhà trong quê của cha mẹ anh. Đường quanh co, có lúc không còn lộ tráng xi măng mà là đất dẻo bám đầy bánh xe rất khó đi.

Nhà anh thuộc dạng nhà cổ, lợp ngói đã rêu phong, vách gỗ bổ kho và ngay gian chính thì khói hương nghi ngút trước bao nhiêu là hình của người quá cố.

Anh đốt một cây đèn măng xông rồi dẫn tôi tuốt ra một ao cá rất lớn đàng sau vườn, tới gốc một cây to cỡ bắp đùi, anh nói đây là cây sầu đâu.

Cây cao quá, và ánh đèn lấp loá trong đêm nên cho đến bây giờ giá mà có gặp lại chắc tôi cũng không thể nhận ra cây sầu đâu nó ra làm sao.

Hôm qua đi chợ Người Việt, tôi thấy họ có bán là sầu đâu đông lạnh, nhưng trông nó chán quá, chắc làm ra gỏi ăn cũng chẳng ra cái tướng báo gì, nên tôi không mua.

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,301,429
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.