Hôm nay,  

Con Muốn Đi Lính Đánh Khủng Bố

20/09/200600:00:00(Xem: 188659)

Bài số 1104-1713-426-vb3190906

 

Huyền Thoại là bút hiệu  của  một tác giả cư trú và làm việc tại San Jose, đã góp một số bài viết về nước Mỹ, như  "Ông Hàng Xóm Mỹ", "Thuyền Trên Cạn"... Lần này là chuyện một gia đình H.O. có cậu Út nhất định đòi đi lính.

*

Mùa thu trời tối sớm.  Còn chừng mươi phút nửa thì tiệm đóng cửa.  Trong tiệm chỉ còn một bà khách và hai cô thợ, ngoài Hòa.  Bỗng chuông cửa reo leng keng và hai cô gái da trắng rất trẻ đi vào.  Một cô hỏi Hòa:

-  Bà có thể làm móng tay cho tụi tôi ngay bây giờ đuợc không"

Hòa đưa mắt nhìn thợ dò hỏi.  Một trong hai cô gật đầu:

-  Chơi luôn.

Hạnh mỉm cười, bảo khách ngồi vào ghế rồi ra treo tấm bảng "CLOSED"  lên cửa để không phải đón thêm khách "không hẹn mà đến".  Hòa ngưng làm sổ sách để cùng Phương làm tay cho khách.

Tịệm của Hoà mở cửa bảy ngày trong tuần nhưng nàng cho thợ thay phiên nhau nghỉ mỗi người một ngày .  Hòa không thích mở tịệm trong mall vì giờ giấc rất bó buộc, không cho phép chủ hoạt động theo ý mình muốn.  Nằm ngoài mall, Hòa có quyền mở cửa, đóng cửa sớm hay muộn tùy ý.  Một bà bạn của Hoà có tịệm trong mall, mấy ngày lễ tết Việt Nam muốn đóng cửa cho thợ nghỉ ngơi cũng không được, vì luật của mall là mọi dịch vụ, mọi cửa tiệm lớn nhỏ phãi hoạt động theo qui củ;  mở cửa đóng cửa đồng loạt. 

Hòa làm chủ tiệm nail này đã gần bảy năm với lượng khách hàng rất đều đặn, và thu nhập khá dồi dào.  Gia đình nàng đến Mỹ trong đợt HO đầu tiên, thấm thoát đã mười sáu năm.  Hướng, chồng Hòa, là cựu sĩ quan   không quân.  Sau ngày miền Nam đổi chủ, anh phải đi "cải tạo" hết sáu năm.   Khi được thả, vợ chồng và hai đứa con nhỏ dắt díu nhau tìm đường vượt biển.  Sau vài ba đợt thất bại, tiền mất tật mang, vợ chồng Hòa nản chí, chạy vào tổ hợp làm đồ gỗ để kiếm sống qua ngày.  Vì không còn ý định xuất ngoại nữa nên hai vợ chồng "bể kế hoạch", sanh thêm một con trai út.  Hoàng, đứa con lớn lúc đó đã mười hai tuổi và cô con gái kế,  Hương,  chín tuổi.  Không hiểu sao chỉ ăn độn bo bo và khoai sắn mà Tuấn lớn như thổi, trông mũm mĩm như một " ông  địa nhỏ".   Tuấn là niềm vui cho cả nhà và rất được cưng chiều.  Vừa sanh Tuấn được một năm, mọi người càng thêm hồ hởi với tin chính phủ Mỹ đã thương lượng xong với Việt Cộng để đem các cựu sĩ quan chế độ cũ sang Mỹ.  Sống trong mốt môi trường lúc nào cũng đầy tin hỏa mù, nhịều người ban đầu còn hoang mang nghi ngờ.  Nhưng sau khi một số cựu tù nhận được tin tức của thân nhân từ ngoại quồc gởi về, thì số người nộp đơn xin xuất cảnh trở nên ồ ạt.  Gia đình Hòa nằm trong đợt "thử lửa" này, nên may mắn được sang Hoa Kỳ định cư ngay đợt đầu tiên. 

Hướng đã từng du học Mỹ trước 1975 trong một khóa huấn luyện phi hành, nên anh đã xin được việc làm trong một hãng hàng không, sau  một năm đi học lại Anh Ngữ và một khóa huấn nghệ tại trường đại học cộng đồng địa phuơng.

Còn Hoà, nàng hòa nhập một cách mau chóng.  Hòa hiểu là nàng không thể kiếm được công việc lương cao trong cái xã hội mà nàng nói không thông nghe không thạo, nên  quyết định đi học một nghề rất phổ thông và dễ kiếm tiến, là nghề nail.  Chỉ cần ba tháng học nghề và khoảng một ngàn đô tiền đầu tư là nàng đã có có job để phụ chồng nuôi con, thỉnh thoảng gởi tiền về Việt Nam giúp hai bên gia đình nội ngoại.

Nhớ hôm đi thi lấy bằng, Hòa bắt chồng theo làm "thông dịch" và người mẫu cho mình.  Tuy là làm thông dịch nhưng anh bị vợ bắt học thuộc lòng cuốn sách nail để "nhắc" nàng làm bài cho đúng.  Lúc thi thực hành  Hòa run lắm,  cắt phạm da tay chồng hai ba lần.  Hướng đau nhưng cố trân mình chịu đựng.  Anh không dám nhăn nhó, sợ giám khảo thấy thì sẽ xét "bài thi" của Hòa kỹ hơn.

Cuối cùng, Hòa đậu.  Mà còn đậu điểm cao nữa mới ngầu đời.

Có bằng rồi, Hòa đi xin việc.  Chủ tiệm, cũng là người Việt, nhận nàng vào " training", mỗi ngày trả 30 đô, và cho nàng lấy trọn tiền tip.  Vì là lính mới, sợ nàng đắp móng xấu mất khách của tiệm nên cô chủ chỉ cho Hòa làm tay chân nước. Mấy tháng sau mới cho nàng tập đắp móng giả.

Tập việc chẳng được bao nhiêu tiền, nhưng Hòa cố  nhẫn nhịn, vì chỉ có cách đó mới cho nàng học thêm kinh nghiệm và đánh bóng tay nghề.  Nửa năm sau, tay nghề đã vững, Hòa qua làm ở một tiệm khác với lương thợ "thứ thiệt", không phải thợ tâp việc!  Mỗi tháng nàng cũng kiếm được trên hai ngàn đô.  Bao nhiêu chuyện tiêu xài trong gia đình, vợ chồng nàng dựa vào tiền lương căn bản của Hướng.  Hòa kiếm được bao nhiêu, họ bỏ nhà băng, không động tới.  Sau ba năm, Hòa đã có số tiền gần 50 ngàn đô trong trương mục tiết kiệm. 

Với tay nghề cứng và số vốn khiêm nhượng, Hòa sang tiệm nail hiện nay khi chủ cũ muốn dọn qua tiểu bang khác nơi nghề nail chưa có nhiều cạnh tranh.

Rút kinh nghiệm lúc còn làm thợ, Hòa chọn nhân viên rất kỹ để tránh những phiền toái do cá tính khác biệt gây ra.  Lúc đầu, chưa có nhiều khách, Hòa thường chia việc với thợ.  Sau này, khi tiệm đã vững và số khách đã đông, nàng chỉ làm khi được khách yêu cầu, hoặc khi tiệm quá đông.  Do đó, thợ của nàng "đóng trụ", không bỏ tịệm đi làm chỗ khác.  Khách cũng thích tiệm của Hòa, vì Hòa biết tôn trọng khách, không cho  thợ nói tiếng Việt ì xèo và ồn ào từ bàn nọ sang bàn kia.  Hòa có nhiều sáng kiến nên khách lúc nào cũng tấp nập, trong khi những tiệm xung quanh làm ăn không khấm khá bằng.    

Khi hai cô khách cuối cùng ra khỏi tiệm, mọi người vội vã ra về.  Hòa đã chuẩn bị bữa ăn chiều cho gia đình từ sáng nên không cần hấp tấp.  Nàng biết giờ này Hướng đã ăn xong.  Chỉ có những buổi tối cuối tuần anh mới chờ nàng về để cùng ăn với nhau.  Hướng không thích ăn trễ vào buổi tối vì cần đi ngủ sớm.  Anh phải tới sở lúc 6 giờ sáng.  Hòa cũng chỉ ăn qua loa trước khi đi ngủ.  Nàng sợ ăn trễ sẽ bị mập và...mất eo.

Con trai lớn của vợ chồng nàng hiện đang học bên miền Đông, hy vọng trở thành bác sĩ  trong vài năm nữa.  Ngọc Hương, em của Hoàng, hiện đã có gia đình, sau khi lấy được bằng dược sĩ.  Hòa mãn nguyện với cuộc sống sung túc của gia đình và sự thành công của các con trên đường học vấn.  Nhiều khi Hòa tự hỏi nếu không sang được Mỹ, không biết hiện giờ gia đình nàng sẽ ra sao.  Giỏi lắm cũng chỉ tay làm hàm nhai, con cái chắc cũng buôn bán loanh quanh, đủ ăn là phúc lắm rồi.

 Năm nay cậu con út vừa tốt nghiệp trung học, còn đang lưỡng lự, chưa biết sẽ đi đại học ở đâu, và học môn gì.  Vợ chồng nàng muốn cho Tuấn học nha khoa, nhưng cậu chàng có vẻ không mấy hào hứng với lời đề nghị của bố me.  Hướng thường bảo vợ là Tuấn sang Mỹ lúc còn quá nhỏ, hấp thụ lối suy nghĩ và văn hóa của người Mỹ nhiều hơn anh chị của nó, nên khuyên vợ không nên "chỉ đạo" con quá và hãy để cho con tự do lựa chọn.

Khi Hướng quyết định mua nhà ở đây, Hòa không thích lắm, nhưng vì chiều chồng nên chẳng muốn bàn ra.  Hòa thích mua nhà ở những nơi  có nhiều đồng hương để tiện việc chợ búa ăn uống, nhưng Hướng lại chọn thành phố này, hơi xa shopping người Vịêt, nhưng Hướng bảo nàng hệ thống trường học nới đây rất tốt cho con cái.

Theo người chuyên viên địa ốc, hàng xóm của vợ chồng nàng phần đông thuộc thành phần trung lưu, tuổi từ  trên 40 đến gần 60, nhiều người vẫn còn đi làm.  Dọn vào được vài hôm, vợ chồng hai nhà hàng xóm kế bên và một cặp đối diện sang thăm gia đình nàng.  Người cho bánh pie, người cho chai rượu, người cho con gà quay.  Được thăm và được cho quà, Hòa rất vui, nhưng hơi ngạc nhiên.  Hòa gọi vài người bạn thân kể chuyện, thì họ bảo có lẽ người ta thấy mình là dân da vàng nên tò mò tới thăm, mục đích đánh giá xem mình là loại người nào.  Họ còn bảo Hòa là họ dọn nhà đã vài lần, nhưng hàng xóm của họ cứ tỉnh bơ, chẳng cần hỏi han thăm viếng, đừng nói gì quà với cáp.  Có bà còn bảo Hòa nên coi chừng, vì "dân nhà giầu chúng nó kỳ thị lắm."   Nghe bạn nói, Hòa cũng hơi ngại, nhưng rồi mọi việc đều êm xuôi.  Hàng xóm không ai bực dọc gì gia đình nàng.  Vả lại, con cái Hòa cũng ngoan ngoãn không gây phiền toái cho ai.  Gia đình nàng sống như mọi người, cố gắng tránh những điều có thể làm mích lòng hàng xóm.  Một dịp nghỉ Labor Day, Hướng làm barbecue mời bạn bè đến xum họp.  Một cậu bé con bạn thấy cành đào của ông hàng xóm choài qua bên hàng rào nhà Hòa, cậu ta mau mau lấy thang trèo lên hái.  Hòa thấy được thì hết hồn.  Nàng bảo cậu bé cho nàng xin bịch trái cây rồi vội chạy sang gõ cửa nhà hàng xóm trả lại cho họ.  Bà vợ thấy Hòa cầm túi đào, tưởng nàng đem qua cho, thì lắc đầu:

-  Hoà ơi, nhà tôi có nhiều đào lắm. 

Hòa vội vàng giải thích:

- Không, đây là đào nhà bà.  Mấy đứa cháu của tôi lỡ hái mấy trái mà không xin phép.  Tôi mang sang trả lại, mong bà bỏ qua.

Bà ôn tồn:

- Không sao, không sao, con nít thường như vậy.  Nhưng mà tôi không phiền đâu.  Từ nay sắp tới, bà và gia đình cứ tự nhiên, muốn ăn thì cứ việc hái.  Hễ món nào chồm qua phần hàng rào của bà thì coi như của bà, khỏi cần hỏi ý tôi. 

Rồi bà giải thích:

- Bọn tôi trồng cho vui, không phải để ăn.  Có nhiều khi tôi phải hái đem cho.  Tiền tôi mua phân bón và xịt sâu bọ còn hơn tiền ra tiệm mua mà ăn.

Từ đó trở đi, năm nào nhà Hòa cũng được ăn đào, ăn hồng và táo miễn phí.    

 Điều làm Hòa không mấy vui, là từ ngày về đây, Tuấn không có bạn Việt nam.  Mấy năm nay tiếng Việt của cậu đã có trịêu chứng "suy thoái", giọng cậu càng ngày càng cứng và vụng về cứ như cậu dịch tiếng Mỹ sang tiếng Việt vậy.  Ngoài vợ chồng nàng và anh chị, cậu không có dịp nói tiếng Việt với ai khác.  Thành phố này tương đối mới và  nhỏ, cư dân phần đông là người da trắng.  Hoà đi khắp phố, chỉ thấy có hai tiệm ăn Tầu, một nhà hàng Thái và một chợ bán thức phẩm Á châu do người Tầu làm chủ.  Chợ nhỏ, ít khách nên thực phẩm rất hạn chế và không được tươi. 

Mỗi tuần, Hòa cùng chồng con đi San Jose mua những món hàng cần thiết rồi dẫn nhau đi ăn phở, bún bò Huế.  Quá bận rộn với cửa tiệm, hình như tài nấu nướng của Hòa đang ngày càng mai một. 

*

Về đến nhà, Hòa thấy Tuấn ngồi với thằng Danny, con trai ông bà hàng xóm cách nhà nàng mấy căn, học cùng lớp với Tuấn.  Thỉnh thoảng đi họp phụ huynh học sinh hoặc đến neigborhood meeting, Hòa gặp cha mẹ cậu,  ông bà Weaver, nhưng chỉ chào hỏi qua loa.  Hòa không thích lối sống lạnh lùng riêng rẽ của người Mỹ.  Hàng xóm láng giềng nhiều khi không biết tên nhau, ra vào thấy nhau chỉ "hello" hoặc "hi".  Nhưng Hướng thì không lấy đó làm điều.  Chàng bảo nhiều khi vậy còn đỡ phức tạp.  Hướng quan niệm, nếu bạn bè ở xa, cứ biết lái xe là đến thăm nhau được.  Bên Mỹ, giao thông tiện lợi, đường xá thênh thang, bản đồ gắn ngay trong xe.  Hàng xóm không nhất thiết phải làm thân với nhau.  Bên Việt Nam, hàng xòm dựa dẫm nhau, trông cậy vào nhau những lúc tối lửa tắt đèn.  Nhưng bên Mỹ, người ta cứ việc nhấn ba con số 911 là mọi chuyện được giải quyết nhanh chóng. 

Thấy mẹ Tuấn lên tiếng:

-  Hi, mẹ!

Danny vừa gật đầu vừa nói:

-  Hello. 

Hòa cũng "hello" để chào lại nó.

Thấy một hộp pizza dở dang trước mặt hai chàng, Hòa biết là con  không ăn cơm với Hướng.  Một tuần lễ, Tuấn chỉ ăn cơm chừng vài lần.  Cậu thích ăn đồ ăn Mỹ hơn đồ ăn Việt nên thỉnh thoảng Hòa phải nầu spaghetti hoặc maccaroni cho cậu ăn.  Cậu khen mẹ cậu nấu mấy món này  ngon hơn nhà hàng.  Lúc Tuấn mới bắt đầu đưa bạn bè đến nhà, Hòa thường đem đồ ăn ra mời.  Họ có vẻ thích món chả giò và món gà chiên của nàng, nhưng ăn có vẻ cầm chừng. Vài lần sau, Tuấn bảo mẹ:

- Mẹ, lần sau bạn con tới, mình đừng bother cho nó ăn.  Chúng nó không muốn làm phiền mình.  Con tới nhà chúng nó, con cũng không ăn nếu họ không mời trước.

Mời trước có nghĩa là khi họ có tiệc tùng, và có dự trù lượng đồ ăn cho khách.  Qua mấy người khách quen, Hòa biết là người Mỹ không có thói quen nấu dư đồ ăn, nên khách "đột xuất" là điều bất tiện cho họ. Hòa cho là người Mỹ không lấy việc mời ăn là biểu lộ lòng hiếu khách.

Danny đứng dậy ra về sau khi vẫy tay chào nàng kèm theo hai tiếng "good night".  Khóa cửa xong, Tuấn bối rối nhìn mẹ rồi nói:

- Mẹ, con muốn nói một chuyện với ba mẹ. Mình cần ngồi xuống nói chuyện với nhau

Cảm thấy có gì hơi khác lạ trong vẻ mặt của nó, Hòa hỏi:

- Sao con có vẻ không vui.  Có chuyện gì xảy ra"

Tuấn chưa trả lời, mà Hòa đã liên tưởng đến chiếc xe vợ chồng nàng sắm cho cậu năm ngoái.  Cậu đã cọ quẹt đôi ba lần, tuy chẳng nặng nề cho lắm.  Tuấn bảo:

- Không có chuyện gì hết, mommy.  Con muốn cho ba mẹ biết một cái ý tưởng của con, vậy thôi.

Đặt chiếc xách tay lên bàn, Hòa phân vân.  Hôm nay Tuấn có vẻ  bồn chồn.  Nàng bảo con:

- Con vào mới ba ra đây rồi mình nói chuyện.

Trong lúc Tuấn vào nhà tìm Hướng, Hòa chợt nhớ đến một bà bạn.  Một hôm con bà về nhà tuyên bố cậu sắp làm cha, và cái cô bạn học cùng lớp với cậu đang mang bầu bốn tháng.  Tự nhiên tay Hòa lạnh ngắt.

Vài phút sau, Hướng và con trở lại phòng gia đình.  Hướng hỏi vợ:

- Em ăn uống gì chưa"

- Em không đói, vì hồi chiều có ăn hamburger ở tiệm với thợ.

Hướng dìu Hòa lại sofa rồi ngồi kế bên nàng.  Anh bảo Tuấn:

- Con ngồi xuống đây, có chuyện gì muốn nói với ba mẹ"

Tuấn ngồi xuống chiếc recliner trước mặt bố mẹ.  Cậu ta bối rối, nhưng cuối cùng mở lời:

- Con và Danny muốn đi vào Marine Corps.

Vừa nghe con nói xong, Hòa hốt hoảng.  Nàng nhìn chồng như xem phản ứng của anh ra sao, rồi chuyển tia nhìn thất đảm sang con, hỏi:

- Hả, con nói sao"  Con đi lính"  Ai cho con đi lính"

 Hướng lặng im nhìn con.  Tự nhiên anh thấy Tuấn lớn hẳn ra.  Năm nay nó 18 tuổi.  Nhưng anh chưa bao giờ nghĩ con anh đã đủ lớn để làm một quyết định đột ngột như  vậy.

Tuấn trả lời mẹ:

- Con muốn đi lính, con muốn ba mẹ "ủng hộ" con.

Nghe con nói mấy tiếng đi lính, vào Marine Corps, Hòa tưởng mình có thể ngất đi được. Nàng đã nghe quá nhiều tiếng khóc bi ai và chứng kiến quá nhiều chiếc quan tài phủ quốc kỳ.  Lúc còn ở quê nhà, mỗi lần đến nhà thờ, tim nàng đau nhói khi thấy hầu như chín mươi phần trăm giáo dân trong ngôi thánh đường đều chít khăn tang trắng xoá.  Mẹ nàng đã từng đến quỳ trước tượng Đức Mẹ để cầu xin cho chồng sống sót trở về từ chiến trường nghiệt ngã xa xăm.  Bà mòn mỏi trông mong từng cánh thư của chồng, dù lá thư tới sau ngày viết cả mấy tháng, chẳng còn thời gian tính. Nếu một chiếc xe jeep quân đội ngừng trước nhà, mặt mẹ nàng bỗng tái mét, lo sợ người ta đem đến tin dữ của chồng.

Rồi Hòa cũng theo vết xe của mẹ, tiếp nối những chuỗi lo âu, thấp thỏm khi lấy Hướng làm chồng.  Mỗi lần Hướng đi bay, Hòa ở nhà nhìn đồng hồ canh giờ bay của chồng.  Sau ba tiếng đồng hồ mà không nghe chồng gọi về là tim nàng thắt lại. Đã có những người bạn của Hướng  lần lượt ngả xuống, đã cháy ruị, đã nổ tan tành vì trúng đạn của địch.   Bây giờ, nàng không muốn phải lập lại những khiếp đảm trong dĩ vãng. Không, nàng không muốn phải chịu đựng thêm nữa. 

Hòa thấy ngộp thở.  Nàng nắm chặt tay chồng như tìm sự che chở, rồi bảo con:

- Con ơi, ba mẹ có đủ tiền cho con ăn học, con không phải đi lính để lấy học bổng của quân đội.

Hướng lắc vai vợ, nói nhỏ:

- Em, đừng nói như vậy với con.  Không phải...

Hướng chưa nói dứt lời thì Tuấn đã cao giọng cãi:

- Mẹ, không phải như vậy, không phải như mẹ nói.  Con không cần đi lính để có tiền đi đại học.  Con biết ba mẹ có tiền cho con, nhưng cái này...cái này...không phải là tiền, cái này là... cái patriotism.

Hướng thấy thương con.  Cậu ta đang lúng túng diễn giải tâm sự mình một cách khó khăn với cái vốn tiếng Việt không mấy trôi chảy .

Anh từ tốn bảo con:

- Con cho ba biết vì sao con muốn đi vào quân đội trong lúc chưa có lệnh tổng động viên, những người trẻ tuổi như con chưa bắt buộc phải nhập ngũ.

Tuấn đáp:

- Con muốn đi, vì có mấy đứa bạn con đã tình nguyện rồi. Không phải cha mẹ chúng nó không có tiền.  Họ có tiền như ba mẹ.  Nhưng bọn con muốn đi vì chính phủ của mình cần đánh mấy thằng khủng bố, cần chặn một cái 9/11 như hồi trước.  Ai cũng muốn ở nhà, thì chính phủ không "dọn dẹp" mấy thằng "bad guys  đó được. 

Hòa vừa giận, vừa buồn cười ngôn ngữ của con.  Nàng rưng rưng nước mắt:

- Con ơi, con không thấy người ta đang chết mỗi ngày đó sao, Tuấn"  Con hãy thương mẹ, con đừng đi nghe con.  Mẹ sợ lắm.  Con hãy nhìn anh chị con, ai cũng sống an nhàn, sung sướng.  Tại sao con muốn đi vào chỗ chết"  Con đừng tự làm khổ mình, làm khổ cả mẹ và ba.

Nói xong, Hòa òa khóc.  Nàng gục vào vai Hướng, thân mình nàng rung lên sau mỗi tiếng khóc như xé lòng.  Hướng bối rối vỗ lưng vợ:

- Em, em phải bình tĩnh lại.  Em khóc như vầy làm sao con nó nói chuyện được"

Hòa cao giọng trong tiếng khóc:

- Anh ơi, anh can con hộ em.  Em khổ quá.  Cũng chỉ tại cái bọn tuyển quân, cứ nhằm vào mấy thằng bé trẻ người non dạ mà dụ dỗ...

Tuấn nghe mẹ nói vậy thì sẵng giọng:

- Mẹ, mẹ đừng nói xấu người ta. Không ai dụ con hết.  Con đi tình nguyện mà. 

Qua sang bố, cậu lắp bắp:

- Daddy, daddy làm ơn giải...ờ...giải nghĩa cho mẹ, mình là người dân, mình có bổn phận đi cứu khi có "trouble".  Mình không nên ...ờ...ích kỷ.

Hòa giận quá, gào lên:

- Hả, con nói sao, con nói ai ích kỷ"  Mẹ và ba đi làm đóng thuế gãy cổ, đó cũng là đóng góp cứu nước.  Sao con dám hỗn"

Tuấn thấy mẹ làm dữ, cậu nhìn bố cầu cứu:

-It s my life!  I’m old enough to do what I want with my life, daddy!  Please tell her!  Hồi đó ba đi lính bà nội có complain không" 

Hướng nhẹ nhàng can vợ:

- Con nó không biết cách nói, em đừng làm dữ kẻo nó sợ.

Quay sang Tuấn, anh bảo con:

- Hồi đó bà nội không complain vì ai cũng phải đi lính, ai cũng chống Cộng Sản.  Ba hiểu con muốn nói gì.  Có điều nó hơi bất ngờ nên mẹ bị "shocked".  Con cho ba mẹ mấy ngày để bình tâm suy nghĩ.  Sau đó mình nói chuyện tiếp, nghe con"

Tuấn gật đầu.  Cậu đến bên mẹ, quì dưới chân mẹ và nói:

- Mẹ, mẹ đừng sợ.  Đâu phải ai đi lính cũng chết"  Mẹ nhìn ba, ba cũng đã đi lính, đi bắn súng, nhưng ba vẫn trở về.  Cả ba thằng Danny nữa.  Ổng đi lính sang Việt Nam của mình đánh Việt Cộng mà bây giờ ổng cũng "còn đây", vậy mà bây giờ cũng  cho thằng Danny đi lính nữa đó mẹ.  Con muốn đi với nó.  Con có bạn, nó "take care" con, mẹ đừng lo.

Hòa rên rỉ:

- Nó take care nó chưa chắc đã xong, nói gì đến chuyên take care cho con!

Tuấn cố gắng thuyết phục mẹ:

- Nó take care con, con take care nó, mình take care lẫn nhau.

Hướng xen vào:

- Thôi, con để mẹ đi nghỉ, mình sẽ bàn tiếp. 

Tuấn cầm tay Hòa, lắc nhẹ:

- Mẹ, mẹ đừng buồn.  Con xin sorry!

Trong lúc Hòa vào buồng tắm, Hướng vào giường nằm, nhìn chăm chăm lên trần nhà. Anh thông cảm tâm trạng của Hòa.  Người mẹ nào cũng thương con và sẵn sàng hy sinh, bảo vệ con mình.  Bao nhiêu năm, Hòa sống giản dị, tiết kiệm tiền bạc để lo cho các con được yên chí đi học.  Nàng đang đặt nhiều hy vọng và mơ ước vào Tuấn, đứa con út mà nàng vẫn còn cho là bé bỏng.  Bỗng dưng thấy con tự dấn thân mình vào chốn lửa đạn, Hòa thảng thốt.  Cuộc chiến bên quê hương đã là nỗi ám ảnh nặng nề trong tâm tư Hòa, và anh thông cảm những lời nói nặng nề nàng vừa nói với con . Hướng hiểu tất cả đều xuât phát từ tình mẫu tử thâm sâu, và lòng anh bỗng chùng xuống vì biết vợ sắp trải qua những ngày buồn lo trong một tương lai không xa .

Hướng cũng không muốn con mình đi vào đời quân ngũ khi tuổi còn quá nhỏ, mà anh cho là ăn chưa no lo chưa tới  Nhưng nghe con nói, anh biết là mình sẽ đuối lý khi phải làm một cuộc tranh luận với nó.  Lại nữa, nếu anh cản ngăn con, tự anh đã cho con anh cái quyền nghi ngờ lý tưởng của thế hệ anh và cho phép nó phủ nhận những hy sinh cao cả của những người lính như anh, như ba của Danny. Dù những hy sinh của anh và đồng đội anh đã không đem lại kết quả như ý muốn, nhưng anh muốn con anh nghĩ về họ như những anh hùng, không phải là những kẻ bại trận nhục nhã.  Hướng biết là anh sẽ phải vất vả giải thích cho Hòa và thuyết phục nàng đừng tìm cách cản trở con. 

Nhìn vẻ mặt và nghe những lời con nói, anh hiểu là nó biết mình muốn gì.  Xã hội và văn hóa của quê hương mới không cho phép anh ra lệnh cho con anh làm những gì anh muốn, nghĩ những gì anh nghĩ.  Nếu anh dùng uy quyền của một người cha như ngày xưa cha anh đã xử dụng để giáo huấn anh, anh sẽ làm Tuấn xa anh, và tình gia đình sẽ bị sứt mẻ.  Tuấn sẽ tìm đến những người hiểu và chia sẻ tư tưởng của nó thay vì chính cha mẹ mình.

*

Cuối cùng, Hòa miễn cưỡng chấp nhận quyết định của con.  Nhiều đêm nằm trong tay chồng nàng khóc tấm tức vì thương con.  Có lần nàng bảo Hướng:

- Cứ tưởng sang đến đây rồi thì không còn phải nghĩ đến chiến tranh lửa đạn nữa.  Em mới quên đi được ít lâu thì cơn ác mộng cũ lại lù lù trở lại   

Hướng vuốt tóc vợ:

- Chiến tranh lúc nào cũng hiện diện quanh ta.  Trước đây em không thấy rõ sự có mặt của nó vì em chưa phải trực tiếp đối diện.

Hòa nói trong tiếng nấc:

- Bao nhiêu năm em khắc khoải lo cho anh.  Nay lại đến con.  Không biết em còn bao nhiêu nghị lực và can đảm.

Hướng ôm chặt vợ trong tay và hôn lên tóc nàng:

- Em quên sao, ngày nay có anh bên em.  Em đâu còn một mình.

Rồi anh cố trấn an vợ:

- Em đừng quên là con ngưòi có số phận.  Anh đã trở về với em trong khi bạn bè anh không được cái may mắn đó.  Hơn nữa, em có biết bao nhiêu người chết mỗi ngày vì những tai nạn không phải do chiến tranh gây ra"  Em còn nhớ có chiếc máy bay gặp nạn, đâm xuống đất và giết oan nhiều người đang an giấc ngay trên giường ngủ của họ.

Hòa im lặng, vẫn thút thít trong tay chồng.  Nàng biết chồng mình cũng đang ưu tư về con như mình.  Nhưng người đàn ông thường bình tĩnh hơn đàn bà khi phải đối diện với nghịch cảnh.

Trước ngày Danny và Tuấn vào quân trường, má Danny đến mời vợ chồng Hòa sang dự tiệc tiễn đưa.  Bà bảo Hòa:

- Chúng tôi chỉ làm một bữa cơm gia đình.  Tôi không mời ai ngoài vợ chồng bà và mấy đứa bạn thân của Danny và Tony (tên Mỹ của Tuấn). 

Hòa hỏi bà:

- Tôi có thể mang sang vài món ăn Việt Nam không"

Nancy - mẹ Danny reo lên:

- Thế thì tuyệt.  Thằng Danny nói nó thích cái món egg rolls và  soup thịt bò của bà lắm.

Liên tiếp hai đêm, sau khi ở tiệm về, Hòa cặm cụi cuốn chả giò và nấu hai nồi phở to tướng.  Hôm ăn tiệc, đám bạn của Danny và Tuấn vội vã tấn công hai món này, và hai nồi phở cạn queo chỉ trong chốc lát.  Bà Nancy bảo Hòa:

- Lúc nào rảnh rỗi, bà dạy tôi nấu phở nhá.  Biết đâu tôi với bà sẽ mở quán ăn ngay kế bên trại lính của chúng nó, tha hồ mà hốt bạc!

Hai gia đình hàng xóm, hai mầu da, hai nguồn gốc đã xích lại gần nhau và trở nên thân thiết vì họ đang chia xẻ chung một hoàn cảnh. 

Qua hai người con, hai người cha nhìn thấy chính họ của thời trai tráng,và đọc được tâm tư nhau qua những cái bắt tay xiết chặt, như  muốn trao cho nhau sự hỗ trợ và cảm thông.  Hai người mẹ, khi ôm nhau qua những cái "hugs", là lúc họ trao đổi sức mạnh tinh thần.  Họ thấy bớt lạc lõng vì có người đang chia sẻ nhưng nỗi lo, những khiếp đảm giống mình.

Trong thời gian Tuấn và Danny ở quân trường, Hướng và ông Weaver thường cùng nhau lái xe đi thăm, và Hòa nấu phở đãi vợ chồng họ rất thường xuyên.  Những ngày lễ lớn như New Year, Thanks Giving và Christmas, họ không bao giờ thiếu nhau. Một thứ thân tình đã phát sinh từ những hiểm nguy mà con cái họ đang cùng nhau đương đầu.  Tự nhiên Hòa nghĩ đến bà Cindy Sheehan và hiểu vì sao bà mạnh dạn hứng chịu những búa rìu dư luận  khi bà đi khắp nước Mỹ và nằm ăn vạ, đòi gặp và trực tiếp đối thoại với  tổng thống của bà.  Hành động và quan điểm của bà có thể trái với quan niệm của những bà mẹ khác, nhưng theo Hòa, đó cũng là một cách biểu lộ tình mẫu tử và lòng  can đảm của bà.  Hòa cũng nghĩ là chỉ có trên đất Mỹ, người dân mới dám công khai chỉ trích một người có quyền lực nhất nước như vậy, nếu không phải là nhất thế giới.

*

Ngày Danny và Tuấn lên đường sang Iraq, cả gia đình Hòa đi tiễn chân.  Hoàng đi với vợ chồng Ngọc Hương, trong khi vợ chồng nàng và  ông bà Weaver lái xe đi chung với nhau.  Hai người mẹ tựa vai nhau trong băng ghế sau trong khi chồng họ im lặng, ưu tư phía trước.  Họ không nói gì với nhau, nhưng họ biết bạn họ đang nghĩ gì qua ánh mắt ưu tư và những tiếng thở dài nhẹ như không muốn người khác nghe được.

Trong khoảng sân rộng lớn của bến cảng nơi hàng ngàn người tụ tập  đưa tiễn con em, chồng vợ của mình, Hòa thấy có đủ sắc dân, đủ mầu da.  Những ông nội, bà ngoại đầu tóc bạc phơ chen lẫn những người vợ trẻ tay bồng con thơ, tay dắt đứa còn đang đi chập chững.  Những người cha, những người mẹ đứng bên những người yêu.  Cũng có những người chồng dẫn con nhỏ đi tiễn vợ.  Họ ôm nhau, hôn nhau và trao nhau những câu dặn dò.  Trên những nụ cười gượng gạo là những ánh mắt rưng rưng lệ.

Hòa ôm con trong tay. Tuấn cao hơn mẹ một cái đầu nên nàng gục đầu vào vai con cố giấu những giòng lệ chỉ muốn tuôn trào.  Nàng bảo con:

- Con nhớ luôn luôn cầu nguyện.  Con phải tin tưởng vào Ngài để Ngài chở che cho con khỏi tên bay đạn lạc. 

Tuấn hiểu ý mẹ, nhưng cậu cố pha trò cho mẹ cười:

- Mom, thời nay người tra không còn đánh nhau bằng cung tên nữa.

- Cha mày!  Giờ này mà còn đùa giỡn.       

Tuấn là người ra đi, nhưng cậu lại phải động viên tinh thần của mẹ:

- Mẹ, mẹ đừng lo.  Mẹ thấy không, con có mũ sắt này, có áo bullet proof này, có mask này, có đủ thứ hết. 

Rồi cậu đổi giọng, làm vẻ khôi hài:

-  Con muốn chụp hình ba mẹ để đem theo.  Mẹ, mẹ cười tươi lên, vì con chỉ cho mẹ "one shot", mẹ méo miệng thì xấu gái lắm đó.

Nói xong, cậu trao cho Danny cái máy hình.  Hai chàng lính mới tò te thay nhau chụp hình với gia đình.

Có lúc Tuấn lại gần anh trai và vợ chồng chị gái, dặn dò:

- You guys take care of mom for me, please.  Em không lo cho ba bằng mẹ.  Ba can đảm lắm.

Hòang gật đầu trong ánh mắt rưng rưng:

- You take care of yourself over there for us, too. 

Hương òa khóc vì mủi lòng, vì thương em đang đi vào chốn hiểm nguy.  Tuấn bối rối, nhưng cậu cố làm ra vẻ bình thản:

- Hey, don’t act like I’m not coming back.  Cheer up!  Mọi người phải vui cho em can đảm chớ!  Một năm nữa em sẽ trở về.  And alive, guaranteed.

Lúc hết giờ đưa tiễn, hai người cha, hai người mẹ và hai đứa con ôm chặt lấy nhau trong một cái hug tập thể.  Bà Nancy cố dằn tiếng khóc, bảo Tuấn:

- Tony, cháu nhớ lo cho Danny.  Nhắc nó email mỗi ngày.

Hòa dặn Danny:

- Danny, cháu làm ơn trông chừng Tony cho hai bác.  Chúc hai đứa lên đường bằng an.  God Bless you all.

Hai chàng trai lúc này mới bắt đầu rưng lệ.  Sợ cha mẹ thấy mình khóc, hai chàng vội quay lưng.  Đi được mấy bước, cả hai quay lại, cố thu hình cha mẹ mình vào trong tâm trí.  Họ đưa tay lên môi, gởi một chiếc hôn gió rối thốt lên:

- We love you!

Hòa ngả mình vào bà Nancy.  Nancy ôm chặt vai nàng, như cố bám víu một điểm tựa.  Ba mươi tám năm về trước, bà đã tiễn ông Weaver lên tầu sang Việt Nam.  Bây giờ bà lại đưa con đi. Bà hy vọng con bà sẽ trở về, như chồng bà đã về với bà.  Bà đã trải qua hai cuộc chiến. Cũng như Hòa, Bà không chiến đấu bằng súng đạn, nhưng bà chiến đấu bằng nước mắt, bằng hy vọng, bằng đợi mong, bằng lời cầu nguyện và  lòng thủy chung. 

Hai ông chồng đứng im nắm tay hai bà vợ như cố truyền cho họ chút can đảm của mình.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,192,959
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Bài mới của Đoàn Thị viết nhân Ngày Lễ Mẹ 2019.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà là một chuyên viên xã hội, từng nhiều năm làm việc tại Trung tâm Cao niên một thành phố tại Bắc California. Bà cho biết muốn tham gia viết về nước Mỹ từ lâu, nhưng phải chờ tới khi về hưu mới thực hiện được ý nguyện. Bài viết đầu tiên của bà là "Bà Ngoại Khác Chủng Tộc". Sau đây là bài viết thứ ba của tác giả.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bàà đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Ông cho biết tên là Dương Vũ, sang Mỹ từ năm 1975, khởi đầu định cư tại tiểu bang SC, và hiện đang sống ở Sacramento. Bút hiệu ông chọn là VuongVu (viết liền, không dấu.) Bài đầu tiên là hành trình di tản từ 30 tháng Tư, 1975, với nhiều chi tiết sống động chưa từng được ghi nhận. Mong tác giả sẽ tiếp tục viết. Bà đăng 2 kỳ.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Bài viết mới của tác giả được đăng 2 kỳ. Tiếp theo và hết.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi. Với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông nhận giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ 2019 khi gần 90 tuổi. Bà tên thật là Nguyễn thị Ngọc Hạnh. Trước 1975, là giáo sư đệ nhị cấp tại Trung học Nguyễn Trãi. Cùng gia đình tới Mỹ từ 1979, hiện là cư dân hưu trí tại miền Đông. Bài viết thứ năm của bà được ghi là “Viết tặng các bà Mẹ và những người làm con nhân Ngày Từ Mẫu”
Bài viết cho Ngày Lễ Mẹ 12 tháng Năm 2019. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ.
Ngày mai, Chủ Nhật 12, 2019 sẽ là Ngày Lễ Mẹ. Mời đọc bài viết của Lê Xuân Mỹ, một kỹ sư, làm việc tại Kia-Tencor San Jose, California. Qua Mỹ năm 1998. Cha học tập cải tạo chết trong trại Vĩnh Phú năm 1979, lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ.
Nhạc sĩ Cung Tiến