Hôm nay,  

Mother’s Day: Má Ơi!

13/05/200600:00:00(Xem: 203184)

Người viết: ANNE KHÁNH VÂN <"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

 

Bài số 1009-1618-331-vb7130506

 

*

 

Anne Khánh-Vân, 33 tuổi, hiện đang sống tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn. Sau khi tốt nghiệp Kinh Tế Kế Toán và sống một thời gian ở Pháp, cô sang Mỹ và hiện đang vừa làm việc và vừa học thêm về Management Information System. Bài gần nhất của Khánh-Vân, “30-4: Một Ngày Để Yêu Quí Ba Hơn”. Và lần này, là bài viết “Thương gửi Má nhân lễ Mother's Day.”

 

 

*

 

 

Dù lưu lạc ở bất cứ chân trời góc bể nào, những người con vẫn chẳng bao giờ nguôi quên về các đấng sinh thành.

 

Từ nỗi nhớ về Mẹ, từ những kỷ niệm về Cha, và những lời răn dạy đầu đời của Mẹ Cha... những người con luôn thấy mình ấm áp, hạnh phúc, không đơn độc, lẻ loi dù lúc ấy họ có đang phải đương đầu với cuồng phong, bão tố...

 

 

 

Chiều nay trên đường từ sở về nhà, con đã chứng kiến một tai nạn giao thông khá nghiêm trọng. Ba xe cứu thương đến vây quanh làm lưu thông bị tắc nghẽn. Khi đi ngang qua hiện trường, con đã nhìn thấy các nhân viên cứu thương đang cố gắng cưa những mảnh sắt móp méo để lấy người bị thương đang kẹt trong xe ra. Lúc ấy con đã thầm thì nói: "Xin Thượng Đế hãy chở che cho người ấy qua được phút giây hiểm nguy này." Khi nói đến đây con chợt nhớ đến Má rồi tự hỏi mình: "Nhờ ai và từ khi nào mình đã có thói quen này vậy""

 

Con nhớ hồi nhỏ, cứ mỗi lần đi đâu với Má mà thấy có tai nạn thì con luôn nghe Má thì thầm khấn nguyện: "Chúa ơi! hãy cứu họ!" Vậy là con đã ảnh hưởng thói quen này của Má phải không"  Con cũng còn nhớ Má đã dạy con rằng: "Khi đi đường mà thấy có đám tang thì con phải bỏ mũ cúi đầu chào người chết." Bởi thế mà cho đến tận hôm nay, mỗi khi ra đường gặp đám tang con đã không bao giờ quên cúi đầu chào người vừa mới khuất.

 

Má ơi, Má biết không, mỗi lần gặp ai đó bị tai nạn hoặc gặp cảnh bất hạnh... con luôn nghĩ đến Má. Nhớ đến những lời Má đã dạy, con cảm thấy thật may mắn vì con đã được Má chia sẻ những kinh nghiệm, những hiểu biết của Má cho con. Nhưng cũng chính những lúc đó trong con lại dấy lên một cảm giác lo sợ... Con sợ cái ngày Má không còn nữa!  Con sợ khi Má ra đi thật xa rồi thì con sẽ không còn được nhìn ngắm khuôn mặt của Má nữa, không còn được nũng niu gọi "Má ơi!" và con cũng sợ, sẽ không còn được ai thương yêu con như Má thương yêu con vậy. Con sợ mình sẽ mất đi "tài sản" quý giá nhất trên cỏi đời này: Má!

 

Những khi nghe tin Má bị bệnh, dù chỉ là bệnh nhẹ nhưng lòng con vẫn se thắt lại. Nỗi lo sợ mất Má tự dưng trổi dậy mạnh mẽ hơn. Con cố gắng cầu nguyện cho Má nhiều hơn và rồi lại cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ điên rồ ra khỏi đầu óc mình. Con đã tự trấn an mình rằng, "Má có bị sao đâu mà con nghĩ quẩn vậy. Má vẫn còn đó mà."

 

Biết là vậy, nhưng khi mình yêu quý một ai đó thì mình thường chỉ muốn được sở hữu mãi mãi, muốn mãi được ôm chặt vào lòng, muốn có được cảm giác họ mãi là của mình. Con thì thầm khấn xin Thượng Đế "Hãy chở che cho Mẹ con. Nếu Mẹ con có phải gặp điều gì nguy hiểm thì hãy để cho con được nhận lấy thay thế cho Mẹ."

 

Con không muốn bất cứ một bất trắc, khổ đau, nguy hiểm nào đến với Má. Bởi cả cuộc đời của Má, Má đã phải trải qua biết bao gian truân, khổ lụy; bao tủi hờn, bất hạnh.

 

Hai câu thơ dân gian vang lên bên tai con:

 

"Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

 

Cầu cho Cha Mẹ sống đời với con."

 

Lời cầu nguyện của con cho dù có được Đấng Tối Cao chứng giám và chấp nhận đi chăng nữa, và có thể Má sẽ sống với tụi con lâu hơn, nhưng đáng buồn thay, Má sẽ không thể nào mãi mãi sống bên đàn con. Chính vì vậy mà con không muốn một giây phút nào khi con còn được hít thở mà quên đi rằng, con đang vô cùng may mắn vẫn còn được có Má trên cỏi đời này.

 

Có một lần, khi Ông Ngoại nhắc lại chuyện các dì dượng đi vượt biên bị mất tích, các anh chị của Ông Ngoại ngày xưa đã bị chết trùng, và Bà Cố đã mất khi Ông còn trong tuổi ấu thơ, Ông Ngoại đã nói rằng, "Sự mất mát nào cũng rất đớn đau, có khi chẳng bao giờ mình có thể quên đi được. Không một cá nhân nào hoàn toàn giống một cá nhân nào để có thể thay thế được sự thiếu vắng đó, nhưng nếu mất đi một người vợ thì cũng còn có thể lấy một người vợ khác, nếu mất đi một người chồng thì cũng còn có thể lấy một người chồng khác, nếu mất đi một đứa con thì cũng còn có thể sanh được một đứa con khác... Nhưng nếu mất đi người Mẹ thì không thể tìm đâu ra được một người Mẹ thứ hai đã sinh ra mình và yêu thương mình như người Mẹ đó."

 

Những lời nói ấy của Ông ngoại lúc bấy giờ, con đã không thật sự hiểu hết ý nghĩa của nó, dù con ngồi ngay cạnh bên Ông và lắng nghe từng chữ một. Nhưng càng về sau này, khi con càng lớn khôn, khi con ra đời và va chạm với mất mát, với khổ đau, khi con phải ở thật xa gia đình mình, nghiệm lại từng lời của Ông Ngoại, thì con đã hiểu rõ ý của Ông ngày đó muốn nói gì. Đúng vậy, không có một người nào ở thế gian này có thể thương yêu con như chính người Mẹ đã sanh ra con. Mẹ sẳn sàng hy sinh bản thân mình, mạng sống của mình cho con được sống, cho con có được những điều tốt hơn.

 

Con nhớ trong nhạc phẩm "Mẹ tôi," Nhị Hà có viết:

 

"... Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày

 

Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai

 

Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại

 

Cầu mong con mình có một ngày mai

 

Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn

 

Mẹ tôi mỉm cười nhìn bóng con ngoan

 

Không than không phiền dù lâm hoạn nạn

 

Lòng tin con mình xứng thành người dân..."

 

Suốt mấy chục năm qua, từ khi con còn bé, dường như con chỉ nhìn thấy Ba khóc duy nhất một lần. Lần ấy con đã nhìn thấy những giọt nước mắt của Ba dâng tràn và chảy thành giòng. Ba đã khóc thành tiếng và nức nở thốt lên hai tiếng: "Má ơi!"

 

Bà nội tắt thở một cách đột ngột khi đang ngồi chờ lấy Passport ở Nguyễn Du. Khi xe taxi ngừng ở trước nhà, Ba ẳm xác Bà Nội ra khỏi xe và thẩn thờ nói với tụi con: "Bà Nội chết rồi mấy đứa ơi!" Những ngày trong lễ tang, mặt Ba cũng chỉ rất buồn, tuy mọi người ai cũng khóc. Đến tận hôm chôn Nội rồi và từ nghĩa trang trở về, nhà cửa trống vắng, ai cũng thui thủi lặng thầm, khi đó con đã nghe Ba khóc. Ba khóc nức nở trong một góc nhà. Dường như nỗi đau cùng ý thức đã thật sự mất Mẹ nơi Ba đến lúc đó mới trào dâng và Ba không còn có thể kềm chế lại được nữa.

 

Nhớ lại những chuyện này, con đã tự nhủ mình rằng, "Khi còn may mắn được ở bên Cha Mẹ, ít ai nhận thức được và trân quý cái may mắn được Cha Mẹ hàng ngày bảo bọc, chở che, thương yêu, chăm sóc; được Cha Mẹ dạy cho những điều hay, lẽ phải. Đến khi trưởng thành phải ra đời, rời xa gia đình, đối đầu với xã hội, với người đời, hoặc đáng buồn thay khi ta không còn Cha Mẹ nữa, khi đó ta mới hồi tưởng lại và mới cảm thấy thấm thía. Có trân quý những giây phút xa xưa kia và muốn còn được như vậy cũng chẳng còn được nữa!"

 

*

 

Khi con đau khổ trong cuộc đời thì cũng chính là lúc con được dịp khâm phục khả năng chịu đựng bền bỉ, dẻo dai của Má. Má đã dùng lời người xưa để dạy con, "Lấy nhu để thắng cương" và phải "Đặt chữ tình lên trên chữ tiền." 

 

Má cũng từng nói, "Người ta có xấu với mình, mình cũng vẫn nên tốt với họ, như vậy họ sẽ tự hổ thẹn, sẽ mắc cỡ và tự họ sẽ thay đổi." Rồi "Một điều nhịn sẽ thắng được chín điều dữ." Và câu nói này, "Sống sao để ở cho người ta thương, đi cho người ta nhớ" là câu mà con thường xuyên nhắc nhỡ bản thân mình.

 

Má! Những điều Má dạy, con luôn ghi nhớ để noi theo. Bởi đó là chân lý, là đạo lý. Nhưng Má ơi, làm con người sao khó quá phải không Má" Cuộc đời phức tạp và đầy những cạm bẫy. Lòng người nông sâu khó dò biết được. Nơi xứ lạ quê người, có nhiều lúc con như muốn đầu hàng, thậm chí muốn buông xuôi, chỉ muốn biến mất vì không còn đủ sức chịu đựng. Nhưng những lúc đó, tình thương thiêng liêng của Má như sưởi ấm lại lòng con, dù Má đang ở thật xa. Nghĩ đến Má con đã có thêm sức mạnh. Những lời Má dạy như vang vọng bên tai con và nhờ thế con đã không ngã quỵ. "Con phải can đảm lên, con đừng sợ thử thách khó khăn, đừng bao giờ sợ nó..." Đúng vậy đó Má! Con gái Má đâu có yếu đuối phải không" Con gái Má vốn giàu nghị lực lắm mà.

 

Có lần con tâm sự với Má: "Thử thách, khó khăn, khổ sở không làm cho con sợ hãi mà ngược lại nó khiêu khích cái thích đấu tranh của con và con sẽ đánh bại chúng. Con cảm thấy mình mạnh thêm và 'giàu' thêm mỗi khi vượt qua được một cơn lốc. Con giàu thêm là giàu thêm kinh nghiệm. Con mạnh hơn là mạnh hơn sức chịu đựng. Và mai đây, khi phải đương đầu lại một lần thứ hai thì con đã biết phải làm sao để chiến thắng được gai chướng đó một cách dễ dàng, rồi con sẽ dùng những kinh nghiệm mà con đã thu nhặt được để chia sẻ với các em của con."

 

Lúc ấy Má an ủi con, "Cuộc đời của một con người sống ở thế gian này có bao giờ được trơn tru bình yên mãi đâu. Dù chúng ta không làm gì sai nhưng cuộc đời ai cũng phải có những khúc quanh, những bước ngoặt. Phải có khổ đau, có té ngã, có gian nan, có thử thách,... như vậy mới đúng nghĩa làm con người.

 

Cũng như trên một con đường quốc lộ, có bao giờ ta thấy nó cứ thẳng tắp mãi đâu. Đường sá con người có thể tự vẽ ra và xây dựng nên được nhưng cũng không thể nào tránh khỏi những khúc quanh co, khúc khuỷu, lên đèo xuống dốc..., thì cuộc đời của con người cũng như vậy đó. Chính vì thế mà mình cần phải hết sức nhẫn nại và chịu khó khi phải vượt qua những chướng ngại vật, để không bị tai nạn, để không phải gây đớn đau cho bản thân, để không đầu hàng, không phải chết, mà phải sống để tiếp tục đấu tranh. Đó là quy luật chung cho thế nhân này, con ạ!  Khi qua được những khúc quanh rồi thì mọi chuyện sẽ phẳng phiu trở lại, con đừng nản lòng mà hãy ráng bền chí nhe con. Chỉ có các vị Thánh, Thần, Phật, Chúa mới không chịu khổ đau, nhưng con có nhớ là trước khi đến được đỉnh cao như các Ngài, các Ngài cũng đã nếm đủ bụi trần khổ đau..." 

 

Vâng, Má đã nói đúng. Con sẽ không hờn trách cuộc đời này đâu, ngược lại con cảm thấy được sinh ra làm người thật là may mắn và được sống làm người ở thế gian này thật là ý nghĩa. Con cảm ơn Ba Má đã mang con đến thế gian này, để con được hòa mình vào trong cuộc sống với những gì con đang có, để từng ngày, từng ngày một con được hiểu rõ hơn ý nghĩa của hai chữ "làm người".

 

Má thường nói: "Con là chứng nhân của cuộc đời Má." Đúng vậy, con đã tận mắt nhìn thấy được tất cả những hy sinh của Má từ khi con chỉ mới lên 4, lên 5. Tấm lòng của Má dành cho tụi con làm sao con có thể tả xiết.

 

Con biết trong tất cả những gì Má làm luôn là vì các con của Má. Má nhìn tụi con bước trên đường đời với một niềm tin tụi con sẽ thành người. Má đã nói, "Có tài con còn phải có cả đức. Có tài mà không có đức là người vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó." Con không muốn phụ lòng Má đâu, vì vậy mà trong cuộc sống của con hiện nay, trong mỗi việc con làm, con đều nghĩ đến Má, con không ngừng cố gắng học hành và rèn luyện để trở thành một con người tốt, có ích lợi cho người và cho đời như Má thường dạy. Và một khi thành công rồi con phải biết chia sẻ. Con phải biết chia sẻ những may mắn của con cho những kẻ bất hạnh hơn thì con mới làm đẹp lòng Chúa, Chúa mới vui khi đã ban cho con có được những ân sủng của Ngài.

 

Dạ vâng, thưa Má,  con luôn nhớ hết những lời Má dạy. Con muốn Má nhìn thấy những thành công của con và mỉm cười; con muốn Má phải hãnh diện về con gái của mình; con muốn sự hài lòng đó được thể hiện trên khóe mắt và trên nụ cười của Má; và trong tâm tư của Má con luôn luôn muốn con là một niềm vui thật đủ đầy và trọn vẹn của Má.

 

Thương gửi Má nhân lễ Mother's Day.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,798,096
Tác giả cho biết, “Trước năm 1975, tôi là giáo sư dạy tại trường trung học Lương văn Can , quận 8, Sài gòn.
Cùng với bài “Mười Lăm Năm ở Mỹ” đã phổ biến hôm qua, tác giả Minh Nguyệt Graves còn gửi thêm bài sau đây, cho biết bài được viết bởi ông chồng Carl Graves, một người Mỹ làm công chức tại Texas.
Tác giả qua Mỹ cùng với 2 con, theo diện đoàn tụ do cha bảo lãnh, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ với bài “Chuyện Ông Mỹ có vợ Việt”, đã phổ biến 2 tuần trước.
Việt Báo thành kính tưởng nhớ Nhạc Sĩ Vũ Đức Nghiêm, một tác giả huynh trưởng từng góp bài Viết Về Nước Mỹ. Ông sinh ngày 30-6-1930 tại làng Hoành Nha, Giao Thủy, Nam Định, vừa từ trần tại San Jose,
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ 2017 và sẽ nhận giải đặc biệt năm thứ XVIII. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại New Jersey năm 1994 theo diện HO.
Tác giả là một nhà giáo hưu trí, cư dân Riverside, đã góp nhiều bài viết đặc biệt cho giải thưởng Việt Báo từ năm đầu tiên, và nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả có tên trong Danh Sách Chuing Kết Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, hiện là cư dân Arkansas. Nguyên quán Bình Dương, Việt Nam.
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức ĐN từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện là cư dân Minneapolis, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả tên thật là Trương Nguyên Thuận, tuổi 60', cựu sĩ quan không quân VNCH, di tản sang Mỹ từ 1975, kỹ sư điện toán, từng làm việc với Hewlett Packard/ Houston... rồi mở lò dạy võ.
Nhạc sĩ Cung Tiến