Hôm nay,  

Người Khách Phương Xa

17/11/200600:00:00(Xem: 198322)

NGƯỜI KHÁCH PHƯƠNG XA    

Bài số 1128-1737-450-vb5161106

*

Tác giả tên thật Phạm Ngọc Hiệp, 55 tuổi, cựu SVSQ khóa 3 Đại Học CTCT Đà Lạt. Đến Mỹ năm 1996, diện HO. Hiện cư ngụ tại Philadelphia, PA. Nghề nghiệp : Công nhân. Đã góp  bài viết về nước Mỹ  từ năm đầu tiên: Chuyện Lan Man Về Job Mỹ (VVNM 2000).  Sau đây là bài viết thứ tư của ông.

 *

 

Tỉnh Vĩnh Bình, bây giờ gọi là Trà Vinh, có cả thảy 7 quận: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Long Toàn. Long Toàn, bây giờ gọi là Duyên Hải, là quận heo hút nhất, trãi dài theo bờ biển. Kinh rạch chi chít trong những khu rừng lá dừa nước có chen lẫn cây tạp, nước mặn, muỗi độc đầy trời. Chỉ có một con lộ lớn duy nhất nối từ thị xã, ngang qua quận Cầu Ngang, băng qua một con sông lớn để vào địa phận Long Toàn. Đó là sông Long Tòan. Trước 1975, chi khu và quận đường ở phía bờ tây, cách sông Long Toàn khoảng 4 cây số. Sau này, Cộng Sản đổi tên gọi thành Huyện Ủy và dời về phía bờ đông.

Từ lâu đã có một cây cầu sắt bắt qua con sông Long Toàn này. Dân chúng qua lại làm ăn thoải mái. Từ cuối năm 1963, sau khi toa rập giết chết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, những tay đầu sỏ Sài Gòn liên tục hùng hục tranh ăn, bỏ ngỏ miền Nam cho Cộng Sản miền Bắc tha hồ xâm nhập, mở đầu cho cuộc bỏ chạy nhục nhã 12 năm sau. Trong bối cảnh đau lòng đó, năm 1965, Cộng Sản thả dàn phá nát con lộ và đem mìn giật sập chiếc cầu. Từ đó, và mãi sau này, qua sông phải dùng đò ngang.

Buổi trưa nắng đỏ. Sông Long Toàn nước chảy cuồn cuộn. Chuyến đò vừa cập bến. Khách trên đò xôn xao đi xuống. Khách dưới bến láo nháo đi lên. Lại có những tay không đi đâu nhưng cũng tất bật ùa xuống đò. Tôi là một tay trong đám đó. Đám xe Honda ôm.

Xứ này là xứ sống bằng nghề thủy sản. Vài năm trước, đám xe ôm chỉ có loe ngoe vài mống túng nghề xách xe chạy bậy. Đến giờ, đập đìa cá tép thưa dần, tôm cua nuôi hồ năm trúng năm thất, những tay chủ đập sạt nghiệp đành trốn nợ bỏ nhà đi xứ khác, những tay mới ngáp ngáp cũng mất vía, hoảng hồn, sang bán đổ tháo rồi mua một chiếc Honda để chở khách, kiếm gạo qua ngày. Vì vậy, riết rồi xe ôm nhiều hơn khách đi. Được một điều, mọi người đều biết nhường nhịn nên không có cảnh giành giật, chửi bới, đánh nhau.

Tôi không có đập đìa gì hết. Tôi chỉ là một người trở về từ trại tù cải tạo với tài sản duy nhất và quý giá nhất là một cô vợ chung thủy và ba đứa con ngoan. Tôi gốc gác Biên Hòa, ngày xưa làm việc ở chi khu Long Toàn này, bị một cô nữ sinh tên là Bé Năm, nhà ở gần đó, trói cổ nên đã nhận nơi nầy làm quê hương ! Khi nước mất, tôi vào tù, như mọi người. Sau sáu năm “học tập tốt”, xấc bấc xang bang, tôi tốt nghiệp, ra khỏi trường tù Bến Giá và về sống bên vợ con ở Long Vĩnh, một xã của quận Long Toàn. Bắt đầu làm lại cuộc đời mới bằng nghề đốn củi bán cho ghe buôn. Rừng lá dừa nước thì nhiều nhưng không thể làm củi. Cây mắm, cây giá, cây bần thì rải rác, chẳng bao nhiêu nên đã cạn  kiệt. Lớp người trước đã đốn hết, chỉ còn để lại phần gốc rễ. Do đó,  tôi không đốn củi mà là... đào củi ! Và đào bằng cây búa lụt nhầy của ông bà già vợ cho ! Không phải ổng bả keo kiệt mà vì cả nhà bấy giờ chỉ có cây búa trành đó mà thôi.

Không bao lâu, chẳng còn củi để đào, tôi xoay qua nghề làm mướn bá nạp. Đào ao, gánh đất, cuốc giồng trồng khoai...ai cần gì, tôi làm cái nấy. Đến một lúc cũng chẳng còn ai mướn vì xóm vốn thưa dân và kẻ dư ăn không có mấy người. Tôi bèn xoay qua nghề sửa xe đạp dù thật tình không biết chút gì cái nghề này. Qua Đôn Châu học lóm ba bữa, tôi trở về hì hục đóng ngay miếng bảng nhỏ “Sơn Sửa Xe Đạp” vào thân cây bạch đàn trước nhà. Ấy thế mà sống đựợc lai rai ! Cũng sửa con chó, nối sên đứt, vá ruột, sơn bằng ống bơm..! Xe đạp xã hội chủ nghĩa xài toàn đồ dỡm nên tôi có việc làm hoài. Có ông nội nào đó, mới thay cái ruột xe mới tinh bữa trước, bữa sau đã dắt tới vá rồi. Mà thiệt khổ, vá xong lỗ này thì xì  lỗ khác. Vá xong đâu vào đấy, cái ruột xe mới giống như một miếng giẻ rách và  tiền công vá muốn bằng tiền mua ruột mới! Phần tôi cũng không khỏi tổ trác.  Anh chàng Ba Hợp xóm trong đặt làm 2 bánh, niềng mới, căm mới. Buổi chiều lấy, buổi tối ló đầu vô nhà. Tôi hỏi:- Tối rồi, đi đâu" Ủa, sao mà tèm lem, tuốc luốc vậy" 

Ba Hợp nhăn nhó:

     - Xe đạp từ chiều tới giờ đi lắc như bàn gằn, tính ra cho anh hay để coi lại, ai dè tới đầu bờ thì lắc luôn xuống mương!

Hóa ra thầy Hiệp bắt căm lỏng le! Xuống mương là còn may đó!

Lúc đó, Tư Chiến, người bạn thân chòm xóm của tôi, trong nhà có sẳn chiếc Honda 67 trùm mền từ ngày Tổng Thiệu vác giò lên cổ chạy ra nước ngòai hưởng đời ăn hút còn  hắn thì tả tơi xách túi vô tù. Một hôm, sau khi đi Trà Vinh về, Tư Chiến đem xe ra chợ Cái Đôi ngồi chong ngóc. Ngạc nhiên, tôi hỏi:

-Chờ ai mà ngồi đây"

Tư Chiến kể lễ:

-Thấy trên thị xã, người ta chở khách bằng Honda, tui thử một bữa coi sao.

Tối hôm đó, Tư Chiến mò tới nhà tôi, hể hả khoe:

-Quá đã! Ngày hôm nay chạy được sáu, bảy ngàn!

Và hắn khẩn khoản biểu tôi ráng tìm cách xoay qua nghề honda ôm cho đỡ khổ hơn. Tôi ham quá nhưng không biết làm sao. Một chiếc Honda cũ rẻ nhất cũng trên dưới 1 cây vàng chớ bộ ít sao! Gia tài sự sản nhà tôi không hơn 2 chỉ. Cuối cùng, vợ chồng đồng ý làm liều: bán cái máy may của ông bà già vợ cho, mượn thêm vàng của bà con mỗi người một ít để mua một chiếc honda cũ và bắt đầu hành nghề xe ôm ngay hôm lấy xe về. Sau vài tuần, gom tiền mua 4 con heo con, nhịn ăn nhịn mặc cho heo ăn, và gần một năm sau thì trả xong nợ vàng. Mừng hú. Kể từ đó, tôi và Tư Chiến trở thành hai tên xe ôm chuyên nghiệp và đầu tiên trong xóm này. Hằng ngày chạy khách loanh quanh cơi Long Toàn, Cái Đôi, Kinh Đào, Cái Cối. Thỉnh thoảng cũng có dịp chở khách đi ngược ra Ba Động, Cồn Cù, nhìn biển trời mênh mông mà buồn nhớ đâu đâu.

Khách qua đò lần lần đi lên. Mấy bà đi chợ về gióng gánh lỉnh kỉnh. Mấy cô cậu học trò tan lớp về nhà, đùa giỡn lao nhao. Mấy ông đầu tóc chờm bơm, râu ria lởm chởm, da sạm đen mốc thích, chắc mới qua chợ huyện bên kia sông mua này mua kia hay đi làm giấy tờ, vay tiền ngân hàng gì đó. Mấy tên xe ôm kiếm được khách đi hớn hở nổ máy chuẩn bị lên đường. Những tên không hên, thản nhiên trở lại dãy quán ăn lụp xụp quanh bến đò, ngồi chờ chuyến khác.

Tôi thường được nằm trong những tên không may đó. Ngày trước, dàn xe ôm còn ít nên khách chở nhiều khi không hết. Đôi lúc phải chịu giận hờn vì chở người này, bỏ người kia. Bây giờ, dàn xe quá đông. Đã vậy, toàn những chàng trai trẻ, xông xáo, năng nổ chào mời tìm khách khiến cho những tay sồn sồn như tôi nhiều bữa phải chịu lỗ tiền xăng, ngồi ngóng gió suốt ngày.

Chuyến đò này tôi không kiếm được mối nào. Cũng may hồi sáng sớm đã làm được một cuốc từ Cái Đôi lên đây. Chở cô nàng Hoa, con bà Hai Giáo ở cùng xóm, đi Long Toàn. Không biết cô nàng làm sở gì, vài bữa vắng bóng, vài bữa chạy về với mẹ, quần áo nhởn nhơ. Người ta xì xầm, con nhỏ này mắc bịnh siđa và công an đang kiếm bắt. Đây là một tin long trời lở đất vì thời buổi đó, xóm nghèo này chưa có chuyện đĩ điếm bao giờ. Cùng lắm là vài cuộc tình vụng trộm của những kẻ yêu nhau trong ngang trái mà thôi, đâu đến nỗi gì. Một lần, sau vài tháng làm phụ hồ bên Cầu Quan, thằng Cốm Đui, con chị Ba Như, dẫn về một cô gái và nói là vợ. Cốm Đui đâu có đui mù gì, chỉ có một con mắt lé và cái tật ba chớp, ba nháng mà thôi. Ba Như khoái chí vì khỏi tốn tiền cưới vợ cho con. Cơm không đủ ăn lấy gì cheo cưới" Ai dè ít bữa có người trên Trà Vinh về cho hay mới té ngữa ra là gái làng chơi ở khu Tiệm Rượu, Hàng Dầu. Vậy là cả xóm mượn công an ấp quyết liệt đuổi cô gái đi ngay, bất kể Cốm Đui nhào lăn dưới đất, khóc la như heo bị thiến. Về sau, Cốm Đui cũng được vợ chồng Hai Mén ở mé rừng gả không cho đứa con gái cưng. Cả hai chí thú làm ăn, chồng làm thợ, vợ chằm lá bán cho ghe buôn, tuy nghèo nàn nhưng thật giàu hạnh phúc.

Đang vẫn vơ chuyện xóm làng, có tiếng người chợt hỏi:

    -Anh có khách chưa"

    Tôi giật mình, quay nhìn vào. Một người đàn ông trạc tuổi tôi, quần áo xuề xòa, đang ngồi một mình với ly đá chanh. Hình như người nầy đã đến từ những chuyến đò trước rồi ghé uống nước ở quán này. Tôi không hiểu hắn muốn gì, ngờ ngợ đáp:

    -Chưa.

    Người đàn ông nói bằng giọng từ tốn:

    -Vậy anh chở tui đi Cồn Trứng được không"

    Thì ra là khách! Tôi mừng hú, có phần khỏi lo là đây. Người khách đứng dậy, theo tôi ra xe, không hỏi giá cả như thói thường, nhanh nhẹn ngồi lên. Nhìn vết thẹo thâm đen ngay giữa trán của hắn, bỗng nhiên tôi cảm thấy không yên tâm chút nào.

Chạy được một lát, khi bắt đầu quẹo vào lộ 81 dẫn ra Láng Cháo, Cồn Trứng, người khách cho tôi biết tên của hắn là Minh.

Tôi hỏi cho vui:

-Tại sao anh chọn tui"

Minh cười hì hì:

-Sợ té! Mấy bố trẻ chạy dữ quá. Bị té một lần xém gãy giò, hoảng rồi. Cở tuổi tụi mình chắc chạy cẩn thận hơn.

Tôi đùa:

-Gặp già dịch thì sao" Nói vậy thôi, đường này đắp bằng đất có té cũng nhẹ thôi. Trặc xương sống là cùng!

-Giỡn hay chơi đó"

-Để coi. Mà anh biết không, tui cũng dự phần "học" đắp nên con đường này đó.

Minh có vẻ thắc mắc:

-Làm dân công hả"

Tôi vắn tắt kể chuyện ngày xưa khi nước mất, đã "học tập" khắp nơi trong vùng này. Bắt đầu từ một đêm đầu tháng 5 năm 1975, kẻ chiến thắng trưng dụng chiếc ghe lá đưa toàn bộ 21 sỉ quan chi khu Long Toàn thất trận vào rừng Mù U để "học". Rồi theo thời gian, dời về Láng Cháo, Khám Lớn Trà Vinh, Bào Sen, Cồn Tàu, La Ghi và cuối cùng là Bến Giá. Toàn là những "bài học" gian nan, bi thiết, suốt đời ám ảnh không rời. Con lộ 81 này đã được đắp lên bằng máu của hai chiến hữu và mồ hôi, nước mắt của hơn 200 chiến sĩ sa cơ.

Minh hớn hở ra mặt khi biết tôi là tên lính cũ. Hắn thì thầm cho tôi biết hắn cũng được đi "học" nhưng xa hơn, miền Bắc, "tốt nghiệp" năm 1982 và đang ở Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa, làm rẫy. Vết thẹo trên trán là kỷ niệm đòn thù ở trại tù Tuyên Quang. Thì ra là vậy! Hai người đồng cảnh bất ngờ gặp nhau nên nói không hết những chuyện dưới đất, trên trời.

Cuối lộ 81 là Láng Cháo. Quẹo phải về Cồn Cù, Động Cao. Quẹo trái về Cồn Tàu, Cồn Trứng, Khoáng Tiều, Nhà Mát, Ba Động. Tôi chỉ long phong về phía sau dãy nhà lá trước mặt để nói với Minh rằng trại tù Láng Cháo ngày xưa ở đó với dãy ruộng muối rộng lớn do chính bàn tay khai phá của đám tù binh. Đâu đó trong đám nhà lá trước mặt này, hồi đó có ông Ba Sài Gòn và bà Sáu Lục. Ông Ba Sài Gòn quê quán ở đây, thời chiến tranh bỏ xứ lên Sài Gòn kiếm ăn, nay về quê sinh sống. Không dè, ông lại là anh họ của Lâm Văn Mầu, người bạn cùng khóa và đang cùng khổ với tôi. Chính ông đã tổ chức đưa Mầu trốn trại bằng đường ghe lên Trà Vinh rồi từ đó đi xe đò về Sài Gòn ở với vợ con. Mầu lại tìm đường vượt biên đường bộ qua Kampuchea. Rủi thay, bị Cộng Sản bắt ở Châu Đốc và đem giam ở trại tù Suối Máu. Ở đó, Mầu anh dũng leo rào vượt trại và bị lính gác bắn chết tại vòng rào thứ nhì.

Bà Sáu Lục cũng mới hồi cư về đây sau chiến tranh. Hình như không có chồng và sống hui hút với đứa con gái chừng mười bốn, mười lăm tuổi. Bả có sở ruộng hương hỏa cả chục công đất rừng giáp ranh với trại tù, đào ao xẻ mương đàng hoàng. Nhờ vậy, mỗi con nước, cá tép chạy xà ngôm đem bán chợ cũng đủ xây xài cho hai mẹ con. Từ trại tù có một con đường bờ chạy thẳng tới chòm nhà Sáu Lục. Một bữa nghỉ chủ nhật , tôi bàng hoàng khi người bạn tù vong niên, Sáu Hoàng, nguyên trưởng ấp Cờ Đỏ, Càng Long, lớn hơn tôi hơn 20 tuổi, rủ tôi ra nhà bà Sáu Lục làm chuyện "nọ kia" cho vui. Sáu Hoàng nói rất thiệt tình:

    -Tao làm hai ba lần rồi! Bả biểu tao chớ làm sao tao dám!

Tôi hỏi:

-Đi cách nào tới đó được"

Sáu Hoàng đáp:

-Giả bộ đi kiếm cá theo đường bờ phía sau trại, cây già, cây vẹt lung tung, không ai thấy đâu. Mút đường là nhà bả. Chui qua cái hàng rào chà tre là xong, dễ ợt!

-Dễ vậy sao không trốn luôn cho khỏe"

Sáu Hoàng buồn bã:

-Ai không muốn trốn, nhưng trốn rồi làm sao ra khỏi vùng này" Ngoài kia là biển, quanh đây là dân của tụi nó, là rừng chồi, mương xẻo chằng chịt. Nhắm trốn lọt không" Thôi thì ra đó chơi một lát cho đã rồi vô.

Tôi không đi vì không dám chơi dại và cũng nhất định không tin chuyện trời ơi đất hỡi đó. Đến lúc anh chàng Lương đi theo Sáu Hoàng về nói lại, tôi mới chưng hững. Lương khoái trá nói:

-Tao với ổng thay phiên nhau làm. Không tốn tiền bạc gì hết. Bả còn nói "ngày nào không có chịu không nỗi" nghe mậy!

Tôi chỉ còn biết kêu trời:

-Ở tù muốn chết mà chơi với bời! Lạ thiệt!

Nghe Sáu Hoàng nói đám ham vui càng ngày càng đông, trong đó có cả lão Không già lụm cụm. ốm trơ xương, thiếu điều đi không nỗi trong chuyến về! Đến nửa năm 1977, trại tù Láng Cháo đóng cửa. Tù binh được dời về Khám Lớn Trà Vinh và quên dần chuyện lạ Sáu Lục.

Bây giờ, hơn mười năm sau, tôi lại có dịp ngang qua và nhắc lại. Biết bao lần đi ngang nhưng tôi không có thì giờ để ghé. Cảnh cũ còn đây nhưng người xưa còn đó hay không" Lòng tôi bỗng nhiên chùng xuống.

Minh chợt kêu lên:

-Người ta làm gì mà gánh gồng tùm lum vậy"

Từ hướng Cồn Tàu, ba bốn người gánh những thúng, giỏ, nong, nia, rỗ, ki, rế nồi... đương bằng tre đang đi trở ra.

Tôi không dấu được nỗi xót xa:

-Họ là những người Kmer ở tuốt bên Đại An, Hàm Giang, chuyên sống bằng nghề đương đát. Chắc chuyến này bán ế, họ đang đi lần về nhà. Tội lắm, đồ này gánh muốn gãy xương sống nhưng bán rẻ như bỏ. Mình làm không nỗi đâu.

Minh cũng buồn lây:

-Không còn nghề nào đỡ hơn sao"

-Đỡ gì nỗi! Lúa thất, đất cằn, việc làm không có, sẳn có nhiều tre trúc nên làm đại nghề đương đát kiếm cơm.

Đại An, Hàm Giang thuộc quận Trà Cú, đa số là người Kmer. Không hiểu vì sao dân cư ở đó phần đông nghèo khổ quá. Những ngày mùa hạn, họ dẫn nhau đi từng đoàn qua Kinh Đào, Cái Đôi, Long Khánh, Đình Cũ của quận Long Toàn, là những nơi có nhiều ruộng nuôi tôm, để chủ ruộng nào cần người đào đất, sên mương thì chạy ra gọi vào. Công xá tính theo tầm, theo thước. Nhìn họ dồn tất cả sức lực vào cái gàu ống, ném từng thỏi đất nặng trĩu lên bờ cao nghệu, ai có lòng từ tâm đều không khỏi xót thương. Những người đi bán đồ tre trúc này càng đáng thương hơn. Từ bến đò Đôn Châu, họ đi đò qua Kinh Đào. Từ Kinh Đào, họ gánh hàng theo lộ cái đi dần lên, tới đâu bán tới đó. Khổ nỗi, con lộ độc đạo ấy lại đúng ngay hướng gió chướng ào ạt từ Long Toàn thổi xuống. Bạn sẽ nghĩ gì khi thấy những con người đen đủi, ốm nhom, còng lưng gánh nặng đang chống chỏi với cơn gió vô tình quái ác" Đôi lúc lại có hai người chung vai gánh nguyên một cái giường tre! Buồn cười nhưng rớt nước mắt không hay!

Minh và tôi tự dưng im lặng. Không biết vì đâu. Xe vẫn chạy rì rầm trên con đường đất nhỏ vắng tanh, hai bên là những lùm cây lức mọc dày đặc trong dãi đất bỏ hoang, và không xa lắm, những đụn cát trắng im lìm với hàng phi lao chớn chở che khuất biển xanh ngay chân phía ngoài. Khi chòm nhà đầu tiên hiện ra, tôi chạy xe chậm lại:

-Tới Cồn Trứng rồi. Anh muốn xuống ở đâu"

   Đến lúc nầy, Minh mới hỏi tôi:

-Anh biết nhà ông Sáu Ngời không" Bác ruột của tui đó.

   Tôi phân vân:

-Phải ông Sáu Ngời đã chết mấy năm rồi không"

-Đúng rồi. Tui về dự đám giỗ đây. Anh biết ổng sao"

-Còn hơn vậy nữa, tui mang ơn ổng.

Năm xưa, đám tù tụi tôi bị đem ra Cồn Tàu gần hai tháng để đắp bờ ngăn nước mặn. Không có sẳn trại giam nên Cộng Sản gởi mỗi nhà dân quanh đó hai ba tên tù. Sáng sớm tập trung đi vào rừng lao động, tối về tự nấu nướng, ngủ nghê. Tôi và Phạm Vĩnh ở trong nhà của một cặp vợ chồng son. Thủy, người vợ, tối ngày nhiếc chồng là đồ làm biếng nhớt thây. Năm Dơi, người chồng, ngày nào cũng than thở, "chắc tui sống không lâu quá!"

Nhà lá chật hẹp, giường ngủ của vợ chồng Năm Dơi phía sau vách lá vàng bạc và cái giường nống chà là dành cho tụi tôi lại đâu đầu ngay tấm vách mỏng đó! Vì vậy, tụi tôi hiểu được tại sao Năm Dơi kêu trời, kêu đất. Dĩ nhiên, hai tên tù đói khát đủ thứ này cũng trắng mắt, kêu đất kêu trời! Sau này, tình cờ gặp lại Thủy ở bến đò Long Toàn, tôi hỏi dò:

-Anh Năm cấp rày khỏe không"

Thủy phấn khởi:

-Khỏe hơn trâu! Bây giờ đứng bán tiệm có gì đâu mà mệt!

Thì ra, chuyện trời đất cũng đâu đến nỗi làm người ta sống không lâu. Đừng lo!

Những ngày ở Cồn Tàu, chủ nhật nghỉ, đám tù đi lang thang đầy đường. Không phải đi chơi, ngắm cảnh mà là đi kiếm ăn. Người đi thụt cá kèo, móc cua, đào ba khía. Người thả rề rề đầu làng cuối xóm để coi có ai kêu vào mướn đào đìa, cuốc cỏ gì chăng hầu có được vài đồng mua thuốc giấy, đồ ăn.( Mười mấy năm sau, những người nghèo đói bên Trà Cú đi tìm nơi làm mướn cũng y chang như vậy).Tôi theo vài tên khác lén bơi qua cái mương lớn đến ấp giáp ranh, Cồn Trứng. Ở đây, tụi tôi được một ông già gọi vào đào đìa. Ông Sáu Ngời. Ông nói:

   -Mấy cháu cứ từ từ mà làm. Chừng nào rồi cũng được.

   Trước khi vào việc, ông cho đám cu-li-bất-đắc-dĩ ăn một bữa cơm có đầy đủ rượu thịt - bữa cơm Phiếu Mẫu ngon nhất trần đời. Rồi đến khi làm việc, cứ một lúc ông lại đi ra kêu cả đám lên bờ hút thuốc, ăn đường thẻ, uống nước trà! Bởi vậy, mặc dù làm việc thiệt tình, đến xế chiều cả đám đào chưa được phân nửa! Ông Sáu Ngời vẫn vui vẻ nói, "đi đâu mà gấp", rồi cho mỗi người một số tiền cùng với một bộ đồ và dặn tuần sau tới làm tiếp. Đang cơn đói ăn, thiếu mặc, hơn nữa đang sống trong quê hương, giòng họ của quân thù, chúng tôi như từ trên trời rơi xuống. Đêm đó, hỏi khéo Năm Dơi về ông già tốt bụng ấy, tôi chới với khi biết đó là một đảng viên kỳ cựu, từng giữ chức xã đội trưởng Trường Long Hòa trong những năm chiến tranh, bây giờ coi như về hưu (vì đâu có lương tiền gì!) sống bằng nghề lưới biển và cho mướn đám lá dừa nước rộng ngút ngàn. Con cháu của ổng lũ khũ. Một mớ đã rửa giò trèo lên bàn thờ làm liệt sĩ. Một mớ thoát chết mặt mày xanh mét đang làm việc khắp nơi trong huyện này.

Bây giờ lại té ra thêm một đứa con cháu có gốc "ngụy" tên Minh này nữa! Tôi bán tín bán nghi:

-Anh biết nhà ổng không"

Minh cười:

-Biết chớ.            

Và hắn chỉ đúng căn nhà dưới hàng dừa cao có cái đìa rộng ở vườn sau, nơi mà ngày xưa tụi tôi đã "đi đâu mà gấp" suốt 3 cái chủ nhật mới xong!

Tôi yên chí, vậy là tay nầy không ba xạo. Quốc gia, Cộng sản cùng trong một nhà, chuyện nầy đâu có gì lạ trong cuộc chiến Việt Nam. Tôi nói:

-Vậy thì sẳn dịp, tui cũng ghé vào thắp nhang cho bác Sáu. Tội nghiệp ông già, mới gặp đó mà đã khuất bóng mấy năm rồi.

Xong đâu đó, tôi trở ra bến đò tìm chuyến khác. Minh ở lại và không biết đến bao giờ mới về lại Xuyên Mộc. Tôi gần như quên bẳng người khách xa xôi này.

Cuối năm 96, sau một năm giấy tờ trật vuột, cả nhà tôi được qua Mỹ định cư trong diện tù cải tạo. Xứ lạ quê người, không một người bà con dòng họ, chúng tôi quen dần với cuộc sống chẳng có gì vui.

Một ngày chủ nhật, theo thói quen, vợ chồng tôi đến chợ trời giải khuây. Người bán, người mua lao xao giữa trời xứ xa gợi nhớ những buổi chợ quê nhà. Ôi, những buổi chợ mưa ngập lối đi, những buổi chợ nhóm từ lúc trời chưa sáng, le lói ngọn đèn dầu nghèo khó thương yêu.

Chằng Lửa, biệt danh thân thương do tôi đặt cho vợ, chợt chỉ tay về phía cuối dãy. Một người đàn ông vác cây cần câu đang bước đi chậm rãi, lưng quay lại.

-Anh dùm hỏi ông kia mua cần câu ở khu nào và giá bao nhiêu"

Tôi lựng khựng:

-Câu kéo ở đâu" Hỏi làm gì!

Chằng Lửa nằn nì:

-Lẹ đi, để ổng đi mất bây giờ.

Tôi càu nhàu, "cần câu ngời ngời như cây ăng-ten làm sao mà mất!" và luồn lách đám đông, bước vội theo người đàn ông. Mái tóc đen, vóc dáng người châu Á. Khi đến sát sau lưng, tôi nói bằng tiếng Mỹ cho chắc ăn:

-Excuse me.

Người đàn ông quay lại. Trong một lúc, cả hai đứng ngớ ra. Hắn nhìn tôi, mắt nheo lại vì suy nghĩ. Tôi nhìn hắn, bàng hoàng vì vết thẹo thâm đen giữa trán. Và như tia chớp, cả hai đều nhận ra nhau ngay.

-Hiệp xe ôm đó hả"!

-Minh khách ôm tui đó hả"!

Hai người cố tri cười vang trời tha hương. Có niềm vui nào lớn bằng"

Tôi hỏi:

-Anh đi năm nào" HO mấy"

Minh cười hề hề:

-Không ho hen gì hết! Đi ngay đêm sau bữa gặp anh, bằng chiếc ghe cào của con ông Sáu Ngời! Mà tui cũng không phải là cháu chiếc gì của ổng! Che mắt công an vậy mà. Đi bằng ghe của con nhà đảng viên chắc ăn như bắp, phải không"!

Tôi kêu trời từng chặp. Đời tôi hình như hay gặp những chuyện khác thường. Lần này, tôi kêu trời nhưng không phải như lúc ở Cồn Tàu đâu nhé!

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,036,167
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến