Hôm nay,  

Mất Chim: Chuyện Đi Săn Ở Mỹ

16/03/200600:00:00(Xem: 26350)

<"xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Tác giả Nguyễn Viết Tân, cư dân Costa Mesa, đã được tặng giải danh dự Viết Về Nước Mỹ 2001 với bài viết “Bên Bờ Freway.” Từ nhiều năm qua, ông là người viết được bạn đọc Việt Báo đặc biệt trân trọng. Bài viết mới của ông kể chuyện đi săn trên đất Mỹ.

*

Mấy hôm nay tôi thường nằm dài ra ghế coi Basketball game, có lúc lấy làm ngạc nhiên là trên tường phía bên trên cái TV có đứa nào lấy một cái đinh vít màu đen thui mà đóng lên đó coi xấu quá, nhìn vậy thôi, rồi bỏ qua vì tâm trí đang để ý coi thằng Kobe ném 3 điểm.

Bỗng O Điểm hỏi:

-Này, con chim của ông đâu mất tiêu rồi"

Tôi vội kiểm soát và trả lời theo kiểu tay hài hước Hoài Linh mà rằng:

-Hẵn coòn, guẫn coòn!

O quắc mắt:

-Đừng có vớ vẩn. Tui hỏi ông con chim trĩ treo trên tường tê tề.

Chết cha, thì ra cái đinh ốc kia là chỗ vẫn thường treo con chim trĩ.

Chắc những bạn hữu nào đã từng ghé nhà tôi chơi đều đã nhìn thấy con chim thiệt đẹp màu xanh, mào đỏ, to như con gà và có hai lông đuôi thiệt dài, xoè cánh như đang bay, gắn trên tường. Hỏi cả nhà, không ai biết mất từ hồi nào.

Than ôi, hôm nay con chim đẹp đẽ mà tôi hằng yêu quí đã bị mất.

Trộm vào nhà bao nhiêu đồ bán được tiền nó không lấy, lại phỗng mất con chim!

*

Nói mất chim chỉ là cường điệu vấn đề cho vui, chứ mục đích của tôi là kể cho các bạn nghe về vụ đi săn tại xứ Mỹ này.

Trước khi nói về săn chim trĩ, tôi xin kể về vụ đi săn vài ba loài thú rừng:

Cứ cầm cây súng săn vào rừng hay trên ruộng đồng, việc đầu tiên là phải mua Hunting license, có loại cho cả năm và cũng có loại cho vài ba ngày nên giá rất khác biệt, nhưng trung bình khoảng 20$. Cho dù là bạn mua giấy phép vào tháng nào, nhưng cứ đến ngày 31 tháng 12 thì nó hết hiệu lực. Thí dụ mình mua từ hồi tháng chín, không có nghĩa là tháng chín năm sau mới phải mua lại, mà là đến cuối tháng 12 dù license mình mới 3 tháng nó cũng đã hết hạn rồi. Đi săn con gì thì mình phải mua thêm stamp con đó mà dán lên license, thí dụ đi săn ngỗng hay vịt trời là 10$; con nai antelope 47$; nhưng con nai gạc bự tổ chảng elk thì lên đến 252$.

Có những qui định thêm cho mỗi loài mà người thợ săn cần biết, như cấm bắn chim đang đậu, chỉ được bắn chim đang bay mà thôi -Cái này chắc là mấy tay Phòng Không có kinh nghiệm lắm đây- Khi đi săn những loài chim thiên di như vịt trời, ngỗng Canada ... trốn lạnh bay về phương nam, thì chỉ được nạp trong súng 2 viên đạn (khi đi săn loài khác thì có thể nạp được 5 viên). Nếu bị xét hỏi, người ta thọc một cây đo vào ổ đạn thì trong đó bắt buộc phải có một khúc gỗ tròn dài làm cây chêm, để chỉ có thể nạp 2 viên đạn mà thôi.

Điều vô lý nhất là nếu người ta vác súng đi bắn nhau, nạp 5 viên thì không thấy ai xét hỏi (vì chưa bắn) nhưng đi săn ngỗng trời snow geese, chưa nạp đạn mà trong nòng "có thể" nạp được 5 viên là đã bị phạt rồi.

Riêng con thỏ thì ngoài việc săn bằng súng ra, dân Anam ta còn làm như sau: Ngoài đồng ruộng sau vụ mùa thường có để một đống ống dẫn nước bằng sắt, đường kính gần hai gang và dài chừng hơn 20m. Thỏ rừng thường từng cặp chui vô ống đó mà trú ngụ, giống như những đôi tình nhân hồi xưa hay lên Xa lộ Biên Hoà chui vào đám ống cống mà tình tự vậy. Người ta nhìn ở một đầu ống, nếu thấy thông sang bên kia thì trong ống đó không có gì, ngược lại thì chắc chắn là có thỏ, nếu không hai ba con thì ít nhất cũng là một chú thỏ độc thân vui tính. Họ lấy một bao đựng gạo mà trùm kín đầu ống lại, người phía bên kia dùng một tuýp sắt mà gõ vào ống boong boong mấy phát thiệt mạnh, thế là mấy chú thỏ trong đó cuống cà kê phóng vụt vào bao, mình chỉ việc túm bao lại mà xách về nấu vang, nấu cà ri và ông nào bạo miệng còn làm cả món tái thỏ và tiết canh nữa.

Nếu đi săn thỏ như kiểu này thì chẳng tốn tiền súng đạn, mà khi đem về con thỏ còn sạch sẽ y nguyên không bị máu me bầy nhầy.

Nhớ hồi còn nhỏ, anh tôi có lần cùng với đám bạn thiếu niên đặt bẫy thòng lọng đón lõng ở đường mòn rồi càn đuổi một bày nai 3 con, mà dính được có một, sau đó cứ lấy làm tiếc mãi.

Khi lớn lên rồi đi lính ở miền Trung, tôi cũng đã từng được săn nai bằng trực thăng ở những trảng tranh hay đồi sim ở vùng Mai Lộc - Quảng Trị dọc đường lên Khe Sanh, nhưng săn bắn bằng những cách kể trên thật không thú vị chút nào, mà phải là ... "Lội bùn dơ băng lau lách xuyên đêm. Sương trắng rơi đôi vai ướt lạnh mềm ..." mới khoái.

Với súng cầm tay, đèn pha gắn trên trán, đêm rừng núi âm u bí hiểm, từng giọt sương đêm rớt trên lá cây cũng nghe rõ, đến khi con thú "bắt đèn" nghĩa là quay nhìn chăm chú ánh đèn (chắc nó nghĩ mắt con gì to thế) thì mình nhắm ngay giữa hai đốm mắt xanh lè đó mà nã đạn. Nếu gặp cọp beo hay thú dữ, ánh mắt nó đỏ lòm thì sau khi bắn, phải tràn qua một bên kẻo có khi nó bị thương, cáu sườn sẽ chồm tới vồ trúng mình.

Ở Mỹ mỗi năm trước mùa săn nai, người ta phải điền một tờ đơn, xin săn ở zone số mấy, săn con gì, vì nai có nhiều loại lắm: Deer, white tail, antelope, mule, elk ...

Trong đó cũng cho biết là mình đã liên lạc với chủ farm rồi, chứ nếu đi lang bang vào đất người ta sẽ bị khép tội "Trespassing".

Không biết họ lấy dữ kiện từ hình chụp không ảnh, từ chủ đất hay từ Game officer mà biết trong zone đó có bao nhiêu con nai, rồi sẽ cấp hạn chế bao nhiêu license cho vùng đó, nếu cấp hổ lốn sợ rằng có khi loài nai bị tiêu diệt chăng.

Nên nhớ là đối với nhiều loại thú, chính phủ chỉ cho phép bắn con đực mà thôi, bắn nhầm con cái là có chuyện ngay. (Than ôi! giống đực thường bị thiệt thòi)

Khi đã có license rồi, mình phải phone cho chủ đất. Họ sẽ hỏi license mình số mấy, dự tính săn trong đất họ khoảng ngày nào, xe hiệu nào, màu gì, sau đó sẽ cho mình một mật hiệu, thí dụ đậu xe ở đâu, quay đầu về hướng nào. Bởi vậy khi nghe tiếng súng nổ cái đùng vang xa hàng cây số trên đồng vắng, họ chỉ cần đưa ống dòm lên là biết có phải người kia là kẻ săn lậu hay không. Ngay cả những farm kế cận, họ cũng bảo vệ cho nhau và muốn mọi người tuân thủ pháp luật, nên thường gọi cho nhau biết tin tức và nếu thấy nghi ngờ, họ gọi police thì kẻ gian khó lòng trốn thoát.

Trong một vùng đồng rộng minh mông, người ta thường đào những cái hố rất lớn như một cái ao để lấy nước bơm lên tưới hoa màu -vì không phải nước thuỷ lợi được bán một số lượng vô giới hạn- Chung quanh hố này thường mọc nhiều cây to và vô số lùm bụi. Thợ săn phải đậu xe xa xa rồi lội bộ tới, trèo lên cây mà núp. Ngoài tiệm sport có bán cả loại lều có luôn võng nguỵ trang để móc lên những cành cây to, phục kích trên đó nhiều ngày để rình nai.

Không phải người ta đi săn để lấy thịt mà ăn, mà vì máu mê săn bắn, cũng có khi vì muốn lấy tiếng, lấy danh hiệu là người bắn được con nai lớn nhất trong một mùa săn ở địa phương này. Dĩ nhiên sẽ có báo đăng hình mình trên trang chót, oai lắm!

Cũng như những người mê câu cá, đi săn cực khổ hơn nhiều mà người mê săn vẫn lặn lội rình mò, lắm khi tiêu luôn sự nghiệp như cách đây hơn một năm có vài ông quan và đại gia ở VN, mất cả nghiệp vì đi săn bò tót trong rừng cấm của quốc gia. Mới đây thôi, có ông cựu chiến binh gốc người Lào, cũng vì đi săn, tranh giành chỗ núp trên cây với mấy người da trắng rồi bắn nhau đến nỗi phải bị tù đày.

Đi tiền thám nhiều đêm trên cây, ta mới biết thói quen của đàn nai thường đi uống nước lúc mấy giờ sáng sau khi ăn cỏ suốt đêm, đàn nào có mấy con, lớn cỡ bao nhiêu rồi sẽ quyết định ngày nào đi bắn, thì rủ thêm người để khiêng nai về.

Khi bắn là phải nhắm cho trúng, chỉ một phát là con nai đổ liền, chứ nó bị thương chạy vô xa chừng vài trăm thước thì cõng ra cực lắm.

Việc đầu tiên là mổ bụng nai mà lôi bộ đồ lòng ra ngay, nếu không thịt sẽ hôi cỏ ăn rất tệ.

Có một điều rất lạ lùng là chỉ trong ít phút, mùi lòng nai lan theo gió làm cho những đàn sói coyote cách xa đó cả dặm, cũng đều tru lên nghe lạnh người, nó gọi nhau tới thanh toán bộ lòng và đôi khi không đợi con người đi ra khỏi chỗ đó, đã nhào vô giành giật xâu xé vì đói quá. Chỉ cần một phát đạn ghém, ta có thể hạ mấy con chó sói đem bán cho tiệm lột da, cũng kiếm được vài chục đồng một con. Bắn chó sói thì không phải mua stamp vì hầu hết nông gia Mỹ đều ghét loài này, nó hay bắt bê, trừu con mà ăn.

Nghĩ cũng lạ, đàn bà con gái thường thích mặc áo lông thú, nhưng áo lông thỏ hay lông cừu thì còn hiểu được vì trông hiền từ, chứ mặc áo làm bằng da chó sói hay sư tử thì dòm ghê quá, ai mà dám ôm.

Sau khi hạ được nai rồi, ta phải lấy một mũi dao nhọn mà thọc một lỗ ở nhượng chân sau nó và xỏ license vô, rồi dán hai đầu vào nhau như cái vòng của bịnh nhân thường đeo ở cổ tay lúc vào nhà thương. Mục đích họ bắt làm như thế để mình chỉ săn được một con mà thôi, chứ không thể bắn được một con, chở về nhà cất, rồi lại đi bắn con khác. Phải ghi ngay vào license mình bắn con gì, lúc mấy giờ, tại đâu v v...

Nếu bị chận xét mà trên xe có con nai không có kèm license dính ở chân là bị phạt rất nặng, cho dù mình đang có license để trong túi, vì như vậy là đã có ý định gian rồi.

Dù có muốn ăn gian bằng cách lột license ra để đi săn lần khác cũng không được, vì họ dán bằng keo đặc biệt, lột ra nó rách nát bét ngay.

Mua license và stamp đã tốn bộn tiền, phải mò đêm mò hôm, muỗi mòng, lạnh lẽo, tiền súng, tiền đạn, tiền lều chõng … mà khi bắn được nai rồi lại phải hè nhau khiêng lên xe, chở đến lò mổ để người ta lột da và ra thịt cho thành từng miếng hẳn hoi, chứ mình không biết cách thì nát bét, không giống cái gì. Lò mổ đã lấy bộ da, còn dzớt thêm tiền công 75$ nữa, mình chỉ chở cái đầu và thịt về mà thôi. Về nhà, vợ con còn chê ỏng chê eo, rằng thịt hôi quá. Lúc đó mất công chở đi cho, mà chưa chắc người ta nhận thịt một cách hoan hỉ.

*

Người bạn tôi có mua một miếng đất gần Barstow, chỗ Fwy 15 và Fwy 40 rộng gần 40 mẫu. Tuy chung quanh là sa mạc và núi đá, nhưng ở thung lũng này lại có mạch nước ngầm dồi dào nên cây cỏ xanh tươi lắm. Người ta đào ao nuôi cá, trồng cỏ alfafa cho bò ăn, trồng đậu phọng, nut và nhiều loại cây ăn trái khác.

Khởi đầu bạn tôi tính trồng mía, ổi sau đổi ý định trồng thanh long và củ chuối (giong tây), rồi lại tính lập nhà vườn trồng các loại rau thơm để bán cho nhà hàng và các chợ ... Tính thì nhiều đường binh lắm, nhưng rồi mười mấy năm trôi qua cũng chỉ là dự tính.

Tôi nghe riết bắt chán nên có lời bàn là nên rào hết lại bằng lưới B40, trong đó nuôi nai và heo rừng. Nai giống thì tới mua ở đường Euclid và Freeway 60, còn heo rừng thì làm bẫy bắt ít con, chỉ vài năm sau thôi nó sẽ đẻ tràn lan cho mà coi. Nhớ trước đây ở vùng này heo rừng phá hại mùa màng, nhứt là đậu phọng quá xá, mà người Mỹ lại không ăn thịt heo rừng, nếu giết nó hàng loạt như bắn bỏ hoặc mồi thuốc cho chết thì hội bảo vệ thú vật lại làm rùm beng lên, thôi thì hạn chế sức sinh sản của nó bằng cách bắn thuốc mê con heo đực, rồi thiến nó đi.(Rút cục cũng chỉ có giống đực là bị thiệt thòi và ...đau nữa, vì người ta thường nói: Đau như hoạn!)

Khi đàn nai và heo rừng đã nhiều, ta chỉ cần đăng lên báo Việt Ngữ ở Quận Cam, rằng:

-Quí vị có đi chơi ở Las Vegas, khi đi ngang Barstow hãy ghé trang trại chúng tôi: Ở nhà lều quanh hồ nước, tối đi săn, nai heo rừng đồng hạng 200$ một con, rồi nướng thịt rừng trên lửa trại, còn dư bao nhiêu thì chở về nhà biếu bạn bè .. v v....

Bảo đảm sẽ hốt bạc, vì người Việt mình rất khoái món nhậu thịt heo rừng.

Hươu nai cứ mỗi năm lại rụng sừng một lần, lớp da với lớp lông ngắn trên đó bị tuột khỏi bộ sừng, rồi nó gặc mạnh hay ủi vào gốc cây thì gạc nai sẽ gẫy như trẻ con thay răng sữa. Đầu mùa xuân lộc nhung sẽ lú lên, mềm như cái hot dog. Nếu cứ nghe lời mấy ông thày thuốc Tàu rằng thuốc Lộc Nhung Tinh bổ lắm, thì cứ bỏ ra vài trăm bạc, đã có thịt nai ăn chơi, lại có thể nấu một nồi cháo nhung tươi, húp vô chắc phải tốt hơn thuốc V.

Con heo rừng (boar) xứ Mỹ nhỏ hơn heo rừng ở Việt Nam, nhất là loại heo lăn chai hay heo độc chiếc thì lớn lắm. Con boar thì đầu và vai cao hơn phía đuôi rất nhiều, hai đùi sau không giống như heo nhà vì nó teo tóp như đít cóc, nhưng tướng nó mạnh bạo hung hăng hiếu chiến, nó chồm tới, lông bờm thưa thớt nhưng tua tủa như lông nhím, mõm chù dù với hai cái răng nanh nhọn lễu, cong vòng ra phía trước coi rất đáng gờm, chó săn ít khi dám nhào vô, mà chỉ sủa ỏm tỏi rồi sửa soạn giựt lùi.

Khi bắn heo rừng ta phải nã liên tiếp mấy viên trúng ngay sọ hay tim, chứ trúng chân hay bụng lòi cả phèo ra rồi đấy, nhưng nó vẫn chạy nhanh như gió, có khi năm ba trăm mét rồi rúc vào bụi thì khó mà tìm được.

Ở Việt Nam hồi còn chiến tranh, người ta tin rằng lấy nanh heo rừng mà đeo thì đạn bắn không trúng. Nhất là mấy anh lính gốc Miên nói rằng tượng nanh do anh ta chuộc ở núi Tà Lơn cho thì chắc ăn như bắp. Nghe bùi tai, ông Trung Đội Trưởng nhờ mua cho một tượng, đeo đâu được một tháng thì anh ta bị thương. Lúc anh lính thuộc quyền ghé Quân Y Viện Long Xuyên thăm, anh ta nổi nóng:

-Ù me, mày nói đeo nanh heo đạn bắn không trúng, sao mày xạo ke vậy"

-Thì tui nói đeo nanh đạn bắn không trúng là vì cái nanh nhỏ xíu, chớ Thiếu uý bự chần vần như vầy, đạn bắn phải trúng chơ.

*

Bây giờ nói đến vụ đi săn chim trĩ:

Chim trĩ thì có nhiều giống, nhưng chim miền trung tây Hoa Kỳ có tên gọi là Pheasant, còn gọi là ring neck vì có một vòng trắng quanh cần cổ. Như tôi đã nói ở trên, nó lớn bằng con gà. Con mái lông màu nâu và không được đẹp, nhưng con trống thì màu sắc và dáng dấp đẹp lắm. Mỏ màu ngà, chung quanh cặp mắt vàng như hạt bắp có một vòng lông màu đỏ rực và cái đầu thì màu xanh két, lông toàn thân có nhiều màu sắp xếp hài hoà và nhất là đuôi có hai cái lông dài như ... lông trĩ!

Nước Mỹ quá rộng lớn, đất cát đa phần rất phì nhiêu và hệ thống thuỷ lợi thì hết chỗ chê, nó dẫn nước qua những vùng núi non hiểm trở, nếu gặp núi quá cao, người ta đào hầm xuyên ngang; nếu gặp sông suối thì đã có cầu mương, máng bằng bê tông cốt sắt, bởi vậy đất trong sa mạc mà vẫn trồng cấy được nhờ hệ thống tưới nước quanh năm này.

Chính vì lẽ đó, nông sản Hoa Kỳ làm ra nhiều quá, riêng tiểu bang California không thôi, nếu nó là một quốc gia thì đã đứng hàng thứ ba trên thế giới, chỉ sau nước Mỹ và Canada. Thực phẩm nhiều quá, không lẽ chở đi mà cho cùng khắp(") mà bán giá quá thấp thì mấy nước kia kêu ầm lên rằng Mỹ muốn tiêu diệt nền nông nghiệp thế giới, thôi chính phủ đành cho nông gia On strike, nghĩa là đình động, để đất hoang hoá xoay vòng trong một thời gian. Chắc chắn là phải trợ cấp cho những nông gia này rồi, nhưng số tiền là bao nhiêu thì còn tuỳ thuộc vào Bộ Nông Nghiệp và tài khoản năm đó sẽ chi ra, thường là 75%. Thí dụ 1 mẫu ruộng trồng bắp, trừ chi phí cày bừa, giống, thuốc, tiền công mà còn lời 100 đồng, thì chính phủ sẽ trợ cấp 75 đồng nếu mình bỏ hoang.

Cũng không phải là mình có vài trăm ngàn mẫu, cứ bỏ hoang hết rồi tà tà lãnh tiền đâu, mà mình phải nạp đơn, kê khai có bao nhiêu ruộng rẫy, đang trồng thứ gì, dự tính bỏ bao nhiêu mẫu không trồng cấy, ở khu vực nào, chính phủ sẽ cứu xét và tuỳ nghi chấp thuận, nhưng không phải bỏ hoang là kệ bà nó, mà buộc phải trồng cỏ hoang, để những loài động vật hoang dã có môi trường sanh sôi nảy nở, và chính vì vấn đề này, nảy sinh ra một nền công nghiệp mới: Tổ chức du lịch đi săn.

Những ông chủ farm sẽ đăng quảng cáo là mình có bao nhiêu mẫu đất hoang, trong đó có loài thú gì, nhiều không ... và những Câu Lạc Bộ, những tour du lịch săn bắn sẽ dựa theo đó mà sắp xếp cuộc chơi, khách sạn, nhà hàng.

Có nhiều hãng muốn thưởng cho nhân viên một cuộc đi săn dã ngoại thì liên lạc với Hunting Club, văn phòng du lịch, họ sẽ sắp xếp vé máy bay, xe cộ, khách sạn, nhà hàng và chỉ riêng cuộc săn và người hướng dẫn mà thôi, trung bình tốn phí cho một người là 200 dola.

Mùa săn chim trĩ bắt đầu từ tháng 11 đến hết tháng 3 năm sau. Thường ngày khi ta lái xe cũng vẫn thấy trĩ đứng bên lề đường, trông ngơ ngác hiền lành như một đàn gà, nhưng khi bắt đầu vào mùa săn là chúng trốn đâu mất biệt. Người đi săn thường rủ nhau thành một hội săn, họ liên lạc với chủ đất, thường là những vùng đang bỏ hoang, hay ruộng lúa đại mạch (milo) đã gặt xong, gốc rạ cao khoảng nửa thước. Chim trĩ thường sống lủi trong này chứ ít khi bay bổng lên cao như những loài chim khác. Nó cùng họ với loài chim cút nhưng to lớn hơn nhiều, chỉ nhỏ hơn gà Tây (wild turkey) mà thôi.

Nếu một hội săn có 10 người, thì phân phối 2 người ngồi canh ở một đầu ruộng, còn 8 người kia giăng hàng ngang cách nhau khoảng 10m mà càn luớt tới. Ở giữa họ là những con chó săn chạy qua chạy lại sủa ỏm tỏi để lùa chim chạy về phía trước, chứ nếu không có chó thì có nhiều con sợ quá hay gan lì quá sẽ mọp xuống sát đất mà trốn. Lúc này nó chỉ chạy và lủi chứ không bay lên, nhưng khi gần tới cuối ruộng, bất ngờ thấy hai thằng người đang ngồi canh thì dáo dác, ùa bay vụt lên cao để thoát thân. Đó chính là lúc 8 người đi càn quì xuống nâng súng và bóp cò.

Họ chỉ lên đạn và bắn thêm phát thứ hai rồi bắt buộc phải ngưng, bởi vì khi ấy có bắn thêm cũng quá xa đối với tầm đạn shotgun, hai người ngồi canh đang hụp xuống tránh đạn, sẽ nhổm dậy bắn bồi thêm về phía những con chim đang bay qua đầu mình.

Cách đây ít tháng, PTT Dick Cheney đi săn cút mà bắn trúng bạn mình có thể vì người bạn này đứng xổng dậy quá sớm, lúc PTT chưa bắn hết viên thứ hai; cũng có thể ông Cheney bắn thấp quá, chắc là vì già rồi, mỏi gối chồn chân, cái gì cũng đã rũ liệt kể cả nòng súng!

Còn nhớ sau vụ tai nạn này, báo chí có loan tin hai ông đều bị phạt vì chưa mua stamp săn con chim cút. Ấy là mấy ổng săn trong trang trại của mình mà còn bị phạt, phải ở xứ nào khác, thì bố bảo cảnh sát cũng không dám hỏi giấy phép đi săn của PTT!

Khi săn qua thửa ruộng khác thì lại xoay tua để hai người khác làm thằng canh đầu ruộng, như vậy mới đồng đều.

Tuy luật cấm bắn con mái, nhưng khi nó bay túa xua lên như thế thì làm sao nhắm bắn con trống với đạn ghém(") Thôi thì đành lượm con trống, còn đối với con mái rớt xuống đó, ta cứ giả đò không nhìn thấy, và ngay đêm đó đàn sói sẽ thanh toán chiến trường một cách sạch sẽ.

Trong một ngày săn, mỗi người chỉ được bắn 4 con, nhưng trong thùng đựng đá, tủ lạnh trong nhà, ta không có quyền lưu trữ quá 12 con chim. Khi chim đã nhổ lông rồi, luôn luôn phải để cái cẳng còn dính liền với đùi, để khi bị khám xét, họ biết đó không phải là chim mái vì chân chim trống có cựa dài như cựa gà nòi.

Nói người Mỹ khờ thì hơi quá đáng, chứ như tôi thì dù chim bị cắt cụt cẳng đi, tôi vẫn biết con nào là con mái. Con mái da lưng bị trầy xước rất nhiều, vì con trống thường nhảy lên đó mà đạp.

Có năm tuyết xuống quá nhiều, chim không núp trong ruộng nữa, mà chui vào những lùm cây có tuyết phủ kín như một nóc nhà. Trời lạnh quá đến nỗi ta không thể dùng chân đá trên lớp tuyết này thành một lỗ hổng, nên thường lấy mũi súng thúc một cái, có khi chim rúc đầy nhóc trong đó. Lúc này thì còn bắn biếc gì nữa, sẵn súng đó, quất cho mỗi con một phát nằm thẳng cẳng, cứ như trên chiến trường đánh xáp lá cà vậy, dĩ nhiên làm vụ này là làm lén mà thôi. Chim thấy động, phá vỡ tuyết mà bay ra phía bên kia hàng đàn, cả hội săn phải dàn hàng ngang, quì xuống mà bắn, chứ mạnh ai nấy bắn loạn xạ có ngày mang hoạ vì đạn lạc.

Khi săn được chim rồi, người ta thường để dành lại mấy con còn lành lặn đem tới người Taxidermist để họ ướp xác bằng phoọc môn, dùng làm trang trí trong nhà và cho bạn bè. Mỗi một con chim trĩ tốn khoảng trên một trăm đồng. Không biết họ làm cách nào mà con vật trông như còn sống, đang đứng nghển cổ hay xoè cánh bay coi rất đẹp.

Đến đây, thế nào cũng có người hỏi: Thịt chim trĩ ăn có ngon không"

Xin thưa là ngày xưa cho rằng "Nem công chả phụng" là món cực kỳ trân quí. Cách đây mấy chục năm, ông Tú Xương thi rớt hoài nên mơ tới bữa tiệc vua ban cho các Tân Khoa Tiến Sĩ: "Ăn yến xem ra có thịt công."

Xem vậy mới biết thịt công, chim phụng đồng loại với chim trĩ quí giá vô cùng. Nó không trắng như thịt gà, mà nâu nâu, đo đỏ như thịt đùi hay thịt lưng con gà tây. Dĩ nhiên là nó dai và ngọt hơn thịt gà vì nó là loại thịt rừng. Hơn nữa vì giống quí hiếm, ít khi được ăn nên chúng ta cảm thấy ngon hơn.

Đến mùa săn thì các khách sạn nhà hàng thường có người làm thịt chim do mình đi săn đem đến và nấu nướng luôn. Thực ra họ chỉ lột da và lấy cái ức chim mà làm một dĩa nho nhỏ vậy thôi, chứ đùi cánh và lưng chim thì vứt đi hết.

Có người nói chim trĩ ở Mỹ do người Tàu từ tỉnh Phúc Kiến đem qua, vì hình dáng chim trĩ ở hai nơi này giống hệt nhau, và cách đây khoảng 200 năm thì người Tàu qua Mỹ làm công nhân đường xe lửa đông lắm. Điều này làm tôi nhớ đến đoạn đầu của cuốn võ hiệp Tiếu Ngạo Giang Hồ: Cậu con cưng của Lâm Chấn Nam đi săn chim trĩ, cậu đã dùng roi ngựa mà quất trúng chim trĩ khi nó bị chó săn truy đuổi mà bay vút lên khỏi bụi rậm. Trong đoạn này cũng nói là dân Phúc Kiến gọi chim trĩ là Lã Trĩ, nhưng khi bà Lã Hậu lên ngôi thì dân chúng kiêng tên mà đổi lại là dã kê, tức là gà rừng. Thực ra gà rừng giống con gà tre y hệt, từ màu sắc, dáng vẻ, cân nặng .. chỉ khác một điều là gà rừng bay như chim mà thôi.

Riêng đầu con nai nếu mình muốn đem về treo trên tường thì phải nhờ taxidermist lột da ra, phủ lên một cái khuôn như sọ con nai làm bằng mốp, họ có rất nhiều kích cỡ nên nhìn thấy nó được treo lên, ta có cảm tưởng như là đầu con nai còn sống, với cả chà, gạc chìa chạnh và hai con mắt ngơ ngác như mắt ...nai.

Để kết thúc bài này, tôi xin cóp hai câu thơ của Tố Như tiên sinh để hy vọng rằng: "Lời quê góp nhặt dông dài

Mua vui cũng được một vài trống canh."

Nguyễn Viết Tân

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,750,176
Bão tuyết cuối mùa đã đổ vào vùng Đông Bắc Mỹ. Mời đọc một truyện ngắn của Phạm Thành Châu, viết theo lời kể của Christine Lanna. Tác giả sinh quán tại Hội An,
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2000, đã nhận các giải thưởng chính từ năm đầu tiên, hiện là một thành viên ban tuyển chọn chung kết.
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Bà cho biết bút hiệu là tên thật, định cư tại NJ năm 1994 theo diện HO. Trước là nhà giáo tại Việt Nam. Sau đây là bài viết thứ hai của bà.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey, một vùng rất ít cư dân Việt. Sau đây, thêm bài mới của Song Lam.
Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông cũng là tác giả Viết Về Về Nước Mỹ đầu tiên có bài đạt số lượng trên một triệu người đọc và đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016.
Lễ Phục Sinh 2017 là ngày Thứ Năm, 24-11 chính thức là ngày 16 Tháng Tư, nhưng Mùa Mục Sinh đang bắt đầu. Mời đọc bài của tác giả đã nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2010:
Tác giả là cư dân Miami, từng nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Bài viết, của ông tuy ngắn, nhưng luôn cho thấy tấm lòng của ông với đất đai, quê hương, con người. Sau đây là 2 bài mới nhất.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O.
Nhạc sĩ Cung Tiến