Hôm nay,  

Nặng Gánh Ân Tình

07/02/200600:00:00(Xem: 156743)
Người viết: THANH HUỲNH

Bài số 932-1532-256-vb3020706

*

Tác giả tên thật là Huỳnh văn Thanh, 67 tuổi, trước 1975, thuộc Lực Lượng Đặc Biệt. Định cư tại Hoa Kỳ diện HO 15, hiện là cư dân Westminster. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của ông là truyện tình một thời gặp lại trên đất Mỹ.

Khanh ngồi trong phòng đợi ở bệnh viện UCI đã gần ba giờ. Vì quá lo lắng cho cuộc giải phẫu của Liễu, nên anh đứng lên, đi tới đi lui cho đỡ sợ. Cánh cửa phòng chợt mở, cô y tá bước ra gọi:

- Mời ông Khanh!

Khanh quay lại đáp:

- Vâng, có tôi.

- Xin mời ông vào.

- Cám ơn cô.

Vào đến bên trong, anh gặp cô bác sĩ đang đứng bên cạnh giường của vợ. Bác sĩ tự giới thiệu:

- Tôi là bác sĩ Hà. Chúc mừng bà đã hồi phục! Ông có hai mươi phút để thăm bệnh nhân và không được hỏi hay nói nhiều. Khanh đáp:

- Cám ơn bác sĩ!

Bác sĩ Hà nói:

- Không có chi. Chào ông bà.

Khanh đến cạnh giường nhìn vợ rồi hỏi:

- Em thấy có khỏe không"

Liễu đáp:

- Em khỏe, anh đừng lo. Em đang được chuyền Sérum và máu.

Khanh đưa tay vuốt mấy cọng tóc rũ xuống che mắt vợ và thầm cảm ơn Ơn trên đã phù hộ cho em qua cơn nguy hiểm.

Thoáng đã hai mươi phút, cô y tá bước vào rồi nói:

- Đã đến giờ! Xin mời ông rời giường bệnh nhân.

Trước khi ra về, Khanh dặn dò vợ:

- Em nằm nghỉ cho khỏe và chóng bình phục.

Mỗi ngày Khanh đều vào thăm vợ. Ngày thứ ba, Khanh đang đứng bên cạnh giường vợ thì bác sĩ Hà vào phòng, tay cầm cuốn sổ và cây bút máy, nhìn Khanh rồi nói:

- Sức khỏe bà đã tốt. Hôm nay bà có thể xuất viện. Ông đợi tôi một chút, tôi đi lấy hẹn.

Bác sĩ đến xem vết mỗ lần cuối rồi để cuốn sổ và cây bút máy xuống bàn đi ra. Khanh nhìn thấy cây bút máy có hai hàng chữ màu vàng nổi bật trên nền cây bút màu xanh da trời. Tò mò, Khanh đến cầm cây bút lên xem một cách vội vã; Cây bút hiệu Stylomine 303, hai hàng chữ:

“Thương tặng em để kỷ niệm những ngày sống gần nhau. K+L 1954”

Cây bút này mình tặng cho Lệ, vì sao bác sĩ Hà có cây bút này" Hay là… Khanh không dám nghĩ tới nữa, mau mau để cây bút xuống ngay vị trí cũ, cũng vừa lúc bác sĩ Hà bứơc vào đưa cho Khanh toa thuốc và giấy hẹn ngày tái khám. Khanh cầm giấy rồi nói:

- Cảm ơn bác sĩ đã tận tâm chăm sóc cho vợ tôi sớm bình phục.

- Không có chi. Bà sẽ mau hồi phục. Chúc ông bà sức khoẻ.

Nhìn cây bút máy, Khanh bạo dạn hỏi:

- Bác sĩ có cây bút nhỏ đẹp quá! Ở đất Mỹ này khó tìm cây thứ hai.

Đang vui vẻ, nghe Khanh hỏi tới cây bút, một thoáng buồn hiện rõ lên nét mặt dịu hiền, bác sĩ Hà chậm rãi đáp:

- Đây là kỷ vật của mẹ tôi. Khi bà từ giã cha tôi để về quê, cha tôi tặng cho bà. Khi cho lại tôi cây bút, mẹ tôi nói “ Không biết giờ này ba con còn sống hay không. Con giữ nó coi như ba con lúc nào cũng ở gần bên con.”

Bất chợt cô y tá vào nói:

- Thưa bác sĩ, có bệnh nhân cần cấp cứu.

Câu chuyện đang nói phải bỏ dở, bác sĩ nói:

- Ông bà về! Chúc bà mau bình phục!

Cả hai cùng cảm ơn bác sĩ. Sau khi nghe bác sĩ Hà nói, lòng Khanh càng nghi ngờ thêm; Cây bút của mình. Còn Hà có phải là con mình hay không" Khi đưa hai người ra tới cửa, cô y tá hỏi:

- Xin lỗi ông bà! Ông bà có quen với bác sĩ Hà không" Trông hai người như hai cha con. Khanh cười và đáp:

- Cảm ơn cô! Tôi đâu có quen với bác sĩ Hà. Đây chỉ là một sự ngẫu nhiên mà thôi.

Cô y tá nói:

- Chào ông bà!

- Chào cô.

Trên đường về nhà, đầu óc Khanh nhớ tới chuyện năm xưa…

*

"Trời đổ cơn mưa đầu mùa, mưa liên tục gần hai giờ. Sau miếu thờ ông Tiên Sư, nước mưa dâng cao hơn nửa ao. Ở ruộng nước nổi cao hơn mắt cá chân. Các bà lão ở xóm nói là đầu mùa, mưa như vậy tốt lắm; con nít không có bệnh bậy.

Các em nhỏ ở xóm rủ nhau đi tắm mưa, mang theo thùng thiếc để bắt cua ốc. Khanh rủ Quang cùng xóm đi tắm. Ở ruộng rất đông, đa số là trẻ em. Khi tới giếng sau thành ông Hội Đồng Điều, có mấy em nhỏ đang tắm và ném đất bùn. Khanh thấy có cả em Thuận ở đầu xóm nhà đã dời sang đối diện trường Trung Học ND, Khanh bèn gọi:

- Thuận! Thuận quay đầu lại nhìn thấy Khanh, mừng quá nói một cách đắc chí.

- A! Có anh Khanh cho tụi bây biết tay. Anh Khanh ném tụi nó tiếp em.

Khanh cười khuyên can:

- Thôi đi em! Ném lỡ trúng vào mắt bị đui đó.

- Em đi tắm với ai"

Thuận đáp:

- Em đi với chị Lệ.

Khanh thắc mắc vì Thuận đâu có chị gái nào tên Lệ. Khanh hỏi:

- Chị đâu"

Vừa lúc đó Lệ chạy đến đưa cho Thuận một con cua con. Thuận chỉ Khanh rồi nói:

- Chị Lệ! Anh Khanh ở gần nhà cũ em.

Khanh nhìn Lệ, Lệ nhìn Khanh; bốn mắt thẹn thùng nhìn nhau. Khanh gật đầu chào Lệ. Nước da Lệ trắng mịn màng nổi bật trong bộ đồ bà ba đen, nước mưa ướt bó sát thân hình làm nổi bật nét đẹp mê hồn mà tạo hóa đã ban cho nàng. Lệ bẽn lẽn gật đầu chào, bổng có tiếng Quang gọi ơi ới từ xa;

- Anh Khanh tiếp em bắt mấy con chuột.

Khanh hoàn hồn vội chạy nhanh, nhưng luyến tiếc nên vẫn còn quay đầu lại, thấy Lệ đang nhìn theo cậu thư sinh ngây thơ, vừa phất tay giã từ.

Rồi từ đó, hình bóng Lệ, vẻ đẹp của Lệ cứ chập chờn trong tim óc chàng trai trẻ cả đêm lẫn ngày. Vì thế, mỗi ngày đi học, trước khi vào lớp Khanh lén nhìn qua nhà Thuận để tìm thấy người đẹp đang rửa ly tách. Có hôm, Khanh vấp phải bậc thềm vào lớp suýt té vì mải mê nhìn nàng.

Lệ cũng thường bắt gặp cái nhìn quên thôi của cậu học trò trước cửa lớp học, Lệ mỉm cười và nhủ thầm:

- Cứ lo nhìn gái! Vấp té một cái là què cẳng cho mà coi.

Tuy nhiên, Lệ thấy lòng mình chứa chan niềm vui lạ thường. Sự cảm thông lẫn thương hại khi thấy Khanh len lén nhìn nàng. Qua khe cửa sổ của lớp học, Khanh thấy bà ngoại của Thuận đang bứơc lên xe xích lô đi vắng… Khanh liền xin phép thầy cho đi uống nước. Khanh ngập ngừng, Lệ rụt rè hỏi:

- Anh cần gì"

Khanh gật đầu chào rồi hỏi:

- Ngoại đi vắng"

- Dạ, ngoại vừa đi. Sao anh biết"

- Đã nhìn thấy mới dám sang đây, không biết vì ai" Lệ cho tôi xin một ly nước uống.

Lệ vào trong đem ra một ly nước lạnh đưa cho Khanh rồi hỏi:

- Sáng nay anh nhìn ai suýt té"

Khanh giật mình hỏi:

- Sao cô biết"

- Biết chớ sao không. Mỗi buổi sáng trước khi vào lớp Khanh nhìn sang đây để tìm một bóng người phải không"

Khanh đáp: "Dạ, tôi tìm bóng giai nhân đã gặp một chiều mưa đầu mùa. Tôi không hiểu tại sao tôi lại nhớ thương người ấy""

Lệ lấy tay che miệng cười rồi nói:

- ÝA! Tôi, tôi là giai nhân" Khanh quá đề cao.

- Khi mình thương người nào đó, mình xem họ là thần tượng của mình. Mất ăn mất ngủ cũng vì người đó.

Bất chợt tiếng kẻng giờ tan học điểm lên. Khanh đưa ly nước cho Lệ. Lệ hỏi:

- Anh không uống"

- Nhìn thấy Lệ cười đã hết khát rồi.

Một tay đưa ly nước, một tay nắm lấy tay Lệ. Nàng vẫn để tay cho Khanh nắm. Chàng cảm thấy có một luồng cảm giác nóng rạo rực trong lòng khi đi ra. Lệ nhìn theo cho tới khi bóng Khanh khuất ngoài cửa.

Ngày tháng vẫn bình thản trôi qua. Mỗi sáng, kẻ đi học vẫn nhìn sang người rửa ly tách. Và người bên kia nhìn sang trường học. Cuộc tình đã chớm nở vào cơn mưa đầu mùa. Có những đêm cuối tuần, người đứng ngoài cửa sổ trò chuyện với kẻ đứng bên trong nhà. Khanh nói:

- Niên học sắp hết. Ban ngày ít khi được nhìn thấy Lệ, nhưng mỗi đêm Khanh sẽ đến với Lệ. Một đêm nọ, Khanh đến gặp nàng. Lệ nói xa xôi những lời như sắp có một cuộc chia tay. Khanh đoán rồi hỏi:

- Lệ sắp rời nơi đay"

Lệ vừa khóc vừa đáp:

- Em sắp xa anh. Vài hôm nữa, em sẽ về quê. Không biết bao giờ mới trở lại gặp anh. Tuy xa anh, nhưng lòng em vẫn nhớ về anh.

Lời nói Lệ vừa dứt, Khanh thấy cả một góc trời như sắp sụp đổ.

Chàng đứng lặng thinh không nói thêm một lời. Đồng hồ treo tường trong nhà đã điểm một giờ sáng. Lệ an ủi Khanh:

- Anh! Anh về đi. Đã một giờ rồi. Anh đứng càng lâu, càng làm buồn thêm mà thôi. Anh còn đang đi học do sự lo lắng của gia đình. Anh giải quyết được gì đây" Em khổ tâm lắm!

Khanh hỏi:

- Đêm mai em có thể đi dạo với anh không"

Lệ lấy tay gạt nước mắt rồi đáp:

- Anh đón em bên sân trường anh lúc bảy giờ tối.

Như lời hẹn, Khanh đón Lệ trước sân trường. Lệ ngả đầu vào ngực Khanh khóc rồi nói:

- Em về không biết bao giờ trở lại.

Một cánh phượng lìa cành rơi nhẹ lên tóc Lệ, Khanh cầm cánh phượng rồi nói:

- Em đi phượng cũng buồn, nói chi anh;

Khanh thấy lòng đau đớn.

Anh hôn nhẹ lên má lệ rồi nói:

- Em đừng khóc nữa. Khóc càng làm cho lòng anh tan nát. Không có một cuộc chia tay nào mà không tốn nhiều nước mắt. Khanh lấy cây bút máy STYLOMINE 303 đang dắt trong túi đưa cho Lệ rồi nói;

- Anh tặng em cây bút nầy để làm kỷ niệm những ngày chúng ta sống gần bên nhau. Thỉnh thoảng, em lấy ra biên thơ cho anh, dù ở phương trời xa lạ nào…

Lệ để cây bút vào bóp rồi lấy tấm ảnh chụp bán thân đưa cho Khanh, và nói:

- Em chỉ có tấm ảnh này để tặng anh. Xin nhớ em lúc nào cũng nghĩ về anh.

Đôi bạn ngồi tâm sự cùng nhau. Hơn mười giờ đêm Khanh mới đưa Lệ về. Lệ xuống xe. Trước khi đi vào nhà, Lệ ôm chặt lấy Khanh và hôn liên tiếp lên mặt Khanh. Lệ quay đi rồi nói:

- Em hôn trừ hao những ngày xa vắng anh, anh ở lại bình an. Em nhớ mãi đêm nay, dù ở phương trời nào. Thỉnh thoảng em biên thơ gởi anh.

Năm tháng sau, một hôm đi chợ Khanh gặp Thuận. Thuận chào Khanh rồi hỏi:

- Anh Khanh có hay gì chưa"

- Có phải em muốn nói cuối tháng này Lệ lên xe hoa"

- Sao anh biết"

- Lệ có biên thư cho anh.

Anh đã đoán không sai. Lệ từ giã anh về để đi lấy chồng; anh không có cách nào cưỡng được.

Khanh đếm từng tờ lịch, một ngày đi qua là một ngày đi tới ngã rẽ của cuộc tình; kẻ Nam người Bắc. Nhịp cầu Ô Thước khó nối liền. Nay đúng là ngày Lệ lên xe hoa. Khanh còn đang ngồi học bài thi thì Quang bước vào nhà, đến khều nhẹ Khanh đi ra ngoài rồi nói:

- Anh Khanh! Chị Lệ đang ở nhà em.

Khanh ngạc nhiên nhìn Quang rồi nói:

- Em nói giỡn! Hôm nay là ngày Lệ lên xe hoa mà.

- Đúng! Nhưng chị Lệ trốn. Khanh hỏi vồn vã:

- Có thật không" Anh đi gặp chị rồi sẽ rõ. Khanh vội vã đi theo Quang. Bước vào nhà, Quang nói:

- Chị đang ngồi ở nhà sau. Khanh đi thẳng ra sau, thấy Lệ Khanh bứơc nhanh tới ôm Lệ vào lòng rồi hỏi:

- Hôm nay ngày cưới em mà" Lệ ngã đầu vào ngực Khanh khóc.

- Đúng! Lúc đang đãi khách, em nhờ một người bạn gái đưa em sang sông. Em trốn về đây. Em không thể lấy người khác làm chồng em. Hơn nữa, em không thương ai hết. Trong đời em chỉ có anh thôi. Nếu anh phụ rãy em, em sẽ ở vậy suốt đời.

Khanh lau nước mắt cho Lệ, ôm chặt người yêu vào lòng như sợ Lệ ra khỏi tầm tay anh lần nữa. Đêm hôm đó, Khanh và Lệ ngủ lại nhà Quang. Lệ nói:

- Đám cưới người ta. Đêm động phòng lại là của anh. Cuộc đời trong trắng của em em giao trọn cho anh đêm nay.

Ngày tháng trôi qua, cuộc tình của Khanh và Lệ bị đổ bể. Cha mẹ Khanh hay được, bèn nói với Khanh:

- Lệ là gái có chồng. Cô ta bỏ chồng đi theo con. Ai đời con trai đi lấy đàn bà. Con chuẩn bị sáu giờ ngày mai ba đưa con lên Saigon học. Ba cấm đứt, không được tới lui. Khanh không còn cách nào biện minh.

Đèn xanh rồi mà Khanh vẫn chưa nhấn ga cho xe chạy. Xe sau bóp kèn, Khanh giật mình rồ máy chạy đi. Về tới nhà, Khanh đưa vợ vào phòng nằm nghỉ. Lấy thuốc, nước sữa cho vợ xong. Vừa trở ra phòng khách thì có điện thoại reo:

- Reng! Reng! Khanh cầm ống liên họp lên hỏi:

- Alô! Alô! Khanh.

- Tôi nghe.

Bên kia đầu dây nói đáp:

- Anh Hai đây.

- Thứ Bảy tới, lúc sáu giờ chiều, em sang ăn cơm với anh chị. Nếu vợ em khỏe, đưa sang chơi.

- Vâng, em sẽ qua. Vợ em chưa chắc.

*

Khanh đậu xe sát lề rồi thả bộ vào. Đã hơn sáu giờ chiều rồi mà nắng Cali vẫn còn như thiêu đốt. Khanh đưa tay gõ cửa:

-Cộp! Cộp!

Một người đàn bà đứng tuổi, nhưng vẻ đẹp về chiều vẫn còn phản phất trên gương mặt trái xoan, bước ra mở cửa và nói:

- Mời ông vào.

- Cám ơn chị. Anh Hai có ở nhà không"

Người đàn bà kéo ghế mời Khanh ngồi. Trên bàn đã bày ly tách, chén, dĩa. Chuẩn bị cho một bữa ăn, duy thức ăn chưa có. Người đàn bà đáp:

- Chú Hai đi lấy thức ăn chưa về.

Khanh ngồi ở cuối bàn. Người đàn bà bưng ra một tách nước trà để trước mặt Khanh rồi nói:

- Mời ông uống trà.

Khanh đáp:

- Cảm ơn chị.

Người đàn bà trở lại ngồi ở đầu bàn nhìn Khanh. Khanh nhìn người đàn bà. Căn phòng yên lặng, chỉ trừ tiếng xạch xạch của cây quạt máy để ở cuối phòng. Bốn mắt nhìn nhau, không ai mở lời. Nhưng trong lòng họ, tim đập liên hồi, như có một cảm giác huyền bí đã làm cho đôi tim họ thổn thức. Khanh xoay xoay tách trà bạo dạn hỏi:

-Xin lỗi chị ở Cali hay ở tiểu bang khác sang chơi" Người đàn bà đáp:

-Tôi ở Việt Nam mới sang có bốn ngày. Còn ông ở VN ở tỉnh nào"

-Tôi ở BL. Còn chị"

-Tôi cũng ở BL. Nhà đối diện truờng trung học ND.

Đôi mắt người đàn bà vẫn không rời Khanh. Tim Khanh đập liên hồi. Khanh hỏi:

- Xin lỗi chị. Chị có phải tên Kiều Mỹ Lệ không"

Người đàn bà không đáp mà hỏi lại:

- Ông có phải là ông Khanh bốn mươi chín năm về trước học ở trường ND không"

- Đúng rồi!

Vừa nghe xong hai chữ "đúng rồi" Lệ mím môi, ứa lệ.

Khanh tái mặt! Người đàn bà chính là Lệ, người yêu đầu tiên trong cuộc đời học sinh của Khanh. Lệ khóc rồi nói tiếp:

- Oan nghiệt thay! Đã bốn mươi chín năm không gặp. Giờ gặp lại ở đây.

Khanh đứng dậy đi đến ngồi gần Lệ, Lệ hỏi:

- Sao ông không ngồi ở đằng kia" Đến ngồi đây để làm gì" Tôi đâu còn nhan sắc như ngày xưa. Vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.

Vừa lúc ông anh Hai, cô bác sĩ Thu vào tới cửa. Nghe Lệ khóc, cô bác sĩ tính kéo cửa bứơc vào, nhưng hai bác kéo tay lại, đứng nghe.

Lệ nghẹn ngào kể:

- Tôi đã lầm trao cuộc đời con gái của tôi cho ông trong đêm ở nhà Quang. Oan nghiệt thay một giọt máu đã tụ hình. Khi biết mình đã có thai, tôi có đến tìm ông thì Quang cho biết ông đã được nhà cho lên Saigon học. Nghe đến đây, tôi phải víu cột nhà cho khỏi té. Tôi hỏi má Quang Tại sao Khanh đi mà không cho tôi hay" Bà đáp: Chú nó có tìm cô nhưng không gặp; nhờ tôi chuyển lời khi cô đến tìm. Chú nói sẽ báo địa chỉ sau.

Khanh nói:

- Đúng như lời má Quang nói; tôi có tìm nhưng không gặp Lệ.

Khanh ngồi lặng thinh, không cầm lòng được, hai hàng nước mắt tuôn ra. Khanh cũng kể cho Lệ nghe về chàng:

- Tôi buồn cho cuộc tình trắc trở nên sau khi qua trung học, tôi bước chân vào quân ngũ. Sau khi ra trường, tôi có trở về quê tìm Lệ, nhưng có ai biết Lệ đi về đâu" Rồi chiến cuộc lan tràn... Có ai hiểu rõ được nỗi lòng của tôi"

Lệ tiếp tục kể hết mọi đắng cay của cuộc đời nàng vì tình yêu tuổi trẻ quá bồng bột. Nàng nghẹn ngào oán trách tiếp:

- Tôi âm thầm bụng mang dạ chửa. Đi làm cho tới ngày khai hoa nở nhụy. Tôi có nhờ má Quang thưa chuyện lại với ông bà, nhưng không được chấp thuận. Ông bà không tin là cháu ruột. Khi hay tin tôi sanh, má Quang có đến thăm và đem chuyện này một lần nữa thưa với bà. Cháu nó giống y hệt...

Hơn bốn mươi lăm năm ấm ức trong lòng. Chịu đựng biết bao nhiêu là khổ cực, nhọc nhằn. Lệ đem ra nói hết cho Khanh nghe nổi khổ của mình.

- Trăm dâu đổ đầu tầm, tức giận cha nó bội bạc, tôi mua hai ông thuốc Optalidon để sẵn bên nôi. Tôi định giết nó rồi tự tử chết theo con nhưng tôi không còn can đảm giết con. Tôi ôm nó vào lòng, rồi khóc trong đêm thâu. Có ai thấu được cảnh đoạn trường này" Tôi đành ném hai ống thuốc vào xọt rác. Mười mấy năm trôi qua, nhờ ơn trên phò hộ, ngày một lớn, con tôi đẹp dịu hiền. Bao nhiêu chàng trai theo đuổi nó, nhưng tôi chỉ cho con tôi coi gương của mẹ đây mà đừng có nhẹ dạ rồi khổ suốt đời. Vì thế, ngày ngày nó ráng lo học, rảnh chèo đò đưa khách sang sông kiếm thêm tiền. Tôi thì đi làm thuê...

Lệ nuốt nước mắt, kể tiếp:

- Khi miền Nam sụp đổ, người ta chạy để thoát khỏi "thiên đường" CS! Mẹ con tôi không biết chạy đi dâu" Chỉ bám vào cuộc sống là tiếp tục đưa đò sang sông. Một hôm có người đến nhờ cho cháu đưa giúp cho năm người ra ghe lớn ở đầu và. Tôi không ngờ đêm hôm đó con tôi nó đi không trở về cho tới cả năm sau mới nhận được thư nó từ Mỹ gửi về...

Liền khi đó, anh Hai, Hà, Thu kéo cửa đi vào. Nghe tiếng động, Khanh quay lại nhìn thấy anh Hai, bác sĩ Hà chữa bệnh cho vợ mình, và thêm một cô nữa. Khanh đứng dậy nói:

- Kính chào bác sĩ. Bác sĩ Hà chào Khanh vừa quay qua hỏi mẹ:

- Mẹ làm sao khóc vậy"

Hỏi là hỏi vậy thôi chớ mọi việc đã nghe qua hết rồi. Lệ ấm ức trong lòng, đưa tay gạt nứơc mắt chỉ Khanh rồi nói:

- Ông ta là chủ cây bút máy mà mẹ đã đưa cho con.

Bác sĩ Hà nhìn Khanh như dò xét lời nói của mẹ. Khanh nhìn Hà nhưng không dám mở lời. Lệ nói:

- Mẹ đã nói cho con nghe nhiều lần về cuộc đời của mẹ. Nay con khôn lớn, con biết nhận xét. Mẹ không có quyền bắt con kêu ông là cha.

Thấy tình hình quá căng thẳng, ông anh xen vào:

- Thôi mọi người vào bàn ăn, chậm rãi nói chuyện sau. Thím và cháu Hà nghe anh nói rồi suy nghĩ lại.

- Có nhiều hôm chú nó xuống đây ăn cơm với anh chị, chú nó hỏi khoảng năm 52-53 anh có biết cô giúp việc ở nhà anh không:

- Năm 50 anh đã lên SG học, rồi anh đi du học luôn.

Khanh nói:

- Cô đó là người yêu đầu tiên trong cuộc đời học sinh của em. Đôi khi em thấy nhớ cô ta quá. Ví như bây giờ em biết cô ta còn sống nơi nào ở quê nhà, em nhín chút ít về giúp đỡ. Em thấy báo ở quận Cam đăng dân sống ở vùng quê của Lệ nghèo khổ quá. Biết đâu trong số người đó có Lệ. Đó là những lời tâm tình của chú nó. Nếu ngày xưa chú và thím không có trắc trở trong cuộc tình thì chưa chắc có một bác sĩ như ngày hôm nay. Âu cũng là do thiên mệnh.

Khanh tiếp lời:

- Lệ thấy vợ tôi cũng khổ vì tôi. Quanh năm sống trong lo âu, đợi chờ. Đâu có biết ngày mai sẽ ra sao. Chính vợ tôi đã cứu sống tôi. Trong lúc tôi bị trọng thương, tôi ngất đi, cô tà là nữ trợ tá tình nguyện hiến máu chuyền cho tôi. Bác sĩ Hà tiếp lời: "Bác nói cũng đúng thôi."

Khanh nhìn Hà như trông chờ một tiếng gọi (") Hà gắp thức ăn để vào chén cho từng người rồi nói:

- Kính mời bác Hai, ba, mẹ và dì Thu cầm đủa.

Khanh thay đổi nét mặt, để đũa xuống lấy tay lau nước mắt, nhìn thẳng vào mắt Hà rồi hỏi:

- Con không hờn giận ba và nhìn ba là ba của con" Hà khẽ gật đầu. Hà cũng không ngăn cản được dòng lệ. Lệ gạt nước mắt đứng dậy đi vào trong. Ông anh tiếp lời:

- Ở Mỹ cần phải nương tựa vào nhau để mà sống. Nếu thấy tha thứ được cũng nên hỹ xả để mà sống. Khanh nói với con:

- Con đưa ba vào năn nỉ mẹ con, bà vẫn chưa nguôi cơn giận.

Hà đứng dậy xin lỗi bác, Hà đi trước. Khanh đi theo sau. Hà đứng lại trước cửa phòng đưa tay gõ cửa.

- Cộp! Cộp!

- Ai đấy"

- Con đây mẹ.

- Vào đi.

Hà mở cửa bứơc vào. Khanh đứng ở ngoài đợi. Hà năn nỉ mẹ tha thứ cho cha. Phân tích lời bác Hai đã nói. Lệ làm thinh. Hà kéo tay cha vào rồi ra đóng cửa lại. Khanh xin Lệ tha thứ cho Khanh để Khanh được sống gần con. Và được đền bù những gì tốt đẹp trong tuổi xế chiều nơi đất khách quê người trong những ngày sắp từ giã cõi đời. Lệ nhìn xem tóc Khanh đã bạc. Tóc Lệ cũng đổi màu. Còn gì nữa mà hờn giận nhau. Lệ nói:

- Ông đứng đằng kia, đến gần tôi làm gì" Ông làm gì vậy"""

Trên đường về nhà, Khanh thấy lòng vui khó tả. Khanh mở cửa bước vào nhà, thấy Liễu vẫn còn ngồi ở Sofa xem TV. Khanh hỏi vợ:

- Em có khỏe không mà còn ngồi xem TV"

- Em thấy khỏe nhiều. À mà này anh! Hôm xuất viện, khi ra tới cửa em nghe cô y tá hỏi anh có quen với bác sĩ Hà không" Bảo hai người trông giống như cha con. Em thấy giống thiệt đấy.

Khanh đắn đo không biết có nên nói thật cho vợ nghe không. Vì Liễu vừa qua cơn bạo bệnh. Khanh nhìn vợ cười chưa nói thì Liễu nói tiếp:

- Lúc chưa quen anh, em có chứng kiến một lần ở quê em. Có một ông sĩ quan vừa nằm xuống, một bà dẫn đứa con gái hai ba tuổi đến nói là con của ông ta. Mấy ông đến đâu là gieo hạt đến đấy! Không biết ông có không" Sao tôi nghi quá. Khanh cười ngồi xuống cạnh vợ rồi nói:

- Đã ba mươi mấy năm nay, em thấy anh có đàng hoàn không" Anh còn thiếu em món nợ không bao giờ trả được "nợ máu" cho em. Liễu nói:

- Ơ hở! Em đâu có để ý. Ví như mình có một đứa con như cô bác sĩ điều trị cho em thì tốt biết mấy. Khanh nâng nhẹ tay vợ lên hôn rồi nói:

- Ví như cô bác sĩ là con của anh, em có chịu không" Liễu đáp:

- Thôi đi anh! Cho em xin. Đừng có mơ viển vong. Lớp mình làm sao có khả năng mà lo cho con đi học trở thành bác sĩ. Đứa nào cũng hết trung học ra tìm việc làm. Thật mà nói, nếu cô ta là con anh thì em mừng cho anh. Em thấy anh lúc này quên trước quên sau.

Liễu đưa tay choàng qua cổ chồng âu yếm nói:

- Con mình, tụi nó đã ra riêng hết rồi, chỉ còn hai đứa mình hẩm hiu bên nhau. Tóc anh đã bạc trắng, tóc em cũng ngã màu. Ở đất tạm dung này không biết còn sống được bao lâu nữa. Khanh đưa tay choàng sau lưng vợ rồi nói-Anh cảm ơn em mấy mươi năm nay sống khổ sở và thiếu thốn.

Khi có đứa con thứ hai, Liễu xin giải ngũ để ở nhà lo cho chồng con, vì Khanh bị trọng thương, không còn ra mặt trận. Khanh cầm hai bàn tay vợ lên hôn, bàn tay có chỗ gần như chay cứng. Vì thời gian Khanh đi tù, Liễu ở nhà tảo tần nuôi con cho đến khi anh mãn tù. Liễu tính nhẩm trong miệng rồi kéo tay ra đếm.

- Cũng có thể cô bác sĩ là con của anh.

- Em làm gì vậy"

- Em đoán cô ta độ bốn hai gì đó. Chắc là anh đã gieo hạt trước khi gặp em.

- Sự thật bác sĩ Hà là con của anh mà anh không biết. Hôm qua ăn cơm ở nhà anh Hai. Chính mẹ Hà ở VN mới qua đã nói trong bữa cơm.

- Anh nói thật" Em mừng cho hai cha con anh gặp nhau. Một thoáng buồn hiện lên nét mặt, Liễu hỏi:

- Cô bác sĩ có chấp nhận anh là cha không"

Khanh đáp:

- Đã chấp nhận kêu ba rồi. Còn em có chịu làm dì không"

Liễu hỏi:

- Mẹ Hà có đồng ý hay không. Hai mẹ con không có phản đối.
-


*

Một ngày nọ, Khanh chở Liễu tới nhà con, xe dừng lại trước sân, hai người xuống xe đi vào nhà. Liễu nói:

- Nhà cũng khá sang anh nhỉ. Khanh đưa tay bấm chuông. Hà ra mở cửa thấy ba và người đàn bà đã giải phẫu. Hà nói:

- Kính mời ba và Dì vào nhà. Hà hỏi thăm Liễu - Dì đã thật khỏe chưa" Hôm nay con thấy nước da mặt dì hồng hào chứng tỏ sức khỏe đã tiến triển.

Liễu đáp:

- Cám ơn bác sĩ đã tận tâm lo chăm sóc.

Hà nói:

- Xin dì gọi bằng con, không có chi e ngại.

Hà đưa cha và dì vào ngồi ở phòng khách rồi hỏi:

- Cha và dì đã ăn sáng chưa" Con đi pha cà phê và làm thức ăn điểm tâm cho cha và dì.

Khanh hỏi:

- Còn mẹ con đâu"

- Sáng nay cô giúp việc cho con đã đưa mẹ con đi lễ chùa ở Los, chiều mới về.

- Mẹ con có nói gì về cha không" Khanh hỏi:

- Thưa không. Nếu cha không bận, con kính mời cha và dì bảy giờ chiều nay đến ăn cơm với hai mẹ con con.

Khanh thấy trong lòng sự ấm áp nhẹ nhàng của những ngày sắp xế bóng.

Thanh Huỳnh


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,240,415
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến