Hôm nay,  

Bên Giàn Hoa Giấy

30/01/200600:00:00(Xem: 180466)
Người viết: NGUYỄN DUY AN

Bài số 925-1525-249-vb2013006

*

Tác giả Nguyễn Duy-An, cư dân Virginia, hiện là Vice President, phụ trách Information Technology của National Geographic. Lần đầu tham dự Viết Về Nước Mỹ 2005, ông gửi một tự truyện bắt đầu từ Bình Giả, địa danh quen thuộc của Việt Nam thời chiến. Hiện nay, trong số 10 bài có nhiều người đọc nhất trên Vietbao Online, riêng Nguyễn Duy An đã chiếm tới... 6 bài, với số lượng hơn 30,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết mới nhất của ông dành cho dịp Tân Niên Bính Tuất.

*

Tôi thức giấc đã lâu nhưng cứ nằm nướng trên giường suy nghĩ vẩn vơ. Tôi mới gọi điện thoại về Des Moines, Iowa cho mẹ tối hôm qua. Mẹ lại giục tôi phải tìm đường tới nhà thờ Việt Nam, trước là đến chào thăm cha Long, sau là tham gia sinh hoạt với giáo xứ người Việt trong vùng. Mẹ không muốn cho tôi đi xa, nhưng sau khi ra trường gần một năm vẫn không kiếm được việc làm ở gần nhà, mẹ đành chấp thuận cho tôi nhận việc làm tại vùng Hoa Thịnh Đốn. Thêm vào đó, mẹ cũng muốn di chuyển tới vùng nào có nhiều người Việt Nam cho đỡ buồn và cũng để tránh cái lạnh mùa đông ở Iowa. Tôi mới dọn về vùng này tháng trước. Sau khi tôi dọn tới vùng “Đất Đức Mẹ” (Maryland), không biết mẹ tôi hỏi thăm ai đó nên biết được tin cha Long là thầy cũ của cha mẹ tôi từ hơn 30 năm về trước ở Vũng Tàu, hiện đang làm chánh xứ nhà thờ Mẹ Việt Nam tại vùng Silver Spring, Maryland.

Tôi ăn uống qua loa rồi lái xe, dò theo bản đồ tìm đường tới nhà thờ Việt Nam. Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy ngôi thánh đường trên đại lộ New Hamshire với tiền đình lợp ngói đỏ, mái cong cong theo kiến trúc Đông Phương nổi bật giữa những dinh thự khác chung quanh. Lái xe vào tới sân, tôi lặng lẽ tới ngồi trên ghế đá ngắm nhìn tượng đài Đức Mẹ La-Vang bên cạnh nhà thờ với hai chậu “Hoa Giấy” thật lớn, uốn theo hình hai thiên thần đứng chầu hai bên... Tôi sững sờ khi nhìn thấy hai chậu hoa đang nở rộ. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy hoa giấy ở Mỹ, mầu đỏ như xác pháo của hoa giấy đã làm tôi xúc động thật nhiều. Tôi thả hồn lãng du tìm về dĩ vãng. Tôi nhớ lại kỷ niệm của hơn 8 năm về trước, nhớ lá thư tình duy nhất tôi nhận được bên giàn hoa giấy gần nhà bà ngoại ở Làng Ba, Bình Giả khi tôi vừa tròn 16 tuổi.

*

Mùa hè năm đó, bà ngoại tôi trở bệnh, mẹ sai tôi về quê săn sóc ngoại vì mẹ quá bận rộn với sạp vải ở chợ Tân Định không nghỉ được. Anh tôi đang ráo riết “gạo” để chuẩn bị thi vào đại học, mặc dầu cũng chẳng có hy vọng gì sẽ được nhận vì cha tôi vẫn còn học tập trong trại cải tạo ngoài miền Bắc. Tôi về quê giúp bà ngoại và phụ mợ Hà trông nom hai em còn nhỏ dại, để mợ vừa “chạy chợ” và cày cấy kiếm sống qua ngày vì cậu tôi cũng đang học tập cải tạo đâu đó ngoài miền Trung. Mỗi sáng khi nghe tiếng chuông nhà thờ, rồi tiếng gà gáy, tiếng chó sủa ầm ĩ cả thôn xóm, tôi phải chỗi dậy chứ không thể nằm ngủ nướng như khi còn ở thành phố. Mặc dầu không vui, tôi cũng theo hai em đi lễ mỗi ngày.

Một buổi sáng, sau thánh lễ, cha xứ tìm chị em chúng tôi hỏi thăm vì đã gần tháng nay ngài không thấy bà ngoại đi lễ. Mải nói chuyện với cha nên chúng tôi về trễ. Trên đường về, tôi khám phá ra giàn hoa giấy đang nở rộ bên đường nên sững sờ đứng ngắm những hạt sương trên từng cánh hoa màu đỏ, rực rỡ như những hạt kim cương lóng lánh dưới ánh mặt trời ban mai. Ôi, đẹp quá! Tôi đã nhìn thấy hoa giấy nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời của hoa giấy dưới ánh mặt trời mới mọc. Bàn tay ai đó đã khéo léo uốn nắn giàn hoa giấy mầu đỏ thành một cánh cổng hình vòng cung bằng hoa tuyệt đẹp. Tôi mải mê đứng bên đường chiêm ngưỡng giàn hoa giấy thật lâu, cho tới khi hai đứa em họ kéo tay gọi “chị về mau kẻo bà trông...” Tôi đành vừa đi vừa ngoái cổ tiếc nuối như vừa đánh mất “một cái gì”! Và cũng từ đó, sáng sáng tôi tìm mọi cách để được chiêm ngưỡng giàn hoa giấy “thân thương” của ai đó đang khoe sắc dưới ánh mặt trời ban mai.

Đã hơn một lần tôi bị chủ nhà bắt gặp quả tang “ngắm trộm hoa” của “người ta”. Đã hơn một lần tôi nhìn thấy “đôi mắt u uẩn buồn buồn của ai đó” đằng sau cánh cửa sổ trộm ngắm tôi đang thẫn thờ dưới giàn hoa giấy. Đã hơn một lần tôi ngẩn ngơ vì nụ cười nửa miệng của chàng trai thôn Bình những lúc bốn mắt chạm nhau. Tôi hỏi thăm mợ Hà và biết tên “hắn” là Nam, con trai duy nhất của cô Hương, cũng có chồng đang học tập cải tạo đâu đó ngoài miền Bắc. Tôi muốn làm quen với hắn, nhưng hắn chỉ lấp ló phía sau cửa sổ nhìn trộm chứ không bao giờ bước ra... Phận tôi là gái, mặc dầu là gái tỉnh thành, cũng không dám bước qua cổng để làm quen.

Một buổi sáng, như lệ thường, tôi chậm rãi bước dần tới “cổng hoa”. Tôi giật mình chết sững khi nghe tiếng sột soạt thật lớn, rồi một bóng người chạy vụt qua sân vô nhà. Tôi sợ quá, định bỏ chạy vì tim tôi đang đập “bình bịch”, nhưng mắt vẫn không rời giàn hoa giấy đang khoe sắc dưới ánh mặt trời ban mai. Ô kìa! Tôi nhìn thấy một bao thơ nhỏ mầu hồng nhạt đề tên tôi mà “ai đó” đã treo toòng teng trên một chùm hoa giấy. Thu hết can đảm, tôi giật mạnh bao thơ, dấu vội vào túi áo, vừa dợm bước vừa liếc trộm vô nhà nhưng không nhìn thấy bóng dáng “người ta”! Tôi vội vàng rảo bước về nhà ngoại, run run khẽ mở lá thư tình đầu đời con gái để nghe tim mình rộn rã vui mừng và hình như hai má đang ửng hồng vì e thẹn. “Chàng” chỉ gởi cho tôi một bông hoa giấy đã ép khô nhưng còn nguyên vẹn hình hài, gắn trên một mảnh giấy mầu hồng với dòng chữ “mến trao về Ngọc-Thủy, người ‘yêu’ hoa giấy, để mừng ngày sinh nhật của tuổi trăng tròn. Nam.” Tôi thẹn thùng ép nhẹ bông hoa vào lòng ngực, cùng với “lá thư tình” để nhận ra mình đã lớn. Tôi ngạc nhiên thật nhiều vì không những Nam biết tên tôi mà còn biết ngày sinh nhật sắp tới của tôi. Suốt ngày hôm đó tôi đã trốn miệt trong nhà, thỉnh thoảng lại mở bao thư ngắm nhìn “món quà tỏ tình” của “người ta”. Tôi nghe tim mình thổn thức bâng khuâng... nhưng chẳng có gì xảy ra!

Rồi ngày tháng qua nhanh, tôi phải từ giã thôn Bình trở về thành phố vì ngày tựu trường đã gần kề. Đã hơn một lần tôi đứng lại lâu hơn bên giàn hoa giấy, nhưng “chàng” vẫn ẩn hiện xa xa đằng sau cửa sổ “trộm nhìn” chứ không hề bước tới làm quen. Cũng có lúc tôi muốn “viết” cho chàng nhưng cứ sợ người khác “nhặt” được nên chỉ âm thầm từ giã giàn hoa giấy thân thương của “người ta” để trở về với đèn sách.

Bà ngoại tôi vẫn lây lất sống qua ngày như ngọn đèn trước gió, nhưng mấy tháng sau gia đình tôi gặp đại tang khi nhận được giấy báo tin cha tôi đã bỏ mình trong trại cải tạo! Đã từ lâu mẹ vẫn nuôi ý định cho anh em tôi vượt biển nhưng chưa dứt khoát vì muốn chờ cha tôi trở về để cùng đi vì mẹ sợ chúng tôi chưa đủ lớn. Cái chết của cha tôi đã thay đổi tất cả. Thay vì chán nản tuyệt vọng, mẹ đã cứng rắn hơn, chạy ngược chạy xuôi để tìm mọi cách đưa 3 mẹ con xuống tầu vượt biển tìm tương lai. Mẹ đã âm thầm “ngậm đắng nuốt cay” để chu toàn nguyện ước của cha tôi trong lần thăm nuôi cuối cùng là “cho các con ra đi càng sớm càng tốt.” Nay cha tôi không còn nữa nên mẹ đã dứt khoát ra đi.

Nhờ ơn trên phù hộ nên gia đình chúng tôi đã tới bến bờ tự do bình an sau mấy ngày vượt biển. Những ngày đầu mới đến Iowa, mặc dầu vất vả và khổ cực, mẹ nhất định bắt anh em tôi phải đi học. Mẹ tôi đã phải đầu tắt mặt tối hơn 5 năm trời, cho tới khi anh tôi ra trường và có việc làm tương đối ổn định để phụ giúp cho mẹ trong lúc tôi vẫn còn ở đại học. Tôi đã gặp và quen thân một vài bạn trai người Việt nhưng thỉnh thoảng vẫn tưởng nhớ hình bóng của “người ta” và tiếc nuối thật nhiều lá thư tình “ngắn nhất thế giới” kèm theo bông hoa giấy tôi đã phải đốt bỏ trước ngày vượt biên. Tôi tìm vui qua sách vở và công việc để quên dần “mối tình đầu dang dở” của thời mới lớn với một chàng trai thôn Bình tôi chưa một lần gặp mặt. Tôi đã lớn, đã trưởng thành nơi xứ lạ quê người, nhưng vẫn chưa quên được kỷ niệm mùa hè năm ấy. Kỷ niệm càng buồn càng khó quên! Bà ngoại tôi đã mất! Gia đình cậu mợ tôi đã qua Mỹ theo diện H.O. và đang định cư ở Dallas, Texas. Tôi chẳng còn ai quen biết ở Bình Giả để hỏi thăm về “chàng”; và nếu có chắc tôi cũng chỉ biết im lặng vì chẳng lẽ “cọc lại đi tìm trâu!” — Nam ơi, giờ này anh ở đâu"

*

Tôi giật mình trở về với thực tại vì một giọng nói trầm ấm của ai đó vọng tới từ phía sau:

- Cháu gái có chuyện chi buồn mà ngồi khóc với Đức Mẹ rứa"

Tôi vội vàng lấy “tissue” lau mắt khi nhận ra mình đã khóc tự bao giờ. Tôi nhớ bà ngoại đã mất! Tôi nhớ cha đã bỏ mình trong trại cải tạo! Tôi nhớ mẹ đang lo lắng từng ngày vì tôi không ở sát tầm nhìn của mẹ! Tôi nhớ “người ta”... Vừa lau nước mắt tôi vừa cố gắng mỉm cười quay lại để chào “ai đó” vừa mới nói giọng Nghệ Tĩnh của người miền quê ngoại thân thương:

- Cháu chào bác ạ.

- Cháu tên chi" Răng ngó thấy quen quá hầy"

- Dạ, cháu là Ngọc Thuỷ. Cháu mới dọn tới vùng này. Mẹ muốn cháu đến chào thăm cha Long vì ngài là thầy cũ của cha mẹ cháu.

- Rứa răng" Tiếc quá! Cha xứ vừa mới đi khỏi. Cha cháu tên chi" Bác cũng là học trò cũ của cha Long đây.

- Cha cháu tên Thành nhưng đã mất trong trại cải tạo lâu rồi.

- Đúng rồi! Đúng rồi! Mẹ cháu tên Thục phải không" Bác Quang đây. Ồ, mần chi mà cháu biết được. Chuyện xưa rồi!

- Bác hay quá. Đúng là bác quen với cha mẹ cháu rồi.

Bác Quang vừa xén tỉa hai chậu hoa giấy vừa kể cho tôi nghe chuyện ngày xưa. Bác ấy biết rõ gia đình ngoại tôi vì bác ở Bình Giả từ nhỏ. Bác Quang cũng cho tôi biết bác mới qua Mỹ theo diện H.O. được vài năm nay. Bác ấy giúp cha Long chăm sóc cây cảnh và sửa chữa bàn ghế nhà thờ trong lúc con trai bác là anh Tiến vừa đi học vừa theo bạn bè làm “landscaping” kiếm sống qua ngày. Tôi cũng kể cho bác ấy nghe về mẹ và những kỷ niệm ở quê ngoại nhưng dấu nhẹm chuyện lá thư tình nhận được dưới giàn hoa giấy năm tôi vừa tròn 16 tuổi. Hai bác cháu vừa làm vừa nói chuyện nên không biết cha Long đã về từ lúc nào và đang đứng xa xa nhìn hai bác cháu nhỏ to tâm sự. Vừa nghe tiếng cha Long hắng giọng ở phía nhà xứ, bác Quang vừa kéo tôi vào vừa nói lớn:

- Con đố cha thầy nhận ra o mô đây"

- Tui bây giờ già cả, mắt mũi kèm nhèm rồi. Có phải con dâu tương lai của ông không"

Tôi cúi đầu chào cha trong thẹn thùng e lệ. Bác Quang nói lớn:

- Con cũng mong được như lời tiên tri của cha thầy. Ngọc-Thủy là con gái cưng của Thành và Thục đó cha.

- Thế à" Cha có nghe ông Quang nói bố con đã mất nhưng không biết tin tức gì về mẹ con.

- Thục đang ở Iowa, chỉ có cháu Thủy mới dọn về làm việc ở vùng này.

- Quý hóa quá. Vào đây. Vào đây... Đưa số điện thoại của mẹ con cho cha. Cha sẽ nói mẹ con dọn về bên đây cho “vui vẻ cả làng”.

Cha Long đã gọi điện thoại và nói chuyện thật lâu với mẹ trong lúc bác Quang ngồi bên vừa mỉm cười vừa nháy nhó ra hiệu để cha Long đừng “bật mí” những khi cha định nhắc đến bác ấy. Trong lúc cha Long đang nói chuyện thì anh Tiến ghé vào để đón bác Quang về nhà. Bác Quang giới thiệu sơ sơ để hai chúng tôi làm quen với nhau rồi tiếp tục ngồi nghe cha Long nói chuyện điện thoại.

Tôi hơi run khi bắt tay anh Tiến vì cặp mắt anh ấy cứ ngó tôi chằm chằm. Tôi nghe chao đảo trong lòng. Tôi thì thầm theo hơi thở: “Chào anh”. Bác Quang ra hiệu cho anh Tiến dẫn tôi ra ngoài dạo chơi “để người lớn tâm sự”. Tôi theo anh Tiến ra ngoài nhưng anh ấy cứ đứng im như tượng bụt. Tôi cũng không biết mở lời ra sao nên cứ thẫn thờ bước về phía tượng đài Đức Mẹ La-Vang để nghe lòng mình gợn sóng vu vơ. Tôi với tay sờ vào một cành hoa giấy để tưởng nhớ về kỷ niệm. Tôi mơ ước mình vẫn còn giữ được cành hoa giấy năm xưa và lá thư tình của “người ấy”. Gần cả tiếng đồng hồ sau bác Quang mới bước ra:

- Hai đứa quen nhau chưa" Thủy nhớ không được nói với mẹ về bác đó nha. Mình phải dành cho mẹ con một ngạc nhiên.

- Cháu đâu dám nói dối mẹ.

- Không cần nói dối, chỉ đừng nhắc đến tên bác là được rồi. Nếu Thuỷ không bận thì ghé nhà bác chơi cho biết, ăn cơm rồi đi lễ luôn. Nhà bác ở gần đây thôi. Cha Long phải đi ăn cơm khách, ngài hẹn chiều nay lễ xong sẽ gặp lại Thuỷ để nói chuyện nhiều hơn.

- Cháu xin hẹn hôm khác sẽ tới làm phiền bác và anh Tiến. Hôm nay cháu phải đi mua vài thứ lỉnh kỉnh. Bác cho cháu xin địa chỉ và điện thoại, cháu nhất định sẽ tới thăm bác để hỏi thêm về chuyện ngày xưa...

- Nếu cháu bận thì bữa khác cũng được, nhưng bác cháu ta sẽ nói chuyện tương lai chớ chuyện ngày xưa thì có chi hay mà nói. Tiến viết địa chỉ và điện thoại cho Thuỷ đi con.

Anh Tiến lặng lẽ viết rồi trao cho tôi một tờ giấy. Tôi bỏ vội vào xách tay rồi gật đầu chào. Anh Tiến cũng chỉ “đắm đuối” nhìn tôi chứ không mở miệng. Người chi mà hà tiện lời nói thế không biết! Bác Quang thì ồn ào vui vẻ nhưng anh con trai lại cứ “câm như hến” làm tôi cũng không dám mở miệng.

Thay vì đi “shopping”, tôi lái xe về nhà gọi điện thoại cho mẹ. Me khen tôi ngoan vì đã tìm đến chào thăm cha Long. Mẹ vui vẻ khoe:

- Hai tuần nữa mẹ qua thăm con. Cha Long nói đã có người mua vé máy bay cho mẹ rồi. Mẹ từ chối mãi vì không muốn ngài phải trả tiền vé máy bay nhưng cha nói đã lo xong rồi, cứ ra phi trường đến quầy nhận vé mà đi thôi.

Tôi chợt nghĩ đến bác Quang. Có thể bác ấy đã đề nghị và sắp xếp mua vé máy bay cho mẹ chứ không phải cha Long; tuy nhiên, vì bác Quang đã dặn trước nên tôi đành nói lảng:

- Để con gọi lên nói lại với cha. Con sẽ trả tiền vé máy bay cho mẹ.

- Mẹ cũng nói rồi nhưng ngài không chịu. Ngài nói có ai cho ngài cái vé rồi con à. Mẹ sẽ tới Phi Trường BWI (Baltimore Washington International Airport) chiều Thứ Bảy, đúng hai tuần tính từ hôm nay, lúc 5 giờ chiều, hãng Delta. Nhớ ra đón mẹ nha.

- Dạ.

Mẹ tôi vui lắm. Giọng nói của mẹ nghe như trẻ lại vài chục tuổi. Mẹ tôi hớn hở kể cho tôi nghe về cha Long, về kỷ niệm của thời mới lớn ở thôn Bình, những năm đi học ở Vũng Tàu, lúc được chọn làm hoa khôi, nhiều người “trồng cây si”, rồi “theo chồng về xứ lạ” là cha tôi để nhiều người ngẩn ngơ tiếc nuối...

Sau thánh lễ tối Thứ Bảy, tôi theo cha Long ra ngoài dùng cơm tối với bác Quang và anh Tiến. Suốt hai tiếng đồng hồ tôi im lặng ngồi nghe cha Long và bác Quang ôn lại kỷ niệm hơn 30 năm về trước ở trường Trung Học Thánh Giuse – Vũng Tàu. Bây giờ tôi mới biết ngày đó cha Long muốn nhận cha tôi làm nghĩa tử để đi tu, nhưng vì vướng phải “tiếng sét ái tình” với một cô gái thôn Bình là mẹ tôi nên chẳng nghĩ gì tới việc tu hành nữa cả. Thỉnh thoảng tôi cũng hỏi thêm vài câu để tìm hiểu về “thời vàng son” của cha mẹ, còn “anh chàng Tiến” thì từ đầu chí cuối chỉ lo ăn và “trộm nhìn” tôi chứ chẳng nói câu nào. Mỗi khi bắt gặp ánh mắt của “hắn”, tôi nghe như điện giật, tay run run cầm đũa không vững! Bác Quang thỉnh thoảng cũng chăm chú nhìn tôi mỉm cười. Tôi cảm nhận được “tình cha” qua ánh mắt của bác. Tôi thực sự xúc động vì đã từ lâu lắm rồi tôi chỉ có mẹ...

* * *

Tôi gặp lại bác Quang vào sáng Thứ Bảy kế đó tại nhà xứ vì tôi đã hứa với cha Long mỗi ngày Thứ Bảy sẽ lên nhà xứ giúp ngài làm sổ sách giấy tờ vì giáo xứ chưa có điều kiện để thuê thư ký. Tôi lên nhà thờ từ sáng sớm với hy vọng được dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hoa giấy dưới ánh mặt trời ban mai. Tôi đến sớm lắm nhưng đã thấy bác Quang đang tưới cây cảnh chung quang tượng đài Đức Mẹ La-Vang. Bác ấy khen tôi ngoan hiền và biết “giữ chữ tín” vì trong tuần qua mẹ tôi và cha Long đã nói chuyện điện thoại vài lần, nhưng mẹ tôi không hề biết việc bác Quang sắp xếp mua vé máy bay cho mẹ sang chơi. Bác Quang còn “ra lệnh” cho tôi tuần sau cứ việc lên nhà xứ giúp cha, buổi chiều cho anh Tiến quá giang về nhà bác ấy dùng cơm tối, còn việc cơm nước và đón mẹ ở phi trường là của bác. Tôi sợ mẹ la nên năn nỉ hoàn tiền máy bay lại cho bác Quang nhưng bác ấy không chịu.

Tưới cây xong, bác Quang lái xe chở “cha thầy” đi thăm mấy người già và đau yếu trong giáo xứ. Bác ấy dẫn tôi vào nhà xứ chỉ chỗ “làm việc” cho tôi và nói lát nữa anh Tiến sẽ ghé qua giúp sắp đặt văn phòng lại cho thứ tự gọn gàng, cần gì cứ bảo anh ấy. Tôi nhìn vào đống giấy tờ và mấy cuốn sổ dày cộm nằm ngổn ngang trên bàn mà ngán ngẩm, băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu, và cha lại đi vắng nên không biết hỏi ai. Tôi dạo quanh nhà xứ một vòng rồi bước dần đến bên chậu hoa giấy lúc nào không hay. Tôi lại thả hồn mơ mộng về giàn hoa giấy ở quê ngoại và “người ấy”. Tôi ngắt một bông hoa thật lớn, khẽ nâng lên môi hôn nhẹ rồi ép vội vào cuốn sổ tay. Tôi định bụng sẽ về ép khô rồi đóng khung treo để nhớ mãi một kỷ niệm thật đẹp của ngày mới lớn... Tôi ngồi thẫn thờ bên chậu hoa giấy thả hồn tìm về dĩ vãng để nghe tim mình thổn thức nhớ thương một người — Nam ơi, giờ này anh ở đâu"

Tôi nghe thoang thoảng tiếng ai gọi tên mình nhưng vẫn ngồi yên.

- Thủy... Thủy...

Tôi lặng lẽ quay ra sau. “Người ấy” đã đứng đó tự bao giờ, với nụ cười nửa miệng và cũng “đôi mắt u uẩn buồn buồn” nhìn tôi không chớp mắt. Tôi rùng mình, ngỡ mình đang chiêm bao. Tôi bàng hoàng đứng bật dậy, chuẩn bị “chạy” nhưng rồi đứng sững lại, đỏ mặt ngượng ngùng vì người đang đứng đó là anh Tiến chứ không phải “người ta”. Tôi dở khóc dở cười không biết phải giải thích làm sao với anh ấy. Anh Tiến chậm rãi bước gần tới chậu hoa giấy đối diện, mỉm cười bảo tôi:

- Mình gởi Thủy...

Anh Tiến vừa nói vừa trao cho tôi một gói giấy mầu xanh. Tôi rụt rè không dám nhận nhưng chưa biết phải nói gì để từ chối. Anh Tiến lại nhỏ nhẹ:

- Thủy cứ mở ra xem rồi vất đi cũng không sao.

Anh Tiến dúi nhẹ gói giấy vào tay nên tôi đành nhận:

- Của anh Tiến làm sao Thủy dám vất... Anh Tiến cho Thủy cái gì vậy"

- Thủy cứ mở ra đi.

Tôi run run mở “gói quà” mầu xanh, vội vàng ngồi xuống ghế đá. Tôi choáng váng mặt mày, hình như máu tôi ngừng chảy và tim tôi muốn ngừng đập, rồi lại đập liên hồi như “trống ngũ liên”. Trước mặt tôi là một bông hoa giấy đã ép khô nhưng còn đẹp lắm, gắn trên một tấm giấy mầu xanh với dòng chữ “mến trao về Ngọc-Thủy, người ‘yêu’ hoa giấy, để nhớ về kỷ niệm. Nam.” Tôi vội vàng quỳ xuống bên chậu hoa giấy, mắt ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ, khoan thai làm dấu Thánh Giá rồi thầm thì đọc Kinh Kính Mừng. Anh Tiến cũng quỳ xuống xa xa... Tôi đứng lên nhưng vẫn chưa hoàn hồn, lững thững lê bước trở vào văn phòng nhà xứ. Anh Tiến cũng lẽo đẽo theo sau.

* * *

Ông bà ta vẫn thường nói “tình cũ không rủ cũng đến!” Anh Tiến (à quên, anh Nam) và tôi tuy chưa là gì của nhau, nhưng hai đứa đã “trốn nhà” lang thang một buổi chiều Chúa Nhật để “hàn huyên tâm sự” về mùa hè năm cũ. Bây giờ tôi mới biết “người ta” có 2 tên khác nhau. Tên trong giấy tờ là Tiến, nhưng ở nhà, cô Hương, mẹ anh ấy vẫn gọi là Nam. Anh Tiến mang nhiều mặc cảm vì “trâu chậm uống nước đục” nên vừa đi làm “full-time” vừa đi học “full-time”, chỉ rảnh rỗi buổi chiều Chúa Nhật.

Một tuần lễ qua nhanh, chiều nay mẹ tới phi trường, nhưng tôi vẫn miệt mài với sổ sách giấy tờ trên nhà xứ, hồi hộp chờ anh Tiến đi làm về để tới nhà bác Quang gặp mẹ. Đã hơn 5 giờ chiều rồi, giờ này chắc mẹ đã tới phi trường. Không biết bác Quang và mẹ có nhận ra nhau không (!)" Tôi cảm thấy nôn nao trong lòng vì sợ mẹ sẽ la nhưng tôi biết làm sao hơn khi cả cha Long và bác Quang đều muốn thế! Hôm nay anh Tiến lại về trễ vì mới nhận “uốn nắn” thêm một số cây cảnh cho gia đình một người Mỹ nào đó do cha Long giới thiệu. Tôi cảm phục tính siêng năng cần cù của anh Tiến nhiều lắm. Chúng tôi đã “hiểu” nhau hơn một tý, mặc dầu anh Tiến vẫn ít nói như ngày nào. Ba lần gặp mặt, anh ấy chỉ “ngắm” tôi và tủm tỉm cười chứ không nói năng chi nhiều. Tôi cứ phải hỏi lung tung để ép anh ấy trả lời. Tối hôm qua lúc gọi điện thoại cho tôi để sắp xếp chương trình chiều nay, anh ấy cũng chỉ nói vài câu rồi “im lặng thở” trong điện thoại. Biết tôi hơi khó chịu nên anh ấy xuống nước năn nỉ: “Anh thích nghe Thủy nói hơn!”

Tôi đi lễ chiều xong anh Tiến và mấy người bạn mới về tới nhà thờ. Anh Tiến muốn ghé chợ mua thêm một vài món do bác Quang đã dặn trước. Tôi “mè nheo” đòi anh ấy phải chở tôi về nhà trước rồi anh ấy đi chợ sau vì tôi đang nôn nóng muốn gặp mẹ. Năn nỉ không được nên “chàng” đành thả tôi trước ngõ rồi lái xe chạy tiếp. Tôi run run bước vô nhà, mặc dầu anh Tiến đã đưa chìa khóa cửa, nhưng tôi vẫn lưỡng lự không biết có nên mở cửa hay bấm chuông. Tôi muốn dành cho mẹ một ngạc nhiên nên nhẹ nhàng mở ví lấy chìa khóa. Tôi chưa kịp mở khóa đã nghe tiếng nói chuyện vọng ra từ phía sau nhà. Tôi đoán chắc mẹ và bác Quang đang ngồi trong nhà lưới phía sau vừa ngắm hoa vừa nói chuyện vì bác ấy trồng nhiều hoa các loại nên đẹp lắm. Tôi rón rén bước ra sau... Tôi nghe giọng mẹ nghẹn ngào:

- Tại ngày đó anh cứ chê Thục trẻ con.

- Thì lúc đầu cứ tưởng hai đứa mình là anh em họ hàng. Lỡ nhận làm anh họ của Thục nên phải đóng cho trọn vai trò... rồi âm thầm đau khổ ngắm nhìn hạnh phúc của hai người. Nhưng đó cũng là ý Chúa cả Thục à. Bây giờ ta làm lại từ đầu...

- Bây giờ già hết rồi anh Quang à! Tụi mình coi nhau là anh em, hy sinh cho bầy trẻ.

- Anh thấy hai đứa như mặt trăng với mặt trời, không biết rồi...

- Thục xin anh, chúng mình già hết rồi anh Quang à!

- Thì già mới cần phải nương tựa lẫn nhau để vơi bớt nỗi buồn xa quê cha đất tổ, bù đắp lại những gì chúng mình đã mất! Chắc hai đứa cũng sắp về rồi, chúng mình vô nhà chuẩn bị là vừa.

- Thục xin anh đừng...

- Thục cứ yên tâm. Ngày còn trai trẻ anh hy sinh được huống chi bây giờ!

Tôi choáng váng mặt mày! Tôi hiểu được phần nào những uẩn khúc của cha mẹ và bác Quang từ hơn 30 năm về trước. Tôi phải làm gì bây giờ" Anh Tiến chưa một lần mở miệng nói tiếng “yêu” với tôi! Bác Quang đã hy sinh cho tình yêu của cha mẹ tôi. Cha tôi đã mất! Cô Hương, mẹ anh Tiến cũng không còn! Tôi phải hy sinh “mối tình đầu” để bù đắp phần nào cho quãng đời còn lại của mẹ và bác Quang. Tôi run rẩy quay bước đi ra đường. Tôi muốn tạo điều kiện cho mẹ và bác Quang được “hạnh phúc vuông tròn” và tôi sẽ thực sự trở thành đứa “em gái” dịu hiền của anh Tiến. Tôi sẽ cố quên đi những tình cảm bồng bột của thời mới lớn và những gì chúng tôi “gầy dựng” trong hai tuần vừa qua để trở thành “anh em”. Tôi thẫn thờ lê bước ngược về hướng nhà thờ Việt Nam. Quãng đường dài hơn 3 cây số cũng không xa lắm! Tôi sẽ đến tìm gặp cha Long để hỏi rõ ngọn nguồn những chuyện xảy ra từ 30 năm về trước giữa cha mẹ tôi và bác Quang. Tôi sẽ xin cha Long nói giúp vào để mẹ tìm lại được niềm vui ngày cũ. Tôi còn trẻ, tương lai còn dài. Tôi sẽ hy sinh “chuyện tình” của tôi để mẹ và bác Quang được hưởng phần nào “hạnh phúc” trong phần đời còn lại!

Cuối cùng tôi cũng về tới nhà thờ Mẹ Việt Nam khi ánh mặt trời vừa tắt ở phương Tây. Một động lực vô hình đã kéo tôi đến ngồi trên ghế đá bên tượng đài Đức Mẹ La-Vang. Tôi bật khóc nức nở khi ngắm nhìn hai chậu hoa giấy đang chìm dần vào bóng đêm. Tôi ngước mắt nhìn lên tượng Đức Mẹ thầm thì khấn nguyện... Mẹ ơi! Con biết… con biết mình phải làm sao rồi...

Nguyễn Duy-An

(Viết thay “em tôi”)


Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,204,867
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến