Hôm nay,  

Mùa Xuân Kỷ Niệm

24/01/200600:00:00(Xem: 139595)
Người viết: LÊ TƯỜNG VI

Bài đặc biệt trích từ giai phẩm Việt Báo Tết Bính Tuất 2006

“Tôi qua US lúc 14 tuổi. Cả gia đình còn kẹt lại VN vào lúc đó. Tôi bảo lãnh cha mẹ sau khi ổn định và chúng tôi đoàn tụ năm 1995.” Tác giả Lê Tường Vi, hiện là kỹ sư trong một hãng tele-communication tại San Diego. tự sơ lược tiểu sử như trên khi gửi bài dự Viết Về Nước Mỹ. Kết quả Lê Tường Vi đã được trao tặng giải Chung Kết Duy Nhất Viết Về Nước Mỹ 2005, gồm 10,000 mỹ kim và tặng phẩm.

Sau đây là bài viết của Lê Tường Vi dành cho Việt báo Tết Bính Tuất, một hồi ký kể về những ngày tháng đầu tiên của cô bé Việt 14 tuổi, một mình bơ vơ trên đất Mỹ.

*

Chớp mắt, Âu nhìn ra cửa sổ. Màu trắng đục của sưong mù cho nàng biết buổi sáng vẫn còn sớm. Nếu như ngày bình thường Âu có thể duổi thẳng chân cuộn mình nằm ráng thêm vài phút trong cái mền ấm, kéo thêm vài phút hạnh phúc ngủ nướng. Nhưng hôm nay khác những ngày bình thường.

Âu tung chăn, nàng với cái áo khoác ngoài để sẵn cuối chân giường, mặc vội vào người, buộc dây gút lưng. Xỏ đôi dép, vuốt mái tóc dài cho gọn gàng, Âu đi mở cửa phòng ngủ, đi qua khỏi nhà bếp, xuyên phòng gia đình và cái patio thông ra vườn. Nàng bấm nhẹ combination mở khóa cửa, đẩy cánh cửa kiếng lớn vừa đủ cho nàng lách qua. Âu ngừng lại, hít thở vài hơi.

Lâu lắm rồi, Âu mới thở lại không khí trong lành của buổi sớm mai. Nàng băng qua bãi cỏ xanh, mở cửa nhà green house, lấy cái rổ và cái kéo làm vườn. Âu đi dọc theo luống hoa trong vườn, bên tai nàng vẫn văng vẳng nghe tiếng bà Hire dặn đừng bao giờ mua hoa cho bà, bà chỉ thích hoa trồng ở nhà, dù đa số là lá xanh. Sở thích của bà đôi khi làm Âu lúng túng, vì Âu không phải là dạng người có duyên nhiều với thực vật. Bao nhiêu bài học dạy làm vườn nơi bà Hire và bận rộn của đời sống, nhín lại chút thời giờ chỉ còn đủ cho Âu trồng vài loại hoa nàng ưa thích trong mảnh vườn nhỏ.

A kìa... Đám tea rose đã chớm nở đầu xuân. Đây là loại hoa Âu chuộng nhất. Nó được tạo nên giửa thế kỷ 19, hậu quả sự ghép hợp giửa hoa hồng Âu châu và hoa nhài Á châu. Hoa nhỏ, thơm dịu dàng, dể trồng hơn các loại lan nhiệt đới. Những cánh hoa bên ngoài như hoa hồng , nhưng bên trong như hoa nhài, rất ngộ nghĩnh. Trông nhỏ nhắn nhưng loại hoa này có sức chịu đựng bền bỉ. Suốt mùa đông nó trơ cành như sắp kiệt sức nhưng khi tiết xuân bắt đầu xuất hiện thì đám hồng nhỏ này nẩy mầm, vươn lên mạnh mẽ theo ánh nắng trước các loại hoa khác trong vườn. Âu vui vẻ cắt vài cành tea rose hồng đậm, vàng nhạt, tỉa bớt lá bỏ vô giỏ, thêm vài nhánh dương liểu tô điểm bình hoa ... Ô kìa, phía sau mấy gốc hồng, bụi cúc vàng đang nhớm nở. Hăng hái chồm qua bụi hồng để cắt vài nhánh cúc, bỗng Âu cảm thấy nhói cườm tay. Thả vội cây kéo vô giỏ, Âu bình tỉnh kéo cái gai nhọn của cành hoa hồng ra khỏi da. Xoa giọt máu rướm, Âu thấy vết gai đâm đã để lại trên da nàng vài lổ nhỏ. Khẻ đè vết thương cho bớt rỉ máu, Âu bâng quơ nhìn đám sương mù vẫn còn lãng vãng chung quanh, nàng chợt nhớ lại những buổi sớm mai ở Richardson, Texas 30 năm về trước.

*

Rút người trong cái áo dầy cộm quá khổ, cô bé lầm lủi bước vội tới trường. Hai ống chân muốn cóng lại nên cô phải cố bước nhanh. Thằng Vàn cũng vừa đi vừa chạy như Âu để xua đuổi bớt cái lạnh.

Trường của Vàn gần hơn nên nó vừa quẹo vô cổng trường tiểu học là Âu gia tăng tốc độ để mau tới trường mình, chui vô lớp có sưởi. Sương mù dầy dặc nên Âu phải cẩn thận kẻo quẹo lộn, lạc đường như tuần trước làm cơn lạnh kéo dài hơn thường ngày vài phút.

Cư trú nơi đây hơn 5 tháng rồi nhưng Âu vẫn cảm thấy cuộc sống của cô có vẻ tạm bợ sao đó. Sự thay đổi quá nhanh chóng chỉ trong mấy tháng nay làm Âu cảm tưởng mình như đang nằm mơ. Đôi khi thức giấc, Âu vẫn chưa xác định mình đang ở đâu, Nha Trang, Sàigòn, Phi-luật-tân, Guam, Pendleton hay Richardson " Mơ hay tỉnh" Có khi cả gần mấy giây sau khi quan sát cảnh vật chung quanh, Âu mới xác định được hiện tại.

Âu nhớ gia đình quay quắt. Trong nổi nhớ lồng thêm niềm lo sợ cho sự an toàn của mọi người. Hính ảnh Má mếu máo níu tay không nỡ rời khi xe chở Âu lăn bánh vô phi trường Tân Sơn Nhất và bay ra khỏi Việt Nam xôi đậu in hẳn vào trí óc của Âu. Tin tức về VN những ngày sau tháng Tư 75 trên TV càng thưa thớt dần, giờ gần như bặt tâm làm Âu vô cùng lo ngại cho gia đình.

Tới trường, Âu cởi áo lạnh vắt sau ghế ngồi, lấy sách trong ba-lô ra ôn bài. Học trò lục tục kéo vô lớp, những tiếng cười nói ròn rả của tuổi lứa tuổi mười mấy làm Âu thấy mình quá cằn cỗi so với các bạn học.

Âu ứa nước mắt, thở dài, nhớ Bố Mẹ, các anh, các em vô cùng. Giờ này mọi người ra sao" Sống chết thế nào" Trời ơi, sao lúc đó mình không dằn tay ra chạy về với Má" Âu cố tập trung vô những dòng chử trong sách, hình học vẫn là môn thích của cô nhỏ. À, hôm nay ôn bài cho test ngày mai, cô giáo viết một mớ bài làm trên bảng kìa ... Miên man tranh đấu giửa hai dòng tư tưởng, bỗng Âu giật bắn mình. Ây da!! Con gì cắn đau vậy" Quay lại xoa vai trái, Âu bắt gặp ánh mắt ranh mảnh của thằng Billy ngồi sau lưng. Thằng này chuyên môn phá phách và làm trò hề trong lớp nhưng chưa bao giờ đụng chạm tới Âu. Có lẻ vì cô nhỏ không trò chuyện với ai, trầm lặng đi học, vô lớp nghe giảng, làm, nộp bài đều đặn. Lúc mới vô lớp Âu ngồi ghế ở cuối phòng nhưng sau vài ngày cô giáo lôi lên, bắt ngồi bàn đầu nhưng vẫn không thay đổi thái độ ít nói của Âu. Vốn liếng ba năm Anh văn ở quê nhà và mấy tháng học nghe, nói trong trại Pendleton đủ cho Âu xử dụng trong trình độ cho lớp 8 xứ này. Nhất là môn toán, môn tủ của Âu, chỉ cần nghe cô giảng, về nhà đọc thêm là hiểu ngay. Cô thầy xứ này lịch sự, chấp nhận sự trầm lặng của Âu. Đôi khi họ xì xào với nhau khi nhìn về hướng con bé Á châu tị nạn nhưng Âu lờ đi. Cô quen dần những ánh mắt tò mò, thương hại nhìn về cô từ khi còn trong trại Pendleton. Âu trừng mắt nhìn thằng Billy, vẻ mặt vốn khó ưa của nó hình như phảng phất nét mờ ám.

Làm gần xong mớ bài toán cô giáo ra trên bảng, đang tính đứng dậy đi về phía cuối phòng để gọt nhọn bút chì bỗng cô nhỏ lại thót lên, úi da!!! Đau quá!! Phản ứng tự nhiên làm Âu chụp bả vai trái, vừa lúc thằng Billy ngồi xuống ghế của nó ngay phía sau lưng Âu. Nó cười mím chi và có vài tiếng khúc khích xung quanh. Ngạc nhiên, Âu nhìn vai mình, cô hiểu ngay. Billy gọt nhọn bút chì và đâm vai Âu khi đi ngang qua chổ cô ngồi, trước khi ngồi xuống ghế của nó. Cơn tức giận ùa tới, Âu nghiến răng, rủa thầm tiên sư thằng mất dạy, nhưng cô thầy ở VN đâu có dạy tiếng rủa Anh văn nên Âu không biết nói làm sao. Nhưng chẳng lẻ nhịn lần nữa" Âu bèn bắt chước anh Tư, nắm bàn tay lại, cung lên ngang vai ngầm dọa thằng Billy, cô rít nhỏ:

- You, monkey, stop it! (Mày, con khỉ, ngừng lại!)

Tuy rất khẻ nhưng vài đứa chung quanh thằng Billy vẫn nghe được. Bọn nó cùng ồ nhỏ làm cô giáo ngẩng lên, hướng về phía ồn ào, gắt:

- Be quiet ! (Im lặng!)

Âu lườm thằng Billy, quay người trở lên. Cô hiểu hai đứa đã âm thầm tuyên chiến với nhau. Nó gườm Âu ngay từ ngày cô mới bước vô lớp toán này. Thấy Âu làm xong bài mau lẹ, nó hay nhướng người lên coi trộm. Có khi nó khều lưng, gợi chuyện nhưng Âu không bao giờ trả lời. Tụi học trò kháo nhau là con bé này mute (câm). Âu hiểu hết nhưng cô không thèm cãi hay màng nói lại. Kỳ này, tuy Âu rít rất khẻ nhưng mấy đứa kế bên nghe được, chúng bàn tán:

- Ê, hình như nó nói" (Hey, did she talk")

- Không, nó lầm bầm thôi. (No, she just mumbled)

Mấy nhóc Mỹ xầm xì, mọi khi Âu chẳng đếm xỉa tới chúng, nhưng sao lần này Âu ức quá. Đang nhớ nhà muốn chết mà thằng phải gió này không để yên. Âu mím môi, không khóc, nhất định không... chợt thằng khốn lại đứng dậy tiến về cái hộp gọt bút chì ở cuối lớp, tiếng xầm xì chung quanh chợt tạm im, cả đám yên lặng theo dõi hành động của Billy. Âu cuối xuống quyển sách, nhưng mắt vẫn liếc theo dõi nó. Anh Tư chẳng nói phải theo dõi hành động địch thủ sao" Âu cố nhớ những lời dặn dò của anh. Anh Tư là vô địch trong xóm của Âu. Anh học giỏi, nhà Âu toàn anh em trai nên các anh phải phụ giúp Má làm việc trong nhà nhưng ra đường không thua ai đâu nhen. Có lần Âu bị thằng con bà cai trường bắt chẹt, Âu méc anh khi anh hỏi vì thấy hai hàng nước mắt khô còn in trên má nhỏ. Anh cung nắm tay như Âu vừa làm với thằng Billy khi nghe Âu và nhỏ Tường Trang thuật lại tỉ mỉ chuyện thằng con bà cai trường bắt hai đứa nhổ cỏ trong giờ chơi, hai đứa không chịu nên nó lột cái đồng hồ mới tinh Bố vừa mua cho. Ngay ngày hôm sau, anh Hai, anh Ba và anh Tư dắt hai nhỏ đứng góc đường, chờ thằng con bà cai đi ngang. Anh Tư túm nó, dội vô tường, thụi hai cái, bắt trả lại đồng hồ và đe nó còn đụng tới hai đứa các anh sẽ "dập" te tua. Từ đó, chẳng đứa nào dám phá Âu, có dù che mà. Âu phục anh sát đất. Anh còn tập Âu vài thế võ lộn ngược lộn xuôi, cách thụi, cách đá, nhưng bị Má bắt gặp hai anh em té lên té xuống, Má la quá xá. Má đe anh còn dạy hư em Má sẽ đánh đòn làm Âu hết học vật lộn thêm được nữa.

Liếc thằng Billy, vẻ mặt hóm hỉnh của nó thật khó ưa, như khiêu khích nổi xúc cảm đang sôi động trong tâm tư Âu. Billy quay cái ổ gọt viết chì vài vòng cho có lệ, đi chầm chậm về chổ ngồi. Thằng này chúa câu giờ, cô giáo sai biểu chuyện gì nó cũng rề rà kéo dài thời gian. Nụ cười ranh mảnh của Billy khi đi gần tới chổ ngồi làm Âu càng gai mắt. Nén nhịn, Âu cúi xuống quyển sách toán, chăm chú làm cho xong, bỗng cô nhói người, Úi da, thằng khốn kiếp ... Âu quay phắt lại, vừa lúc thằng Billy và mấy đứa chung quanh cười khúc khích. Vẻ mặt khinh khỉnh của nó làm Âu điên tiết, cô chồm lên, túm cổ áo của Billy, đưa bàn chân vào giửa hai chân Billy, xoay người vật nó xuống. Nhào tới, Âu nắm hai tay liên tiếp thụi vô người thằng mất dạy. Cô nghe văng vẳng tiếng anh Tư, khi đã nhào vô em không tự ngừng cho tới khi địch thủ hết cục cựa... Âu không biết thằng Billy còn cục cựa hay không vì lúc đó cả lớp tán loạn, hình như có tiếng cô giáo kêu stop. Tới khi có ai kéo ra khỏi thằng Billy, Âu còn vùng vẫy. Bao nhiêu xúc cảm đè nén mấy tháng nay được mở toang trong trận đấu. Cô bật khóc, nước mắt không kềm được chảy từng hàng xuống nhưng Âu mím chặt môi. Cô sẵn sàng lao vô thằng Billy tiếp nếu cần. Có lẽ cô giáo đoán được nên cô dìu Âu đi ra ngoài, ngối xuống băng đá trên sân cỏ. Cô lấy giấy chậm nước mắt, vuốt lại tóc và kéo áo Âu cho thẳng.

Vài phút sau khi Âu lấy lại bình tỉnh cô giáo nắm tay Âu dẫn xuống văn phòng bà hiệu trưởng. Thằng Billy đã ngồi ở đó. Âu trừng mắt nhìn nó. Hình như áo nó đứt vài khuy nút, cái túi áo bên tay phải bị rách, đầu tóc bù xù. Nó đang nói gì đó với bà hiệu trưởng, Âu nghe loáng thoáng "... just hit me... I don't know..." À, thằng này nói láo, tức quá, Âu vụt cãi:

- No, he poked me. Three .. (Không, nó đâm tôi, ba cái..)

Âu dơ 3 ngón tay, giơ tay chỉ cô giáo và bà hiệu trưởng coi 3 vết đâm còn dấu mầu đen viết chì lủng áo và xuyên vô da. Hai người cùng ồ lên, tròn xoe mắt quay lại Billy phát ra lời nói cứng rắn hơn. Billy cúi gầm xuống, không cãi nữa.

Cô giáo đứng cạnh, choàng vai ôm Âu vô sát làm Âu nhớ Má vô cùng, nước mắt lại muốn trào ra tuy cô nhỏ cố gắng ghìm lại. Sau đó, cô giáo chở Âu về nhà. Cô bảo Âu vô trong trước, còn cô ở lại nói chuyện với bà bảo trợ. Hai người thảo luận một lúc lâu Âu mới nghe cô giáo rồ máy xe ra về.

Đúng 4 giờ chiều, Âu vô bếp sửa soạn thức ăn cho 5 con chó của ông bà bảo trợ. Mỗi con có tô, thức ăn riêng tùy theo tuổi tác, nhưng con nào cũng có một lát thịt bò. Hàng tuần bà bảo trợ đi chợ mua một cục thịt bò to tướng khoảng 5 lbs. Bà bỏ vô lò hấp khô 2 tiếng đồng hồ, xong tắt lò, để nguội, lấy ra bỏ vô hộp để trong tủ lạnh. Phận sự của Âu là sửa soạn thức ăn cho chúng mổi buổi chiều.

Âu lấy 5 cái tô có tên riêng từng con, múc thức ăn mua sẳn có viết tên từng đứa trên mỗi nắp thùng. Xong xuôi Âu lấy hộp đựng thịt ra, cắt 5 lát, xắt nhỏ, trộn chung với thức ăn khô trong tô. Đám chó này giống Đức, loại Daschund lớn, chân ngắn. mình dài, rất khôn. Thỉnh thoảng bà bảo trợ cho chúng uống thêm thuốc bổ. Ông bà không có con nên cưng đàn chó như trứng mỏng. Hôm nay bà bảo trợ để tờ giấy dặn Âu cho con chó tên Hazel viên thuốc bổ xương. Âu nhìn hàng chai thuốc bổ sắp thứ tự trên bàn: thuốc bồ máu, mướt lông, bổ xương, à, đây rồi; strong bone là bổ xương đó mà. Âu lấy một viên thuốc màu xanh đậm, bẻ làm hai, rắc vô tô thức ăn của con Hazel. Hình như đó là con chó mẹ. Có con chó bà ngoại nữa. Con này già và đi đứng có phần chậm chạp. Tất cả đều có tên bắt đầ bằng chử H: Hazel, Henrietta, Henry, Hunter and Honey. Con Honey được cưng chìu hơn cả và hư nhất. Nó chuyên môn dành ăn với các con khác và ưa gậm nhấm thảm hay bàn ghế trong nhà tuy mỗi con có đồ chơi riêng. Âu để mỗi tô một vị trí riêng và mở cửa phòng bếp cho chúng vô. Cả bọn đang chờ bên ngoài. Như thường lệ, cánh cửa bếp vừa mở là chúng tung vào, trừ con Hazel thủng thẳng đi tới góc riêng của nó.

Âu bước tới gần cửa sổ, nhìn bâng quơ ra ngoài. Vàn đang tưới nước bãi cỏ trước nhà. Buổi chiều cuối thu ở thành phố Richardson này mau tối, mới hơn 4:30 đã như chạng vạng 7 giờ ở VN. Không biết giờ này Bố Má và các anh em ra sao" Có còn sống không"

- Oẳn!! Oẳn!!

Tiếng kêu của con Hazel làm Âu giật mình, ý, thằng Honey đang tranh ăn với con Hazel, Âu vội bước tới đẩy Honey ra, khẻ vô mông đit nó, mắng:

- Tránh ra, mày hư quá!

Nó giương mắt nhìn Âu, không hiểu vì Âu mắng nó bằng tiếng Việt. Âu đẩy nó ra xa hơn để con Hazel có thể tiếp tục nốt bửa ăn. Vừa lúc đó bà bảo trợ bước vô, bà có vẻ không bằng lòng khi thấy Âu đẩy con chó cưng của bà ra xa. Cúi xuống bồng nó lên, bỗng bà ta la lên:

- Chúa tôi ơi, chuyện gì xảy ra cho cưng"

Theo hướng nhìn của bà, Âu chợt thấy phía trên mủi của con Hazel rướm máu. Bà tức giận, quá hỏi Âu:

- Mày làm chúng nó sao thế"

Âu ngơ ngác:

- Ơ, tôi đâu biết, hình như con Honey ..

Âu muốn giải thích cho bà hiểu nhưng chử nghĩa biến đâu mất tiêu. Bà bảo trợ giận dử bước tới cửa sau bếp, kêu lớn:

- Tinh, Tinh, come in here, please! I need you. (Tinh, làm ơn vô đây! Tôi cần cô.)

Tinh là người đàn bà trung niên Việt, được bảo lảnh cùng lúc với Âu. Tất cả 4 người -2 người lớn, 2 đứa nhỏ: Âu 14 tuổi, thằng Vàn 11 tuổi, bà Tinh khoảng 40, và mẹ bà Tinh - Âu và Vàn gọi bà Nội Sáu- ở trong cái nhà xe sửa lại thành 1 phòng ngủ, 1 phòng tắm và phòng khách. So với đời sống hiện nay hơi chật, nhưng vào thời điểm đó chẳng ai buồn than thở hay phàn nàn chi vì so với đời sống trong trại vẫn khá hơn nhiều. Âu gọi bà Tinh bằng cô cho lịch sự chứ bà Tinh có bận rộn riêng cho cuộc sống hai mẹ con bà ta, ít bận tâm tới hai đứa nhỏ.

Bà Tinh đang ngả lưng nghỉ mệt sau khi đón xe bus từ sở làm về, nghe kêu vội chạy vô ngôi nhà lớn. Bà bảo trợ đanh mặt, nói một hơi dài, tay chỉ qua lại vào đám chó và phía Âu. Không đợi bà Tinh dịch lại Âu lên tiếng đính chính:

- Con không đánh con chó Hazel, con Honey dành ăn nên cắn nhau với nó. Con đẩy nó ra…

Bà Tinh nạt:

- Im đi. Còn cãi hả" Xin lỗi bả đi cho yên chuyện.

Âu tức quá, quay đi không nói thêm. Bà bảo trợ nhìn hai người, nói thêm một tràng, đại ý biểu bà Tinh phải giải thích rõ ràng cho Âu hiểu. Bà Tinh nạt nhỏ:

- Mày xin lỗi bà ấy đi. Còn đứng lỳ ra đó à"

Âu ném một cái nhìn về phía bà Tinh, mím môi không nói. Bà bảo trợ đang tính nói tiếp thì "bốp", bà Tinh sấn tới giáng cho Âu một cái tát. Bất ngờ, Âu lảo đảo lùi vô tường, tay ôm má rát bỏng. Cô nhỏ chưa kịp khóc thì bà bảo trợ giơ tay can bà Tinh:

- Enough. Let's prepare dinner. (Đủ rồi. Chúng ta sửa soạn cơm chiều đi.)

Chưa bao giờ Âu thấy cô đơn bằng lúc đó. Cái tát đầu đời làm tâm trí Âu tối sầm. Phải chăng lúc đó đất mở ra nuốt chửng mình Âu cũng bằng lòng.

Bà bảo trợ và bà Tinh mở những hộp thức ăn đông lạnh bỏ vô lò hấp nóng. Âu đi ra căn nhà nhỏ dắt bà Nội Sáu vô phòng ăn nhà lớn. Kéo ghế cho bà ngồi xuống, Âu phụ Vàn sắp xếp muổng nĩa, dĩa, giấy napkin trên bàn. Bà bảo trợ và bà Tinh mang các thức ăn hấp nóng và mọi người cùng ngồi vô bàn ăn. Bà Tinh vô tư thăm hỏi, chuyện trò với ông bà bảo trợ như mọi hôm. Ông bảo trợ quay sang hỏi Âu và Vàn:

- How about you kids" How's your day" (Còn đám nhỏ" Hôm nay ra sao")

Vàn đáp nhỏ:

- Good. (Tốt).

Âu im lặng. Ông bảo trợ hỏi tiếp:

- Âu, how about you"

Âu nhìn ông, gật đầu. Ông đã quen với tánh ít nói của Âu nên chỉ mỉm cười, gật gù:

- Good! Good!

Bà bảo trợ hắng giọng:

- Hôm nay Âu có chuyện. Chúng ta sẽ thảo luận sau.

Ông bảo trợ nhướng mày tỏ vẻ ngạc nhiên, nhưng quen chiều vợ nên ông không hỏi thêm. Bữa cơm chiều trôi qua trong im lặng. Âu cố nuốt cho trôi mấy món thức ăn nhạt nhẽo. Cô phụ mọi người sắp chén dĩa vô trong máy rửa chén. Bà bảo trợ sẽ cho máy chạy trước khi ông bà đi ngủ.

Âu đi thẳng về phía phòng ngủ của bốn người, khu vực riêng của cô là cái sofa màu xanh da trời nằm trong góc kế cửa sổ. Khi cần nằm xuống, dở 2 tấm nệm, kéo ra thành cái giường đơn. Ban ngày xếp lại thành cái ghế và là thế giới của Âu. Âu học bài, đọc sách, ngủ trong phạm vi đó. Thằng Vàn có cái ghế y hệt, màu nâu nhạt, đối diện với Âu. Có tấm bình phong giửa hai ghế được kéo ra trước khi ngủ. Âu ngồi thu mình vào ghế, nhớ tới cái tát tai hồi chiều và muốn trùm mền khóc một trận cho đả đời. Âu nhớ gia đình quá. Nếu có cha mẹ bên cạnh, Âu đâu có bị ăn hiếp thế này"

Bà Tinh đưa bà nội Sáu vô nhà, liếc phía Âu, bà bước tới, giọng dịu xuống:

- Hồi chiều thấy bà ấy giận quá nên cô đánh con để bà ta nguội xuống. Thôi, con rửa mặt, đi ngủ đi.

Lời giải thích của bà Tinh không xóa được tổn thương trong lòng Âu. Cô im lặng đi vô phòng tắm rửa mặt, cảm thấy mình như con cá trong rọ, không biết bơi đi hướng nào, vùng vẫy có thoát không" Âu nhớ lại lời nhắn nhủ của Bố trong lá thư nhét vội vào tay trước khi đẩy cô đi. Cô nhìn bóng mình trong gương, thở dài, có rửa bao nhiêu nước vẫn không xóa vết đỏ hằn lên má. Cô rờ nhẹ, hình như cái tát tai đối với bà Tinh rất bình thường, không ghê gớm như đối với Âu. Cảm giác hoang mang ban đầu đã vơi, thay vào đó một băng giá mới cho tâm hồn cô nhỏ. Âu nuốt lệ, cố trừng vào gương, bảo nhỏ:

- Ráng lên, cố học, cố sống cho Bố Má vui. Mày phải cố lên, Âu ơi !!

Âu tập nói chuyện với hình bóng mình từ khi vô trại mồ côi con nít ở Camp Pendleton. Chỉ có cách này giúp cho Âu tìm quân bình tâm tư để tiếp tục trong cuộc sống hiện tại. Mỗi lần tự chuyện, Âu tưởng tượng mình là chị con bé trong gương, khuyên bảo, dổ dành nó. Cô cảm thấy cục đá đè nặng tâm tư nhẹ bớt sau mỗi lần tâm tình trong tưởng tượng kiểu này.

Âu kéo giường, sắp xếp gối chăn đi ngủ. Thằng Vàn liếc về phía Âu, ánh mắt thương hại của nó làm Âu cảm động nhưng cô vẫn cố gắng không lộ vẻ yếu đuối bên ngoài.

Sáng hôm sau khi sương mù còn bao phủ dầy dặc Âu đã thức dậ. Mở cửa Âu đi nhẹ vô bếp làm thức ăn cho mình và Vàn. Hai cặp bánh mì sandwich, cá hộp tuna, trái táo cũng xong bửa ăn trưa giản dị. Âu nướng thêm bốn miếng bánh mì trắng, quết bơ và mức dâu, gói vô hai miếng khăn giấy. Âu và thằng Vàn sẽ vừa ăn bánh nướng vừa đi bộ tới trường. Tay cầm hai bịch giấy đựng thức ăn trưa và hai gói bánh nướng dợm ra khỏi nhà bếp, Âu lùi lại một bước khi thấy dáng bà bảo trợ hiện ra. Bà nói gì đó nhưng tai Âu lùng bùng nghe không rõ, vừa nói bà ta vừa chỉ về hướng cái điện thoại đang bỏ dở trên bàn. Hình như bà ta biểu Âu cầm điện thoại nghe thì phải. Âu để tạm các gói thức ăn lên bàn, bước tới cầm điện thoại lên. Cô nói nhỏ:

- Hello"

Tiếng bà Hire vang lên:

- Hello dear, how are you"

Cục nghẹn bổng dưng từ đâu tràn vô cổ họng khiến Âu nói không nên lời.

. . .

Bà Hire là người quen với gia đình Âu ngày xưa trước khi Âu chào đời. Chồng bà lúc đó là Commander Hải quân ở Nha Trang và láng giềng của gia đình Âu thời đó. Ông bà ở Nha trang 2 năm và rất thân thiện với hàng xóm Việt chung quanh. Trước khi rời VN, Bố dúi cho Âu địa chỉ của ông bà, Âu đưa cho cô thư ký xã hội người Mỹ chuyên phụ trách đám con nít vô gia cư nhưng rất tiếc không có ai trả lời điện thoại khi cô gọi. Địa chỉ này bà cho gia đình Âu hơn 15 năm rồi, chắc bà không còn cư ngụ ở đó nữa. Âu không thất vọng lắm, sau tháng 3-75 với bao dồn dập, Âu quen dần với những biến cố thay đổi, thêm bớt vài chuyện có sao đâu. Bốn tháng trong trại tị nạn, Âu theo học các lớp đàm thoại Anh văn. Vốn liếng Anh văn sẵn tạm đủ để cô nhỏ nắm vững phần văn phạm, bổ túc thêm ngữ vựng và cách phát âm Âu có thể xử dụng Anh ngữ tàm tạm. Lúc gần rời trại, Âu đã có thể làm thông dịch viên chút chút cho cái trại con nít của cô. Đa số các em trong trại này đã giúp việc cho các gia đình khá giả hoặc được gởi gấm theo người quen. Nhưng vô trại xứ lạ, các gia đình này không muốn cưu mang thêm trách nhiệm nên trao cho xã hội quyết xử. May xứ Mỹ này từ thiện, Âu rùng mình khi nghĩ nếu mình lạc vô xã hội Á châu nào khác chắc số phận sẽ muôn phần bi đát.

Hai tuần trước khi rời trại, cô giáo ra đề tài viết thư. Âu bèn viết một lá thư đưa cho cô, nhờ gởi theo địa chỉ bà Hire, không hy vọng lắm. Vậy mà khi buổi sáng loa phát thanh kêu tên lên nhận thư, Âu gần té nhào vì run quá, chân bước không nổi. Cầu xin trong gia đình có ai đó đi thoát. Âu ba chân bốn cẳng chạy lên nhận thư. Cô nhìn tên người gởi, thất vọng vì không phải tên ai trong gia đình, mà là thư trả lời của bà Hire. Bà cho biết đã đi nghĩ mát dài hạn thăm bà con cho nguôi ngoai nổi buồn ông Hire qua đời. Mới trở về, nhận thư Âu bà rất vui mừng, vội trả lời ngay. Bà cho hay cuối tuần này, sau khi đi lể nhà thờ bà sẽ vô trại thăm.

Âu đọc thư bà không khó khăn lắm. Chắc đã từng sống ở VN nên bà viết thư cho Âu rất giản dị.

Âu cất lá thư vào túi, không nói cho ai biết. Cách sống trong khu vị thành niên này có phần phức tạp nên Âu chưa thân thiện với ai nhiều. Cái nhẩn vàng Má cho trước khi đi đã lôi cuốn bao nhiêu cặp mắt tò mò làm cô không dám đeo vô tay nữa. Cô xin kim băng nơi phòng y-tế và cẩn thận gài cái nhẩn vô áo trong. Cô luôn lẩn quẩn ở lớp học, phần lớn do Âu cảm thấy an toàn nơi có sách vở. Thấy thầy cô thân với Âu, bọn hung dử trong trại có phần nể nang, không phá bậy, phần có khi cần thông dịch chút chút, Âu làm dùm cho nên chưa xảy ra chuyện gì quá đáng.

Trưa chủ nhật Âu đang ngồi lẩm nhẩm phát âm vài chử khó khăn thì một bà lớn tuổi, người da trắng, dáng thon thả, mái tóc đỏ chải khéo, vén màn lều bước vô. Bà nhìn chung quanh, lên tiếng gọi:

- Hello" Au" Au" Which one are you" (Âu, Âu là đứa nào")

Âu vội đứng dậy, giơ tay, nói nhỏ:

- It's .. me! (Là .. tôi).

Bà bước tới, choàng vai Âu, nói:

- Chúa tôi, sao giống mẹ của you quá.

Ôm mặt Âu trong hai bàn tay, bà Hire nhìn Âu với tia mắt tràn đầy thương cảm, luôn miệng xuýt xoa sao Âu ốm quá. Bà lôi trong giỏ ra một mớ quần áo, thức ăn để lên ghế bố của Âu. Khi bà hỏi thăm về gia đình, Âu òa khóc làm bà bối rối, ôm Âu vào lòng, vuốt vai dổ dành bằng lời nói dịu ngọt. Âu cho bà biết chỉ có Âu đi thoát. Tiếng Anh của Âu rất giản dị nhưng bà hiểu hết. Bà ngồi chơi với Âu hơn 30 phút rồi nói phải đi ra ngoài hỏi giấy tờ gì đó.

Ngày nhận thơ của bà Hire cũng là ngày Âu được ban quản trại cho biết cô đã có người bảo trợ ở Texas. Bà Hire trở vô lều, cho biết bà vừa hỏi qua chuyện bảo lảnh của Âu, được biết thứ Tư tới Âu sẽ lên đường. Bà nói sẽ trở lại gặp Âu trước ngày đi. Vuốt tóc Âu, bà nói:

- Hẹn gặp lại nhé. Chóng ngoan.

Vẫy tay chào, bà bước ra về với bà bạn đi theo.

Âu nhìn theo, không biết vui hay buồn. Mấy tháng nay tâm tư cô nhỏ gần như đông lạnh. Đôi khi mọi chuyện xảy ra hiện tại làm Âu có cảm tưởng như cô đang coi khúc phim nào đó do chính bản thân mình thủ diển. Thằng Vàn chạy qua ngồi lên ghế bố của Âu, hỏi:

- Bà ấy cho chị nhiều đồ nè. Em coi nhen.

Vàn cũng là thuộc diện mồ côi như Âu. Lúc mới vào trại, nó tấm tức ngồi khóc một mình hoài. Vô tình ghế bố của hai đứa đặt cạnh nhau. Có hôm đi tắm về, xà bông còn dính trong tóc, áo cài nút hột trên hột dưới, trông Vàn thật thểu não làm Âu động lòng, lấy nước gội lại đầu và gở tóc, cài áo dùm nó. Từ đó, Vàn theo Âu như hình bóng. Dần dà, ai cũng nghĩ là chị em. Lúc khai giấy tờ, hai đứa đứng một hộ luôn.

Âu gởi bà Hire tấm thiệp sau khi cô định cư ở thành phố Richardson, Texas. Bà Hire có gọi điện thoại cho bà bảo trợ và hai người trao đổi vài câu thăm hỏi. Thỉnh thoảng bà vẫn gọi cho Âu sau khi bà đi lễ nhà thờ mỗi chủ nhật. Bà cho biết bà có bảo lãnh cặp vợ chồng trẻ tên Lộc và Bé. Chị Bé đang mang bầu và sắp sinh nở bất cứ lúc nào.

. . .

Bước tới cầm điện thoại lên, Âu nghe tiếng bà Hire ngay sau khi cô chào hello với bà:

- Ta vừa nghe được những gì xảy ra trong lớp học của con. Con kể lại đi.

Âu cắn môi, không biết trả lời sao thì có tiếng chú Lộc vang ra:

- Chuyện gì xảy ra Âu nói cho chú biết, chú dịch bà nghe cho.

Chú Lộc vốn sinh viên trường đại học văn khoa ở VN nên chú rành rõi Anh văn. Âu kể cho chú nghe chuyện thằng Billy đâm áo cô và hai đứa ẩu đả cho chú Lộc nghe, chú dịch cho bà Hire trong cái điện thoại thứ hai của bà. Điều này làm bà bảo trợ khó chịu. Bà vẫn cấm bốn người VN nói tiếng Việt với nhau, nhất là có sự hiện diện của ông bà. Sau vài phút nghe Âu nói tiếng Việt, bà bảo trợ bước tới, dằng điện thoại ra khỏi tay Âu, bà hỏi với giọng cáu kỉnh:

- Ai đây"

Họ trao đổi với nhau vài câu, hình như có tiếng bà Hire nên bà bảo trợ dịu giọng, bà ngoắc Âu tới và trao điện thoại lại cho Âu. Tiếng bà Hire đầy vẻ quan tâm:

- Dear, are you happy"

Âu lắc đầu, nhưng sực nhớ bà không thể thấy mình, cô nói nhỏ:

- No.

Bà hỏi tiếp:

- Con có muốn về đây không"

Âu nghẹn lời:

- Yes.

Bà thở ra, nói nhỏ:

- OK, dear. Mọi chuyện sẽ giàn xếp sau.

Sau đó, bà bảo Âu đưa điện thoại cho bà bảo trợ.

*

Vàn đúng chờ bên ngoài hơi lâu nên đã vô nhà bếp kiếm Âu. Nó ngại gặp bà bảo trợ nên ít khi vô nhà lớn. Công việc của Vàn là tưới cây cỏ bên ngoài nên chẳng cần vô nhà trừ khi ăn tối. Hai đứa mặc cái áo ấm dầy cộm, đi bộ ra đường được vài phút thì bà bảo trợ rề xe hơi tới bên cạnh. Âu ngạc nhiên vì bà vốn ít đi ra ngoài, huống chi buổi sáng sớm lạnh lẽo thế này. Bà ngoắc hai đứa lại, ý bảo vô xe bà chở đi. Vàn chùn chân, đứng lại nhưng Âu kéo nó theo vô xe vì cô biết nếu đi bộ hai đứa sẽ trể giờ. Suốt đoạn đường, cả ba im lặng cho tới khi bà ghé qua trường của Vàn, thả nó xuống. Vàn ném cái nhìn lo ngại về phía Âu rồi quay đầu đi thẳng vô trường. Còn lại Âu với bà bảo trợ, vẫn nhìn phía trước, bà hỏi Âu:

- You có muốn về California không"

Âu cắn môi, đi, ở, khác gì nhỉ" Nhưng khi ngẩng lên nhìn vẻ mặt nghiêm khắc và nghĩ tới đám chó cưng của bà, Âu gật đại:

- Yes, I do want to go to California.

Ba` gật đầu:

- Alright then. That settled that.

Thả Âu xuống trường, bà quay xe đi, không nói gì thêm. Cả buổi học hôm đó không thấy thằng Billy vô lớp.

Tan học, Âu đi bộ ngang trường thằng Vàn, đón thằng bé đang đứng chờ sẵn. Vàn nhỏ con hơn các bạn đồng lứa, trông nó càng nhỏ hơn khi mặc cái áo ấm rộng thùng thình. Thằng này lạ, trời nóng hay lạnh đi đâu nó đều mang theo cái áo quá khổ này. Âu nhìn nó, thấy thương thằng bé:

- Mai mốt chị đi khỏi đây Vàn ạ.

Vàn hoảng hốt:

- Chị đi đâu" Chị đừng bỏ Vàn chị ơi!

Vàn mếu xệch, bật khóc thút thít, vừa đi vừa níu áo Âu. Tiếng khóc của Vàn bứt đổ cái đê tâm hồn Âu. Hai đứa kéo nhau ngồi bệt xuống bờ hè vắng, ôm nhau khóc nức nở. Vàn là đứa nhỏ hiền lành, để nó ở với bà bảo trợ hình như có chút nhẫn tâm nào đó. Âu bỗng lóe ra tia sáng, hay mình hỏi thử bà Hire cho Vàn đi theo. Ờ, nhờ chú Lộc hỏi bà Hire, Âu có số điện thoại mà. Âu định bụng ngày mai đi học sẽ hỏi nhờ cô giáo toán gọi dùm. Dùng tay áo chùi nước mắt, Âu quay qua hỏi Vàn:

- Vàn muốn đi theo chị không"

Vàn giật mình:

- Bỏ nhà hả chị" Họ bắt được đánh chết sao"

Âu thương nó quá. Chắc hồi nhỏ Vàn có ăn đòn nên rất sợ bị đánh đập. Bận rộn với riêng bản thân, Âu chưa tìm hiểu mấy về Vàn. Chỉ biết gia đình mang Vàn theo bỏ nó lại nên nó tấp vô trại tị nạn cùng Âu, lưu lạc qua đây. Âu nắm tay Vàn:

- Không, không phải trốn đi. Mình qua California ở với bà Hire. Bà Hire vô thăm chị hồi ở trong trại đó, Vàn nhớ không"

Mắt Vàn sáng lên:

- À, cái bà mang cho bơ đậu phải không chị"

- Ờ, đúng đó.

- Đi, em đi với chị. Bà đó hiền hơn bà bảo trợ há chị "

Hai đứa nhìn nhau, chùi nước mắt trong nụ cười đồng ý, đứng lên tiếp tục đi về. Nghĩ tới phải cho đàn chó ăn buổi chiều sao Âu ngán ngẩm.

Sau bữa cơm tối, nghe tin Âu sẽ về nam Cali, bà Tinh trầm ngâm. Âu đoán bà nghĩ tới phiên bà cho đàn chó ăn nếu Âu không còn ở đó nữa. Bà Tinh hỏi Âu số điện thoại của bà Hire. Sau bữa cơm, bà rủ Âu và Vàn đi bách bộ với mẹ con bà. Bà Tinh dắt mọi người đi một mạch tới một trạm điện thoại công cộng, và bà quay số điện thoại của bà Hire. Bà tự giới thiệu và bảo với bà Hire có Âu đang đi cùng. Bà nói nhỏ lại làm Âu nghe không rõ nữa. Khoảng 20 phút sau bà Tinh cúp máy, thở phào:

- Rồi, cả nhà mình đi về Cali.

Bà quay lại nhìn Âu, cái nhìn thân thiện đầu tiên Âu nhận được nơi bà dù đã sống chung hơn năm tháng nay. Bà hỏi âu yếm:

- Con lạnh không "

Âu chợt rùng mình:

- Dạ, không lạnh mấy.

Âu lui lại phía sau, đi chung với Vàn. Vàn nghe mọi người cùng đi nó vui hẳn ra mặt. Âu tự nhủ phải tìm hiểu thêm về thằng bé này, bao lâu nay Âu chìm trong nổi đau khổ riêng, không để ý tới thằng bé đáng thương đi chung với mình. Vàn hiền lành chịu đựng những bất công mà không hề tranh đấu, chống trả dù âm thầm như Âu. Âu nhớ có lần người bạn của bà Tinh ghé thăm -trước khi tập trung vào trại trẻ dưới tuổi vị thành niên, Âu và Vàn ở chung lều với vài gia đình khác, trong đó có bà Tinh và cụ Sáu. Bà bạn này có chồng thiếu tá, bà xì một tiếng khi nghe bà Tinh kể chuyện hai đứa trẻ lạc loài ở chung lều:

- Hơi đâu mi lo chuyện bao đồng, nuôi chi ong tay áo, khỉ dòm nhà.

Cho tới bây giờ, Âu vẫn không quên được giọng nói lạnh lùng của bà thiếu tá Mai. Đó là bài học quan trọng Âu vẫn nhớ, không bao giờ cô cho phép mình có bản tánh dửng dưng như bà ta.

Không rỏ bà Tinh nói chuyện với bà bảo trợ, bà Hire những gì, nhưng sau đó, mọi người bắt đầu xếp những vật dụng vô vài thùng giấy xin được ở tiệm thuốc tây gần nhà. Âu chẳng có gì nhiều mang theo, vài bộ quần áo, vài tập sách, thế thôi.

Tỉnh nhỏ nên tin tức loan tải nhanh. Hôm sau cô giáo dạy cả lớp vài điều về tiểu bang California, và cô chúc mừng Âu may mắn khi dọn về nam Cali. Cô bảo đó là "golden state" (tiểu bang vàng) của xứ Mỹ. Vài trò trong lớp tỏ vẻ thân thiện với Âu hơn sau lần ẩu đả với thằng Billy. Âu phì cười khi đám con nít da trắng xì xào rằng Âu giỏi "kung fu" như Bruce Lee gì đó. Ngày cuối cùng rời lớp, thằng Billy xuất hiện, nó chìa tay làm quen với Âu và nói lời xin lổi. Âu bắt tay nó và cả lớp vổ tay. Hay thật, Âu học thêm bài học mới, sự thân thiện có thể xóa hận thù nếu trái tim chịu mở rộng.

Ông bảo trợ ôm hai đứa nhỏ vào lòng và dặn dò vài lời. Ông buồn thật vì Âu thấy mắt ông ướt hơn mọi ngày. Bà bảo trợ bước tới bắt tay từng người và chúc cuôc hành trình may mắn. Sau đó ông chở mọi người ra xe bus Greyhound bắt đầu chuyến viễn tây.

Từ Texas qua San Diego mất 3 đêm bốn ngày vì xe đò phải ghé nhiều trạm, mỗi trạm ngừng lại vài giờ cho hành khách ăn uống, vệ sinh, đón khách vv..

Lần đầu tiên đi chuyến xe dài nhưng Âu và Vàn không thấy mệt. Xe chạy xuyên tiểu bang New Mexico, Arizona. Cả nhà ngủ luôn trên xe, may là dân Á đông nhỏ con nên cái ghế xe kéo dài, ai cũng nằm vừa vặn thoải mái.

Thời tiết San Diego quả tuyệt dịu, tháng giêng còn se lạnh nhưng nắng sáng rực rỡ.

Bà Hire chờ sẳn ở trạm GreyHound San Diego. Tuy thời gian với bà rất ít, Âu vẫn cảm thấy gần gủi với bà hơn ai từ khi rời gia đình. Bà tươi cười, thân ái chào đón mọi người về nhà. Vợ chồng chú Lộc vừa dọn ra ngoài hai tuần trước. Chú kiếm được việc làm, thím ở nhà trông em và lảnh đồ về may.

Chiều hôm sau, chú thím ẳm em bé tới thăm. Trò chuyện thăm hỏi, bổng thím Lộc bấm đốt tay:

- Ủa, hôm nay 23 Tết. Chà, làm sao cúng ông Táo về trời đây hỉ"

May mắn bà Hire đã từng ở VN nên bà hiểu phong tục Tết nhất xứ Việt. Bà thông cảm khi đám dân Việt thắp nhang khấn vái trời đất trong khu vườn sau nhàg tuy bà rất sùng đạo thiên chúa.

Tối hôm đó, Âu và thằng Vàn cùng thắp nhang cầu xin cho gia đình còn lại ở VN may mắn, xin cho tương lai hai đứa được đoàn tụ với gia đình. Âu nhớ mãi câu hỏi của thằng bé:

- Chị ơi, sao gia đình đang vui bổng xa nhau vậy chị"

Âu không biết giải thích sao cho nó hiểu. Vuốt tóc Vàn, Âu nói:

- Chị không biết. Mai mốt lớn lên mình sẽ hiểu.

Sáng mồng một, bà Hire mừng năm mới bằng cành đào tươi trong vườn trái cây của bà. Mùa Xuân thoáng ẩn hiện, sưởi ấm phần nào trong những tâm hồn viễn xứ.

Cuộc sống bắt đầu dịu xuống nhưng không kém phần kích động, thử thách của những năm tháng đầu trong cuộc đời tị nạn. Âu và Vàn tiếp tục đi học, bà Tinh kiếm việc làm và khoảng ba tháng sau, bà dọn vào một căn apartment gần đó với bà Nội Sáu.

Bà Hire dậy sớm nấu món ngủ cốc (oatmeal) để cả nhà dùng điểm tâm. Bà bảo ăn ngủ cốc rất tốt cho trí óc, nhưng hai đứa trệu trạo nuốt món oatmeal mỗi buổi sáng. Món gì nhạt nhẻo, trộn thêm ½ ly sữa, lỏng bỏng thấy mà ghê. Hai chị em bưng tô húp cho mau hết bị bà Hire la, bắt ngồi thẳng lưng, trải napkin trên đùi, cầm muổng múc ăn theo từ tốn chớ không bưng húp như cháo. Ăn hết tô oatmeal, bà cho hai đứa ăn bánh mì nướng trét bơ, mứt và sau đó, phát cho mổi đứa một bịch giấy đựng thức ăn trưa. Hai đứa vừa ăn bánh mì vừa đi bộ tới trạm xe bus đón xe tới trường. Tan trường, xe bus chở về trạm và đi bộ về nhà. Bà Hire thường giao công việc cho mỗi đứa trên tấm bảng nhỏ treo trên cửa tủ lạnh. Âu vẫn nhớ gia đình quay quắt nhưng những bận rộn cuôc sống hàng ngày không cho cô nhỏ nhiều thời giờ cho tâm sự riêng nữa.

Vài tuần sau khi bà Tinh dọn ra ngoài, sở xã hội liên lạc và hẹn ngày giờ tới thăm Vàn và Âu. Âu lo quá, cô chỉ muốn cuộc sống thôi đừng thay đổi nữa. Gió bão ơi, xin ngừng, thôi đừng thổi con tàu nhỏ nhoi này nữa. Âu không dám nói cho Vàn biết bà social worker sắp tới thăm vì chính Âu cũng không có câu trả lời cho những câu hỏi chung của hai đứa.

Bà social worker tới như đã hẹn trước. Sau khi làm giấy tờ chi đó với bà Hire, bà đưa hai chị em đi bộ ngoài công viên gần nhà, bà cho biết hai đứa từ giờ trở đi thuộc về con của xã hội, và bà là người đại diện cho cơ quan này. Có chuyện gì lạ hay khó xử hai đứa phải gọi điện thoại cho cơ quan ngay. Âu ngạc nhiên, thế còn vai trò của bà Hire" Bà bảo trợ cho biết rằng bà Hire là người quản gia nội trú cho cơ quan; nghĩa là bà Hire cung cấp nhà, thức ăn, cơ quan đền bù lại. Đền bù lại" Âu chưa hiểu thấu nhưng bà xã hội không nói hơn nữa.

Thời gian sau căn nhà bà Hire đón thêm vài nhân vật mới. Bà cho biết đó là một cậu nhỏ 14 tuổi người Việt vượt biên qua tới Mã Lai mới tới Mỹ. Cả nhà chuẩn bị đi đón thành viên mới này. Khi gặp Lực, Âu biết ngay cậu này không phải 14 tuổi như mọi người tưởng, vì vóc dáng Lực nhỏ nên có thể nói dối người bản xứ, chớ giửa người Việt với nhau thì .. rỏ ràng quá. Sau này Lực cho hay cậu ta 18 tuổi rồi. Ở đảo ai cũng xúi khai nhỏ tuổi, Mỹ 'cưng' hơn. Lực vốn là dân đánh cá ở miền Trung, thấy thiên hạ vượt biên cậu ta tò mò muốn đi theo chơi. Một hôm ông chú chủ ghe giao cho Lực đưa người ra ghe lớn, Lực nổi tính phiêu du nhảy lên ghe đi luôn. Tới đảo Mã Lai vài tuần cậu ta chán nhưng nghe dọa nếu về VN sẽ bị tù đày, lại nghe nói đi Mỹ bằng máy bay, xe hơi nên cậu phiêu du tiếp. Ai ngờ tới Mỹ bị đi học Lực rầu quá. Hồi ở VN Lực học xong lớp hai là bỏ học đi lưới cá nên quen cảnh biển cả mênh mông, giờ ngồi trong lớp kề cạnh sách vở, công thức cậu ta quá chán. Sau khi kèm cho Lực một thời gian Âu chịu thua thôi kèm vì anh chàng quá lười, chí thích nghe nhạc hay đi long rong ngoài đường. Bà Hire giao công việc hàng ngày Lực lờ đi bị bà càm ràm mãi làm Âu cũng nhức đầu. Có hôm giận quá, bà bắt Lực hút bụi trước mặt bà cho Lực hết giả vờ với câu: "I don't know".

Lực hầm trong bụng vì không còn ngõ trốn, vừa hút bụi cậu ta vừa lầm bầm hát theo vở điệu rock'n roll của cô ca sĩ Linda Ronstadt:

- Ớ ơ … you no good… you no good .. ơ ờ..

Âu và Vàn đang lau chùi bàn ghế phía nhà trong bụm miệng nín cười thành tiếng trong khi bà Hire nhìn đăm đăm thằng láu cá:

- Hả" What you say" Are you talking back to me" (Nói gì" Trả lời ngược hả")

Lực giả ngu:

- No, grandma, I sing like on radio, ok" (Không, con chỉ hát như trong ra-dô).

Bà hỏi Âu có bài hát như Lực nói không" Âu đành trả lời thật là có làm Lực vênh mặt hênh hênh tự đắc.

Vài tháng sau sở xã hội giao lại cho bà Hire thêm vài vị thành niên quá tuổi. Tất cả ở chung phòng với Vàn làm cậu nhỏ mất sự yên tỉnh. Vàn cứ chạy vô phòng Âu tìm sự im lặng, trật tự của những ngày trước đó. Các thanh niên này thật sự lớn tuổi hơn Vàn nhiều nên những mẩu chuyện họ đưa ra thật không tốt cho đứa trẻ còn ngây thơ như Vàn. Bà Hire không hiểu tiếng Việt, bà không biết tuổi thật của những anh con nuôi mới, cứ tin số tuổi sở xã hội thông báo.

Có khi mấy người này lén mua bia nhậu hay hút thuốc sau vườn làm Âu lo ngại cho sự an toàn của hai chị em.

Âu đang bối rối thì bà Tinh đưa ra giải quyết mới: hay Vàn và Âu trở về sống chung với hai mẹ con bà"

Âu hiểu lắm. Cô và Vàn được sở xã hội trả số tiền đủ trang trải chi phí mướn, ăn cho cái apartment 3 phòng cho bốn người. Ngược lại,hai đứa được trở lại cuộc sống tương đối êm lặng hơn nhà bà Hire thời đó. Vả lại, apartment sẽ dọn tới không xa nhà bà Hire, Âu có thể đi bộ tới thăm bà dể dàng. Có sự quan sát thường xuyên của bà social worker nên hai đứa sẽ không bị ăn tát tai bất tử. Thỉnh thoảng bà Tinh có những cơn nóng giận vì chuyện gì đó ở trong sở làm, bà về nhà trút cơn nóng nẩy vô bếp nên soong cơm, nồi cá có khi bay ra ngoài sân vô tội vạ. Những lúc này, hai chị em rút vô phòng, chúi đầu đọc sách chờ con bão qua cơn thịnh nộ, ra sân lượm nồi niêu vô nấu mì gói ăn tạm. Có hôm đoán mưa sắp tới, bà Nội Sáu bảo Âu đưa bà đi bách bộ chung quanh khu công viên chờ mây đen trôi qua mới về lại nhà. Vừa đi bà vừa kể cho Âu nghe nhiều chuyện thời thơ ấu mất mẹ, chuyện tình lãng mạn dở dang thời con gái, kết thúc khi bà đi lấy chồng theo sự sắp đặt của người cha, chuyện bà trốn vùng cộng sản về miền tự do, và cuối đời bà lại chạy cộng sản lần nữa. Những câu chuyện của bà Âu nghe tưởng chừng xa vời như chuyện cổ tích của khung trời nào xa lạ, nhưng thật sự xảy ra trong quá khứ gần gũi và ngay trên mảnh đất quê hương phía bên kia bờ Thái bình dương.

Âu biết nàng phải tự túc khi tới tuổi trưởng thành, không còn trợ cấp xã hội nên nàng ráo riết học cho mau hết những môn đòi hỏi ở bậc trung học.

Âu dọn ra ngoài ở riêng khi nàng 18 tuổi, thật sự dấn thân vào cuộc đời. Vừa đi làm vừa đi học đòi hỏi sự phấn đấu không ngừng của cá nhân nhưng mỗi lần nản chí, Âu nhớ câu Bố viết trong lá thư cuối cùng nhét vội vào tay cô: "…dù cho lâm vào hoàn cảnh nào trong địa ngục cộng sản này, Bố Má vẫn rất hy vọng nơi con, ngóng về hướng ngọn đèn duy nhất của gia đình ..."

Âu lại lấy hết nghị lực tiếp tục thi hành trách nhiệm gia đình giao phó.

Căn nhà bà Hire tiếp tục là nơi tạm dừng chân, là trạm giải khát trong cuộc hành trình của những 35 tị nạn người Việt trong cơn sóng 75 và những năm sau đó. Bà nhân ái mở cửa đón từng thành viên, không phân biệt tầng lớp văn hoá hay xuất thân trong xã hội.

*

Ba mươi năm trôi qua... Ơn trên mầu nhiệm đã ứng lời cầu xin của hai đứa bé ngày xưa. Cuộc đời đưa đẩy những thành viên của mái gia đình hợp chủng Hire trôi nổi theo giòng sông cuộc đời, phân tán mọi phương.

Vàn đăng vô lính Thủy Quân Lục Chiến. Sau khi tham dự cuộc chiến vùng vịnh thời 90, cậu giải ngủ và thành hôn với một cô gái Việt đức hạnh. Họ có hai cháu bé rất dể thương.

Cuối mùa thu năm ngoái, Âu nhận được điện thoại của chị Bé, chị vẫn liên lạc thường xuyên với bà Hire. Chị cho biết bà đang ở vào tình trạng chót của cơn bệnh ung thư ruột già. Nghe tin dữ, Âu cho Vàn biết và mọi người cùng lấy vé chuyến bay sớm nhất hôm sau đến nơi bà đang cư ngụ. Bà dọn về khu bắc Cali với mộng ước gần gũi con gái cách đây hơn 10 năm. Sau đó vài năm, có lần bà than thở với Âu về sự cô đơn khi rời nam Cali nhưng muộn rồi, giá cả nhà cửa giờ mắc mỏ quá, bà không thể mua lại căn nhà xưa. Tuy ở gần nhưng tình cảm của con gái và con rể không ấm áp như bà mong ước. Âu vô cùng ái ngại cho bà nhưng không biết làm sao hơn vì bà từng nói với Âu khi xưa là giọt máu đặc hơn giọt nước. Không biết bà có còn giữ quan niệm này không"

Xuống phi trường, chị Bé lấy xe cùng mọi người tới nhà bà vừa lúc người trông nom sửa soạn cho bà xong. Bà sút cân hẳn đi so với lần cuối Âu đã gặp. Mái tóc trắng hoàn toàn tăng thêm vẻ xanh xao. Thoáng ngạc nhiên nhìn mọi người vài giây, bà bùng nở nụ cười mừng rỡ. Nắm bàn tay gầy guộc, Âu cố gắng cười đáp lại:

- Grandma, bà khỏe không"

Vàn nắm tay kia của bà:

- Grandma, bà vẫn đẹp như xưa.

Bà nắm tay hai đứa thật chặt, nghẹn ngào:

- Ôi! Hôm nay là ngày vui, thật như trong giấc mơ.

Chị Bé bóc vỏ trái chuối cau đưa cho bà. Bà cố gắng đưa tay lên, run rẩy cầm lấy:

- Trái chuối này chỉ mua được ở Việt Nam thôi. Đây là loại chuối ngon nhất, các con biết không"

Bà trông nom nói nhỏ:

- Bà ta thỉnh thoảng lãng trí, lắm khi quên mình đang ở đâu.

Âu xót xa nhìn bà. Ngồi trên chiếc xe lăn, trông bà yếu ớt như em bé. Chạnh nhớ ngày xưa, bà năng động lanh lẹ, lăng xăng cả ngày, đám con cháu trẻ trung chưa chắc đã nhiều năng lực bằng bà.

Trời bên ngoài nắng đẹp, Âu đề nghị đẩy bà đi một vòng hít thở không khí ban mai. Bà vốn thích ra ngoài hơn ở trong nhà. Vừa đẩy xe, Âu vừa kể cho bà chuyến về Nha Trang năm ngoái của nàng. Âu không biết bà còn nhớ hay không vì trí nhớ của bà hiện giờ ẩn hiện khó đoán được. Nàng kể lại những buổi sáng sớm bơi trên bể chờ hừng đông mới lên bờ đi về. Chợt nàng thấy tay bà rung động. Lo ngại, Âu ngừng đẩy xe, ngồi xuống băng đá gần bên. Nàng thấy mắt bà lóe sáng, bà lẩm bẩm:

- Nha Trang à" Con biết không, ta theo chồng đi rất nhiều nơi trên thế giới, nhưng chưa bao giờ ở một nơi nào khác đẹp và tình tứ như Nha Trang.

Nhớ lại những mẩu chuyện bà kể khi còn ở chung, Âu biết rằng thời còn sống ở Việt Nam, ông bà đã thường đưa nhau đi dạo bờ biển Nha trang, nhất là những khi ánh trăng tròn mọc lên trải dài như mảnh lụa lung linh trên mặt nước biển mùa hè êm ả. Hàng cây dương, cây dừa mọc theo bờ lao xao đem lại những âm điệu thiên nhiên dào dạt. Ánh mắt, khuôn mặt bà bao giờ cũng sáng lên vẻ nồng nàn khi nhắc tới Nha Trang làm tim Âu xao xuyến, ước ao nàng cũng sẽ có dịp bước những nhịp chân đáng nhớ như bà.

Âu kể cho bà nghe nàng viếng thăm ngôi nhà của bà ngày xưa trên đường Biệt Thự mà hiện giờ trở thành một câu lạc bộ. Nghe tới đây, bà mỉm cười, nắm tay Âu, đùa:

- Hay là hôm nay mình đi ăn trưa ở đó đi"

Bản tính hóm hỉnh ngày nào trở lại trong giây phút ngắn ngủi. Âu cười theo mà nước mắt nàng ứa ra khi nghĩ chỉ trong nay mai, bà sẽ vĩnh viễn ra đi.

Thấy bà hơi mệt Âu đẩy xe đưa bà về nghỉ ngơi. Chị Bé nấu sẵn món cháo thịt có ngò, hành, tiêu bà hằng ưa thích. Bà vừa húp cháo Vàn đút vừa xuýt xoa khen cháo ngon quá. Cô con gái của bà để toàn đồ hộp trong nhà nên người trông nom chỉ biết hâm súp hộp làm lắm khi bà bỏ ăn.

Hàng ngày có y tá tới chích thuốc sau buổi ăn trưa. Thật ra chứng bệnh nan y nên họ chỉ chích thuốc cho bà bớt đau đớn. Bà ngấm thuốc nằm vùi sau buổi trưa. Người trông nom rời nhà sau 7:00 tối. Lắm khi thức dậy, bà lên tiếng kêu nhưng chẳng ai nghe vì cô con gái và người chồng ở lầu hai kín đáo. Người trông nom kể lại có lần 7:00 giờ sáng khi mới mở cửa vô nhà, thấy bà nằm té xuống đất vì muốn đi tiểu tiện nhưng cô con gái đã đi khỏi nhà từ 6 giờ sáng, bà cố gượng nhưng không đủ sức đi một mình.

Sức khỏe bà Hire ngày càng suy yếu, lần hồi bà không còn tỉnh táo nghe Âu kể chuyện Nha Trang nữa và sự hôn mê chầm chậm đi tới, dần dà bao phủ giây phút sau cùng của cuộc đời.

Sau khi thấu hiểu hoàn cảnh bà, chị Bé đề nghị mọi người chia phiên nhau tới với bà hàng ngày để những giờ phút cuối cuộc đời của bà bớt cô quạnh. Chị thật sự là người con hiếu thảo, đức hạnh. Chị ở cạnh bà cho tới giờ phút chót, chu toàn lễ nghi hơn cả cô con gái ruột của bà.

*

Mùa xuân San Diego vẫn đẹp như bao giờ. Đặc biệt năm nay mọi người tề tựu đông đảo trong căn nhà xưa. Bà Hire nằm đó, vẫn đẹp như thiên thần. Khuôn mặt của bà mang vẻ thanh thản của người không còn vướng bụi trần gian. Là con chiên ngoan đạo, bà vẫn hằng mong đợi ngày từ giã cuộc đời, xum họp với người chồng thương yêu nơi nước chúa.

Âu bước tới ghế ngồi xuống cạnh gia đình Vàn. Hai đứa con của Vàn đẹp và ngoan như thiên thần. Chúng mỉm cười khi nhận ra Âu.

Trên bục gỗ, mục sư bắt đầu buổi lễ.

Âu để nhẹ cành tea rose trên hai bàn tay xếp chéo của bà Hire.

Goodnight! Goodbye! Vĩnh biệt bà!

Lê Tường-Vi

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,330,853
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.