Hôm nay,  

12 Năm Nhìn Lại

16/12/200500:00:00(Xem: 174550)
Người viết: TỐ TÂM

Bài số 897-1497-224-vb6121605

Tác giả đã được bình chọn vào chung kết viết về nước Mỹ 2005. Cô là thứ nữ một gia đình H.O., hiện là một dược sĩ, cư trú và làm việc tại Carmarillo, California.

*

Xoẹt một cái vậy mà cũng mười hai năm rồi đó chị. Nói cho văn chương một chút thì gọi là mười hai năm viễn xứ! Cái hồi em tới Mỹ cũng trúng vô dịp lễ Tạ ơn này đó. Lần đầu tiên nhìn thấy con gà tây em cứ một hai kêu là con heo con. Bữa trước anh em hỏi tụi em về được không để ảnh đặt người ta nướng con gà tây. Em nói tụi em về chớ, nhưng đổi món gà tây thành món khác được không. Như lẩu, bún, mỳ, hủ tiếu, hay... bánh đúc cũng được, chớ nhìn con gà tây em ngán quá! Lễ Tạ Ơn đâu nhất thiết phải ăn gà tây đâu. Má em làm bánh đúc ngon lắm nghen chị, Bữa nào em sẽ học má để làm cho chồng em ăn.

Bữa trước má nói cái vạt cải sau hè má mới rắc hột, bây giờ bức vô làm rau cuốn bánh xèo được rồi, không lo về mà ăn. Rồi má hỏi bữa nào rảnh về ngủ với má một đêm. Mấy hồi em đi học xa, hai ba tháng mới về nhà có sao đâu. Bây giờ đi lấy chồng, ở gần thôi, cách hai tiếng lái xe, nhưng nghe má nói em lại muốn rớt nước mắt. Tự nhiên thấy tủi tủi sao đó. Hèn chi lúc đi lấy chồng cô dâu nào cũng rưng rưng. "Khóc như thiếu nữ vu quy nhật" , thì ra là vậy.

Em tới Mỹ bằng cách nào hả " Em đi bằng máy bay. Ba em mua vé. Đâu có, ba đâu có đi vượt biên đâu mà bảo lãnh. Ba em đi cuốc đất trồng khoai gần mười năm trong tù cộng sản mới có được cái vé HO cho gia đình em đi Mỹ đó chớ.

Hồi mới qua Mỹ hả, thì ai ai cũng vậy, cũng cực khổ lúc ban đầu. Nhưng em chắc là không bằng mấy người vượt biên đâu. Đi vượt biên còn bị cướp bóc, hãm hiếp, trả giá bằng cả mạng sống mới đến được bến tự do. Còn mấy người HO như gia đình em thì được ngồi trên máy bay bay vèo một cái là đến Mỹ. Chính phủ có cho trợ cấp ba tháng hay sáu tháng gì đó em quên mất tiu rồi. Sao dạo này em hay quên vậy không biết nữa. Lúc đó em còn thuộc dạng "con nít " cho nên được trợ cấp cho tới 18 tuổi.

Dạ, em cảm thấy những người đi HO thì may mắn hơn những người đi vượt biên nhiều. Có điều, tội nghiệp cho ba em, ý em nói là cả những chú những bác cũng đi tù như ba em í mà. Tuổi trẻ để hết trong tù, khi trở về nhà thì chỉ còn cái thân xác còm cõi bịnh hoạn. Nhiều người may mắn khi đi tù về còn có vợ con, còn nhiều người không may mắn khi ra tù trở về nhà cửa tan hoang, con cái tứ tán, còn vợ thì đi với người khác mất tiêu rồi.

Em nghe nói là đi tù cộng sản cực lắm chị ơi, chớ không có sướng như ở Mỹ này đâu ở tù mà có phòng tập thể dục, có ti vi để coi nửa. Ở tù như ba em với mấy mấy chú mấy bác thì không có cơm ăn, mỗi ngày chỉ ăn được một nửa chén cơm với một khúc khoai sắn luộc. Vậy mà phải bưng phải vác nặng nửa chớ. Em không biết cái rừng cái rẫy nó giống cái gì, chỉ nghe kể là giữa rừng núi âm âm u u, từng đám người tù ốm trơ xương vật vờ vác cuốc đi đào đất. Em cứ tưởng tượng giống y mấy cái hình trong ngày halloween đó chị. Mỗi đám tù được cai quản bởi một tên cán bộ. Em nghỉ cái tên cán bộ này cũng đâu có khác gì một người tù đâu chị hén. Hắn chỉ hơn người tù là bộ đồ hắn mặc lành lặn hơn với lại khẩu súng thôi. Mà súng thì đâu có ăn được. Mấy người tù này nhiều lúc thèm thịt qúa họ tóm bất cứ con vật nào như con chuột, con rắn, con nhái. .... để ăn. Eo ôi, em nghe mà ghê qúa! Em hỏi ba có ăn mấy con đó không, ba kêu là ba ăn hết, ăn để sống mà. Chỉ có con bù lon, con ốc vít là ba không ăn thôi. Em không biết con bù lon với con ốc vít là con gì nhưng chắc mấy con đó nhìn ghê lắm cho nên em không hỏi kỹ. Cho tới bây giờ, mỗi khi ba với mấy chú mấy bác bạn của ba ngồi lại là nói chuyện..... hồi xưa. ...... Em chọc, em nói ba với mấy chú mấy bác ưa nói chuyện "cổ tích" quá! Mà thiệt đó nghen chị, mấy cái chuyện "ngày xưa trong tù" của ba em đó, không bao giờ bị mờ hết nghen chị. Hồi mới qua, ba đi cắt cỏ, tối về mệt ba ngủ mơ la quá trời làm cả nhà hoảng hồn. Tỉnh dậy ba nói ba thấy chiêm bao đang ở trong tù, sợ quá cho nên la lên. Bởi vậy cho nên em nghĩ là mấy người đi làm ra cái vé HO cho cả nhà là cực nhứt, cực hơn những người đi vượt biên nữa.

Má có hay dắt em đi thăm ba không hả. Đâu có đâu. Em chưa đi lần nào. Má đi rồi ông Nội đi, dắt mấy anh mấy chị đi. Em còn nhỏ xíu mắc công ẳm nên phải để em ở nhà. Bởi vậy em đâu có biết mặt ba em đâu chị.

Hồi ba đi ở tù về, mấy anh chị của em nhào ra đón ba nhưng em thì không. À có chớ, em cũng chạy ra nhưng mới tới chổ sân, em sựng lại, quay đầu chạy tuốt vô nhà ngồi khóc. Ức lắm chớ chị. Mấy anh chị của em biết mặt ba rồi cho nên giờ chạy ra bu ba chớ em có lần nào thấy mặt đâu mà biểu em chạy ra đón. Em không thèm nhìn mặt ba. Còn ba thì cứ ráng kéo em lại, ôm em. Nhưng em đâu có cho. Em vùng chạy ra. Mấy anh chị của em được đi thăm ba, biết mặt ba rồi, còn em, cái ông này lạ hoắc tự nhiên biểu em kêu bằng ba. Kỳ! Sau đó hả, em không nhớ là em cho ba ôm, ba ẳm tự lúc nào nửa. Má em hả chị , cực lắm chị ơi. Ui, nhưng mà em không kể nhiều đâu, người ta nghe người ta cười chết. Ai đời chuyện nhà mình mà đem đi kể huỵch toẹt hết ra cho người ta nghe. Không sao đâu hả, OK, vậy thì em kể , nhưng mà em kể sơ sơ thôi nghen. À, chị có nhớ cái bài thơ của cái ông gì gì đó, ui cha, em quên mất cái tên ổng rồi. Ổng viết bài thơ có mấy câu này này

"Quanh năm buôn bán ở ven sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quản vắng

Eo sèo mặt nước lúc đò đông "

Má em cũng y vậy, có điều má chỉ có bốn con thôi, còn cái bà trong bài thơ thì có tới năm con lận. Em nhớ có lần má chở em đi thi học sinh giỏi, má chở em vô quán chè. Để thưởng cho em đó mà. Má chỉ kêu một ly chè. Em hỏi thì má nói con ăn đi chớ má no rồi. Vậy là em cắm cúi ăn ngon lành. Sau này em mới biết là trong túi má lúc đó chỉ đủ tiền cho một ly chè thôi. Má ráng nhịn, nuốt nước miếng ngồi nhìn em ăn, má no. Lúc đó em đâu có biết, bây giờ mới biết thì má không thèm chè nửa. Má sợ mập.

Cảm giác là cái gì hả chị " Ồ, ý chị muốn nói là cái feeling của em lúc em đi Mỹ đó hả. Ngộ lắm nghen chị. Vui, vì được đi tới một nơi lạ, giống y được đi chơi phố lạ vậy. Hồi hộp, ở Mỹ người ta nói tiếng Mỹ hết, mình nói tiếng Việt, ai nghe. Bà nội nói bà nghe mấy bà hàng xóm nói đi Mỹ cũng giống y như đi kinh tế mới vậy nên em lo lo. Buồn, chắc buồn là nhiều nhứt. Cái dáng ông nội đứng chỗ cửa nhìn theo.... Trời, thương ông Nội đứt ruột.

Ồ, em gần ông Nội nhiều lắm tại vì ba thì đi tù, má lo tắt mắt tắt mũi đi làm để kiếm gạo nuôi con, bởi vậy cho nên nóng đầu đau bụng đều là ông Nội lo hết. Ông cọc cạch đạp xe đạp, cháu, như con nhái bén, vắt vẻo ngồi đàng sau. Hai ông cháu đi phố. Hồi nhỏ em ốm nhom ốm nhách hà, ông nội cứ cầm tay em than thở, ốm như cái xương gà ri chừng nào mới lớn được. Bây giờ tay chưn em tròn trịa thì tay chưn ông nội lại ốm, xương y như xương gà.

Vậy đó, vui, buồn, lo... trộn chung vô kết lại thành một thứ hỗn hợp dẻo quẹo không biết tên. Chú Ngô - chú bảo trợ nhà em là một người lạ hoắc. Làm sao nhận mặt nhau ngoài phi trường hả" Trước đó chú gởi hình gia đình chú về cho nhà em. Ba em đáp trả bằng tấm hình của gia đình cho chú để hai bên nhận mặt. Mắc cười lắm nghen chị.

Trên đường từ phi trường LAX về nhà, chú nói là khoảng chừng một tiếng rưỡi đồng hồ, chú dắt cả nhà vào tiệm phở ở Resida, tiệm phở số 1. Em nhớ kỹ khúc này lắm chị ơi. Lúc ngồi vô bàn, chú kêu đi đoạn đường dài, mỗi người làm một tô phở cho ấm bụng. Chú kêu cho mỗi người một tô phở, phở xe lửa. Người ta bưng ra một dĩa rau giá sống. Trời đất, giá ăn phở gì mà nó to đùng, bằng y đầu chiếc đũa. Mấy lá húng quế cũng to, lát chanh tươi cũng to. Em còn đang so sánh với mấy thứ nhỏ xíu xiu bên Việt Nam thì họ bưng phở ra. Trước mặt em là một... thau phở. Em gọi là thau tại vì nó to qúa. Nói chị đừng cười nghen, lúc thấy cái tô phở to y như cái thau, em hết đói mất tiêu. Em lấy đũa chọc vào "thau" phở, một đàn thịt lục đục kéo nhau đứng lên. Trời ơi, tô phở này chắc bốn tô phở em ăn bên Việt Nam cũng chưa bằng nửa.

Trên đường về nhà chú Ngô, thành phố từ từ biến mất. Đồi núi cứ lù lù hiện ra. Bụng em cứ nghĩ sao chú lại ở cái chốn khỉ ho cò gáy như thế này. Xe đổ xịch trước một cái nhà. Cái nhà ở trong một cái phố, cái phố xanh um và yên lặng một cách kỳ lạ. Đường phố sạch bong y như mới lau xong, xe cộ chạy tà tà, không một tiếng còi xe. Sao mà nhà quê qúa vậy không biết. Lúc đó em suy nghĩ liền trong đầu, sao chú Ngô qua Mỹ từ lâu rồi mà không sắm nổi một cái nhà ở dưới phố xá sầm uất mà ở một cái nơi hẻo lánh vắng hoe vắng hoắc thế này. Ở Việt Nam, có tiền tậu nhà ở phố mới là sang. Lúc đó em đâu có biết là ở Mỹ dân giàu kéo nhau lên tuốt trên núi để ở.

Chú Ngô dạy ba lái xe. Em thì mấy ngày đầu chú Ngô chở em đi học rồi sau đó chú đi làm, chiều thì em lội bộ về. Lúc đi học, ngồi trên xe em ráng nhớ từng khúc quẹo. Vậy mà bữa đầu tiên em bị lạc đó chị. Tại lúc đi em ráng nhớ trong đầu là tới cái chổ xe đậu nhiều nhiều này thì quẹo trái. Chiều về em nhìn hoài đâu có thấy xe đậu nhiều đâu, cho nên em đi tiếp và bị lạc. Sau này mới biết cái chổ xe đậu nhiều là cái hãng làm.

Chị hỏi em có nhớ nhà không hả. Trời đất ơi, nhớ thúi ruột luôn đó chớ. Hằng ngày cứ mong ông đưa thư còn hơn mong mẹ đi chợ về. Mỗi khi nhận được thư nhà, tay thì xé bì thư, mắt thì rớt xuống từng giọt nước lộp độp. Nhiều tối em trùm mền lại, gào lên "nhớ nhà quá " cái rồi nước mắt lục đục rớt ra rồi ngủ vùi luôn. Giờ nghỉ lại em thấy mình mít ướt thiệt.

Ở nhà chú Ngô tới sáu tháng nhà em mới dọn ra. Chú thím Ngô kêu ở nhà chú thím để chừng nào có chút lông chút cánh rồi mới ra ở riêng. Lúc này ba em có bằng lái xe rồi cho nên mới dọn ra.

Cái ngày nhà em dọn "ra riêng" thấy thương lắm. Bà Ngoại, tức mẹ của thím Ngô, lui cui gói gói, cột cột cho từng cái chén, cái dĩa, cái nồi. ... giống y mẹ gói đồ cho con gái ra ở riêng vậy.

Chị cứ thắc mắc hoài, em đã nói là nhà em với nhà chú Ngô không có bà con dây mơ rể má gì hết trọi. Bởi vậy cho nên khi thâ'y gia đình chú Ngô giúp gia đình em như vậy ai ai cũng nói là nhà em có quý nhân giúp đỡ.

Hồi đó nhà em hay đi chơi lắm! Nhà có ti vi nhưng không bắt được đài nào hết tại vì không bắt cable, tiền để dành trả tiền nhà chớ, cho nên thứ 7, chủ nhật ngồi nhà chẳng biết làm gì. Ti vi thì coi không được, radio thì tiếng Mỹ đâu có hiểu, vậy là cả nhà kiếm chổ dắt nhau đi chơi. Đi biển, đi park... bất cứ chổ nào mà không tốn tiền vô cổng là tới. Trước khi đi em gói sẵn đồ ăn chớ bộ, tiền đâu mà mua. Em nấu xôi gói theo. Em nấu riết thành quen. Bây giờ em nấu xôi ngon lắm nghen chị. Bữa nào tới nhà em chơi, em nấu xôi cho chị ăn. Chị muốn ăn xôi gì , xôi đậu, xôi bắp, xôi vò, xôi vị .... em nấu được hết.

Hồi xưa xửa xừa xưa ông Columbus tìm ra châu Mỹ, cái rồi sau đó sau vụ mùa màng người dân túm cổ chú gà tây làm thịt, quây quần lại ăn uống để tạ ơn trời đất cho mưa thuận gió hòa, muà màng tốt tươi.

Bây giờ vào dịp lể "ăn gà tây", cũng là dịp gia đình em đặt chân đến Mỹ, thì em tạ ơn nước Mỹ, người dân Mỹ đã đón nhận và cho gia đình em tá túc trên đất nước họ. Lấy đất nước họ làm quê hương thứ hai. Chị thấy không, mình không cùng chung tiếng nói, không cùng màu da, lại ở một rẻo đất tuốt bên kia bán cầu vậy mà khi mình đói rách, cực khổ, bị đọa đày nơi chính quê hương mình thì họ dang tay đón, cưu mang, cho dung thân trên đất nước họ. Mình còn được họ cho tiền trợ cấp, tiền già, tiền bịnh... Một ông nhà thơ Việt nam làm ra bài thơ có câu: "Quê hương là chùm khế ngọt ". Em thì em thấy chùm khế của em nó chua lè chị ơi. Ngọt cái chổ nào khi gần mười năm mấy anh chị em của em sống không có cha, má em không có chồng, nội em không có con. Còn ba em thì ném gần mười năm tuổi trẻ vào tù "cải tạo". Ngọt cái chổ nào khi anh chị của em không được vô đại học vì lí lịch đen - ba đi ở tù. Còn em, đi học thì nghe bạn bè - con mấy tên cán bộ ra rả như hét lên bên tai :

"Học chi cho lắm lại thêm lo

Mau mau vác cuốc hốt phân bò

Lý lịch cha mi đen như đời chị Dậu ".

Dạ đúng đó chị. Chị Dậu là người phụ nữ có cuộc đời bi đát, cùng cực có thể nói là tận cùng của xã hội thờiPháp thuộc mà ông Ngô Tất Tố đã ví là "đen như mõm chó" trong tác phẩm Tắt Đèn của ổng đó chị.

Bây giờ, về thăm quê hương, kiếm lại "chùm khế" thì lúc mới tới phi trường đã gặp ngay cái bộ mặt câng câng, lạnh như tiền của mấy tên cán bộ hải quan. Về thăm quê hương phải nhét mười đô trong passport thí cho bọn nó chớ không thì hành lý của mình bị lục tung ra. Một chút công lý kiếm hoài cũng chẳng thấy trên quê hương mình nửa. Đó, chị thấy chưa, không biết đối với người khác thì sao chớ đối với em thì em thấy quê hương là chùm khế chua le chua lét à. À, cũng có chút xíu ngọt đây nè. Đó là những chiều em theo Nội đi phố, những tối quấn bên chân Nội nghe Nội đọc thơ Đường... mà không hiểu gì cả. ....

Úi chao ôi, chị hỏi nhiều quá, lại hỏi em ngay trong cái dịp này làm em hơi hơi giống người già rồi đó chị. Tại sao hả. Tại vì những người càng già càng ưa nói về quá khứ. Mà em thì còn trẻ măng.

Dạ, chị nói vậy cũng đúng. Lễ Tạ Ơn là dịp gia đình ngồi lại với nhau ôn lại chuyện cũ, tạ ơn đất trời, tạ ơn những con người, tạ ơn những tấm lòng. Lễ Tạ Ơn năm nay về ba má, hy vọng trời nắng ấm để em chạy ra vườn hái cải.... cho má vui. Trồng rau mà có người ăn thì má em vui lắm.

Dạ, chị nhớ bữa nào ghé nhà em chơi nghen, em hứa đãi chị món xôi nào mà chị thích.

TỐ TÂM

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,941,630
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.