Hôm nay,  

Thư Quê Nhà: Hoài Hương

12/12/200500:00:00(Xem: 188931)
Người viết: Chung Mốc

Bài số 894-1494-221-vb3121305

*

Chung Mốc là tác giả đã được trao tặng một giải thưởng đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm 2004-2005. Trước 1975, ông là dân miền Nam và hiện đang sống ở Saigon. Sau đây là bài mới của ông, tâm sự từ quê nhà viết cho người hải ngoại.

*

Bài thơ Chiều của thi sĩ Hồ- Dzếnh được Nhạc Sĩ Dương-Thiệu-Tước phổ nhạc từ lâu rồi. Ai đã từng nghe qua đều cảm thấy buồn, một nỗi buồn tê tái, nó lại càng thấm thía hơn đối với những người tha hương. Nhưng bây giờ ở đâu cũng đang bài trừ thuốc lá, nhất là tại đất Mỹ, nhớ nhà làm sao có thể châm điếu thuốc để thấy khói huyền bay lên cây"

Các bài hát gợi nhớ nhà, nhớ quê hương được sáng tác sau 1975 -Chẳng biết có phải định kiến một thời hay không - Tôi vẫn chưa cảm được so với những ca khúc trước kia với cùng chủ đề. Ngày xưa, chỉ với những nốt nhạc đơn giản, mộc mạc, cứ từ từ lên xuống mà nhạc sĩ đã diễn tả được tấm lòng thật chân thành, thắm thiết tỷ như bản Lòng Mẹ của Y-Vân.

Những người di cư 54 mấy ai không rơi nước mắt khi thấy Thái-Thanh ngồi ở boong tàu hát bài Tình Hoài Hương: "Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng vuông vắn, lúa thơm cho đủ hai mùa ...."

Ngày nay những ngôn ngữ, hình ảnh mà các văn nghệ sĩ diễn tả về quê hương, thường nhắc đến cây đa đầu làng, luỹ tre xanh, dòng sông, con đê, đàn cò trắng bay về đồng xa ...làm cho những ai sinh ra,lớn lên ở thành phố còn khó tưởng tượng ra huống hồ được sinh ra ở bên Mỹ bên Tây. Ánh sáng văn minh, điện khí chói loà làm sao người ta thấy được ánh trăng vàng và dòng suối mơ màng.

Mai này con cháu chúng ta, đặc biệt là lớp con cháu ở hải ngoại, sẽ biết gì, nói gì về quê hương nhỉ"

Mấy đứa con tôi thường nói: Sao ba hay nhắc chuyện ngày xưa. Hồi đó vừa buồn, vừa nghèo khổ thấy mồ, nhắc đến làm gì nữa"

Chúng không hiểu rằng đâu cứ phải là cụ già, về hưu thong thả mới có thời giờ để vương vấn kỷ niệm, mà dường như ở bất cứ độ tuổi nào cũng nhớ tới những ngày đã qua. Ai đó đã nói: "Con người luôn luôn nuối tiếc quá khứ, bất mãn với hiện tại và kỳ vọng vào tương lai".

Với cái nghèo cùng cực của Mẹ Lê (Gió Đầu Mùa -Thạch Lam); Chị Dậu (Tắt Đèn-Ngô Tất Tố) hay của cả đám nông dân, thợ thuyền ở các thập niên trước, đúng là không có gì để nuối tiếc cả. Nhưng phải nhớ để thấy được giá trị những cái mà mình phải tranh đấu với đời, làm đổ mồ hôi sôi máu mắt mới có bây giờ. Tuy vậy quá khứ vẫn còn có nhiều điều thú vị nhớ đến suốt đời, như bây giờ trong chăn êm nệm ấm, tôi vẫn chưa tìm được giấc ngủ nào ngon bằng khi xưa chui vào đống rơm thơm mùi lúa mới giữa đồng, chưa bữa nào ngon hơn bữa cơm rau dại thập tàng chấm với nước cá linh kho mặn dưới cơn mưa trong mùa nước nổi .

Còn bất mãn với hiện tại ư" Biết nói sao đây vì tôi đang sống với quê hương này, cũng có những phân vân trong quan hệ đúng sai: Mẹ Theresa được phong thánh vì lòng nhân ái; Còn Công Nương Dianna chưa được vào Thiên Đàng vì có chút ít tai tiếng tình duyên"!

Khoảng sau năm 1975, ông Vũ Hạnh viết bài phê bình các nhân vật chính trong truyện của Kim Dung là ba phải, luôn đi chênh vênh giữa chính và tà. Chàng trai chính phái hay dính vô yêu nữ, Nữ ma đầu tàn ác, xinh đẹp lại bị chinh phục bởi chàng trai đầy nghĩa khí. Kim Dung đã tung hoả mù khiến quan điểm của độc giả lệch lạc, lung lay không dứt khoát. Thế nên truyện Kiếm Hiệp Kim Dung là loại sách độc hại, cần phải đốt.

Thế rồi thời gian thấm thoát qua mau, những gì ông ấy chê bai bây giờ đảo ngược lại hết. Không còn bộ phim kiếm hiệp nào của Kim Dung mà không được chiếu ở VN từ rạp hát lớn nhỏ, trên TV cho đến những quán cóc nơi góc chợ, bến đò.

Cách đây hơn 10 năm có ai dám nghĩ tới chuyện mở các Công Ty tư nhân; giao quyền sử dụng đất cho cá thể"

Cho nên sai ở thời điểm này lại đúng vào thời gian khác. Như vậy sáng suốt có nghĩa là phải thay đổi luôn luôn !!!

Vậy chúng tôi kỳ vọng gì ở tương lai"

Ông Nguyễn Lân Dũng -Đại biểu quốc hội VN- nói:

-Việt Nam được xếp hạng cao về nghèo nhất thế giới !!!

Thế nên dĩ nhiên tôi ước mong quê hương mau giàu đẹp, xã hội công bằng, văn minh. Tôi vẫn thích lao động, chưa mong hưởng thụ. Biết thế nào là đủ, là an nhàn, bởi vì như Nguyễn Công Trứ:

Thị tại môn tiền náo, nguyệt lai môn hạ nhàn

Sợ lao tâm lao lực cũng một đoàn

Người trần thế muốn nhàn sao được

. . .

Tri túc tiện túc đãi túc hà thời túc

Tri nhàn tiện nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.

Không phải chỉ những người đã ra đi, lập nghiệp ở các quốc gia khác mà ngay trong nước bây giờ cũng có biết bao người mang tâm trạng hoài hương. Họ là những người miền Bắc và Bắc Trung bộ, rời bỏ quê hương đói nghèo, khô cằn, đất chật người đông xuôi vào miền Nam mong tìm cuộc sống khá giả hơn.

Những nông dân theo thói quen lâu đời, họ lại tìm tới các vùng kinh tế mới ở Tây nguyên: Đắc Lắc, Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng... Miền đông Nam bộ: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phuớc để làm rừng, làm rẫy. Số đông hơn về miền Tây làm ruộng, chăn nuôi, ngư nghiệp, nhưng xem ra họ muốn dứt đuợc khó nghèo cũng còn lâu lắm. Bởi vì các sản phẩm làm ra chịu ảnh hưởng hoàn toàn vào việc xuất khẩu, giá cả lúc này lúc khác.

Có người nhận xét: VN bị chơi xấu nhiều lần, café có giá nên mọi người chặt điều để trồng café, chưa ra hoa, hạt điều trên thị trường thế giới lại mắc hơn café. Bắt đầu nuôi tôm, đúng là đắt như tôm tươi, bây giờ nuôi nhiều ê hề chẳng nước nào chịu mua nữa, lo sặc gạch. Mới xây dựng được vài nhà máy đông lạnh, lại thua kiện cá Basa! Chẳng biết ai chơi và tại sao họ lại chơi mình vậy kìa" Rồi đây vụ kiện tôm chẳng biết chuyển biến ra sao, chỉ chết người nông dân dãi nắng dầm mưa mà thôi.

Những người giàu có ngoài Bắc bán hết tài sản vào Nam để lập nghiệp, họ thường có óc kinh doanh nên tìm đến các trung tâm thương mại hay nhà ở mặt đường lớn Saigon. Họ kiếm nơi gần chợ sầm uất mở tiệm làm ông chủ, nhưng đa số các ông chủ này đều phải “thuê mướn mặt bằng,” còn những ông chủ thực thụ của miếng đất hay căn nhà, thì lui lại một diện tích vừa đủ cho sinh hoạt gia đình hoặc ra vùng ven đô mua đất rẻ, xây biệt thự, có chút hơi hướng đồng quê, tránh được cảnh bụi bậm ồn ào của thành phố, vừa yên tĩnh vừa được tiêu xài dư giả từ tiền cho thuê nhà.

Tôi không phải mang đầu óc địa phương đâu, nhưng dân SG thường nói: Miền Bắc đã và đang xâm chiếm miền Nam. Không kể các cán bộ, viên chức nắm giữ những cơ quan ban ngành quan trọng dễ kiếm tiền, mà các ngành nghề mau làm giàu như địa ốc, thầu xây dựng ...Đâu đâu cũng có dân miền ngoài tham gia với số nhiều. Có người còn cẩn thận chia ra từng loại: Bắc kỳ 54, Bắc 75 (nói lóng là: Ba Ke, Pháp, VTV). Cho dù ghen tỵ, cũng phải công nhận họ ngoài lợi thế "cách mạng" còn đón bắt cơ hội đúng hướng, chịu khó làm việc và rất hà tiện. Về đức tính này quả dân Nam mình xưa nay thua xa.

Tôi biết một cặp vợ chồng kia vào Nam tay trắng, đi làm mướn, tiền làm ra chỉ phải mua muối và vải mà thôi -vì mấy thứ này họ không làm được -Còn ngoài ra họ tận dụng tất cả từ xung quanh: Rau hái bên bờ sông, cá đi câu đi lưới, dư thì làm mắm, kho ăn dần. Thế mà bây giờ tài sản không kém gì những người đã lập nghiệp ở đây trước họ cả hai ba mươi năm.

Còn các công nhân, lao động chân tay -số này rất đông. Nguyên ở tỉnh Bình Dương số dân tạm trú lên đến hàng triệu người - Những người không bằng cấp, nghề nghiệp chuyên môn, gọi là lao động phổ thông vào làm ở các công ty xí nghiệp, lương căn bản khoảng 600.000$ (trên dưới 40usd), vừa làm vừa học nâng cao tay nghề. Đa số ăn lương theo sản phẩm, họ lại càng phải hà tiện, bởi vì ngoài nhu cầu cho đời sống riêng họ còn phải lo cho cha mẹ, anh em nghèo khổ nơi quê nhà. Dĩ nhiên cũng có một số lông bông, "ba đời" làm đồng nào xào đồng nấy: Ăn quịt, nợ nần tùm lum, nay làm hãng này, mai nhảy hãng khác. Trai thì tứ đổ tường; Gái đôi khi đua đòi, kẹt tiền đi làm vợ một giờ, một ngày hay cả tháng -cặp bồ theo hợp đồng- Dân chơi gọi là làm tăng ca -

Nhiều người vào đây làm ăn được, dành dụm đôi ba năm có ít tiền làm vốn, họ sẽ về quê luôn. Có ở gần mới biết họ nặng lòng lưu luyến với luỹ tre, cổng làng như thế nào, thà sống cực chứ không đành xa quê.

Tới đây tôi so sánh hoàn cảnh của họ và Việt Kiều thấy khá giống nhau: Ở quê cứ nghĩ người thân kiếm tiền dễ dàng, người đi xa phải có trách nhiệm bảo bọc nuôi nấng người ở nhà. Đâu biết họ rất cực khổ, không dám ăn quà sáng nên mua một gói mì nấu thành canh chan cơm nguội cho mấy người ăn. Có tăng ca (over time) là lạy mà làm. Đau ốm cũng không dám nghỉ, còn nhúc nhích được còn phải đi làm vì nghỉ một bữa bị trừ đủ mọi thứ lương: Lương thi đua, lương sản phẩm, lương năng xuất ... Đôi khi cũng phải hốt hụi non, vay mượn, cầm cố đồ đạc, cầm sổ lương mỗi khi hay tin mẹ cha đau ốm, người thân cần có cái này cái khác, nhiều khi phát khùng vì mệt mỏi.

Phải chi đối xử với nhau thành thật chắc cũng cố gắng để người thân vui lòng, vì có nhiều người lợi dụng tình cảm yêu cầu những cái không thực tế, chưa cần thiết.

Có một người bạn dạy tôi: Mày kinh tế cũng thuộc loại khá nhưng bây giờ bà già còn đang sống với mày, phải biết lợi dụng cơ hội này bắt các anh chị ở hải ngoại tiếp tế cho nhiều vào, chứ mai mốt bà chết đi rồi thì mày sẽ "móc bọc", chẳng ai cho gì nữa đâu.

Tôi buồn bã nghĩ mình đã hơn nửa đời người rồi, mẹ còn đang phải lo lắng, bù chì cho tôi nhiều. Còn gì mà lợi dụng.

Vả lại không ai hiểu nhau bằng người trong nhà.

Nhớ trước đây báo chí có đăng phóng sự với đề tài: Khi lòng nhân ái bị lợi dụng. Kể đến hoàn cảnh những người ăn mày, họ bôi máu heo máu chó đầy người, giả tàn tật, mướn con nít mà bế theo để gợi lòng thương xót.

Lại có thằng Bộ Đội đào ngũ rất bất nhân, nó bắt cóc một đứa con nít bẻ gẫy tay, chọc cho mù mắt rồi bế đi ăn mày. Thế mà tiền xin được đem về cho cả bọn nướng vào sòng bài, ăn nhậu, chích hút ...

Thằng này bỏ tù chung thân chưa đủ, phải tử hình nó mới đáng tội.

Vì vậy báo chí khuyên chúng ta phải có thái độ dứt khoát không cho. Cho sẽ ảnh hưởng xấu đến bản thân và cả xã hội nữa.

Những ai đang tha phương có dứt khoát được không" Người nhà sẽ làm mình làm mẩy, làm trịch làm thượng đó. Có người đã hùng hồn tuyên bố: Cho tao mà bắt tao phải thế này thế nọ tao đếch cần.

Bây giờ nghe lại bài "Sáu mươi năm cuộc đời" tôi thấy cuộc đời ngắn ngủi quá, có bao lâu đâu nên trộm nghĩ: Lá lành hãy dùm lấy Lá đã te tua.

Thánh nhân dạy rằng: Khoan dung, độ lượng luôn là suối mát cho tâm hồn (cho dù là tâm hồn người đi làm mướn). Phúc thay.

Chung Mốc


Ý kiến bạn đọc
26/07/201514:14:15
Khách
Ủa !! VIETVENUOCMY sao trớt quớt dậy?
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,239,213
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết thứ ba của ông.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và vừa chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới của ông.
Tác giả đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông vượt biển tháng 12 năm 1983, đến Mỹ tháng 1 1985, hiện là một kỹ sư làm việc tại San Jose. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên kể về bà mẹ Việt du lịch Mỹ thăm con, được phổ biến vào dịp Mothers Day 2013, hiện đã có hơn 541,000 lượt người đọc. Sau đây là bài viết thứ năm của ông.
Tác giả tham dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2004. Võ Phú là tên thật. Sinh năm 1978; sinh quán Nha Trang-Việt Nam; định cư, tại Virginia-Mỹ, 1994. Tốt nghiệp cử nhân Hóa, Virginia Commonwealth University. Hiện đang làm việc và học tại Medical College of Virginia. Sau 12 năm bặt tin, tác giả trở lại với Viết về nước Mỹ từ 2016. Bài viết mới của Võ Phú năm 2018 là chuyện vui từ lớp dạy tiếng Việt.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Tại Việt Nam. bà là cô giáo dạy bậc tiểu học, sau khi tốt nghiệp trường Quốc gia sư phạm Sàigòn. Dạy ở Việt nam 22 năm. Qua Mỹ diện con bảo lãnh, năm 1992. Đi may hãng Mỹ hơn 10 năm thì hưu trí, ở nhà dạy cháu học chữ Việt, và dạy chữ Việt ở trường Lạc-Việt ở Louiville, KY. Bà đã xuất bản ba quyển sách:
Với bài viết đầu tiên từ tháng Sáu 2017, tác giả đã nhận giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, cô cho biết đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi và xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ. Bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến