Hôm nay,  

Tình Muộn

19/10/200500:00:00(Xem: 247123)
- Người viết: NGUYỄN HỮU THỜI
Bài số 851-1441-277-vb4101905

Ông là tác giả thân quen của bạn đọc Viết Về Nước Mỹ ngay từ năm đầu tiên. Sơ lược tiểu sử: Trước 1975, dạy học, quân nhân QLVNCH. Hiện giúp việc cho công ty Sypris Data System, Los Angeles. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*
Chị Tư Thơ kéo giật tay dì Thơm trong chợ Sài Gòn Mới và nói:
-Cớ gì mà mầy đẩy xe đi mau quá vậy. Tao theo muốn hụt hơi đây nè!
-Em tới lẹ chỗ sale gà ác thử có còn không!
-Mầy mua gà ác về làm gì"
-Mua về hầm với thuốc bắc, táo Tàu, hạt sen; lấy nước cho cha uống. Mấy hôm nay, cha ăn cơm không được. Độ nầy cha có vẽ yếu đi nhiều.
-Ờ! hả. Được đó. Chốc nữa lúc về nhà, tao tấp vào thăm cha đấy!.
Ông Cả được người con gái út tên Thơm rước về phụng dưỡng; từ khi bà Cả bỏ ông về với tổ tiên ba năm trước đây. Ông trả lại cái nhà "housing" cho chính phủ, chỉ ôm theo hủ hài cốt bà Cả, cái medicare, mấy trăm tiền già mỗi tháng, mấy quyển kinh Phật về ở nhà cô gái út. Dì Thơm có nhan sắc mặn mà như chị Tư Thơ. "Mỗi người một vẽ mười phân vẹn mười." (Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du), nhưng dì Thơm cao số, xấp xỉ gần năm mươi mà vẫn chưa lập gia đình. Còn chị Thơ tháng rồi vừa được lên chức bà nội.
Cuộc chiến vừa qua, lại thêm bận học hành, thi cử hồi còn ở Sài gòn, rồi tỵ nạn Cọng sản sang Mỹ làm Thơm quên hẳn đi tuổi yêu đương thời xuân sắc. Bây giờ tuổi đã sắp ngã về chiều, nỗi mơ mộng, yêu đương nam nữ gần như không còn nữa, đã dừng lại từ bao giờ! Tuy nhiên, nhiều đêm đã khuya, nàng ngồi một mình nơi phòng khách xem ti-vi, thấy những cảnh yêu đương da diết, mùi mẫn của những nhân vật trong phim, lòng nàng cũng rộn lên nỗi tiếc nuối vu vơ, mơ màng, nghĩ lại lúc còn là sinh viên khoa học Sài gòn trước 75. Nhưng khi nghe tiếng ho sù sụ của cha già, nàng quên hết, đứng dậy, bước vội vào phòng cha xem xét, vấn an. Nỗi mơ màng tình yêu đôi lứa vừa nhóm lên đã tan biến ngay trong không gian yên tĩnh, lặng lẽ trong căn nhà rộng mà chỉ có hai cha con sinh sống.
Chị Tư Thơ thường phân bì và than với em: " Mầy trẻ đẹp mãi không già là nhờ mầy không có chồng con đó. Dính vô ba cái chuyện lập gia đình, phu thê, phải lo toan nầy nọ hàng ngày như tao, nhiều lúc đau đầu quá; làm con người mau già lắm em ơi!"
Chị nói với em gái út của mình như vậy; nhưng trong lòng lúc nào cũng để ý những người bạn của anh Tư hay bà con xa, gần bên chồng hoặc bạn bè cùng sở, trông chất phác, hiền lành, biết lo làm ăn và nhất là "available" là tìm cách cho họ làm quen với Thơm và hy vọng có người em rể muộn. Nhưng "Người Tính Không Bằng Trời Định. Mưu Sự Tại Nhân, Thành Sự Tại Thiên" mà. Thơm vẫn không để ý đến ai, và hơn hai mươi năm sống ở Mỹ, dì Thơm vẫn còn " chăn đơn, gối lẻ", đơn chiếc một mình, gái còn tân, và tuổi đời ngày càng cao, đầu tóc đã có vài sợi bạc.
Trước 75, Thơm đỗ Tú tài hai ban toán (B) hạng bình, liền ghi tên vào học chứng chỉ toán đại cương ở đại học khoa học Sài gòn, đường Cộng hòa, mộng ước sau nầy sẽ xin làm cô giáo dạy toán đệ nhị, đệ nhất, để có dịp đi chấm thi tú tài ở Huế, Đà nẵng, Cần thơ, Nha trang vàvà và nhân thể du lịch khắp mọi miền đất nước thân yêu. Mộng dì không thành vì biến cố 75. Dì Thơm chưa hoàn thành Cử nhân toán thì mấy ông ngoài Bắc vào nói là " giải phóng". Thơm nghĩ, họ dùng từ lạ quá.! Họ chơi ép chữ nghĩa của tổ tiên, thánh hiền. " Giải phóng" là khi người ta bị kềm kẹp, ức hiếp, bị nhốt, bị tù đày, bị bỏ đói, bị đày đọa, bị hành hạ, mình đến tháo cũi, sổ lồng, thả người ta ra mới gọi là " giải phóng". Đàng nầy, người ta đang sống yên lành, hạnh phúc thì các ông ấy vào làm tan cửa, nát nhà, vợ chồng, con cái thất lạc, tù tội, giết tróc, cướp bóc, lấy của cải, tài sản của đồng bào, của quốc gia làm của riêng cho mình mà sao gọi là " giải phóng" được. Thơm phải bỏ học về nhà giúp mẹ buôn thúng, bán bưng ở chợ Bà Chiểu, bữa đói, bữa no, mâm cơm chỉ thấy toàn bo bo với nước mắm kho chấm rau lượt. Tất cả đồng bào miền Nam khi chưa " giải phóng" dù giàu hay nghèo đâu có cảnh như vậy!
Thường những cô học sinh trung học có nhan sắc ở miền Nam trước 75, sau khi đỗ tú tài hai thường ghi tên ở các đại học văn khoa, luật khoa hoặc lập gia đình. Thơm lại thích học môn toán nhức đầu.. Nàng là cái hoa đẹp của đại học khoa học thời ấy. Nhưng "lắm mối tối nằm không", dì Thơm chỉ chú ý đến học hành thi cử, không trả lời những thư tỏ tình của các bạn trai. Dì chỉ mỉm cười nhận thư các bạn si tình cất đi mà không bao giờ mở ra đọc. Dì sợ đọc rồi lại vấn vương vào chuyện tình cảm xao lãng việc hoc.
Thơm vượt biên qua Mỹ hồi năm 81 và về ở với gia đình chị ruột mình. Hàng ngày đi may, cắt chỉ và tối đi học Anh văn, chỉ mấy năm sau thôi, nàng vào đại học CalPoly, rồi tốt nghiệp với bằng " civil engineering" (kỹ sư công chánh), và được tuyển làm việc cho CALTRAN (California Department of Transportation) và mua nhà ở cùng đường với chị Thơ.
Chị Tư Thơ qua Mỳ đã gần ba mươi năm rồi nhưng chị vẫn không chịu học lái xe. Chị thường tâm sự với bạn bè là "Tôi không thể nào học nỗi lái xe với ảnh đâu. Ảnh vừa mới trao tay lái cho tôi là đã gây lộn rồi. Còn tôi xin đi học thầy dạy chuyên nghiệp thì ảnh không chịu. Các bà có biết ảnh nói sao không" Ảnh nói: Bà đi học lái xe với ông thầy già hoặc trẻ gì cũng không được đâu. Chỉ có thầy trò ngồi với nhau trên xe làm sao tránh cảnh đụng qua, đụng lại, thắng tới, de lui. Đó là chưa kể tập mấy chỗ bãi vắng. Giờ nghỉ giải lao. Tha hồ mà tâm tình, chuyện vãn, trời nắng, trời mưa, hỏi han nầy nọ. Anh ấy chỉ ghen bóng, ghen gió, nghĩ bậy, nghĩ bạ ; tưởng tượng chuyện tào lao, nên tôi dẹp phức chuyện học lái xe cho rồi, coi như bỏ đi cho êm cửa, êm nhà. Anh ấy khỏi nghi ngờ, thắc mắc gì nữa. Đi làm mỗi ngày, tôi đi carpool vừa nhanh, vừa gọn, tránh được nạn kẹt xe trên freeway. Chỉ cuối tháng trả tiền xăng và công cho họ" Mỗi khi đi đâu riêng tư, chị lại phải nhờ cô em ruột ở cùng đường cho quá giang. Lúc nào dì Thơm vui vẻ thì dì sẵn sàng chở đi, nhưng dì ấy có lúc nắng, lúc mưa, trái gió, trở trời, khi buồn, khi vui, bất thường thì kể như bù luôn, phải nhờ đến anh Tư.. Chị than thở với bạn bè : "Ở Mỹ mà không biết lái xe như mình mất đi một cái chân đấy, thật nản quá!." Còn đi xe bus thì chị không rành bến, nhất là lúc đổi xe, còn thì phải đứng chờ đợi ở trạm mất nhiều thời giờ.
Bây giờ, chị rành đi xe bus lắm rồi. Số là hôm đó anh Tư ở sở điện thoại về báo cho biết là về nhà trễ; vì sau giờ làm việc phải vào nhà thương thăm người bạn đồng nghiệp bị tai nạn xe cộ. Hôm ấy, chị có việc gấp phải đi đến nhà dì Năm, cách nhà chừng 10 miles, dì Thơm lại đi làm chưa về, chị liều ra đi xe bus, tới trạm phải xuống, chị quên. Xe bus cứ tiếp tục chạy cho đến khi trên xe chỉ còn ông tài xế với chị. Xe chạy đến trạm cuối thì dừng lại nghỉ, và chờ giờ chạy ngược lại. Chị nhìn quanh quất thấy không phải là khu nhà dì Năm quen thuộc, chị hoảng quá chưa biết tính sao, lại thấy ông tài xế quay nhìn đàng sau nói rất nhanh: "This place is the last stop. You'll need to get off here, please!" (Đây là trạm dừng cuối. Xin bà vui lòng xuống nơi đây!)
Nhìn ông tài xế to con, nước da bánh mật, mang kiếng đen, tóc dài đến tận mang tai, mặt mày cô hồn trông giống như luật sư Trần Trừng Trị đi tìm người hưởng thừa kế trong kịch vui của Hồng Đào Quang Minh, lại râu ria tùm lum, không khác gì Bin Laden, trùm khủng bố mà hàng ngày đài truyền hình nào trên đất Mỹ và khắp thế giới thường chiếu hình, nhắc đến luôn. Chị giật mình, hoảng hốt, thảng thốt kêu lên, phản ứng tự nhiên bằng tiếng Việt:
- Trời ơi! Chết tôi rồi! Biết làm sao đây. Chỗ nầy đâu phải khu nhà dì Năm.
Ông tài xế liền gỡ kiếng đen ra, mỉm cười, nói với chị bằng tiếng Việt:


- Xin lỗi! Tôi ngỡ chị là người Hoa, Thái hay Phi chứ.
Lần nầy chị Thơ mới hòan hồn, vừa mừng, vừa ngạc nhiên:
- Tôi cứ tưởng ông là Mễ hay Trung đông gì chớ.
Anh tài xế xe bus có tên là Tài và anh em thường gọi là anh Ba Tài. Anh trông tướng dữ dằn như vậy nhưng giọng nói hiền khô, vui vẻ, và tử tế, lại có chiếc răng khểnh trông có duyên lạ. Anh nói:
-Chị ráng ngồi chờ chừng mười lăm phút nữa, xe tôi tới chuyến khởi hành trở lại đường cũ, tới trạm xuống, tôi sẽ nhắc chị. Đây có tờ Việt Báo, tờ Người Việt mới đây, chị cầm đọc tạm trong khi chờ đợi.
Anh Ba Tài lái xe bus tuyến đường nầy đã hơn mười năm rồi. Thỉnh thoảng anh mới gặp hành khách Việt; vì đa phần họ đều có xe hơi riêng, những người già cả thường có con cháu đưa đi, đón về, nên ít dùng xe bus. Người khách Việt trung thành và thường xuyên lên xe anh đi mỗi ngày là cụ Cả. Cụ đi riết thành quen thân.
Cụ Cả cỡ hơn 80 tuổi nhưng dáng người trông khỏe mạnh, râu tóc bạc phơ, tiếng nói rổn rảng như người trung niên. Hàng ngày cụ dùng xe bus đi khắp đó đây trong thành phố, có khi cụ đổi xe xuống tận Long Beach, qua thủ đô tỵ nạn, rồi ngược lên chợ Tàu ở Los Angeles. Cụ nói với anh : "Ở nhà rảnh không làm gì, lên xe bus đi lòng vòng cho biết chỗ nầy, chỗ nọ, xe bus chạy qua thành phố nào thích, tôi xuống thả bộ cho giãn gân, giãn cốt, xem cảnh, ngắm người, rồi đến giờ, tôi trở lại trạm và về nhà." Nhưng gần ba năm nay, anh Ba Tài không thấy cụ đi chơi xe bus như thường lệ nữa.. Trong lòng anh thấy nhớ người khách quen thân, đi xe bus thường xuyên, ngang tuổi cha mình mà không biết hỏi thăm ai. Anh không có số điện thoại, lại không biết nhà nên đành mất liên lạc, không rõ hôm nay cụ thế nào! Mạnh khỏe hay đau yếu gì chăng! Có chuyện gì đã xảy ra cho cụ không!
Bây giờ, chị Thơ không sợ đi xe bus nữa, chị đi hoài thành quen, giờ nào xe bus tới, chuyến nào phải đi, tới trạm nào phải xuống để đổi xe, xe số mấy chạy tuyến đường nào. Chị thuộc nằm lòng như ta thuộc cửu chương hai nhân hai là bốn. Mỗi khi đi đâu hay tới nhà dì Năm, chị khỏi phải nhờ Thơm hay anh Tư hoặc con cái chở đi nữa, chị nhảy lên tuyến đường xe bus anh Ba Tài phụ trách. Một hôm, anh Ba Tài đột ngột hỏi chị:
"-Xin lỗi chị! Cho tôi hỏi thăm một chút: Tôi thấy mỗi lần lên xe bus tuyến đường nầy, chị thường lên ở trạm 215 và khi về chị cũng xuống trạm ấy, chắc chị ở khu gần đấy. Cách đây ba năm, tôi có quen thân một cụ ông cũng thường lên, xuống trạm 215. Giờ đây, tôi không thấy cụ ấy đi xe nữa, không rõ chị có biết ông cụ đó là ai không nhỉ, và có ở gần vùng chị ở không""
Anh Tài nói tên, và tả sơ qua người hành khách lớn tuổi. Chị Tư Thơ ngạc nhiên cho biết, cụ ấy chính là thân phụ của mình.. Anh Tài mừng lắm và hỏi địa chỉ, điện thoại, và xin phép có ngày nào rảnh sẽ đến thăm cụ Cả.
Nhân ngày nghỉ lễ lao động tháng Chín vừa qua, anh Tài đến thăm cụ Cả. Trong lúc hai bác cháu đang trò chuyện tương đắc, vui vẻ, Thơm bưng trà lên mời cha và khách. Nàng vừa rời phòng khách xuống bếp. Anh Tài nhớ man mán như mình đã gặp người nầy ở đâu rồi, nhưng nghĩ mãi không ra, anh bèn nói:
-Cụ thật có phước đức quá. Hậu vận cụ tốt quá! Cụ bà đã quá vãng, cụ còn cô út săn sóc chăm nom, thật không gì quí bằng!
- Em nó hiền lành, chăm chỉ, chịu thương, chịu khó, và đặc biệt là rất có hiếu với cha mẹ, có nghĩa với anh chị em. Nhưng có điều, tôi cứ lo ít năm nữa, tôi về hầu Phật, tôi sợ nó lẻ loi, đơn chiếc một mình. Tội nghiệp!
Nghe cụ nói vậy, anh Tài nghĩ lại thân phận mình hiện tại, cũng đơn chiếc, lẻ loi, cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Anh mồ côi mẹ hồi anh lên mười tuổi. Anh không thể nào quên được ngày mẹ anh chết, xác được dân làng khiên về nhà. Anh còn nhớ rất rõ, sáng hôm ấy trước khi đi học, mẹ gọi lại dúi vào tay ít tiền giấy và nói:
"-Con cất lấy để dành ăn hàng với bạn bè, chiều về, mẹ sẽ có bánh ít lá gai cho con. Ráng học giỏi, ngoan nghe con."
Rồi bà tất tả gánh hàng lên lộ; chờ đón xe lam. Buổi trưa, người nhà hớt hải chạy qua trường cho biết là chiếc xe lam ba bánh chở mẹ anh và các bạn hàng ra chợ hồi sáng, chạy qua đoạn đường bị Việt cọng đắp mô, đặt mìn cho nổ, hành khách trên xe người chết, kẻ bị thương. Hiện tất cả đều được chở về trạm y tế quận. Mẹ anh chết tức tưởi không có một lời trăng trối nào. Chôn cất vợ xong, cha anh buồn quá, bán hết ruộng vườn đem con lên Sài gòn làm tài xế taxi sinh sống. Tài được tiếp tục đèn sách cho đến khi đỗ được Tú tài hai và vào đại học khoa học.
Đời sống sinh viên là tươi đẹp nhất, dù giàu hay nghèo được ôm vở đến trường đại học là một diễm phúc và thú vị nhất trong đời của những thanh niên, thiếu nữ mới lớn. Những mộng mơ, những ước vọng tương lai, tình yêu đôi lứa thường đâm chồi, nẩy lộc vào thời kỳ nầy. Nhưng ở đời ai ai cũng có một cuộc sống êm đẹp như vậy đâu. Tài thi hỏng chứng chỉ Lý Hóa nên không được tiếp tục hoãn dịch vì lý do học vấn và tới tuổi, anh phải gia nhập quân đội.. Ra trường đúng vào lúc chiến trường thật sôi động. Cộng quân xé bỏ hiệp định Paris. Chúng xua quân đánh chiếm Bình long, Phước long, rồi Ban mê Thuột, quân đoàn 1, quân đoàn 2 phải di tản, tái phối tríàrồi cuối cùng lệnh đầu hàng..Cái gọi là Ủy Ban Quân Quản của Cọng sản Việt nam hàng ngày kêu ra rả trên đài phát thanh và truyền hình gọi các sĩ quan và công chức chế độ cũ ra trình diện học tập cải tạo để được khoan hồng vàvàAnh còn lạ gì miệng lưỡi của Cọng sản nữa, nhất là Cọng sản Việt Nam. Tài và thiếu úy Y-Brê Giudong, người Việt gốc Thượng, bạn cùng khóa, cùng đơn vị, nhất định không ra trình diện và rủ nhau trốn vào buông Thượng trong rừng sâu; cách thị trấn Ban Mê Thuột 48 cây số đường chim bay, Tài giả dạng đồng bào Thượng sống lẫn lộn với những người Thượng bà con của Y-Brê, và được họ che chở. Hàng ngày, anh cùng họ làm rẫy, đốn cây, đốt than, săn thú sinh sống. Mãi đến năm 1979, khi Trung cọng xua quân qua biên giới miền Bắc dạy cho Cọng sản Việt nam bài học. Lợi dụng cơ hội nầy; những người Thượng quốc gia dẫn dắt Tài và Y-Brê vượt biên giới qua Miên, rồi Thái lan, và tìm đường vào trại tỵ nạn Sông Kha, Thái lan. Kẹt ở Sông Kha một thời gian khá lâu, mãi đến cuối tháng Bảy năm 1983 Tài và Y-Brê mới được nhận vào Mỹ. Y-Brê đi Boston, Tài về Los Angeles. Ở Los Angeles, Tài làm đủ nghề, từ rửa chén nhà hàng Nhật bổn đến lái xe van đưa đón bà con Việt tỵ nạn mới đến Mỹ cho các văn phòng bác sĩ , nha sĩ, hội thiện nguyện, canh gác siêu thị, nhà băng, cắt cỏ, đi bỏ quảng cáo, giao báo buổi sáng, chiều tối ôm vở đi học vàvàĐến năm 1993, Tài thi đậu vào làm tài xế cho hãng xe bus nầy cho đến hôm nay, và vẫn còn độc thân.
- Cháu đang nghĩ gì mà ngồi thừ người ra vậy"
Lời cụ Cả hỏi làm Tài giật mình, tỉnh lại.
- Dạ không. Cháu hơi mệt, cháu xin phép Bác, cháu về. Thỉnh thoảng cháu lại đến thăm Bác.
Những ngày tháng sau đó, cứ có dịp nào được nghỉ, Tài thường đến thăm cụ Cả, uống trà, và trò chuyện thật là hợp nhau, tương đắc.Tài học được ở Cụ nhiều chuyện đạo lý và cách xử thế ở đời sao cho phải đạo làm người. Có nhiều hôm, cụ Cả mời Tài ở lại dùng cơm và anh có dịp chuyện trò với Thơm. Trong câu chuyện, Tài và Thơm mới nhận ra nhau đều cùng là sinh viên ở đại học khoa học Sài gòn các niên khóa 70-71, 71-72, và lúc đó Thơm là hoa khôi của trường. Vì vậy, khi mới gặp Thơm, chàng thoáng nghĩ trong đầu là đã gặp người nầy ở đâu rồi nhưng chưa nhớ ra. Với thời gian, và chuyện " tình muộn" của họ đã xảy ra sau đó.
Hôm đám cưới, chị Tư Thơ khi đến chúc mừng em, chị ghé tai Thơm nói đùa: "Em dính vô chuyện phu thê rồi đó. Hết còn trẻ đẹp nghe em."
Nói xong, chị mỉm cười, rồi bỏ đi, vừa đi, vừa mơ màng đến hạnh phúc muộn của người em gái út cưng chiều của mình.
Nguyễn Hữu Thời

Ý kiến bạn đọc
17/08/201608:02:22
Khách
Bài viết tuyệt lắm! Có hậu.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,229,771
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến