Bài số 813-1402-239-vb8082805
Tác giả Lê Tường Vi (hình trên) cư dân San Diego, nhiều năm là kỹ sư cho một hãng tele-communication, tự sơ lược tiểu sử: “Tôi qua US lúc 14 tuổi. Cả gia đình còn kẹt lại VN vào lúc đó. Tôi bảo lãnh cha mẹ sau khi ổn định và chúng tôi đoàn tụ năm 1995.”
Giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm thứ tư, Lê Tường Vi được bình chọn vào chung kết, với hai bài đặc biệt: “Một Mình Nuôi Con” cho thấy một bà mẹ hiểu biết nghịch cảnh và đương đầu. “Ba Thế Hệ Một Nhà” kể về việc nối lại tình yêu thương từng bị ngăn cách giữa mẹ con, bà cháu.
Theo tin từ cuộc họp mặt phát giải thưởng, ra mắt sách Viết Về Nước Mỹ 2005 tối chủ nhật 28-8, tác giả Lê Tường Vi đã chính thức được trao tặng Giải Chung Kết Duy Nhất Trong Năm.
Trân trọng chúc mừng.
*
Cái thú sưu tầm thơ văn của tôi bắt nguồn từ thuở nhỏ. Đọc bài thơ hay hoặc nghe câu tục ngữ thích thú, tôi ghi chép lại trong quyển sổ bìa dày tôi kí cóp dành dụm cả mấy tháng tiền quà mới mua được.
Lục bình bông tím
Điên điển bông vàng
Điên điển mọc ở đất làng
Lục bình trôi nổi như phường hát ngao ... a` ơ
...
Con mất cha ăn cơm với cá
A` ơi.. Con mất mẹ liếm lá đầu đường...
Đó là những câu ru em ngọt ngào của Mẹ tôi trong buổi trưa hè oi bức, được tôi nắn nót viết lại cẩn thận như lúc viết bài Trấn Thủ Lưu Đồn nộp cho cô giáo. Tôi gò từng nét bút, tô từng màu mực để tạo nét đặc biệt cho quyển sách với tất cả khả năng trang trí của tuổi mười ba.
Năm 1975, cả gia đình tôi dắt díu chạy loạn từ miền Trung vào SàiGòn, rồi tôi một mình lưu lạc tới nước Mỹ. Trong túi hành lý nhỏ trên vai có quyển sách chép thơ ca này. Đây là kỷ vật thơ dại đáng kể nhất tôi còn mang theo được bên mình.
Quyển sách chép thơ trở thành cuốn nhật ký, bạn trung thành của con bé 14 tuổi. Trong những ngày ấy, tôi trút biết bao dòng tâm sự đau buồn, hờn tủi vô những trang giấy trắng còn lại của tập thơ. Sau này nhìn lại, những trang sách vẫn còn in dấu nước mắt, nét chữ nhòe nhoẹt. Hồi tưởng lại tâm trạng ngày xưa, tôi vẫn còn cảm thấy xúc động.
Trong cuộc sống tất bật vừa làm vừa học, tôi chẳng còn thời giờ để than thở với nhật ký nữa. Quyển thơ dần dà lui xuống đáy thùng sách mang theo khi dọn nhà. Những lúc hì hục khiêng thùng sách ra xe hay lên xuống cầu thang mỗi chổ ở mới, tôi vẫn nghĩ phải bỏ bớt những quyển không thông dụng. Nhưng sau bao lần cầm lên, tôi vẫn không nỡ quăng tập thơ cũ kỷ này. Tôi nhét nó xuống đáy thùng và tiếp tục mang nó theo cho tới khi ổn định gia cư.
Quyển sách từ lâu nằm khuất trong góc của kệ sách và dường như không còn ảnh hưởng nào trong cuộc sống bận rộn của gia đình. Cho tới khi con trai tôi chào đời, nhờ nó, tôi tìm lại được những bài ca dao hát ru ngày xưa của mẹ, mang ra làm vốn ru con khi cháu còn nhỏ. Bận rộn đời sống làm quyển sách lại lui vào bóng tối, khuất lấp trong kệ sách.
*
Tôi có việc làm tương đối yên ổn trong hãng tele-communication tại một thành phố miền nam Cali. Số dân gốc Việt trong hãng không nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn hẹn nhau đi ăn trưa, trao đổi tin tức và tán gẫu thời sự. Chúng tôi tương ái và tôn trọng lẫn nhau.
Một hôm, đang làm việc bỗng điện thoại trên bàn reo lên. Nhìn tên người hiện ra trong khung kính nhỏ của điện thoại là Mary Ann C.. Ủa, cô này là thư ký riêng của sếp lớn trong hãng, gọi tôi có việc gì vậy kìa"
Ngạc nhiên, tôi nhấc lên:
- Hello, Vi đây.
Tiếng nói phía kia có phần khẩn cấp:
- Chị ơi, nói giùm với bà Ngoại em đi.
Cách phát âm thiếu dấu của những người ngọai quốc nói tiếng Việt của Mary Ann làm tôi ngạc nhiên vì trước giờ tôi không hề biết cô là người Việt. Cứ ngỡ cô là người Hawaii hay người xứ Thái bình dương Nam Á nào đó. Chưa kịp trả lời, cô hấp tấp nói tiếp bằng tiếng Anh:
- Please tell Grandma don't worry. I already paid the electric bill yesterday.
Và cô bấm thêm đường dây thứ ba, tiếng một bà lớn tuổi miền Nam, giọng hốt hoảng tuôn ra:
- Họ đòi cúp điện của Ngoại con ơi. Làm sao đây" Làm sao đây con"
Tôi chen vào:
- Thưa bà, cô ấy nói đã trả tiền điện rồi. Bà yên tâm.
Tiếng bà cụ ngừng lại vài giây, thở phào:
- Trả rồi hả. May quá!
Và bà thắc mắc:
- Cô là ai vậy"
- Dạ, con là người làm chung sở với Mary Ann.
- Ủa, có người Việt làm chung với con Ngọc Lan sao" Cô ơi, nói giùm có nhiều giấy tờ gởi nhưng tôi không hiểu hết. Cô nói giùm cho tui đi.
Thì ra Mary Ann còn có tên Việt là Ngọc Lan. Tôi tiếp tục thông dịch giùm hai bà cháu thêm khoảng 15 phút. Mary Ann nói cuối tuần cô sẽ ghé qua thăm cụ và xem xét lại giấy tờ. Sau khi bà cụ cúp máy, cô cám ơn tôi rối rít, nói cô cố gắng giải thích nhưng trong cơn bối rối và thêm chứng nặng tai, cụ lại càng không hiểu nổi thứ tiếng Việt đơn sơ của cô. Quýnh quá, cô mở quyển điện thoại niên giám của hãng, thấy tôi họ Lê, cô gọi đại cầu may. Tôi an ủi, bảo cô khi nào cần nói chuyện với bà, tôi sẵn sàng thông dịch giùm, không phiền hà chi cả.
Từ đó tôi trở thành cái cầu ngôn ngữ của hai bà cháu Mary Ann. Tôi cho số điện thoại riêng của mình, Mary Ann lồng trong điện thoại của bà cụ, và dặn khi cần thiết cứ bấm số 2 tới tôi nhận ngay.
Qua lời than thở của cụ Quế, tôi lờ mờ hiểu hoàn cảnh của bà. Cụ Quế sống một mình trong khu cư xá toàn là dân Mễ tây cơ và da đen. Cụ sợ lắm, đóng cửa im ỉm cả ngày. Mary Ann mỗi tháng ghé qua, chở bà đi chợ mua mấy thứ cần thiết. Sau vài lần nói chuyện, bà hỏi thêm về tôi, và mời tôi ghé thăm bà nếu có thời giờ.
Với Mary Ann, dần đà, chúng tôi thân nhau hơn qua những lần nói chuyện. Có hôm cô nói bà ngoại em mong gặp chị lắm. Hai bà cháu mấy chục năm nay không sao trò truyện được, nếu mà có chị... Nghe Mary Ann nói, thấy thương, tôi quyết định theo cô đi thăm cụ bà Quế. Cô vừa lái xe vừa kể lại hoàn cảnh gia đình.
Mẹ cô, bà Lý, theo chồng thứ hai về Mỹ năm 1970 với hai cô con riêng, để lại người con trai lớn với bên chồng thứ nhất. Mary Ann giàn giụa nước mắt khi nhắc lại cảnh cô bị dứt tay khỏi người anh trai 8 tuổi ở phi trường Tân Sơn Nhất. Người chồng Mỹ gốc Phi này không thích hai cô nhỏ nói tiếng Việt nên ông ta hay đánh hai em và bắt phải nói tiếng Anh. Bà Lý không dám can ông chồng nên hai cô nhỏ sợ ông ta lắm.
Nhớ bà Ngoại, hai cô nhỏ đòi về Việt Nam và bị đòn mỗi lần khóc nhớ bà. Một thời gian sau, ở Việt Nam cụ Quế nhờ người quen làm giấy tờ, lần mò đi tới Hawaii kiếm con gái và hai cháu. May là ông Mỹ này ở trong quân đội nên sự tìm kiếm không khó khăn lắm. Bà lọt tới đảo Oahu, không biết tiếng Anh nên loay hoay ngồi ở sân bay cả ngày. Nhân viên phi trường kiếm được người Việt Nam thông dịch và gọi taxi chở bà tới địa chỉ nhà con gái. Cô bé Mary Ann - Ngọc Lan- mở cửa thấy bà Ngoại mừng quá la lên, ôm bà chặt cứng, lôi vào nhà và kêu em, mẹ ra đón bà.
Ông con rể Mỹ không ưa bà ra mặt. Sự hiện diện của bà làm cho đời sống ông ta mất trật tự theo ý y muốn. Những vết bầm trên người Ngọc Lan và em gái làm cụ Quế tức giận. Cụ liên tiếp bảo con gái cụ hỏi “thằng Mỹ” tại sao đánh hai đứa nhỏ nhưng bà Lý không dám hỏi. Cụ lôi hai đứa nhỏ, chỉ vào vết bầm và hỏi y bằng tiếng Việt:
- Tại sao đánh hai đứa nhỏ"
Cụ liên tiếp nói “Phú Lít” làm tên kia nhột.
Visa tạm trú tại Hawaii được cấp 2 tháng, “thằng Mỹ” liên tiếp nhắc cụ sắp xếp hành lý ra về trong những ngày sắp hết hạn. Thương hai cháu quá, bà cụ liều ở lại, không chịu ra phi trường.
Ngọc Lan kể bằng tiếng Anh , thỉnh thoảng chen vô vài tiếng Việt đớt đát của cô làm tôi mường tượng lại hoàn cảnh đáng thương của ba bà cháu.
- Thằng Mỹ bắt Mẹ đánh tụi em vì biết bà Ngoại không dám gọi “Phú Lít” bắt Mẹ. Bà Ngoại tức “thấy mẹ nó”.
Đôi khi cô chen vào từ ngữ Việt học từ cụ Quế chất phác làm có lúc tôi suýt bật cười.
- Hết hạn visa, thằng Mỹ đem vali bà Ngoại quăng ra đường khi bà không chịu đi về VN. Em khóc quá, nó đòi đánh em. Tối đó bà Ngoại ngủ ngoài trời, em đem bánh mì cho Ngoại ăn bị nó cú vô đầu đau lắm.
Mary Ann kể là hôm sau có người hàng xóm đem bà Ngoại vô nhà. Họ gọi sở di trú tới đưa bà đi. Nơi đây có người Việt thông dịch. Cụ Quế trình bày và nhất định đòi ở lại Mỹ với các cháu. Sở di trú bối rối chưa biết tính sao thì may quá, có người đàn ông góa vợ, cần vú em cho 2 đứa con của ông ta hỏi cụ Quế có muốn làm không.
- Bà Ngoại phải đi “ở đợ” đó. Nhưng bà ra điều kiện là mỗi chủ nhật bà nghỉ làm tới thăm cháu ngoại. Có khi thằng Mỹ dắt tụi em đi mất để làm bà ngồi ngoài đường chờ tới tối luôn.
Thấy cô cháu mang được tôi đến thăm, cụ Quế rất mừng. Cụ đã hơn 80 tuổi, người còm cõi, hơi bị lãng tai, nghe không rõ, nhưng lại ưa trò chuyện. Có lúc bà cụ kể thêm:
- Cô nghĩ xem, đang có nhà cửa hàng quán ở Việt Nam, tôi bỏ hết đi ở đợ chớ rời hai đứa nhỏ tôi không đành. Con Lý tệ quá, không dám bênh con, cứ sợ thằng Mỹ quá đi. Tôi làm công cho người ta tới khi hai đứa nhỏ lớn lên. Muốn trở về Việt Nam thì người ta nói mất nước rồi, làm sao mà về" Tôi khóc hết nước mắt cô ơi! Tôi đâu có biết đọc báo Mỹ mà biết tin mất nước. Ông chủ nhà cứ dọn đi mấy chỗ hẻo lánh làm tôi có gặp người Việt nào mà biết. Khổ chưa! Mười năm làm công ròng rã, sau đó thằng Mỹ theo con đàn bà khác, bỏ con Lý. Nó khóc với tôi, xin lỗi, ăn năn. Tôi thương con gái khờ dại, biểu nó thôi con, ráng làm lại cuộc đời. Tôi đưa hết tiền dành dụm trong 10 năm biểu nó mua căn nhà nhỏ mẹ, con, bà, cháu cùng nhau ở. Ai đời nó kể thằng Mỹ sao đó, tụi nó dắt nhau đi chơi xài sạch bách tiền tôi cô ơi! Tức quá tôi muốn tự tử chết cho rồi. Sao số tôi vô phúc quá! Con Ngọc Lan khóc, níu áo tôi nói Ngoại ơi, đừng chết Ngoại ơi làm tôi cầm lòng không nỡ chết.
Cụ Quế nhờ cơ quan chức trách kiếm nhà ở và xin phụ cấp an sinh xã hội khi cụ 65 tuổi. Cụ ở nơi này tự đó. Mỗi cuối tuần cụ đón mấy chuyến xe bus tới chùa Việt Nam, nghe tụng kinh, làm công quả cho qua số kiếp hẩm hiu. Cụ tránh quen biết thân thiết với ai vì mắc cỡ với thiên hạ về con gái mình. Bà Lý thỉnh thoảng vẫn gọi điện thoại mượn tiền Mẹ và trách móc khi cụ nói không còn tiền nữa.
Ngọc Lan mỗi khi nhắc tới Mẹ cô vẫn nói:
- Mẹ em hư lắm. Mẹ không thương bà Ngoại hay thương ai hết.
Nghe chuyện cụ Quế và Ngọc Lan kể, tôi ái ngại cho hoàn cảnh hai bà cháu, nên cố thu xếp đi với Ngọc Lan mỗi lần cô về thăm bà. Bà cụ thường kể cho tôi nghe chuyện quá khứ. Chắc bà cụ biết là qua tôi làm cầu nối, Ngọc Lan có thể biết thêm về lai lịch của cô.
Theo bà cụ kể, cha bà người Tàu Hải Nam, trôi giạt qua Việt Nam lấy mẹ bà người Việt. Ông mở tiệm thuốc Bắc, thương yêu các con và thường nấu cho gia đình ăn nhiều món tàu quê hương của ông. Sau khi lấy chồng, bà sanh một con gái. Chồng bà chết trong cơn uống rượu say gây gổ đập lộn với ai đó.
Để tang chồng ba năm, bà trở về nhà cha mẹ và từ đó bôn ba nuôi con trưởng thành. Ngọc Lan rất giống bà nên tôi biết rằng thời trẻ cụ bà Quế có nhan sắc mặn mà. Cuộc đời người đàn bà góa nuôi con ở Việt Nam thời thập niên 40s chắc chắn rất truân chuyên. Tôi hỏi sao không lấy chồng tiếp, cụ lắc đầu quầy quậy:
- Thôi cô ơi, một lần lấy chồng tởn tới già. May quá ổng chết, chớ ổng sống lâu chắc tui chịu hổng thấu nhà chồng.
Ngọc Lan không đủ tiếng Việt để hiểu trọn những chuyện bà ngoại cô kể. Trong những lần viếng thăm cụ Quế, nhờ tôi thông dịch qua lại, hai bà cháu trò truyện với nhau dễ dàng hơn, Ngọc Lan biết thêm lai lịch của cô và tôi có dịp biết thêm vài khía cạnh đời sống Việt Nam thời xưa.
Trong những dịp viếng thăm cụ Quế, tôi có dịp tìm hiểu Ngọc Lan hơn. Cô rời quê hương lúc tuổi quá nhỏ. Tiếng mẹ đẻ còn không biết, làm sao biết gì về quê mẹ. Tôi lắng nghe mỗi lần cô bùng cơn giận khi nhắc lại những đòn thù của người cha kế và sự dửng dưng của bà mẹ vô tâm.
Ngọc Lan nói trước khi gặp tôi, cô tránh tới khu người Việt vì cô cảm thấy lạc lõng. Đó cũng là lý do cô lạnh tanh, lảng tránh sinh hoạt của đám nhân viên gốc Việt trong hãng. Bao năm ẩn ức, có bạn để chia sẻ tâm sự, Ngọc Lan có vẻ dịu dần lại. Tôi lựa lúc chị em thân thiện, kể chuyện quê mẹ Việt Nam cho cô nghe, khi thì chuyện đất đai, lịch sử, con người, lúc thì chuyện văn hoá, cảnh đẹp, món ăn...
Cùng nhau, chúng tôi gỡ dần những gút mắc trong quá khứ của Ngọc Lan. Cho đến một hôm, trước khi tới thăm cụ bà Quế, chính cô yêu cầu tôi cùng cô ghé qua khu Việt Nam đi chợ, mua vật dụng nấu nướng mấy món bà ngoại cô thường nhắc.
Vậy là từ đó, mỗi lần chúng tôi tới thăm, căn apartment lạnh lẽo của cụ Quế có thêm lửa bếp hồng làm nồng câu chuyện. Những cuộn băng ca kịch VN thành thứ gợi ý bao mẩu chuyện chúng tôi chia xẻ, có khi cười bò lăn, có khi cảm động chảy nước mắt. Máu huyết Việt vẫn lưu chuyển trong ngưòi Ngọc Lan nên cô hấp thụ rất nhanh. Tánh tình sôi nổi khích động lúc tôi mới quen cô giảm bớt nhiều. Cô nói tiếng Việt khá hơn, nấu nướng món Việt rành rõi hơn, làm bà cụ có lần buột miệng:
- A , con nhỏ này sao giờ giỏi quá ta!
Ánh mắt sáng ngời hãnh diện của cụ khi nhìn cô cháu ngoại làm tôi hãnh diện lây. Một đời hy sinh cho con, cho cháu, ít ra cụ được hưởng chút vui vẻ đền đáp.
Có lần vui chuyện, cụ kể chuyện đêm tân hôn, làm chúng tôi chỉ biết nhìn nhau, lắc đầu.
Cụ bà Quế lấy chồng khi mới mười sáu tuổi. Cụ kể sau khi đi chào quan khách, mẹ chồng đưa “tân nương” vô phòng hợp cẩn, ngồi chờ chồng vô vén khăn phủ đầu che mặt. Chờ lâu quá, cô dâu ngủ gục và giật thót dậy khi cửa phòng bị mở tung. Một người đàn ông say sưa nồng nặc mùi rượu được ẵm vô đặt lên giường. Suốt đêm ấy, cô dâu Quế ngồi ở góc phòng nhìn ông chồng mới cưới nói quơ quào lảm nhảm trong cơn say.
Nghe tới đây, Ngọc Lan trề môi, hỏi sao Ngoại không tạt nước cho nó tỉnh. Bà cụ cười đôn hậu:
- Ý, làm vậy họ cạo đầu đuổi về đó con.
Thật tình chúng tôi không thể tưởng tượng những bất công phái nữ phải chịu đựng thời đó. Cụ Quế kể lại nỗi gian truân lúc mãn tang chồng, xin về nhà cha mẹ, bị bên chồng làm khó dễ đủ điều.
Chép miệng, cụ nhắc lại cảnh chào nhà chồng ẵm con thơ ra đi. Tất cả vòng vàng sính lễ khi cưới hỏi phải trả lại nhà chồng. Cụ mướn cái chái nhà hàng xóm ở tạm với con, sống nhờ lòng tốt của hàng xóm kiếm miếng ăn nuôi con. Cụ dành dụm vốn liếng buôn bán thành công nuôi con gái ăn học ra trường hẳn hoi. Vậy mà ai ngờ...
Cuộc đời cụ Quế làm tôi tưởng nhớ đến bao cuộc đời khác.
*
Mẹ tôi thường kể chuyện bà Chín trong họ tôi. Bà có người chồng trẻ theo Việt Minh chết đi, để lại hai con trai. Anh con cả lớn lên theo Việt Cộng, người em theo quốc gia. Hai anh em mỗi năm chỉ gặp nhau một lần trong ngày giổ cha. Bà Chín sống trọn năm trong ngày đó. Sau cuộc chiến tranh, người em đi tù, từ chối sự bảo trợ của người anh. Bà cạn khô nước mắt cho cảnh anh em thù hằn nhau. Ngày trước, khi còn chính quyền quốc gia, bà từng nhiều phen liều mình che chở con trai lớn khi người em điều động lính lùng bắt quân phía người anh.
Sau này, khi Việt Cộng nắm quyền, bà từ chối vinh quang của con trai lớn, đón con trai nhỏ từ ngục tù trở về. Nhắc tới bà Chín, trong họ tôi ai cũng xót xa cho hoàn cảnh gia đình đôi ngả của bà.
Chạnh lòng tôi nghĩ tới cô giáo Ánh - cô giáo lớp 5 ngày xưa của tôi. Thời đó, học sinh lớp 5 bậc tiểu học phải thi lên lớp 6 để được nhận vô trường công. Cô giáo Ánh nổi tiếng nghiêm túc nên bọn học trò sợ oai cô, không dám phá phách như những năm trước. Cô cho nhiều bài làm ở nhà, rất công bình trong khen thưởng hay quở phạt và thương yêu đám trò nhỏ. Cô là vị giáo viên để lại ấn tượng kính phục trong tâm tư học trò và nhất trong tôi. Tôi nhớ mãi ánh mắt rạng rỡ vui mừng của cô khi chúng tôi kéo nhau tới nhà báo tin thi đậu.
Tôi có ý tìm kiếm cô Ánh lần đầu về VN nhưng không ai biết tin tức của cô. Căn nhà cũ đã có chủ mới. Bạn học thời tuổi nhỏ nay tứ tán khắp nơi mưu sinh, chẳng ai còn tâm tư nào tìm kiếm ai. Thất vọng, tôi nhờ Bố tôi ở Việt Nam tìm hỏi dùm tông tích cô. Mãi vài năm sau, Bố tôi cho hay kiếm được địa chỉ của cô tít vùng cao nguyên hẻo lánh miền Trung.
Lần về VN kỳ 2, tôi cố thu xếp công việc để có chút thời gian gặp lại cô giáo xưa. Tôi ngồi phía sau cái xe hai bánh của anh Thông tôi, chạy qua những con đường quê chật hẹp ngoằn nghoèo, đầy ổ gà. Vừa đi vừa hỏi thăm, hai anh em lạc lung tung, nhưng cuối cùng chúng tôi cũng tìm ra địa điểm.
Đứng trước một căn nhà mái lá nền đất, chung quanh cảnh trí đìu hiu, anh tôi gọi cửa và được một bà cụ lớn tuổi mời vào. Hỏi thăm thi` biết cô đi dạy chưa về. Trong gian nhà lá ẩm thấp, đồ đạc rất đơn giản. Cái ba`n thờ được kê giữa nhà. Bâng quơ tôi nhìn lên mấy bức hình trên ba`n thơ`. Ơ kìa! Aiđó... Hình như là ... Ảnh chụp một cô gái trẻ, hơi mờ nhưng tôi vẫn ngờ ngợ nhận ra nét quen thuộc… Có phải Thiên Hương, em cô giáo, bạn học cùng lớp với tôi xưa đó không" Sao lại lên bàn thờ"Tôi quay nhi`n anh Thông, thấ´y tôi bị khích động, anh nă´m tay tôi, no´i nhỏ:
- Em chơ` chút cô vê`, bình tĩnh đi.
Tôi nhìn hai tấm ảnh kế bên, hai bé gái trạc 9,10 tuổ kế bên hình Thiên Hương, nét hao hao giống…
Tiếng cổng tre mở rít nhẹ làm tôi quay lại. Tôi cố gắng bình tĩnh bước tới, dấu cảm giác sửng sốt và cố tìm nét cô giáo trong ký ức. Người đàn bà mặc bộ đồ bà ba quần đen, áo nâu nhạt này là cô giáo Ánh ngày xưa đó sao" Ôi, bóng dáng cô giáo thướt tha nghiêm trang ngày xưa đã không còn. Xã hội và hoàn cảnh nghiệt ngã biến cô thành một người đàn bà héo hon trong tuyệt vọng đang đứng trước mặt tôi đó.
Cô nhìn tôi, ngạc nhiên:
- Xin lỗi, anh chị là …
Tôi bước tới, tự giới thiệu:
- Thưa cô, em là Vi, học trò cũ của cô.
Thấy cô vẫn còn suy nghĩ, tôi nói tiếp:
- Em học chung lớp với Minh Trang xì dầu, Tường-Trang …
Tới đây cô nhớ ngay, cô cưng Minh Trang lắm. Ngày đó cô nàng có cặp má phúng phính, cô Ánh vẫn hay gọi yêu nó “hột mít”. Nhà Minh Trang sản xuất xì dầu có tiếng trong thành phố chúng tôi trước 75. Hình như cô vẫn còn khích động. Cô lúng túng kéo ghế, mời chúng tôi ngồi xuống, thắc mắc:
- Tường-Vi" Cô nghe em đi trước 75, phải không"
Tôi nắm tay cô, bàn tay khô nhám gầy guộc:
- Dạ, gia đình em khai như vậy để tránh bị khó dể.
Tôi ngước mắt hướng lên bàn thờ. Cô nhìn theo, thở dài:
- Thiên Hương đó em. Nó đi rồi.
Nước mắt cô chảy dài, cô nghẹn ngào nói không nên lời. Tôi không dám khơi thêm nổi buồn của cô nên đánh lảng:
-Em có ý tìm cô từ mấy năm trước nhưng không ai trong thành phố còn biết về cô. Bố em dò thăm dần dà mãi gần đây mới có người cho địa chỉ. Em nhớ ngày xưa khi thi đậu lớp 6, tụi em kéo tới nhà, cô đãi chúng em ăn mít chín, ngon quá là ngon.
Lau nước mắt, cô cười:
- Cô nhớ chứ, em là con bé đậu cao điểm nhất trong các trò cô dạy, làm sao cô quên em.
Và nhìn tôi, cô cảm động:
- Cô cám ơn em, còn nhớ tới và thăm cô như vầy. Thời bây giờ khác xưa em ơi, tình thầy trò lạt hơn nước lã!
Tôi mang ít trái cây mùa tết biếu cô, và anh tôi chạy lùng kiếm cho tôi mua trái mít chín. Cô nhìn trái mít, mỉm cười:
- Gớm, ngày ấy các em có mấy đứa mà ăn sạch bách trái mít thật to.
Tôi nhìn lên ảnh Thiên Hương, cô hiểu ý, thở dài, kể cho tôi nghe:
- Họ đổi cô lên tận Đồng Bò. Khí chướng ác nghiệt, các cháu bệnh hoài. Cả gia đình 6 người chen chúc trong căn nhà nghèo nàn vách đất, vệ sinh thiếu thốn. Lương cô mang về chỉ đủ ăn những ngày đầu tháng, còn lại thường phải ăn cháo. Hai em gái lớn bị sốt xuất huyết nhưng cô không có tiền thuê xe chở xuống bệnh viện. Mà dù có tới bệnh viện họ cũng không cứu vì mình không phải là công viên nhà nước, không có thân nhân nước ngoài, họ không chữa đâu. Em lớn chết trước, em nhỏ ôm lấy cô kêu Mẹ ơi, mẹ, đừng để con chết mẹ ơi...
Cô nức nở:
- Nhưng rồi chính em cũng lịm trong cơn sốt và đi sau đó. Tiếng kêu tuyệt vọng của em làm Thiên Hương chịu không nổi. Hương thắt cổ tự tử trong đêm. Một cái huyệt sơ sài chôn 3 mạng người oan uổng, em ơi!
Cô giáo nghẹn ngào:
- Nếu không còn hai bé út chắc cô không sống nổi. Lắm lúc muốn chết đi cho xong, nhưng mình yên thân còn lại gia đình ai nuôi, cô không nỡ…
Người chồng của cô ở trong tù, nghe tin sét đánh này, anh bị va chạm tinh thần nặng, sau đó bị trả về gia đình. Một mình cô giáo còm cõi nuôi mẹ chồng, chồng và con. Cô gượng nuôi gia đình trong hoàn cảnh eo hẹp, dưới sự chèn ép của chế độ. Những hy vọng cuộc đời tàn lạnh, chỉ còn biết sống cho qua kiếp người.
Cô lắc đầu khi tôi nhắc lại lời giảng dạy ngày xưa của cô “Thành công đi đôi với cố gắng”.
May thay, cô giáo Ánh của tôi sau này còn có em gái út học giỏi. Em là niềm hy vọng cho gia đình trên con đường học vấn. Kim Thoa ơi, nhớ nhé, “Cố gắng đi đôi với thành công”. Tôi nhắc lại lời nói của Mẹ em ngày xưa.
Chuyện bà Chín, chuyện cô giáo Ánh là số phận người mẹ thời loạn ly, đổi đời. Trong đời sống bình thường êm ả, hoàn cảnh người phụ nữ Việt cũng vẫn là phận thiệt thòi nhất.
Mẹ tôi và chính tôi từng có dịp tìm biết, những người con gái quê ngoại tôi hầu hết đã phải hy sinh tuổi trẻ làm lụng nuôi các anh em trai ăn học đỗ đạt. Tới khi các anh em trai thành công, bà Ngoại yếu liệt giường, lại là các bà các cô lãnh phần mang Mẹ về chăm sóc, dù các anh em trai và gia đình họ đang hưởng lợi trên những tài sản đất đai của Bố Mẹ để lại. Các cô gái dĩ nhiên không có tên họ trong di chúc gia đình. Họ không hề được đền bù cả về tinh thần lẫn vật chất. Không cả được một lời cám ơn từ các ông cậu.
*
Mới đây, trong giờ làm việc tại sở, có điện thoại reng. Nhấc lên không nghe tiếng nói, chỉ có tiếng thở nặng. Tưởng ai đó phá rối, tôi cúp máy. Nhìn lại, thấy số vùng là nơi cụ bà Quế cư ngụ. Tôi vội gọi lại nhưng đường dây bị bận. Khi thông qua lại không ai trả lời. Linh tính có chuyện bất an, tôi gọi cho Mary Ann và bảo cô gọi cho bà sau khi tỏ bày sự lo âu. Cô làm ngay nhưng sau vài lần không ai bắt lên, cô cho tôi hay và quyết định lái xe tới nơi cư ngụ của bà cụ. Cô vui mừng khi tôi hỏi có muốn tôi đi cùng"
Hai chúng tôi vội vã thu xếp gặp nhau ở bãi đậu xe.
Suốt đoạn đường lái xe cả giờ đồng hồ, Mary Ann sốt ruột, phóng xe quá tốc độ giới hạn. Tôi thầm van vái ơn trên che giùm mắt cảnh sát công lộ chớ lái kiểu này họ chẳng những cho giấy phạt mà còn giam luôn xe thì khổ cả hai.
Tới nơi, không ai trả lời khi cô lên tiếng kêu, Mary Ann dùng chìa khóa riêng của cô mở tung cửa sau.
Vào nhà, thấy bà cụ nằm sóng soài trên sàn nhà, chúng tôi hoảng hồn. Tôi hối cô gọi 911. Sau đó, chúng tôi lái theo xe cứu thương tới bệnh viện.
May quá, sau hai tiếng đồng hồ cứu cấp, bà cụ hơi tỉnh lại, rên nhỏ:
- Ngọc Lan con, bà đau quá. Lưng đau quá...
Bác sĩ cho biết bà cụ bị rạn xương lưng, tôi thông dịch theo lời bà kể rằng khí hậu nóng quá, bà leo lên mặt bàn tính vặn cái máy quạt để trên cao. Cái bàn tròng trành sao đó khiến bà té. Bất tỉnh giây lát, bà cố với điện thoại, bấm số 2 của tôi, gượng bấm nhưng bà nói không ra hơi vì đau quá. Bà đành nằm chịu và mơ màng cho tới khi chúng tôi tung cửa vào. Nước mắt chảy dài, bà trách ông trời sao không để bà chết đi cho rồi, kéo dài cảnh sống này có ích gì" Tôi xót xa không biết nói sao.
Bác sĩ cho bà nhập viện để tiện quan sát. Việc tạm yên, chúng tôi xin phép về sở làm sau khi hứa sẽ trở lại thăm bà. Khi lái xe theo sau xe cứu thương, Ngọc Lan thường mím môi, lặng thinh. Trên đường lái xe về, biết tình trạng bà ngoại không có gì nguy hiểm, cô đỡ căng thẳng hơn, chúng tôi đã có thể trò truyện. Có lúc, sau khi kể chuyện thời thơ ấu đầy cay đắng với bà mẹ và “thằng Mỹ” cha dượng, có lúc Ngọc Lan bảo tôi là chị biết không, ngay từ hồi mới lớn, nhiều lúc em đã muốn buông thả cuộc đời, sống thác loạn, chơi cho “chết mẹ luôn”, theo lời cô. Nhưng khi nghĩ tới bà Ngoại, cô nói “Em thương Ngoại quá, vì bon em mà bà Ngoại sang đây. Nếu em “chết mẹ luôn”, ai trông nom bà ngoại"
Nghe Ngọc Lan nói, tôi nhớ chính bà cụ Quế cũng đã có lần kể với chúng tôi là bà đã từng muốn chết cho yên, nhưng khi nghĩ tới hai đứa cháu, lại phải cố mà sống. Vậy là hai bà cháu, dù bao năm bất đồng ngôn ngữ, nhưng nhờ lòng thương yêu, vẫn ảnh hưởng tới nhau, nhờ nghĩ đến nhau mà có được đời sống tử tế. Khi Ngọc Lan nói, trên mặt cô dàn dụa nước mắt. Chưa bao giờ tôi thấy khuôn mặt đẫm lệ mà đẹp vậy. Và rồi, nhoà nhạt qua màn lệ, tôi thấy thêm hình ảnh cụ bà Quế, hình ảnh bà Chín, hình ảnh cô giáo Ánh của tôi.
Chiếu tối hôm ấy, về nhà, tôi lặng lẽ lục tìm lại quyển sách bao năm bỏ quên trong góc tủ. Quyển sách vẫn nằm yên chổ cũ. Lau nhẹ lớp bụi mỏng trên bìa, tôi dở từng trang giấy, nhìn lại từng dòng chữ nắn nót thời thơ dại, và tìm thấy đoạn thơ của nhà thơ Hồ Dzếnh ngày xưa:
Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ hy sinh có ở đời,
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi.
Lê Tường-Vi