Hôm nay,  

Chuyện Ông Rọm

22/08/200500:00:00(Xem: 176296)
Người viết: NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA
Bài số 810-1399-236-vb3082305

Tác giả là cư dân Austin, Texas. Sau hồi ký mùa Vu Lan Báo Hiếu viết về Mẹ, là một truyện ký về một nhân vật cựu biệt kích tàn tạ, trong khung cảnh bệnh viện, nơi tác giả làm việc.
*
Tôi vừa bước lên từng cấp thứ nhất của chiếc thang lầu thì cáí pager vang lên điệu nhạc tha thiết của bài Fur Elise. Tôi làm việc trong nhà thương nên bị thiên hạ…réo gọi hoài là chuyện thường, và dường như số extension của ai tôi cũng thuộc làu hết, nhưng khi tôi nhìn mấy con số lạ hoắc hiện lên thì tôi lẩm bẩm… ai lại page lộn số nữa rồi.
Bỏ lại cái pager trong túi, tôi tiếp tục trèo lên những bực thang dài. Tôi có cái tật là ít khi xài thang máy, mà văn phòng tôi nằm tận trên lẩu tám cho nên mỗi sáng hì hục leo lên hết một trăm tám mươi sáu bực thang thì mấy người làm chung khi thấy mặt tôi là cứ đòi đem bình oxygen ra cấp cứu.
Sáng hôm nay khi thấy tôi cô thư ký không nói đùa về bình oxygen như thường lệ mà là một lời nhắn nhủ khẩn trương … làm ơn gọi ngay bà Kelli.
Bà Kelli là bà xếp về phần khối lao động lo về việc vệ sinh, dọn dẹp trong nhà thương. Bà Kelli đối với tôi tình nghĩa rất gắn bó vì tuy tôi làm bên ban y tế nhưng những tháng vừa qua trong lúc khối của bà cần người giúp việc thì được tôi giới thiệu nhiều người Việt Nam cần cù chăm chỉ vào làm. Từ lâu, thỉnh thoảng bà cũng nhờ tôi thông dịch trên điện thoại giùm.
Tôi gọi ngay bà Kelli, nghe giọng chào hỏi ngập ngừng của bà thì tôi đoán chắc là có chuyện gì đã xảy ra. Thật như vậy, bà ấy bảo “It’s about...Danh…” . Tôi chỉ cần nghe bao nhiêu đó thì tự nhủ… trời đất, lại là chuyện… Ông Rọm.
Thật sự Ông thằng Rọm là tên của một nhân vật trong cuốn tiểu thuyết “Mưa Trên Cây Sầu Đông” của bà Nhã Ca tôi đọc thưở mới lớn. Ông thằng rọm là người ở trong nhà cô Đông Nghi. Ông thằng rọm có một vẻ mặt già nua nhưng người thì gầy còm bé xíu. Có lần Đông Nghi đã diễn tả là có ông thằng rọm trong nhà thì không sợ ma vì thằng rọm còn xấu hơn ma. Nhưng mà thằng rọm lớn tuổi rồi và còn thương lo cho Đông Nghi từ thưở bé nên Đông Nghi lễ phép gọi là ông thằng rọm.
Tính tôi nhiều tưởng tượng, khi đọc một cuốn truyện nào mà thích thì cố tìm gắn một hình ảnh nào đó trong đời sống với nhân vật trong truyện. Chẳng hạn như bà chị họ xinh đẹp có mái tóc thề buông xõa bờ vai là hình ảnh của Đông Nghi, ông bạn trai phi công người bắc của cô bạn thân là hình ảnh của Tuấn người yêu Đông Nghi, cả ngay đến ông hàng xóm mập mạp tượng trưng cho ông Bồ Nha, nhân vật mà Đông Nghi thù ghét. Nhưng nhân vật tôi thích nhất vẫn là ông thằng rọm. Thế mà bao nhiêu thập niên qua rồi tôi vẫn chưa tìm được ai tiêu biểu cho hình ảnh và tính tình đặc biệt, ngộ nghĩnh của ông thằng rọm.
Như tôi đã đề cập, tôi làm về y tế trong nhà thương nhưng tánh tôi hay…tào lao, gặp ai bệnh hoạn thì lo lắng, chăm sóc, thấy ai hoạn nạn thì giúp đỡ. Mấy năm nay tình hình kinh tế càng ngày càng xuống dốc nên rất nhiều người nhất là người Việt Nam làm cho những hãng điện tử bị thất nghiệp dài dài. Thằng cháu con của ông anh hai tôi tính cũng tào lao như tôi, nó thấy tôi đưa một vài người quen vào làm trong nhà thưong thì ngày nào cũng lại năn nỉ:
- Cô ơi trong sở cô có công việc chi nhờ cô giới thiệu thêm giùm mấy người quen của con vào làm kẻo tội ….
Lúc đầu tôi cứ mắng nó:
- Cái thằng ni thật dị hợm, ta đi làm y tá mà mi biểu ta kiếm việc chi cho ai được”.
Nó cứ cười hì hì:
- Nhưng cô làm xếp mà...
Tôi tiếp tục mắng:
- Xếp quần, xếp áo chứ xếp gì….
Nói như vậy chứ hôm sau tôi gọi cho văn phòng nhân viên (Human Resources), rồi đưa một số đơn về cho thằng cháu và bảo nó đưa cho mấy người nó quen điền xong đưa lại cho tôi. Những người vào làm không có kinh nghiệm gì về y tế mà khả năng anh ngữ của họ rất yếu nên phần lớn làm những công chuyện ở nhà bếp hoặc về ngành quét dọn. Những người này sau một thời gian ở nhà ăn hết tiền thất nghiệp và lo sợ vì gia đình không có bảo hiểm nên họ không chấp nhất, công chuyện gì cũng nhận hết. Tôi giới thiệu được tất cả là tám người mà người nào cũng là… bà con của tôi vì cùng mang cái họ Nguyễn độc đáo như tôi. Cũng nên nói rõ là những người này tôi chưa bao giờ gặp mặt.
Một trong những người tôi đưa vào làm là ông Danh, người mà tôi cũng chỉ biết qua tờ đơn xin việc đưa cho bà Kelli thôi.
Một bữa tôi đang ngồi trong văn phòng gõ lọc cọc trả lời email thì sau lưng tôi có một giọng nói miền trung rất nặng:
- Cô ơi cho tui hỏi chút chuyện hỉ.
Khi tôi quay lại thì trước mặt tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn chừng năm thước Anh (feet), có lẽ nặng chừng 100 pounds là cùng. Nét mặt của ông ta có những nét nhăn nheo già nua mà tôi không thể nào đoán được tuổi. Tôi nhìn kỹ thì còn thấy lạ lùng hơn là mái tóc dài lưa thưa vài sợi của ông ta buộc búi tó bằng sợi giây thun. Người đàn ông này có một vẻ gì rất đặc biệc kỳ quái từ đôi mắt nhỏ nhưng sâu hũng. Đã nói tôi là người nhiều tưởng tượng nên khi nhìn thấy ông là tôi thảng thốt nói thầm sau bao nhiêu năm chờ đợi cuối cùng tôi đã tìm được… “ông thằng rọm” ở xứ Mỹ này rồi.
Sau khi trò chuyện qua loa thì tôi biết ông tên Danh, nhưng từ đó với tôi ông là ông rọm…ông rọm mới vô làm được một tuần nay và công việc của ông là đẩy những thùng rác lớn từ những từng lầu xuống. Nhìn thân thể ốm o gầy mòn của ông rọm tôi thấy ngại nên mới hỏi:
- Chú ơi mấy thùng nặng như thế kia liệu chú làm nổi không"
Ông rọm trợn mắt lên như tôi vừa nói một điều gì sai quấy lắm (tôi thấy giống như lần ông thằng rọm của bà Nhã Ca phùng mang trợn mắt la rầy Đông Nghi vậy đó)
- Cô đừng lo, tui như thế ni chớ khí lực rất mạnh vì tui có… nội công.
Nói xong ông ta còn gồng bắp tay cho tôi xem. Tôi nhìn cánh tay khẳng khiu mặc dầu cố sức gồng lên mà không nổi được... con chuột dù là con chuột lắt thì buồn cười và nói thầm trong bụng làm như là có chưởng vậy.
Từ đó ông rọm mỗi tuần đều lên văn phòng thăm tôi. Thỉnh thoảng ông đem cho tôi một trái xoài ngọt hoặc một củ khoai Nhật bổn thật ngon. Ông nói với tôi rằng ngày trước đi tù chỉ được ăn cơm độn khoai lang, khoai mì, vậy mà qua Mỹ biết bao nhiêu món ăn ngon nhưng không hiểu sao ông vẫn còn thèm củ khoai, củ sắn. Ông nói “cái mùi quê hương nó ăn sâu trong người mình rồi cô ơi”.
Mỗi lần ông ta lên là tôi lấy gìờ ăn trưa để trò chuyện với ông. Được biết ông rọm qua Mỹ từ sáu năm nay và đã thay đổi công việc chừng mười hai lần rồi. Ngày xưa ông ta là lính biệt kích, lúc cộng sản vào chiếm nước ông bị đi trại tù chín năm, khi được thả về thì nhìn cái cảnh “con mình nó đánh vợ mình nó…cưỡi”, vợ ông cũng như những người đàn bà yếu nhược không nuôi nổi con nên đành lấy cán bộ sống qua ngày. Ông buồn qúa mới về ở tạm nhà ông em cột chèo, thì một năm sau ông em cột chèo chết về bệnh gan. Thế là duyên tiền định đưa đẩy, ông ta và cô em vợ nên duyên vợ chồng.
Sống nhẫn nhục dưới chế độ cộng sản thêm mười lăm năm thì ông và bà vợ thứ hai này đi qua Mỹ theo diện HO. Hai vợ chồng qua định cư đã bốn tiểu bang và thay đổi việc làm bao nhiêu lần rồi mà vẫn còn lang bang chưa quyết định hẳn là sẽ gọi nơi chốn nào là nhà.
Tôi tò mò có hỏi tại sao ông thay đổi công việc như thay áo thì khuôn mặt nhăn nheo và đôi mắt sâu hút đó lại quắtc lên với một giận dữ mông lung.
Ông rọm cho biết sau những năm đi tù về thì những tiếng chuông, tiếng trống trong trại tù cứ ám ảnh chát chúa trong đầu nên ông ta bị chứng nhức đầu kinh niên (migraine headache) không làm đâu lâu được, lần nào ông cũng bị đuổi sở vì vấn đề Absenteeism gọi vào nghỉ nhiều qúa. Khi nói đến chuyện này thì ông lại than:
- Tụi Mỹ nó …kỳ thị tui đó cô chứ tui nghỉ có mười mấy lần thì ăn thua chi.
Một lần nữa ông ta làm tôi nhớ tới nhân vật ông thằng rọm khi Đông Nghi nhờ lén cất thư giùm. Mỗi ngày khi ông phát thư đi qua mà không có thư cho Đông Nghi thì ông thằng rọm cứ chửi thầm là bà tổ nó thư cả đống mà nó không chịu đưa cho mình cái nào.


Ông rọm vào làm mới được bốn tháng mà tôi và bà Kelli… thân thiết nhau như bạn bè lâu năm, vì ông rọm tiếng anh rất dở mà lại hay cãi bướng. Bà Kelli cứ cầu cứu tôi hoài. Mà công nhận người Mỹ họ cũng rất nhẫn nại và tôn trọng quyền phát biểu của nhân viên nên biết bao nhiêu lần dù tôi thấy rõ ràng ông rọm chướng qúa mà bà Kelli chỉ cảnh cáo sơ sơ.
Ông rọm lại có cái tật đi làm trễ mỗi ngày. Bà Kelli nghĩ là tại ông ta không hiểu tiếng anh nhiều nên không thông thạo luật lệ nên nhờ tôi giải thích giùm. Tôi cố gắng hết sức để nói với ông rọm về việc đi làm trễ hằng ngày là vi phạm luật (tardy policy) nhiều lần có thể bị đuổi. Ông rọm trả lời ngang bướng:
- Tui đi làm trễ thì tui về trễ chớ có mắc mớ chi ai.
Ông ơi! Tôi biết nói sao đây" Xứ này xếp lớn còn đi về đúng giờ huống chi cắc ké như mình mà muốn vô gìờ nào thì vô đâu. Đi làm có luật lệ đàng hoàng, tới đúng giờ phải quẹt thẻ (swipe in), làm xong đến giờ thì cũng phải quẹt thẻ ra (swipe out). Bữa nào cần người thì bà xếp thiếu đìều muốn quỳ xuống lạy năn nỉ nhân viên ở lại làm, vài hôm sau không cần thì cứ lăm le canh chừng không cho over time, mặc dù đôi khi chỉ lỡ làm lấn thêm năm mười phút cho xong công chuyện.
Giải thích hoài không đựợc tôi cũng phát cáu nên bèn hỏi tại sao ông cứ đi làm trễ. Ông rọm đột nhiên buồn bã:
- Tui thức trắng đêm canh chừng vợ tui vì bả bị kinh giựt.
Tôi là y tá nên hễ ai nói tới chuyện bệnh tật là phải méo mó nghề nghiệp hỏi cho ra lẽ. Ông rọm thở dài:
- Bả mổ… óc sáu năm nay rồi, may có chiếc vòng ngọc cứu độ chớ không đã chết rồi đó cô.
Câu trả lời của ông rọm mang nhiều bí ẩn cho nên tôi tiếp tục hỏi tới về chuyện chiếc vòng ngọc cứu độ đó. Ông rọm chỉ kể sơ thôi là tôi đã hình dung và nhớ tới người đàn bà mà tôi đã thông dịch lo lắng giùm cách đây sáu năm.
Dạo đó tôi còn làm trên lầu chuyên trị bệnh cho những người bị ung thư thì một hôm có ông bác sĩ nhờ xuống dưới phòng giải phẩu để thông dịch và giảng dạy cho một bệnh nhân hoàn toàn không biết tiếng anh.
Lúc tôi đến nơi thì trước mắt tôi là một người đàn bà yếu đuối có lẽ chừng bốn mươi lăm với nét mặt xanh xao tiều tụy. Sau khi chào hỏi qua loa, cô làm về xã hội (social worker) cho biết là bà ta từ Việt Nam vừa qua được mấy tháng, một thân một mình không có ai ngoài trừ người chồng đang mắc bệnh cúm nằm ở nhà. Ông bác sĩ chuyên khoa về giải phẩu thần kinh (Neurosurgeon) nhờ tôi giải thích là bà bị cục bướu khá lớn trong đầu và cần phải mổ sọ não (craniotomy) vào ngày mai nếu bà đồng ý. Khi tôi chuyển lời thì bà ta gật gù chịu ký giấy tờ. Sau đó tôi tiếp tục giúp cô y tá giải thích tỉ mỉ thêm về những điều cần biết trước và sau khi giải phẩu. Bà bệnh nhân vẫn không nói gì nhiều mà cũng không hỏi, có lẽ bà qúa đột ngột và đang bị bối rối tâm thần vì căn bệnh ngặt nghèo mới khám phá ra.
Một trong những thủ tục trước khi sửa soạn cho bệnh nhân vào phòng mổ là phải dời hết những nữ trang đang đeo trong người để khỏi vướng bận trong lúc giải phẫu và cũng tránh sự mất mát trong lúc còn mê man. Người đàn bà này hoàn toàn không đeo nữ trang gì ngoài trừ một chiếc vòng cẩm thạch màu huyết dụ trên cườm tay trái. Nhìn ánh mắt thảng thốt của bà ta khi cô y tá đang cố lấy cái vòng ngọc tính cất đi thì tôi chợt nhớ tới cái vòng cẩm thạch của mẹ tôi đeo trên tay đã bao nhiêu năm rồi và sự tín ngưỡng của mẹ tôi đối với chiếc vòng đó.
Mẹ tôi vẫn bảo chiếc vòng là tượng trưng cho sự vĩnh cửu và là một bảo vật linh thiêng. Nhớ tới đó tôi bèn hỏi bà bệnh nhân là bà có muốn giữ chiếc vòng đeo trên tay không. Chỉ trong một thoáng giây đôi mắt vô hồn của bà bừng lên một tia sáng hy vọng với nụ cười mừng rỡ. Tôi bàn với cô y tá là nên chuyền nước biển ở bên tay phải rồi lấy băng keo dán kỹ chiếc vòng lên cườm tay trái của bà. Cuộc giải phẩu kéo dài tám tiếng và thành công như một tin tưởng đã thành sự thật từ chiếc vòng cẩm thạch nhiệm màu kia.
Sau khi bà ta nằm điều dưỡng ở intensive of care unit (ICU) ba ngày thì được đưa lên lầu khác (Neurology floor). Tôi tiếp tục thăm viếng và hằng ngày đem cơm thịt kho vào vì thấy bà ta ăn đồ ăn của nhà thương, nhất là đồ ăn Mỹ không được. Suốt trong khoảng thời gian đó tôi chưa bao giờ gặp người chồng của bà.
Một tuần sau ngày trước khi bà ta xuất viện tôi có đến dặn dò về cách thức đi đứng, ăn uống cũng như là thuốc uống lúc về nhà. Vì bà ta mới qua không có bảo hiểm nên cô lo về xã hội làm thủ tục cho bà được lãnh Medicaid. Khổ nỗi Medicaid chỉ trả cho ba thứ thuốc một tháng mà bà ta cần uống tới năm thứ nên tụi tôi phải lo cho bà một mớ thuốc từ ngân quỹ của nhà thương (charity prescription).
Mười hai giờ đêm tối hôm đó cô y tá săn sóc cho bà gọi về nhà tôi vừa xin lỗi vì đã làm phiền tôi vừa hốt hoảng cầu cứu vì cô ta trong khi đi trực nửa đêm vào phòng thì thấy bà ta có ý định tự tử, định uống hết một hũ thuốc an thần. Tôi khuyên lơn bà qua điện thoại và sáng hôm sau vào thăm thật sớm.
Qua câu chuyện tôi hiểu là tối qua người chồng bà có vào thăm và khi ông ta đi về bà nhìn vào gương thấy đầu mình cạo trọc và một bên đầu có một vết thẹo dài còn bị băng bó, bà cảm thấy xấu xí và thấy lạ lùng với chính mình nên đâm ra quẫn trí, buồn nản.
Thế là bà ta lại được một bác sĩ tâm lý thăm viếng liền trong ngày. Ngày hôm sau thì tôi đi nghỉ hè. Hai tuần sau khi tôi trở về thì bà ta đã xuất viện.
Cuộc đời qủa là có những tình cờ thật hy hữu. Không ngờ sáu năm sau tôi mới gặp được chồng bà là ông rọm. Nghe ông ta nói bà vợ bị kinh giật (seizure) hoài thì tôi đoán sau khi mổ có lẽ bà đã không uống thuốc ngừa kinh giật (anticonvulsive) đều đặn như đã giặn. Hỏi thêm nữa mới biết là cả hai vợ chồng không đủ tiền mua thuốc, từ ngày mổ xong bà vợ không thể đi làm được, thuốc thì ngày uống ngày không. Tôi nói với ông rọm đem giấy tờ của bà vợ vào và một lần nữa tôi nhờ cô làm bên xã hội bổ túc hồ sơ cho bà có thêm quyền lợi về thuốc men.
Sáng nay khi nói chuyện với bà Kelli xong tôi có hứa là sẽ đến gặp bà và ông rọm vào lúc trưa. Tôi nghĩ là chuyện không hay nên cũng cố làm xong công việc cho lẹ để đến kịp giờ. Tôi vừa bước ra khỏi văn phòng thì thấy ông rọm đứng ngay cửa, nét mặt nhăn nheo, cằn cỗi đượm thêm vẻ thê lương.
- Lúc sáng sớm tui có gọi để số mà không thấy cô kêu lại nên tui lên đây gặp cô.
À! Thì ra cái số điện thoại lạ hoắc sáng nay là số của ông rọm. Ông cho hay là cách đây hai ngày sau khi đi nha sĩ về thì đi làm, tới sở vì răng mới nhổ xong còn đau qúa nên ông bèn uống một viên thuốc giảm đau (Vicodin). Thuốc này thuộc loại narcotic khá mạnh và có thể làm cho chóng mặt, buồn ngủ. Thế là ông cứ ngất ngư dật dừ và mở mắt không nổi. Bà supervisor thấy thế mới cho về vì sợ trách nhiệm về sự an toàn của nhân viên và có dặn dò là ngày mai nếu còn uống thuốc thì không nên vào làm. Hôm sau vì không còn sick time mà nghỉ thì không được trả tiền nên ông rọm đi làm như thường và nói dối là hết đau rồi. Thật sự nguyên một hàm răng năm cái của ông bị nhổ nên còn đau ghê lắm. Thế là ông chịu đau không nổi bèn uống thêm một viên Vicodin nữa rồi sau đó vào nhà tắm ngồi ngủ gục hết mấy tiếng đồng hồ. Ông rọm phân trần với tôi:
- Cô nghĩ coi tôi ngủ có chút xíu mà tụi Mỹ nó làm rùm beng lên như tôi ăn cắp đồ của nó.
Tôi biết cái luật lệ chặt chẽ của nhà thương nên bắt đầu thấy lo cho ông. Cái tội ngủ trong giờ làm việc thì rất nặng, “sleeping on duty” là tội phạm (misconduct) có thể bị đuổi ngay.
Khi tôi và ông rọm đến văn phòng của bà Kelli thì nhìn tờ giấy counseling tôi chỉ còn biết nói nhỏ với bà Kelli là hãy để cho ông ta xin nghỉ việc (resign) hơn là đuổi ông ấy. Bà Kelli nể tình nên đồng ý. Tôi buồn bã nhìn nét mặt nhăn nheo, khắc khổ và bàn tay ốm nhom run run ký lên tờ giấy của ông rọm tự hỏi không biết bà vợ sẽ còn tới bao nhiêu cơn kinh giật nữa vì không đủ tiền mua thuốc.
Dường như đọc được ý nghĩ của tôi, với một nụ cười héo hắt và ánh mắt rưng rưng ông rọm của tôi, người cựu biệt kích thời chiến tranh Nam Bắc, thì thào…. trời sanh voi sanh cỏ mà cô.
Nguyễn Thị Huế Xưa

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,242,100
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến