Hôm nay,  

Cuộc Đời Và Giấc Mơ Hồi Hương Của Mẹ

21/08/200500:00:00(Xem: 257083)
Người viết: NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA
Bài số 809-1398-235-vb7082005

Tác giả là cư dân Austin, Texas. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà là “Làm Lại Cuộc Đời”. Bài mới của bà lần này viết về Mẹ, hồi ký dành cho mùa Vu Lan Báo Hiếu.
*

Mẹ về xứ Quảng Bình
Lòng mẹ nhiều cưu mang

Mỗi ngày thức giậy, việc trước nhất là mẹ ra thắp nhang trên bàn thờ phật, bàn thờ của ba và của Hoàng, rồi khuấn vái cho sự an lành của gia đình còn lại. Khi ngoài trời vừa chớm sáng mẹ bắt đầu chống chiếc gậy nhỏ đi ra khu công viên gần nhà. Mẹï kiên nhẫn, cần cù đi bộ cả tiếng đồng hồ cho giãn gân, giãn cốt.
Mấy năm gần đây mẹ bị mềm xương, bác sĩ khuyên nên tập thể dục cho xương đỡ mục mau. Phần nhiều đàn bà Á Đông hay bị mắc bệnh này vì thiếu chất vôi. Các bà càng sanh nhiều con và thiếu thốn dinh dưỡng thì cơ thể càng bị mất nhiều chất vôi cho nên lúc già xương lỏng, xương mềm, có người thì khòm lưng, có người thì đau lưng kinh niên.
Khu condominium nơi mẹ ở rất yên tỉnh, chung quanh toàn là những người Mỹ già đã về hưu, dường như ai cũng sống một đời sống an lành, yên phận. Người láng giềng ở sát bên nhà là ông Jim và bà Darlene. Hai người ngày xưa thích nhau từ thuở còn ở trung học, nhưng sau đó mỗi người đều có gia đình riêng. Cách đây mười năm khi họ gặp lại nhau trong ngày họp bạn lần thứ năm mươi thì ông Jim đã góa bụa, bà Darlene thì hoàn cảnh oái ăm hơn là chồng của bà vốn là giáo sư đại học, chỉ mấy năm trước khi ông về hưu ông ta mê mệt một cô sinh viên trong lớp ông đang dạy. Bà Darlene hỡi ơi, giận dữ, thế là bà đút đơn xin ly dị. Bà Darlene mỗi lần kể lại chuyện này thấy có vẻ dửng dưng, nhưng qua đôi mắt xanh biếc của bà, mẹ vẫn đọc được nỗi đau bị phản bội, ruồng rẩy. Ông Jim và bà Darlene sống chung với nhau đã sáu năm mà không làm giấy tờ chính thức. Có lần bà Darlene giải thích là họ không thể nào chính thức hóa chuyện sống chung với nhau vì nếu như thế sẽ bị bớt đi quyền lợi về Medicare. Ông Jim vợ chết nhưng không có con cái còn bà Darlene thì đã là bà ngoại ba lần rồi. Mỗi sáng hai ông bà nắm tay nhau đi chậm rãi quanh xóm. Khi mẹ đi xong mấy vòng trong công viên trở về thì hai ông bà đã ngồi trước hàng hiên nhỏ uống café, đưa tay vẫy chào mẹ. Khi mẹ ra ngoài miếng đất nhỏ sau nhà tưới cây thì hai ông bà đã ra trước nhà nhặt những trái pecan rớt từ một cây lớn ở miếng đất giữa căn nhà của mẹ và của họ.
Tuần trước ông Jim bị té trong bồn tắm, bà Darlene phải qua nhờ hai đứa con trai lớn của người hàng xóm phụ bà đỡ ông ra. Ông Jim rất yếu, lại bị Parkinson, căn bệnh ảnh hưởng đến những giây thần kinh và làm cho con người có những động tác run rẩy tay chân ngoài ý muốn. Bà Darlene đang nghĩ tới chuyện phải đưa ông Jim vào viện dưỡng lão một ngày rất gần vì bà cũng yếu đuối không lo cho ông được.
Mẹ nhìn đời sống của mọi người chung quanh lại cảm thấy đời sống của mẹ cũng qúa bấp bênh. Mẹ sống một mình chắc rồi cũng sẽ chết một mình. Hơn bao giờ hết, mẹ thèm được trở về quê xưa, chết trên đất cũ.
Sống ở xứ người đã gần ba chục năm mà sao lúc nào mẹ cũng cảm thấy xa lạ, lúc nào lòng dạ mẹ cũng có những nôn nóng hoài mong đến một ngày trở về quê hương xứ sở. Mẹ biết đó là một hoài vọng khó thành tựu vì tất cả con cái, gia đình của mẹ đều đã qua đây, đều đã gọi nơi chốn này là quê hương. Con cái mỗi đứa ở một nơi và đều có đời sống riêng, cái đời sống rất bận rộn với sự chạy đua theo thời gian. Mẹ ở một mình yên phận, nhờ trời ban cho sức khỏe nên mẹ không phiền hà ai. Năm nay mẹ đã tám mươi, có nghĩa là mẹ đã rời bỏ quê hương ba mươi năm.

*

Thật sự, nếu nói lìa xa quê hương thì mẹ đã lìa xa nơi chôn nhau cắt rốn từ lúc hai mươi chín tưổi. Mỗi lần ra đi là một lần ruột thắt, tim đau.
Quê hương của mẹ ở tận miền trung bắc phần, tỉnh Quảng Bình với con sông Nhật Lệ chảy ngang. Con sông dài đẹp tuyệt vời chạy ra tới biển nên còn gọi là biển Nhật Lệ. Lúc còn bé mỗi buổi chiều về, mẹ theo bà ngoại đứng ngắm cảnh hoàng hôn buông xuống trên giòng sông buồn.
Mẹ lấy chồng năm mười tám tuổi, thời đó theo như ông bà thì cũng đã hơi muộn màng. Cuộc hôn nhân của ba mẹ cũng như tất cả những cuộc hôn nhân định trước khác của một thời xa xưa. Gia đình ông nội ngày xưa là gia đình có địa vị trong làng Đồng Phú, gia đình ông ngoại là gia đình giàu có ở bên làng Lệ Thủy cách đó sáu chục cây số, cho nên hai bên mới tính toán làm xui gia cho môn đăng hộ đối. Mẹ gặp ba một lần vào ngày dạm ngõ, rồi sau đó là đám cưới rình rang, làm nở mặt nở mày trăm họ hai làng.
Mười tám tuổi về nhà chồng mẹ ngu ngơ, hụt hẫng. Vì là con nhà giàu nên cha mẹ cưng chìu, mẹ đi lấy chồng với trái tim dại khờ và tinh thần vô tư của một cô gái mới lớn. Bà nội thì rất khó khăn, luôn so sánh mẹ với người con dâu lớn. Mẹ không biết buôn bán, không quán xuyến nhà cửa. Thời đó khi lấy chồng xong tất cả mọi người đều nhuộm răng đen, chỉ có mẹ là nhất định từ chối, khăng khăng gìữ lại hàm răng trắng duyên dáng của mình. Bà nội tuy không bằng lòng nhưng không dày xé mẹ nhiều vì tuy không đi buôn bán như người chị dâu trưởng, mẹ vẫn đem đồng tiền về hằng tháng. Thỉnh thoảng bà nội vẫn châm biếm gọi mẹ là cô răng trắng tân thời. Tội nghiệp ông bà ngoại thương con cho nên mỗi tháng vẫn đút nhét ít tiền để mẹ đem về nhà chồng cho được yên thân. Năm ba bữa thì qùa cáp đủ thứ mua sự yên lành cho con.
Ba hơn mẹ hai tuổi, là con út trong nhà nên ngoài thì giờ đi học thì chỉ biết rong chơi. Gia đình ba có tất cả là sáu anh em, toàn là con trai nhưng không may là những người con đều chết từ lúc còn nhỏ, chỉ có người anh cả là bác Tùng, sau khi lấy vợ được vài năm sanh hai đứa con gái thì bác cũng bạo bệnh qua đời. Vợ của bác là chị Liên tiếp tục nương náu vào nhà chồng nuôi con.
Chị Liên thấy mẹ ngu ngơ nên tìm mọi cách giúp đỡ và che chở để mẹ khỏi bị bà nội la rầy. Mẹ nhớ có lần bà nội bảo mẹ theo chị Liên đi buôn bán, mẹ đi theo cả ngày mà không bán được một mảnh hàng nào vì mẹ không biết cách mời chào, lúc chiều về chính chị Liên chia đôi số tiền bán được cho mẹ một nửa đem về. Vậy mà vài tháng sau nhờ chị chỉ dẫn rồi mẹ cũng biết buôn bán, tảo tần như ai. Mẹ nhớ ơn chị Liên cho nên sau này qua xứ Mỹ có dịp là mẹ gửi tiền về làng giúp đỡ chị. Nghe nói mấy năm sau này chị sức khỏe suy sút nhiều, đi đứng đều phải có người dìu dắt.
Năm mẹ mười chín tuổi thì Hoàng ra đời. Lần đầu tiên mẹ cho con bú, mẹ lính quính sợ hãi, chị Liên hiền từ chỉ bảo cách nuôi con. Chị Liên lúc đó phải lén lút bà nội vì bà nội tuy rất mừng vì có được thằng cháu đích tôn nhưng ngược lại rất khắt khe trong vấn đề nuôi con. Bà nội lại tin dị đoan dễ sợ cho nên cấm đoán đủ điều. Bà nội vì đã mất năm người con cho nên bằng mọi cách phải bảo vệ thằng cháu đích tôn, không cho ai kêu Hoàng bằng tên mà phải gọi là thằng Bé Xíu vì bà nội tin rằng nếu đặt tên con đẹp qúa quỉ thần lại bắt đem đi. Bà nội bảo thì mẹ cứ dạ nhưng cứ cứng đầu gọi cho được tên cúng cơm của con.
Ba năm sau bà nội có thêm một đứa cháu trai. Đứa cháu thứ hai là Huy được bà nội gọi là thằng Bé Nhỏ, vì rằng thằng Bé Xíu nhờ trời ăn no chóng lớn nên chi bà nội cứ tin là mình đã gạt được qủi thần.
Khi đứa con trai thứ ba ra đời ba mẹ đặt tên là Hiếu. Mẹ sanh Hiếu thiếu tháng nên thằng bé èo uột đau yếu luôn. Hiếu được sáu tháng thì mất. Nửa đêm thức giấc nhìn đứa con nằm im không thở, mẹ lặng người muốn xỉu. Lúc đó mẹ mới hiểu được sự mất mát đưa đến niềm tin dị đoan tột cùng của bà nội, mẹ mới thấm được nổi đau lìa khúc ruột của chính mình.
Lúc Hiếu mất mẹ vừa đúng hai mươi ba tuổi, ba đã học xong và có một thời gian ba đi biền biệt không về. Mẹ không biết ba đi đâu, chỉ thỉnh thoảng nghe ông bà nội thầm thì sợ hãi vì nghe nói ba đi vào bưng kháng chiến. Mẹ không có một khái niệm gì về thời cuộc, trong trí nhớ nhỏ nhoi của mẹ, mẹ chỉ nhớ đất nước lúc đó đã bắt đầu rối bời bởi nhiều chủ nghĩa khác nhau. Cách trước đó mấy năm khi còn nhỏ ở nhà với ông bà ngoại, mẹ nhớ tới sự hãi hùng của bà ngoại khi nghe thấy lính Lê Dương vào đi lùng từng nhà. Sau đó là lính Nhật vào hành hung người và phá phách xóm làng. Mỗi lần như vậy là bà ngoại thường hay lấy vôi ăn trầu thoa vào mặt mẹ và lấy những bộ áo quần xấu xa dơ bẩn nhất bắt mẹ mặc vào. Mẹ nghe lờ mờ những danh từ Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đảng...
Ba đi một năm sau thì trở về nhà, trông ba thật tìều tụy, xác xơ. Ba trở về xem như không có chuyện gì xảy ra, một điều khác biệt là ba trầm lặng hơn lúc trước nhiều và ba ít đi ra ngoài. Suốt ngày mẹ thấy ba nằm ôm những cuốn sách chi chít chữ. Trong thời gian ba về thì mẹ sanh thêm một đứa con trai nữa. Thằng bé Hiền kháu khỉnh như con búp bê và giống hệt như ba. Ba ở nhà loanh quoanh với vợ con được hơn một năm, thỉnh thoảng ba lại đi đâu mấy ngày liền mới về. Mẹ nhìn ánh mắt ái ngại của ông bà nội thì mẹ bắt đầu bâng khuâng.
Một bữa cả nhà đang ngủ thì nửa đêm lính tây ập vào nhà bắt ba đi. Bà nội khóc như điên như cuồng, mẹ thì ôm chặt đàn con dại vào lòng sợ đứng tim. Cả nhà sống trong sự lo sợ, buồn thảm thì một tháng sau ba trở về. Nét mặt tiều tụy, đôi mắt ba thì đượm nổi đau xa vời không còn chí hướng. Gia đình không ai dám hỏi, mà ba cũng không màng giải thích.
Thời đó người được đi học và biết tiếng Pháp còn hiếm. Một nhân viên người pháp khám phá ra ba trong một đêm ông ta tình cờ đi ngang phòng giam tù và nghe ba nói mớ bằng tiếng Pháp. Hôm sau ông ta gọi ba vào văn phòng và bắt đầu chất vấn, ba trả lời một cách thông thạo và từ đó được một chân làm trong văn phòng kế toán.
Hai tháng sau khi ra tù, ba đi gọi làm. Nhờ làm việc giỏi cho nên ba lên chức rất nhanh, và cũng vì vậy mà ba càng vắng nhà thường hơn.
Mẹ an phận nuôi con. Cuộc đời của mẹ cứ êm đềm như thế cho đến một hôm ba hối hả trở về đưa gia đình đi vào miền nam. Mẹ ra đi đột ngột không kịp từ giã mẹ cha. Ông bà ngoại, ông bà nội còn ở lại ngoài làng, chắc là thấp thoải không biết số phận của con mình ra sao. Ba căn giặn mẹ kỹ càng là không bao giờ được liên lạc với gia đình. Mẹ đớn đau hoang mang nhưng không dám cãi lời, vả lại khi vĩ tuyến mười bảy đã chia đôi, khi hiệp định Geneve đã ký ước đó là lúc sự phân ly, lưu lạc gia đình bắt đầu. Từ đó gia đình, làng nước chỉ còn là ký ức.
Trí nhớ của mẹ mù mờ như màn sương dày đặc, mẹ không hiểu được chính trị thời cuộc như thế nào, chỉ biết ôm con theo ba lên con tàu vượt qua vĩ tuyến mười bảy.
Ba đưa mẹ và ba đứa con trai vào Đà Nẵng, một thời gian sau thì ra Huế. Ba thuê nhà xong cho mấy mẹ con thì lại tiếp tục đi theo nghĩa vụ. Sau này mẹ mới biết là ba đã gia nhập vào hàng ngũ quân đội, cầm súng để chống lại chủ nghĩa phía bên kia.
Mẹ sống ở Huế đơn côi với ba đứa con dại, Hoàng lúc đó đã chín tuổi, Huy sáu tuổi, Hiền thì mới lên bốn và ba đi công tác liên miên. Xứ Huế với những ngày hè nóng bức, những ngày đông gió rét làm mẹ nhớ đến cơn gió bấc lạnh căm da ở xứ Quảng Bình.
Mỗi năm ba về chừng hai lần. Đầu năm ba về thì vài tháng sau mẹ bắt đầu nặng nề, cuối năm ba trở lại thì có thêm một chú nhóc tì. Cứ như thế cho đến khi ba mẹ có tất cả năm đứa con trai thì mẹ nghe phong phanh là ba đang lăng nhăng với một người đàn bà nào đó ở Đà Nẵng nơi ba đang đóng quân. Cái lý do ba nêu ra là mẹ không sanh cho ba được một cô con gái như ba hằng ao ước. Mẹ biết rất nhiều người sống trong thời của mẹ lấy vợ bé vì người chồng cho là tại người vợ chính của mình không sanh cho mình đứa con trai để nối giõi tông đường. Trường hợp của mẹ thì ngược lại.
Mẹ mang bầu lần thứ sáu lúc mới ba mươi bốn tuổi. Trong thời gian này Mẹ đi chùa cầu khuấn mỗi ngày, xin cho lần nầy sanh được đứa con gái và cầu cho ba chóng hồi tâm. Mỗi ngày, mẹ đều ngừng lại trước cổng chùa ngắm cây bông Tỷ Muội. Cây bông hồng Tỷ Muội nhỏ nhắn nhưng đầy hoa, những chiếc hoa bé nhỏ xinh xắn mới dễ thương làm sao và bông còn tỏa ra một mùi hương rất nhẹ nhàng, mùi hương cho mẹ một sự an lành, thanh thoát trong lòng. Mẹ nói thầm trong bụng là kỳ này sinh con gái sẽ đặt tên con là Tỷ Muội. Nhưng càng nghĩ mẹ lại càng lo sợ, mặc dầu không có bà nội ở bên cạnh nhưng cái chết của Hiếu và sự dị đoan của bà nội vẫn ám ảnh mẹ hoài. Mẹ không ngờ chính mình lại có một lo sợ vu vơ như vậy.
Rồi phật trời cho mẹ được toại nguyện, mẹ sanh một con bé bụ bẫm, nhưng chỉ dám cho con bé mang một cái tên hiền lành không văn hoa. Mãi nhiều năm sau đó khi mẹ tình cờ đọc cuốn tiểu thuyết tình cảm trong đó có nhân vật Tỷ Muội dí dỏm thì mẹ lại tiếc nuối sao con bé Hoài của mẹ lại không mang cái tên dễ thương kia.
Ba trở về vui mừng khi được tin có cô con gái nhưng đồng thời ba cũng yêu cầu mẹ chấp nhận sự hiện diện của người đàn bà thứ hai trong cuộc đời ba. Mẹ nuốt nước mắt chịu đựng.
Thời của mẹ trai năm thê bảy thiếp là thường. nhưng vẫn không là sự dễ Ngay xéo bên cạnh nhà mẹ là nhà của ông hai Đông, người đàn ông sống với hai bà vợ. Người vợ chính của ông hai Đông người nhỏ nhắn, ăn nói từ tốn, hiền lành và có ba mặt con với ông. Người vợ bé của ông lúc xưa là đào trong gánh hát bội, bà ta vóc dáng cao ráo, thanh lịch, đặc biệt là bà có mái tóc dài bóng mướt đen nhánh. Bà có hai mặt con với ông. Căn nhà ông hai Đông cất thành hai gian đối diện nhau, mỗi bà vợ ở một gian nhà. Sáng nào mẹ cũng thấy bà hai Đông xách giỏ đi chợ Đông Ba mua sắm, lúc trở về thì cả hai bà đều loay hoay trong bếp.
Bà hai Đông thấy mẹ sống đơn chiếc nên hay gọi mẹ sang bên nhà dạy nấu nướng. Chính những món ăn thuần túy miền trung như món bánh bột lọc, bánh nậm, cơm hến và món bánh canh độc đáo là mẹ học từ bà hai Đông ra. Bà hai Đông bảo mẹ gọi bà bằng mự cho thân mật. Từ đó mẹ gọi hai bà vợ của ông hai Đông là mự lớn, mự bé. Chiều nào mẹ cũng thấy mự lớn ngồi trước hàng ba tiêm trầu ăn trong lúc bên kia hiên nhà mự bé lấy gàu múc nước từ trong lu ra gội đầu bằng chùm kết xong trải mái tóc dài hong nắng trong lúc đàn con của cả hai bà đùa giỡn thuận hòa với nhau. Đời sống của hai người đàn bà trông thật giản dị, ai cũng bảo ông hai Đông có phước nên gia đạo mới yên lành như vậy.
Mỗi lần mẹ nhìn qua nhà ông hai Đông là mỗi lần mẹ nghĩ tới đời sống sắp sửa phải san sẻ của mình. Mẹ cảm thấy sự riêng tư của cuộc sống mình bị va chạm đến tột cùng. Mẹ không mường tượng được sự chấp nhận của mình sẽ như thế nào.
Một năm sau ba được lệnh trở về Huế làm việc. Ba ngõ lời với mẹ là có ý định mang theo cả người đàn bà này đi về. Một lần nữa mẹ cắn răng chịu đựng. Ba về trước sửa soạn mua căn nhà lớn hơn vì muốn sống như một đại gia đình. Mẹ chuẩn bị tinh thần cho chính mẹ và cho mấy đứa con. Không may người đàn bà khi đi theo sau chuyến xe đò tới Huế thì chiếc xe bị lật trên đèo Hải Vân chết hết mọi người. Ba nghe tin thảng thốt, mẹ nghe tin xong lặng người. Sau khi mai táng xong thì ba sống như người không hồn. Hai năm sống với ba ở Huế là những chuỗi ngày dài đăng đẳng khó quên.
Sau con bé Hoài mẹ còn sanh thêm hai đứa con trai. Nhà như vậy có tất cả bảy trai và một gái. Mẹ chỉ mới tròn ba mươi sáu “ra đường thiếp hãy còn son, về nhà thiếp đã tám con cùng chàng”. Mẹ được cái may mắn thừa hưởng giòng máu trẻ trung của bà ngoại nên chi trông vóc dáng nhỏ nhoi, khuôn mặt mảnh khảnh, không ai đoán được cuộc đời thăng trầm của mẹ. Tình nghĩa giữa ba mẹ qủa là tình trói bằng nghĩa, nghĩa nặng hơn tình. Nhưng dù là tình hay nghĩa thì cuộc đời của mẹ cũng đã gắn bó với ba bởi đàn con.
Ba ít nói, làm đầy đủ bổn phận một người chồng người cha theo sách vở. Ba ở Huế một thời gian thì sau đó được phong chức trung đoàn trưởng trên miền cao nguyên Ban Mê Thuột. Thế là cả nhà làm một chuyến lưu hành lên xứ thuợng.
Lần đi này mẹ không buồn vì xứ Huế đã hằn sâu trong mẹ những kỷ niệm đớn đau. Mẹ chỉ tiếc con đường đi đến chùa với cây bông Tỷ Muội đầy hoa nhung nhớ. Mẹ chỉ xót xa vì không còn chiều đông rét mướt nghe tiếng chuông Thiên Mụ xa vắng vọng về nhắc lại tấm chân tình thương nhớ xứ sở làng quê. Không biết ông bà nội ngoại bây giờ có còn nơi chốn cũ hay đã mất.

*

Ban Mê Thuột là thị trấn cao nguyên đất đỏ, với những đồn điền cao su cao ngút, những đồn điền cà phê cây lá xum xuê. Mùa cà phê ra trái đơm bông thơm ngát cả bầu trời.
Đời sống ở Ban Mê Thuột đối với mẹ rất yên lành mặc dù ba là một trung đoàn trưởng, chiến trận liên miên. Mỗi lần ba đi trận về chiến thắng là lúc quốc lộ số 14 từ nhà chạy xuống trung đòan bốn mươi lăm ngập tràn cờ và hoa. Cả trung đoàn giết dê ăn mừng lớn, là lúc mẹ làm những bữa tiệc long trọng đón đãi bạn bè của ba. Đứa con trai út của mẹ đã đi học nên mẹ có thì giờ tham dự những buổi uỷ lạo chiến sĩ cùng những phu nhân sĩ quan khác.
Mẹ đã từng lên máy bay trực thăng đi đến những nhà thương nhỏ hẻo lánh để đút cơm, lau mặt , băng bó những vết thương nhẹ, giúp đỡ những anh hùng hy sinh thân mình bảo vệ nước non. Nơi đây mẹ nhìn thấy nỗi đau đớn của nhân loại, sự mỏng manh của thân phận con người. Có những người lính cụt chân, mù mắt mà tuổi đời chỉ lớn hơn đứa con đầu lòng của mẹ vài năm thôi.
Mỗi lần ba đi hành quân mẹ ở nhà dạy con bé Hoài hái những chiếc hoa Sứ thơm làm vòng hoa chiến thắng mỏi mòn chờ ba về. Căn nhà trồng thật nhiều cây Sứ. Những cây Sứ đỏ xinh đẹp ở sân sau không mùi hương, chỉ có cây Sứ vàng trồng ngay cửa sổ phòng ngủ thì tỏa hương thơm ngát. Có những buổi tối mẹ mở cửa sổ thưởng thức mùi hoa Sứ ngất ngây, đồng thời nghe tiếng chim kêu, vượn hú trong đêm thâu từ những tàng cây rậm rạp vọng ra từ phía khu biệt thự bí ẩn phía bên kia thành đá.
Ai bảo Ban Mê Thuột là xứ khô khan chứ đối với mẹ thì đây là xứ đượm tình yêu thương. Đây là thời gian ba sống gần với mẹ nhất. Sau những ngày hành quân dài ba thường về tâm sự với mẹ về chí hướng cuộc đời, về những hoài bão cho nước non và bàn bạc về tương lai của đàn con. Tuy nhiên, ba không hề nhắc nhở đến làng nước, xứ sở. Ông bà nội và mảnh đất xưa dường như không còn tồn tại trong trí nhớ ba.
Rồi năm tháng dần dà qua đi, mẹ bắt đầu quen với nếp sống quân ngũ của ba. Đàn con của mẹ lớn nhanh, lớn lẹ như cỏ dại ngoài đồng.
Năm Hoàng mười tám tưổi xong trung học thì nhất định đòi nhập ngũ nối nghiệp nhà binh của ba. Mẹ hốt hoảng khóc lóc, năn nỉ nhưng Hoàng đã quyết định nên chi ngày đưa Hoàng ra đến xe đi lên Đà Lạt là ngày mẹ tóc mẹ ngã màu vì âu lo. Hoàng đi dự bị Đà Lạt xong ra trường rồi ngỏ ý muốn lập gia đình. Mẹ hoan hỷ đón mừng con dâu mới nhưng cũng bắt đẫu nỗi xót xa cho thân phận làm vợ lính của cô con dâu trẻ.


Thời chiến tranh không ai tránh được nổi phập phồng lo sợ từng giây từng phút trong đời sống hằng ngày khi người thân dấn thân ra chiến trường đầy bom đạn.
Mẹ bắt đầu đi chùa thường xuyên hơn, mẹ thắp nhang, đọc kinh cầu an mỗi tối. Chiến tranh gần gũi với mẹ, chiến tranh in sâu vào lòng mẹ hơn bao giờ hết.
Năm con bé Hoài học lớp nhất thì ba đảm nhận một chức vụ cao ở miền Phú Yên. Mẹ và các con đi theo ba, riêng Hoàng ở lại xứ thượng với cô vợ trẻ, ở trong căn nhà có cây Sứ đầy hoa. Cũng vào năm này Huy đã xong trung học thi đậu vào trường kỹ sư điện ở Sài Gòn.
Phú Yên không cổ kính như Huế, không man rợ như Ban Mê Thuột, mà ngược lại là miền đất mộc mạc hiền lành. Gia đình về nơi đây ở trong căn biệt thự rộng thênh thang nằm sát bờ biển vắng. Phía bên hửu của biệt thự chừng vài trăm thước là một khu làng nhỏ với những mái nhà tranh đơn sơ xây trên cồn cát. Nơi đây là nhà của những chú lính làm dưới quyền của ba. Dân trong khu làng nhỏ này rất nghèo, phần lớn sống về nghề đánh cá, Rất nhiều lần dân làng đi đánh cá về được những con cá ngừ, cá thu thật lớn thì họ lại đem đến biếu ba mẹ. Nhìn ánh mắt chân thành của họ ba không nở từ chối, sợ họ buồn. Mẹ trả tiền họ không nhận cho nên mẹ bắt buộc họ phải nhận lễ trả bằng những bao gạo thơm.
Chị Nguyệt người làm cho mẹ là người Tuy Hòa, thấy nhà nhiều cá ngon ăn không hết mới đề nghị với mẹ làm mắm. Thế là mẹ và chị Nguyệt bắt tay vào làm từng khạp mắm lớn để một góc bên sân sau khu biệt thự. Mẹ nhớ lúc nhỏ ở ngoài làng vào những chiều tàn những người dân chài kéo từng lưới cá từ biển Nhật Lệ đem về bán cho bà ngoại và bà ngoại cũng làm đủ loại mắm, một phần cất trong khạp, một phần treo tòn ten trên những cái trách đất ở nhà bếp. Có những năm gió bấc trở về bất chợt lạnh lẽo, bà ngoại làm cơm vắt ăn với mắm ngon đậm đà. Mẹ làm mắm xong thì chia bớt cho những chú lính đem về nhà. Vậy mà bên sân sau còn biết là bao nhiêu khạp mắm.
Nhờ sống gần bờ biển nên mẹ bắt đầu yêu những buổi sáng sớm khi ánh bình mình rực rỡ chan hòa trên những đợt sóng biển dạt dào. Từ sân thượng nhìn xuống mẹ có cảm tưởng như đời sống đang đi dần tới một bình yên. Dọc bên hàng rào trong khu sân trước cũng trong ánh nắng tươi vui đó mẹ cũng bắt đầu biết yêu chuộng những bông hoa Trang tươi mát. Gió biển mát mẻ, nắng biển trong lành nên hoa Trang nở rộ quanh năm.
Hoa Trang có màu đỏ thắm, cái màu rộn ràng như nổi rộn ràng của mẹ khi vợ chồng Hoàng báo tin là mẹ sắp sửa được lên chức bà nội vào ngày sinh nhật bốn mươi hai tuổi của mẹ. Mẹ náo nức chờ đợi chào đón đứa cháu đầu lòng.
Mẹ chưa vui trọn với niềm vui mới, chỉ mới bắt đầu làm quen được với đời sống yên lành này thì ba bắt đầu đổi thay cuộc sống. Vì không còn phải ra trận tuyến nữa nên chi đời sống của ba dần dà tràn ngập những buổi tiệc tùng thâu đêm.
Có những đêm trong khi ba đang say sưa với tiếng đàn tiếng nhạc thì mẹ lặng lẽ rút mình trong chăn nằm nghe tiếng sóng biển vỗ rì rào ru giấc ngủ chập chờn. Trong cơn mơ mẹ thấy mình trở về căn nhà cũ có tiếng thì thào êm dịu của bà ngoại chuyện trò. Mẹ còn thấy mình đứng bên bờ sông Nhật Lệ trong ánh nắng chiều nhạt nhòa trên bãi cát trắng mịn màng. Không hiểu tại sao suốt cuộc đời mẹ cứ bị ám ảnh bởi nổi nhớ về con sông có cái tên nước mắt này.
Đời sống bình thản với những cơn sóng vỗ không tồn tại lâu. Chiến tranh ngày càng về gần hơn. Tết Mậu Thân, Việt Cộng khởi đầu tấn công vào bộ chỉ huy 5 tiếp vận, trung tâm huấn luyện đặc biệt ở Nha Trang. Tuy Hòa, Phú Yên qúa gần trong tầm tay địch. Khu phố đã bị bao vây, nửa tỉnh lỵ đã bị xâm chiếm. Suốt tháng dài cả nhà và những chú lính cùng gia đình họ sống bằng cơm gạo chất giữ trong kho và những khạp mắm mẹ cất ở sân sau. Một lần nữa mẹ sống thực với chiến tranh.
Mỗi ngày mẹ cùng chị Nguyệt phụ nấu những thùng cơm lớn, gắp từng con mắm ra thau, mẹ nghe tin tức giặc đã đến Chợ Lớn, những cuộc phục kích, phá rối đến thê thảm, mẹ nghỉ đến Huy đang ở Sài Gòn mà lòng dạ rối bời, tâm can nóng như lửa đốt. Mẹ lo cho gia đình Hoàng đang trên Ban Mê Thuột, nghỉ đến đứa cháu nội sắp sửa ra đời trong khi bên tai nghe ì ấm tiếng đạn pháo.
Mỗi tối tiếng sóng biển rì rào êm ả bị áp bức bởi tiếng đạn pháo kích liên hồi thâu đêm, những ánh hỏa châu làm bừng sáng góc biển mông mênh.
Qua Tết Mậu Thân, cộng quân bị đánh bại. Thằng bé Dy, đứa cháu đích tôn ra đời như viên thuốc trường sinh cứu sống đời mẹ. Hoàng về nhà thăm đứa con đầu lòng rồi vội vàng trở ra chiến trường. Mẹ thương đứa con dâu sống cảnh đời đơn côi, mòn mỏi như cuộc đời mẹ đã trải qua.
Binh lửa tạm lùi xa thành phố. Ba bắt đầu trở lại nếp sống với những cơn mê muội. Những buổi tiệc tùng thâu đêm, những ánh đèn màu. Mẹ thấy mình xa lạ với cách sống và chức vụ quyền thế của ba. Nguồn vui duy nhất của mẹ là nhìn sự khôn lớn, trưởng thành của đàn con, cùng đứa cháu nội vừa mới chào đời. Nghĩ tới chuyện lo cho con, cho cháu.
Mẹ ra Nha Trang liên lạc với thầu khóan và khởi công xây cất một căn nhà dành cho thời hưu trí. Từ một người nội trợ chỉ biết trong góc nhà mẹ bổng dưng phải trở nên tháo vát để đương đầu với công việc xây cất khó khăn. Căn nhà ngoài vùng Nha Trang cát trắng là một hãnh diện của mẹ.
Khi mẹ cất xong căn nhà ở Nha Trang, một lần nữa mẹ nghe thêm đổi thay của ba. Ba muốn cưới một người vợ bé, cô thư ký trẻ đẹp giữ hộ ba trong những ngày mẹ vắng nhà. Lần thứ hai trong đời mẹ bó tay chấp nhận. Thời của mẹ không có sự ra đi, không có một chống cự dầu cuộc đời của chính mình bị ruồng rẩy, chà đạp.
Mẹ chờ đợi dai dẳng vẫn không thấy ba xúc tiến với ý định tạo cuộc đời với cô vợ bé. Sáu tháng sau thì người bạn thân của ba cho mẹ hay là ba đã bỏ ý định đó mà nguyên do rất là giản dị… một ông thầy bói xem quẻ cho ba bảo rằng tuổi của ba và cô thư ký kia rất là xung khắc, nếu hai người phối hợp sẽ có tai họa không may.
Mẹ không bao giờ ngạc nhiên về sự đa tình của ba nhưng mẹ rất lấy làm lạ khi thấy ba tin vào số mệnh. Có lẽ cái chết của người đàn bà thứ hai trong đời ba đã làm ba thức tỉnh" Rồi cuộc đời bao nhiêu năm cũng chỉ có mẹ gắn bó với ba dẫu rằng sự gắn bó đó bằng nghĩa nặng hơn tình.
Ba từ bỏ cuộc đời binh nghiệp sau hơn hai mươi lăm năm chiến đấu. Cả nhà dọn vào Sài Gòn để được gần gủi với mấy đứa con đang học đại học. Ba về hưu được một năm thì Hoàng cũng tức tưởi giã từ binh ngũ.
Mẹ nhớ cái đêm mưa to gió lớn trong cư xá Bắc Hải có một người lính mặc áo poncho lại nhà gõ cửa báo hung tin. Nghe tin Hoàng tử trận như sét đánh ngang tai, Mẹ chạy ra đứng giữa cơn mưa. Con bé Hoài cũng chạy ra ngoài mưa ôm mẹ khóc nức nở, trong tay con bé cầm chặt hai chiếc áo len mà mẹ đan cho Hoàng và Hoài vì chỉ còn vài ngày nửa Hoàng sẻ hai mươi bảy tuổi và Hoài sẻ mười lăm, hai anh em cùng một sinh nhật.
Nước mưa và nước mắt chan hòa như lòng mẹ dành cho đứa con trai đầu lòng. Ngày mẹ đưa Hoàng lên con tàu rời làng Đồng Phú, khi qua khỏi vĩ tuyến mười bảy, hai mẹ con thầm thì với nhau là sẽ có ngày mẹ dắt con trở về thăm ông bà, làng nước. Giấc mơ hồi hương của mẹ chưa thành tựu thì Hoàng đã vĩnh viễn xa tầm tay của mẹ.
Sau cái chết của Hoàng mẹ sống trong niềm lo âu bất tận của một bà mẹ với những đứa con trai đang trong tuổi động quân. Bằng mọi cách, mẹ đưa được đứa con trai thứ năm là Hậu đi du học ở Mỹ. Mẹ chạy đôn chạy đáo để gửi cho được một trăm mười tám đồng đô la hằng tháng để đứa con trai được ăn học an lành ở xứ người.
Con bé Hoài học xong trung học thì cuộc chiến đấu của miền Nam cũng kết thúc bi thảm. Tháng tư năm bảy mươi lăm, con tàu định mệnh đưa gia đình vượt đại dương tìm sự sống. Trên biển khơi mù mịt, mẹ nghĩ là mình sẽ không bao giờ có ngày về. Khi nhóm người tha hương trên biển kéo chiếc cờ vàng ba sọc đỏ lên cao để kính cẩn chào lần cuối, để giòng nước mắt thay câu nói biệt ly, mọi người nhìn nhau chia nổi đớn đau và âm thầm lặng lẻ buông xuôi mảnh đất thân yêu.
Vĩnh biệt Việt Nam!
Làn sóng người di tản được đưa đến Subic Bay, Phillipines rồi qua trại Pendelton ở California. Những ngày sống thấp thoải đầy âu lo trong trại tị nạn mẹ nhớ thiết tha đứa cháu nội còn ở Ban Mê Thuột. Mẹ quay cuồng vì không biết tương lai của gia đình sẽ đi đến đâu.
Mỗi buổi tối khi sương lạnh thấm ướt căn lều nhỏ, mẹ mò mẩm trong bóng tối đi đắp mền cho những đứa con nằm sát nhau. Đôi khi mẹ nhìn những ánh sao nhỏ lấp lánh bầu trời chợt nhớ về một mảnh đời thanh bình với ông bà thương yêu, nơi quê hương nhỏ bé, xứ Quảng Bình hiền hòa với dòng sông Nhật Lệ.
Những đứa con của mẹ bắt đầu làm quen với đời sống tạm bợ trong trại tị nạn. Ngày ba bửa sắp hàng đi lãnh cơm, đi múc nước. Có ngày thì phải đi sắp hàng dài để lảnh áo quần từ Red Cross phát cho. Mẹ tự hỏi có phải sự tự do bắt đầu bằng một bám víu, xin xỏ và lệ thuộc vào sự bố thí của người khác" Mẹ tủi thân mình và tủi phận cho đất nước. Ở trong trại biết bao nhiêu là câu chuyện đầy nước mắt của gia đình lạc nhau, con mất cha mẹ, vợ mất chồng, khóc thương những cái chết tức tưởi trong cuộc di tản thảm khốc.
Mẹ nhận được tin của Hậu đang du học ở Texas, vì là dân du học nên Hậu không đi làm được và cũng không thể có phương tiện giúp đỡ gia đinh.
Cả nhà ở trong trại được bốn tháng thì được sự bảo trợ của của một nhà thờ tin lành trên miền bắc.

*

Mười hai giờ đêm, phi cơ đáp đến phi trường Bismarck, North Dakota.
Trời tháng chín mà miền bắc đã lạnh căm. Những người Mỹ hiền lành, cao lớn từ nhà thờ ra đón tiếp và đem cho những chiếc áo lạnh rộng thùng thình. Mấy đứa con của mẹ vỏ vẻ nói tiếng anh, cuộc đối thoại bỡ ngỡ, ngại ngùng. Gia đình về sống trong căn nhà nhỏ ở Avenue B đối diện ở sân sau là ngôi nhà thờ cổ kính.
Cuộc đời bắt đầu bằng con số không từ thành phố nhỏ nhoi này. Bismarch là thủ đô của North Dakota nhưng dân số thời đó chỉ trên dưới năm chục ngàn người. Thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” có được chừng hai gia đình người Việt Nam và có những tiệm quán nhỏ dọc theo con phố chính, có một “siêu thị” cũng nhỏ như con phố nhưng đặc biệt nhất của thành phố là những con đường ngắn với hàng cây trụi lá phủ đầy tuyết trắng.
Ngày đầu tiên thấy tuyết rơi cả nhà mừng rỡ chạy ra sân lượm tuyết ôm trong tay và đồng thời cảm được cái lạnh ghê hồn của miền bắc. Nhưng trong cái lạnh có sự dịu dàng của tình người. Dân tình của này thành phố rất lịch sự, vồn vả và những người trong nhà thờ thì tận tình giúp đỡ.
Căn nhà nhỏ xinh nắn của nhà thờ thuê cho cả gia đình ở có ba phòng ngủ phía trên và một ngăn dưới lòng đất gọi là basement nơi ba mẹ ở. Nhà chỉ cách phố vài trăm thước nên mấy tháng đầu mọi nguời trong nhà có chuyện cần xuống phố thì chỉ cần đi bộ vài phút là đã tới nơi.
Mùa đông rét mướt của miền bắc lạnh buốt da thịt mà áo quần ấm thì không đủ, áo quần của nhà thờ mang cho thì có cái dài, cái ngắn, cái thì rộng rinh. Mẹ nhớ tới những ngày mới đến cùng con bé Hoài và hai chú nhóc tì đi chợ. Trời vừa lạnh, tuyết vừa rơi, mấy mẹ con khệ nệ khiêng về những bao thực phẩm từ cái siêu thị tí hon gần nhà. Mẹ nấu món bánh canh mà sợi bột là những sợi spaghetti. Mấy đứa con của mẹ gọi đây là món “bún bò Mỹ”, nhưng đồng thời cũng húp xùm xụp khen ngon. Mẹ phải “Mỹ hóa” nhiều món ăn lắm, chẳng hạn như kho cá đông lạnh thì phải dùng xì dầu vì thời đó ở cái xứ xa tít mù này thì làm sao có được chai nước mắm. Gia đình cũng tập ăn những món ăn khác như pizza mà mấy đứa nhỏ còn gọi là “bánh xèo Mỹ”.
Những đứa con của mẹ mặc dầu còn ngượng ngập với đời sống mới nhưng cũng đã sẵn sàng tạo dựng cuộc đời cho chính mình. Huy may mắn kiếm được một chổ làm khá tốt trong một hãng điện tử, những đứa con còn lại thì vừa đi học, vừa đi làm.
Trong vòng vài tháng cả nhà hòa mình vào đời sống rất nhiều thay đổi này. Mẹ cũng đi làm trong nhà thương, chỗ phát áo quần vật liệu cho bệnh nhân. Mấy đứa con lo cho mẹ vì mẹ chỉ bập bẹ đôi tiếng anh, nhưng mẹ là ngưòi rất cương quyết, mẹ không muốn cả nhà phải sống bám vào sự thuơng hại của người khác, cho nên mẹ cố gắng hết sức mình để học hỏi thêm. Mỗi ngày đi làm mẹ đem theo một cái tập nhỏ và mỗi chiều mẹ đi làm về thì trang giấy chi chit những từ ngữ anh văn mà mẹ ghi chép trong lúc làm việc, mẹ đem ra hỏi mấy đứa con.
Anh ngữ của ba dù rất khá nhưng ba nhút nhát hơn mẹ nhiều, có lẽ sự chịu đựng với những đổi thay trong đời khiến mẹ phải chính mình tự vươn lên để cứu sống lấy đời sống của chính mình. Ba cũng may mắn tìm được một chổ làm trong văn phòng ở tòa chánh án. Sáng đi chiều về làm việc nhàn hạ của một công chức.
Đời sống lạ xa rồi cũng thành quen thuộc. Con bé Hoài vào đại học, sáng đi học chiều về đi làm cashier ở một khách sạn lớn dưới phố. Cái khách sạn Patterson lớn và sang trọng nhất Bismarck dạo đó.
Mỗi lần mẹ nhìn hình ảnh nhỏ nhoi của con bé Hoài đứng sau cái quầy lớn tính tiền mẹ cứ vừa xót xa vừa sợ con mình cưu mang không nổi công việc. Nhưng con bé Hoài lớn lên với đám con trai anh em trong nhà nên cũng ngang bướng và cương quyết lắm, không bao giờ nó mở lời than thở.
Buổi chiều đi làm thì con bé đi bộ xuống phố nhưng ngại nhất là nửa đêm gìờ con bé đi làm về rất khuya. Thành phố tuy nhỏ nhoi nhưng mùa đông tràn đầy những người dân da đỏ say rượu nằm dọc hè phố. Thế là mỗi đêm mẹ chờ đợi tới giờ con bé gần về thì mẹ xuống đón con. Trời mùa đông ở Bismarck lạnh dã man, cái lạnh buốt xương, nhức tủy. Hai mẹ con ôm nhau đội tuyết đi về trong đêm thâu. Về đến nhà là cả hai đều cởi lớp áo, lớp găng tay, lớp vớ uớt ra ngồi co ro trước lò sưởi, da thịt cóng, môi tím ngắt nhưng mẹ con cùng nhau ăn bữa ăn muộn màng và nhìn nhau cười mà nước mắt lưng tròng. Ngày tháng cũ đã không còn, thời thơ ấu với những nuông chiều đã mất, con bé Hoài của mẹ đã tập tành làm người lớn với những trách nhiệm trong cuộc đời mới ở một nơi chốn mới.
Mẹ cứ tưởng những đổi thay rồi sẽ có lúc cũng ngưng để cho mẹ một giây phút hít thở cái không khí trong sự sống tồn của đời người. Nhưng đời mẹ đa truân lắm.
Một buổi sáng khi cơn bão đi qua thành phố nhỏ, khi những con đường phủ ngập tuyết băng là ngày ba trút hơi thở cuối cùng vì bệnh đứng tim và mẹ lúc đó chỉ mới năm mươi chín tuổi. Ba đã từng là người giang hồ phiêu bạt, từng là một chiến sĩ, một tư lệnh chiến trường, nhưng sau cuộc đổi đời, ba bỏ cuộc trước mẹ, ba không chịu đựng được những thử thách của cuộc đời. Mẹ đã ở với ba trọn tình trọn nghĩa, cho tới cuối cuộc đời của ba.
Sau khi ba mất, “phu tử tòng tử”, mẹ về ở với Huy trong căn nhà nhỏ cách nhà thờ hai con đường. Những đứa con của mẹ đã học xong đại học, lập gia đình và sống tản mác khắp những tiểu bang khác nhau. Sự cô đơn trong đời sống tỉnh nhỏ vương vấn hình ảnh của ba làm mẹ lao đao, choáng váng. Mẹ đi thăm mỗi đứa con một nơi và vài năm sau bắt đầu thấy mỏi mệt với những chuyến đi mà mỗi lần ra về mẹ vẫn tự hỏi mình sẽ về lại nơi chốn nào đây. Mẹ không thể nào làm phiền đời sống của con cái mà mẹ thì chưa bao giờ sống một mình. Suốt đời người mẹ chỉ biết “ tại gia tòng phụ, xuất gía tòng phu”thế mà năm mẹ bảy mươi tư tuổi thì mẹ quyết định …ra riêng.
Mẹ dọn về Texas, ở trong cái condominium mấy đứa con chung góp mua cho mẹ. Mẹ sống một mình trên xứ Mỹ, nghe lạ lùng qúa. Lần đầu tiên trong đời mẹ biết được sự tự do, mẹ cảm thấy có toàn quyền sở hữu trong đời sống riêng tư của mình. Từ đó đời sống của mẹ bắt đầu có những thứ tự riêng. Những thứ tự không sắp đặt nhưng tạo lên sự tự tin trong đời sống cho chính mẹ.
Mẹ vẫn gọi đùa căn nhà nhỏ của mẹ là cái… chòi để mỗi năm các con về nương tựa vào nhau tìm lại tình thương yêu gia đình. Đời sống xứ người lạt lẽo lắm, mỗi đứa sống một nơi không có thì gìờ cho nhau, không có sự ràng buộc của đại gia đình. Mẹ chỉ sợ mai đây khi mẹ không còn nữa thì cái tình đó rồi sẽ nhạt phai.
Sáu năm trước, thằng cháu nội, thằng bé Dy năm nào bấy gìờ đã ba mươi mốt tuồi từ Việt Nam qua như cơn mơ của mẹ. Bao nhiêu năm xa cách, nhìn nét mặt nó giống y đúc Hoàng, mẹ qúa mừng rỡ. Trời phật còn thương mẹ nên mới cho mẹ gặp lại đứa cháu đích tôn thừa tự sau bao nhiêu thập niên cách biệt.
Lúc Dy qua mẹ có dặn hãy mang qua cho mẹ một hũ đựng tro có khắc tên của mẹ và một bộ áo tràng thỉnh từ một ngôi chùa nhỏ trên Ban Mê Thuột. Hũ đựng tro và bộ áo mẹ còn cất kỹ từ mấy năm nay, thỉnh thoảng mẹ lấy ra ngắm nghía một mình.
Hôm qua mẹ có dặn Dy là nhớ ghé qua cúng ba nó trước khi đi làm, nó dạ dạ mà không biết là nó có nhớ không.
Thằng Dy năm nay đã ba mươi bảy tuổi. Hoàng tử trận lúc Dy mới hai tuổi, thằng nhỏ từ thửơ bé đến lớùn không sống bên cạnh cha, vậy mà cách đây sáu năm khi được giấy phép rời khỏi Việt Nam Dy đã không quên bốc mộ và đem hài cốt của cha theo. Mỗi lần nhớ tới chuyện này là mẹ cảm động chảy nước mắt. Mẹ đưa hài cốt của Hoàng vào chùa và mỗi dịp lễ lớn mẹ lại đến chùa khuấn nguyện.
Cuộc đời mẹ đã khóc biết bao lần, mỗi lần là một bi thảm khác nhau. Nước mắt mẹ chảy xuống như con suối, như con sông không nguồn, như để rửa sạch những bụi bậm quanh quẩn trong đời. Ba chục năm ở xứ người mẹ ao ước được về thăm làng nước, thèm nhỏ giọt nước mắt trên con sông Nhật Lệ để thấu hiểu thêm chất mặn đắng trong đời. Bây giờ mẹ già rồi sức khoẻ héo mòn chân tay yếu ớt làm sao chịu đựng được chuyến trở về dài đăng đẳng.
Cơn nhang đã tàn và chén nước trà đã nguội lạnh. Mẹ bước đến bàn thờ van vái lần nữa và thổi tắt ngọn đèn cầy. Như vậy là Dy đã không đến được, có lẽ nó phải đi làm sớm hơn thường lệ.
Đèn cầy tắt, nhưng ánh sáng buổi mai như vẫn lung linh trên khung ảnh của ba và của Hoàng. Mẹ nhìn ảnh, mỉm cười rồi thong thả vào phòng lấy chiếc áo tràng và hũ đựng tro ra nhìn ngắm. Không biết năm tới, năm tới nữa mẹ có còn thắp được nén nhang cho Ba, cho Hoàng. Ngày tháng sẽ qua như nước chẩy. Lên thác, xuống ghềnh, thành dòng sông êm ả, nhưng rồi nước cũng ra tới biển. Như cuộc đời của mẹ.
Sau khi ướm thử chiếc áo tràng vào người, mẹ thong thả đến ngồi bên bàn viết, tay run run cầm bút.

“Các con của mẹ,
“Bao nhiêu năm nay mẹ cố bám vào cuộc đời này để được chứng kiến sự khôn lớn của các con. Hạnh phúc lớn nhất của mẹ là thấy đàn con của mẹ hoà thuận, yêu thương nhau. Cám ơn các con đã cho mẹ niềm mãn nguyện đó. Mai đây khi mẹ từ bỏ cuộc đời, xin các con hãy mặc cho mẹ chiếc áo tràng giản dị này và hãy đưa chút tro cốt còn lại của mẹ về với dòng sông Nhật Lệ, để mẹ được một lần về thăm quê hương…”

NGUYỄN THỊ HUẾ XƯA

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Với bài "Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine", tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016 và vừa nhận thểm Giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Lý Tuyết Mai, cư dân Pomona, CA. làm việc tại Bộ Xã Hội. Đến Mỹ khi còn tuổi học trò, cô thuộc "thế hệ gạch nối" của người Việt tại Mỹ. Với bài viết về chính sách của Bộ Xã Hội Mỹ đối với trường hợp một cô bé gốc Việt 16 tuổi mang bầu, Bảo Trân đã nhận giải Vinh Danh Tác Phẩm - thường gọi đùa là giải á hậu - Viết Về Nước Mỹ 2009. Sau đây là bài viết mới của cô.
Tác giả là một cựu tù cộng sản, hiện sống ở Vail, Arizona, làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, và từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông. Sau giải Đặc Biệt năm 2017, với bài viết của một dân sự gốc Việt từ căn cứ Mỹ tại Afganistan, ông được trao thêm giải Danh Dự VVNM 2018. Sau đây là bài viết mới của ông, từ Cameroon, một nước ở miền trung Phi châu.
Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20 trân trọng chào mừng thêm một người viết mới. Theo bài viết, từ 1978, Ngọc Ánh đã là tác giả những trang nhật ký của một nữ sinh viên viết từ Sài Gòn, được đăng trên bán nguyệt san Việt Nam Hải Ngoại tại San Diego. Và từ 1979 thì cả nhà người viết đi tù. Người chồng bị kết án tử hình. Cháu bé mới sinh một tuổi theo mẹ vô nhà tù. Nhưng hơn 10 năm tù đày cộng sản không làm bà gục ngã. Và rồi, tình yêu đến... Thư kèm bài, bà viết “Tôi tên thật là Trần Ngọc Ánh, hiện đang sống tại thành phố Victorville, CA. Lần đầu tiên tôi viết bài tham dự "Viết về nước Mỹ" và hy vọng sẽ có nhiều bài viết về chủ đề này gởi đến Việt Báo trong năm nay...” Khi thêm bài mới, mong tác giả bổ túc ít dòng tiểu sử và địa chỉ liên lạc.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice—A Journey of Hope” tác giả Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, một tác giả từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009. Cô sinh năm 1970 ở Đà Nẵng. Năm 15 tuổi vượt biên cùng một người anh, tới Mỹ năm 1986 và thành công dân Mỹ với tên Crystal H. Vo. Cô hiện là cư dân San Gabriel, CA. và làm việc tại Sở Xã Hội Quận Hạt. Trong những năm ngừng viết về nước My,õ cô kết hôn, thành con dâu một gia đình Mỹ và đã dành trọn thì giờ để học sống và viết bằng Anh ngữ. Sau đây là bài viết mới nhất của cô sau họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016. Với sức viết mạnh mẽ, tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, bà có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, là bài viết mới nhất, khi tác giả bay từ Arkansas về họp mặt Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Và...
Chỉ với bài viết đầu tiên, tới vào tháng cuối, Tác giả đã nhận giải Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Thư kèm bài, tác giả viết “Tôi tên Tố Nguyễn, đang làm tax accountant ở Los Angeles, thường xuyên theo dõi mục Viết Về Nước Mỹ. Tôi rất xúc động khi đọc những câu chuyện đời của người Việt trên xứ Mỹ, giờ tôi xin góp câu chuyện thật của tôi...” Sau bài đầu tiên, bước sang năm thứ 20 của giải thưởng, tác giả đang tiếp tục cho thấy sức viết ngày càng mạnh mẽ hơn. Sau đây là bài viết của cô về lần đầu họp mặt Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả sinh năm 1953, tốt nghiệp Sư Phạm Sài Gòn khóa 12. Vượt biên sang Mỹ 1982, và từ đó tới nay định cư tại San Jose; Nghề nghiệp: Mechanical Designer, về hưu tuổi 65. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là chuyện vui về nhóm bạn trường Sư Phạm Sài Gòn, khóa cuối cùng, ra trường năm 1975, kèm lời ghi của tác giả: “Thân tặng các bạn lớp Nhất 9/Nhị 15, khóa 12 (1973-75) Sư Phạm Sài Gòn.”
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016. Với “Viên Đá Kỳ Diệu,” một trong bốn bài viết về nước Mỹ của ông, Thảo Lan đã nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ năm thứ 19.
Tháng Bảy, mùa Vu Lan, xin mời đọc bài viết về Mẹ của Minh Nguyệt Graves. Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018.
Nhạc sĩ Cung Tiến