Hôm nay,  

Tình Què

16/08/200500:00:00(Xem: 229572)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 806-1394-231-vb8081405

Táv giả là trưởng nữ một gia đình H.O., hiện hành nghề dược sĩ tại Virginia. Cô đã góp nhiều bài viết đặc biệt và đã được trao tặng giải thưởng Viết Về Nước Mỹ năm 2004. Sau đây là bài viết mới nhất của cô, một truyện tình sinh viên.

Buổi chiều cuối năm ở Iowa, trời mùa đông gió thổi lạnh tê môi cay mắt, Linh từ thư viện trở về ký túc xá. Còn hai đợt kiểm tra nữa mới xong học kỳ này, Linh đếm từng ngày từng giờ để mong chóng về nhà nghỉ đông. Con bé Yu-ing sướng thật, trường nó thi xong sớm, mai là nó đã bay về Taiwan nghỉ một tháng, chẳng bù với Linh, phải ở lại campus này 4 ngày nữa. Linh vừa đi vừa nghỉ, lòng có chút ganh tị với nhỏ bạn ở chung nhà trọ với mình.
Căn nhà trọ của Linh và Yu-ing cách trường chừng 15 phút đi bộ. Mùa hè có thể đi đường tắt ngang qua một cánh rừng nhỏ, chưa tới 5 phút là đến được campus. Trời mùa đông xám xịt như thế này, Linh không dám đi bộ ngang qua con đường nhỏ hai bên đường cây cối tậm rạp. Giữa con đường đó có một cây cầu bắc qua một con lạch nhỏ, mùa đông trời lạnh nước ở lạch đóng băng cứng ngắc.
Trong cảnh trời chiều chập choạng tối, Linh thấy lòng sờ sợ khi nhìn những cành cây trụi lá trong mùa đông giơ cao khẳng khiu như những cánh tay phù thủy móng nhọn hoắt đầy đe dọa. Linh kéo cồ áo lên cao hơn nữa quấn cái khăn choàng cổ che kín nửa mặt, cố rảo bước về nhà. Mấy cuốn sách nặng trĩu sau lưng Linh. Bụng Linh bắt đầu thấy cồn cào. Ái chà, bận học thi, Linh quên đi chợ, về nhà mở tủ lạnh ra chắc tối nay Linh phải ăn frozen dinner cho đỡ đói lòng rồi.
Về tới nhà, Linh mở cửa ra, nghe mùi thức ăn xào nấu thơm phức. Yu-ing ló đầu từ bếp ra, cười với Linh: " Về rồi đó hả Lynn, tối nay tao mời John đến ăn tối, mày dùng cơm với tụi tao luôn nha." Linh nhìn cái bàn ăn, Yu-ing đã sắp hai cây nến ở đó, cùng ba bộ chén dĩa, khăn ăn, đũa dao, nĩa tươm tất. John đến ăn tối à" Linh sực nhớ ra, ngày mai Yu-ing đã bay về Taiwan rồi, cả tháng sau mới quay lại campus, cả tháng sau mới gặp lại người yêu, thành ra nó chuẩn bị bữa cơm tối nay có vẻ thịnh soạn quá.
Anh chàng John đã có master về economics, giờ đang làm luận án phD ở trường, ngoài giờ học ra còn làm assistant cho mấy ông thầy trong bộ môn, chấm bài của mấy đứa sinh viên. John không ở trong campus, mà ở trọ ở phía ngoài city, ngày nào cũng đạp xe đến trường, bất kể gió, mưa. Anh chàng bao giờ đi đâu cũng dùng xe đạp. Linh mấy lần ra phố mua đồ ăn, gặp John ở chợ, thấy anh chàng mua thức ăn, rau trái cây sữa, đồ hộp, rồi bỏ tất cả vào mấy cái túi, cột dây chằng chịt ràng vào xe đạp để chở về.
Cao 6 feet 2 như John thì chạy xe đạp chở bao nhiêu vẫn kham nổi, Linh thầm nghĩ, chứ như Linh thì chịu thua thôi, không có xe hơi là thấy nản lòng khi muốn đi chợ rồi. Cứ tưởng tượng khệ nệ xách mấy cái túi thực phẩm ra bến xe bus, leo lên xe, rồi xuống xe bus, xách về nhà, là Linh đã ngán ngẩm. Xe hơi để ở trong garage của ký túc xá, mỗi tháng đóng parking fee gần cả trăm bạc, Linh nhiều lúc cũng thấy xót xót, nhưng thà như vậy đi đâu Linh cũng không ngại. Nhỏ Yu-ing từ Taiwan qua Mỹ học cũng cạy cục sắm một chiếc xe hơi sau mấy tháng trời đi phố shopping bằng xe bus và xe lô-ca-chân. John hay đùa bảo là Kinh với Yu-ing lười quá đỗi, đi có mấy block cũng lái xe hơi, không chịu đi bộ để exercise gì cả. Sa91m chiếc xe đạp như tui nè, John hay gạ, đạp xe khỏe chân, khỏe người, lại thư giãn đầu óc, không làm ô nhiễm môi trường gì hết, bao nhiêu là cái lợi, quí vị không thấy sao. Miệng lưỡi của dân học kinh tế có khác.
Linh ở share nhà trọ với Yu-ing hơn ba năm rồi. Còn một học kỳ nữa là hai đứa tốt nghiệp, Linh học về computer, còn Yu-ing học về economics. Linh qua Mỹ lúc đã hai mươi mấy tuổi, nếu tính ra thì chỉ có một phần đời rất nhỏ là ở Mỹ mà thôi, hỏi Linh chuyện llịch sử nước Mỹ, hiếm pháp Mỹ là coi như Linh bù trất. Yu-ing qua Mỹ học cũng có mấy năm, ngoài mấy lớp học ở trường ra thì cũng chẳng biết gì hơn vế nước Mỹ cả. Hai đứa đều thích ăn cơm, thích dùng đũa, thích ăn mì gói, thích ăn tàu hủ chiên chấm với nước tương . Trong góc phòng của Yu-ing có một lô CD nhạc Trung Quốc, Linh chẳng biết là tiếng Quan Thoại hay tiếng Quảng Đông, Linh chẳng hiểu lời mà chỉ nghe âm điệu thấy hay hay. Yu-ing sau khi ở chung với Linh mấy năm cũng quen nghe nhạc việt Nam, nó có thể ngân nga ư ử một số bản nhạc của Trịnh Công Sơn vì nghe với Linh Không biết bao nhiêu lần.
Yu-ing kể cho Linh nghe về nhà nó, ba mẹ Yu-ing có khá nhiều cơ sở làm ăn ở Taiwan và ở Úc, sau khi nó tốt nghei65p đại học ở Taiwan thì ba mẹ nó gời nó, đứa con lớn nhất trong nhà, qua Mỹ học. Ước vọng của ba mẹ Yu-ing là muốn nó sau khi tốt nghiệp sẽ về Taiwan là giáo sư kinh tế ở một trường đại học khá nổi tiếng ở đó. Ông hiệu trưởng trường đại học đó là bạn thân của ba Yu-ing, Yu-ing nói với Linh, Ái chà, tương lai Yu-ing vẽ ra tươi sáng quá xá, đảm bảo quá xá, Linh thầm nghĩ trong đầu, con bé Yu-ing học siêng năng, cần cù, semester nào môn nào cũng điểm A, tệ lắm thì có một hai con B mà thôi, thế nào cũng sẽ Job xịn ở Taiwan. Chẳng những vậy, Linh phải nhìn nhận là con bé Yu-ing mặt mũi rất sáng sủa, xinh nữa là đằng khác, nhất thân nhì thế, lại thêm ngoại hình OK nữa, làm gì mà không có job tốt, không có quý nhân giúp đỡ kia chứ!
Linh kể cho Yu-ing về gia đình Linh, bố Linh ngày xưa là sĩ quan trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, sau 75 bị đi học tập mút chỉ. Linh vẽ cái bản đồ Việt Nam cho Yu-ing cooi, chỉ cho Yu-ing Saigon nơi Linh sinh ra, nơi gia đình Linh ở là ở đâu, chỉ cho Yu-ing xem vùng rừng núi Bắc Việt nơi bố Linh bị giam ở chỗ nào từ 75 đến 79, vùng Xuân Lộc nơi bố Linh bị giam từ 79 đến 91 là ở đâu. Linh kể cho Yu-ing nghe về những chuyến đi thăm nuôi đầy bất trắc của mẹ ra Bắc thăm bố, kể cho Yu-ing nghe cái ngày Linh cùng mấy đứa em ra khám Chí Hòa năm 91 đón bố được thả ra. Linh kể cho Yu-ing nghe những tháng ngày mòn mỏi đợi chờ sau khi nộp đơn xuất cảnh theo chương trình H.O, cái ngày Linh cùng gia đình ra phi trường Tân Sơn Nhất để lên máy bay đi Mỹ.
Nhỏ Yu-ing nghe Linh kể cứ tròn mắt ra mà nghe, rồi bảo Linh mày viết tiểu thuyết về đời mày và gia đình mày được rồi đó. Có gì đâu mà viết, Linh gạt đi, cả triệu người Việt Nam bỏ nước ra đi tìm tự do, đời mỗi người là một cuốn sách viết bằng máu và nước mắt, chuyện nhà tao chỉ là một đoạn nhỏ tronng chuyện dài của người xa xứ mà thôi.
Đọan nhỏ trong truyện dài của người xa xứ, nhưng có người muốn nghe. John và Yu-ing cùng học chung một số thầy ở bộ môn economics, cùng chuẩn bị cho luận án PhD. Linh biết là John thích Yu-ing, mấy lần đầu John ghé qua nhà gặp Yu-ing là Linh lẩn vào phòng mình đóng cửa lại chúi mũi vào mấy cuốn sách học.
Lúc đầu John tưởng Linh là người Tàu, nhưng về sau khi nghe Yu-ing nói là Linh người Việt Nam, John đến chơi hỏi chuyện Linh. Anh chàng hoá ra có người chú những năm 60 đi lính ở Việt Nam, chết mất xác ở đó, tên được ghi trong bức tường đá hoa đen ở thủ đô. Nói chuyện với John, Linh mới phát hiện ra là anh chàng rất thích đọc sách, chuyện chiến tranh Việt Nam, chuyện Taiwan với Trung Quốc, John đọc đủ thứ. Con bé Yu-ing có vẻ kiêu hãnh là anh bồ của nó là người uyên bác, đọc rộng hiểu nhiều, nó ngồi nghe John nói chuyện với ánh mắt thán phục thấy rõ.
Rồi John mượn đâu đó mấy cuộn phim với chủ đề chiến tranh Việt Nam đem đến, mời Linh với Yu-ing coi. Xem " Good morning VietNam", tim Linh nhoi nhói khi nhìn lại hình ảnh những cô gái đội nón lá mặc áo dài trắng đi trên đường phố, cảnh những gánh hàng bán rong ở chợ. Đến đoạn cô gái Việt Nam nói lời chia tay với anh lính Mỹ, rồi quay lưng bỏ đi trên con đường đê đắp giữa những thửa ruộng, gió thổi phần phật trên những tàu lá dừa, mắt Linh cay cay. John hỏi Linh chắc là nhớ Việt Nam lắm phải không, và Linh gật đầu . Nhớ chứ sao không nhớ, nhất là giữa mùa đông lạnh ngắt giữa cái tiểu bang Iowa xa lạ này, Linh nhớ Việt Nam, nhớ nhà, nhớ bố mẹ quay quắt. Nhỏ Yu-ing nhớ Taiwan đi nữa thì còn có John để chia xẻ, còn Linh thì trút nỗi buồn nỗi nhớ với ai đây"
Tối nay John đến ăn tối, Linh mà ngồi vào bàn ăn chung với John và Yu-ing thì sẽ mất hết mấy tiếng đồng hồ, không lẽ Linh ăn vội ăn vàng rồi cáo lui vào phòng mình" còn hai đợt kiểm tra nữa, Linh còn vô số chương trình trong sách chưa học, ngồi ăn chung với John và Yu-ing không thể nào Linh ăn ngon miệng được. Lòng cứ lo ngay ngáy, thi điểm thấp sẽ kéo điểm trung bình của Linh xuống, ra trường không thân thế, không quen biết, tiếng Anh nửa nạc nửa mỡ như Linh thì ai mướn đây kia chứ! Linh nói với Yu-ing, cám ơn mày đã mời tao dùng cơm tói chung với tụi bây nha, nhưng tao còn hai bài kiểm tra nữa, phải gồng hết công lực để nhét thêm mấy chữ vào đầu đây nè. Mai thi ông thầy cho open book, đem bao nhiêu sách vàolớp cũng đuợc, nhưng open book mà không biết chương nào để lật, phần nào để coi thì chỉ có chết tới bị thương thôi. Tao phải ăn quấy quá cho xong rồi đi học bài đây,sorry nha Yu-ing. Linh nói với Yu-ing, tao với mày ở trọ chung mấy năm nay rồi, tao không có làm điệu làm bộ đây, mày với John cứ ăn tối vui vẻ thoải mái đi nha, tao lo hai bài kiểm tra cuối quá xá, ngồi ăn với tụi bây mà mặt tao dàu dàu đăm chiêu thì cũng mất vui đi, thông cảm nha.
No problem, Yu-ing nói với Linh, tao cũng biết là mày còn hai đợt kiểm tra nữa, thôi mày ăn trước vậy đi, đồ ăn tao nấu nhiều lắm, tao với John ăn sau vậy. Con bé vào bếp , xúc hco Linh một đĩa mì xào cải bẹ xanh thơm phức có mấy con tôm hồng tròn trĩnh uốn cong người, điểm thêm mấy tai nấm đông cô múp míp, mấy miếng cà rốt cam cam, mấy caí baby corn vàng ánh. Ăn đi để Linh để có sức mà làm bài thi, Yu-ing động viên. Linh cầm đũa, gắp mì cho vào miệng, thấy sinh lực mất đi lúc đi bộ ngoài trời hồi nãy bây giờ ào ạt trở về trong người. Yu-ing xào mì ngon qua xá, Linh khen, và thấy cô bạn mình cười thật tười. Ngon hả, tao cũng mong John nói như vậy, Yu-ing nói, mắt long lanh.
Thế nào rồi John cũng khen ngon cho mà xem, Linh thầm nghĩ trong đầu. John cầm đũa thiện nghệ, gắp đồ ăn nhanh không kém Linh và Yu-ing. Anh chàng quen ăn cơm, ăn mì rồi, mai mốt Yu-ing và John có lấy nhau thì chuyện đi chợ, nấu nướng dễ dàng biết là chừng nào, Linh nghĩ. Nghĩ nhưng không dám nói ra, vì đó là tương lai. Một tương laikhông đoán trước được.
Yu-ing sẽ về làm giảng viên một trường đạihọc theo dự định của ba má nó, còn John đời nào chịu bỏ nước Mỹ mà đi theo tiếng gọi của tình yêu" John há đã từng nói với Linh và Yu-ing là mong kiếm được job ở nơi nào khí hậu dễ chịu hơn ở Iowa đó sao, và Linh đã nói đùa là sao không plan qua Taiwan làm việc, job đầu tiên là làm thầy giáo dạy tiếng Anh, John cầm đũa được, ăn mì được ăn cơm được, Taiwan khí hậu chắc chắn là tốt hơn Iowa nhiều, và rồi anh chàng lắc đầu quầy quậy, không, không, và không. Lúc đó Linh thấy ánh mắt Yu-ing buồn hẳn đi. Con bé có nói gì với John về nghề nghiệp tương lai của nó, do bố mẹ nó định trước hay không, Linh không biết....
Ăn xong đĩa mì xào, Linh trở vào phòng mình sau khi cảm ơn Yu-ing lần nữa. Chúc mày good luck nha Linh, mai tao ra phi trường sớm chắc không có dịp gặp và chúc mày nhiều may mắn lúc làm bài, Yu-ing nói.
Từ của sổ phòng mình nhìn ra, Linh thấy tuyết bắt đầu rơi lả tả. Tuyết đổ tối nay à, sao hồi sáng Linh đọc báo không thấy nói gì hết. Linh trở ra phòng ngoài, bật TV lên, đài địa phương đang nói về một trận bão tuyết bất ngờ dạt về phía vùng Linh ở, có khả năng tuyết rơi nhiều đến 5, 6 inches. Yu-ing sà xuống cạnh Lin,cũng nghe dự báo thời tiết. Ái chà, tuyết như vầy không biết máy bay ngày mai có bị hoãn không nữa, con bé nói. Linh nhìn Yu-ing cười như mếu, chuyến bay có hoãn vài tiếng thì mày vẫn về được Taiwan vui vẻ với gia đình, còn chuyện kiểm tra ngày mai của tao chắc chắn 100 phần trăm ông thầy không hoãn lãi đâu, không biết làm sao ngày mai tao khiêng hết mớ sách tao cần vào trường để làm open book exam đây này.
Lúc Linh quay trở vào phòng, Yu-ing lấy cell phone gọi cho John. Không biết John có biết bão tuyết đang tới hay không nữa, Yu-ing nói, tao phải báo để anh chàng đừng ở lại trường trễ quá. Linh nghe tiếng Yu-ing nói chuyện điện thoại với John. Linh đi ngang qua cái bàn ăn, Yu-ing đã sắp xếp lãi còn hai bộ chén dĩa ở trên bàn, hai cây nến được thắp sáng đứng im lặng bên một chai rượu nhẹ. Từ trường đến nhà Yu-ing vàLinh đâu có bao xa, John đạp xe một chút là tới ngay thôi đó mà. Yu-ing có người để thương, để yêu, để lo lắng, để chăm nom, nhiều lúc Linh cũng cảm thầy hơi ganh tị với cô bạn của mình. Linh không sinh ra đời dưới một ngôi so xấu, nhưng phải nói Linh hay nghĩ là Yu-ing sinh ra dưới một ngôi sao sáng và đẹp gấp bội so với ngôi sao của Linh. Lình kỳ quá, sao lại đi ganh tị với với Yu-ing, lương tâm Linh lên tiếng nhắc nhở, và Linh thấy mình kỳ khôi thật.
Tuyết rơi càng lúc càng nhiều hơn. Cái đồng hồ ở trên tường, kim phút kim giờ cứ từ từ, từ từ nhích tới trước. Trời bắt đầu tối, Yu-ing gõ cửa phòng Linh, con bé ló đầu vào, giọng nói bắt đầu đượm chút lo âu: " Linh, hồi nãy tao gọi điện thoại cho John, anh ấy nói là sẽ thu xếp về ngay, mà bây giờ đã hơn 1 tiếng rồi, không thấy bóng John đâu hết. Tao lo quá." Yu-ing gọi điện thoại đến nhà trọ của John, mấy người bạn ở trọ chung bảo là John không có về nhà. Con bé gọi điện thoại trở lại trường, chỉ có answer machine trong văn phòng trả lời Yu-ing. John ở đâu kìa, Linh bắt đầu thắc mắc và bắt đầu lo phụ với Yu-ing.
Yu-ing đi tới đi lui ở phòng ngoài, cứ chốc chốc lại dùng cell phone để gọi tới nhà trọ của John và gọi trở lại văn phòng của trường. John không có cell phone, (Linh sực nghĩ ra) thành không biết anh chàng đang ở đâu hết.
Nhìn ra cửa sổ, tuyết bắt đầu đóng thành một lớp dày cả gần gang tay ngoài patio và càng lúc càng dày hơn, dày hơn. Gió thổi mạnh, tuyết rơi mù mịt, Linh mở của nhìn ra ngoài sân chỉ nhìn thấy cảnh vật ở trong khoảng mười mấy thước trở lại mà thôi, trời lạnh quá xá là lạnh. Một tiếng nữa trôi qua, John vẫn bặt tăm.
Yu-ing nói với Linh là nó sẽ đi ra con đường tắt gần nhà xem có chuyện gì xảy ra với John hay không. Trời đất ơi, trời tuyết rơi vần vũ như vầy, đi ra ngoài là thế nào, Linh than thầm trong đầu. Linh gọi điện thoại qua bên nhà kế bên, xem có ai có thể giúp được không. Hai anh chàng sinh viên học computer ở nhà kế bên tên Tom và Gary kéo qua, hỏi xem chuyện gì xảy ra mà gọi điện thoại có vẻ khẩn cấp vậy. Linh thuật lại cho tụi nó nghe là John mất tăm mất tích rồi, Yu-ing định đi kiếm John đây nè. Yu-ing nói với Linh, Tom và Gary, linh tính cho nó hay là John sẽ đạp xe trở về bằng con đường tắt này. John bao giờ cũng đi con đường này hết, Yu-ing khẳng định như vậy trong lúc mở tủ lấy áo khoác. Con bé mặc mấy lớp áo len dày cộm, choàng thêm cái áo khoác nặng to đùng, đội nón, quấn khăn, rồi đeo thêm đôi găng tay da.
Trời bão tuyết như vầy đi một mình ra phía con đường mòn hả, bộ có điên hay không chứ, Tom với Gary bắt đầu la ơi ới. Yu-ing nhìn Linh, Tom và Gary, nước mắt bắt đầu chảy. Rủi John có mệnh hệ gì thì sao, con bé mếu máo nói. Con đường ngắn có chút xíu mà sao chạy xe đạp không thấy về tới nhà, rủi xe đạp có trục trặc phải đi bộ thì cũng về tới nhà lâu rồi kia chứ. Tom và Gary quy trở lại nhà bên kia, nai nịt đồ lạnh hẳn hoi rồi quay trở lại. Linh không nỡ để Yu-ing đi một mình trong trời bão tuyết, nói với con bé đợi chút xíu. Linh bắt đầu mặc thêm đồ lạnh mấy lớp vào, xỏ chân vào đôi ủng cao gần đến đầu gối nặng trình trịch, đội nón, đeo găng. Linh thoáng thấy cây đèn pin trong tủ áo, vội chộp lấy bỏ vào túi áo khoác. Tuyết như vầy có cây đèn pin soi đường cũng đỡ hơn chút xíu, Linh thầm nghĩ.
Bốn đứa lần mò ra cửa, bước đi chầm chậm hướng về con đường mòn ở gần nhà. Con đường ngày thường ngắn ngủn mà sao trở thành dài hun hút, trong trời tuyết càng thấy âm u tối tăm đến rợn người. Gió thổi tạt tuyết ào ào vào mặt Linh. Gary và Tom cũng có đèn pin, Linh với tụi nó chĩa đèn pin soi đường, nhìn chỗ này chỗ kia xem có bóng John hay chiếc xe đạp của John hay không.
Tuyết phủ dày trên con đường mòn, không thấy vết bánh xe hay bước chân nguời gì hết. Nếu John có chạy xe ngang đi nữa, chẳng mấy chốc tuyết phủ xuống cũng che lấp hết vệt bánh xe rồi, Tom với Gary bàn với nhau như vậy.
Lạnh quá, lạnh không thể tưởng tựơng được. Bốn đứa đi đến chỗ cây cầu gỗ thì bắt đầu thấy trơn trợt, có mấy chỗ tuyết đã đóng thành một lớp băng mỏng. Nhìn qua bên kia cầu, soi đèn pin, tụi Linh không thấy gì hết. Về thôi Yu-ing. Gary vừa nói vừa run lập cập. Linh nhìn Yu-ing, mặt nó cũng xám ngoét vì lạnh dù đã quấn khăn che gần hết cả mặt, chỉ còn chừa có hai con mắt. Bốn đứa kéo nhau về, con đường trở nên dài vô tận, chân giẫm vào tuyết nhấc lên nghe nặng như chì. Tuyết lên gần đến quá nửa ống chân của Linh rồi.
Yu-ing về đến nhà, nhấc phone gọi cảnh sát, báo có người mất tích. Mất tích từ bao lâu, cảnh sát hỏi. con bé trả lới là từ hồi chiều. Hồi chiều tới giờ mới có mấy tiếng, đâu có lâu lắc gì, vả lại trời đang bão tuyết vần vũ như vậy, cảnh sát có vẻ không mặn mòi gì lắm với chuyện đi tìm John. Yu-ing gác máy điện thoại, nói với Linh là cảnh sát hứa sẽ đi tìm John, có kết quả gì sẽ cho nó hay.
Mất tích 24 tiếng gọi cảnh sát may ra người ta mới nhiệt tình giúp, chứ mới mấy tiếng đồng hồ, thời tiết xấu vô hạn, không biết có ông cảnh sát nào chịu đi điều tra không nữa, Yu-ing than thở. Sorry Linh, tao không muốn làm mất thêm thời giờ của mày, Yu-ing nói, mày đi học bài tiếp đi. Linh trở về phòng mình, đi ngang qua bàn ăn thấy hai cây đèn cầy Yu-ing thắp đã cháy cạn, ngọn lửa đang tàn lụi dần như hy vọng của con bé Yu-ing.
Lin chúi mũi vào mấy trang sách, ráng nhét thêm chữ vào đầu, nhưng không được bao nhiêu hết. Người Linh mệt rã rời sau khi đi ra con đường mòn giữa trời bão tuyết với Yu-ing, mắt Linh bắt đầu híp lại. Trong giấc ngủ chập chờn, Linh thoáng nghe loáng thoáng có tiếng khóc của con bé Yu-ing ở phòng ngoài, Linh muốn ra an ủi nó mà mắt Linh nặng trĩu không mở nỗi.
Lúc Linh tỉnh giấc, nhìn ra cửa số thấy trời đã tờ mờ sáng. Linh lò dò bước ra phòng ngoài, con bé Yu-ing đang sắp xếp lại mấy cái vali, mặt hốc hác thấy rõ sau một đêm hầu như thức trắng. Chuyến bay về Taiwan của Yu-ing không thể hoãn được, vé máy bay ba mẹ nó mua cả gần nửa năm trước rồi. Thấy Linh, Yu-ing ngước lên, giọng tuyệt vọng và mệt mỏi: "không có tin gì của John hết, tao gọi cảnh sát, gọi nhà trọ của John, không ai biết gì hết. Đến giờ tao phải ra phi trường rồi. Linh ơi, mày còn ở campus mấy ngày nữa, có tin gì của John thì gọi điện cho tao nha. Số phone ở Taiwan của nhà tao nè, hay mày email cho tao cũng được." Rồi con bé òa khóc, Linh ơi, mấy hôm trước tao có nói với John chuyện bố mẹ tao muốn tao về Taiwan dạy ở trường đại học, tao với John có tranh cãi khá nhiều, không biết John có giận tao hay không nữa. Mày gặp John nói với John là tao xin lỗi John, Linh nha, Yu-ing nhắn Linh như vậy trước khi leo vào xe taxi để ra phi trường.
*


John ở đâu kìa, trốn ở đâu kỹ quá vậy kìa, Linh vừa đi đến trường vừa thắc mắc. Cũng không thắc mắc lâu dài được vì Linh phải khệ nệ mang theo một đống sách đến trường để làm bài kiểm. Cho mở sách tự do, ông thầy nói vậy, không hiểu ông thầy có thông cảm cho những đứa hoc trò như Linh đi bộ đến trường trong tuyết lạnh mà còn phải ôm theo mấy cuốn sách nặng khủng khiếp hay không nữa, Linh thầm nghĩ, ít ra cũng nên thương xót cho vài điểm bonus chớ.
Ngồi vào lớp học, nhận đề bài thi do ông thầy phát, là mọi suy nghĩ vớ vẩn của Linh về John, về Yu-ing, về chuyện tối hôm qua bay biến đi mất hết. Linh chú tâm vào bài làm, trời ơi, có hai tiếng đồng hồ mà sao ông thầy hỏi gì mà lắm thế này, Linh viết như máy, lật tới lật lui một lô sách của mình để tìm lời giải cho đề thi mà mắt cứ liếc nhìn cái đồng hồ đeo tay của mình, lòng cầu mong nó chạy chậm lại chút xíu.
Linh làm xong bài kiểm tra, thấy như một khối đá nghìn cân được nhấc khỏi vai mình. Còn một bài kiểm tra nữa, nhưng môn đó nhẹ nhàng hơn, không đáng sợ bằng bài kiểm tra hôm nay. Linh trở về nhà, vừa đặt mấy cuốn sách nặng trình trịch xuống bàn xong thì nghe có tiếng chuông điện thoại reo. Linh nhấc phone, ai gọi vậy kìa, lòng thầm mong John gọi để Linh nói lại cho đỡ tức, muốn break up với con bé Yu-ing thì nói đại đi, chứ giả đò mất tích như tối qua thì khổ con bé Yu-ing đã đành, mà còn nhức nhối thần kinh của Linh nữa.
Không phải John. Người ở đầu dây bên kia là Don, một trong mấy người bạn ở chung nhà trọ với John. Linh đó hả, anh chàng nói, Yu-ing còn ở đó không" Yu-ing ra phi trường từ sáng sớm rồi, Linh trả lời, có chuyện gì vậy.Anh chàng ngập ngừng một lát, rồi mới trả lời, John nó gặp chuyện chẳng lành tối hôm qua, giờ đang ở trong nhà thương.
Hóa ra chiều hôm qua sau khi nói chuyện với Yu-ing, John đạp xe trở về. Anh chàng chọn con đường tắt đúng như Yu-ing nghĩ. Cảnh sát sáng sớm nay đi vòng vòng trong campus để tìm John, đến lúc ra con đường mòn thì thấy chiếc xe đạp của John nằm chỏng chơ ở dưới con lạch nước chỗ cây cầu gỗ. Linh nghe kể tới đó thì lạnh toát cả người, sao tối qua tụi Linh đi tới cây cầu gỗ mà không soi đèn pin chiếu xuống con lạch nước dưới chân cầu, mà chỉ soi đèn dọc theo con đường mòn mà thôi kìa"
Lúc cảnh sát tìm thấy chiếc xe đạp củng là lúc John trở về nhà trọ gõ cửa, mấy người ở trọ mở của ra thì thấy John mặt mũi bơ phờ, giầy vớ ướt sũng, có dấu nước đá đóng băng phía bên ngoài đôi giày. John nói năng không mạch lạc lắm, hỏi chuyện gì xảy ra chiều qua cũng không nhớ rõ.
Bạn bè gọi xe cứu thương chở John vào nhà thương, Don kể. Vào tới nhà thương, y tá kêu John tháo giày vớ ra, phát hiện hai bàn chân John bị frosbite nặng, bàn chân tái xanh tái tím, mấy đầu ngón chân thâm đen hết cả. Don nói với Linh, tụi này đoán là chiều qua John nó đạp xe về nhà, đi gần đến cây cầu gỗ thì xe đạp trượt trên băng, John té ngã đập đầu vào một hòn đá, bất tỉnh bao lâu thì không ai biết, sau đó nó hồi tỉnh lại một phần và bắt đầu tìm đường trở về nhà. Cú ngã khá nặng, Don phòng đóan, vì cảnh sát tìm thấy vết sơn trên một tảng đá gần cầu, vết sơn này giống như màu sơn trên cái helmet John đội, cái nón đó cũng có dấu trầy sướt khá mới. Trong trạng thái nửa mê nửa tỉnh, John bước luôn xuống cả con lạch, giày vớ ướt đẫm, mà vẫn không biết lạnh là gì, rồi cứ thế mà đi không định hướng trong cánh rừng nhỏ gâản trường giữa bão tuyết tối qua. Không biết nó giẫm chân vào nước băng giá ở con lạch chỗ cây cầu gỗ bao nhiêu lần nữa, Don nói.
Linh nghe Don kể, bàng hoàng cả người, Linh nhìn đồng hồ, Yu-ing bây giờ đã ngồi trong máy bay bay ngang qua Thái Bình Dương rồi. Linh nhẩm tính, phải đợi 8.9 tiếng đồng hồ nữa họa may Linh mới gọi điện thoại cho Yu-ing được. Đã báo cho người nhà John hay chưa, Linh hỏi Don, báo rồi, Don nói, mà thằng John chỉ có một bà mẹ ở tít bên Nevada kìa, hồi nãy tui gọi điện thoại cho má nó rồi, bà cụ già lắm, không biết có đủ sức bay qua đây không nữa.
Chiều hôm đó Linh, Tom và Gary lò dò theo Don vào nhà thương để thăm John. Linh định gặp John xong, biết John yếu khỏe thế nào rồi sẽ gọi điện thoại cho Yu-ing.
Vào tới khu John nằm điều trị, cả bọn chỉ thấy một cái giường trơ trọi không có người. Cô y tá ở đó cho tụi Linh hay là John đang trải qua một đợt giải phẫu, cũng sắp xong rồi. Anh chàng Don hỏi thăm dò, bộ mấy ngón chân thằng John bị frostbite không cứu được hay sao vậy, cô y tá trả lời không biết.
Ngày hôm sau không có đứa nào có final hết, cả bọn rủ nhau ra ngồi đợi ở phòng bên ngoài, hết nhìn mấy cây kim đồng hồ chạy chậm như rùa bò thì lại nhìn nhau, chẳng đứa nào nói được câu nào.
Đầu óc Linh lùng bùng, mệt mỏi vì những gì xảy ra tối qua, mệt mỏi vì bài kiểm tra hồi sáng. Bao nhiêu hình ảnh hiện lên trong óc Linh như một cuốn phim chiếu chậm. Trong suy nghĩ của Linh hiện lên cảnh Yu-ing đi bên cạnh John trong campus, con bé Yu-ing cao chừng 5feet, mái tóc đen dài đến ngang vai dịu dàng đi kế bên anh chàng John ngang tàng cao 6 feet 2 tay dắt cái xe đạp màu đỏ, đầu đội cái helmet cũng màu đỏ có sơn mấy cái sọc đen, vàng như những ngọn lửa bốc hai bên thái dương.
Linh nhớ đến những hôm John ghé nhà, chỉ cho Yu-ing chơi đánh bài UNO, chơi ráp chữ Scrabble, Linh nhiều lúc cũng được mời tham dự, tham dự để rồi sau đó Linh lại thầm ganh tị với Yu-ing. Không hiểu sao con bé Yu-ing tốt số kiếm được anh bồ tóc nâu mắt xanh không những học rộng biết nhiều, mà lại thể thao một cây, chạy bộ đã chì, đạp xe đạp nhanh như gió, mà lại rất handsome, Linh lâu lâu lại thắc mắc.
Trong óc Linh, John là mẫu người hoàn hảo, xứng đáng với những nàng công chúa xinh xắn như con bé Yu-ing. Vậy mà anh chàng hoàng tử coi như perfect của con bé Yu-ing lại gặp nạn. Sao chuyện ngoài đời không giống như chuyện cổ tích, không đúng như câu kết thúc trong cổ tích "They live happily ever after.." vậy kìa, Linh vẩn vơ suy nghĩ....
Tiếng Tom vang lên, kéo Linh về thực tại: "Kìa, thằng John ra kìa." Cả bọn nhìn lên, cửa mở, mấy người y tá đẩy một cái giường ra, John nằm trên đó, mắt nhắm nghiền. Linh thoáng nhìn thấy hai chân John quấn băng tùm lum, nhưng bâygiờ sao hai bàn chân John nhỏ quá xá! chẳng lẽ bác sĩ cắt bỏ đến mấy phần chân của John hay sao kìa, Gary cũng có cùng thắc mắc như Linh.
Linh về nhà, đánh email cho Yu-ing, báo cho nó tin chẳng lành. Gọi điện thoại cho Yu-ing, Linh không dám. Con bé Yu-ing khuya gọi điện thoại lại cho Linh, giọng sũng nước mắt. Mặt mũi John không có sao cả, Linh an ủi nó, hai tay cũng vậy, chỉ có hai bàn chân là có problem thôi, bác sĩ giải phẫu rồi. Vậy rồi John có đi đứng trở lại được không, đầu té đập vào đá vậy thì có bị thương tổn gì không, những câu hỏi này của Yu-ing, Linh không có lời giải đáp. Bên Taiwan chắc con bé Yu-ing tối nay cũng sẽ không ngủ. Linh khôngh biết làm sao Yu-ing thu xếp để bay trở lại qua bên này nữa, tiền học, tiền vé máy bay, tiền ăn tiền nhà đều do bố mẹ nó chu cấp, bây giờ muốn mua vé máy bay bay trở qua bên này vì anh bồ nó gặp nạn, không biết bố mẹ nó có bằng lòng chi tiền hay không nữa.
Sáng hôm sau, Linh ghé vào bệnh viện thăm John. Thăm giùm cho con bé Yu-ing thì có lẽ đúng hơn. John đã tỉnh, nằm trên giường, mặt buồn hiu. Cho đến giờ, John cũng không nhớ là mình đã lội xuống con lạcah nhỏ gần cây cầu bao lâu, bao nhiêu lần nữa, nhưng bác sĩ nói là cả muời đầu ngón chân của John bị frostbite nặng khủng khiếp, không cứu chữa được, phải cắt bỏ. Một phần hai bàn chân của John cũng bị cắt mất. Bác sĩ nói với John là khi vết thương lành, John sẽ có thể tập đứng, tập đi từ từ, và có khả năng bác sĩ lắp bàn chân giả cho John. Mẹ John đã bay từ Neveda qua, bà cụ già lắm rồi, tóc bạc phơ, da nhăn nheo, lưng đã khòm, ngồi ở cái ghế gần giường John, im lặng không nói gì hết trừ lúc trả lời "Hi" với Linh khi bước vào phòng.
*
Rồi Linh cũng làm xong bài kiểm tra cuối cùng và chuẩn bị sắp xếp để về nhà nghỉ đông. Yu-ing email qua cho Linh, bố mẹ nó không đồng ý mua vé máy bay cho nó qua Iowa trở lại ngay, nó phải đợi hết kỳ nghỉ đông mới bay qua được. Con bé viết email cho Linh, ray rứt, khổ sở, cay đắng. Bố mẹ tao không đồng ý cho tao tiếp tục quen John, Yu-ing nói. Bố mẹ tao đã chọn mấy đám cho tao rồi, ông bà muốn cho tao lấy 1 ông chồng Taiwan kìa, Yu-ing viết.
Trước khi rời campus về nhà, Linh tạt vào bệnh viện thăm John, John đã đem cái laptop vào bệnh viện, phần để email bạn bè, phần để tiếp tục access vào hệ thống thư viện của trường đề đoc tài liệu làm luận án. Mẹ John đã quay trở lại Nevada, để bà cụ ở đây cũng chẳng giúp gì được mình, cho bà cụ về Nevada chứ ở đây mùa đông lại phải đi tới đi lui bệnh viện, tội bà cụ quá, John nói, Joh chúc Linh về nhà nghỉ đông vui vẻ. Đến chừng Linh quay trở lại campus không chừng đã thấy tôi đạp xe đạp trở lại được rồi đó, John nói đùa.
Mấy tuần nghỉ đông trôi qua như một giấc mộng, thấm thoát Linh lại thấy mình khăn gói chuần bị lên trường học trở lại. Semester cuối, 15, 16 tuần lễ nữa thôi là Linh sẽ tốt nghiệp, chấm dứt đời sinh viên ở Iowa.
Trong đợt đông, Linh thường xuyên nhận đuợc email của Yu-ing. con vé gởi email cho Linh nhiều như vậy, không biết nó gởi email cho John nhiều đến mức nào nữa, Linh nhiều lúc suy nghĩ. Lần cuối Linh gặp John ở bệnh viện, anh chàng nằm trên giường bệnh mà nói đùa, bảo là mấy tuần tới Linh trở lên là có thể gặp anh chàng đạp xe vù vù trở lại được rồi. Điều đó là chuyện không mơ thấy nỗi, vì sau đó một tuần Linh nhận được email của Yu-ing, báo tin là John phải trải qua một đợt giải phẫu nữa, bàn chân phải của anh chàng vết thương không lành thì chớ mà lại trở nên trầm trọng hơn, bác sĩ phải cắt thêm 1 phần bàn chân nữa.
Linh trở lại campus, gặp lại Yu-ing. Con bé mặt mày buồn rười rượi, không còn nói chuyện véo von chim sáo như ngày nào. Yu-ing lặng lẽ như cái bóng, đi học, đi thư viện, đi qua nhà thương thăm John, về phòng đóng cửa lách tách đánh luận án tốt nghiệp, ngày này qua ngày khác thời khóa biểu của nó hầu như không thay đổi. Lâu lâu Linh cũng theo Yu-ing vào bệnh viện thăm John, John bây giờ có thể ngồi xe lăn đ chuyện được chút ít, phải mất thêm 1 thời gian nữa vết thương lành mới có thể tập đi trở lại được. Hy vọng là như vậy.
Thời gian trôi qua, tuần này nối tiếp tuần khác, thấm thoát đến ngày Linh và Yu-ing tốt nghiệp. Khoa của Linh và khoa của Yu-ing làm lễ tốt nghiệp cùng một ngày, ở hai giảng đường khác nhau. Lễ tốt nghiệp của Yu-ing, John có đến dự. Anh chàng ngồi trên xe lăn ở tít phía xa xa, không ngồi gần bố mẹ của Yu-ing. Ông bà bay từ Taiwan qua để dự lễ tốt nghiệp của cô con gái đầu lòng, nét mặt hân hoan vô cùng. Linh nghe Don, anh chàng sinh viên ở chung nhà trọ với John và phụ đẩy xe lăn của John đến buổi lễ, thuật lại với Linh như vậy.
John không có đủ thời gian để hoàn tất luận án tốt nghiệp, thành ra anh chàng sẽ ra trường semester tới nữa, hay phải mất thêm một năm nữa mới hoàn thành luận án. chân John lành lâu quá đỗi, Linh gặp John trong campus thấy anh chàng ngồi trên xe lăn, hai cánh tay mạnh mẽ ngày nào vẫy vùng trong hồ bơi với đủ kiểu bơi sải, bơi bướm ngoạn mục bây giờ được dùng để lăn bánh xe lăn. Gặp John, Linh vẫy tay chào từ phía xaxa. Anh chàng từ sau tai nạn không ghé qua nhà Yu-ing và Linh nữa. Quãng đuờng ngắn ngày nào John đi bộ hay chạy xe đạp chút xíu là tới, bây giờ trở thành dài khôn cùng đối với người sử dụng xe lăn.
Sau lễ tốt nghiệp, Yu-ing về trở lại Taiwan. Linh cũng rời Iowa, nộp hồ sơ xin việc ở nhiều công ty khác nhau, đi interview mấy chỗ, và cuối cùng được một công ty bên Virginia nhận vào làm.
Linh rời Iowa, để lại những mùa đông tuyết lạnh khủng khiếp vào trong ký ức. Kỷ niệm từ Iowa, ngoài mấy tấm hình chụp chung ở campus, là cuốn sổ nhỏ ghi địa chỉ, số điện thoại, email của bạn bè, Yu-ing, John, Tom, Gary, Don... chào tạm biệt tất cả, mong có ngày gặp lại.
Yu-ing trở về Taiwan trở thành giảng viên của trường đại học đúng như kế hoạch, ước mong của ba má nó. Con bé email cho Linh, thuật chuyện chuẩn bị bài giảng như thế nào, chuyện đứng nói chuyện trước sinh viên ra sao. Cô giáo trẻ tốt nghiệp PhD về economics ở Mỹ về bây giờ có khá nhiều người ngấp nghé muốn làm quen. John đã đứng lên được, đi chầm chậm được. Yu-ing hân hoan báo cho Linh trong một email. Mối tình long distance giữa Yu-ing và John sẽ kéo dài bao lâu đây, Linh nhiều lúc tự hỏi.
Rồi John cũng làm xong luận án. Ngày lễ tốt nghiệp, mẹ John bay từ Nevada qua dự lễ. John email cho bạn bè ảnh chụp anh chàng với mẹ trong ngày lễ tốt nghiệp. Trong ảnh, John mặc áo thụng có 3 sọc trên cánh tay, đội cái nón có dây vàng rũ ở 1 bên, một tay cầm tấm bằng tốt nghiệp, một tay choàng qua vai bà mẹ. Phải đợi đến tàn buổi lễ tớ mới đi được đến gần khán đài để chụp tấm hình này, John email cho bạn bè như vậy. Bây giờ thì tớ xài hai cây nạng để di chuyển, bớt dùng xe lăn rồi, John viết. Chỉ nhìn hình, người không biết chuyện không thể nào đoán ra được là anh chàng John đẹp trai, cao lớn đứng trong hình kia là người hầu như không có chân.
John ra trường, kiếm được việc làm trong một cơ quan nhà nước ờ Washington, DC. Anh chàng email cho Linh, thuật là thuê được chỗ nhà ở cách không xa mấy cái bike trails trong DC, thành ra cuối tuần là John lại có dịp đạp xe đạp đi vòng vòng thám hiểm thủ đô. Anh chàng ghi tên gia nhập một nhóm người yêu thích xe đạp ở địa phương, rồi còn gởi tờ báo hàng tháng của nhóm đến cho Linh xem, liệt kê hàng loạt chuyến đi thăm viếng chỗ này chỗkia trong DC do nhóm tổ chức, hỏi Linh có thích tham dự hay không. Nhận được email của John, Linh cũng mừng vì thấy anh chàng nay đã hồi phục đạp xe trở lại được. John email cho Linh, anh chàng khoe bâygiờ tớ cũng đã đi chợ mua sắm rồi dùng xe đạp chở về nhà như ngày xưa vậy. John vẫn thế, Linh nhận xét.
Không phải John vẫn thế, mà anh chàng còn có vẻ nhiệt tình hơn ngày xưa nữa kìa. John còn tham gia vào nhóm Single Volumteers of DC, hết đi dọn rác ở dọc bờ sông Potomac thì đi làm sạch khu cắm trại cho trẻ em nghèo ở Camp Moss Hollow, hết đi chuẩn bị phân loại đồ hộp, thức ăn khô cho mấy homeless shelters thì đi soạn, phân loại sách cũ, quần áo cũ ở mấy cơ quan từ thiện. Những ngày cuối tuần của John càng bận rộn hơn lên theo email John gởi cho Linh, trong khi đó email của Yu-ing Linh nhận được trở thành ngắn hơn, ít thường xuyên hơn so với lúc nó mới về lại Taiwan.
*
Một ngày nọ, Linh nhận được một bức thư khá dày. Thư của Yu-ing.
Linh thân,
Tao đã làm lễ đính hôn với Yang. Chắc mày ngạc nhiên lắm phải không, vì có bao giờ tao nhắc đến Yang đâu. Tao cũng chỉ mới quen Yang có mấy tháng nay thôi.Mày sẽ nói là tao đã suy nghĩ chín chắn chưa khi quyết định như vậy, tao đến bây giờ cũng không biết tao sẽ trả lời như thế nào nữa.
Sau khi tốt nghiệp, tao có qua Mỹ trở lại, bay về Nevada để thăm John. John gặp tao thì mừng lắm, anh chàng kiên quyết mời tao về nhà chứ không chịu để tao ở tại khách sạn. Bà mẹ John đối xử với tao rất lịch sự, nhưng rất lạnh. Suốt thời gian tao ở lại nhà John tính ra tao với bà cụ nói chuyện qua lại chưa đến dăm câu.
John cho tao coi vô số slides anh chàng chụp mấy mùa hè trước, khi còn khỏe mạnh, vô tư rong ruổi đi cắm trại với cái backpack, ban ngày băng rừng lội suối chụp hình cảnh này cảnh kia, buổi tối cắm lều ngồi bên lửa trại ngắm sao trời. Tao nhìn thấy trong mắt John, trên mặt John nỗi luyến tiếc khôn nguôi, Linh ơi.
Không lẽ ngồi nhà coi album hình John chụp phong cảnh hoài, anh chàng ngỏ ý dắt tao ra con đường chính. The Strip, của Las Vegas xem cho biết, John lái xe chở tao ra đó, rồi chống nạng, đưa tao đi thăm chỗ này chỗ kia. Mày biết đó, John cao lắm, trong dòng người lũ lượt đi lại trên phố, John lầm lũi chống nạng đi như trốn chạy trên đường phố, còn tao lúp xúp chạy theo sau. Tao phải công nhận không khí ở nhà John, với bà cụ mẹ John mặt lạnh như tiền, không khí đó ngột ngạt thật. Tại sao John nghĩ là phải đưa tao đi ra phố đông thì tao mới vui, tao không hiểu nỗi. John dắt tao ra xem núi lửa phu ở Mirage, xem cảnh các nàng sirens đánh nhau với cướp biển ở Treasure Islands. xem nước phun theo nhạc ở Bellagio, buổi tối đó trở về nhà anh chành than người mỏi rời rã, rồi bỏ đi ngủ sớm. Tối đó John mệt mỏi chìm trong giấc ngủ, còn tao thì thức trắng hụt hẫng. Tao không thể hình dung được một cuộc đời có John mặt lầm lì đau khổ chống nạng khập khễng ngoài phố, có John ngồi xe lăn và tao phụ đẩy ở phía sau. John què quặt đã đành, nay tình yêu của tao với John cũng què quặt theo rồi sao"
Mất gần hết hai bàn chân, John như cái cây đại thụ mất rễ, một cơn gió nhẹ thoáng qua là cây lung lay sắp đổ. John đã đạp xe đạp được, và đạp nhanh không thua gì lúc chưa gặp tai nạn. Có lẽ đạp xe đạp được là một sinh hoạt John có thể làm không thua, nói đúng ra là hơn vô số người khỏe mạnh còn có cả đôi bàn chân, thành ra anh chàng thích đạp xe đạp vô cùng. John ghét chiếc xe lăn thậmtệ, ghét đôi nạng gỗ thậm tệ. Nhưng đâu phải nơi nào mình cũng đến được, cũng thăm viếng được bằng cách ngồi trên xe đạp đâu kia chứ Linh hả"
Tao trăn trở bao tháng trời cân nhắc giữa chuyện quay trở lại Mỹ tìm việc làm để có dịp ở gần John và chuyện đi dạy ở trường đại học bên Taiwan. Bên tình, bên hiếu. Bố mẹ tao đã dành dụm, chăm lo cho tao bao năm trời để cho tao có được ngày hôm nay, bây giờ lẽ nào tao đành đoạn bỏ ông bà mà đi" Ở Taiwan, bây giờ tao đã trở thành giảng viên của trường đại học, còn qua Mỹ trở lại, không biết tao sẽ kiếm ra việc làm ở đâu nữa, nhất là khi tao không có quốc tịch Mỹ, không có green card. Mày sẽ nói là tao sẽ lấy John, rồi sẽ có green card chứ gì" đâu dễ dàng như vậy đâu Linh. John nói là chàng yêu tao, nhưng đã có bao giờ ngỏ lời cầu hôn đâu kia chứ. Tao với John đã bàn bạc, tranh cãi, giận nhau rồi huề lại không biết bao lần khi nói về chuyện tương lai của hai đứa tao. John chẳng ngỏ lời khi anh ấy còn khoẻ mạnh, bây giờ sau tai nạn anh ấy thu mình lại trong cái vỏ ốc của mình nhiều hơn nữa, có hứa hẹn gì đâu cho tương lai có John và có Yu-ing. Một con số không to tướng. Có lẽ tình yêu thời sinh viên chỉ đẹp khi mình còn đi học mà thôi. Ra trường, tiếp xúc với thực tế, bao nhiêu là đổi thay.
Tao đã quyết định lập gia đình với Yang. Yang làm kỹ sư, buổi tối đang đi học thêm để lấy MBA, bố mẹ tao rất hài lòng. Một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. Một chàng rể cùng màu da, cùng ngôn ngữ. Một ông chồng khỏe mạnh, có đầy đủ hai chân. Vậy là đảm bảo hạnh phúc tương lai không hả Linh"
Tao đã khuyên John quên tao đi. John là người năng động, tháo vát, thế nào anh ấy cũng sẽ tìm ra nhiều cách để dùng thời giờ nhàn rỗi của mình. Ngày đêm tao cầu mong cho John được bình yên, vui, khỏe. Ngày đêm tao cầu mong cho John sẽ tìm được nửa kia hạnh phúc của mình.
Nãy giờ tao viết lan man quá, không đầu không đuôi gì hết, thông cảm nha Linh. Tao sẽ không bao giờ quên những năm tháng học ở Iowa, không bao giờ quên tình baạn của chúng mình đâu. Và tao cũng biết rằng tao sẽ không thể quên John. Vô số điều tao nhớ, nhớ hoài, nhớ khôn nguôi, nhớ mà sẽ chôn chặt vào một góc sâu thẳm của tâm hồn rồi khóa lại, để cho bụi thời gian lấp dần lên, phủ kín. Bởi những kỷ niệm, những hồi ức đó, chúng không có chỗ dùng trong chương mới của cuộc đời Yu-ing.
Linh thân,
Chúc mày nhiều may mắn, vui khỏe, bình an, hạnh phúc.
Chừng nào có thiệp cưới tao sẽ gởi cho mày xem.
Thân .
Yu-ing".

KAREN N. NGUYEN

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,266,736
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến