Hôm nay,  

Chỉ Còn Là Hôm Qua

04/07/200500:00:00(Xem: 318146)
Người viết: VÀNH KHUYÊN
Bài số 778-1357-203-vb6070105

Tác giả là thứ nữ một gia đình H.O., hiện là nhân viên xã hội tại Salem Oregon. Các bài viết về nước Mỹ trước đây của cô thường ngắn gọn, viết như nói. Lần này là một truyện ngắn đầy chất bi kịch về cuộc đời bất hạnh của một người tình xưa, nay trở thành tử tù vì tội giết chồng.

*
Tôi và Trâm đã không còn liên lạc với nhau khá lâu nhưng thật lạ là thần giao cách cảm giữa chúng tôi những ngày còn bên nhau, yêu thương nhau vẫn như vậy.
Một lần tôi mơ thấy em bồng trên tay đứa bé, tôi không nhìn rõ mặt mũi, tôi ngờ ngợ, trong mơ như nửa biết không còn được em yêu, nửa như trách em tại sao đứa bé ấy không phải là con của tôi với em.
Vài tháng sau, qua một người bạn chung của chúng tôi, tôi biết con trai em vừa mới mất, đứa bé chỉ mới gần 5 tháng, em và chồng em thì chỉ mới bên nhau chưa được một năm . Tôi vẫn giận mình vì đã để mất Trâm . Em hiền dịu và dễ thương vô cùng.
Trong đời tôi nghĩ em chỉ có biết thương người và lo cho người khác, quen nhau 3 năm tôi chưa hề nghe em nói một chữ tục nào, chửi mắng ai hay buồn ai chuyện gì hết . Ai nói gì không phải với em, em cũng cười. Ngay cả khi em biết người khác lấy đồ của em, em cũng làm như lỗi em, cho người ta mà đã quên. Trâm như là một thiên thần với tôi. Khi chia tay, tôi vẫn nghĩ dù tôi không phải là người có lỗi nhưng tôi vẫn mong người lên thiên đàng là em. Còn tôi ... đâu cũng được, còn thiết gì nữa khi đời này tôi không còn có em để được bảo bọc em, yêu thương em.
Cách đây mấy hôm tôi lại mơ thấy Trâm trong công viên thật nhiều cây cỏ. Em chạy nhảy với một dáng điệu rất tự do và hạnh phúc. Tôi chưa đoán ra được điều gì.
Chiều nay tôi nhận được một lá thư từ nhà tù phụ nữ của Oregon tại Salem. Tôi có linh cảm lá thư này hẳn có liên quan gì đến em nhưng đó cũng chỉ là linh cảm như bao linh cảm khác sẽ làm tôi cười xoà sau đó nếu chuyện xảy ra không như tôi nghĩ. Trong lá thư có cả một tấm vé khứ hồi tên tôi từ Wichita, Kansas qua Salem Or 2 ngày. Lá thư chỉ đề cập vỏn vẹn tôi cần thu xếp giờ giấc để đến đúng giờ tại chỗ đã ghi để thi hành nghĩa vụ người công dân. Một cảm giác thật bối rối len dần trong tôi rồi lan rộng. Tôi thật không biết phải làm gì
trước, chỉ biết gọi đến người chủ xưởng và xin phép ông cho tôi nghĩ hai ngày ... " Good afternoon Sir, may I ask to take off 2 days to go to woman jail in Salem Oregon " ( chào ông, xin ông cho phép tôi nghỉ hai ngày để đi qua Salem, Oregon tới nhà tù phụ nữ được không ông " ) "
Người boss tôi bên kia đầu dây trở giọng hốt hoảng " What are you talking about, where are you going again please " ( Anh đang nói gì vậy, nói lại tôi nghe lần nữa anh đi đâu xem nào ) ....
Tôi điềm nhiên " To woman jail sir, in Oregon to carry out a citizen 's responsibitity, I don't have a clue what is all about, I had two-way ticket" ( thưa ông tới Oregon, tại nhà tù phụ nữ thi hành nhiệm vụ người công dân, tôi cũng không rành chuyện này, họ gửi tôi vé khứ hồi ông ạ ) ...
Boss tôi ra chừng hiểu chuyện, ông tiếp lời: "Oh, fulfill a dead wish, you have no choice, go. It is paid time, I have no choice too." Rồi ông ngắn gọn "Have a safe trip, man". (Ồ hiểu rồi, coi như hoàn tất điều ước cuối cùng cúa tử tù, anh không đi không được, giờ nghỉ này có luật, anh nghỉ có lương mà, tôi không cho cũng không xong, anh có chuyến đi an toàn nhé)
Tôi thở phào, chẳng hiểu thêm chút gì về cái ông vừa mới nói (hoàn tất điều ước của tử tù ) dead wish, trong tôi không còn là sự bối rối, mà trở thành nỗi lo sợ. Người nào đây, việc gì có liên quan tới tôi. Ngày mai là đi rồi, tôi cũng không buồn gọi người có trách nhiệm gặp tôi tại Oregon trong thư xem chuyện gì sẽ xảy ra, cái gì tới sẽ tới. Thu xếp đồ đạc, tôi cố dỗ mình vào giấc ngủ, nhưng lạ lùng, hình ảnh Trâm cứ vây quanh tôi tươi cười. Tôi cố xua ý nghĩ về em đi, tôi cố cho việc này chẳng liên quan gì đến em để mà mạnh chân bước ...
Chuyến bay của hãng hàng không United đưa tôi đến sân bay chuyển tiếp tại Saint Louis, Missouri, tôi đợi ở đó 2 tiếng trước khi có chuyến bay từ đây tới Portland Oregon, từ đó tôi đi bus xuống Salem và có mặt tại nhà tù phụ nữ đúng 2h chiều như người ta đã hẹn.

*
Cánh cổng sắt từ từ mở ra khi tôi giơ cao tấm thư cho người gác cổng từ cái lầu canh gác trên cao, trời Oregon lúc này đang mùa hè, nắng gắt, nhưng không hiểu sao chân tay và lòng tôi lạnh vô cùng. Tôi trình giấy cho người lính gác đứng gần đấy. Một cú phone vào trong, ông bảo tôi đợi để có người dẫn vào.
Không bao lâu, một người mặc thường phục đi ra, ông tự giới thiệu là người đã gửi lá thư cho tôi và mời tôi vào trong để tiện nói chuyện. Tôi chết lặng sau khi nghe người nhân viên phụ trách nhà tù nói với tôi rõ ràng về mục đích tôi được mời tới đây. Tôi được gặp Trâm theo nguyện ước cuối của em, trước khi người ta thi hành án tử hình Trâm trên ghế điện ngày mai vì tội mưu sát chồng.
Điều Trâm đang ở trong tù là không thể tưởng tượng được với tôi. Điều em giết chồng lại càng vượt quá xa những gì tôi dự đoán. Tôi cố định thần, cấu ngắt mình, cánh tay tôi đỏ au vì bao vết cấu. Đây là đời thực, chẳng phải trong mơ, tôi không thể nào đánh thức mình dậy nữa rồi để tự nói với mình rằng, không, Trâm của tôi, không, ông đã lầm, rồi sau đó tôi sẽ đi tìm em bằng xương bằng thịt, em của một thiên thần ngày nào tôi hằng yêu quý.
*
Bóng người con gái nhỏ nhắn trong bộ áo tù màu xanh tiến lại gần, người gác tù đi ra chậm chạp và đóng cửa lại ý tứ. Tôi dần nhận ra em, tim tôi đau nhói.
Em có ốm đi, thần sắc không như xưa, nhưng lạ lùng tôi đọc được sự bình thản trong ánh mắt của em cho dù biết em hiểu ngày mai cái gì đang chờ đợi.
Tôi bất động lúc em lên tiếng. "Anh Lân, anh khoẻ không, cám ơn anh đã tới đây cho em nhìn lại được con người của em trong anh".
Tôi thật chưa biết trả lời sao vì tôi hiểu em muốn nói gì, tôi trả lời theo phản ứng "Anh có thể làm gì cho em, đây không phải là ngõ cụt chứ em, anh sẽ làm tất cả". Trâm tiếp lời tôi "Đúng ra em có thể chống án vì ngộ sát chứ không phải mưu sát như bị kết án nhưng em không làm, con em không còn, chồng em cũng không còn, em có còn gì trong cuộc đời để mà luyến tiếc nữa anh. Em đã không còn là em trên đời này, em chỉ còn tin em, tìm được em ngày nào trong những giây phút sau cùng gặp anh."
Suốt buổi gặp mặt, tôi không thấy mình muốn khóc, nhưng những giọt nước mắt đã trào ra từ hai khoé mắt tự lúc nào.
Sau cùng, em đưa cho tôi xấp giấy rồi đứng dậy.
Bóng em dần xa khuất, để lại trong tôi một khoảng trống vô tận, khoảng trống khác hẳn với khoảng trống trong tôi ngày nào khi biết em có gia đình. Tôi không còn cảm giác đôi chân mình nằm trên mặt đất, bàn tay nắm chặt xấp giấy từ em đưa ....
Tôi cũng có còn gì ở trên đời này nữa đâu. Mất em lần đầu, cái đau làm tôi mất phương hướng trong cuộc đời, tôi đã nghĩ tôi không còn gì để mất nữa, nhưng không, lần này, tôi mất em thật sự, vĩnh viễn, đi cho đến cuối cuộc đời. Mãi mãi trong tôi sẽ không bao giờ còn hy vọng nhìn lại em một lần nữa với nụ cười trên môi.
Em đi đã lâu, tôi vẫn ngồi bất động. Người lính gác thấy tôi còn ngồi lại lâu quá, bước vào, dìu tôi đứng dậy, ông ngắn gọn, "I believe 7 am tomorrow, Sir" (Tôi nghĩ là 7 giờ sáng mai, thưa ông) rồi chỉ hướng cho tôi tìm lối ra cổng . Trong tay tôi là xấp giấy của em và giấy phép vào cổng cho ngày mai mà người phụ trách đã đưa trước khi gặp em.
Tôi trở về nhà trọ chiều hôm ấy trong trạng thái tinh thần hỗn loạn vô cùng.
Tôi nằm cho đến tối. Tay tôi vẫn cầm sấp giấy Trâm đưa. Tôi biết trong đó là bao câu trả lời cho những thắc mắc của tôi về cái kết cuộc ngày hôm nay của em. Nhưng thắc mắc mà làm gì, trả lời làm gì. Điều đó có nghĩa gì đâu, khi mai em cũng không còn trên cõi đời này.
Đã bao năm tháng qua, từ khi mất em, tôi vẫn thấy biết bao ý nghĩa khi nghĩ là vẫn có em trong cuộc đời này, dù không phải ngay bên cạnh tôi.Vậy mà... Tôi dán mắt lên trần, nhìn vào những mảnh vôi trắng trên tường làm nên những vòng tròn không đều nhau. Tôi liên tưởng đến một sợi dây thòng lọng như thả xuống chỗ tôi đang nằm. Tôi không muốn chia tay với em ngày mai.
Tôi quyết định gọi cho người phụ trách và báo ông biết tôi sẽ không có mặt vào giờ hành quyết. Tôi thông báo ngắn gọn, chưa kịp để ông trả lời đã bỏ phone xuống. Tôi không thể nghe thêm gì nữa.
Cứ để cho tôi nghĩ em còn đâu đó trong cuộc đời. Cứ để cho tôi tin tôi vẫn sẽ còn nghe về em, những niềm vui em có từ bạn bè chung của hai đứa.
Không, em chưa ra đi, ít nhất là trong tự tận đáy lòng tôi, trong những giấc mơ tôi còn tiếp tục mơ.
Để coi, em đã viết những gì"

Mùa Đông 1996
Tôi sinh con thiếu tháng trong lúc chồng tôi đi Cali thăm ba mẹ chồng tôi mới từ VN qua. Tôi đã bảo anh đừng đi vì cái thai mới 6 tháng mà to quá. Tôi đi đứng không nổi nữa. Chiều đi làm về là tôi nằm miết chẳng buồn ăn cơm, mà cũng đã ai nấu đâu mà ăn. Anh dằn mặt tôi, "Em không cho anh đi Ba Má anh có chuyện gì anh hận em suốt đời". Tôi buồn lắm. Anh có nói được vậy nếu tôi có chuyện gì không, anh có hận ba má anh đã kêu anh qua mà không hề biết tôi mới chính là người anh cần giúp trong lúc này hay không... Tôi cũng không muốn anh đi vì tôi biết trước ở Cali anh có sống chung với một người, hai người đã thôi nhau nhưng bà ấy vẫn mon men tìm đến anh, tôi thật không thấy yên tâm, biết tin ai đây ... Quen nhau 5 tháng, mới cưới nhau 4 tháng tôi đã mang thai 6 tháng rồi, tôi có hiểu gì về anh đâu. ..
Mùa Xuân 1997
Con trở bịnh nặng. Mỗi ngày về nhà, dù vô đạo, nhưng tối đến tôi vẫn chắp tay cầu cho mọi may mắn đến với con.
Anh đạo Phật, rất sùng đạo, bắt tôi đi chùa cầu thêm, tôi không đi, tôi thấy thời gian đến chùa, tôi thà ở bên con, chăm sóc cho nó, tôi không nghĩ việc đến chùa làm con tôi khỏi bệnh.
Anh giận tôi, bảo tôi không đi chùa sẽ không lên thăm con nữa ... Tôi lo cho con, vừa bất bình với anh, tôi cãi với anh một trận, tôi mong anh đừng nói với tôi những điều vô lý như vậy, đứa con là chỗ tôi quan tâm, đừng bắt tôi đi chùa.

Cuôi Xuân 1997
Con hấp hối, mấy tuần rồi, bác sĩ và y tá cố gắng chuẩn bị tinh thần của tôi và anh, nhưng chúng tôi vẫn mong đợi một sự diệu kỳ nào đó giúp con còn mãi với chúng tôi. Thuốc men đã làm gan con hư, gan của con to ra chèn hết các bộ phận khác trong cơ thể bé nhỏ của nó, máy thở giúp con hơn 5 tháng nay, nay cũng bất lực. Con thở nặng nhọc hơn. Người ta khuyên chúng tôi nên chích thuốc cho con đi sớm hơn vì khi đến đoạn cuối, như kinh nghiệm có được trong các trường hợp trước, đứa bé bể bụng , xuất huyết, một cảnh tượng khủng khiếp cha mẹ khó có thể chịu đựng được.
Tôi vô hồn, đâu biết phải làm sao. Tôi thương con, muốn chịu đựng cho nó, muốn trăm ngàn mũi kim đâm vào mình để giảm bớt cái đau của con mà có được đâu. Còn anh anh không chịu. Vẫn là ý tưởng của người tin vào nghiệp luân hồi, con phải chịu đau cho đến chết, chúng tôi phải chịu nhìn con khắc khoải vì nếu cho con đi sớm hơn, con chưa trả hết nợ đời kiếp này, con sẽ còn khổ kiếp khác.
Con mới sinh ra mà, đã tội lỗi gì đâu, còn tôi một cô gái mới lớn hiền hoà và chân thật, thiết nghĩ tôi cũng chẳng làm gì nên tội để bị trừng phạt. Trời đất còn công bằng hay không ... Tôi muốn hét lên. Tôi trách mình, tôi trách mình dữ lắm đã không hiểu anh nhiều hơn trước khi lấy anh, giờ thì phải theo những điều anh nghĩ.
Mấy người y tá khóc với tôi, họ thương cho tôi và anh, họ cũng không hiểu vì sao tôi với anh lại nỡ nhìn con đau đớn vậy ... Tôi chỉ ngắn gọn. "I am sorry Maam, that is Budhist theory, I don't understand either" (Bà tha lỗi cho, đó là triết lý đạo Phật, tôi cũng không hiểu bà ạ).
Sau khi chắc chắn con chết, người ta cho phép tôi và anh tắm cho con như mọi lần tới thăm. Tôi xin họ cho tôi ẳm con ra ngoài bịnh viện, đi dọc hành lang, với con trên tay, không dây điện, không máy thở. Được ôm con sát vào lòng, cho tôi hưởng cái hạnh phúc mẹ bồng con lần đầu tiên trong vòng tay dù biết người ta sẽ gọi và lấy con đi trong giây lát, dù biết cái hạnh phúc tôi đang có với con đây là ngắn ngủi, tôi vẫn ao ước nhận được với tất cả tấm lòng của mình ... Con ơi ... Tôi không hề rơi một giọt nước mắt nào. Tôi quấn con trong khăn, đội mũ cho nó và để nó lên ngực mình vỗ vỗ nhẹ vào lưng nó như đang ru nó ngủ. Tôi nhìn anh không thần sắc. Anh nhìn tôi đau đớn, những người y tá, bác sĩ đến chia buồn đau xót tiếc rẻ họ bất lực trước bịnh tật của con ...
Tôi muốn kéo dài giây phút này mãi, nhưng cái gì rồi cũng đến lúc, họ ra lệnh đưa lại con cho họ đi khám nghiệm cause of death (lý do của cái chết), tôi lưu luyến. Con lạnh dần, hơi ấm từ tôi truyền qua không đủ, tay chân con cứng hết, tôi hiểu con không còn là của mình nữa. Anh dặn tôi đừng khóc, con nghe thấy sẽ luyến tiếc, không kịp đi lên cõi trên, tôi không sao hiểu được, đứa con đầu lòng, bao yêu thương, trìu mến, con mất, tôi không được khóc là sao, tôi bắt đầu thấy tôi và anh thật khác, cái khác đó chính chẳng phải là nam, nữ, chẳng phải là vị trí khác nhau, một bên là cha, một bên là mẹ, mà là từ sự khác biết sâu xa nào đó không bao giờ tôi có thể hiểu nổi.

OoO

Đêm đó, tôi thiếp đi lúc nào không biết. Một cái nhói thật mạnh như có điện qua tim làm tôi choàng tỉnh.
Hai mí mắt tôi cố gắng hơn mọi ngày mà vẫn không sao mở lớn hơn được vì đã sưng to.
Tôi nhìn đồng hồ, đã 7h15, cái gì tới đã tới... Tôi chậm chạp bước lê ra khỏi giường, chuẩn bị đến phi trường để kịp chuyến bay 12h trưa hôm ấy ... về lại Kansas.
Kỳ tới: Chuyện ở Sở Làm
Chiếc xe bus từ Salem đúng hẹn, đưa tôi qua các thành phố rải rác dọc theo Hwỵ 5. Phố phường nhộn nhịp, đông đúc hai bên. Tôi vẫn nghĩ em đâu đó vui sống và cuộc hành trình này của tôi chỉ là để tìm về cho mình một kỷ niệm ... Có dễ dàng như vậy không"
Sấp giấy em đưa vẫn trong tay tôi...
*
Đầu hè 97
Tôi trở về sở làm hai ngày sau khi con mất. Tôi biết mình không còn đầu óc vào sở, nhưng biết đi đâu bây giờ.
Thức dậy mỗi sáng biết mình không còn là mình, không còn có con, thật là ác mộng. Tôi làm việc cho văn phòng xã hội này được 5 năm. Trong thời gian đó tổ tôi đổi tới 10 người boss. Cô đang là boss của tôi, trước đây là đồng nghiệp, mới lên boss nhờ cô xông xáo trong các công tác liên mạng lên kế hoạch giúp đỡ dân tỵ nạn mới đến ồ ạt vào nữa thập niên đầu của năm 90.
Năm ấy, Oregon bị chính phủ liên bang lên danh sách kiểm tra khá chặt chẽ vì xác suất lỗi foodstamp lên cao hơn mức quy định hai năm liền.
Trước dây tự tôi có thể quyết dịnh trong vòng một ngày, nay từ tôi còn phải lên hai người cao hơn nữa, từ đó dân mới nhận dược trợ cấp. Phone gọi tới nhiều hơn, tôi kiên nhẫn giải thích cho họ, nhưng dù thật cần hay chưa cần, tôi hiểu người dân, đã quen nhận trợ cấp nhanh chóng, nay tôi có nói lý do gì chăng nữa, họ cũng tức tối và nói nặng tôi vô cùng và cho tôi cố ý đình trệ. Trong trường hợp này, tôi quyết định không mềm mỏng nữa vì đã nghe quá nhiều tiếng chửi tục. Tôi cứng rắn lại, cái giọng English nặng accent của tôi như chọc giận khách hàng thêm trong cái lý do tôi trình bày hay sao mà một ngày...
"Tram, you have had a lots of complains lately, you yourself need to reduce them, if not I need to take action on you" (Trâm, hiện đang có nhiều phàn nàn về cách làm việc của chị, tự chị phải giảm con số đó xuống, nếu không chúng tôi sẽ có biện pháp).
Tôi mở mắt lớn nhìn cô Boss trẻ, phân trần "What kind of complain" Are you sure that was not complain about what have been written on our policy" ( Phàn nàn kiểu nào, chị có chắc đó là những phàn nàn mà luật đã không cho phép tôi làm không").
Cô ta thản nhiên nhìn tôi tiếp lời "They said you were rude, and you need to change" (Họ bảo chị cộc cằn, chị phải chỉnh lại thôi).
Tôi bắt đầu nổi sùng "Absurd, they can say whatever they think, I just stay firm, I cannot do differently to keep my work running correctly and satisfying right away their demands (Vô lý, họ có quyền nói những gì họ nghĩ, tôi chỉ cứng rắn, tôi không thể làm cách nào khác để vừa thi hành đúng công vụ và thỏa mãn hết các yêu cầu cúa họ được).
Cô ta kết thúc với tôi "You have time to do better, " (chị có thời gian làm tốt hơn, tôi tin như vậy).
Tôi tức tối bước ra khỏi văn phòng người boss. Lần đầu tiên trong 5 năm làm việc tôi bị chỉ trích về phong cách làm việc.
Tôi có cách làm việc riêng của mình, tôi được trả lương để làm việc đúng và chính xác chứ có được trả lương để dịu ngọt với những lời miệt thị của khách hàng đâu ... Ý họ muốn gì đây ... Cái đầu tôi đã trống, nay nặng những suy nghĩ, tôi bắt đầu thấy con đường trước mặt mình nhỏ hẹp lại, tôi đã đi theo phản ứng nhất thời của mình. Tôi vẫn tin mình đúng ..
OoO
Tôi buông sấp giấy xuống trầm ngâm, tôi không ngờ trong cuộc đời, những vô lý lại có thể đổ dồn vào một con người không lựa lúc như đã đổ vào Trâm vậy ... Tôi không còn nước mắt, mắt vẫn mở to, vạn vật vẫn trước mặt, nhưng tôi có cảm giác như mình đã từng mù và đang mù ....

Giữa Hè 97
Tôi và anh đi làm chung một thành phố. Thành phố chúng tôi làm việc cách thành phố chúng tôi đang sống một tiếng lái xẹ Hai người như hai thế giới riêng biệt. Có ngày trên đường chúng tôi toàn cãi nhau ... Tôi hét và la như con khùng. Tôi có cảm giác trên đời này không có còn ai hiểu được mình nữa. Anh cũng chẳng buồn nói, thái độ của anh cho tôi cái cảm giác sợ hãi lắm, sợ anh bỏ đi, sợ anh chẳng còn yêu tôi, hay sợ anh đang nghĩ tới một bóng dáng nào khác, sợ anh khinh miệt tôi không đủ bản lĩnh sinh một đứa con khoẻ mạnh và bình thường. ..
Ôi biết bao là nỗi sợ. Mỗi đêm về nhà, tôi và anh cũng sống trong yên lặng, nằm chung một giường mà như cách cả một đại dương. Anh không với được tôi, tôi cũng không với được anh. Hai người như đang tự đào huyệt chôn mình xuống hay cái buồn bã từ nỗi mất con đã làm chúng tôi tê tái, điên dại mất cả tinh thần như thế này.


Tôi chán ghét tất cả. Chán sở làm, chán cuộc sống của mình, biết đi đâu đây... Nhiều lần tôi tính đưa dao lên đâm vào bụng mình rồi trốn vào một góc nhà, chết đi, nhưng cảm giác sợ đau, cảm giác chưa chết mà còn bị coi thường vì nhu nhược quá đã ngăn tôi lại... Rồi được cứu sống, rồi lại tiếp tục đau khổ, chi bằng cứ mở mắt ra xem tới đâu ...
Cuối hè 97
Người Boss gọi tôi lên lần nữa, báo cho tôi biết những cú phone phàn nàn về tôi vẫn tiếp tục và có chiều hướng đi lên. Tôi có nói với họ đừng tính một khách hàng cho nhiều lần gọi, tôi vẫn đang làm việc của tôi một cách trung thực và đầy trách nhiệm. Cô báo là tôi sẽ bị đặt máy nghe trong các cú phone gọi tới, người ta sẽ theo dõi để có bằng chứng thật sự tôi có thô lỗ với khách hàng hay không...
Trời đất như sụp đổ trước mặt tôi. Tôi như đang bị lên đoạn đầu đàịi. Tôi từng có bằng khen về đạo đức và tinh thần làm việc có trách nhiệm, ngày qua ngày, tôi chỉ thấy mình đi lên, vậy mà những người mới này vì lý do gì muốn đẩy tôi xuống vực đây!
Họ còn khuyên tôi nên đi counseling, tôi nói, tôi không cần và chuyện bị phàn nàn nguyên nhân là từ chính sách FS thay đổi không phải từ tôi, một điều nữa, hễ mà tôi đang làm việc với khách, không bắt được phone, tổng đài họ chuyển ngay cho boss của tôi khi không cần thiết, boss tôi nói chuyện với họ hứa hẹn bao nhiêu là viễn ảnh tươi đẹp, trong khi đó tôi là người giữ hồ sơ, tôi biết rõ cái gì họ được, cái gì không hơn là nói suông về chính sách như boss tôi từng nói, ai mà làm không được.
Từ đó tôi hiểu ra tại sao mình lâm vào tình trạng nàỵ Sự làm việc không đúng cách đã đẩy tôi đến ngõ cụt hôm nay, và tôi phải tự cứu mình...
Tôi kiện sự việc này lên văn phòng Discrimination, cho rằng cấp trên đã đối xử không công bằng với tôi, ít nhất lúc đó tôi đã tin, tôi đang tự tìm cho mình một lối thoát, một niềm tin, hay nói đúng hơn tôi đi tìm cho mình một lẽ phải... một sự công bằng mà tôi không định được có tồn tại trong cái xã hội này hay không nữa...
Tôi sẽ đi về đâu."

Vu Lan 97
Anh rủ tôi đi chùa trong ngày Vu Lan, cả tôi và anh đều còn me.
Từ nhỏ đến lớn theo bạn bè đi khắp nơi, chùa cũng có, nhưng không hiểu sao tôi chưa từng thích cái cảm giác đến chùa. Hình của con trong số những người đã mất trên kệ, tôi biết ơn chùa cho con một chỗ nhỏ đó, dù tro của con tôi đang giữ ở nhà như là bản thân và tinh thần của nó bao giờ cũng sống trong lòng tôi.
Tôi có rất nhiều mâu thuẫn với anh, và không muốn có thêm một mâu thuẫn nhỏ nào nữa, tôi theo anh đến chùa ngày lễ này.
Anh và tôi thắp nhang, tôi cầu nguyện cho những gì an lành, anh cầu gì mà rất lâu, và xá Phật rất là thiện nghê. Tôi chỉ còn tấm lòng, một tấm lòng của một người mẹ đang tan nát, một tấm lòng của một người vợ đang lung lay, không hiểu chồng mình đang muốn gì và nghĩ gì. Anh phúng rất nhiều tiền cho chùa, với tôi, tôi không cho tiền bạc là mua lại được sự bình yên và hạnh phúc, chùa cũng cần phải trả những chi phí hằng ngày, và để có chỗ đến chúng tôi góp chung vậy thôi, tôi nghĩ thực tế vậy.
Sau phần làm lễ, mỗi người được cài một cái hoa, họ nói các bông hoa này là do Phật tử trong chùa làm, ủng hộ cho họ một đồng khi họ cài, tôi nhìn kỹ những bông hoa đó, rất giống hoa ở tiệm mà tôi đã thấy, vì những bông hoa được gấp rất tài tình không phải là nghiệp dư. Tôi vô tình nói với anh nhận xét này. Anh quắc mắt nhìn tôi, như là xa lạ lắm, như là cái thứ chỉ biết đi nói xấu người khác, cho dù tôi nói thật cái mình nghĩ. Anh nói nặng tôi lắm, tôi không có còn nhớ là những chữ gì, nhưng tôi có cảm giác anh đang sống với một người khác hay sao chứ không phải với tôi, anh chưa bao giờ chấp nhận những phản ứng của tôi. Nếu biết anh bực có lẽ tôi cố kềm không nói, nhưng bản tính con người tôi từ đó đến giờ rồi...
Tan lễ, các Phật tử mang rất nhiều thức ăn chay trưa tự họ làm lấy. Thấy tôi không ăn, anh dụ tôi rất trẻ con, "Ăn đi, mình không mang đồ ăn nhưng mình có góp tiền mà". Tôi nhìn anh lạnh lùng "Em không thích đồ chay. Anh muốn ăn cứ ăn em đợi" ....
Tôi đã lạnh lùng, thêm lạnh lùng. Tôi thấy đâu cần phải quên hẳn mình là ai, phải thay đổi cả suy nghĩ và con người của mình...
Chuyện sở và chuyện gia đình, những mâu thuẫn, tôi vẫn nghĩ mình còn sáng suốt để ứng phó. Nhưng không...
*

Từ nhỏ đến lớn, tôi vẫn tin đạo thay đổi con người tốt hơn, nhưng sau này tôi nhận ra thật không phải vậy.
Gia đình tôi rất sùng đạo, cha mẹ tôi mang chúng tôi đến nhà thờ mỗi tuần và xem đó như là một nghĩa vụ và đã tập cho chúng tôi hiểu đó là một nghĩa vụ.
Từ khi quen Trâm, em không thích theo tôi đến nhà thơ,ø sau một vài lần, em có mạnh đạn nói với tôi, em không thích cái không khí ở đó. Tôi thì đi nhà thờ theo thói quen hơn là có mục đích. Sau đó, tôi có bỏ nhà thờ một thời gian, để lo cho việc học của chính mình và giúp đỡ Trâm trong một số việc dù em không nhờ.
Những người quen từ nhà thờ đồn đại lung tung là tôi mê gái bỏ đạọ. au này Trâm xa tôi, họ một lần nữa lại xuyên tạc vì tôi bỏ đạo nên mới bị trừng phạt như vậy...
Tất cả và tất cả không phải từ đạo mà ra, tất cả đều do cái đầu bịnh hoạn của con người, suy nghĩ theo ý kiến riêng của họ để trừng phạt đồng loại của mình.
Tôi không đến nhà thờ thường xuyên nữa nhưng niềm tin vẫn luôn có ở trong lòng tôi. Từ đó tôi hiểu Trâm, có lẽ em không muốn tách tôi ra khỏi cái cộng đồng tôi đã gắn bó từ hồi còn quá trẻ.
Xấp giấy còn quá dày trên tay tôi, tôi mơ hồ hình dung được những gì có thể xảy ra tiếp theo. Tôi thả bộ theo hành lang của phi trường chuyển tiếp tại Missouri, đã quá trưa, tôi không thấy khát và đói, đôi chân cứ bước, không tự hỏi mình đang đi đâu, thấy cái ghế trống trước mặt, tôi nghe toàn thân mình gieo nặng nề xuống ...

Đầu Thu 97
Chiến tranh lạnh vẫn tồn tại giữa tôi và anh. Đã hơn 5 tháng, chúng tôi không có sự gần gũi nào, chỉ mâu thuẫn là mâu thuẫn.
Cả anh và tôi đều không gặp may trong sở, câu chuyện trao đổi giữa chúng tôi trên đường đi làm là những bực dọc từ sở, chúng tôi trao đổi và đổ thêm sự bực dọc cho nhau. Tôi chợt thấy phai đi cảm giác là một người vợ của anh.
Mỗi sáng thả tôi xuống trước cửa sở làm, anh và tôi không còn trao nhau nụ hôn tạm biệt như trước kia.
Mỗi chiều trên đường đi hay về nhà, tôi cố gắng quên đi chuyện bị trù dập ở trong sở để có thể gợi những thân ái từ anh, nhưng anh cứ như một tảng đá, anh phải tập trung lái xe hay không quan tâm đến điều tôi nói"
Tôi lúc đó như mù mà, có còn suy nghĩ được nữa đâu. Một ngày, để kiểm tra sự quan tâm của anh, cũng là để tránh những cú phone đầy tiếng chửi thề trong sở từ khách hàng tôi biết mình đã quá tải, tôi cáo bịnh ở nhà. Trong lòng chờ đợi một cú phone từ anh về nhà hỏi tôi đỡ chưa mà thấy đâu. Từ cái lo lắng, từ cái sợ hãi mất mát gì đó, tôi đã tự bù đắp cho mình bằng cách nhớ lại những vuốt ve, âu yếm đã có trong những cuộc tình trước, khi tôi đã từng được yêu thương.
Tôi thấy mình chưa bao giờ tôi tệ thế này. Tôi bị bỏ rơi, không phải từ người tình mà là từ người chồng, một điều tôi không thể chấp nhận được. Tôi còn thấy thật khó chịu khi thấy như mình đang ngoại tình trong tư tưởng, ôi trời ơi, tôi không còn là mình nữa.
Chiều đó anh về nhà, anh mang theo những trái cà chua, tôi hỏi của ai, anh nói của đồng nghiệp cho, tôi gặng hỏi thật kỹ từ người nào, anh nói từ một đồng nghiệp nữ, tôi nghe khó chịu sẳn có lan đần.
Anh tiếp lời "Anh nghĩ em nên đổi về gần nhà làm cho đỡ mệt"...
Tôi càng tức, chưa rõ ất giáp ra sao, và không biết từ lúc nào, tôi văng tục bất ngờ "Mẹ nó, muốn tui về gần làm có thời gian mèo chuột hả""
Anh quắc mắt nhìn tôi, cầm lấy ly nước trên bàn và bỏ ra ngoài hút thuốc thật lâu. Tôi vừa sợ, vừa ngạc nhiên về mình, nhưng thú thật khi tôi văng tục những uất ức, những khát vọng, những tức tối theo đó mà ra hết, tôi thấy đỡ lắm. Tôi biết mình sai, và như đang chờ đợi cuộc nói chuyện tay đôivới anh. Khi anh bước vào, có lẽ thuốc lá đã làm anh bình tĩnh hơn, tôi cố gây chuyện... "Mẹ nó, không còn thương tôi thì ly đị đi, đừng có bày chuyện làm khổ con này...".
Anh vẫn bình thản. Cái bình thản đến dễ sợ. Vẻ bình thản dửng dưng của anh làm tôi càng phát điên. Tôi thấy mình như con chó bị đẩy vào ngõ cụt, bây giờ đường cùng gặp ai cắn đó, không phân biệt người đó là người thân hay lạ nữa ... Tôi đã điên ....
*
Tôi gục đầu xuống cái xách tay trên bụng, tôi buông xấp giấy xuống mà tê tái cả lòng ... Trâm ơi....
Chuyến bay từ Misouri về lại Kansas chưa đầy một tiếng. Tôi là người khách cuối cùng ra khỏi máy bay sau khi được người tiếp viên nhẹ nhàng đánh thức dậy... Như mọi lần du lịch khác thì tôi bước vội ra ngoài, đón xe hăm hở về nhà, giặt giũ và mau chóng trở lại nếp sinh hoạt thường ngày của mình... Còn hôm nay, tôi bần thần, hoàn toàn không hiểu mình đang muốn gì, đi về đâu, đôi chân không buồn bước, nếu ngồi lại đây tôi tự hiểu không biết tôi có tự nâng mình dậy được hay không.
Tự nhiên tôi có cái cảm giác thà chết đi còn sướng hơn là trong cái tìng trạng này. Đọc cho hết sấp giấy, hiểu cho hết ngọn nguồn tôi cũng đâu có thay đổi được gì. Trâm đã xa rồi. Xa lắm rồi. Những đau đớn, điên dại mà Trâm đã chịu, người đời còn ở lại có thể học được để tránh cho nhau không ....
Vậy mà rồi tôi vẫn phải đọc tiếp...

Giữa Thu 97
Một nhân viên nữ da đen từ văn phòng Discimination thuộc Human Resource Department xuống gặp tôi. Người đồng nghiệp thân cận nhất của tôi nhận ra bà này vốn là khách hàng của cô ta 6 tháng về trước. Bà ta sau đó có gọi người đồng nghiệp của tôi, nhờ cô ta đóng hồ sơ vì đã có job. Bà có bằng Master nhưng vừa ly dị chồng, không có nơi nương tựa nên nhờ vào văn phòng xã hội một thời gian.
Tôi gặp bà ta trong giờ làm việc, bà ta hỏi tôi nhiều câu hỏi, tôi trả lời hết mà câu nào bà ta cũng hỏi lại rất là quái dị. Trong đầu tôi vang vọng những lời bình phẩm về bà này rất tệ, không phải tôi coi thường bà vốn là khách hàng của sở xã hội mà thực tình tôi thấy bà kỳ dị.
Ngoài việc phỏng vấn tôi bà cho tôi chọn 2 người đồng nghiệp thân cận nhất để phỏng vấn cùng những người có liên đới chịu trách nhiệm trong việc chuyển phone tới tôi. Cả 3 người boss, bao gồm hai người boss không trực tiếp khác cũng được phỏng vấn.
Vài tuần sau, tôi nhận giấy trả lời, trong đó có 3 phần, phần đầu xét duyệt và nhận định thái độ làm việc của tôi trong 5 năm qua, attendance good (đi làm đều đặn), quality excellent (chất lượng công việc xuất sắc), xác suất lỗi của riêng tôi trong những năm qua đều dưới mức quy định. Phần hai, những đoạn phỏng vấn với boss và đồng nghiệp tôi, bà ta ghi quote những dòng trả lời, ai cũng nghĩ là tôi không có thô lỗ, vì bản tính tôi không phải như vậy, nhưng họ nói clients có nói với họ tôi nói tiếng Anh họ không hiểu. Tôi nghe trong mình muốn chửi thề lung tung. Rõ ràng đang bị complain là thô lỗ, bây giờ thấy tôi không phải là Armerican, họ chơi qua tiếng Anh.
Sang phần ba, bà này đề nghị tôi phải học thêm tiếng Anh.
Tôi đồng ý tiếng Anh mới 6 năm ở Mỹ của tôi không thể bằng người sinh đẻ tại Mỹ., nhưng lúc đó tôi cũng đã có bằng BA về Communications và Linguistics. Thực sự, tôi thấy mình nói chuyện còn rõ ràng hơn bao nhiêu đứa trong văn phòng, không lý lẽ, chỉ biết nịnh bợ boss để thăng tiến... Như thế này thì quá lắm rồi. Tôi email cho thằng đầu sỏ của Department và đòi gặp nó liền để tố cáo nhân viên của nó trực tiếp kỳ thị màu da ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi...
Chắc đã được thông báo, nó cho tôi gặp ngay tuần sau... Tôi đã chờ như hạn chờ mưa, mong sẽ gỡ được cái uất ức của mình... Tôi có ngờ đâu tụi nó phải bảo vệ nhau... và tôi... như đang lún sâu vào huyệt đào và chôn mình xuống...
*
Trời đang dần tối, tôi nặng nề bước ra khỏi phi trường, trời lất phất mưa tôi bỏ sấp giấy vào vali, lòng tôi nặng như đá, em ơi ...

Cuối Thu 97
Tôi như con rắn bị chặt đuôi, đau đớn và xót xa cho mình. Dù vậy, tôi vẫn còn đủ sáng suốt hiểu rằng mình phải tự soạn lấy cho mình những điều phải nói khi đi gặp thằng Boss bự là Director của cả Department of Human Resources của Oregon.
Soạn đề tài nói chưa đủ, tôi còn đứng trước gương tập cho mình nói những điều đó thật mạnh dạn và thẳng thắn. Đại khái là "Sir, even The President of the United States, I do not think he can say he cannot understand me. It isn't hearing, it is listening and trying to understand each other. Your staff discriminates my race, my language, I ask for justice. I am a devoted worker, and I didn't deserve her comments, it was so cruel for an employee like me..."
(Thưa ông, ngay cả tống thống Mỹ cũng không có quyền nói tôi nói ông ta không hiểu. Có gì đâu, đó là lắng nghe, chả phải nghe qua rồi thôi, nghe xong bỏ ngoài tai không hiểu đúng rồi, người làm việc cho ông đã kỳ thị chủng tộc, tiếng nói và tôi đã đòi hỏi công lý. Tôi đã và đang từng là một nhân viên tận tụy, những lời bà ta viết trong bản báo cáo quá là nhẫn tâm đối với một nhân viên như tôi).
Tôi háo hức chờ ngày gặp thằng cha đó. Nhưng hỡi ơi, ngày gặp hắn, hắn còn xác nhận đúng là tôi nói hắn không hiểu, hắn còn nói hắn đã check từ boss trên tới boss dưới và mọi người làm đúng, tôi phải tự chỉnh mình. Hắn còn khen vuốt đuôi tôi là tôi nói năng rất lịch sự, để rồi vẫn chấp nhận staff của hắn đúng. Hắn làm cho tôi thấy nhục vô cùng. Tôi thấy mình nhỏ đi nhiều lắm. Chưa bao giờ tôi nhỏ như vậy... Tôi nghe trời đất sụp đổ, tôi nghe trong mình niềm tin và ý chí rạn nứt...
Tôi về thẳng nhà, chẳng thiết gì về lại sở tiếp tục làm việc ngày hôm ấy.
Tối đó tôi về nhà nằm suốt ngày, chẳng ăn, chẳng uống, anh về lúc nào tôi không hay. Cơm nước chẳng có, anh cũng không buồn lay tôi dậy.
Trời tối dần, tôi mở mắt đã quá 9h đêm. Tôi gọi anh dậy, tính hỏi anh ăn gì, anh chả buồn nói với tôi tiếng nào, lặng lẽ nhắm mắt quay qua bên khác. Tôi thấy thật cô độc. Tôi chỉ còn có anh để chia xẻ, tôi lại thua một lần nữa, trong trường đời và trường tình. Tôi lay anh và gợi chuyện, tôi kể anh nghe chuyện xảy ra hồi sáng, anh bực dọc quay đi, buông một câu nói vô tội vạ "Anh đã nói với em coi mình là con số không đi, sao em cứ coi mình cao lắm để rồi té như vầy..., tụi nó đánh vào con số không tụi nó thua, còn em... anh nói em bao nhiêu lần rồi...”
"Nước mắt tôi tự nhiên ào chảy, tôi bị hạ nhục ngoài đường, về còn bị anh mắng, tôi không tin tất cả là tại tôi...
Tôi nghe trong mình có tiếng van lơn chua xót "Không anh ơi, em không thể coi mình con số không, từ một cô gái nhu nhược nghèo nàn, hiền từ, em cố gắng lắm trong 6 năm vừa qua, vừa đi học vừa đi làm, rèn luyện con người mình từng giây, từng phút để có được vị trí và lòng tự hào em đang có hôm nay. Không ai có quyền chà đạp lên niềm hãnh diện đó của em..."
Nghĩ thì vậy, nhưng bề ngoài tôi lại hùng hổ như một con thú, tôi hét "Còn binh thằng cha đó hả, thiệt đời này hết công lý rồi mà".
La hét xong, hình như tôi thấy mình không còn là mình. Trước mặt cũng không còn phải là chồng tôi nữa, tôi như chỉ thấy anh là cản lực trong đời để tôi được là tôi... Tôi lồng lộn chạy ra bếp lấy con dao, hét to, "còn nói như vậy nữa con này đâm dao chết liền tại chỗ bây giờ " ...
Thời gian này, tôi có nhiều căng thẳng quá, tôi bị rong kinh suốt mấùy tháng liền. Ngay lúc ấy, máu chảy ròng từ cửa mình tôi ra thảm, tôi rên như thú bị trúng đạn.
Anh chẳng thèm nhìn lúc tôi hét, chắc là vì đói, vì mệt, nhưng tôi không chịu nổi sự hời hợt đó... Tôi đem con dao lại gần anh, cố cho anh biết tôi đang cầm dao, anh vẫn không quay lại... Tôi hết cách, giơ cao, cắm phập con dao vào cạnh chỗ anh đang nằm. Tôi đâu có ngờ đúng lúc ấy anh quay phắt lại. Khi nghe tiếng vút của con dao từ cao đưa xuống, tôi rút tay không kịp nữa. Con dao cắm phập vào lồng ngực của anh, tôi thất kinh, máu theo đường con dao rút ra vọt lên cao. Tôi ngã quy xuống cạnh giường...
Tôi không còn nhớ sau đó ra sao, chỉ biết khi tỉnh lại, tôi hỏi anh đâu, người ta cho biết anh đang hấp hối trong bịnh viện. Còn tôi song sắt chắn ngoài cho tôi biết tôi đang bị giam trong nhà tù của county. Mắt tôi vẫn mở, tôi muốn đòi gặp anh nhưng có lẽ muộn rồi, tôi đã không còn là tôi nữa...
*
Là đàn ông, vừa đọc tới đây, tôi nhận ra những mảnh giấy còn lại trên tay đã nhàu nát, tôi nghe tiếng mình rưng rức trong căn phòng vắng...
Tập giấy còn dày, nhưng chỉ một trang là còn ít dòng chữ ...

Hè 2001
Tôi có ý định gửi anh Lân giữ những mảnh giấy này, như cái gì tôi còn lại được trong cuộc đời, một kỷ niệm, một vóc dáng của một con người theo đúng nghĩa của nó.
Anh Lân, em thật cám ơn thời gian anh đã nâng niu và chăm sóc em, cho em hiểu cuộc đời dù khó khăn đến đâu cũng đáng sống lắm. Em đã mang theo niềm tin đó đi vào đời đến cuối đường...
Khi anh đọc những dòng này, tất cả chỉ còn là ngày hôm qua... Cầu mong anh ở lại bình an và hạnh phúc.
*
Vâng, thử thách cuộc đời quá khắc nghiệt với em, một cô gái thành thực, can đảm, có nghị lực và ý chí. Sự khắc nghiệt của cuộc sống đã xô ngã em, dẫm đạp lên những gì em vẫn tin và tự hào về mình, cướp đi mất cuộc sống bình dị của em như một người vợ, người mẹ và người công dân trong xã hội...
Con người thường sống theo những cái gọi là nguyên tắc, ít khiø nhìn lại coi những nguyên tắc đó có bao giờ, với em là ngoại lệ hay không. Guồng máy ấy vô tình hay cố ý dày xéo cuộc đời em để em không còn là Trâm ngày nào nữa.
Trâm ơi, em đã biết là em điên. Không, em không có gì đáng trách. Em nói đúng, chỉ mới là ngày hôm qua thôi, và hôm nay...
Đêm về nửa mảnh trăng treo
Nửa mảnh còn lại bay vèo chốn nao
Trong lòng tự hỏi vì sao
Đời không có được lúc nào yên vui
Chỉ còn lại chút sầu thôi
Trăng còn tan biến, sầu ôi bao giờ"

Ý kiến bạn đọc
27/03/202119:01:43
Khách
alprostadil drug guide nursing implication https://alprostadildrugs.com/ alprostadil cream cost
26/03/202120:08:37
Khách
tadalafil pills https://elitadalafill.com/ generic tadalafil 40 mg
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,573,282
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến