Hôm nay,  

30 Năm Sau: Người Việt Khắp Thế Giới

30/04/200500:00:00(Xem: 170961)
Người viết: HẢI TRIỀU
Bài số 738-1317-85-vb7-043005

Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, là tác giả liên tục viết về nước Mỹ từ hơn bốn năm qua và đạt số lượng bài viết nhiều nhất. Sau đây là bài viết đặc biệt của ông nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm Tháng Tư 1975-2005.
*

Kể từ khi Tổng Thống Gerald R. Ford chào đón chuyến bay chở người tỵ nạn Việt Nam đến phi trường California ngày 4/4/1975 đến nay, theo bản thông kê dân số của Hoa Kỳ năm 2000, số người Việt hiện sinh sống tại Mỹ là 1,122,528 người.
Người Việt sinh sống đông nhất tại các tiểu bang miền Tây với 564,424 người; kế đến là những tiểu bang thuộc miền Nam với 335,679 người; rồi đến các tiểu bang miền Bắc với 115,487 người và sau cùng là tại các tiểu bang miền Trung Tây với 106,938 người.
Nếu tính theo tiểu bang thì 10 tiểu bang có số người Việt đông nhất là: California 447,032 người, Texas 134,961 người, Washington 46,149 người, Virginia 37,309 người, Massachusetts 33,962 người, Florida 33,190 người, Pennsylvania 30,037 người, Georgia 29,016, Louisiana 24,358 người và New York 23,818 người.
Là một cộng đồng người Việt lớn mạnh nhất ở hải ngoại, cộng đồng Việt Nam ở Mỹ đã đạt được những thành tích sáng chói trong mọi lãnh vực. Trong guồng máy công quyền của nước Mỹ ở cả 3 ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp từ cấp trung ướng đến tiểu bang và thành phố đều có sự góp mặt của người Việt.
Trong các ngành khoa học, kỹ thuật, giáo dục, y khoa, luật khoa cho đến hoạt động thương mại và kinh doanh khác đều không vắng bóng người Việt. Những đóng góp to lớn của người Việt trong xã hội đã tạo được sự nể trọng đối với người bản xứ cũng như các sắc tộc khác trên đất Mỹ.
Canada
Là quốc gia có diện tích đứng thứ nhì trên thế giới (chỉ sau nước Nga), Canada cũng là nơi có một cộng đồng Việt Nam vững mạnh. Mặc dù không tham chiến tại Việt Nam, Canada rất rộng rãi trong việc nhận người tỵ nạn. Ngay trong năm 1975 Canada đã nhận khoảng 3,108 người Việt tỵ nạn và những năm sau đó tiếp tục nhận thêm nhiều nữa.
Theo thống kê kiểm tra dân số của Canada năm 1996 thì có 136,810 người Việt sinh sống tại đất nước này.
Pháp
Là quốc gia đã cai trị Việt Nam trong 70 năm, nước Pháp hiện là nơi có nhiều người Việt sinh sống chỉ đứng sau nước Mỹ.
Theo một tài liệu của thông tấn xã Fides năm 1999 thì ở Pháp có 200,000 người Việt tỵ nạn. Cộng con số này với số người đã sống ở Pháp trước năm 1975 cùng với số người đến Pháp sau này, người ta ước lượng hiện nay cộng đồng Việt Nam tại Pháp đã lên đến trên 300,000 người.
Đức:
Khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989 đã có hàng chục ngàn người Việt sống ở Đông Đức. Họ là những người đến đây làm ăn trong những năm của thập niên 1970. Số người đến Tây Đức sau này hầu hết là thuyền nhân và với tư cách là người tỵ nạn họ được hưởng đầy đủ quyền lợi dành cho người tỵ nạn. Ngày nay số người Việt sinh sống tại cả hai miền nước Đức lên đến khoảng trên 100,000 người.
Bỉ Quốc
Theo số liệu của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc năm 1979 Bỉ quốc đã nhận 1,361 người Việt tỵ nạn. Ngày nay người ta ước lượng có khoảng 20,000 người Việt đang sinh sống tại quốc gia có 10 triệu dân này.
Anh:
Tháng 10-1978 một chiếc thuyền nhỏ chở 347 người trong đó có 156 trẻ em dưới 15 tuổi, 1 em bé 2 tháng tuổi và một phụ nữ đang mang thai. Khi chiếc thuyền gần bị chìm đã được thủy thủ của chiếc tàu huấn luyện Wellpark của Anh quốc cứu vớt đưa vào Đài Loan. Tại đây họ được máy bay chuyển về Luân Đôn và được cho định cư tại Anh. Chính phủ Anh Quốc cũng đã nhận người tỵ nạn Việt Nam trong nhiều đợt. Tính đến năm 1992 Anh quốc đã nhận 24,000 người tỵ nạn. Ngày nay cộng đồng Việt Nam tại Anh lên đến hơn 30,000 người. Khoảng phân nửa sinh sống tại Luân Đôn.
Thụy Sĩ
Theo một tài liệu của Liên Hiệp Quốc thì năm 1995 Thụy Sĩ đã nhận 4,197 người Việt ty nạn vào quốc gia này. Theo bản thống kê dân số năm 2001 của Thụy Sĩ, số người Việt sinh sống tại Thụy Sĩ là 11,200 người.
Na Uy
Theo số liệu của CUTN/LHQ tính đến năm 1979 đã có 4,572 người tỵ nạn Việt Nam được định cư tại Na Uy. Theo tài liệu thống kê dân số của Na Uy, năm 1996 có 13,329 người Việt đang sinh sống tại quốc gia này. Khoảng phân nửa con số trên sống ở Oslo, số còn lại ở rải rác khắp nơi trên đất nước Na Uy. Trung tâm của cộng đồng Việt Nam là ở Đông Oslo, nơi người Việt có những cửa hàng buôn bán và ăn uống bên cạnh những nhóm dân thiểu số khác.
Mới đây do sự vận động của người Việt tại Na Uy, quốc hội nước này đã bỏ phiếu chấp thuận cho 98 người Việt ở Phi Luật Tân được đến Na Uy để đoàn tụ với thân nhân của họ.
Đan Mạch:
Theo số liệu của của CUTN/LHQ năm 1979 số người Việt tỵ nạn được đưa đến định cư tại Đan Mạch là 3,482 người.
Tinh đến ngày 1 tháng giêng năm 2000 số người Việt sinh sống tại Đan Mạch được ghi nhận là 11,000 người.
Phần Lan
Phần Lan là một quốc gia nhỏ. Diện tích Phần Lan nhỏ hơn tiểu bang Montana của Mỹ, dân số Phần Lan chưa đầy 6 triệu người (thống kê 2000). Tại quốc gia nhỏ bé này cũng có người Việt Nam sinh sống. Những người tỵ nạn Việt Nam đầu tiên đến Phần Lan vào năm 1979 gồm có 1,840 người. Từ đó đến nay con số này ngày nay chắc chắn đã tăng gấp nhiều lần để tạo thành một cộng đồng người Việt vững mạnh tại Phần Lan.
Hy Lạp
Năm 1979 Hy Lạp nhận khoảng 300 người Việt đến định cư tại quốc gia này. Sau những khó khăn lúc đầu nhiều người Việt đã thành công tại xứ sở này và đã hội nhập vào xã hội Hy Lạp. Nhiều người Việt đã làm chủ những cơ sở làm ăn tại khu vực Athens và Rhodes. Sau gần 3 thập niên có mặt trên đất nước Hy Lạp, số người Việt sinh sống tại đây chắc chắn đã lớn mạnh lên nhiều.
Do Thái
Ngày 26-6-1977 một nhóm 66 thuyền nhân Việt Nam sau khi bị tàu của nhiều quốc gia từ chối đã được tàu của Do Thái cứu vớt đem về Do Thái và đước định cư tại quốc gia này. Trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Menachem Begin nhân dịp ông mới nhậm chức, ngày 19-7-1977 tại sân cỏ của tòa Bạch ốc, tổng thống Jimmy Carter đã ca ngợi thủ tướng Begin về vịêc một chiếc tàu của Do Thái đã cứu vớt 66 thuyền nhân Việt Nam và việc thủ tướng Begin đã cho phép 66 người này được nhập tịch để trở thành công nhân của nước Do Thái. Đáp lời của tổng thống Carter, thủ tướng Begin đã nói “Đó chỉ là một hành động tự nhiên của chúng tôi, thưa tổng thống. Chúng tôi còn nhớ mãi, không bao giờ quên được một chiếc tàu (chiếc Saint Louis) chở 900 người Do Thái rời khỏi nước Đức trong những tuần lễ cuối cùng trước cuộc Thế chiến thứ Hai đã phải lang thang từ hải cảng này đến hải cảng khác, từ quốc gia này đến quốc gia khác kêu gào xin được tỵ nạn nhưng đã bị từ chối. Vì thế tôi coi đây như là một việc làm tự nhiên khi tôi mới bắt đầu chức vụ thủ tướng là cho những thuyền nhân này một thiên đường trên đất đai của Do Thái”.


Nhờ tấm lòng nhân ái của các thủy thủ Do Thái và của thủ tướng Begin mà từ 66 người tỵ nạn đầu tiên đến Do Thái năm 1977, ngày nay cộng đồng Việt Nam chắc chắn không còn là một cộng đồng nhỏ bé tại quốc gia ở vùng Trung Đông này.
Úc Đại Lợi
Là một lục địa nhỏ nhất nhưng là nước có diện tích đứng vào hàng thứ sáu trên thế giới, nước Úc đã tiếp nhận nhiều người tỵ nạn Việt Nam. Trước năm 1975 đã có người Việt sinh sống ở Úc nhưng người Việt tỵ nạn bắt đầu đến Úc từ năm 1976. Đó là năm mà một nhóm thuyền nhân Việt Nam đầu tiên ghé vào Darwin của nước Úc trên một chiếc thuyền ọp ẹp. Hội tỵ nạn Việt Nam được thành lập ở Canbera năm 1975 và những tổ chức cộng đồng Việt Nam đầu tiên ở Sydney được thành lập vào năm 1976 để giúp đỡ người tỵ nạn trong bước đầu.
Cũng như ở các nước khác, người tỵ nạn Việt Nam ở Úc đã phải trải qua những khó khăn về ngôn ngữ và văn hóa khác biệt lúc ban đầu để rồi ngày nay rất nhiều người đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ.
Theo cuộc kiểm tra dân số của Úc vào năm 2001 thì tại Úc có 154,830 người Việt sinh sống. Người Việt sinh sống ở khắp nơi trên đất Úc nhưng tập trung đông nhất ở New South Wales với trên 63,000 người; tiếp đó là Victoria với trên 56,000 người; rồi đến Queensland với hơn 12,000 ; Nam Úc với hơn 11,000 người v.v.
Tân Tây Lan:
Người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Tân Tây Lan vào năm 1976. Trong 16 năm kể từ đó cho đến năm 1992 con số người Việt sinh sống tại Tân Tây Lan được ghi nhận là 4,107 người. Ba nơi người Việt tập trung đông nhất là Auckland với 1,384 người rồi đến Wellington với 597 người và Southland với 295 người. Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, người Việt đã đóng một vai trò rất đáng khích lệ trong lãnh vực nghề nghiệp tại quốc gia họ sinh sống. Chẳng hạn về corporate managers phụ nữ Việt Nam chiếm tới 18% trong lúc phụ nữ Tân Tây Lan chỉ có 8%; về science professtionals đàn ông người Việt chiếm 4% trong lúc đàn ông Tân Tây Lan chỉ có 3%; về science technicians phụ nữ Việt nam chiếm 3% so với 1% phụ nữ bản xứ.
Nhật bản:
Nước Nhật đất ít người đông. Diện tích toàn nước Nhật chưa bằng tiểu bang California nhưng dân số của Nhật lại gần bằng nửa dân số của cả nước Mỹ. Dù vậy ngay từ năm 1975 Nhật cũng đã đón nhận người ty nạn Việt Nam. Theo thống kê dân số của Nhật năm 1996 thì tại đất nước Phù tang có 10,228 người Việt sinh sống.
Các nước khác:
Theo số liệu của CUTN/LHQ trong tháng 6/1979 thì ngoài những quốc gia kể trên, các nước sau đây cũng cưu mang thuyền nhân như: Thụy Điển đã nhận 5,589 người; Hà Lan đã nhận 4,984 người và các quốc gia khác 5,164 người. Cho đến nay đã 26 năm con số này chắc chắn đã tăng gấp nhiều lần và tạo nên những cộng đồng Việt Nam vững mạnh tại các quốc gia này.
Ngoài ra, tại những nước theo chế độ cộng sản trước kia hiện cũng có nhiều người Việt sinh sống như ở Nga có khoảng 150,000 người, Ba Lan có khoảng 30,000 người.
VỀ NỖ LỰC ĐẤU TRANH
CHO QUÊ HƯƠNG
Ngày nay người Việt có mặt khắp nơi trên trái đất. Khởi đi từ những bước vô định, không biết tương lai sẽ ra sao, giờ đây người Việt hải ngoại đã có một cuộc sống ổn định tại những quốc gia họ sinh sống. Thế hệ thứ nhất tuổi tác càng ngày càng cao đang lùi dần vào bóng tối nhưng họ, như những viên đá lót đừơng, đã tạo cơ hội để cho thế hệ con cháu vươn lên.
Nhờ sự làm việc cần cù và hy sinh của thế hệ cha anh cộng với được sống trong chế độ tự do trong đó mọi người đều có điều kiện để phát triển mà thế hệ con cháu của những người bỏ nước ra đi đã tạo được những thành quả đáng hãnh diện tại xứ người. Những “đứa trẻ” có mặt trên những chiếc thuyền vượt biên năm nào hay con cái của những người đến Mỹ theo các diện đoàn tụ, con lai, HO v. v. nay đã trở thành những kỹ sư, bác sĩ, luật gia, khoa học gia, kinh tế gia v.v. giữ những vị trí quan trọng trong xã hội xứ người mà nếu còn sống dưới chế độ Cộng sản sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên được.
Tại Úc, Anh, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản cũng như tại hầu hết các quốc gia khác, cộng đồng người Việt luôn luôn lên tiếng đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam. Nhiều cuộc biểu tình phản phản đối chính sách độc tài, đàn áp những người bất đồng chính kiến của nhà càm quyền CSVN cũng như nhiều hoạt động khác đã được tổ chức ở kháp nơi nhằm lôi kéo thế giới chú ý đến tình trạng thiếu tự do, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.
Đặc biệt ở tại Mỹ từ ba năm nay có phong trào vận động công nhận cờ vàng ba sọc đỏ. Phong trào vận động công nhận cờ vàng càng lan rộng thì càng gây được sự chú ý của công chúng và chính quyền Mỹ đến tình trạng thiếu tự do dân chủ tại Việt Nam. Sự việc gần 90 nơi gồm 8 tiểu bang, 5 quận hạt, và hơn 70 thành phố công nhận cờ vàng ba sọc đỏ rõ ràng đã gây được tiếng vang, giúp ích cho công cuộc đòi hỏi tự do, dân chủ tại quê nhà.
Nhiều vị dân cử đã đứng ra bảo trợ hoặc vận động những nghị quyết chỉ trích những hành động đàn áp, khống chế những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Thậm chí ngay cả TNS Kerry người có khuynh hướng thường hay bênh đỡ CSVN cũng đã phải lên tiếng yêu cầu chế độ Hà Nội tôn trọng các quyền tự do căn bản kể cả quyền tự do tôn giáo khi ông ký tên đồng bảo trợ bản nghị quyết số 343 do TNS Richard Lugar đề xướng hôm 27-4-2004. Và rồi việc nhà cầm quyền CSVN phải trả tự do cho luật sư Lê Chí Quang, giảm án rồi trả tự do cho linh mục Nguyễn Văn Lý, phóng thích Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Giáo sư Nguyễn Đình Huy v.v. cho đến việc bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp CSVN vào danh sách những quốc gia cần quan tâm chẳng phải là chuyện ngẫu nhiên mà là bị áp lực từ công cuộc tranh đấu của người Việt hải ngoại và với sự lên tiếng của các tổ chức và những nhân vật đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền trên khắp thế giới.
Vì những phong trào vận động đòi hỏi tự do dân chủ cho Việt Nam có tầm ảnh hưởng lớn lao như vậy cho nên nhà cầm quyền CSVN vô cùng lo ngại. Họ phản đối và chống đỡ bằng nhiều cách trong đó có nghị quyết số 36 dồn nỗ lực nhằm khống chế người Việt hải ngoại. Nhưng họ đã thất bại, để trả lời cho nghị quyết số 36 của họ, chính quyền tại hai thành phố Garden Grove và Westminster là nơi được coi là thủ đô của người tỵ nạn đã ban hành nghị quyết “không hoan nghênh Cộng sản”. Những bản nghị quyết này nói theo kiểu bình dân là cấm cửa, không cho cộng sản bén mảng đến vùng đất này. Điều này cho thấy người Việt tỵ nạn không chấp nhận nhà cầm quyền CSVN là đại điện của họ cho đến khi nào Việt Nam có một chế độ thật sự tôn trọng tự do , dân chủ và nhân quyền.
Là những người may mắn đến được bến bờ tự do ta không thể làm ngơ đối với cuộc tranh đấu đòi hỏi tự do dân chủ tại quê nhà. Bỏ mặc cho đồng bào phải sống mãi trong sự áp bức hoặc cổ võ hay tiếp tay cho chế độ đàn áp nhân quyền là đắc tội với quốc gia dân tộc.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,738,098
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến