Hôm nay,  

60 Năm Gió Đưa Bụi Chuối

16/04/200500:00:00(Xem: 276248)
Người viết: CHÚC CHÂN
Bài số 726-1305-74-vb5-041405

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã 18 năm làm công việc một kỹ sư. Tự mô tả mình là “Người Mỹ, gốc Việt, dòng Hoa,” Chúc Chân đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt, và đã được trao tặng giải thưởng danh dự năm thứ ba 2004. Bài viết sau đây đã được chọn đăng trong báo xuân Việt Báo Ất Dậu 2005.

Mỹ gọi là devine intervention. Ta gọi là trời định. Đám ăn đầy tháng của Jason đứa con thứ ba của Linh và Kevin đúng là do trời định. Khi sanh bé Meg, thì Linh và Kevin có đủ đôi, một trai, một gái, thật lý tưởng. Lúc bé Meg lên năm thì cả hai đều đồng lòng thôi không muốn thêm đứa nào nửa. Vì ở Mỹ bình quyền, nên Linh và Kevin đồng ý đánh tù tì xem đứa nào phải "hy sinh". Kevin bị thua, nên phải gọi hẹn phòng mạch bác sĩ chuyên về vasectomy. Nhưng đến gần ngày hẹn thì ông bố của Kevin qua đời nên Kevin lỡ hẹn. Buồn mất bố, phải mấy tháng sau Kevin mới gọi lấy hẹn lại. Nhưng, lại chữ nhưng, gần tới ngày hẹn thứ nhì, thì "home pregnancy test của Linh lòi ra possitive". Thôi thì cái hẹn ở phòng mạch vasectomy đành đổi qua phòng mạch O.B vậy.
Mặc dầu do "tai nạn", bé Jason vẫn mang đến Linh và Kevin niềm hạnh phúc làm cha mẹ. Đám ăn đầy tháng của Jason làm rình rang theo phong tục ta tàu đủ lễ, có xôi, có chè và có con heo quay. Bà nội Kevin theo "thông lệ" từ California bay qua Houston đứng chủ lễ, cúng để lấy phước lành cho đứa cháu cố.
Chúng tôi có gặp bà nội Kevin trong dịp đám đầy tháng của Samnuel và sau đó của Meg con của Linh và Kevin. Samnuel bây giờ lên tám và Meg lên sáu. Khi bố Kevin qua đời chúng tôi có tới thăm và có gặp bà cụ, nhưng không có dịp chuyện trò. Mãi đến đầy tháng cháu Jason kỳ nầy tôi mới có dịp hàn huyên với bà cụ. Kính lão đắc thọ. Hầu chuyện bà cụ tôi không những đắc thọ mà còn đắc thêm một câu chuyện.
Bà cụ năm nay tám mươi lăm tuổi, người nhỏ nhắn nhưng còn khá linh hoạt. Lưng cụ hơi gù do chứng lỏng xương mà thông thường đa số phụ nữ Á Châu hay mắc phải. Qua Mỹ, lỏng xương là một thứ bịnh. Theo ta thì " Có bịnh có hoạn gì đâu" Già thì gù, già thì khụ, chớ làm sao khỏi"" Tôi nhớ má tôi thường hay nói.
Khi chúng tôi đến nhà Linh ăn đầy tháng cháu Jason thì bà cụ đang bận bịu bày biện bàn cúng trời đất, "Trái cây phải đủ ngũ quả, xôi phải đỏ thì phước mới nhiều," bà cụ bảo. Bà cụ còn nấu cho một nồi chè trôi nước cả trăm viên. "Con Linh nói với bác khoảng năm sáu chục người đến, nên bác ráng làm cho đủ".
Gia đình và bạn bè của Linh và Kevin đã đến đông đủ đầy nhà. Nóng lòng muốn dọn ăn, Linh hỏi cụ, "Bà nội ơi chừng nào mình dẹp bàn cúng được"" "Chờ cho tàn cây nhang thì được con." Bà nội Kevin điềm nhiên trả lời. Rồi cây nhang tàn và thức ăn được dọn kiểu buffet bầy trên "island" giữa nhà bếp và dọc hai bên counter. Mỗi người tự động lấy phần. Đám trẻ con được ưu tiên, tay cầm dĩa nhựa đứng sắp hàng vòng quanh gắp thức ăn bỏ vào dĩa. Có đứa nhăn mặt khi nhìn thấy con heo quay nhỏ còn nguyên con chưa chặt, xít xoa tội nghiệp "poor baby".
Tôi múc chén súp măng cua, gắp một ít gỏi tôm, chút xôi và vài cuốn chả giò vào dĩa. Mang chén súp và dĩa thức ăn đi qua bên phòng ăn, thấy chiếc ghế trống cạnh bà cụ bên bàn ăn, tôi bước tới. Thấy tôi đi tới bà cụ nhanh nhẹn đẩy chiếc ghế ra và thân mật mời, "Ngồi đây cháu." Tôi ngồi xuống và bắt đầu gợi chuyện với bà cụ. Những mẫu đối thoại thân mật nhưng làng nhàng, về thời tiết ở Houston, về thời tiết ở Ventura, Calif., nơi bà cụ ở.
Tôi hỏi một câu vớ vẩn, "Bác có thường hay đi chợ, đi chùa gì không""
"Có chớ cháu, bên đó chợ mình vui lắm. Tụi nó chở bác xuống khu Phước Lộc Thọ ở dưới Orange County thường xuyên." Bà cụ sốt sắng trả lời , "Bác cũng có lên chùa làm công quả. Lâu lâu mấy cái rẫy cải hay gọi điện thoại qua chùa kêu lên hái cải mót."
Bà cụ giải thích, "Cháu biết không, nói mót chớ Mỹ nó hái có ba lần rồi thôi. Mình lên mót có khi cải còn nguyên liếp vung. Hái ham luôn. Bịt ny lông cỡ đụn rác to đựng đầy cải, vác hết bao nầy tới bao khác ra xe mệt luôn. Có khi gặp mùa dâu tây trái chín đỏ ngọt hái bắt ham."
Rồi bà cụ hỏi tôi lại cũng một câu làng nhàng, "Cháu có về Việt Nam chơi lần nào chưa""
"Dạ chưa, qua Mỹ tới giờ mấy chục năm nhưng cháu chưa về Việt Nam," tôi đáp lời và hỏi lại "Bác có về bên đó chưa""
Bà cụ có lẽ chỉ chờ tôi hỏi câu đó, "Có chứ cháu, bác đi mấy lần rồi. Chuyến rồi bác theo mấy thầy bên chùa đi hành hương, về Việt Nam, qua Đại Hàn, qua Thái Lan vòng mấy nước. Bác có tới chùa Thiên Mụ Huế nữa." Có lẽ còn vẳng bên tai tiếng chuông Thiên Mụ, hay tiếng rao lảnh lót trên sông Hương, bác tiếp tục kể "Ở Huế, bác theo phái đoàn đi ăn cơm vua vui lắm!"
"Cơm vua ra sao mà vui vậy hả bác""
"Bác thấy cũng giống cơm mình. Cơm mình ở đây có phần ngon hơn, thơm và dẻo hơn. Nhưng vui là vì tới bữa ăn, mỗi du khách trong phái đoàn được phát cho mấy chiếc áo gấm mặc vào. Mấy bà mặc áo hoàng hậu hay cung phi. Còn mấy ông mặc áo quan. Có một ông lão lớn tuổi hơn bác nữa được cho mặc áo vua. Cả phái đoàn mặc áo quần lụng thụng kéo vào ngồi dọc hai bên một chiếc bàn dài. Ông vua được ngồi đầu bàn."
Bà cụ tiếp tục giải thích, "Trước khi ăn có ông đầu bếp lên giải thích rằng cơm vua chỉ để vua ăn thôi. Vua ăn không hết thì đem chôn, không ai được ăn. Ai mà ăn đồ thừa của vua thì bị tội khi quân. Cháu thấy không người còn không được ăn cơm dư của vua, nói chi đến chó heo ăn."
"Bác có chắc người ta đem chôn không đó" Thời buổi nầy nuôi heo bán tiền không."
Những mẫu đối thoại giữa bà cụ và tôi chỉ quanh quẩn chung quanh sinh hoạt hàng ngày, những mẩu chuyện vô thưởng vô phạt.
"Cháu ăn xong nhớ đi lấy chén chè xôi nước ăn tráng miệng." Bà cụ bảo tôi.
Nể lời bà cụ tôi ráng ăn thêm một viên xôi nước, nhủ thầm chỉ thêm vài chục calorie thôi, mỗi ngày đi bộ thể thao mình đi thêm vài vòng trừ - vấn đề hơi khó là mình cộng nhiều hơn trừ. Khi ăn xong chén xôi nước, tôi chỉ muốn tìm chỗ ngả lưng đánh một giấc.
Lúc đó bà cụ đã kéo qua ngồi bên phòng khách nói chuyện với chị Lan. Tôi đi vào bếp tìm tách và cà phê. Chủ nhà không phải dân ghiền, lục pantry một đổi mới móc ra được gói cà phê Star Buck. Tôi pha bình cà phê auto drip. Bưng tách cà phê nóng tôi theo đám đông bên phòng khách đang quây quần bên mấy tấm hình bà cụ mới mang ra.
Trên tay chuyền nhau coi, ngoài vài tấm post card cảnh Huế, có một số hình rọi khổ lớn 8x10, màu sặc sỡ. Trong hình trên một bàn ăn dài, ngồi đầu bàn là một ông cụ đầu đội mão cánh chuồn trong chiếc áo bào bằng gấm màu vàng tươi thêu rồng trên thân trước. Dọc hai bên bàn ngồi một dãy đàn ông đầu đội mão và một dãy đàn bà đầu đội khăn quấn. Tất cả đều mặc những chiếc áo dài gấm xanh đỏ sặc sỡ. Bà cụ bên dãy đàn bà trong chiếc áo xanh lam ngồi bên cạnh hai người đàn bà trung niên. Tôi hỏi thầm không biết bà cụ làm cung phi thứ mấy"
Trong những tấm hình rọi khổ lớn 8x10, có hai tấm hình đen trắng được bọc lớp nhựa trong cẩn thận. Tôi cầm một tấm hình lên tay xem. Bức hình gia đình chụp vào khoảng thập niên năm mươi. Đôi vợ chồng trẻ. Người đàn ông mặc quần tây, áo sơ mi tay ngắn, vạt áo bỏ thõng bên ngoài. Đứng kế ông, người đàn bà trạc ba mươi trong bộ đồ vải bông có mái tóc ngắn uốn quăn, trên tay ẵm một đứa bé trai khoảng một tuổi. Cạnh đó sắp hàng từ cao xuống thấp năm đứa bé, bốn trai và một gái khoảng chín mười tuồi đỗ xuống. Người đàn ông có nét mặt rất quen thuộc. Nét mặt của Kevin.
"Hình ai vậy bác"" Tôi hỏi bà cụ.
"Hình gia đình của bác đó. Cháu thấy thằng Kevin giống ông nội nó không"" Bà cụ nhìn tôi trả lời. Rồi bà cụ đưa ngón tay chỉ đứa bé đứng bên cạnh mẹ "Ba thằng Kevin nè, còn con nhỏ nầy là Xủi Làn (Thủy Lan), con gái lớn của bác đó." Bà cụ chỉ tiếp tục đứa bé đứng cạnh Thủy Lan "Thằng nầy là con trai bà Chúng Quỏ (Trung Hoa). Bây giờ nó ở Dallas."
"Ủa bác người gốc Hoa hả"" Tôi hơi ngạc nhiên vì bà cụ nói tiếng Việt rất rành mạch.
"Bác người gốc Tiều Châu, nhưng ở Chợ Lớn từ nhỏ đến lớn nên bác cũng biết tiếng Quảng Đông," Bà cụ đáp.
"Bà Chúng Quỏ là ai vậy bác"" Tôi thắc mắc.
"Vợ của ông nội Kevin lấy hồi ông còn ở bên Tàu." Bà cụ đáp vẫn với giọng thong thả. Rồi bình thản bà cụ bắt đầu kể cho tôi nghe về ông nội của Kevin, ông Chánh Phát, chủ tiệm bán sỉ gạo, than, củi hiệu Chánh Phát bên Phú Lâm.
Ông qua Việt nam vào đầu thập niên bốn mươi lưu lạc về miệt Hậu Giang, nơi vựa lúa miền nam trù phú, với hy vọng kiếm được công ăn việc làm và chút ít tiền gởi về gia đình. Lúc đó người Hoa định cư ở miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu đã lâu. Họ ở thành làng, thành quận, sống chung với dân Miên (Khmer) hiền hòa. Có những người Hoa tiên phong nhờ may mắn và kiên trì, sau nhiều năm cực nhọc khai đất hoang, đất phèn biến thành đất ruộng mùa mở, đã trở thành điền chủ với ruộng nương cò bay thẳng cánh. Ở Năm Căn, Cà Mau, người Hoa khai rừng, mở lò than rất thịnh vượng. Ông Chánh Phát là kẻ tới muộn tìm được chân làm công là khá lắm rồi. Nhờ biết chữ Hoa, từ từ ông được giao việc tài phú, như thơ ký kế toán bây giờ, cho một chành lúa ở Bạc Liêu. Ông lo việc sổ sách cho chủ.
Khi ghe chở lúa từ Hậu Giang lên Chợ Lớn giao cho mấy vựa, ông đi theo lo coi cân đong, gõ bàn toán lộc cộc tính toán và ghi chép cẩn thận. Tánh tình hiền lành. Trông hình chụp của ông và qua Kevin, tôi hình dung ông với một dóc dáng "thư sinh", mặt mày bảnh bao như chàng Kim Trọng của cụ Nguyễn Du. Mặc dù tôi cũng chả nhớ cụ Nguyễn Du tả chàng Kim ra sao.
Một ông chủ vựa ở Chợ Lớn có lẽ cảm mến người trai trẻ có tính tình điềm đạm, nói năng ngay thẳng và trung thành, ngỏ ý muốn gả con. Tôi không rõ cuộc "interview" của ông chủ vựa diễn tiến ra sao. Nhưng tôi đoán là cô con gái ông chủ vựa (bà cụ bây giờ) chắc phải lòng chàng thanh niên đẹp trai, hiền từ, nên theo ý cha lấy chồng. Tôi không biết gia đình ông chủ vựa ở Chợ Lớn có biết thân thế của người trai trẻ trước khi gả con hay không. Có thể có biết nhưng lúc đó Đệ Nhị Thế Chiến đã lan tràn khắp thế giới, giao thông khó khăn, nếu ai còn vợ con bên Tàu thì cũng đành coi như mất rồi.
Sau khi cưới vợ trên Chợ Lớn, ông bỏ xứ Bạc Liêu lên theo bên vợ. Ông bố vợ tin tưởng vào khả năng thương mại của chàng rể quí, cho đôi vợ chồng trẻ chút vốn để làm ăn. Ông lấy hàng sỉ từ vựa của bố vợ, mở một tiệm nhỏ bán lẻ gạo, than, củi trong Chợ Lớn Mới lấy tên Chánh Phát và trở thành ông Chánh Phát từ đó.
Câu chuyện đến hồi gay cấn. "Bà Chúng Quỏ qua Việt Nam hồi nào vậy bác"" Tôi hỏi.
"Lúc bác đã dọn ra Chợ Lớn Mới và đã sanh được hai đứa con, ba của Kevin với con Xủi Làn." Bà cụ đáp.
Hớp một ngụm nước trà nóng từ chiếc tách cầm trên tay, ngưng một chốc như để kéo lại một quãng ký ức, bà cụ tiếp, "Cháu biết không, chiều hôm đó cơm nước xong xuôi ông nội Kevin không có kéo cái ghế bố trải ra hàng hiên như mọi hôm nằm đọc báo. Khi bác dọn dẹp, rửa chén bát xong xuôi lên nhà thì thấy ông ấy ngồi bên bàn nước, đương bưng trà uống. Thấy bác đi lên, ông rót cho bác chung trà, biểu bác ngồi xuống ông có chuyện muốn nói."
Trong giọng nói tuy vẫn bình thản, nhưng hình như sống lại một dĩ vãng xa xưa với đầy tình đầy nghĩa và một đàn con. Chậm rãi bà cụ kể cho tôi nghe khúc quanh của cuộc đời mình.
Hôm đó khi bà kéo chiếc ghế ngồi bên ông và bưng chung trà nóng do ông rót mời, lòng bà bồn chồn. Bà biết câu chuyện ông sắp kể phải vô cùng quan trọng. Nhưng bà không thể ngờ câu chuyện đó liên hệ đến bà đến thế nào.
Hôm đó ông đã thú nhận với bà về người vợ bên quê nhà và đứa con gái mà ngày ông ra đi mới sanh chưa đầy tháng. Sau mấy năm không mối manh liên lạc nhưng gần đây nhờ có người mốc nối qua Nam Vang rồi qua Sơn Đầu ở Quảng Châu, ông đã tìm lại được người vợ cũ.
Trung Hoa lúc đó trong tình trạng chiến tranh. Gia đình nghèo. Người đàn bà đó với đứa con thơ, đơn chiếc không ai đùm bọc đã sống rất vất vả. Người đàn bà đó muốn đi ra Sơn Đầu với hy vọng tìm manh mối của người chồng phiêu bạt. Nhưng không tiền bạc, ở thôn quê lại đói khát, nên người đàn bà đó đành bán đứa con gái mới vài tuổi đầu chỉ để đổi được hai giạ lúa (một giạ 20 lít). Một đứa con gái chỉ đáng giá bốn chục lít lúa thôi thật là tội nghiệp. Người đàn bà đó nhủ thầm đứa con gái bán cho nhà giàu tuy ăn cơm thừa nhưng ít ra nó được no bụng ngày hai bữa. Khi bán lúa được chút tiền người đàn bà đó lên thị trấn. Người đàn bà đó đã qua Đường Sơn và tới được Sơn Đầu.
Ông bảo với bà rằng ông đã suy nghĩ mấy hôm nay và bây giờ muốn hỏi ý bà về dự định bỏ ra chút ít tiền nhờ người đưa mối dẫn đường đưa người vợ ông từ Sơn Đầu qua Việt Nam. Bà khi đó rất phân vân. Thương con, thương chồng, thôi thì đành nghe lời và chấp nhận lời đề nghị của ông.
Vẫn với một giọng thản nhiên, không hối tiếc, không đắng cay, bà cụ tiếp tục kể,
"Bà ấy qua Việt Nam qua năm 1947, khi đó Bình Xuyên đang đánh Tây, đặc bom trong thành phố nổ rầm rầm, bác sợ quá chừng."
Bình Xuyên đánhTây. An Xuyên tôi biết là Cà Mau và Ba Xuyên là Bạc Liêu. Còn Bình Xuyên" Ở Chợ Lớn Mới" Nghe bom nồ" Bình Xuyên, tôi có nghe tên qua vài lần. Những "người lớn" khi đó nhắc đến Bình Xuyên đều nói với giọng e dè. Tôi mù tịt chẳng biết Bình Xuyên ở nơi nào trên bảng đồ Việt Nam. Bây giờ nghe bà cụ nhắc đến Bình Xuyên khiến tôi muốn biết về nơi chốn đó và dấu vết lịch sử mà Bình Xuyên đã tạo nên.
. . .
Thời buổi Internet, tài liệu tham khảo ở trên đầu ngón tay. Tôi mở computer, giở trang Google.com trên internet, gõ vào chữ "Binh Xuyen", thì mấy chục mối (links) nhảy ra. Hàng chữ "Bình Xuyen: Order and Opium in Saigon" đập vào mắt tôi, đề tài có vẻ hấp dẫn. Tôi click vào. Đó là một phần của tập tài liệu "The Politics of Heroin in Southeast Asia" do Alfred W. McCoy tham khảo. Ông McCoy viết bài tham khảo vào năm 1972, với đầy đủ chi tiết thời cuộc về tình hình chính trị vào thời điểm lịch sử Đệ Nhị Thế Chiến ở Đông Nam Á. Bài tài liệu viết có liên quan đến vòng cung cấp và vận chuyển nha phiến trong vùng. Trong tập tài liệu nầy dành nguyên hai chương nói về Bình Xuyên.
Theo tài liệu, băng Bình Xuyên là một đám thảo khấu, cướp sông, trong thập niên 20s, 30s, đóng bản doanh ở Rừng Sát, vùng phía nam Sài Gòn đổ từ nam Chợ Lớn qua Vũng Tàu, khu delta nơi sông Sài Gòn đổ ra biển. Thủ lãnh Bình Xuyên, Bảy Viễn, tên Lê Văn Viễn, xuất thân là một tay du đãng ở Chợ Lớn. Bảy Viễn vốn vô học, năm 17 tuổi bị gia đình từ và mất quyền thừa hưởng gia tài, sống lang thang trên hè phố, gia nhập du đãng, bắt đầu làm tài xế lái xe cho ông "trùm".


(Tôi thì nghĩ khác. Vào thập niên 30, xe hơi rất hiếm và tài xế có thể hiếm hơn. Muốn có bằng lái xe phải có học và biết chữ Pháp nên Bảy Viễn chắc phải có học. Gia đình Bảy Viễn cũng phải rất giàu nên mới có để lại quyền thừa hưởng cho con. Gia đình nghèo không lo chuyện gia tài. Người ngoại quốc viết tham khảo về Việt Nam có thể không để ý tới một vài chi tiết nhỏ nhưng nói lên nhiều về đời sống Việt Nam.)
Vào năm 1943, 1944, lúc Nhật chiếm đóng Việt Nam, với lực lượng giới hạn, Nhật đã phải võ trang đám lính Pháp đầu thú dùng để cai quản thành phố Sài Gòn. Đám thảo khấu, cướp sông Bình Xuyên nhờ móc nối với Nhật để cung cấp các tay lao công, cũng được Nhật tin dùng.
Dần dần Nhật bắt đầu mất tin tưởng vào đám lính Pháp đầu thú vì một số bắt đầu chống Fascist. Tháng 3 năm 1945, trong vòng vài giờ, tất cả cảnh sát Pháp ở Sài Gòn bị Nhật gom về bắt giam hết. Lực lượng cảnh sát thành phố đột nhiên bị bỏ trống . Để củng cố vùng Sài Gòn Chợ Lớn, Nhật võ trang đám thảo khấu Bình Xuyên. Những nhân vật Mafia Việt như Bảy Viễn được Pháp bắt Chánh Phủ Lâm Thời Việt Nam đưa vào lực lượng cảnh sát. Sài Gòn và Chợ Lớn một thời được cai trị bằng băng đảng.
Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc với quả bom nguyên tử bỏ xuống Hiroshima. Nhật đầu hàng vô điều kiện ngày 15 tháng 8, năm 1945.
Thình lình Đồng Minh phải đương đầu với vấn đề giải giới Nhật ở Đông Nam Á. Ngày 12 tháng 9 năm 1945, Tướng Anh Douglas D. Gracey bay vào Sài Gòn với sứ mạng giải giới Nhật. Trong lúc đó Pháp cũng muốn trở lại củng cố thế lực và nền đô hộ ở Đông Nam Á.
Khi đó ở Việt Nam Việt Minh chụp cơ hội lên nắm chính quyền và đòi độc lập. Tướng Gracey mặc dầu được lịnh không xen vào chuyện chính trị ở Việt Nam, đã bí mật tái võ trang khoảng 1.500 lính Pháp, cùng sự hỗ trợ của lính Ấn Độ và tàng binh Nhật đánh vào Sài gòn. Ngày 22 tháng 9 năm 1945, Việt Minh bị đẩy ra khỏi Sài Gòn và rút về khu vục phía tây thành phố.
Vài tuần sau đó quân Pháp từ Marseille đổ qua tái chiếm lại toàn vùng Nam Việt Nam.
Ở thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn, băng Bình Xuyên với thủ lãnh Bảy Viễn và "Đám Sát Thủ" tung hoành làm mưa gió , giết người, tống tiền, và bắt đầu cộng tác với Việt Minh chống Pháp. Để có thêm vây cánh, Việt Minh đưa tổ chức Thanh Niên Tiền Phong vào băng Bình Xuyên. Một tổ chức trí thức trẻ hội nhập vào một tổ chức Mafia do Bảy Viễn cầm đầu, trấn thủ phía nam và tây ven biên thành phố Sài Gòn. Pháp sau đó đánh mạnh vào ven biên Sài Gòn, đẩy lực lượng Bình Xuyên cùng đám Thanh Niên Tiền Phong ra khỏi Sài Gòn.
Băng Bình Xuyên và tổ chức Thành Niên Tiền Phong phải rút sâu về Rừng Sát, khu vực nằm ở phía nam của Chợ Lớn. Tuy nhiên mạng nhện Sát Thủ Bình Xuyên còn lại hơn hai trăm người ở thành phố, vẫn tiếp tục thao túng, giết người, bắt cóc, đòi tiền mạp "bảo vệ" - với đồng tiền lúc đó còn lớn, casino Đại Thế Giới, đã phải mạp 2,600$ một ngày để "được bảo vệ". Với hệ thống kinh tài mang lại do đám sát thủ, băng Bình Xuyên củng cố lại lực lượng, có lúc đã lên đến 10 ngàn tay.
Năm 1947, khi Việt Minh tung ra chiến dịch khủng bố, băng Bình Xuyên giữ vai trò chủ yếu. Những vụ ném bom, ám sát bằng mã tấu xẩy ra hàng ngày trong vùng Sài Gòn và Chợ Lớn.
Cộng tác giữa Việt Minh và Bình Xuyên tuy nhiên có xung khắc từ đầu. Trong khi Việt Minh chủ trương kêu gọi tham gia chống Pháp từ mọi lớp quần chúng khắp nơi, thì Bình Xuyên tuy là một tổ chức phi pháp nhưng vẫn tôn trong "tôn ti trật tự" và "lãnh thổ" của "anh em". Năm 1946, khi lãnh tụ Bình Xuyên là Ba Dương bị trúng bom chết, Bảy Viễn lên thay thế, đã ra lệnh Đám Sát Thủ, hạ thủ lãnh tụ Việt Minh trong vùng là Nguyễn Bình.
Mặc dầu biết Bảy Viễn phản bội và bí mật cộng tác với Phòng Nhì (công an) Pháp, tháng 3 năm 1948, Việt Minh vẫn mời Bảy Viễn về Đồng Tháp Mười để tham dự đại hội đặc biệt nhân ngày kỷ niệm sinh nhật Hồ Chí Minh. Biết đó là cạm bẫy, nhưng Bảy Viễn vẫn tới tham dự, mang theo 200 thủ hạ bản lãnh. Trong lúc Bảy Viễn ở Đông Tháp, Việt Minh và đám Thanh Niên Tiền Phong chiếm quyền kiểm soát Rừng Sát và hạ đám tay chân Bình Xuyên ở đó. Bảy Viễn từ Đồâng Tháp Mười đánh hơi qua sự trở giọng của Việt Minh trong cuộc hội nghị, cùng thủ hạ bỏ trốn về Sài Gòn.
Phòng Nhì Pháp vì muốn lợi dụng mạng lưới tình báo của Bảy Viễn để thanh trừng Việt Minh, đã cho xe tìm đến nơi Bảy Viễn trú ẩn, mời Bảy Viễn và thủ hạ ra cộng tác. Pháp đồng ý "cắt đất" cho Bảy Viễn một phần của Chợ Lớn, để đánh đổi bằng cuộc thanh trừng, càn quét sạch Việt Minh vùng Sài Gòn và Chợ Lớn.
Từ đó băng Bình Xuyên kiểm soát toàn bộ kinh tế đen ở Sài Gòn. Các sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung, hệ thống buôn bán á phiện, các ổ nhện (brothel) đều thuộc về băng Bình Xuyên. Tháng 4, năm 1954, chỉ huy của Bình Xuyên được làm Giám Đốc Sở Cảnh Sát thành phố.
Phòng Nhì Pháp được băng Bình Xuyên chia tiền. Và vì cần tiền chi cho điềm chỉ (informer), Phòng Nhì đã để băng Bình Xuyên thao túng toàn vùng Sài Gòn, Chợ Lớn và vùng phụ cận từ Sài Gòn ra Vũng Tàu. Bảy Viễn từ một tên du đãng, lang thang trên đường phố Chợ Lớn khi xưa, nay đã trở thành người giàu nhất vùng.
Thật là một khúc quanh lịch sử quan trọng về vùng Sài Gòn và Chợ Lớn, nơi tôi sống mấy năm trước khi rời bỏ xứ ra đi.

Bình Xuyên dậy, với bom nổ ở Sài Gòn và Chợ Lớn năm 1947, bà cụ bước qua một khúc quanh trong đời. Vẫn trong một giọng nói chậm rãi và bình thản, bà cụ lần lượt trút lại cả một tâm sự trong đời cho tôi nghe.
"Hồi bà Chúng Quỏmới qua Việt Nam ở chung nhà với bác được hai năm cho tới khi bà sanh đứa đầu ở bên Việt Nam thì mới dọn ra. Bà sanh hai đứa đầu đều nuôi không được. Bác thấy vậy tội nghiệp nên khi bà sanh thằng thứ ba, bác đem nó về nuôi trở đầu, nhờ vậy bà ấy mới nuôi được đám con sau nầy. Bác sanh được 10 đứa, sau nầy chết hai đứa. Bà ấy được tám đứa. Hồi ông nội của Kevin mất, bầy con 18 đứa có đủ mặt."
Mười tám đứa! Tôi thắc mắc, "Có khi nào hai bà sanh cùng lúc không bác""
"Không có đâu cháu, bác với bà ấy đẻ xen kẽ năm." Bác đáp.
Với một giọng đượm vẻ hãnh diện về lòng bao dung của mình, bà cụ kể tiếp, "Bác với bà Chúng Quỏ sống rất thuận thảo. Mấy người tới mua gạo, mua than, đều tưởng bác và bà là hai chị em. Chỉ có mấy bạn hàng quen thân mới biết hai người không phải chị em và gọi bà ấy là bà Chúng Quỏ.
"Mấy năm đó làm ăn khá lắm cháu. Bác với ông ấy và mấy nhỏ của bác dọn về căn phố mới cất ở Phú Lâm, bán sỉ và bỏ mối gạo than cho mấy tiệm buôn và nhà dọc đường Nguyễn Trãi và Đồng Khánh. Bác để lại tiệm bán gạo lẻ cho bà Chúng Quỏ coi.
"Hồi dọn đi bác có dặn bả, mấy chị em bạn hàng bán gánh nghèo lắm, cho họ mua chịu nếp với củi, nấu bán xôi chè trước, trả tiền lại mình sau. Bao nhiêu năm làm ăn, bác giúp đỡ họ. Mà bà Chúng Quỏcó biết làm ăn gì đâu" Mấy chị em bạn hàng phải ra tới Phú Lâm tìm bác mua nếp. Bà Chúng Quỏkhông chịu cho họ mua thiếu.
"Cháu biết không, năm 1955, lính chánh phủ đánh Bình Xuyên. Ban ngày đâu ai mua bán gì được. Chờ tới tối thiên hạ đổ ra đi mua gạo, mua củi, bán không xểu, tiền nhét đầy cả bao."
Lại vụ Bình Xuyên.

. . .

Từ năm 1948 cho đến năm 1955, băng Bình Xuyên dưới sự bao che của Phòng Nhì Pháp, đã công khai "làm ăn" ở Sài Gòn và Chợ Lớn.
Ngày 21 tháng 7, năm 1954, Hiệp Định Geneve được ký kết giữa Pháp và Dân Chủ Cộng Hòa Việt Nam. Vĩ tuyến 17 tạm thời chia hai nước Việt Nam. Pháp rút khỏi bắc vĩ tuyến 17, với thỏa thuận sau 300 ngày, một cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức ở Việt Nam để dân hai miền lựa chọn người lãnh đạo và thống nhất đất nước.
Mỹ lúc đó đã có thế lực và ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường và kinh tế thế giới. Năm 1954 Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về lãnh đạo miền nam . Nhưng với ưu thế chính trị ở Việt Nam, Mỹ e ngại Hồ Chí Minh sẽ được đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử và cộng sản sẽ lan tràn trong toàn vùng. Năm 1955, hàng trăm ngàn người miền Bắc, phần lớn là công giáo, do truyền đơn rải, đã kéo vào nam tránh họa công sản. Ngô đình Diệm sau đó tuyến bố phủ nhận Hiệp Định Geneve. Cuộc tổng tuyển cử 1956 ở Việt Nam không bao giờ xảy ra.
Quân Lực Việt Nam được thành lập ở nam vĩ tuyến 17. Sau khi Hiệp Định Geneve Ký Kết, Mỹ và Pháp đã tranh giành thế lực gay gắt trong việc võ trang và huấn luyện Quân Lực Việt Nam. Cuối cùng, ngày 11 tháng 2, năm 1955, Pháp chịu nhân nhượng và giao trách nhiệm về Mỹ.
Với các lực lượng Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên tiếp tục tung hoành ở miền Nam, mặc dầu được Mỹ đưa về, nhưng Mỹ vẫn e ngại khả năng lãnh đạo của Ngô đình Diệm. Lúc đó Ngô đình Diệm muốn tạo khí thế, nên bắt đầu bằng việc thiết yếu là phá vỡ những lực lượng võ trang miền nam để củng cố vị trí chính trị của mình.
Từ ngày 28 tháng 4, đến ngày 3 tháng 5 năm1955, trận đánh giữa Quân Lực Việt Nam và Bình Xuyên xảy ra tàn khốc. Các cuộc truy lùng gay gắt trong từng khu phố một, từng căn nhà một, trong vùng Sài Gòn, Chợ Lớn. Số quân đánh trong trận nầy nhiều hơn số quân đánh năm Mậu Thân 1968. Với số tử vong trong trận đánh sáu ngày lên đến năm trăm mạng, thương tích hai ngàn người, và hai chục ngàn người mất nhà cửa.
Quân Bình Xuyên cuối cùng bị tan rả. Bảy Viễn chạy thoát qua Pháp. Ngô Đình Diệm vào phút trót lấy lại được sự tin tưởng của Eisenhower.
. . .

Trở lại cuộc hầu chuyện vớiø bà cụ, tôi tiếp tục cuộc phỏng vấn "Bác trai có qua Mỹ không bác"" "Không, ông ấy chết năm 1970 ở Sài Gòn." Bà cụ đáp.
Trong trận đánh Bình Xuyên năm 1955 ở Sài Gòn và Chợ Lớn, ông Chánh Phát không bị thiệt hại gì cả. Mấy năm sau khi Bình Xuyên bị dẹp tan, cơ sở thương mại của ông Chánh Phát ở Phú Lâm bành trướng. Đại lý gạo của ông phân phối ra miền trung. Hai bà vợ và hai đàn con của ông sống êm vui, hạnh phúc đề huề dưới hai mái nhà, một ở Chợ Lớn Mới và một ở Phú Lâm.
Cuộc chiến Việt Nam ngày càng leo thang. Đến năm 1968, trận đánh tết Mậu Thân mới thật sự làm tan vỡ mái ấm gia đình của ông Chánh Phát.
Theo lời bà cụ, "Cháu ơi, năm đó bắn quá. Đám bà ấy, đám bác mạnh ai nấy chạy, đổ về bên Chợ Rẫy. Cũng may gia đình không mất ai."
Nhưng hai dãy phố lầu của ông Chánh Phát, mấy căn vựa gạo, vựa than, vựa dầu thì không may bị cháy rụi. Sự nghiệp tạo dựng bao năm của ông Chánh Pháp tiêu tan.
Bà cụ giọng thương xót, "Sau năm Mậu Thân ông ấy thất chí quá, lo rầu, không làm ăn gì được. Hai thằng con của bác, một đứa vô Không Quân, một đứa vô Nhảy Dù. Nhờ có người quen giới thiệu, con Xủi Làn vô bán trong bar Mỹ gần Tân Sơn Nhứt. Với tiền lương và tiền típ cũng khá nó nuôi cả nhà. Năm 70 phần buồn, phần bịnh, ông ấy mất. Năm đó ông ấy năm mươi lăm tuổi, bác được năm mươi tuổi. "
"Thế rồi bác qua Mỹ năm nào"" Tôi hỏi tiếp.
"Ngày 27 tháng Tư năm 75 thì bác với đám con đã qua tới đảo Guam rồi. Lúc đó có một sĩ quan Mỹ trên Tân Sơn Nhứt nói với con Xủi Làn nếu muốn đi đem giấy tờ thân nhân lên đưa cho nó, nó sẽ bảo lãnh đem cả nhà đi." Bà cụ đáp. Và từ năm ấy anh sĩ quan Mỹ đã là chàng rể quí của bà cụ .
Tôi vẫn thắc mắc về bà Chúng Quở. Như hiểu ý tôi, bà cụ nói luôn "Hồi bác đi, bà Chúng Quở với đám kia đâu có đi được. Chỉ có thằng con bà mà bác nuôi từ nhỏ theo bác đi được. Nhờ nó nên năm 1985, bà được bảo lãnh qua Mỹ."
"Còn cô con gái bán đổi lúa của bà Chúng Quỏcó tìm lại được không bác""
"Được cháu. Đứa con gái bên đó bây giờ có chồng con đàng hoàng. Hồi cách mạng cộng sản lên, đâu ai còn phải ở đợ cho ai. Nó được chính phủ cho đi học."
Rồi bà cụ kể qua chuyến Hoa Du Ký. "Bác với bà Chúng Quỏcó về thăm quê bên Tàu năm 87. Con nhỏ con gái bà ấy có tới nhìn má nó. Tội nghiệp con nhỏ khóc sướt mướt nhào vô ôm mẹ mà bà ấy cứ đẩy nó ra hoài không cho ôm. Bác không biết tại sao. Không ôm được mẹ, nó ôm bác khóc quá chừng."
Thắp giọng lại, bà cụ kể tiếp. "Xứ quê bên Tàu nghèo lắm cháu ơi. Căn nhà nhỏ. Nhà cầu ngồi thùng để dành phân bón rẫy. Sợ phân để ngoài bị đánh cắp, thùng để trong nhà, hôi hám, nhợm miệng bác ăn uống không vô. Còn mấy dĩa cải xào bác có dám rớ tới đâu. Hôm nào bác cũng biểu thích ăn măng, lên rừng chặt măng tươi về ăn. "
"Đi tắm trong nhà cầu hôi quá bác chịu không nổi nên bác nhờ che cái xó cạnh chuồng heo, mang nước trong sô lên để tắm. Cháu biết không, bác may cái túi con trong cái quần lồng để dấu tiền trong đó. Cởi máng lên, bác sợ nó rớt ra ngoài nương mất luôn."
Sáu mươi năm, cuộc đời kể lại chỉ trong chốc lát. Câu chuyện bà cụ kể đã xong nhưng đám tiệc đầy tháng vẫn chưa tàn.
Tôi xoay qua nhập bọn chị của Linh và đám bạn "cùng lứa" với tôi, trên dưới năm bó, đấu lý với chồng cô Dục Làn (Ngọc Lan), con gái thứ của bà cụ. Chúng tôi gọi dượng, nhưng anh ta cũng lứa sồn sồn xấp xỉ trên dưới năm bó như bọn tôi.
Năm rồi anh ta có về Sài Gòn hai tuần thăm người đẹp quen trên internet mà cô Dục Làn cứ tưởng chàng đi công tác. Cho tới hôm tình cờ cô gặp anh đồng nghiệp với chồng mình ở siêu thị mới hay chàng về Việt Nam, chứ có xếp nào phái đi công tác đâu. Cô Dục Làn không dễ gì chịu nhường, nhưng kẹt hai thằng con đang tuổi teenager, nếu gia đình có sống gió cô sợ tụi nó bỏ đi bụi đời theo băng đảng. Cô đành ép bụng theo phép nhu đạo, lấy mềm chống cứng. Chịu khó đi xăn quần áo "low cut" mặc hơi lồi rún ra cho trẻ lại. Khi anh ngoắc ngón tay trỏ cô mang lon bia tới ngay. Thôi ráng trìu như gái ở Việt Nam. Lấy lòng mấy ông có thế, chiều chuộng.
Đám tiệc đầy tháng đang đấu về thời sự "chàng-nàng". Anh chàng "Dượng" đang lên giọng, ".... Đàn bà làm sao bình quyền được. Mấy bà có khuân được đồ nặng không nào""
Đứng sau lưng anh ta, chị của Linh nháy tôi, kéo dài giọng bắc đáp lại, "Đàn bà chúng tôi đâu cần khuân, chỉ cần chỉ ngón tay là có người khuân rồi." .
"Chỉ tay không có tôi đâu mà hòng." Rồi anh "Dượng" bắt đầu sổ gossip
"Tội nghiệp ca sĩ Bê Bê ghê! Tàu vượt biên bị hải tặc bắt, cô hy sinh chịu làm nô lệ cho nó để thằng con và nấy người cùng tàu được thả ra. Sau đó cô trốn thoát qua Mỹ, kiếm được thằng con, lấy chồng gặp tay vũ phu, nhưng cô ráng ở tới chịu không thấu mới li dị. Bây giờ lấy được một ông bác sĩ. Chớ ai như cô ca sĩ Tê Hát lấy hết thằng nầy tới thằng khác."
Chị của Linh nói móc, "Nhưng mà người ta thôi một người rồi mới lấy người khác, chớ có đâu một lúc mặc cả hai áo, lấy cả hai người"" Trận võ mồm chấm dứt.
Khi chúng tôi từ giã ra về thì anh "Dượng" đang ngồi ở phòng computer của cháu vợ mình. Qua khung kiến của cánh cửa đôi, "Dượng" đang ngồi lặng lẽ "chat" trên internet.
Giờ nầy ở Việt Nam trời đã sáng rồi.

Chúc Chân
Thanks Giving 2004

Ý kiến bạn đọc
01/11/202117:13:44
Khách
<a href="https://cialiswithdapoxetine.com/#">cheap cialis</a> buy cialis usa
23/02/202117:34:52
Khách
vidalista 20 side effects <a href=https://tadalisxs.com/#>tadalafil</a> tedalafil
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,050,252
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến