Hôm nay,  

Anh Đã Mừng Đưa Em Sang Đây

10/03/200500:00:00(Xem: 143047)
Người viết: X.Y.Z
Bài số 698-1276-47-vb2-070305

Tác giả tên thật Phạm Đình Ninh, 59 tuổi, cư dân Los Angeles; Công việc: Lắp ráp điện tử. Tựa đề bài viết về nước Mỹ đầu tiên ông gợi nhớ tựa đề bài viết của một tác giả trẻ khác đã được phổ biến từ tháng 10-2004 “Anh đã lầm đưa em sang đây”.

Tối nào cũng vậy, vợ chồng anh chị luôn bận tay bận chân lo chuyện bếp núc cho ngày hôm sau. Tưởng cũng nên mở và đóng thêm dấu ngoặc đơn ở đây là, anh chị thường có mặt ở phòng bếp hơn là phòng khách, thành ra cái phòng bếp đúng là cái... living room của anh chị.
Đột nhiên anh lên tiếng:
- Em ơi...!
- Dạ...ơi! Gì đó anh"
- Nói em nghe này!
- Chuyện gì đây"
- Anh muốn nói là... anh đã mừng đưa em sang đây.
- Ứh...ừh..! Lại giở chứng "nhiều chuyện" rồi!
- Không. Anh không giở chứng "nhiều chuyện" đâu. Nói thiệt, anh mừng thiệt là mừng vậy đó!
- Bộ anh định giở trò nịnh đầm đó hả"
- Không. Anh không nịnh đâu!
- Chớ không phải anh đã... lầm như cái ông nhạc sĩ gì đó sao" Vậy thì mừng là mừng thế nào" Nói nghe coi!
- Em à...! Mừng là mừng như thế này. Số là cả tháng nay anh suy nghĩ nhiều lắm. Với cái lý lịch xám xịt đen ngòm của anh nó sẽ đeo đuổi vợ chồng mình đến suốt đời suốt kiếp...
- Nói nghe ghê quá anh!
- Thì... em nghĩ coi. Nếu mình còn ở bển thì ba đời vợ chồng con cái cháu chít nhà mình chỉ còn có nước là ca bài..." nhất mì, nhì lang, sang...sang thì... củ chuối ", phải không"
- Ối...nhắc lại chuyện cũ nghe buồn quá, anh ơi!
- Anh thì... mỗi lần nhắc lại anh càng thấy vui thấy mừng. Vì sao em biết không"
- Ờ... sao" Anh nói luôn đi!
- Em có thấy là mình đang hít thở cái không khí trong lành và thoải mái này không" Ban ngày, ra đường khỏi phải dòm trước ngó sau xem có ai theo dõi mình hay không (tuy mình không phải là kẻ gian). Đêm đến, ngủ yên giấc khỏi sợ bị gõ cửa lôi đi bất ngờ, lại còn khỏi phải lo...buông mùng nữa...
Anh đang ngon trớn trải bày cùng chị cái vui cái mừng của anh (và cũng là của chị nữa) thì, Gái Em đang học ở phòng bên chạy ào sang, rộn ràng reo lên:
- Thưa cha mẹ, hôm nay là đúng mười một năm mình ở Mỹ.
Anh chồm tới ôm chầm Gái Em, hun một cái thật kêu trên trán nó rồi khen lấy khen để:
- Úi cha...! Gái Em của Ba giỏi quá, con nhớ được ngày này, suýt nữa Ba Má quên mất, cám ơn con nghen!
Anh ngước nhìn tờ lịch trên tường, quả đúng hôm nay là ngày 19 tháng 1 năm 2005. Tính đến nay là đúng mười một năm gia đình anh sống trên đất Mỹ. Chị cũng nhanh tay vừa gắp một miếng đậu mới chiên giòn vừa nói:
- Gái Em, há miệng ra Má thưởng cho miếng đậu chiên nè!
Con bé há miệng ngoạm lấy miếng đậu âm ấm, xuýt xoa:
- Yum...yum...Ngon...quá! Cám ơn Má...!
Tổ ấm của anh chị vẫn thường hay có những " tấu khúc " vui cửa ấm nhà như vậy; mà cũng có lúc " nặng mặt nhẹ mày " vì không ăn ý với nhau qua những chuyện cỏn con, nhưng rồi cũng quên đi rất nhanh. Cả nhà rất lấy làm tiếc là đêm nay Cu Anh đang ở nội trú trong trường... Chợt chuông điện thoại reo vang, anh bắt máy, thì ra Cu Anh gọi về, anh nhanh tay ấn nút speaker cho cả nhà cùng nghe:
- Thưa Ba Má, hôm nay là đúng mười một năm mình ở Mỹ. Ba Má và Gái Em có khỏe không" Ở nhà có vui không"
Chị nhanh miệng giành phần trả lời:
- Cám ơn con, cả nhà vẫn khỏe và vui lắm! Gớm... anh em bay có hẹn với nhau không mà hai đứa cùng nhớ mà nhắc đến ngày này vậy"
- Tụi con nhớ chớ, vì tuần trước Ba có nhắc lại với tụi con mà. Ba còn nói là Má đã mua vé cho cả nhà đi coi ca nhạc vào cuối tuần này rồi. Coi như là để kỷ niệm ngày này đó!
Vậy là tối nay gia đình anh chị rất vui. Niềm vui trọn vẹn ấy có được là nhờ hai đứa con đem đến.
*
Nhìn ngược lại thì mười một năm ấy qua đi rất nhanh. Nhưng nếu tẩm nhẩm mà điểm lại từng mốc thời gian kể từ lúc anh chị và hai đứa con dại nhỏ xíu vừa chân ướt chân ráo ngơ ngác quýnh quáng bước xuống sân bay San Francisco, và...và... thì khoảng thời gian ấy chẳng ngắn ngủi chút nào, và cũng chẳng phẳng lặng như mặt nước hồ thu đâu. Cũng giống như bao người di dân tị nạn khác, nó nhiêu khê lắm, trậm trầy trậm trật lắm...
Anh nhớ hoài lời khuyên mộc mạc, chí tình và rất thực tế của một nhân viên làm việc ở sân bay này. Là người Việt gốc Hoa, với giọng ngọng líu ngọng lo, anh ta nhiệt tình khuyên:
- Hầy... Các lị lớn tuổi dồi, lừng có li học làm chi... Li học lâu có tiền lắm!... Li làm như ngộ lè, gặp cái gì cũng làm láng hết... Mau có tiền lắm! Cứ nghe lời ngộ li...!
Anh ghi nhận lời khuyên ấy với một mớ đắn đo trong đầu...
Trong số những người còn ở phòng đợi để chờ bay tiếp về Los Angeles có gia đình anh chị và P., một bạn HO mà anh vừa mới quen đây. Hai đứa con đang ngủ, chúng hồn nhiên và vô tư quá. Anh chị ngồi cạnh nhau, nhưng ít nói chuyện, vẻ uể ỏai do ảnh hưởng của chuyến bay dài vừa qua. Anh vươn vai đứng dậy, bước qua chỗ P., ngồi xuống, gợi chuyện:
- Anh P. này, chị và các cháu đâu, sao không thấy"
Tần ngần một lát, P. chậm rãi đáp nhỏ:
- Bả và sắp nhỏ không chịu theo tôi... Đành vậy thôi...!
Anh sững sờ:
- Ồ... xin... lỗi anh...!
P. trở lại cái im lặng riêng tư của mình; đôi mắt xa xôi nhìn mông vào khoảng không trước mặt, tay vân vê điếu thuốc, rê qua rê lại trước mũi mình như để thưởng thức cái mùi thơm quen thuộc bấy lâu nay; nhưng anh không thể đốt thuốc lên được vì rải rác đó đây là những tấm bảng " No Smocking" trân trọng nhắc nhở.
Anh nhìn xuống, thảo nào, dưới chân P., hành lý chỉ là một cái ba lô căng phồng với một xâu rổ rá bằng nhựa. Im lặng một lát, anh dè dặt hỏi:
- Anh đem mấy cái này theo làm gì"
P. đáp, giọng vui vui một tí:
- Đó là đồ nghề để tôi mưu sinh đó anh à!
- Anh định làm nghề gì đây"
- Nói anh đừng cười. Trước khi đi, tôi học ở chị tôi cách làm đông sương với mấy cái rổ rá này đây. Rồi tôi sẽ đi bỏ mối ở các chợ Việt Nam, hy vọng là mình sẽ có một ít tiền trong những ngày đầu ở đây.
Như đồng cảm với cái "lo trước" của bạn, anh sôi nổi góp chuyện:
- À...à! Tôi cũng vậy. Tôi đã chuẩn bị cho mình cái nghề hớt tóc. Vợ chồng tôi đã chắt chiu bỏ ra năm phân vàng để học nghề này đó anh!
P. thật tình:
- Anh vậy mà hay. Hớt tóc dạo cũng được lắm. Cứ lấy gía rẻ hơn tiệm một chút là dần dần mình sẽ có nhiều khách, lại còn được tiền " puộc boa " nữa chứ!
Vui miệng, anh "khoe" tiếp:
- Tôi còn có nghề thợ mộc nữa, anh à! Tôi học nghề này hồi còn ở tù. Ra tù, tôi đóng bàn ghế giường tủ trong một tổ hợp tác. Cuối tuần, tôi được hàng xóm thương kêu tới nhà nhờ sửa cái này cái nọ. Cũng đắp đủ qua ngày... À, đến Los rồi anh về đâu, gia đình tôi về Gardena.
- Tôi thì về Santa Monica, anh à! P. trả lời chậm rãi rõ ràng từng âm của nơi mình sắp đến.
Im lặng lại trở về. P. lặng lẽ đảo mắt nhìn quanh, rồi chợt chép miệng:
- Gia đình anh... đầy đủ quá!
Anh nghe, nhưng không đáp lại. Anh bóp chặt lấy vai P. như ngầm nói với bạn là anh hiểu, rất thấu hiểu tâm trạng của bạn lúc này. Tôn trọng sự im lặng cần có của bạn, anh khẽ đứng lên đi về chỗ mình. Thấy chị và hai con đang ngủ ngon lành, anh lại đi về phía bức tường kính trong suốt, nhìn ra ngoài. Từ nơi này anh không có ý quan sát phong cảnh chung quanh, mà chỉ chủ ý định hướng xem quê hương thân yêu hình cong như chữ S của mình ở về hướng nào, nhưng anh chẳng định ra được. Và, anh nhớ rất rõ là, mới đây thôi, mới chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ trước đây thôi, anh chị vừa nói lời chia tay chúc sức khỏe và hẹn ngày về thăm với thân bằng quyến thuộc bạn bè. Nhưng giờ lại cách xa đến nửa vòng trái đất.
Ở nửa bên kia, Má anh đã vĩnh biệt Ba anh và con cháu sau một thời gian dài lâm trọng bệnh trước ngày anh chia tay non ba tháng. Còn lại Ba anh và anh chị em của anh đang dở thầy dở thợ. Ba anh ốm yếu quá! Anh thương ông lắm! Tội nghiệp, thời gian Má anh bệnh, Ba anh lo nhiều lắm. Có khi chính ông bệnh mà ông chẳng chịu lo thuốc thang cho mình. Anh hiểu ý ông là muốn giành đồng tiền ít oi sẵn có trong nhà để lo thầy lo thuốc cho Má anh. Ôi, còn sự hy sinh nào cao quí hơn thế không!
Còn nhiều và nhiều nữa những tình cảnh đau lòng xót dạ của gia đình anh từ ngày anh đi tù. Về phía chị, Má chị vẫn còn nằm trên giường bệnh với đôi chân co quắp đến tận mông vì chứng co cơ mấy năm nay rồi. Con cháu vẫn thường xuyên thay phiên nhau túc trực bên cạnh bà để lo mớm cơm đút cháo và lo việc tiêu tiểu cho bà. Tất cả đều cố gắng lo thầy chạy thuốc đầy đủ cho người mẹ suốt đời đã từng chịu thương chịu khó nuôi dạy con cái mình.

Anh chợt thấy cay cay nơi khóe mắt. Anh biết là mình đang khóc. Anh quay mặt lại nhìn vợ con mình, họ vẫn còn ngủ ngon lành. Anh nhìn chăm chăm vào ba người rất thương yêu này và, với một động tác dứt khoát, anh lau nước mắt mình, hai hàm răng cắn chặt lại, hai bàn tay nắm chặt lại; cái quyết tâm " đứng dậy bước tới " của anh ngấm ngầm từ bao lâu nay chợt bùng lên mạnh mẽ: " Mình không được phép chùn chân!... Mình không được phép bỏ cuộc", anh tự nhủ với mình như thế.
*
Tại sân bay Los Angeles, từ tàu bay bước ra đi theo đường ống, anh gặp Sơn -- người bạn thân, sponsor của mình -- đang đứng đón anh ở cuối đường ống. Sơn reo vui lên tiếng:
- Chà, vừa thoát khỏi địa ngục hả...! Chúc mừng..chúc mừng...! À, nghỉ ngơi vài hôm rồi chuẩn bị bước vào...siêu địa ngục, nghe...!
Anh mừng quá, ôm chặt lấy bạn thay cho lời cám ơn sâu đậm nhất.
- Sơn, mày khác quá...Tao nhìn không ra!
- Hai mươi năm rồi chớ ít sao!
- Nếu mày không lên tiếng chắc tao chẳng nhận ra đâu, vì mày " nói rất hay ".
- Hà...hà, lại trổ tài nói lái hả...! Mày chọc tao " nay rất hói " hả...!
Cả hai phá lên cười giòn tan. Đôi bạn vẫn giữ được cái máu tếu như xưa.

Khoảng hai tháng sau khi ổn định chuyện ăn ở, hơi quen nước quen cái ở thành phố này rồi, anh chị lo cho Cu Anh đi học, trường cũng gần nhà, đi bộ chừng mươi phút thôi. Ngày đầu tiên đến trường thật là khổ sở cho cha con anh. Với cái vốn liếng tiếng Mỹ không đủ " ăn đong " của mình, anh đã xin được cho con vào học ba tháng cuối lớp Hai sau khi đã gôm tới gôm lui muốn... lủng cái đơn xin nhập học. Chưa hết đâu, ở trường, con anh bị mấy đứa trẻ cùng lớp chọc phá và ăn hiếp, trong đó có cả thằng bé người Việt, có lần nó bảo: " Mày về Việt Nam mà ở! ". Nghe con kể lại anh chị buồn và giận lắm. Hôm sau, đưa con đến trường, gặp cô giáo, anh vừa nói vừa dùng động từ “ tu quơ “ để trình bày cho cô giáo biết là con anh mới đến Mỹ nên gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại. Anh chỉ nghe cô giáo nói toàn là Ừh ứh!...Yes!... Ứh ừh!...No!..., thế thôi. Những ngày kế tiếp, mỗi lần ra khỏi cửa để đi học là con anh ríu chân lại rồi nhìn má nó như...cầu cứu, nước mắt chảy dài. Anh đau lòng lắm, cũng chực rơi nước mắt, nhưng cố nén để chứng tỏ rằng mình vẫn là cái trụ cột vững chắc của gia đình. Gái Em thì mới có hai tuổi, còn nhờ má đút cơm mà.

Một hôm, đi chợ mua một miếng đậu mà hai đứa con rất thích ăn gía một đô, qui ra tiền Việt lúc đó là mười ngàn đồng, chị chùn tay, nhưng không mua thì lấy gì cho con ăn nên chị phải bấm bụng mà mua...Vì là dân tị nạn chính trị và có con mọn nên gia đình anh chị được chính phủ trợ cấp hằng tháng. Nhưng đâu có đủ. Anh bàn với chị:
- Em à, chẳng lẽ mình ngồi nhà mà lãnh trợ cấp hoài sao. Sơn nó nói nửa đùa nửa thật là mình đừng có... "nằm đó mà nghiên cứu... đẻ" để được hưởng tiêu chuẩn có con mọn, sẽ không có lối thoát đâu!
Chị chép miệng thở dài:
- Em hiểu chớ..., nhưng mà mình mới qua mà anh! Chỉ sợ mình bị ra khỏi trợ cấp sớm thì chỉ có nước... ôm con mà khóc.
Anh quả quyết:
- Nhưng anh phải đi làm, phải đi làm thôi! Ở nhà làm... Mr. Mom riết chắc anh... điên mất!
Biết tính anh lúc nào cũng như nước sôi, chị khéo léo nhỏ nhẹ góp ý:
- Đừng gấp anh! Để từ từ rồi tính chớ! Hay là như thế này..., mình nhờ người quen chở áo quần ở shop may về cho mình cắt chỉ.


Xoa xoa cái cằm với nhúm râu cả tuần quên cạo, anh dịu giọng tán đồng:
- Ờ...ờ... Em nói nghe được! Thôi... tạm thời như vậy đi!
Thế là kể từ chiều hôm sau, chiều nào cũng vậy, một người quen tốt bụng chở về cho anh chị hai bao áo quần.
Cắt từ tối suốt tới sáng, còng lưng mỏi cổ, chẳng được ngủ chút nào, vậy mà cuối tuần anh chị chỉ nhận được năm mươi bảy đô! Nhìn chị xuống sức và hốc hác thấy rõ vì phải thức đêm thức hôm lại phải lo cơm nước ban ngày, cầm lòng không đậu, anh đi xin cắt chỉ và ủi áo quần ngay tại shop may, thu nhập ít cũng được, có còn hơn không!
Vì chưa có xe hơi và chưa có bằng lái, Sơn đưa anh đến Target mua chiếc xe đạp mới keng khoảng một trăm đô (anh...đắng miệng!) để tạm thời làm chân đi. Sơn nói như thế mới bảo đảm, khỏi phải sợ hư sảng dọc đường, vì ở xứ này đâu có chỗ sửa xe đạp dọc đường. Anh đạp xe chở con đi học rồi đi làm luôn vì trường học và chỗ làm gần nhau, cũng tiện.
Ủi và cắt chỉ chừng vài ba tháng thì anh nghỉ ngang xương sau khi nhận cái check tiền công cuối cùng, vì anh bực mình gã chủ shop ăn nói hỗn xược: "Mấy ông HO qua đây chỉ giỏi... vạch quần bắt rận chớ làm được cái gì!" -- nghĩa là lần mò tìm mối chỉ mà cắt.
Anh tìm việc làm trên báo. Ở xứ này việc gì nghề gì cũng đòi hỏi phải có lai-xân cả, mà cái khoản này thì anh ... thua. Anh lại đạp xe đi xin làm chân phụ việc, nhưng..." châm" quá! Sực nhớ mấy bà làm ở shop may hay tán gẫu với nhau về nghề nail, anh bàn với chị:
- Em à, hay là mình đi học nail. Anh nghe nói nghề này học nhanh mà kiếm tiền cũng nhanh...
Anh định nói là chị đi học nghề này thì hợp hơn, nhưng thấy chị yếu quá lại có vẻ... "con nai vàng ngơ ngác", anh nói luôn:
- Anh sẽ đi học nail, nghe! Anh tin là anh học được, anh sẽ ráng...
Chị mạnh miệng nói vô:
- Ừ... Anh đi học đi! Em ở nhà lo cho hai đứa nhỏ và cơm nước. Ráng nghe anh, chẳng có ai... ráng giùm cho mình đâu!
Thế là anh dọ hỏi địa chỉ rồi lật bản đồ tìm đường đến trường nail. Một buổi sáng nọ, anh để xe đạp ở nhà cho chị dùng khi cần, anh hăng hái đi bộ đến trường nail. Anh đi một block lại chạy một block, theo cách đi của hướng đạo ấy mà -- vì trước kia anh là hướng đạo sinh.
Ơ, mà sao đường đến trường hun hút thế! Sợ lạc, gặp ai anh cũng chìa miếng giấy có ghi tên trường ra hỏi, nhưng ai cũng trả lời: "Sorry, I don't know!". Mãi rồi cũng đến nơi, tính ra khoảng hai tiếng đồng hồ. Anh thở dốc, mồ hôi ướt đẫm cả áo, anh ngồi nghỉ một lát ở phòng khách. Tò mò, anh đảo mắt nhìn lớp học. Ối dào...! Nữ nhiều hơn nam, đa số là mấy cô tre trẻ không hà! Mà lúc đó anh cũng xấp xỉ “năm bó“ rồi và phải mang kính lão. Anh nghĩ là mình đã qua cái tuổi học nail; nhưng thây kệ, đã đến nước này rồi thì... " tới luôn!".
Giám đốc nhà trường khuyên là ở tuổi anh nên học lớp Tóc - Nail, lợi hơn. Ừ...Tóc - Nail...thì...Tóc - Nail! Thế là anh điền đơn, đóng một phần tiền, nhận kit và bắt đầu buổi học đầu tiên tại một station với vài ba cái đầu tóc gỉa. Với cái giọng cưng cứng lơ lớ, cô giáo trẻ măng giảng bài bằng tiếng Việt xen lẫn tiếng Mỹ " đề huề " với nhau, anh nghe muốn...bùng lỗ tai. Cô chỉ cách chải-rẽ-cuốn-cắt từng lọn tóc một cách nhuần nhuyễn và thoăn thoắt, anh nhìn muốn... chóng mặt. Rồi cô hạ giọng trong trẻo:
- Chú hiểu chưa, chú có...catch up không"
- Thưa cô...chưa! Nhờ cô lập lại...chầm chậm cho!
Rồi cô chịu khó giảng lại tỉ mỉ vì cảm thấy anh... " chậm tiêu " quá. Cô chỉ lại chậm rãi từng động tác thực tập trên đầu tóc gỉa. Và, anh đã hiểu chút chút.
- Giờ thì chú...catch up rồi phải không! Easy money...mà! Chú...do it yourself đi! Cháu qua station kia giảng tiếp. I'll be back!
Anh chưa kịp nói tiếng nào thì cô đã băng qua station khác rồi. Còn lại mình anh với cái đầu tóc gỉa có đôi môi đỏ chót cong cớn như thách thức anh. Anh chăm chỉ chải-chải-rẽ-rẽ như anh đang tập đồ tập viết ở lớp mẫu giáo thuở ngày xưa còn bé.
Giờ ăn trưa, anh ăn qua loa rồi ra bãi đậu xe nhìn trời nhìn mây, không phải để làm thơ đâu, mà là để thấy thấm thía rằng mình đang lạc lỏng ở cái xứ... Tạp Chủng Quốc " ai nói nấy nghe " này. Anh lẩm bẩm: " Mình phải đi học i-ếch-eo mới được! ". Chợt có một ông trạc tuổi anh đến gợi chuyện:
- Xin lỗi, anh qua diện hát - ô phải không"
- Dạ phải...! Ủa... mà sao anh biết"
Ông bạn nheo mắt cười " sành đời ":
- Ối...nhìn... màu da...biết liền, anh ơi! Tui cũng dậy!
Anh cười theo:
- Hì...hì...! Anh giỏi thiệt...! À, anh học lớp gì, bao lâu rồi"
- Tui học Tóc - Nail, gần ba tháng rồi.
- Có khó không anh"
- Trước khó, sau...quen, anh à! Nè, tui góp ý với anh như thế này!
- Dà..., mong anh giúp cho.
- Theo kinh nghiệm mấy người học trước tui thì, cánh đàn ông mình học xong khó tìm chỗ làm lắm.
Anh chớp mắt:
- Dậy hả"
- Ờ...Tốt hơn hết, như tui đây, nói bà xã đi học trước. Có bằng, bã đi làm trước. Có đồng dô đồng ra rồi thì đến lược mình học sau, hay hơn.
- Ồ...phải quá! Nhưng tui đã đóng học phí rồi, mình đổi ý được không"
- Được chớ sao không! Ở Mỹ mà, anh chưa biết thôi, hàng mua rồi dẫn có thể đổi hoặc trả lại được nếu mình còn giữ rì-xíp.
- Dậy sao!
- Thiệt đó! Lát nữa anh dô dăn phòng xin đổi như ý tui nói đó!
- Cám ơn anh! Cám ơn anh nhiều lắm!
- Không có chi! Gu...út lất!
Vào văn phòng, anh " ca bài con cá... " , xin đổi được cái rụp.
Và, cũng theo cách đi của hướng đạo, anh về nhà với hai bàn chân dộp da, gót chân bị trầy, rát lắm vì nay mới có dịp mang giày da, lại vừa đi vừa chạy đường xa. Thấy mặt mũi anh bơ phờ, chị lo lắm, hỏi anh có sao không. Chị nói anh nghỉ ngơi đi, chuyện đâu còn có đó, đừng lo quá mà sinh bệnh, rồi chẳng làm được gì. Tắm táp, cơm nước xong, Cu Anh và Gái Em coi phim hoạt hình ở phòng khách, hai anh em cười nắc nẻ dù chẳng hiểu gì. Mà cái xứ này ngộ thiệt, từ em bé tới em lớn, từ em lớn tới cụ ông cụ bà, ai ai cũng thích dán mắt vào cái màn hình cả, vì chương trình ti-vi thì luôn có đủ các tiết mục hấp dẫn cho nam phụ lão ấu. Nếu chán, thì có video phim bộ Hồng Kông thứ thiệt (chứ không phải Hồng Kông... bên hông Chợ Lớn đâu). Khi nào sắp nhỏ không coi ti-vi thì anh coi, dù nghe không kịp và hiểu không kịp, anh cũng vẫn mở, gọi là để luyện...lỗ nhĩ đó mà! Giờ thì anh chị thủ cái ra-dô đài tiếng Việt. Nào tin tức, quảng cáo, nào talkshow, cải lương, tân nhạc...cũng rôm rả xôm tụ lắm! Chị đang mê mẫn cái mục talkshow vì nó na ná như cái mục " Gỡ rối tơ lòng " của Bà Tùng Long xưa kia. Anh " lịch sự " chờ đến khi hết talkshow này anh mới lên tiếng. Anh thuật lại diễn tiến của buổi đi học sáng nay, dĩ nhiên là không quên nói đến cái chuyện " đổi ý " nọ. Thật không ngờ, chị bằng lòng ngay. Anh mừng lắm! Đến lượt anh mạnh miệng nói vô:
- Ừ... Em đi học đi! Anh ở nhà lo cho hai đứa nhỏ và cơm nước. Ráng nghe em, chẳng có ai... ráng giùm cho mình đâu!
Chị nguýt một tiếng, sắc gọn:
- Hứ...! Anh trả đũa em... hả! " Gậy em đập lưng em "... hả!
Vậy là từ giờ anh trở lại làm... Mr. Mom. Có sao đâu!
Sáng hôm sau, sau khi đưa Cu Anh đến trường và gởi Gái Em cho chị chủ nhà, anh mượn thêm một chiếc xe đạp, mỗi người một chiếc, anh trước chị sau nhắm hướng trường nail, trực chỉ…
Mỗi chiều, khi chị đi học về thì việc nhà đâu đã vào đó. Anh lấy xe đi học i-ếch-eo. Lớp học khoảng hai mươi lăm người, chỉ mỗi mình anh là người Việt. Anh nghe thầy cô và bạn học nói như nghe... nhạc ngoại quốc, vui lắm! Nói vậy chớ anh thấy mình cũng có tiến bộ chút chút. Anh dạn nói và chịu khó nghe hơn. Anh cũng đã thi đậu phần viết của bằng lái xe, thứ bảy chủ nhật hằng tuần thì anh học lái. Ông thầy dạy lái phán rằng các thói quen lái xe ở Việt Nam phải bỏ, dứt khoát bỏ, nghe hông! Đến ngày thi lấy bằng lái, có một chuyện vui vui đáng nhớ như thế này. Ông thầy dắt hai người, một gìa một trẻ đi thi. Ổng nói với một trẻ: " Hôm nay, anh đậu! ", và nói với một gìa, tức là anh: " Đợt sau, anh đậu! ". Nhưng..., trời à, kết quả thì ngược lại! Ông thầy đắng miệng, vò đầu bứt tai. "Ối...! Học tài thi phận mà!", anh nói cho ổng bớt... đắng miệng và cũng để vuốt... buồn cho một trẻ kia. Tháng sau, nhờ người quen hỏi giùm, anh mua được chiếc xe đời…”Cô Lựu “ – cũng chẳng sao, cũ người mới ta , có “ chân đi “ là tốt rồi! Hồi học lái, vì anh lớn tuổi nên ông thầy đâu dám chỉ anh chạy freeway. Có bằng rồi, sau khi quen chạy “ lô cồ “, anh mím môi nín thở rồi…tự lên freeway. Ở những giây phút đầu tiên này anh nghe rất nhiều tiếng còi xe kêu inh ỏi. Tự lên nhiều lần như thế anh không còn phải mím môi nín thở nữa và cũng chẳng còn nghe những tiếng còi inh ỏi đó nữa.
Thấm thoát cũng sắp đến ngày chị đi thi nail. Cái này mới khó đây vì phải thi lý thuyết bằng tiếng Mỹ. Để chị đỡ vất vả và khỏi nản lòng, anh cùng học bài với chị; học ngày học đêm. Anh nghĩ, chỉ có cách là học nhớ mặt chữ thì mới dễ… tô vào ô đúng. Anh chị cũng tập lui tập tới nhiều lần phần thi thực hành cho thật nhuyễn.Trời thương, chị thi đậu. Anh chị mừng quá, mừng muốn rơi nước mắt! Bây giờ thì đổi phiên, anh học nail, chị học i-ếch-eo. Thời gian sau, nhờ bạn giới thiệu, chị có chỗ làm lại được cô chủ tiệm đón đi đưa về, thế là chị chia tay lớp i-ếch-eo. Chị đã có nghề. Có nghề rồi, chị học lái xe. Mới đầu, chị khớp lắm. Về sau, dạn dĩ dần. Rồi chị thi đậu lái xe cái một. Phẩn chị vậy là yên rồi. Khi chị đi làm thì anh xin đổi học nail vào cuối tuần, vì anh cần phải làm… Mr. Mom nữa.
Nhờ chị học trước chỉ lại và cũng nhờ anh đã cùng học bài với chị trước kia nên việc học nail của anh thật thuận buồm xuôi mái. Cuối khóa, anh thi đậu, lấy được bằng nail. anh chị mừng lắm. Anh hí hửng vác cái lai-xân hiên ngang đến mấy tiệm nail xin vào làm. Nhìn “diện mạo“ của anh, chủ tiệm nào cũng “ lịch sự “ xin anh số phone để khi cần sẽ gọi. Nhưng, sẽ…vẫn là…sẽ! May sao, ít tháng sau, cô chủ tiệm của chị thông cảm nhận anh vào làm cuối tuần. Thế là anh chị lao đi làm. Chị, full-time và anh, part-time.
Anh biết, với cái tuổi của mình thì khó mà làm nail lâu dài được; nên mỗi tuần hai đêm anh học lớp sửa xe hơi ở trường dạy nghề giành cho người lớn. Vì kém tiếng Mỹ, chừng hai tháng thì anh bỏ lớp. Biết phận mình, anh lại học tiếp i-ếch-eo. Và theo “chiến thuật lấy ngắn nuôi dài“, anh vẫn làm nail, part-time. Năm sau, anh học lớp lắp ráp điện tử; xong, anh học tiếp lớp vỡ lòng computer rồi lớp sơ cấp kế toán. Được mấy cái certificates để làm “bùa“ rồi thì cũng kịp lúc có người bạn giới thiệu anh vào làm ở một hãng điện tử. Làm miết từ đó đến nay. Phần anh vậy là cũng yên rồi.
Sau năm năm kể từ cái ngày quýnh quáng kia, anh chị đậu quốc tịch Mỹ. Anh chị thầm cám ơn cái ráng của mình. Đúng là, chẳng có ai… ráng giùm cho mình đâu!
Anh cũng mừng vì sắp nhỏ nữa! Anh chị còn an tâm và có niềm vui là hai đứa con biết nghe lời mình, chăm học và học hành cũng ra gì lắm. Năm nay, Cu Anh lên năm thứ Nhất đại học, Gái Em thì học lớp Tám. Lại thêm, hai đứa nói tiếng Việt khá sõi, ấy là cũng nhờ cuối tuần đến chùa học Việt ngữ. Ở nhà thì nói tiếng Việt với nhau, thỉnh thoảng coi phim bộ lồng tiếng Việt.
Năm rồi, anh và Cu Anh về nước để mừng thượng thọ ba anh tám mươi tuổi. Gái Em theo má ra sân bay đưa tiễn, nói:
- Chúc…Ba và anh Cu Anh thượng lộ bình an!
Anh lưu luyến ôm Gái Em vào lòng:
- Cám ơn con!
Trong bữa tiệc Mừng Thượng Thọ, Cu Anh cầm nhánh hoa, khoanh tay lễ phép thưa:
- Dạ, cháu kính chúc Nội phước như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn!
Nội sướng quá xoa đầu cháu. Giọng lạc đi trong nước mắt hạnh phúc, ông khen:
- Giỏi quá! Cháu học câu này ở đâu dậy"
Cu Anh thật thà thưa:
- Dạ, cháu học ở…phim bộ.
Cả nhà cười ầm lên. Nội mắng yêu:
- Cha mày…! Mày giỏi hơn cha mày nhiều!,
Rồi hun tới tấp lên mặt thằng cháu cưng cao hơn ông và ba nó một cái đầu.

*
“Anh mừng là mừng như vậy đó, em ơi! “.

X.Y.Z

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,224,702
Tác giả sinh năm 1959 tại Đà Nẵng; Cựu nữ sinh NTH Hồng Đức Đà Nẵng từ 1969- 1975. Đến Mỹ năm 1994 diện HO cùng ba và các em, định cư tại tiểu bang Georgia. Hiện là nhân viên công ty in Scientific Games tại Atlanta, tiểu bang Georgia. Bà đã từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ. Tựa đề bài viết mới của bà là tên một ca khúc Trịnh Công Sơn.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Bài mới nhất, tác giả viết về Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951tại miền Bắc VN, di cư vào miền Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ cho tới ngày 29 tháng Tư 1975. Vượt biển và định cư tại Mỹ năm 1980, làm thư ký văn phòng chính ngạch tại City of San Jose từ 1988-2006. Về hưu vào tuổi 55, hiện ở nhà chăm nom các cháu nội ngoại. Sau đây là bài viết thứ ba của bà.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ. Cô tên thật Trần Minh Châu, 38 tuổi, quê quán Sài Gòn, định cư tại Mỹ mới hơn 6 tháng theo diện kết hôn, hiên đang sinh sống tại Hillsboro, tiểu bang Oregon. Đã tốt nghiệp cử nhân Anh văn tại Đại học Tổng hợp Sài Gòn. Công việc trước đây tại Viêt Nam là biên dịch từ tiếng Anh ra tiếng Việt, và công việc hiện tại là nội trợ, đang tìm việc làm phù hợp.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc. Bài Phan mới viết là tùy bút về mùa Lễ Tạ Ơn đang tới.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015. Sau đây là bài mới của ông.
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ, hiện có tiệm Nails ở Texas và lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ XIX. Sau đây, thêm một bài viết mới của bà.
Tác giả bắt đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2017. Ông sinh năm 1944 tại Thừa Thiên, Huế, cựu học sinh Nguyễn Tri Phương, Quốc Học. Trước 1975, là cảnh sát quốc gia. Cựu tù cải tạo. Làm rẫy vùng kinh tế mới. Đến Mỹ theo diện HO từ 1993, ông có 12 cuốn sách đã xuất bản. Bài viết mới là tự truyện của một “ông nhà văn kiêm thằng bỏ báo” như bạn hữu thân tình gọi tác giả.
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài “Nước Mỹ là nhà của Mị” ký tên thật là Quynh Gibney. Mười ba năm trước, sau khi kết hôn với một nhạc sĩ Mỹ, cô theo chồng về Sonoma County, vùng đất nổi tiếng với vượu vang của Napa Valley. Hiện nay, gia đình đã dọn về San Diego và sau đây là chuyện về công việc cô đang làm: thông dịch viên chính thức của Tòa Án Liên Bang.
Đây là một bài mới tác giả viết về tâm trạng của con cái khi phải đưa cha mẹ già vào nursing home. Tác Giả tham dự VVNM năm 2015, được giải danh dự trong năm đầu (2016) và giải “Vinh danh tác phẩm” ( Á khôi) năm 2017. Ông là một chuyên viên về hưu, đang định cư tại Orange County.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến