Hôm nay,  

Nước Mỹ Và Thân Phận Người Da Đỏ

19/02/200500:00:00(Xem: 311943)

Người viết: TRƯƠNG TẤN THÀNH
Bài số 687-1263-34-vb5-170205

Tác giả Trương Tấn Thành, ngụ tại Lacey, WA. Tốt nghiệp MA, ngành giáo dục năm 2000, hiện là trợ giáo cho trường dạy người da đỏ và giảng viên parttime cho Đại học cộng đồng SPSCC, Olympia, WA. Sau đây là một bài viết đặc biệt của ông.

*

Ở xứ Mỹ, mỗi khi có một người da đen hay da vàng trở thành nạn nhân của sự kỳ thị chủng tộc, báo chí và mọi người đều công khai phẫn nộ nhưng trước sự kỳ thị còn tàn nhẫn hơn gấp trăm lần đối với người Da Đỏ thì từ quá lâu rồi, chỉ thấy sự bình thản làm ngơ.
Tân Định, khoảng năm 1957
- Tuần này ba dẫn con đi xem phim cao bồi đánh với mọi da đỏ nghe ba.
Tôi còn nhớ rõ lúc nào tôi cũng khoái loại phim "cao bồi đánh với mọi da đỏ" này. Mỗi lần bên da đỏ càng bị bắn ngã xuống ngựa là tôi lại thấy mình càng muốn làm "cao bồi" chừng nấy! Tôi ưa hỏi ba tôi:
- Tụi da đỏ sao ác quá vậy ba" Bị cao bồi bắn chết là phải!
….Lacey năm 1998
Đại học The Evergreen State College, Olympia, tiểu bang Washington State. Ngày khai giảng chương trình Cao Học Giáo Dục đào tạo giáo viên cho người Da Đỏ. Tiếng của bà giáo sư người Da đỏ trong bài diễn văn mở đầu chương trình học tôi vẫn còn nhớ:
"Sự bóc lột môi trường và chính sách vô nhân đạo nhằm tiêu diệt, đồng hóa và lấy đi quyền sở hữu đất đai của các dân tộc bản xứ người Da Đỏ có thể bị xem là tội ác lớn nhất mà con người gây ra cho con người. Thật là khó mà hiểu nổi một cấu trúc chính phủ dân chủ như vậy có thể gây sự bất công cho các quốc gia của bộ tộc bản xứ. Lý tưởng "mọi người đều bình đẳng" không được tôn trọng bởi chính phủ Hoa Kỳ trong trường hợp mang tính cách lịch sử này".
Cho tới khi tôi ghi danh theo dự chương trình đào tạo giáo viên cho người da đỏ này thì trong trí của tôi "mọi da đỏ vẫn là mọi da đỏ". Đã dùng từ "mọi" thì không có chút gì "văn minh" trong đó. Dân da đỏ đối với tôi là những gì man rợ, tàn ác, giết người không gớm tay, ăn lông ở lỗ. Tôi còn nhớ những cảnh trong phim cao bồi chiến sĩ da đỏ lột cả da đầu của dân da trắng để làm chiếm lợi phẩm! (sau này khi đi sâu vào chương trình tôi được biết là có những người da trắng còn xỏ sâu lỗ tai của người da đỏ để phô trương chiến công của mình).
Thật tình thì tôi theo học chương trình này vì sau khi học bốn năm ra tôi tìm không ra việc nên đành phải ráng học thêm để mượn fiancial aid và có work study mà sống và mong sau này có cái bằng không chừng dễ kiếm được việc làm hơn. Nhưng càng đi sâu vào chương trình và được học, hiểu thêm về người da đỏ và thân phận của họ tôi mới thấy là họ quả thật là đáng thương và nhất là đáng trọng.
Người da đỏ không chấp nhận từ "Indians" mà người Mỹ gán cho họ. Họ muốn được gọi là "Native Americans" người bản địa của Châu Mỹ. Columbus khi "khám phá" ra Châu Mỹ (điều này vẫn còn là một vấn đề bàn cãi về lịch sử) thì tưởng đây là xứ India (Ấn Độ) nên gọi người bản địa ở đây là Indians. Còn người da đỏ thì đã hiện diện ở Châu Mỹ này có lẽ cả trăm năm trước khi Columbus đặt chân tới!
Người da đỏ cũng tự hào với những bộ tộc của mình ở trên đất Mỹ và dùng danh xưng là "Native Nations" (các quốc gia bản địa) chớ không phải từ "tribes", những bộ tộc bán khai không có tổ chức về cai trị. Người da đỏ tuy không có "một lối sống văn minh" theo quan niệm của người da trắng nhưng họ có nền văn minh riêng của họ và lối sống theo những giá trị tinh thần riêng và bối cảnh riêng. Nếu ta nghĩ cho kỹ thì nền văn minh hiện tại với đầy rẫy những tội ác, bạo động, tôn thờ vật chất thì chúng ta nên đặt câu hỏi "Chúng ta có đang sống ở một xã hội văn minh thật sự không""
Người da đỏ đặc biệt là miền Tây Bắc nước Mỹ sống theo lối cộng sinh và cá nhân phục tùng đa số và phụ thuộc vào tập thể. Quyền hành không lan rộng ra khỏi bộ tộc trong đó "tộc trưởng" không có quyền hành tuyệt đối như ta tưởng. Trật tự xã hội của người da đỏ được phân thành hàng "cao quý" và "hèn hạ" nhưng không phải là xã hội thuần giai cấp. Tuy quyền lãnh tụ là thế truyền nhưng quyền hành vẫn có thể có được nhờ uy tín. Bộ tộc hình thành với nhiều gia tộc có thân nhân ở các bộ tộc khác. Sự phân biệt quà tặng chứng tỏ giai cấp xã hội và quyền hành về chính trị. Càng cho đi nhiều của cải, càng chứng tỏ được là có nhiều danh vị và quyền lực. Tuy lệ cho đi tiêu biểu nhất của người da đỏ là tục "potlatch". Trong một buổi lễ long trọng, người chủ tặng quà cho những khách được long trọng đón mời. Theo tác giả Suttles và Jonaitis trong quyển "History od the reasset in Ethnology" thì đối với người da trắng tục potlatch là một sự phô trương phù phiếm. Nhưng trong thực tế, tục này có hiệu lực tạo nên nghĩa vụ và nới rộng sự liên hệ xã hội kết nối con người với nhau, bảo vệ họ chống lại kẻ thù và sự nghèo đói. Tục potlatch hàm chứa trong nó ý nghĩa "bảo tồn môi trường" khi đem so sánh với cách thức đi tàn phá thiên nhiên để tìm nguồn tài vật của người da trắng.
Đối với người da đỏ, giữa con người và thiên nhiên có một mối liên hệ chặt chẽ về văn hóa, tâm linh và vật chất, giữa tình gia thuần và tính hoang dã. Thế giới của họ là một thế giới tổng thể, bái vật, của những linh hồn có thể vừa độc ác vừa vừa thuần thiện. Ý niệm của người da đỏ về của cải là của sự nối kết giữa người và thiên nhiên. Họ không xem thiên nhiên như là món hàng sở hữu để thương mại. Thú vật, cá tôm cây trái có thể được dùng nhưng không được xem đó là "vật" hay "tài nguyên" mà cá nhân lấy làm sở hữu. Kẻ nào lạm dụng và tàn phá thiên nhiên sẽ bị ghê tởm và chịu hình phạt bởi các thần linh trong trời đất. Chỉ trong vòng hơn hai thế kỷ mà người da trắng đã thay đổi và làm tổn hại tận gốc tất cả mọi giá trị vật chất lẫn tinh thần đó của người da đỏ.
Cho đến ngày cuối của chương trình về mặt chuyên môn thì tôi không biết mình hấp thụ được ở mức nào nhưng về mặt cảm thông với thân phận của người da đỏ của mình thì tôi phải nói thật là sâu đậm.
Nếu "một hình ảnh có hiệu lực bằng ngàn lời nói" thì tôi phải nhận là sau khi xem cuốn phim "Where the Spirits Live" nói về chế độ đồng hóa người da đỏ của chính quyền Mỹ bằng chính sách thành lập các trường nội trú ép buộc trẻ con da đỏ thời đó tôi thấy thật không khác gì các trại tù cải tạo của cộng sản đối với người của chế độ miền Nam ta.
Người da đỏ khoảng đầu thế kỷ mười chín bị tập trung vào những khu dành riêng cho họ gọi là "reservation". Trong đó người da đỏ bị lột bỏ tất cả y phục cổ truyền của họ, bị cắt tóc ngắn và tập ăn muỗng nĩa, nhận tên mới theo lối người da trắng, phải học tiếng Anh và học kinh thánh. Kỷ luật trong trại thật là khắc nghiệt. Hình phạt biệt giam, bỏ đói là chuyện bình thường. Số người bị đói ăn vì bị chận bớt khẩu phần và bệnh tật vì thiếu thuốc men và nhiều người bị chết vì bệnh, nhất là bệnh lao. Bài hát về thân phận của người da đỏ trong các trại tập trung của thập niên sáu mươi hiện vẫn còn đang thịnh hành "Cherokee People" chân tả về thân phận của bộ tộc Cherokee, nói lên được tất cả sự tàn nhẫn và thâm độc của một chính sách đồng hóa đối với người da đỏ:
"Họ bắt chúng tôi nhốt vào những reservations, họ tước đoạt đi lối sống quen dùng tên ná, cấm chúng tôi nói tiếng của mình để học tiếng Anh. Họ không cho chúng tôi kết chuỗi, đan lát (thủ công nghệ dân gian của người da đỏ) để đeo những thứ nữ trang xa lạ. Nhưng tuy chúng tôi bị buộc phải mặc áo sơ mi và thắt cà vạt nhưng trong thâm tâm chúng tôi vẫn là những dân da đỏ, sống kiêu hùng và chết cũng kiêu hùng."
Một trong cách để văn minh hóa người da đỏ là dạy tiếng Anh và cưỡng ép một nền giáo dục "trắng" cho trẻ da đỏ. Các vị bô lão nhận ra rất sớm là sự giáo dục ép buộc đó chỉ cung cấp cho trẻ của họ những kỹ năng không thích hợp với lối sống cổ truyền của tổ phụ người da đỏ. Những đứa được thả về với cha mẹ của chúng bỏ ngay đi cái học bắt buộc đó và trở lại với ngôn ngữ và lối sống của bộ tộc mình.
Chính vì sự vô hiệu quả đó mà chính phủ Mỹ đã thành lập những trường nội trú "boarding schools" do người da trắng quản trị và dùng cả võ lực để bắt trẻ con da đỏ vào trường. Chúng ta hãy nghe một thành viên của bộ tộc Blackfoot tả lại kinh nghiệm của mình khi bị bắt đi vào các trường nội trú:
Bọn lính tới lùa chúng tôi lại, không đứa nào chịu đi, cha mẹ chúng tôi cũng không muốn chúng tôi đi. Chúng tôi khóc lóc vì đây là lần đầu bị tách rời khỏi cha mẹ mình. Đôà đạc chúng tôi mang theo, kể cả cái túi đựng thuốc men mẹ chúng tôi cho để phòng bệnh cũng bị lấy đem ra chất đống và đốt.”
Còn gì đau lòng cho bằng cảnh chia lìa mẫu tử này và thật đáng kinh khiếp cho cái nhẫn tâm của chính sách thâm độc không kém gì các "trường cải tạo" nhằm giết lần giết mòn người bị giam giữ.
Năm 1832 sau khi thành lập các reservations để nhốt người da đỏ, chính phủ Mỹ thành lập “Văn Phòng Đặc Trách về người da đỏ” và gởi các đại diện đến các trại để thi hành các luật lệ và phân phối thực phẩm cùng các nhu yếu phẩm khác cho các bộ tộc. Những viên chức da trắng này đã tham nhũng ăn chận và mua những thực phẩm hư thối, phẩm chất tồi tệ cho người da đỏ bị nhốt trong trại.
Nhằm mục đích hoán cải người da đỏ sang đạo Cơ Đốc, chính quyền thi hành chính sách truyền đạo cưỡng bức nhưng không mấy thành công. Cuối cùng, chính phủ quyết định cấm tất cả việc thi hành các hình thức tôn giáo cổ truyền của người da đỏ trong trường.


Năm 1883, bộ trưởng bộ nội địa Henry M Teller thành lập "tòa án xử tội phạm da đỏ" về tôn giáo. Theo luật này thì bất cứ người da đỏ nào thực hành tôn giáo của tổ tiên họ sẽ bị hình phạt là cắt bỏ khẩu phần và bị bỏ vào nhà giam. Chính trong thời điểm này, một tôn giáo mới của người da đỏ có tên là Ghost Dance (Điệu nhảy ma quái) đã lan rộng trong các bộ tộc Sioux ở miền Tây. Điệu nhảy này do người cầm đầu là lãnh đạo tôn giáo người da đỏ tên Wovoka. Ông hứa với người da đỏ là với điệu vũ này và sự thường xuyên nhảy múa sẽ tiêu diệt được những người da trắng đã chiếm đất đai của mình. Điều này làm cho các nhà lãnh đạo quân sự Mỹ lo lắng vô cùng. Họ sợ rằng tín đồ đạo sẽ nổi lên chống lại người da trắng. Nỗi lo sợ này đã dẫn đến một cuộc tàn sát người da đỏ thảm khốc nhất trong lịch sử Mỹ.
Đó là cuộc thảm sát ở Wounded Knee ngày 29 tháng Chạp năm 1890, một nhóm 106 chiến sĩ của bộ tộc Sioux khoảng ba trăm năm chục người đóng trại ở Wounded Knee bị quân đội Mỹ ra lệnh phải giao nạp súng. Những chiến sĩ này là tín đồ của đạo Ghost Dance. Trong khi lính Mỹ lục soát hành trang của các chiến sĩ da đỏ thì bất ngờ có tiếng súng nổ. Ngòi pháo đã châm lửa. Hai bên giao chiến với nhau và bắt đầu cho cuộc thảm sát người da đỏ thê thảm tột cùng. Lính Mỹ bắn xối xả vào các chiến sĩ này và gia đình vợ con, cha mẹ của họ.
Khi trận chiến ngưng thì có chừng ba trăm nam phụ lão ấu người da đỏ bị sát hại, phần đông là đàn bà, trẻ con và các bô lão da đỏ. Đây phải nói là một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử của người da đỏ. Nếp sống cổ truyền của họ bị cố tình thiêu hủy, giờ lại bị thảm sát không nương tay. Nhiều người da đỏ bị mất hẳn tinh thần, họ không còn sống được cuộc sống bình thường như trước khi người da trắng đến. Họ bị ép buộc bằng mọi cách phải từ bỏ tất cả những gì họ xem là thiêng liêng. Vậy mà chính phủ Mỹ vẫn còn tìm mọi cách để chiếm thêm đất đai của họ.
Đến cuối những năm 1800 thì phần lớn đất đai của người da đỏ đã bị lấy mất. Dù vậy, chính trị gia ở miền Tây nước Mỹ vẫn muốn chiếm thêm đất của người da đỏ cho dân da trắng đang tìm đất để định cư. Theo đạo luật General Allotment Act năm 1887 thì các khu đất bao la dành cho người da đỏ bị chia thành lô. Mỗi tộc trưởng được chia cho 160 acres (1 acre bằng 0.4047 mẫu tây) và mỗi người trên mười tám tuổi được 80 acres. Chính phủ Mỹ nắm bằng khoán đất trong thời gian là hai mươi lăm năm. Sau đó thuộc về quyền sở hữu hoàn toàn của chủ đất.
Trên thực tế thì lối sống du mục của người da đỏ không thể bị giới hạn trong lô đất chia đó. Gia súc họ nuôi cần phải được lùa đi kiếm ăn ở những đồng cỏ gần sông suối mà lắm khi lô đất chia cho họ chỉ là khô cằn và sỏi đá. Để sinh tồn họ phải cho dân định cư da trắng mướn lại đất và từ từ phần đất của họ bị chiếm và lôi kéo thêm nhiều dân định cư từ xa kéo ào tới. Chẳng những họ bị tước đoạt đi đất đai mà cả quyền sở hữu những lâm hải sản nằm trên phần đất của họ cũng vậy. Trường hợp điển hình nhất là sự tước đoạt quyền đánh cá của bộ tộc Billy Franks thuộc vùng Old Nisqually, tại exit thuộc liên xa lộ 1-5 thuộc tiểu bang Washington ngay chính nơi tôi đang phục vụ cho trường Wa He Lut, trường dành riêng cho trẻ da đỏ.
Theo sử liệu của Hội Sinh Tồn Người Da Đỏ (survival of American Indians Association) thì năm 1855 thống đốc tiểu bang Washington Issac Stevens có hứa với tộc trưởng Billy Franks của khu reservation ở Nisqually là:
"Ngày nào sông còn chảy (as long as the rivers run) sóng còn vỗ và nắng trời còn chiếu, các bạn (bộ tộc của cụ Franks) sẽ còn giữ đất đai, cá tôm và thú rừng để ăn và cây gỗ để làm nơi trú ngụ."
Nhưng thực thế thì sao"
Khu Reservation ở Nisqually rộng 205 acres được chính phủ Mỹ cấp cho cụ Bill Franks năm 1854 nhưng sau đó bị chiếm lấy để thành lập trại Fort Lewis chỉ còn chừa 6 mẫu cho bà Maiselles Bridges, hiện nay có tên là Franks Landing. Cụ bà M. Bridges có ba người con gái, tên Mỹ là: Alison, Suzette và Valerie, mảnh đất này nằm cạnh ngay con sông Nisqually lịch sử nơi cụ tổ B. Franks cặp xuồng vào bến để gây dựng tộc của mình nên gọi là Bến đo ãlanding của Franks. Nơi đây gia tộc Franks mùa hè làm rẫy, mùa thu đánh cá salmon để sinh sống. Nhưng sau đó Bộ ngư Nghiệp của Mỹ dùng Đạo Luật Bảo Tồn Môi Trường (Conservation Act) để cấm gia tộc Franks đánh cá ngay trên phần đất của mình!
Năm 1964 tổ chức vì sự sống còn của người Da đỏ đã tổ chức biểu tình lớn lao ngay dinh thống đốc tiểu bang Washington để tranh đấu cho quyền đánh cá của các bộ tộc từ Nisqually cho tới Tacoma.
Năm 1968 tổ chức này có thanh niên võ trang để bảo vệ ghe và lưới đánh cá, nếu không sẽ bị chánh quyền tháo gỡ, tịch thu. Sau đó họ đã tổ chức đánh cá salmon ngay ở cầu downtown Olympia để công chúng được chứng kiến cảnh đàn áp của chánh quyền. Thật vậy, cảnh sát tiểu bang đã ào tới đánh đập và bắt gần hết nhóm người trong gia tộc Franks ngay trước công chúng và báo chí chỉ trừ bà Maiselles và con gái. Sau đó, một hôm trong khi hai mẹ con bà đang lưới cá gần nhà thì từ bên kia bờ của trại Fort Lewis lính tiểu bang cho ghe máy chạy qua bắt lấy hai người qua bên bờ bên này. Bà Maisells không chịu buông lưới nên bị cảnh sát lôi sền sệt lên bờ tống vào xe chở đi giam.
Trong một cuộc biểu tình lớn xảy ra ở dinh Thống đốc, cô Alison đã gào thét thảm thiết về thân phận bi thảm của gia đình mình rằng:
- Đây là một xã hội "người ăn thịt người" xin mọi người biết cho rằng chính quyền đã giam giữ gia tộc tôi và cướp đi phương tiện sinh sống để sống còn ngay trên phần đất của chúng tôi!
Cô con gái Út của bà Maiselles là Valerie đã không ngừng tranh đấu bằng mọi phương cách, kể cả phương cách kết hợp với các bộ tộc khác và người bạn ở Alaska bằng phương thức bạo động. Một đêm nọ trên đường về gia tộc, cô đã bị mất tích và sau đó xác của cô tìm thấy được dưới dòng sông Nisqually. Đám tang của cô là một sự đoàn kết của nhiều bộ tộc, kể cả các bộ tộc ở Canada xuống và họ thề rằng sẽ tiếp tục tranh đấu cho sự sống còn của người da đỏ:
"Ngày nào dòng sông này còn chảy, ngày ấy chúng tôi sẽ chiến đấu cho Valerie và cho sự sống còn của chúng tôi".
Tôi xin đoan chắc rằng bất cứ ai khi xem cuốn phim tài liệu này đều thấy vô cùng đau buồn và cực kỳ phẫn nộ cho sự đàn áp của chánh quyền đối với gia tộc của cụ Billy Franks và người da đỏ nói chung.
Sau đó để tránh sự kỳ thị của các trẻ con da trắng đối với trẻ con người da đỏ các trường công, năm 1974 bà Maiselles đã đứng ra thành lập trường Wa He Lut, tên một dũng sĩ da đỏ ở Nisqually, dành riêng cho người da đỏ là trường tôi đang phục vụ hiện giờ.
Trường bắt đầu từ khởi thủy là một căn nhà chòi cho đến sau trận lụt năm 1996 đã được văn phòng đặc vụ người da đỏ tài trợ trên năm triệu đôla và tiền lời từ tiệm bán thuốc lá của tộc Franks để trường có được một kiến trúc đồ sộ, tiện nghi như ngày hôm nay.
Cảm thương với thân phận và ý hướng đứng đắn của Ban Giám Hiệu nhà trường, trong chuyến về thăm nhà tôi đã nhờ một anh bạn họa sĩ họa bức chân dung của dũng sĩ Wa He Lut để tặng trường -hiện đang treo trên tường trước cửa chính vào trường- để tỏ lòng kính trọng và ngưỡng mộ.
Người da đỏ đã cam chịu đau khổ vô vàn và ảnh hưởng tai hại sự áp bức vẫn còn kéo dài tới ngày hôm nay. Sự chiếm đoạt đất đai và bóc lột người là nguyên nhân chính đẫy người da đỏ vào chỗ nghèo đói, tự hủy và suy tàn về văn hóa. Người da đỏ đã bị tước đoạt sinh lực và những gì quý giá của họ: những giá trị tinh thần và môi trường họ sinh sống.Văn hóa và lối sống của ho bị dồn vào thế phải tự huỷ. Sự áp bức đã lấy đi môi trường thiên nhiên nuôi sống họ. Chúng ta hãy nghe nhận xét về nhân quả của sự áp bức này của tác giả Robin Cody của một tờ báo ở Portland, Oregan:
"Nếu thiên nhiên là phương cách sống còn thì người da đỏ như là con cá bị vớt ra khỏi nước. Họ phải chịu sống một đời sống bị tha hóa, bị tước đoạt về mặt chánh trị, văn hóa và nhất là về tâm linh. Sự vô trách nhiệm của chính phủ Mỹ đối với họ báo trước cho sự hủy diệt về con người và hậu quả thảm khốc cho sự toàn vẹn của môi trường đầy tràn những di sản của người da đỏ. Nói tóm lại, sự vô trách nhiệm này về đất đai và con người chắc chắn sẽ dẫn đến một chung cuộc thê thảm và kẻ hứng chịu chẳng ai khác hơn là tất cả chúng ra".
Với sức mạnh dân chủ và những nguyên tắc pháp lý ngày càng được phát huy trên đất Mỹ, người Mỹ da đỏ lâu nay đã phần nào dễ thở hơn. Nhưng hậu quả những chính sách tàn tệ mà họ phải chịu đựng hiện vẫn còn kéo dài.

Khi nước Mỹ tuyên chiến với phát xít Nhật, những kiều dân Nhật tại Mỹ đã bị lùa vào trại tập trung và đối xử tàn tệ. Nửa thế kỷ sau, những nạn nhân người Mỹ gốc Nhật đã nhận được lời chính thức xin lỗi và sự bồi thường từ chính quyền Mỹ. Nhưng, cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn chưa thấy có lời xin lỗi chính thức nào về những chính sách tàn tệ đối với người da đỏ, -những người Mỹ bản địa hảo tâm từng góp quà cho Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại lục địa này.
Riêng đối với tôi, một thân phận nhỏ bé và yếu thế trong cộng đồng quá to lớn và đầy sức mạnh của kim tiền và thế lực tại xứ Mỹ này, tôi thực sự thương cảm với số phận của người da đỏ và nhận ra rằng nếu chúng ta không biết đoàn kết và phục vụ cho quyền lợi chung của cộng đồng mình thì số phận bi thương của người da đỏ biết đâu lại chẳng là của chính mình" Dù sao, tôi tin chắc rằng điều đó sẽ không thể đến với chúng ta, phải không các bạn"

Trương Tấn Thành

Ý kiến bạn đọc
25/06/201815:25:22
Khách
Bài viết hay và gây nhiều cảm xúc.
Nếu nói theo Luật Nhân Quả thì nước Mỹ nói chung và người Mỹ da trắng nói riêng sẽ phải gánh chịu những hệ quả nghiêm trọng do những bất công mà họ đã gây ra do hành động kỳ thị chủng tộc của o^ng cha họ.
Wait and See.
28/10/201404:12:42
Khách
xin cam on vi bai viet nguyenwendy1981@gmail.com
28/10/201404:09:50
Khách
sau khi doc xong va toi rat cam dong .Xin cam on ong Truong tan Thanh.
toi da ket hon voi nguoi da do duoc 2 nam nhung nghe nhieu nguoi noi kg tot.nhung sau khi doc bai nay thi cam thay thuong chong
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,403
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến