Hôm nay,  

Sen Hồng Đang Bộ

06/01/200500:00:00(Xem: 134119)
Người viết: LINDA LEE
Bài số 691-1233-03-vb8020105

Linda Lee, tên thật Đặng Quí Ngọc, cư dân Garden Grove, Nam California, là tác giả viết về nước Mỹ đã được trao tặng giải thưởng đặc biệt năm thứ ba với bài viết Cô Y Tá Mỹ. Đây là chuyện kể của người con có niềm tin về giá trị hiện hữu của bà mẹ, dù bà đau ốm lâu năm trên giường bệnh...
Sau đây là bài viết mới nhất của bà.

Tôi vừa trang điểm xong. Phấn son làm mặt tôi bớt xanh xao, nhưng chiếc áo dài Việt Nam khá chật lại làm thân hình đẫy đà của tôi thêm ú na ú nần. Lẽ ra mặc kiểu Mỹ thì dễ coi hơn nhưng tôi vẫn cố mặc quốc phục khi phải tiếp khách ngoại quốc tại nhà, phần để giữ thể diện gốc Việt phần để thích hợp với lối trang trí trong phòng khách có nón lá đàn tranh, tấm sơn mài tả cảnh cây rơm mái rạ và chiếc kệ cẩn xà cừ thờ Phật và ảnh mẹ tôi.
Ngộ một điều là khách của tôi bữa nay chẳng phải người ơn nghĩa hay bề thế gì mà chỉ là một cô gái Mỹ bình thường, tuổi 19 và tên Vicki nhưng tôi phải trang trọng hơn thường lệ vì cháu chính là bạn của Johnny, đứa con duy nhất của tôi.
Johnny sanh trưởng tại Mỹ đã quen Vicki khá lâu ở trường, bây giờ thân mật hơn sao đó nên mới dẫn về nhà giới thiệu. Theo Johnny, Vicki là Mỹ 100% nghĩa là cha mẹ đều gốc Âu và tổ tiên đã nhiều đời ở Mỹ.
Một mình ngồi chờ Johnny đi đón Vicki đến, tôi mơ xa lại nghĩ gần. Nếu một mai hai cháu có duyên nợ, tôi phải làm sao đây với biết bao sự cách biệt giữa mẹ chồng nàng dâu. Cách biệt tuổi tác, ngôn ngữ, chủng tộc đã đành nhưng sao khỏi ái ngại về cách biệt phong tục và tín ngưỡng vì đã Mỹ 100% như Vicki thì hẳn là thờ phượng Thiên Chúa. Tôi không kỳ thị tôn giáo và nghĩ cũng đành chấp nhận thôi nhưng sẽ buồn biết mấy nếu không được thấy cảnh hai cháu khấn lạy Phật và ảnh mẹ tôi trong ngày cưới.
Khi Johnny đưa Vicki vào phòng khách, tuần nhang trên kệ thờ chưa tàn, tôi vội hỏi Vicki như để xin lỗi là cháu có dị ứng với mùi nhang không. Cháu lắc đầu rồi nói qua ánh mắt rất hồn nhiên là cháu cũng theo đạo Phật.
Tôi sửng sốt trước khi mừng rỡ. Có thể nào cô gái tóc vàng hoe mắt xanh thẳm này là người đồng đạo.
Biết bao nhiêu điều tôi náo nức muốn hỏi thêm như tự ý cháu theo đạo Phật hay qua cha mẹ, đi chùa, thầy nào, Mỹ hay Việt, nhưng sực nhớ đám trẻ không thích mấy người lớn hạch hỏi, tôi chỉ thành thật nói là mừng thấy cháu và Johnny có điểm giống nhau rồi lảng sang chuyện khác.
Khi Johnny đưa Vicki ra về, tôi đâm ra thắc mắc không biết bằng cách nào đạo Phật đã đến Mỹ.
Từ đó, tôi dành một ít thì giờ rỗi rảnh đến thư viện đọc không thiếu gì sách báo viết về Phật giáo ở Mỹ, rồi cố tóm tắt lại để san sẻ với những người muốn biết thêm về vấn đề này.
*

Sự hiện diện đầu tiên của Phật giáo ở Mỹ được ghi nhận vào năm 1844, khi tạp chí triết học "The Dial" ở New England đăng bản dịch Kinh Liên Hoa. Nhưng thuở đó người Mỹ chưa mấy ai để ý đến Phật Giáo.
Từ năm 1849 bắt đầu có các đợt di dân của người Trung Hoa đến California lập nghiệp, lúc đầu hàng trăm rồi đến hàng ngàn vào thời "Gold Rush" khi người bản xứ đổ xô về đây tìm vàng. Hầu hết những người Trung Hoa này là Phật tử nhưng việc thờ phượng và tu tập chỉ giới hạn trong cộng đồng của họ nên chưa có ảnh hưởng trực tiếp nào đến người Mỹ.
Về mặt gián tiếp, chính nhờ sự có mặt của họ, một số văn sĩ và các nhà tư tưởng Mỹ hiếu kỳ và phóng khoáng bắt đầu tìm hiểu và viết về văn hóa cũng như tín ngưỡng của Á Châu, trong đó có Phật giáo. Tác phẩm của những người này đã gieo ý niệm Phật giáo và phản ảnh tư tưởng Phật Giáo đến giới trí thức Mỹ, xin nêu danh tánh số người Mỹ có cơ duyên và công quả với Phật Giáo này: Trước hết là ông Henry David Thoreau viết cho tờ "The Dial" kể trên và thuộc khuynh hướng của nhóm Transcendentalists" (những người theo chủ nghĩa siêu việt luận, nghiên cứu liên hệ huyền bí giữa người với thiên nhiên và vũ trụ). Ông trích dẫn kinh điển, luận giải Phật Giáo với sự tinh tế và thiện cảm. Kế đến là ông Ralph Waldo Emerson mục sư, văn sĩ và triết gia ở Massachusetts, cũng trong nhóm "Transcendentalists" Ông không đồng ý với tất cả giáo lý của Đức Phật nhưng nêu ra những điểm phù hợp với quan niệm của ông như: Sự phân biệt bản thể với ngoại cảnh chỉ là ảo giác và ảo giác này sẽ tan biến khi được giác ngộ. Đặc biệt hơn cả có lẽ là ông Henry Steel Olcott và bà Helena Petrovna Blavatsky gốc Nga, bạn đồng chí hướng của ông. Hai người cùng sáng lập hội Theosophical Society (thông thần học) ở Nữu Ước năm 1875 nghiên cứu quan điểm Phật Giáo và Bà La Môn về thuyết luân hồi và sự tiến hóa của tâm linh, cũng như làm gạch nối giữa Ấn Độ và các nước phương Tây, không chỉ truyền bá Phật pháp họ còn quy y Tam bảo năm 1880 tại Tích Lan khi đang tham gia Phật sự ở đó và trở thành người Mỹ gốc Âu đầu tiên làm như vậy.
Trở về với người Trung Hoa, ngoài việc được coi là những phật tử đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ họ còn kiến lập ngôi chùa đầu tiên vào năm 1853 ở San Francisco, chính họ đã đặt nền tảng Phật giáo ở Mỹ.
Bây giờ chuyển qua việc phát triển và xây dựng cấu trúc Phật giáo tại đây thì phải kể đến các học giả và thiền sư Nhật. Tiếng nói chính thức của Phật giáo được cất lên lần đầu tiên ở Mỹ là khi Thiền sư Soyen Shaku thuyết giảng về lý nhân duyên trong đạo Phật tại Diễn đàn thế giới của các tôn giáo (World's Parliament of Religions) ở Chicagon năm 1893. Cuộc thuyết giảng gây được tiếng vang trong quần chúng Mỹ. Một nhà xuất bản của Illinois, ông Paul Carus, tiếp xúc với thiền sư Shaku để viết cuốn "The Gospel of Buddha" (Giáo lý của Đức Phật). Người Nhật cũng bắt đầu dịch kinh sách Phật ra anh ngữ, trong đó có tiến sĩ Suzuki.
Sau bao năm tận tụy với công việc này ông trở thành dịch giả kinh sách Phật tài giỏi và khả kính nhất và được mời giảng dạy tại Đại học Columbia, với uy tín này ông đã phát động mạnh mẽ phong trào thiền học trong thập niên 1950.
Người Mỹ gốc Nhật lại sáng lập một số hội đoàn Phật giáo đầu tiên ở Mỹ như đoàn thanh niên Phật tử Young Men's Buddhist Association tương tự như YMCA của Thiên Chúa giáo, hội Phật giáo Bắc Mỹ Buddhist Mission to North America bắt đầu hoạt động năm 1899 cải danh thành Buddhist Churches of America (các giáo hội Phật giáo của Mỹ) năm 1945. Đặc biệt là họ lúc nào cũng tìm cách chấn chỉnh các tổ chức Phật giáo để mở tầm hoạt động đến toàn thể phật tử ở Mỹ thay vì chỉ giới hạn riêng từng cộng đồng thiểu số. Trong nỗ lực này, Phật giáo hội Hoa Kỳ mở trụ sở chính ở quận Bronx thuộc thành phố Nữu Ước năm 1964 để phát huy Thiền học toàn nước Mỹ.
Trên đây là sơ lược những bước đầu của Phật Giáo ở Mỹ, nổi bật những đóng góp lớn lao của người Trung Hoa, Mỹ và Nhật.
Giờ xin nói ngay đến thời gian gần đây và hiện tại, khi Phật giáo trở nên phổ thông hơn và bất ngờ sinh động hẳn lên trong dòng chính Mỹ.
Bất ngờ nữa là động lực chính của sự sinh động đó lại xuất phát từ hai cộng đồng sinh sau đẻ muộn: Tây Tạng và Việt Nam.
Số người Tây tạng ở Mỹ thì chẳng là bao so với các sắc dân thiểu số khác, nhưng họ được quần chúng Mỹ đặc biệt lưu tâm và có thiện cảm từ thập niên 1950 khi Trung Quốc bắt đầu thống trị Tây tạng với chính sách hà khắc hơn khiến hàng trăm ngàn Phật tử xứ này trốn sang Ấn Độ sống lưu vong.
Thêm vào đó, sự huyền bí của Tây tạng với các truyền thống Phật giáo kỳ diệu, cũng như các cuộc viếng thăm Mỹ của Đức Đạt Lai Lạt Ma (được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1989) với những buổi thuyết pháp cởi mở và xúc cảm, đã gây được ảnh hưởng trong một số sinh hoạt ở Mỹ, đặc biệt là lãnh vực điện ảnh.
Điều này rất quan trọng trong việc đưa Phật giáo đến gần quần chúng Mỹ hơn vì họ rất thích xem phim và tự hào về kỹ nghệ điện ảnh của họ (Họ đã bầu các tài tử Clint Eastwood vào chức thị trưởng, Arnold Schwarnegger chức thống đốc và Ronald Reagan chức tổng thống. Có người nói sản xuất một cuốn phim hơn là xây một tu viện vì tu viện chỉ đứng một chỗ còn phim thì đi khắp nơi, mặt khác chi phí thực hiện một cuốn phim ở Mỹ thường là nhiều hơn chi phí xây một tu viện.)


Thật ra trong thập niên 1930 đã có phim "Lost Horizon" chiếu cảnh Tây tạng với các tu sĩ Phật giáo sống trong một tu viện hẻo lánh trên dãy Hy Mã Lạp Sơn, nhưng không nói gì đến Phật giáo. Mãi đến thập niên 1990, Hollywood chung cuộc mới sản xuất một số phim có thực chất Phật giáo như "Little Buddha" gồm hai tiểu truyện: một em bé Mỹ được coi là có thể trở thành Lạt Ma và tiểu sử của Thái tử Tất Đạt Ma, phim "Seven Years in Tibet" về một người Áo đã quy y Tam Bảo trong khi sống ở Tây Tạng, đặc biệt là phim "Kundun" về cuộc đời của Đức Đạt Lai Lạt Ma từ nhỏ đến khi lưu vong ở Ấn Độ. Phim này được truyền thông Mỹ nói đến rất nhiều vì có sự tham gia thực hiện của hai người nổi tiếng đương thời là nhà soạn nhạc Philip Glass và đạo diễn Martin Scorsese. Mặt khác cũng có một số tài tử Mỹ ngưỡng mộ Phật giáo, điển hình là siêu sao Richard Gere của phim "Pretty Women" "An Officer and a Gentlemen" và mới đây là "Shall We Dance". Anh hiện là một phật tử và tích cực giúp đỡ cộng đồng Phật giáo Tây tạng đang lưu vong ở Ấn Độ. Các tài tử Hollywood khác chịu ảnh hưởng Phật giáo là Sharon Stone, Patrick Swayze và Willen Dafoe.
Nhưng không chỉ có Hollywood quay phim Phật giáo. Một số hãng phim độc lập cũng có lúc chọn đề tài Phật giáo như phim "The Jew in the Lotus" (người Do Thái trong đóa sen) thể hiện các mối liên hệ giữa tín đồ Do Thái Giáo và tu sĩ Phật Giáo.
Ngoài điện ảnh, Phật giáo cũng ảnh hưởng đến nhạc Mỹ. Đối với số đông thích rock and roll, bài ca đầu tiên họ nghe nói đến Phật giáo hẳn là "Bodhisattva" (Đức Bồ Tát) của Steely Dan năm 1973. Theo thời gian, có thêm các nhạc sĩ theo đạo phật như anh Herbie Hancock, dương cầm thủ nhạc Jazz và danh ca Tona Turner, cả trong thể nhạc rap cũng có thanh hưởng Phật giáo qua ca nhạc sĩ Adam Yauch trong ban The Beastie Boys từng đoạt giải MTV Music Award 2001. Anh đặt tên nhạc phẩm của anh là "Bodhisattva Vow" (Lời Nguyện Bồ Tát) vì anh nguyện quy y Phật pháp.
Một số nhạc sĩ khác lại soạn những ca khúc tán tụng giáo lý của Đức Phật như Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, tiêu biểu nhất là các bài trong hai băng nhạc "Dharma Moon" (Ánh Trăng Giáo Pháp) và "Bottom of the Sea" (Đáy Đại Dương) của ca đoàn Dharma Moon dưới sự hướng dẫn của nhạc sư Parimata Nathaniel.
Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma và Phật Giáo Tây Tạng đã chuyển hóa sự quan tâm đến Phật giáo của một số người Mỹ thành sự say mê Phật giáo.
Sự chuyển hóa này rất mực quan trọng vì nhờ yếu tố say mê, người Mỹ có thái độ tích cực hơn với Phật giáo.
Bây giờ đến lượt Việt Nam.
Hẳn nhiên cộng đồng phật tử Việt Nam tại Mỹ thành hình và tăng trưởng qua các đợt di tản từ Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, nhưng sách báo Mỹ đều ghi nhận hai vị tiên phong của Phật Giáo Việt Nam ở Mỹ là quý thầy Thích Thiên Ân và Thích Nhất Hạnh.
Thầy Thích Thiên Ân đến Mỹ năm 1966 với tư cách giáo sư thỉnh giảng tại Đại Học UCLA ở Los Angeles. Sinh viên ở đây cảm phục thầy nên thỉnh cầu thầy mở rộng phạm vi giảng dạy, đặc biệt là Thiền.
Thầy sáng lập và làm viện chủ Thiện Viện Quốc Tế năm 1970 rời Viện Đại Học Đông Phương năm 1973.
Năm 1975 thầy sáng lập Chùa Việt Nam ở Los Angeles và có cơ duyên giúp số đông Phật tử di tản định cư ở Nam California.Mấy năm kế tiếp thầy sáng lập và tham gia thành lập một số cơ sở và hội đoàn khác, quan trọng nhất là cùng thầy Thích Mãn Giác mời các hội phật giáo Việt Nam thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1978.
Người Mỹ cũng xem thầy là một nhà văn khéo kết hợp Đông Tây và đã hướng dẫn một số trí thức Mỹ thành các nhân vật chính yếu của Trung Tâm Phật Giáo Hoa Kỳ.
Thầy viên tịch năm 1980 và vị kế nhiệm là Thầy Thích Mãn Giác, Hiện hàng năm các hàng giáo phẩm và phật tử đều cử hành lễ tưởng niệm để ghi nhớ công quả của thầy trong việc phát huy Phật giáo ở Mỹ.
Thầy Thích Nhất Hạnh đến Mỹ năm 1961 để nghiên cứu tôn giáo tại Đại học Princeton và thuyết giảng phật giáo tại đại học Columbia, thầy trở về Việt Nam năm 1964 rồi sau định cư ở Pháp và chỉ viếng thăm chứ chưa bao giờ thường trú ở Mỹ. Người Mỹ bắt đầu quý mến thầy từ giữa thập niên 1960 qua cuốn "Lotus in the Sea of Fire" (Đóa sen trong biển lửa) phản ảnh quan niệm của Phật giáo về chiến tranh và thể hiện ý nguyện của thầy về một giải pháp hòa bình cho chiến cuộc Việt Nam bấy giờ.
Những năm tiếp đó, người Mỹ lại đọc thêm hàng chục văn thi phẩm của thầy về phật giáo, hầu hết bằng anh ngữ, chỉ một ít nguyên tác Việt ngữ được chuyển dịch như "Đường Xưa Mây Trắng" (Old path white clouds, dịch giả từ nữ văn sĩ và đông y sĩ Mobil Ho) và "Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy" (Teachings on Love, dịch giả là Mobil Warren và Annabel Laity). Các sách nguyên tác anh ngữ tiêu biểu của thầy là Peace is Every Step về tỉnh thức trong cuộc sống thường nhật, Love in Action về cải thiện xã hội bằng tình thương và Zen Keys về thực tập Thiền. Qua các cuốn sách này thầy hướng dẫn hết sức tinh tế việc áo dụng giáo lý cao siêu của Đức Phật vào việc giải quyết các vấn đề tầm thường của từng cá nhân, gia đình và xã hội Mỹ đương thời. Sự hướng dẫn này không chỉ được truyền đạt qua sách báo, lập tu viện. Dân chúng Âu Mỹ xưng tụng thầy là vị sư có ảnh hưởng và được trọng vọng nhất ở phương Tây chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma, cố mục sư Martin Luther King, Jr....nhà lãnh đạo tranh đấu nhân quyền của người Mỹ gốc Phi Châu đã đề cử thầy lãnh giải Hòa Bình Bobel.
Công của thầy là vô lượng trong khi bài này là một tóm lược thô sơ nên chỉ xin kể thêm một công quả quan trọng khác của thầy là việc du nhập chủ thuyết phật giáo phải dấn thân giúp cải thiện nếp sống xã hội (Engaged Buddhism). Cuốn "Buddist Faith in America" liệt kê việc du nhập này vào mục các mốc lịch sử trọng đại của Phật giáo ở Mỹ với lời chú "Thập niên 1960: Vị sư Việt Nam Thích Nhất Hạnh du nhập vào phương Tây chủ thuyết phật giáo dấn thân". Tiêu biểu cho ảnh hưởng của chủ thuyết này là việc thành lập liên minh phật tử dấn thân đa quốc gia "Buddhist Alliance for Social Engagement" để thực hiện các chương trình hỗ trợ công tác xã hội, trước tiên là ở Mỹ rồi sẽ đến Châu Mỹ La Tinh và Á Châu. Họ tuyển thiện nguyện viên, hướng dẫn, cung cấp phương tiện và gởi đến các nhà tù, bệnh viện, bệnh xá, lưu xá người vô gia cư, lưu xá người mắc bệnh nan y, dưỡng trí viện, dưỡng viện lão niên, trại cải huấn thiếu niên phạm pháp tụ tập phật giáo để cải thiện bản thân hay hoàn cảnh.
Dẫu sao, chủ lực của cộng đồng Phật giáo Việt Nam ở Mỹ chính là các thầy và hàng trăm ngàn phật tử di tản. Sự đóng góp của họ vào việc phát triển phật giáo ở Mỹ thật không thể tưởng tượng được. Chỉ 30 năm qua và chỉ riêng tại California, họ đã kiến lập trên 100 ngôi chùa, tịnh xá, tịnh thất, tu viện, tự viện, thiền viện, niệm phật đường, tổ đình và đạo tràng (theo thống kê của chùa Pháp Vân, CA). Con số tại các tiểu bang khác là trên 150, cộng chung toàn nước Mỹ là trên 250. Tại các nơi đông đúc người Việt Nam đã đành nhưng cả các nơi xa xôi hẻo lánh như Alabama cũng có Chùa Giác Chánh, Indiana có Chùa An Lạc, Utah: Chùa Tam Bảo, New Hamshire: Chùa Phước Diện.
Giới thẩm quyền tôn giáo ước lượng tổng số phật tử ở Mỹ hiện nay từ 4 đến 6 triệu, đa số thuộc các cộng đồng Trung Hoa, Nhật, Việt Nam, Thái Lan, Đại Hàn, Ấn Độ, Cam Bốt, Miến Điện và Lào.
Phần cuối xin trở lại chút riêng tư: qua mấy tháng xem sách báo kể trên, một số hình ảnh đã làm tôi xúc động và sẽ không bao giờ quên như: Sự hiện diện của Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài ở Mỹ, cảnh mấy người Âu cao lênh khênh bước cạnh thầy Thích Nhất Hạnh để thực tập Thiền hành: tuần báo Times đề ngày 13/10/1997 với hình bìa và một thiên phóng sự đặc biệt về Phật giáo ở Mỹ (Times là tuần báo đông độc giả nhất phát hành trên 4 triệu số mỗi kỳ) ảnh một toán đông học sinh trẻ măng và toàn gốc Âu đang tập ngồi Thiền, mắt nhắm lại nhưng nụ cười tươi tắn, thanh thản.
Tiếc không thể đi xa hơn vì đây không phải là một bài biên thảo. Xin xem đây chỉ là lời quê góp nhặt, mong được lượng thứ nếu có sai lầm, để viết thêm về nước Mỹ, nơi mà chính sách tự do tôn giáo sáng tỏ như ánh mặt trời để trăm loài hoa biểu tượng tôn giáo cùng đua nở, trong đó có những đóa sen hồng đang độ.

Linda Lee

Ý kiến bạn đọc
15/09/201609:53:42
Khách
Kính xin Tòa Soạn forward bài "Sen Hồng Đang Độ" đến tên và địa chỉ dưới đây. Thành thật cảm tạ.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,309,181
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo