Hôm nay,  

Phía Núi Bên Kia

28/12/200400:00:00(Xem: 349169)
Người viết: KAREN N. NGUYEN
Bài số 685-1227-vb7251204

Tác giả Karen N. Nguyen, trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Với hai bài đặc biệt “Chuyện Cấm Đàn Ông” và “Viết Cho Em Trai Tôi” cô là tác giả được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Sau đây là bài viết mới của cô.

Vân mở mắt, nhìn quanh. Buổi sáng yên tĩnh làm sao. Căn phòng của Vân vẫn còn chìm một phần trong bóng tối. Vân liếc nhìn cái đồng hồ báo thức ở trên bàn gần đó, mới hơn 6 giờ sáng. Ở bên nhà hàng xóm có tiếng radio bật nho nhỏ, xướng ngôn viên đang đọc một bàn tin bằng tiếng Việt, Vân nghe loáng thoáng chữ mất chữ còn. Có tiếng chân đi gấp gáp ở phía bên ngoài, có tiếng 2 người đi ngang qua cửa, vừa đi vừa nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt. Vân lăn người qua một bên, ôm lấy cái gối, nhắm mắt lại. Không gian xung quanh Vân, với bài phát thanh bằng tiếng Việt trên radio, với những giọng nói Việt Nam ở phía bên ngoài, gợi nhớ đến những sinh hoạt đầu ngày trong con hẻm nhỏ của nhà Vân ở Saigon vô cùng. Nhắm mắt lại, Vân cứ ngỡ là mình đang trở về sống ở Việt Nam. Rồi tim Vân nhói lên một cái không phải, không phải Việt Nam đã xa, xa lắm rồi. Vân không sống ở Việt Nam, Vân rời Việt Nam hơn chục năm rồi, Vân sực nhớ ra như vậy. Căn phòng nhỏ Vân đang ở không phải ở Saigon, mà nằm trong một ngôi nhà ở Houston, Texas. Nhà của Toàn.
Vân quen Toàn dạo đi học Anh Văn buổi tối ở Đại Học Tổng Hợp ở Saigon. Nhà Vân được gia đình người bác bảo lãnh đi Mỹ, hồ sơ nộp gần cả chục năm rồi bây giờ mới rục rịch chút đỉnh. Lớp học có gần năm chục sinh viên, hơn phân nữa là đang nộp hồ sơ xin đi nước ngoài. Vân ở nhà học tiếng Anh chữ mất chữ còn, lại buồn nên quyết định ghi danh vào lớp đại học ban đêm ở trường để may ra học có thêm kết quả. Ghi danh học, nhưng Vân không mong đến ngày cầm tấm bằng tốt nghiệp trong tay, bởi như vậy thì Vân phải ở lại Việt Nam ít ra là bốn năm nữa. Trời ơi, bốn năm, bốn mươi tám tháng, hai trăm lẻ tám tuần hơn, lâu quá là lâu, cổ Vân sắp dài bằng cổ con cò ngóng chờ cái giấy xuất cảnh đi Mỹ rồi đây!
Lúc đầu, Vân không để ý tới Toàn. Lớp có ba dãy bàn, Toàn ngồi ở bàn thứ nhì, dãy bàn bên trái. Vân ngồi ở bàn thứ ba, dãy bàn giữa. Sinh viên ngồi chen chúc như cá hộp dưới ánh đèn neon trắng nhờ nhờ. Buổi tối, nhất là sau những cơn mưa, hàng trăm con thiêu thân bay vào múa điệu lân vũ quanh mấy cây đèn neon để rồi sau những vòng bay điên cuồng lại có mấy con ngã lăn đùng ra trên mất trang sách của tụi Vân, những bản quay roneo giấy vàng khè và mực in lợt nhách đọc chữ một hồi lâu là nhức cả mắt, chóng cả mặt.
Ở nhà buồn, Vân hay đi học sớm, nếu Vân không ngồi ở xe nước mía ở cạnh trường thì Vân cũng đứng ở trước lớp nói chuyện nắng mưa với mấy đứa bạn khác trong lớp. Nhỏ này có giấy bảo lạnh của hôn phu đi Úc, nhỏ kia có giấy bảo lãnh đi Mỹ, anh chàng nọ vượt biên mấy lần không thoát bây giờ đang 'tu" những câu chuyện trên trời dưới đất về bà con thiên hạ nổ như bắp rang trong cái góc bàn tròn chuyên về "tin hành lang" của tụi Vân.
Toàn không phải là người nổi bật trong lớp. Toàn nhỏ người, đeo cặp kính cận dày cộm. Trong lớp, có lẽ Toàn là người ăn mặc chỉnh tế, nghiêm trang nhất, nhiều lúc ngó Toàn có vẻ đạo mạo hơn cả mấy ông thầy thật sự, vì Toàn bao giờ cũng mặc áo sơ mi, quần tây "đóng thùng" đàng hoàng. Thường Toàn đến sớm hơn giờ học chừng 5 phút, vào ngồi ở bàn của mình xong một chút là chuông reo báo hiễu giờ học bắt đầu. Vân đứng tán gẫu ngoài hành lang với tụi bạn, lúc đầu không để ý tới Toàn nhưng về sau có mấy đứa bạn của Vân nhận xét giờ giấc Toàn đến lớp và từ đó tụi Vân gọi Toàn là cái đồng hồ của lớp, một danh hiệu mà Toàn không biết vì chỉ lưu hành trong cánh kẹp tóc mà thôi.
Lớp đông đúc sinh viên, cơ hội để nói tiếng Anh không phải là nhiều. Mang tiếng là sinh viên khoa Anh văn của trường đại học tổng hợp. vậy chứ mở miệng nói mấy câu tiếng Anh là cả một vấn đề không chỉ với Vân, mà với cả nhiều đứa trong lớp. Một anh chàng ngồi ở bàn đầu, dãy giữa gợi ý muốn tổ chức học nhóm ở nhà mình, quý vị trong lớp ai muốn tham dự thì tùy ý, với một điều kiện là đến học nhóm mọi người đều chỉ nói tiếng Anh mà thôi để có cơ hội "nói cho trơn lưỡi". Cuối cùng thì có chừng chục đứa muốn dự, trong đó có Vân. Chiếc Honda màu đỏ tươi 70 phân khối của Vân dư sức đi đến Chợ Lớn, nơi có nhà anh bạn học trong lớp để học nhóm.
Ngày đầu tiên, bà con thử nói tiếng Anh mà thôi, ngập ngà ngập ngừng quá xá cỡ. Chữ đó chữ đó nói như thế nào kìa, sao quên mất rồi kìa. Cuốn tự điển Oxford có chỉ cách đọc được bà con lật tới lật lui, người nghĩ là mình đọc được thì chỉ cho người không rành. Kiểu này cứ như là anh chột dắt anh mù đi vậy thôi, Vân nghĩ trong đầu, nhưng cũng thấy vui vui vì học được mấy từ mới. Hôm đó, Vân mới nhận ra rằng Toàn nói tiếng Anh khá nhuyễn, không hay ngừng lại giữa chừng câu để tìm ý, tìm từ như Vân. Toàn hát một bài hát của Beatles cho nhóm nghe bài "Yesterday" từng câu Toàn hát truyền cảm không thể tả.
Cả bọn nhao nhao hỏi Toàn sao lâu nay ở trong lớp giữ tiếng kỹ thế, cứ thấy ngồi im ở bàn học, không ngờ là ca sĩ dấu nghề đó nghe. Toàn thành thật khai báo là có đi học nhạc ở trường Cao đẳng sư phạm, thành ra biết hát chút đỉnh. Toàn biết đàn guitar không, anh chàng chủ nhà hỏi và khi Toàn trả lời biết, anh chàng phóng lên lầu và mang xuống dúi vào tay Toàn cây đàn, xin Toàn đàn một bài. Toàn đánh bài "The House of The Rising Sun" những ngón tay Toàn dạo trên phím đàn guitar tạo thành một suối âm thanh trầm ấm, tha thiết.
Cái chuyện học nhóm ở Chợ Lớn kéo dài không lâu, vì bà con cạn từ để nói nhưng những người đến họp nhóm thì trở nên thân thiết với nhau hơn, và băét đầu có những hôm cùng ngồi lại ở xe rau má trước cửa trường sau giờ học để tán dóc, những ngày cuối tuần đi ăn bò bía và chè đậu đỏ bánh lọt ở cạnh chùa Xá Lợi hay lái xe đi Thủ Đức ăn nem nướng, đi Bình Dương ăn trái cây. Đa số trong nhóm đứa nào cũng đợi giấy xuất cảnh, đợi chuyến bay, thời gian còn lại ở Việt Nam trở thành hiếm hoi, quý giá vô cùng. Toàn cũng là một thành viên tích cực trong nhóm. Sau những lần nói chuyện với Toàn, Vân được biết gia đình Toàn đã nộp hồ sơ đi theo chương trình H.O và đang đợi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ.
Cuối cùng thì cũng đến ngày gia đình Toàn đi phỏng vấn với phái đoàn Mỹ. Sau đó, trong một buổi tối nhóm ngồi uống cà phê nghe nhạc ở quán cà phê lá dừa ghế mây quen thuộc có cái tên nên thơ là Phượng Các trên đường Công Lý, Toàn thuật cho bạn bè trong nhóm nghe là chỉ có những người độc thân trong gia đình Toàn mới được đi Mỹ cùng bố mẹ Toàn mà thôi. Hai ông anh, một bà chị đã có gia đình phải ở lại Việt Nam. Bố mẹ Toàn đau lòng vô cùng khi phải xa con xa cháu, Toàn nói vậy. Bỗng nhiên trách nhiệm của Toàn trở nên nặng nề hơn trước chuyến đi Mỹ sắp tới vì Toàn trở thành đứa con lớn nhất trong nhà, Toàn nói với bạn bè, ánh mắt chàng đăm chiêu trước một tương lai che phủ bởi một tấm màn bí mật đen như trong mấy pha ảo thuật, đen hơn cả ly cà phê Toàn đang uống dở dang để trên bàn....
Đêm trước ngày gia đình Toàn rời Việt Nam, sinh viên trong lớp anh văn kéo nhau đến thăm Toàn. Căn nhà gia đình Toàn ở sẽ để lại cho gia đình của bà chị, thành ra đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên, chứ không phải như nhà Vân, đồ đạc bắt đầu từ từ dọn ra khỏi nhà, phần cho họ hàng, phần bán tống bán tháo, nhìn quanh nhìn quất chỉ thấy mấy bức tường vôi loang lỗ, buồn hiu.
Nhà Vân cũng đã có giấy xuất cảnh, có vé máy bay của ông bác gởi về và sẽ rời Việt Nam vài tháng sau gia đình Toàn. Toàn hứa với Vân, qua Mỹ có kinh nghiệm gì biết được điều gì sẽ viết thư cho Vân hay.
Toàn rời Việt Nam vào một tháng cuối năm, khi Saigon bắt đầu nhộn nhịp chuẩn bị cho Giáng sinh, cho Tết. Buổi tối trước khi Vân và các bạn ra về, Toàn nhìn Vân, nói là Vân đi sau gia đình Toàn vài tháng, thành ra có dịp ăn Noel, ăn Tết lần nữa ở Việt Nam, sướng nha, Toàn mà đổi được chuyến bay để được ở lại ăn một cái Tết Việt Nam thì Toàn đổi liền. Vân nghĩ trong đầu cơ hội để rời Việt Nam đâu phải ngày nào cũng có, có rồi thì phải chộp lấy, ai lại chần chừ như vậy kìa. Vân nói với Toàn thôi để Vân ăn Tết dùm Toàn vậy nha, Toàn thích món gì, thịt kho dưa giá hay bánh tét bánh chưng, thích ăn mứt gừng mứt bí, mứt dừa hay mứt hạt sen, Vân sẽ ăn dùm Toàn, rồi viết thư mô tả mấy món ăn này cho Toàn nghe, được không và rồi thấy Toàn cười mà như muốn khóc.
Năm nay liên hoan tất nhiên lớp sẽ không còn được nghe Toàn hát "Xuân vừa về trên bãi cỏ non...." như mấy năm trước nữa rồi, mấy bạn trong nhóm luyến tiếc nói với Toàn như vậy. Toàn đi Mỹ, nhóm mất đi một tay chơi banh bàn cự phách, một chiến hữu bàn tròn cà phê thuốc lá, một cây đàn điêu luyện, một giọng hát trầm ấm.
Toàn hứa với Vân là khi qua Mỹ sẽ viết thư cho Vân, và Toàn giữ lời. Thư Toàn viết khá chi tiết, thành ra Vân có một chút khái niệm về những gì nhà Vân sẽ gặp trên đường từ Việt Nam qua Mỹ. Một dollar qua đến Thái Lan đổi thành 25 baht, một chỉ vàng bán ở sân bay được 40 dollars, nước lạnh cỡ 1 lít mua ở sân bay thì 2 chai giá 1 dollar. Gia đình Toàn vào ở trại chuyển tiếp tại Bangkok có hơn 10 ngày, thành ra thư Toàn là một bản liệt kê giá cả đồ ăn Vân đọc cứ thấy y như là thực đơn trong nhà hàng: đùi gà nướng 7 baht một cái, lạp xưởng 5 baht một cái, ai có đem lạp xưởng theo
thì người bán chỉ tính công nướng lạp xưởng 1 baht/cái, thơm ướp lạnh 5 baht/bịch, mì gói 10 baht 3 gói, nước sôi 4 baht/phích, cà chua và dưa leo thì 5 baht 3 trái, chuối giá 2 baht/trái, chuối xiêm 5 baht/nãi.....
Gia đình Toàn định cư ở Houston. Hai ông anh và bà chị của Toàn đã lập gia đình nên không đi Mỹ được, ở lại Việt Nam. Toàn trở thành người anh lớn trong nhà khi đến Mỹ với hai cô em gái và một cậu em trai để lo lắng, chăm nom. Trong những lá thư kế tiếp của Toàn gởi cho Vân, Toàn viết về chuyện đi học ở comminity college như thế nào, chuyện làm ở tiệm phở ra sao. Thời khóa biểu của Toàn bận rộn hơn lên theo năm tháng, khi Toàn chuyển từ community college vào university, khi ngoài chuyện làm ở tiệm phở mấy buổi tối trong tuần và weekend thì Toàn có thêm Job bỏ báo sáng sớm và thư Toàn gởi cho Vân ngắn hơn đi, lâu lâu nữa năm mới có một lá. Mấy năm sau khi Vân qua Mỹ thì email trở thành phổ biến, Vân từ đó liên lạc với Toàn thường xuyên hơn qua email. Những cái email trao đổi trong suốt thời gian Vân và Toàn đi học ở university, những cái email nối chặt thêm tình bạn giữa Vân và Toàn khi cả hai đứa ra trường có việc làm....
Không hẹn mà cả Toàn và Vân đều học computer thành ra nói chuyện về computer programs là một trong những chủ đề mới những năm sau này, bên cạnh chuyện bạn bè ở Việt Nam, chuyện mưa nắng ở xứ người. Toàn hầu như không bao giờ than phiền về cái job computer của mình, Vân nhận thấy như vậy. Còn Vân ư, không biết bao nhiêu lần Vân viết email tả oán về cái Job của Vân cho Toàn nghe, bởi Vân nghiệm thấy sau khi than thở tùm lum về những cái programs cà chua đầy bugs Vân đang viết cho Toàn nghe, sau đó mọi chuyện lại trở nên dễ dàng, trót lọt.
Mấy tuần sau Vân thử một cái chương trình computer bị nhức đầu quá xá. Chương trình đầy bugs, có mấy cái bugs không hiểu nỗi, Vân sửa rồi mà vẫn không hiểu vì sao. Đoán là tại vậy, rồi sửa lại thì Ok nhưng Vân vẫn chịu không hiểu tại sao lại như vậy. Có chút xíu mà mất cả buổi chiều, may mắn là dù sao Vân cũng kiếm ra được hay đoán ra được chỗ bị bug "ngập đầu trong bể khổ" trị một lô bugs, hết cái này đến cái khác, rồi phải thử hết các cases cho chương trình "lăn lóc qua thực tế, lửa đạn chiến trường" thử trên benches, rồi phải optimize chương trình để nó chạy nhanh hơn, ít chiếm bộ nhớ hơn mà kết quả phải thõa mãn yêu cầu của boss. Vân mệt ngất ngư con tàu đi luôn, chỉ thầm mong một ngày nào đó xong việc sẽ lấy một tuần vacation để phục hồi sinh lực.
Vân viết email than thở cho Toàn nghe chuyện mình đang xấp xí ngủm vì làm việc quá tải ở chỗ làm và nhận được mail hồi đáp của Toàn "Nếu Vân làm xong program, thu xếp nghỉ được vài ngày thì mời Vân qua Houston chơi". Houston nơi mấy đứa bạn của Vân luôn trầm trồ khen ngợi là đông đảo người Việt cư ngụ không thua Cali, là có vô số tiệm bán thức ăn Việt Nam, vô số nhà hàng Việt Nam, bỗng trở nên một địa danh Vân muốn đến vô cùng. Ở tiểu bang Vân đang ở, gần biên giới Canada, một năm hết 6 - 7 tháng mặc áo lạnh 3, 4 lớp, muốn ăn phở thôi lái xe cũng mất hết 45 phút, chưa nói tới chuyện muốn đi ra khu shopping center Việt Nam mua chai nước mắm hay bao gạo. Vân ráng gồng hết những phần công lực còn lại của mình chiến đấu quyết liệt với cái computer program đầy bugs và cuối cùng Vân hoàn tất cái project boss giao cho Vân trước thời hạn. Thở phào nhẹ nhõm, Vân xin boss nghỉ một tuần, thu xếp hành lý, mua vé máy bay và bay qua Houston.
Máy bay Vân đến phi trường thì trời đã khuya lắm rồi, lúc Toàn chở Vân về nhà thì hai mắt Vân đã muốn híp lại vì buồn ngủ. Giờ giấc ở Houston chênh lệch với tiểu bang Vân ở một tiếng, tính theo thời gian cái đồng hồ sinh học của Vân quen bao năm thì đã hơn nữa đêm rồi. Toàn nói với Vân cả mấy blocks khu vực này 100% là người Việt Nam cư ngụ. Lúc xe Toàn quẹo vào khu nhà này, Vân nhìn thấy một ngôi nhà thờ nhỏ xinh xắn nằm cạnh khu nhà dân cư và Vân nhìn thấy tên "làng". Làng Thánh XXX tên một ông Thánh công giáo. Cái chữ "làng" bỗng gợi trong óc Vân những ngôi làng ở thôn quê Việt Nam ngày nào, có ngôi đình, có cái giếng, có lũy tre, có những mái nhà tranh với những người hàng xóm quen biết nhau bao thế hệ, tối lửa tắt đèn có nhau, gợi trong óc Vân một cái gì đó thật hiền hòa đơn sơ mà thắm thiết nghĩa tình "Làng" Việt Nam ở Mỹ như thế nào kìa. Vân bắt đầu thắc mắc trong đầu nhưng không dám hỏi Toàn.
Trên đường đi từ bãi đậu xe vào nhà Toàn, Vân nhận thấy khu nhà này có những nét giống như một xóm Việt Nam. Những ngôi nhà trệt và nhà một tầng nhỏ như mấy ngôi nhà ở Việt Nam nằm san sát nhau, cửa sổ có 2 phần, phần cửa sắt với những hình hoa văn nằm trong, phần cửa sổ 2 cánh gắn bên ngoài. Cũng những con hẻm nhỏ ngăn giữa nhà này với nhà kia, cũng những cái hành lan can sắt, những bậc cầu thang xi măng, những mảnh vườn nhỏ xíu trước nhà nằm vuông vức sau những cái hàng rào sắt xây thấp đến ngang ngực với những chậu ớt chỉ thiên, những chậu rau xanh tốt, những cây chanh trĩu quả. Hình ảnh của những đôi dép cao su, dép Nhật để ở trước cửa nhà, âm điệu một bài cải lương vang lên văng vẳng từ một căn nhà trong xóm, những gì Vân thấy, Vân nghe gợi lên trong đầu Vân một góc phố Saigon, một góc Việt Nam ngày nào mà bao năm trời ở Mỹ Vân không tìm thấy.
Hóa ra là gia đình Toàn có đến 2 căn nhà trong làng này, cách nhau có mấy chục mét mà thôi. Một cô em gái của Toàn còn thức, nghe tiếng nói của Toàn, niềm nở chạy ra chào Vân. Cô bé có khuôn mặt tròn tròn sáng như trăng rằm, cười có lúng đồng tiền trên gò má trái. Em tên Thoa, chị ở phòng này, cô bé nói, còn em ở phòng kế bên, chị đi đường xa có mệt lắm không" chị có đói bụng không" chị có cần gì thì cứ gọi em nha, em tỉnh ngủ lắm, không có phiền gì đâu. Cô bé vừa dẫn Vân đến phòng của mình, vừa nói huyên thuyên. Vân đi nghỉ đi, sáng mai mình sẽ gặp lại, Toàn nói với Vân như vậy. Thoa nhìn Vân cười, tụi em đã chuẩn bị sẵn một chương trình tiếp đãi khách rất ư là phong phú rồi, chỉ sợ không có đủ thời gian để dẫn chị Vân thăm viếng Houston thôi.
Bây giờ sau một giấc ngủ không lo lắng gì hết, Vân cảm thấy sảng khoái vô cùng. Vân bước ra ngoài cửa, tựa vào thành lan can nhìn xuống mấy con hẻm trong cóm. Có bóng một bà cụ chầm chậm đi trong hẻm. Vân ngỡ mình nằm mơ, dịu mắt nhìn kỹ lại. Bà cụ chít khăn mỏ quạ, mặc quần lĩnh đen, áo cánh nâu, đi đôi guốc gỗ, y như mấy bà cụ miền thôn quê Bắc Việt. Bà xách cái thùng tưới rau bằng gỗ, đi đến một mãnh đất nhỏ trong xóm, buổi tối qua Vân không nhìn thấy vì nó lẫn trong bóng đêm. Trên mảnh đất nhỏ có những luống đất đánh vòng lên, trồng rau thơm, trồng cải xanh, trồng cà chua, cuối mảnh đất có một cái giàn mướp đang trổ hoa, mấy cái hoa mướp vàng nhẹ lay trong gió sớm đùa cùng những ngọn dây mướp cong tít, xanh non. Có một cái gì đó nong nóng chạy trong tim Vân, trong những mạch máu trong người Vân. Hoa mướp vàng, những cánh hoa vàng tươi xòe ra tròn trĩnh ôm lấy nụ hoa thon thả ướp đầy phấn, có bao giờ Vân nghĩ là trên đất Mỹ này Vân lại thấy được một giàn mướp trổ hoa, nhất là khi Vân sống trong 1 tiểu bang hơn nữa năm là giá băng lạnh lẽo" Bà cụ đang chăm chú tưới rau, thấy Vân đến gần giàn mướp thì ngẩn lên nhìn Vân, cười khoe hàm răng nhuộm đen rưng rức.


Hơn mười năm rồi, sau cái đêm nhóm bạn học anh văn đến nhà Toàn tiễn Toàn đi Mỹ, bây giờ Vân mới có dịp gặp lại gia đình Toàn. Hai ông bà cụ, bố mẹ Toàn già đi nhiều nhưng vẫn còn khỏe. Ngày nào ông bà cụ cũng thức dậy 5 giờ sáng rồi đi bộ qua nhà thờ kế bên nhà dự lễ sáng sớm. Cha xứ của nhà thờ là người Việt, bà cụ nói với Vân như vậy. Cậu em trai của Toàn đang học ở một trường đại học y khoa bên tiểu bang khác. Thoa, cô bé út trong nhà, tốt nghiệp đại học về computer, làm cho Nasa. Mai, cô bé thua Toàn 3 tuổi làm kế toán cho công ty địa ốc ở Houston, đã lập gia đình, nhà ở một khu phố gần bên, sáng nào cũng đem cậu con trai sang gởi ông bà ngoại trông giúp trước khi đi làm. Thằng bé tên Vinh, chưa tới 3 tuổi mà nói tiếng Việt rành rẽ, gặp Vân thì khoanh tay lễ phép chào cô không cần người lớn trong nhà nhắc nhở gì hết, làm cho Vân phải tròn mắt thán phục.
Sau bữa ăn sáng bằng xôi đậu phọng mẹ Toàn nấu, Vân được Toàn và Thoa dẫn đi câu cua. Câu cua dễ lắm chị Vân ơi, Thoa vừa nói với Vân vừa bỏ đồ đạc vào xe, cái vợt thật to để vớt cua, cái xô đựng cua, cuộn dây cùng mấy vĩ đùi gà và cánh gà cô bé mới mua ở chợ. Toàn lái xe chở Vân và Thoa đến bờ sông. Đứng ở bờ bên này, Vân nhìn thấy mấy nhà máy bên bờ bên kia, những cái ống khói cao ngất trời nhả ra những cụm khói trắng tròn tròn. Sông này tên gì vậy kìa, Vân hỏi Thoa trong lúc phụ Thoa cắt dây buộc những cái cánh gà. Không phải sông đâu chị Vân ơi, Thoa nói đây là Lake Houston đó. Oops, Vân chỉ biết cười, kiến thức địa cư Mỹ của Vân tính ra không biết có đầy ba lá mít không nữa.
Câu cua ở Lake Houston quả thật là dễ dàng như Thoa nói. Đứng trên bờ xi măng xây dọc theo hồ, chỉ cần lấy dây cột một cái cánh gà hay một cái đùi gà rồi quăng xuống nước, đi từ đầu này đến đầu kia chừng 50 mét rồi quay trở lại, kéo sợi dây lên là có một con cua đôi khi có cả hai con bám vào miếng thịt gà rồi. Chỉ cần nhẹ tay lấy cái vợt hớt là con cua rơi vào vợt ngay. Chưa tới một tiếng đồng hồ mà cái thùng tụi Vân mang theo đã đầy ắp những cua là cua, những con cua chắc nịch có mai màu xanh lá cây sậm, càng ánh lên màu xanh nước biển theo lời Thoa quảng cáo có thịt chắc và ngọt vô cùng, luộc đã ngon, nấu riêu còn có lý gấp bội!
Món cua luộc quả thật là tuyệt vời như lời Thoa quảng cáo, ăn cua luộc xong Vân được Toàn và Thoa chở đi ra chợ Hồng Kông xem cho biết. Vân có từng ghé qua những khu thương mại của người Việt và người Tàu ở một số tiểu bang bên miền Đông nước Mỹ nhưng quả thực chưa bao giờ Vân thấy một ngôi chợ Châu Á to đến như vậy, nhiều mặt hàng đến như vậy. Thoa nói với Vân chị thích món gì cứ mua đi nha, nhà em có mấy cái tủ lạnh lận. Vân đi từ góc này đến góc kia của chợ, thấy vô số món mình muốn mua: ốc gạo, chè đậu trắng nước dừa, bánh bò, bánh chuối, bánh bao, khô bò, sầu riêng, ổi, cóc, xoài ngâm, ô mai, xí muội.... Vân thầm nghĩ trong đầu, giá mà có một cái chợ phong phú mặt hàng như vầy ở tiểu bang của mình thì thoải mái biết chừng nào.... rồi Vân bật cười thầm, thoải mái thật, nhưng nếu mua mấy món ăn Việt Nam Vân thích dễ dàng như vầy không biết Vân sẽ phải đi bao nhiêu lần trong tuần để giảm cân nữa.
Những ngày ở Houston của Vân là những ngày Vân hoàn toàn không nói đến 1 câu tiếng anh. Ban ngày Toàn và Thoa chở Vân đi chơi chỗ này chỗ kia, ra biển Galveston đi dạo trên cầu tàu ngắm những con thuyền đánh cá từ biển về có kèm 1 đàn hải âu sải cánh bay theo, đi thăm những con đường ở Houston mang tên những anh hùng Việt Nam, ghé tiệm bán CD Việt Nam mua nhạc Du Tử Lê có bài "Khúc thụy du" Vân nghe hồi lâu lắm rồi mà kiếm hoài ở mấy tiệm Việt Nam trên vùng Vân ở không có, đi ăn mì quảng, ăn bánh cuốn, hủ tiếu, bò viên... Có hôm Vân đi cùng nguyên gia đình Toàn ghé Moondy Gardens ba ngôi nhà kiến trúc y như ba kim tự tháp, bên trong có rừng nhiệt đới và những chú két nhỏ láu lỉnh dạn dĩ đậu lên tay người, có vườn bướm với bao cánh bướm đủ màu bay lượn, có những bồn cá khổng lồ với vô vàn loài cá bơi lội vòng quanh. Hôm khác thì Vân và cả nhà Toàn thức dậy lúc 4 giờ sáng để đi San Antonio xem khu Sea World ở đó, mẹ Toàn và Thoa xách theo bao nhiêu là bánh mì, chả lụa, nước uống, xôi.... Đối diện nhà thờ ờ gần nhà Toàn là một thư viện, Thoa dẫn Vân vào xem và chỉ cho Vân xem mấy kệ sách dài toàn là tác phẩm tiếng Việt có cả mấy cuốn truyện trẻ con ngày xửa ngày xưa Vân đã có xem qua. Vân khệ nệ khiêng một lô sách về xem, kỷ niệm thời tuổi hoa ngày nào kéo về khi Vân đọc sách buổi tối và theo Vân vào những giấc mơ.
Buổi tối gia đình Toàn quây quần dùng cơm chung, bố mẹ Toàn, Toàn, Thoa và cả vợ chồng Mai với bé Vinh. Nhà Toàn đạo công giáo, trên vách tường có treo ảnh Chúa, có kệ gỗ đặt tượng Đức Mẹ, mỗi lần vào bữa ăn tối thì cả nhà lại làm dấu thánh giá trước khi ăn, Vân không có đạo nên chỉ biết ngồi im mà nhìn chú bé tên Vinh đưa lên mấy ngón tay bé xíu lên làm dấu thánh giá trước khi ăn món tủ của mình, cơm trắng chan với da heo và nước thịt kho, mà theo lời gia đình Toàn thì chú bé có thể ăn ngày này qua ngày khác không biết ngán!
Tính Vân khi đi nghỉ hè, ghé chỗ này chỗ kia thì Vân thích tạt vào mấy quán ăn ở địa phương để ăn cho biết, nếu có điều kiện thử đặc sản của địa phương đó thì càng hay. Mấy lần đi chơi với Toàn, chiều xuống, Vân muốn rủ Toàn đi ăn ở ngoài mà Thấy Toàn tỏ ý không thích, nên đành thôi, Toàn đã từng làm waiter ở nhà hàng, có làm bartender nữa kìa, Vân nghe Toàn kể. Có lẽ những ngày Toàn làm waiter ở nhà hàng Mỹ là những ngày cam khổ, đắng cay có lẽ vì vậy Toàn không thích đi ăn nhà hàng chăng, Vân chỉ biết thầm hỏi trong lòng. Chắc có lẽ chỉ có Vân là người có tâm hồn ăn uống mà thôi. Toàn có đổi khác chăng, Vân thắc mắc vì ngày xưa ở Saigon bạn bè đi chơi rồi đi ăn chỗ này chỗ kia Toàn cũng có tham gia mà tham gia nhiệt tình nữa kìa, sao giờ Toàn trở thành người ăn cơm nhà triền miên vầy nè.
Sau mấy ngày ở Houston, Vân bỗng cảm thấy nhớ nhớ cái thành phố mình ở gần giáp với biên giới Canada, nhớ căn nhà của Vân với cái lò sưởi lát đá hoa, cái phòng khách trần cao 11 feet với những cái cửa sổ thật to treo màn đặt thợ may cả tháng mới xong, những căn phòng tiện nghi, đồ trang trí nội thất dựa trên catalog hoặc mướn người thiết kế. Nhà Toàn không có đọc báo tiếng anh chỉ có rải rác vài tạp chí, nguyệt san báo hàng tuần bằng tiếng Việt lấy ở mấy tiệm Việt Nam thôi. Vân muốn mua tờ báo tiếng anh để coi tin thời sợ, xem stock của company Vân làm và mấy cái stock Vân mua để đầu tư lên hay xuống mà không biết mua ở đâu vì Vân không dám mượn xe hơi của Toàn hay Thoa. Sau vài buổi tối ngồi hát karaoke nhạc Việt Nam với Toàn và Thoa đến khản cổ. Vân bỗng nhớ đến mấy cái show Vân hay xem trên truyền hình Mỹ và chợt nghĩ ra rằng mình quên tape mấy cái show mình thích, tuần tới về bật TV lên là lố hết 1 tuần. Gia đình Toàn qua Mỹ đã lâu, anh em Toàn đã ra trường, có việc làm ổn định, thu nhập khá, sao lại cứ ở hoài khu xóm Việt Nam cũ kỹ này, Vân không hiểu nỗi. Vân nhìn những bức tường vôi cũ ở nhà Toàn, Vân nhìn cái bồn tắm ố vàng, có mấy chỗ men tróc loang lỗ và những cái vòi nước cũ kỹ trong nhà tắm, mấy cây quạt trần quay chậm rãi trên trần nhà thay thế cho máy điều hòa không khí, càng nhìn càng thắc mắc tại sao Toàn, Thoa không mua nhà mới tiện nghi hơn.
Từ nhà Toàn bước ra chưa tới 5 phút là đến nhà thờ. Từ nhà Toàn bước ra chưa tới 5 phút băng qua đường là đến một tiệm Việt Nam, bán đủ thứ từ bao gạo, chai nước mắm, bó hành, bánh phở, đến thẻ gọi điện thoại về Việt Nam. Sau bữa ăn tối mẹ Toàn hay nhờ Toàn hay Thoa gọi điện thoại về VN để bà cụ nói chuyện với mấy anh chị của Toàn và mấy cháu của Toàn. Bà cụ người ở Mỹ mà tâm hồn ở VN, nhớ con cháu quay quắt. Những cái thẻ điện thoại mua ở tiệm tạp hóa, có thẻ gọi được nhanh, có thẻ Toàn phải gọi tới gọi lui hoài đường dây mới thông được. Thẻ gọi chừng nữa tiếng thì hết hiệu lực, nhưng theo lời Thoa nói với Vân có mấy lần thẻ điện thoại mua ở ngoài tiệm tạp hóa đầu ngỏ gọi nói chuyện đến mấy tiếng đồng hồ mà vẫn còn tác dụng, thế mới lạ. Rồi Thoa cười khoe cái lúm đồng tiền, chắc cũng có mấy nhà VN ở khu vực này gặp được cái thẻ điện thoại thần kỳ như vậy, thành ra tiệm tạp hóa đầu ngỏ bán thẻ điện thoại đắt như tôm tươi vậy đó chị Vân ơi.
Thoa làm ở Nasa, cô bé thuật về mấy cái project cho Vân nghe. Job computer ở Houston cũng không phải là hiếm hoi gì, có kinh nghiệm như chị Vân thì kiếm Job ở vùng này đâu có khó, không chừng chị Vân còn kiếm được Job ở Nasa và được xếp ngạch trật cao hơn em nữa kìa. Thoa nói với Vân như vậy. Vân nghe Thoa nói và bắt đầu tính toán trong đầu. Căn nhà Vân ở, nếu Vân bán đi và dọn về Houston, có khả năng Vân mua được căn nhà khác khang trang không kém, có thể có cả vườn cỏ rộng trước nhà và hồ bơi ở phía sau, mortgage lại rẻ hơn nữa. Hình ảnh chợ Hồng Kông với bao nhiêu là thức ăn Việt Nam vẫy chào, mời gọi hiện lên trong óc Vân. Mấy ngày qua, quen Thoa nhiều hơn, Vân cũng thấy mến cô bé và cũng thích có một người bạn như vậy ở gần bên. Ái chà, đề nghị của Thoa cũng quyến rũ thật đó.
*

Một tuần ở Houston trôi qua nhanh như chớp. Buổi sáng cuối ở Houston, Toàn chở Vân ra chợ Hong Kong mua sầu riêng, Vân chọn hai trái thật to, phồng căng, đông lạnh cứng ngắt nhưng Vân cũng có thể ngửi thấy mùi hương sầu riêng thoang thoảng. Vân lấy giấy báo, bọc mấy chục lớp quanh hai trái sầu riêng, bỏ vào thùng giấy, dán băng keo kỹ lưỡng, định bụng lúc ra phi trường sẽ gởi cargo.
Lúc Vân chào bố mẹ Toàn, hôn bé Vinh, chào Thoa để ra phi trường trời bắt đầu đổ mưa lâm râm. Đất níu chân người, Thoa cười, chị Vân rời Houston trời mưa đau lòng đó nha.
Toàn chở Vân ra phi trường, lúc gởi thùng sầu riêng, anh chàng nhân viên hãng hàng không hỏi Vân, có thức ăn gì trong thùng không. Vân nói dối là không có. Anh chàng sờ cái thùng, mấy chục lớp giấy báo gói hai trái sầu riêng đông lạnh vẫn để cái lạnh thấm bên ngoài, sờ vào thùng là thấy lạnh ngay. Anh chàng lấy dao, cắt nắp thùng cái rẹt. Không cho đem sầu riêng đông lạnh gởi cargo, không là không. Vân tức quá, nhớ hồi đi Cali mấy năm trước bỏ hai trái sầu riêng đông lạnh vào vali quần áo, gởi cargo đi trót lọt mà bây giờ lại không được. Vân vào tiệm bán sách báo, hỏi mua một mớ bao plastic. Vân nói với Toàn, phương án B, bây giờ Vân sẽ xách hai trái sầu riêng lên máy bay với Vân, nếu không được thì nhờ Toàn mang về ăn dùm Vân vậy nha.
Đến lúc hành khách phải xếp hàng vào máy bay rồi. Vân khệ nệ xách hai trái sầu riêng chuẩn bị đi lần vào dòng người xếp hàng lần lượt vào máy bay. Vân nói với Toàn, cám ơn Toàn và Thoa và gia đình Toàn đã giúp Vân có được một tuần nghỉ hè vui vẻ. Một tuần ở Houston với gia đình Toàn, Vân có cảm giác như mình đang trở về Việt Nam vậy đó.
Vân nói vậy với Toàn, nhưng trong đầu thì Vân đang thầm mong trở về ngôi nhà của mình, vặn nước vào đầy trong bồn tắm, rồi vừa ngâm mình trong làn nước nóng ấm và thả hồn theo mấy bản nhạc Vân thích, vừa nhâm nhi một ly rượu nhẹ, tiếp tục cuốn tiểu thuyết trinh thám hình sự Mỹ Vân đọc dở dang tuần trước. Một tuần ở Houston với gia đình Toàn gợi cho Vân nhớ lại vô vàn kỷ niệm ở Việt Nam, nhớ lại cuộc sống của Vân và gia đình ở Việt Nam. Kỷ niệm và quá khứ mà Vân không muốn nhớ đến vì cuộc sống ở Việt Nam nghèo quá, thiếu thốn quá, khổ sở quá.
Cái quạt trần chạy chậm rì ở nhà Toàn gợi cho Vân nhớ những buổi tối mùa hè cúp điện ở Việt nam, trời nóng như thiêu như đốt, nhớ những lần Vân xách cái giỏ nhựa hay cái xô nhựa ra chợ mua một tảng nước đá dính đầy mạt cưa về chặt cho cả nhà uống, coi như là món giải khát thần kỳ của mùa hè. Cái phòng tắm với những bức vách màu sơn cũ mèm, ố vàng, mấy cái vòi nước kiểu xưa rích, cái bồn rửa mặt tróc men ở nhà Toàn không hiểu sao làm cho Vân nhớ những lúc khan hiếm nước ở Saigon. Buổi tối phải bật rô bi nê nghe nước nhỏ giọt tí tách tí tách nguyên đêm mà vẫn không đủ để làm đầy cái bể xi măng chứa nước cho cả nhà Vân xài. Vân không dám nói với Toàn là Vân không thích quay trở lại cuộc sống ở Việt nam, Vân muốn trở về với nếp sống Mỹ của Vân ở xứ Mỹ này với bao tiện nghi của đời thường, với máy lạnh chạy mát cả nhà mùa hè, với hệ thống nước sưởi ấm cả mùa đông, với điện nước đầy đủ, với thảm trải sàn nhà đi êm cả chân, với lò sưởi bập bùng không những đẹp nhà mà sưởi ấm cả không gian. Căn nhà của Toàn ở Houston căn nhà đó tương đối có đầy đủ tiện nghi khá hơn gấp bội căn nhà ngày xưa Vân ở tại Saigon, nhưng trong cái nhìn của Vân, trong suy nghĩ của Vân, căn nhà của Toàn ở Houston nghèo quá đỗi. Vân không dám nói với Toàn điều đó.
Toàn nhìn Vân, cám ơn Vân nha. Thú thật với Vân, mình cũng biết là nhà mình không được mới và tiện nghi như bao nhiêu nhà khác, nhưng dọn ra khỏi khu nhà đó thì quả thật là mình không nỡ, Toàn nói. Bố mẹ mình đã già, hai cụ ở đó buổi sáng đi bộ 5 phút là đến nhà thờ. Cái thư viện ở đối diện nhà, bố mình chỉ cần băng qua đường là đến đó đọc báo đọc sách tiếng Việt được. Cái tiệm tạp hóa gần nhà, mẹ mình đang nấu nướng có thiếu bó rau, thiếu gia vị gì thì ra mua cũng tiện. Niềm vui tuổi già của bố mẹ mình đơn sơ lắm Vân à, dọn ra khu nhà mới thì xa chợ, xa nhà thờ. Mình với Thoa đi làm nguyên ngày đâu thể chở bố mẹ mình đi đây đi đó được đâu, ông bà cụ ở nhà với mấy bức tường sẽ buồn lắm. Ở nhà này mình với Thoa để dành được kha khá tiền, gởi về cho mấy anh chị ở nhà phụ cho mấy cháu ở VN ăn học, mình qua Mỹ sung sướng vật chất đầy đủ hơn nhiều so với ở Việt Nam chứ ở bên nhà anh chị mình đồng lương nhà giáo đâu có bao nhiêu, Toàn nói.
Có tiếng người nói qua loa, 15 phút nữa là máy bay cất cánh, yêu cầu hành khách thu xếp vào máy bay. Toàn nhìn Vân xách hai trái sầu riêng cười nói với Vân, Vân về ăn hết hai trái sầu riêng này thì hết sầu nha. Toàn lại chơi chữ rồi, Vân nghĩ trong đầu, sao Toàn biết là Vân có nỗi buồn trong người kia chứ. Vân xách hai trái sầu riêng gói trong mấy bao plastic đi trót lọt qua cửa, cô tiếp viên phi hành không phản đối gì hết. Chẳng ai hỏi xem Vân xách cái gì. Vân nhìn lại thấy Toàn còn đứng đó vẫy tay chào Vân, và Vân bỗng nhận ra rằng tóc Toàn, mái tóc ngày nào còn đi học ở tổng hợp còn đen và dày bây giờ đã thưa hơn và đã chớm hoa râm. Mười mấy năm trời xa quê hương Toàn và Vân không còn cái tuổi hai mươi sôi động, hiếu kỳ của ngày nào. Hai đứa bây giờ đã qua tuổi trung niên.
Thấm thoát đã hơn mấy tuần trôi qua, từ ngày Vân bay qua Houston. Vân về lại tiểu bang mình, đem theo một vali căng cứng đặc sản Việt Nam mua ở Houston, khô bò, ô mai, tôm khô, kẹo đậu phọng, kẹo chuối, khô mực, khô cá thiều những thứ Vân đi tìm mỏi mắt ở tiểu bang mình cũng không có. Vân gọi điện thoại cho mấy đứa bạn quen kể về chuyến đi của mình, tụi nó đứa nào cũng nói với Vân sao anh chàng Toàn sống đời sống cổ xưa như vậy. Qua Mỹ rồi có Job tốt, có điều kiện thì mình phải sống một cuộc sống tiện nghi trong một ngôi nhà khang trang, chứ ai lại chui đầu vào sống trong cái xóm Việt Nam nhà cũ rích năm sáu chục năm như vầy, chán chết đi được, có đứa còn độc mồm độc miệng, nói với Vân là chắc tại Toàn ở trong khu nhà như vậy thành ra đến bây giờ vẫn chưa kiếm được vợ đó thôi.
Vân quay trở lại với cái Job computer của mình, làm việc miệt mài, hết project này đến project khác cuốn Vân vào và làm Vân quên bẵng thời gian. Có project làm tức là sẽ có pay check, sẽ có tiền cho Vân đi shopping thoải mái, Vân nghĩ vậy.
Nhưng bổng nhiên mỗi buổi tối khi trở về nhà, bật đèn lên, Vân không còn cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình như lúc trước. Những lúc ngồi trước một mớ bill phải thanh toán, tiền mortgage cái nhà Vân ở, tiền điện, gas, trả cho thợ cắt cỏ ở mảnh sân trước nah, tiền trả cho mấy cái credit card Vân xài đi shopping. Vân bỗng nhiên nghĩ đến Toàn, Thoa và ngôi nhà nhỏ ở Houston và thầm ao ước được như anh em Toàn, Thoa đâu cần phải lo lắng gì về chuyện mortgage mỗi tháng vì căn nhà ở Houston đã trả dứt, vậy là Toàn Thoa có dư tiền để dành hơn Vân không phải lo lắng như Vân mỗi khi nghe stock company mình làm đi xuống, công ty có thể sẽ sa thải bớt nhân viên. Hiện tại người ngoài nhìn vào thì có thể nghĩ là Vân qua Mỹ thành công quá xá cỡ khi họ thấy chiếc xe Vân lái, căn nhà Vân ở, quần áo nữ trang của Vân, nhưng ai mà biết được là Vân đang nợ như chúa chổm!
Những hôm ở lại sở đến tối để chạy đua với thời gian cho xong project. Vân tạt qua tiệm Chines carry out mua vội mua vàng mấy hộp thức ăn rồi trở về nhà. Bật đèn lên, ngôi nhà đón Vân về đắm chìm trong im lặng. Bật ti vi xem những cái show Vân thích, chỉ có Vân và bóng của mình trên vách ngồi xem. Bỗng nhiên Vân nhớ đến những buổi tối dùng cơm chung với cả nhà Toàn ở Houston, những buổi cơm gia đình có bố mẹ, vợ chồng, con cái quây quần người này người kia vừa ăn vừa kể chuyện trong ngày cho nhau nghe, ấm cúng thân thiết biết chừng nào.
Lần cuối cùng Vân dùng cơm chung với bố mẹ Vân là bao giờ kìa, Vân không nhớ nữa. Hai ông bà cụ ở tại một khu nhà dành cho người cao niên cách nhà Vân chừng 2 tiếng lái xe, vậy chứ xòe mười đầu ngón tay ra là dư đếm những lần Vân ghé thăm bố mẹ trong năm nay, vì cứ hễ đến weekend thì Vân lại có đủ lý do để gọi điện thoại thăm bố mẹ mà thôi chứ không lái xe đến thăm, viện lẽ bận đi làm thêm ở sở, bận đi shopping và bận hẹn hò...
Một tuần ở Houston, thời gian ngắn ngủi nhưng cũng đủ để cho Vân nhận ra rằng cái thế giới của Vân, ngôi nhà khang trang với những bàn ghế đắt tiền mà Vân chỉ sống thật sự mỗi ngày có vài giờ trong đó, chỉ là một ảo giác của hạnh phúc.

Karen N Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,205,403
Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ khởi sự từ Tháng Năm năm 2000. Ngay trong những ngày đầu tiên, có bài “Gia Đình Tôi Tới Mỹ” của Nguyễn Thị Phi Phượng. Tác giả ngày ấy vừa định cư Mỹ 4 tháng.
Sau Lễ Mẹ, ngày Thứ Hai 29 sắp tới sẽ là Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Mời đọc thêm một bài viết mới của Phan. Tác giả là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả bắt đầu tham dự VVNM năm 2015 và được giải danh dự. Bài viết mới nầy là một bút ký viết về đời sống các sinh viên Việt Nam du học ở Mỹ trong lúc Miền Nam bị sụp đổ năm 1975.
Tác giả đã nhận Giải Vinh Danh Tác Phẩm Viết Về Nước Mỹ, 2003 với bài viết “Cái Chăn Mỹ và Con Gái Họ Đinh”, thể hiện nhiều thao thức của người phụ nữ Việt sống qua thời di cư, chiến tranh, di tản, làm vợ, làm mẹ trên đất Mỹ.
Tác giả sinh ra và lớn lên tại thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam; Cựu nữ sinh Trung Học Trần Quý Cáp, Hội An, niên khóa 1964-1972. Chồng là một quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa,
Tác giả là một cựu sĩ quan Thuỷ Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, đã nhận giải tác phẩm xuất sắc Viết Về Nước Mỹ 2006 với truyện kể về hai chàng sĩ quan Mỹ gốc Việt thuyền nhân:
Nước Mỹ đang là mùa ra trường, và ngày 18 tháng Sáu 2017 sẽ là Father's Day in 2017 is on Sunday. the 18th of June (18/6/2017). Xin mời đọc bài Viết về nước Mỹ đầu tiên của Tín Thất Tôn.
Tác giả 44 tuổi, cùng gia đình đoàn tụ tại Mỹ từ 1991, 25 năm trước, khi mới 18 tuổi. Hiện là cư dân Huntington Beach; Nghề nghiệp: Kỹ sư phần mềm cho Northrop Grumman Corpo-ration;
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, giáo sư hồi hưu. Ông bà hiện là cư dân Brooklyn Park, Minnesota. Ông đã từng dạy ESL và Song Ngữ tại Hệ Thống Giáo Dục Công Lập Minneapolis và Ngôn Ngữ Việt Nam tại Đại Học Minnesota.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn.
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến