Hôm nay,  

Tiếng Chim Hót Sau Nhà

07/11/200400:00:00(Xem: 174029)

Người viết: PHẠM GIA NAM
Bài số 646-1187-vb5041104

Tác giả sinh năm 1955; Cư trú: Louisiana; Nghề nghiệp: State Auditor. Phạm Gia Nam đã góp một số bài viết về nước Mỹ với nội dung ghi lại nhiều kinh nghiệm hội nhập và đời sống tị nạn tại Hoa Kỳ. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
*

Mới hơn năm giờ sáng, ông Phúc đã lục đục thức dậy. Năm nay, ông đã ngót ngét hơn sáu mươi rồi, ngủ thì nhiều nhưng không được lâu, chỉ là những giấc ngắn. Nằm hoài trên giường càng thêm nhức mỏi, ê ẩm cả xương cốt - Nên ông thường hay dậy sớm, mở cửa chạy ra sân sau nhà làm vài động tác thể dục, có khi hưng phấn ông còn đi luôn một bài Thái Cực Quyền cho máu huyết lưu thông, kéo dài tuổi thọ. Nhưng, bỗng dưng... hôm nay, đang tập giữa chừng ông bỗng thở dài, xuội lơ, không còn hứng thú tập tành gì nữa. Ông ngửa mặt nhìn bầu trời còn mờ mờ tối, miệng lẩm bẩm một mình:
- Nước Mỹ thiên đàng hạ giới gì!!!... chán thấy mẹ, sống mà như tù quản chế, giam lỏng thế này... thì sống làm gì"""
Bà Phúc thấy ông Phúc thức giấc, cũng lật đật dậy theo. Bổn phận một người vợ hiền Việt Nam, "Nội Tướng" của ông Phúc gần bốn mươi năm qua, nhắc nhở bà phải mau mau làm đồ ăn sáng cho chồng. Dù rằng, đã lâu rồi ông Phúc không còn đi làm nữa... thì cũng vẫn vậy, phải có ngay... không nên chậm trễ.
Ông Phúc chán nản bước vào nhà, đi rửa mặt, làm vệ sinh xong, ông ra nhà bếp ngồi vào bàn ăn...chờ sẵn.
Bà Phúc đã kịp thời dọn ra một đĩa trứng chiên ốp-la và một ly cà phê phin sữa nóng hổi cho ông tạm dùng bữa sáng. Phần bà, vốn tính tiết kiệm cố hữu, đem hết chỗ cơm nguội và đồ ăn dư của ngày hôm qua, trộn chung lại với nhau. Bà cho dầu vào chảo, đập dập mấy tép tỏi, cắt vụn mấy cọng hành xanh, nhanh tay bỏ hết vào chảo chung với phần cơm nguội hôm qua. Bà đảo đều tay, xịt thêm nước mắm cho vừa ăn - Mùi thơm rộ lên khắp bếp, hoà hợp với mùi trứng chiên trước đó lan toả khắp căn nhà to rộng vốn luôn được đóng kín mít, bởi những cánh cửa ra vào làm bằng gỗ đỏ chắc chắn, những cửa sổ bằng kính, rộng dài chạy dọc hai bên hông nhà, được che phủ bởi những tấm rèm, và màn cửa bằng nhung, màu vàng kem sang trọng. Mặc dầu, Thảo con dâu bà đã nhỏ nhẹ căn dặn, bà vẫn cố tình quên... bật cái quạt hút ngay trên nóc bếp - cho mùi vị nấu nướng có thể thoát ra ngoài trên nóc nhà chút nào - vì cái quạt này nó chạy ồn lắm, làm bà muốn nhức cả đầu. Hơn nữa, theo quan niệm của bà: Bếp núc ở nhà có mùi vị mắm muối thì có sao đâu" Vì đó là nhà bếp mà!!! Chiên xong chảo cơm, bà bới ra cho bà một chén, rồi khẽ khàng bưng ra bàn ngồi ăn chung với ông Phúc.
Đến sáu giờ sáng, đã có tiếng nói chuyện rì rầm trong phòng ngủ lớn của vợ chồng Hiếu-Thảo. Tiếp theo đó là tiếng huỳnh huỵch như vật lộn, cùng với tiếng thở phì phò hổn hển. Bà Phúc đặt chén cơm xuống bàn, ngước lên, nhìn ông Phúc dò hỏi:
- Mới sáng bảnh mắt ra, tụi nó đã làm gì thế hả ông"
Ông Phúc hớp một ngụm cà phê, chép miệng, rồi mới lắc đầu, nhăn mặt, lườm bà một cái đến rách cả mắt:
- Tụi nó mới dậy, đang tập thể dục trong phòng, có cái gì đâu mà bà nhìn tui dữ vậy!
Bà Phúc không bằng lòng như vậy đâu. Từ ngày bà ở nhà này, bà không nói gì nhiều, nhưng tai bà thường nghe ngóng, mắt bà luôn quan sát, để ý, xem xét từng chi tiết, ý tứ, lời ăn tiếng nói từng người, đừng tưởng bà không biết gì mà có khi lầm đó.
- Sao ngày hôm qua, hôm kia không tập"
- Chắc là tụi nó chỉ tập ngày đi làm, còn mấy ngày cuối tuần được ngủ trễ nên không tập. Mà sao bà hay hỏi lẩn thẩn, vớ vẩn quá đi.
Hơn nửa tiếng sau, Thảo đã quần áo chỉnh tề. Nàng mở cửa phòng Tommy, lớn tiếng thúc dục chú bé mau mau thức dậy, đánh răng, rửa mặt, rồi mặc quần áo đi học. Khi vợ chồng Hiếu - Thảo và con, Tommy đã hiện diện đầy đủ ở nhà bếp. Bà Phúc bỏ ăn, lăng xăng chạy lại cái chảo chiên cơm sốt sắng:
- Tụi bây và thằng Tôm mỗi đứa một chén cơm trước khi đi làm đi học nha, má đã chiên sẵn hết rồi, ngồi vô đi.
Hiếu trịnh trọng trong bộ đồ được dry-clean ủi hồ thẳng nếp, chiếc cà vạt bằng lụa vẫn còn thắt hờ trên cổ áo, vừa mở tủ lạnh, rót đầy cho mình một ly sữa tươi, uống liền một ngụm lớn, rồi nói với mẹ:
- Thôi má ơi, tới giờ con phải đi làm rồi, con ăn không kịp đâu.
Còn thằng Tommy vai đeo cái túi sách đi học căng phồng, tranh thủ chụp ngay cái remote control để cạnh TV ở nhà bếp, miệng vừa chào: " Hi, ông bà " vừa lùi vài bước cho đúng tầm nhìn là bật TV cái tách. TV vừa chớp hình nó đổi ngay sang đài Cable 33 chuyên trị Cartoon (phim Hoạt Hoạ), và rồi... con mắt nó dán ngay vào cái TV, quên hết sự đời, mọi người chung quanh.
Thảo vừa bước ra, cầm lấy ly sữa uống dở của Hiếu vừa trao. Nàng phân vân một chút rồi ngửa cổ uống cạn, cô đi đến cái sink mở nước tráng sơ ly sữa trước khi úp vào cái máy rửa chén ở ngay bên cạnh. Sau đó cô mới quay lại nói với ông bà Phúc:
- Thôi ba má dùng đi, tụi con ăn không kịp đâu. Con phải chở Tommy đến Day Care, nó sẽ ăn sáng ở đó, đến giờ đi học người ta sẽ đưa nó đi luôn. Phần con, ở sở đã có sẵn cà phê và donut, nếu không con sẽ xuống Cafeteria mua cái gì đó mà ăn cũng được.
Nói xong Thảo chạy vội lại bên Tommy, giựt cái remote control trong tay con, tắt TV, nắm tay con cùng Hiếu chào ông bà Phúc để đi làm, đi học. Hiếu còn bịn rịn nói vớt theo một câu lãng nhách: "Ba má ở nhà vui vẻ, lát chiều tụi con sẽ về."
Bà Phúc còn cố chạy ra nhà xe đứng nhìn theo, xe Hiếu trước, xe Thảo và Tommy sau, tuần tự lùi xe ra khỏi garage, cánh cửa sắt tự động từ từ đóng lại, bà mới thở dài trở lại bàn ăn.
Các con cháu đã đi làm đi học hết rồi, bỏ lại hai ông bà già trong căn nhà to lớn, đầy đủ tiện nghi - Tiếng máy lạnh chạy rì rì nho nhỏ, càng làm cho căn nhà trở nên trống vắng, thênh thang, lạnh lẽo hơn lên. Bà Phúc sau khi dọn dẹp sạch sẽ bữa ăn sáng, đã lẳng lặng vào phòng lôi các sách báo, tài liệu ở chùa ra nghiền ngẫm, hay lại mở băng casette nghe đi nghe lại các bài giảng về giáo lý nhà Phật của các bậc Cao Tăng mà tu tập, làm lành tránh dữ để Đức cho con cháu sau này.
Ông Phúc ở ngoài bắt đầu "duyệt binh". Ông đi ra đi vô, đi tới đi lui, đi loanh quanh trong nhà, đồ đạc máy móc để đâu, ra sao, ông đã bắt đầu quen thuộc, nhưng sao tất cả im lìm, vô cảm thế này! Ông ra phòng khách, từ từ ngồi xuống bộ sofa vĩ đại bằng da màu đen êm ái, người ông như lọt thỏm vào chiếc ghế bành. Ông với tay lấy cái remote control bật TV xem cho đỡ buồn - ông đổi đài liên tục, TV nó nói... ông không hiểu nên chỉ xem hình, cuối cùng ông cũng đành thua vì không đài nào làm ông ưng ý. Vậy mà, ông vẫn không tắt đi, cứ để TV nói léo nhéo như vậy, trong nhà có tiếng động, dù sao cũng đỡ hơn.
Ông ra đứng bên cửa sổ, kéo màn nhìn ra ngoài. Trước nhà một sân cỏ vuông vắn, rông rãi được Hiếu hàng tuần cắt xén kỹ càng, đẹp mắt. Xa xa vượt qua một con đường nhỏ là nhà hàng xóm đối diện, kiểu nhà cũng gần giống như nhà Hiếu, sân cỏ trước nhà xanh rì như một tấm thảm nhung, bên trái là nhà để xe với drive way rộng rãi. Ông đảo mắt một vòng khu sub-divivison của nhà Hiếu đang phơi mình dưới ánh nắng rực rỡ ban mai. Nhà cửa hàng xóm cái nào cũng vậy, to lớn, bề thế, nhưng đóng cửa im lìm, không thấy một bóng người, chó mèo chạy rông cũng không, thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua.
Ông bà Phúc vừa được con trai là Hiếu bảo lãnh qua Mỹ chừng hơn một tháng nay. Bao nhiêu mong đợi cuối cùng ngày vui đoàn tụ đó cũng tới. Hiếu - Thảo xin phép sở làm, bỏ hẳn hai tuần nghỉ phép hàng năm để đưa cha mẹ đi chơi đây đó, tham quan, thăm thú danh lam thắng cảnh, nhà hàng, shopping, người quen, bạn bè ở thành phố cũng như tiểu bang mà vợ chồng đang ở. Ngày nào ngày nấy vui như Tết, hội họp đình đám, ăn uống, mua sắm và vui chơi.
Nhưng rồi... những ngày vui ấy cũng qua mau. Hiếu Thảo phải trở lại công việc với những tất bật thường ngày. Ông bà Phúc mới bắt đầu có thì giờ để ý và thật không ngờ không hiểu: Con trai và con dâu đều tốt nghiệp Đại Học, có việc làm tốt trong các công ty lớn đã lâu, được coi là thành đạt, có địa vị trong xã hội Mỹ... mà sao lại bận rộn, vất vả thế này!!! Lúc nào, thấy các con cũng luôn chân luôn tay, cái gì cũng nhanh: Ăn nhanh, nói nhanh, đi đứng cũng nhanh v.v... Hiếu-Thảo thiếu hẳn sự trầm tĩnh, khoan thai, đĩnh đạc - để dễ tạo cho mình một cái “uy” với những người khác - như các giới chức có địa vị, có quyền, dư ăn dư mặc ở Việt Nam mà ông được biết. Nước Mỹ tư bản đầu sỏ, giàu có, người bóc lột người hàng đầu thế giới gì!!!... Mà vợ chồng Hiếu-Thảo ở nhà to đẹp không thua gì dinh thự của các cán bộ có chức có quyền ở VN, vẫn không nuôi nổi người làm, ôsin giúp việc... Để đến nổi mọi việc trong nhà từ nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp trong nhà, đến làm vườn, cắt cỏ, đổ rác v.v... đều phải tự mình làm lấy. Nhất là Thảo, vợ Hiếu mặc đồ Tây, hay đầm đi giày cao gót trông rất đẹp và sang trọng. Nhưng lúc đi sao cô cứ đi vun vút, nhiều khi như chạy - giày cao gót chạm mặt đường kêu lách cách - trông rất vất vả, không đươc tướng mệnh phụ, ung dung, nhàn nhã chút nào. Bà Phúc lại còn để ý đến lời ăn tiếng nói của cô này, trừ lúc nói chuyện với bà hay ông Phúc, cô có cố gắng dịu dàng, nhỏ nhẹ, lễ phép. Còn với Hiếu, chồng cô, thì cứ lôi tên chồng ra mà réo, một điều mà bà chưa bao giờ dám làm với ông Phúc: Hết "Hiếu ơi, làm cho Thảo cái này.", lại đến "Hiếu ơi, lấy cho Thảo cái kia". Một phần cũng tại con trai bà, mỗi lần bị vợ kêu réo "sai bảo" việc gì - Hiếu vẫn nhe hàm răng ra cười, vui vẻ làm theo, không phàn nàn gì cả. Vợ chồng bàn tính chuyện gì, dù là những chuyện tầm thường nhất như: Tối nay dắt ba má đi chơi đâu" Đi ăn nhà hàng nào" Hiếu cũng để vợ cướp lấy chính quyền, chủ động quyết định cả.
Tội nghiệp cho đứa con trai yêu quý của bà: Tướng tá thì to con, cao lớn, đẹp trai, vậy mà mỗi khi đứng cạnh vợ, hay đi chơi với vợ cứ như con chó Phóc - cum cúp, cum cúp chạy theo - làm bà thấy vậy vừa buồn vừa thương muốn đứt cả ruột. Thương con mà nghĩ "bậy" như vậy thôi, thật sự thì Hiếu-Thảo làm sao cũng được, miễn là tụi nó hạnh phúc với nhau là bà vui rồi.
Phần ông Phúc, ông buồn và tự ái nhiều lắm. Chiều thứ Bảy cách đây hai tuần, Hiếu-Thảo có tổ chức thịt nướng BBQ, uống bia ở vườn sau nhà mình, bạn bè, khách khứa Việt Mỹ đầy đủ cả. Ông Phúc cũng sốt sắng bắt Hiếu phải chở đi mua vịt sống ở nông trại của người ta về để ông làm tiết canh đãi khách. Chẳng qua là vì, lúc còn ở VN ông đã từng đãi một người bạn là Việt Kiều về thăm quê món này - Hắn ta chiếu cố rất tận tình, khen ông nức nở... rồi còn tuyên bố là người Mỹ rất thích Tiết Canh Vịt VN, họ gọi là Vietnamese Pizza.
Nhìn những đĩa tiết canh tự tay ông làm lấy, màu đỏ tươi đặc sánh, trên mặt điểm thêm những miếng thịt vịt nạc xé nhỏ trắng phau, màu vàng thơm phức của đậu phọng rang vừa chín tới, thêm những lá rau thơm xắt nhỏ màu xanh - Tất cả hài hoà gợi cảm làm ông vừa nhìn vừa nuốt nước miếng. Ông quyết chí phen này phải cho bạn bè Hiếu-Thảo nhất là những người Mỹ biết và thưởng thức một nét đặc thù, đậm đà bản sắc của nền văn hoá ẩm thực VN. Vậy mà, khi bạn bè, khách khứa bắt đầu kéo đến - quay đi quay lại, bỗng dưng mấy đĩa tiết canh vịt của ông mất tiêu, biệt tăm biệt tích. Ông gặng hỏi mãi Hiếu-Thảo chỉ chối quanh, đến khi ông làm mặt giận thì Hiếu mới gãi đầu gãi tai, kéo ông ra chỗ vắng ngập ngừng nói nhỏ:
- Con cất hết mấy đĩa đó vào tủ đông lạnh (freezer) rồi. Ba đừng giận con tội nghiệp, con sợ tụi Mỹ nó thử món tiết canh của mình rồi, khi biết có máu me trong đó nó sẽ đồn với nhau là mình ăn cái món gì mà... "dã man" quá vậy. Thảo còn sợ là mấy đứa Mỹ thử rồi không ăn được, hay làm rớt vào quần áo màu đỏ máu me coi không đẹp, mất vui có khi còn phiền phức nữa. Tụi Mỹ tuy lịch sự, thân thiện vậy chứ cũng là "tổ sư" tò mò và nhiều chuyện lắm. Con tính là để đến khi nào tụi bạn Mỹ về hết rồi mình sẽ ăn sau. Ba thông cảm mà tha thứ cho tụi con.
Rồi cứ thế sóng gió ngầm, chiến tranh lạnh bắt đầu.


Vì sự tiêm nhiễm, ảnh hưởng của hai nền văn hóa Việt - Mỹ khác nhau - đưa đến thói quen, quan niệm, cách sống, quan hệ xử thế cũng khác nhau. Thảo thì muốn bếp núc trong nhà cũng như các phòng khác đều phải thơm tho, sạch sẽ. Ông bà Phúc thì quan niệm cái nhà là để cho mình ở, nó phải phục vụ mình, chứ không phải mình phục vụ nó. Nhà bếp thì phải có mùi vị mắm muối, chứ sao lại sạch sẽ, sáng choang như li như lau thế này thì nấu nướng làm sao được.
Ông bà Phúc coi mình là cha mẹ của Hiếu thì mặc nhiên có quyền quyết định mọi việc trong nhà, nên đã bắt đầu có ý kiến về việc sắp đặt, tổ chức lại các phòng ốc trong nhà. Bà Phúc đòi Hiếu phải dọn cái Game-Room của Tommy để bà lập bàn thờ tổ, hay nếu không cũng phải kiếm cho bà một chỗ để làm phòng thờ Tiên Tổ - cho con cháu sau này còn biết đến nguồn gốc của mình, mà nhớ ơn ông bà, cha mẹ. Rồi đến cái vườn sau nhà còn quá nhiều đất trống, ông bà ở nhà rảnh rỗi, sẽ lên líp trồng rau trái, phụ giúp chất tươi vào bữa cơm gia đình - không nên bỏ uổng để Hiếu phải cắt cỏ hàng tuần như vậy.
Có lần đi chợ VN, thấy người ta đi tàu đánh cá về đem tôm đến bán. Tôm vừa tươi, to mà giá lại rất rẻ, bà Phúc cứ đòi Hiếu-Thảo mua cho bà thật nhiều để bà về nhà làm, rồi đợi trưa nắng đem lên nóc Patio phơi làm mắm ăn cho đỡ nhớ VN. Nhưng cách tốt nhất vẫn là Hiếu-Thảo nên tìm việc làm khác rồi dọn quách về Nam Cali, mua nhà ở gần khu Phước Lộc Thọ để ông bà có dịp gần gũi người VN đồng hương. Việc này ông bà đã tính kỹ, tiền ông bà đã chuyển từ VN qua, đủ sức cho ông bà chia đôi với Hiếu mà trả đứt tiền mua nhà.Vậy mà, tất cả các đề nghị xây dựng, hợp tác sống chung hoà bình với nhau đều bị Thảo thông qua Hiếu bác bỏ, bàn ra. Thằng con trai yêu quí chỉ còn biết nhăn mặt, gãi đầu gãi tai, chắp tay lạy hai đấng sinh thành dưỡng dục:
- Thôi con xin ba, con xin má. Ba má già rồi cứ ở đây ăn ngủ dưỡng già: Làm vườn làm chi cho mệt, rau trái ở đây ngoài chợ bán rẻ rề, tiền công, tiền nước, phân bón, thuốc xịt sâu tính ra là lỗ. Còn bàn thờ Tổ thì chắc phải làm, nhưng để con nghĩ đã, vì đốt hương nhiều con sợ fire-alarm system nó kêu thì phiền phức lắm. Còn tôm con không dám mua, vì sợ má đem phơi ở patio nó bay mùi qua nhà hàng xóm, có khi tụi nó dám kêu cảnh sát lắm. Việc dọn nhà qua Cali thì tụi con chưa nghĩ tới, vì con và Thảo đang có việc làm tốt ở đây.
Bà Phúc nghe vậy chỉ còn biết ngồi im, còn ông Phúc cũng chỉ biết lắc đầu cười nhạt. Ông không ngờ Hiếu con ông đã thuộc loại những thằng chồng - "đồ bỏ đi rồi", cứ nghe cái miệng nó: "Thảo nói như thế này, Thảo nói như thế kia" thì căn bịnh “thờ bà” của nó đã thuộc loại thầy chạy, mãn tính mất rồi, nó có còn quyền hành gì nữa đâu mà bàn với bạc. Hiếu là con ông mà không nối đươc chí khí hiên ngang "Phu xướng phụ tuỳ" của ông. Nó đang sống ở Mỹ mà không đáng sách... cặp cho vị cựu Tổng Thống Mỹ mới đây - Dạy vợ hay đến nỗi chính mình bồ bịch lia chia cả nước biết, bị đàn hạc sém chút nữa là mất job. Vậy mà vợ vẫn leo lẻo bào chữa: “Không đươc đụng đến Tổng Thống của em, ai cũng có thể lầm lỗi, nhưng Tổng Thống đang làm việc tốt, hãy để cho người tiếp tục phục vụ nước Mỹ.”.
Mỗi lần nhớ lại những ngày tháng thong dong, nhàn nhã ở VN, ông Phúc lại chép miệng, thở dài. Ông bà có hẳn một căn nhà có mặt tiền buôn bán ở một thị xã của một tỉnh thuộc miền Tây VN. Ngay cái việc cho thuê mặt bằng trước nhà để người ta buôn bán cũng đủ để hai ông bà dư dả, không phải lo toan kiếm sống gì nữa. Rồi lại còn mỗi năm mấy lần đi nhận "viện trợ không hoàn lại" của Hiếu-Thảo ở bên Mỹ nữa - Ai cũng nói ông bà có phúc, có tay thầy bói còn đoán chắc hậu vận ông bà sau này nếu xuất ngoại sẽ càng thêm đắc địa. Bà Phúc thì sao cũng được, vì ông bà cũng còn con cháu ở VN. Ông Phúc thì nhất quyết đi Mỹ cho nó "biết" với người ta, ông đã từng thuyên bố với bà là: "Qua đến Mỹ, hít thở được bầu không khí thực sự Tự Do rồi, mà... chết ngay ông cũng chịu.".
Bây giờ mới ở Mỹ hơn một tháng thôi, mà ông Phúc tưởng như đã lâu lắm rồi. Từ một người lanh lợi, mồm miệng đỡ tay chân, đi đây đi đó vui chơi, ở lâu một chỗ là chịu không có nổi. Bỗng dưng, ông trở thành một người có tai như điếc, có mồm như câm, có chân như què. Ngày ngày thui thủi ở nhà con trai mình như một người vô dụng. Ông chán lắm rồi, ở không hoài khổ lắm, cứ đi ra đi vô như một thằng khùng, hết đứng lại ngồi: TV, sách báo tiếng Mỹ thì không đọc được, mấy băng nhạc DVD thì coi hoài cũng chán.
Hiếu-Thảo cũng có tìm chỗ hoc Anh Văn ở nhà thờ cho ông bà học đỡ buồn, cũng như có dịp ra ngoài tiếp xúc với mọi người. Bà Phúc thì nhất định không đi. Riêng ông Phúc thì đi vì lúc còn ở VN đã từng ghi danh học Anh Ngữ tại một trung tâm ngoại ngữ thuộc loại “xịn” ở Thị Xã. Trung tâm này học phí cả triệu đồng một tháng, giáo viên giảng dạy đa số là người ngoại quốc, họ không những chỉ dạy ngoại ngữ mà còn dạy về cả phong cách, và văn hoá bản ngữ. Ông đã từng đóng tiền thêm để được thực tập: Từ cách giao tiếp trong các buổi lễ tiếp tân thân mật như mừng Sinh Nhật, đến những buổi lễ quan trọng hơn trong các nhà hàng sang trọng. Học cách order thức ăn, cách cầm ly rượu, tách cà phê, cách sử dụng muỗng nĩa v.v... sao cho có vẻ sang trọng, quí phái; rồi đến cách sắp xếp muỗng nĩa, khăn ăn, lau miệng để bồi bàn biết mình đã ăn xong mà đem dọn. Trong các giờ thực tập này, thường có rất nhiều Tây-Balô tham dự như một buổi lễ thật sự. Họ rất thân thiện, nói chuyện tiếng Anh với ông rất chậm, rất dễ nghe - Phần ông bập bẹ nói lại làm sao họ cũng hiểu, khen ông rối rít, làm ông tự tin rằng: Khi qua đến Mỹ có môi trường thực tập tốt hơn, chỉ cần sáu tháng đến một năm là ông có thể nói tiếng Anh trôi chảy. Ngày qua Mỹ ông có đem theo một số bằng khen của Trung Tâm này khoe với Hiếu Thảo. Sau này, có lẽ ông đã nhận ra khả năng thực sự của mình, nên không còn thấy ông khoe mấy cái bằng khen này với ai nữa.
Ngày đầu tiên đi học tiếng Anh ở nhà thờ, cả lớp có khoảng hơn hai chục người mà toàn là Mễ, hay Nam Mỹ nói tiếng Spanish, chỉ có ông là VN, với một bà khác là Trung Đông mặc áo trùm đầu dài tới chân. Cô giáo người Mễ yêu cầu ông tự giới thiệu vài lời làm quen với cả lớp. Chuyện này tương đối dễ, vì ông đã từng thực tập ở VN. Ông trịnh trọng, sửa lại điệu bộ, hắng giọng, đứng lên tự giới thiệu: " Dear my teacher. Hi, all my classmates, I'm Phúc..." Ông cố tình uốn lưỡi cho có âm gió ở vần cuối mỗi chữ như đã được học ở VN. Ông chưa nói hết, mấy đứa trong lớp đã lấm lét nhìn nhau cười, lúc đầu còn nhỏ sau to dần. Có đứa thật sự cũng chẳng hiểu ông nói gì, nhưng sợ các bạn chê mình không hiểu nên cũng cười theo, mà những đứa này lại cười to nhất. Cô giáo Mễ phải cố gắng lắm mới không cười và ổn định lại lớp học. Vì ông phát âm Phúc mà nghe như Phấc. Ông vừa giận vừa quê, nên từ hôm đó đến nay vẫn chưa đi học lại.
Ông Phúc thẫn thờ bước vào phòng mình, bà Phúc đang ngồi trên giường tay lật quyển Album có hình gia đình con cháu ở VN ra ngắm nghía. Cái cassette nhỏ trên bàn ngủ đang phát ra lời giảng về Phật Pháp của một vị Cao Tăng:
- Trong Kinh Pháp Hoa, Bồ-Tát Thường Bất Khinh giáo hoá chúng sanh chỉ bằng một bài kinh giản dị. Mỗi khi ra đường ở bất cứ nơi nào, gặp bất cứ ai, Ngài cũng đều bái nói: " Tôi không dám khinh các vị, vì các vị là Phật sẽ thành.".
Nghe như vậy ông Phúc liền thắc mắc, nên quay qua hỏi bà Phúc:
- Nói như vậy có nghĩa làm sao hả bà" Sao ai cũng có thể trở thành Phật được"""
Bà Phúc không ngờ hôm nay ông Phúc lại dở chứng hỏi bà về Phật Pháp, nhưng bà cũng mau mắn trả lời:
- À, thì Phật có dạy rằng: "Ta là Phật đã thành, còn chúng sinh là Phật sẽ thành". Có nghĩa là bất cứ ai giàu nghèo, sang hèn gì cũng có thể thành Phật được, nếu chịu khó tu tâm dưỡng tánh, ăn hiền ở lành. Phật không là Thần Thánh gì hết, Ngài chỉ là một người đã tự toàn thiện được mình, và dạy rằng nếu chúng ta noi theo gương Ngài, chúng ta cũng có thể tự hoàn thiện được như Ngài. Cuộc đời này quá nhiều đảo điên, phiền não - vì con người chỉ nghĩ đến cái tôi không thật của mình, lai quá tham lam không biết sao cho đủ: Tham danh-lợi, tham quyền-chức,tham tài-sắc, rồi từ đó sinh ra sân hận, si mê so sánh, ganh tị, oán hờn, khinh ghét, chém giết làm khổ lẫn nhau.....
Bà còn định nói nhiều nữa vì đây là "đài tủ” của bà, nhưng ông Phúc cảm thấy hơi nhột, như bà đang ám chỉ ông, nên ông lặng lẽ bỏ ra ngoài.
Trước đây, ông vẫn coi thường bà Phúc, cho bà thuộc loại không biết gì. Không ngờ hôm nay lại bị bà giảng "moral" cho một bài thấm thía. Ông tự nhận con người ông đầy rẫy tham-sân-si. Dù không có gì tài ba xuất chúng, nhưng ông luôn luôn muốn mọi người phải làm theo ý mình, nếu không thì ông hờn, ông giận. Thấy ai hơn mình là ông ghen tức thường khích bác, dèm pha; thấy ai thua mình thì ông khi dễ, coi thường. Vì vậy dù đời sống vật chất ông luôn luôn dư thừa, nhưng tâm của ông luôn bị giằng co, cấu xé không bao giờ cảm thấy hài lòng. Có lẽ một ngày nào đó, ông phải nhờ đến ánh sáng của Phật Pháp mà chuyển hoá cái tâm của mình.
Ông Phúc dừng lại nơi Sun-Room. Ông nhấn nút tự động kéo màn cửa để nhìn ra khu vườn sau nhà. Hiếu-Thảo đã bỏ bao công sức để biến nơi đây thành một vườn hoa đẹp mắt, nước non sơn cảnh hữu tình, hài hoà nét đẹp Á Đông lẫn Tây phương. Ông ngả người thoải mái ngồi xuống chiếc ghế bành bằng mây cạnh đó, nhìn bầy chim sẻ con nào con nấy mập ú, cùng với vài con chim Hummingbird xanh, đỏ thảnh thơi bay nhẩy bên nhau quanh hồ cá, bên hòn giả sơn có tiếng suối róc rách chảy không ngừng. Có con nghịch ngợm nhảy xuống hồ cá tắm, quậy phá bắn nước tung toé rồi lại nhẩy lên, mặt mũi hớn hở không có chút lo âu, sầu hận.
Tai ông chợt lắng nghe tiếng chim hót đâu đây trên cành cây Oak bên ngoài, ông vui miệng huýt sáo đáp lại - Tiếng chim hót lại tiếp tục vang lên như trả lời ông - Ông lại huýt sáo đáp lại - Chim lại hót lại với ông. Ô kìa!!! Đời bỗng dưng vui. Trong thoáng chốc ông bỗng "ngộ" ra: Cuộc đời này rất cần có sự chia sẻ và cảm thông - Hạnh Phúc giản dị chỉ là bằng lòng với những gì mình hiện có. Ông còn có bà Phúc, ông còn sức khoẻ, ông có Hiếu-Thảo và Tommy. Con trai ông, Hiếu với đôi mắt sáng, thông minh, nét mặt đàn ông đầy cương nghị - Một thằng bé 15 tuổi qua Mỹ bơ vơ, không cha mẹ dẫn dắt, nó phải biết phấn đấu bản thân thế nào để học hành và vượt qua những cạm bẫy của tuổi trẻ để có được một sự nghiệp như ngày hôm nay - Như vậy, chắc chắn Hiếu không phải là một người nhu nhược, chỉ biết cúi đầu tuân phục như ông đã từng nghĩ. Con dâu ông, Thảo lúc nào cũng nhỏ nhẹ, dịu dàng với bố mẹ chồng, một người phúc hậu, đoan chính như vậy hoàn toàn khác hẳn với những cô gái đanh đá, hà hiếp chồng con như ông đã từng thấy ở VN.
Ông hiểu rằng tất cả đã thay đổi, Ngày Hiếu vượt biên đến Mỹ nó mới chỉ mười lăm. Thảo theo gia dình qua Mỹ năm 1975 lúc hãy còn bé xíu. Vì sống còn, và mưu cầu một cuộc sống tốt hơn - Hiếu-Thảo bắt buộc phải thích nghi, để hội nhập vào cuộc sống mới. Ông không thể mong Hiếu phải làm những gì như ông đã từng làm với cha ông, cũng như không thể bắt Hiếu hãy làm những gì với Thảo, như ông đã từng làm với bà Phúc.
Ngày xưa, ông bà đã từng hy sinh một phần rất lớn tài sản của mình cho Hiếu vượt biên, để mua lấy tương lai cho Hiếu. Ngày hôm nay, lẽ nào ông lại bắt ne bắt nét con mình phải theo ý mình để con lâm vào tình trạng khó xử. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuống. Tấm lòng của cha mẹ đối với con cái bao giờ cũng là sự hy sinh, rộng lượng, khoan dung hơn là những khắt khe, áp đặt.
Hiếu- Thảo đã trưởng thành trên đất Mỹ, và đang có một cuộc sống tốt đẹp, tương lai đầy triển vọng - Chắc chắn Hiếu-Thảo còn thương yêu và biết đến công ơn cha mẹ nên mới bảo lãnh cho ông bà qua đây.
Như môt vị Quân Vương thức thời, đầy sáng suốt - Bắt đầu từ đây - Ông sẽ trao quyền "Gia Trưởng" hành xử gia dình lại cho Hiếu. Hãy để Hiếu-Thảo toàn quyền quyết định mọi việc, ông bà sẽ giúp và chỉ cố vấn khi nào Hiêu-Thảo cần đến ý kiến của ông bà mà thôi. Ông tin là Hiếu-Thảo sẽ hiểu được tấm lòng cha mẹ đối với mình, và trên đời này khi đã thương yêu, hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau rồi thì cuộc sống sẽ đẹp biết bao... Hoà-Bình, An-lạc chắc chắn sẽ tới.

Phạm Gia Nam

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.
Nhạc sĩ Cung Tiến