Hôm nay,  

Mái Ấm

04/11/200400:00:00(Xem: 137047)
Người viết: TRỌNG ĐẠT
Bài số 645-1186-vb4031104

Tác giả tên thật Dat Nguyen, cư trú tại Arlington, Texas. Lần đầu “tham gia giải thưởng cho vui” Trọng Đạt gửi một loạt ba bài viết, hợp lại cho thấy một một phong cách riêng biệt. Trong khi chờ đợi 2 bài tiếp theo sẽ được phổ biến vào thời điểm thích hợp, mong tác giả sẽ thêm bài viết mới và sơ lược ít dòng tiểu sử. Sau đây là bài viết đầu tiên.
*

Mấy tuần trước đây, tôi được xem một bài báo Mỹ nói về những người homeless tại một khu phố Bắc Dallas, người ta than phiền tại nơi đây nay đang xuất hiện thêm nhiều người vô gia cư hôi hám, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, họ la cà vào các cửa hiệu hay ngồi tụm năm tụm ba tại các công viên. Các cửa hiệu, nhà buôn than phiền vì bọn nàyï làm cho khách hàng e ngại sợ sệt khi vào mua đồ...
Bài báo khiến tôi nhớ lại trước đây khá lâu, tôi hay suy nghĩ về những người homeless, về những con chim không tổ, những người đã đánh mất mái ấm gia đình, lang thang theo kiếp sống đầu đường xó chợ, những kẻ cùng đường đã từ bỏ cuộc sống định cư để chuyển sang đời du mục.
Tôi nhớ hồi đầu năm 1981 tại Sài Gòn, khi được thả về từ trại giam, y như trên cung trăng rơi xuống, cái gì cũng thấy khác lạ. Điều làm tôi ngạc nhiên là Sài Gòn bây giờ sao quá nhiều người ở lề đường: tha ma nghĩa địa, gầm cầu, vỉa hè, công viên . . chỗ nào cũng có. Có điều là, trước năm1975 tôi không hề thấy bóng một người vô gia cư nào ở Thủ đô hoa lệ này. Có hôm tôi thấy một gia đình ba bốn người, vợ chồng con cái quây quần bên nồi cơm nóng trên manh chiếu tại một vỉa hè đường Võ Tánh, có lần thấy một bà mẹ đang nấu cơm bên chiếc ghế đá công viên, để đứa con độ một tuổi năm tênh hênh trên chiếu . .
Tôi được biết họ đa số là những người đi kinh tế mới trốn về, chẳng thà sống ở tha ma, gầm cầu còn hơn tại những nơi sơn lam, chướng khí, tôi cũng nghe nói trong số ấy nhiều người trước kia là dân sang, có nhà mặt đường, đi vượt biên bị lấy nhà nay phải kéo lê cái thân tàn ma dại trong cảnh màn trời chiếu đất. Hồi mới vào trại cải tạo được một năm, chúng tôi đọc báo thấy nhân dân nô nức lên xe đò đi xây dựng vùng kinh tế mới. Nhà nước thi hành chính sách dãn dân, hồi ấy nhiều người sợ quá bán tống táng đồ đạc, nhà cửa để hưởng ứng chính sách rồi đi cho nhanh. Họ được đưa lên những vùng đồi núi, đất đai khô cằn như sỏi đá. cầy cuốc bao năm cũng chỉ được vài bao khoai sắn, họ ăn vào vốn dần dần cho đến khi kiệt quệ, bèn đánh liều trốn về thành phố, kẻ chiến bại phải chấp nhận cái thân phận của mình, họ đã bị đẩy xuống tận cùng đáy xã hội, tự cổ chí kim bao giờ cũng thế, kẻ chiến thắng lấy đi tất cả: nhà lầu, biệt thự, xe ngựa xênh sang. . .
Tôi nhìn đám vô gia cư này bằng chút ái ngại nhưng không thấy xúc động xót thương gì nhiều cho lắm vì tôi phải thương cho chính cái thân tôi như trăm nghìn người khác, cuộc đời tôi cũng chỉ là một vở kịch bi đát não nùng.

Anh hùng mạt lộ, giang san tiêu điều. .
Ở tù về, ông thì chẳng ra ông, thằng cũng chẳng ra thằng, đi làm không ai mướn, trong đầu lúc nào cũng vấn vương cái mối lo ghê gớm "không biết nó sẽ bắt lại lúc nào", và nhất là hình ảnh của những hàng rào kẽm gai đêm đêm lại hiện lên trong trí y như cơn ác mộng.
. . . cái giá mà kẻ bại trận phải trả.
Họ ở lề đường, màn trời chiếu đất nhưng lại không phải đeo cái mối lo ghê gớm như tôi, tôi có cảm tưởng như xã hội lúc bấy giờ hoàn toàn không còn có tình thương, con người chỉ thương cho chính cái bản thân của mình, họ lo sợ, chán chường, đâu đâu cũng chỉ nghe thấy toàn là những tiếng thở dài, không ai làm gì hơn được.
Khoảng hơn một năm sau, vì số người vượt biên chết chìm ngoài biển đầy cả ra, Liên Hiệp Quốc và nhiều tổ chức nhân đạo khác đã thực hiện được chương trình ra đi trong trật tự. Tôi vội vã nạp đơn ngay, nhưng diện anh em ưu tiên thấp lắm, nó chỉ cho mình một chút hy vọng mong manh, nhưng có cũng còn hơn không. Tôi theo dõi hồ sơ hết, tháng này sang tháng khác, năm nọ đến năm kia, chừng mấy năm sau tôi làm đơn khiếu nại được biết hồ sơ hồ sơ đã nằm ở phố Hàng Bài Hà Nội. Thế rồi một buổi chiều. . thật y như một phép lạ, khi sắp bước sang thập niên 90, tôi nhận được giấy của Sở Ngoại Vụ mời đi sơ vấn, phỏng vấn, khi ấy mới biết là hai bên đã thỏa thuận thực hiện chương trình ra đi chính thức dành cho người cải tạo, những người có thân nhân bảo lãnh được ưu tiên đi trước. Thế là tôi được đi ngay trong đợt đầu, toàn bộ danh sách kỳ này vào khoảng trên 3000 người.
Hầu hết những người có tên trong danh sách này có thân nhân bảo lãnh, họ đã nộp đơn xin đoàn tụ trước đây, chỉ có một số rất ít không có thân nhân tại Mỹ. Khi chuẩn bị ra đi, một ông cải tạo không có thân nhân đến nhà chơi bảo tôi:
-Tôi chắc là được cấp nhà, vì tôi không có thân nhân, tôi biết ở đâu" Anh có thân nhân, anh ở nhà người thân.
Ông ấy lý luận dài dòng văn tự, tôi lấy làm lạ hồi xưa ông ấy đã là sĩ quan cao cấp mà sao có thể dễ tin như thế.
Những tin đồn về việc cấp nhà đã loan truyền từ lâu, nhiều người lạc quan tin tưởng nhưng cũng có nhiều người đả phá kịch liệt những tin vịt cồ, có người nói:
-Mấy ông này được voi đòi tiên, đã không mất đồng xu nào, được đi cả gia đình, ngồi máy bay đánh vù một cái ngon lành, người ta đi vượt biên mất bao nhiêu tiền, chết chìm chết bắn cả đám mà còn chưa tới nơi được. Được đi máy bay sướng như tiên mà còn đòi cấp nhà nữa! ối giời đất ơi!
Khi sang Bangkok Thái Lan, trong những ngày tạm cư chờ vào Mỹ, sở USCC và sở di trú đã cho các cô nhân viên người Việt hướng dẫn chúng tôi những điều cần biết khi vào Mỹ, có một ông cải tạo hỏi về việc cấp nhà, ông nghe nói diện cải tạo được cấp nhà, cô nhân viên đáp:
-Thưa Bác, chắc là không có đâu, vì cái nhà nó to tát lắm. Vợ chồng cháu qua Mỹ đã lâu vẫn chưa mua được nhà! chắc không có đâu bác ạ!
Tôi vào Mỹ đúng vào ngày mùng bốn Tết nguyên đán, đầu thập niên 90. Hôm sau tôi hỏi người nhà:
-Nghe mấy ông cải tạo ở Việt Nam cứ đồn sang đây có một số được cấp nhà.
Tôi chưa nói dứt câu thì thân nhân tôi gạt đi ngay.
-Ối giời ơi! Mỹ mà còn ở lề đường đầy cả ra, bữa nào đưa ông lên Dallas xem, trắng có, đen có. . nhà ở đâu mà cấp cho các ông"
Rồi người nhà tôi kể dông dài thêm:
-Vào những ngày lễ lớn, nhà thờ làm đồ ăn cho người nghèo, dân vô gia cư, ở đây gọi là homeless xếp hàng chờ dài dài, trắng có đen có nhưng không thấy có người mình.
Tôi lấy làm lạ: một đất nước giàu có sung túc nhất thế gian, đã tiêu thụ một phần ba nhiên liệu trên thế giới, một nước đã có số xe hơi bằng số xe của tất cả các nước trên thế giới cộng lại. . thế mà vẫn còn có người ở đầu đường xó chợ, thế mới biết trên thế gian này, ở bất cứ xã hội nào đâu đâu cũng có những kẻ cùng đinh khố rách. Tôi bèn viết thư về cho bạn bè ở Việt Nam để nói cho họ biết rằng Mỹ trắng, Mỹ đen còn ở lề đường đầy cả ra, con ruột người ta mà họ chưa lo được huống hồ chúng mình. Có người viết thư sang cám ơn đã cho họ biết những điều kỳ thú, họ nói chưa thấy ai nói đến cái thế giới của những người cùng đinh khố rách ấy.


Hồi ấy, tôi hay tò mò tìm hiểu về những người homeless, tôi lấy làm lạ, ở cái xứ thời tiết khắc nghiệt như thế này mà sao họ có thể sống ngoài đường. Tình cờ, tôi đọc được một bài trong tờ tập san Mỹ cho biết, họ ước lượng có vào khoảng từ 1 cho tới 3 triệu người vô gia cư, đa số tập trung tại những thành phố lớn, riêng tại Nưỡu Ước có tới gần một trăm ngàn ăn mày homeless. Phần nhiều họ bị mất việc, hết tiền, khánh tận, cũng có nhiều người lười biếng không chịu đi làm. . .
Họ có phỏng vấn một ông homless, ông ta nói mới đầu ông chỉ tưởng ở lề đường vài tháng thế mà thời gian cứ vô tình lững lờ trôi đến nay đã được ba năm. Cũng có giả thuyết nói họ là những người có tiền án hình sự trộm cướp, nay đi làm không ai mướn, ở đây người ta kỵ nhất tội phạm, một xã hội trông rất là đầy tình người nhưng kỷ luật lại cứng rắn như sắt thép. Tôi nghĩ nếu như vậy lại càng đẩy người ta vào chỗ cùng đường, kẻ đã cùng đường lại dễ sa chân phạm tội. Họ được nhà thờ, hội từ thiện cho quần áo, thỉnh thoảng cho ăn, vào những đêm đông giá lạnh họ được vào nhà trú shelter của tòa tỉnh, bần hàn nhưng được cái tự do, mặc kệ cho cuộc đời trôi theo dòng nước. Họ cũng có thể là những người mang tâm hồn thi sĩ, triết gia nhìn cuộc đời phù du mong manh như cơn gió thoảng: Cuộc đời là cái quán trọ, người chỉ là khách qua đường, nhân sinh thiên địa gian nhất nghịch lữ. .
Khoảng gần một năm sau lần đầu tiên tôi thấy một người homeless, tại một ngã tư có nhiều xe qua lại, đó là một cô Mỹ trắng, trông có vẻ cũng đàng hoàng, ăn mặc tươm tất, tay cầm cái bảng "Hungry, need help", tôi đói, giúp tôi với. Rồi một thời gian sau, tôi gặp một đôi vợ chồng Mỹ trắng tại cửa thư viện, trông họ cũng đàng hoàng,người chồng đang ngồi ăn, chị vợ chạy lại xin tôi bảo: " Sir! I am so hungry! Thưa ông tôi đói quá!"
Người Mỹ ít khi cho tiền homeless, chắc họ cho là bọn này lười biếng. Tôi thì không bao giờ từ chối, gặp họ xin tôi đều cho vì nghĩ rằng cực chẳng đã chứ ai muốn làm cái nghề bị xúc phạm nặng nề đến nhân phẩm như thế, vả lại họ cũng phải cần sống, cần được giúp đỡ. Mỗi lần cho tiền, đều được nghe họ cầu chúc God bless you, cầu Chúa ban ơn phước cho ông, họ còn biềt tin Thượng Đế chắc là những người tốt còn có lương tâm.
Tôi ngày càng được biết nhiều hơn về cái thế giới của những người homeless, có lần theo dõi chương trình trên TV được biết những chuyện thật ghê rợn của kiếp sống du mục này. Hôm ấy họ nói về những người sống dưới đường hầm xe điện ngầm tại Nưỡu Ước và đặt tên cho bọn này là mole, chuột cống vì sống y như chuột. Họ phỏng vấn một một người mole đã sống ở đường hầm bẩy năm, anh ta nói nhiều người tối ngủ say lăn ra đường rầy bị xe điện cán chết. . .
Cách đây khoảng bốn, năm năm lần đầu tiên tôi thấy cuộc đời của một người homeless được đưa lên trang nhất của một tờ báo Mỹ tại địa phương, hôm ấy tôi vào chợ thực phẩm Mỹ mua đồ ăn và tự nhiên chú ý đến bài báo. Đây là một vụ án mạng tại tỉnh Grand Prairie ở gần đây, nạn nhân là một người đàn bà da trắng, 38 tuổi, homeless, gái mãi dâm bị đâm chết tại một nhà kho bỏ hoang gần đường Abram. Nạn nhân từ nhiều năm nay sống vất vưởng trong khu vực này. Một cái chết thê thảm của một người đàn bà đầu đường xó chợ, nghiện ngập, được coi như cặn bã xã hội, nhưng kẻ nạn nhân khốn cùng ấy vẫn còn may mắn hơn hàng trămhàng nghìn nạn nhân khác ở cái xứ nghèo đói lạc hậu bên nước tôi vì bà ta còn được nhắc tới trong khi hàng nghìn người khác cũng đã chết thê thảm như thế mà không được ai biết tới.
Người ta đăng cả hình ảnh của nạn nhân, khuôn mặt đầy phong sương nhưng vẫn còn giữ được những dáng nét của một dân tộc văn minh. Đôi mắt trông mất hết vẻ tinh anh, đôi mắt người đàn bà đau khổ thật chẳng khác nào một vùng đất khô cằn như sỏi đá. Mái tóc hung vàng chờm xuống trán, gò má cao, thoáng trông người ta cũng thấy được bao nhiêu năm tháng ê chề chồng chất.
Đây là một bài báo dài, người ký giả kể lể khá đầy đủ về lai lịch kẻ xấu số. Vì có lẽ đây là một vụ án mạng và nhất là cuộc đời thật bi thảm của một con người tại một xứ sở văn minh sung túc, cũng có thể họ coi đó là một trường hợp hy hữu. Một bài viết rất khách quan nhưng không kém phần ý nghĩa về cuộc sống xã hội và định mệnh con người.
Ông ký giả biết được cả tên tuổi, lý lịch nạn nhân: Nàng sinh ra trong một gia đình Mỹ trắng có cha mẹ đàng hoàng, được đi học, rồi trưởng thành, có công ăn việc làm, có bạn trai... rồi một mối tình chớm nở, nàng có chồng, hai con. Người ký giả nói đó là điều lý tưởng của nhiều người Mỹ.
Rồi không hiểu vì sao gia đình đổ vỡ, chuyện này tại Mỹ sảy ra như cơm bữa vậy, chồng đem hai con đi một nơi, vợ một nẻo, một hai năm sau bị đuổi ra khỏi nhà, không rõ lý do, tôi chắc bà ta mất job không có tiền trả tiền nhà. Ở cái xứ sở tiền trao cháo múc này, không có tiền là a lê hấp đi chỗ khác chơi! không như bên mình thuê nhà rồi chiếm nhà luôn.
Người đàn bà lang thang ngoài hè phố, có lẽ nàng tưởng rằng chỉ sống bên lề đường vài tháng và một ngày nào sẽ tạo dựng lại được mái ấm gia đình, có lẽ nàng cũng nghĩ rằng mình sẽ được hưởng lại hạnh phúc của đời người. Nhưng đến một lúc nào con người sẽ không còn khả năng để lái cuộc đời theo ý mình và đành buông xuôi cho định mệnh, có dè đâu nạn nhân ngày càng kéo dài cuộc đời vô gia cư, lâm vào cảnh nghiện hút, rồi mãi dâm, ăn mày để kiếm sống, và ngày càng lún sâu trong vũng bùn lầy nhơ bẩn để rồi phó mặc cho . . đời lạnh lùng trôi theo dòng nước mắt. .
. . Nạn nhân hay lui tới trong mấy con đường ở phía tây thành phố từ bao lâu nay, bị đâm chết tại một nhà kho, hai nhát ở cổ, một nhát ở lưng, chắc cũng lại do phường cặn bã xã hội gây lên và có lẽ người ta cũng chẳng cần điều tra cái chết của những người cùng đinh vô tích sự.
Bà ta cũng đã từng có một mái ấm gia đình, có hạnh phúc lứa đôi nhưng . . ngày ấy đã xa lắm rồi, cái thời ấy nay còn đâu"
Nghe nói trước đó mấy năm nạn nhân có gặp một bà cô, bà thím gì đấy, còn chồng con thì biệt tăm biệt tích. Tôi thường nghe nói điện ảnh Mỹ hết đề tài, họ quay lại những truyện, phim cũ, đây cũng là một đề tài hiếm có thuộc loại drama bi thảm hiện thực, nhưng điện ảnh Mỹ lại không chú ý đến những đề tài hiện thực xã hội như điện ảnh Ý mà chỉ thích quay những phim hoạt động "action" như trinh thám, bắn giết để kiếm nhiều tiền nên chắc họ cũng chẳng quan tâm.
Người đàn bà đã một thời là con người tốt của xã hội, có gia đình hạnh phúc, nay chết thê thảm, tứ cố vô thân, trên không rễ dưới không chằng.
Và rồi người ký giả lạnh lùng kết luận: “BURNED BEYOND RECOGNIZATION” (hoả thiêu vô thừa nhận).

Trọng Đạt

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,022,192
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006, đã nhận Giải Danh Dự, thêm Giải Á Khôi, Vinh Danh Tác Giả VVNM 2016, và chính thức nhận giải Chung Kết Tác Giả Tác Phẩm 2018. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Đây là bài viết mới của Ông.
Tôi đi mình lên trong chuyến xe lửa từ Paris sang Thụy Sĩ với tâm trạng nôn nao và thoáng lo âu ngần ngại, mặc dù đây không phải là lần đầu thân gái dặm trường xuyên quốc gia như thế này
Nguyệt Mị là bút hiệu lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, nhưng trong tháng trước tác giả đã có bài "Nước Mỹ là nhà của Mị" ký tên thật là Quynh Gibney.
Tác giả: Nguyễn Thị Thêm Bài số 5834-20-31618-vb5111419 Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Bà sinh năm 1948 tại Biên Hòa, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975, dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO, hiện là cư dân Nam Ca Li. Bà kể, "Chồng tôi là lính VNCH. Hai con tôi nay là lính của quân đội Hoa Kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính." Sau đây là bài viết mới của tác giả.
Tác giả từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2018. Là một cựu tù cải tạo vượt ngục và là người lái tầu vượt biển, ơng định cư tại Mỹ từ 1990, hiện làm việc theo một hợp đồng dân sự với quân đội Mỹ, từng tình nguyện tới chiến trường Trung Đông và Châu Phi.
Tác giả tên thật Trần Năng Khiếu. Trước 1975 là Công Chức Bộ Ngoại Giao VNCH. Đến Mỹ năm 1994 theo diện HO. Đã đi làm cho đến năm 2012. Hiện là công dân hưu trí tại Westminster.
Tháng Năm 2018, tại Việt Báo Gallery, có buổi ra mắt sách Anh ngữ "Finding My Voice A Journey of Hope" của Crystal H. Vo tức Võ Như Ý, từng dự Viết Về Nước Mỹ từ 2009.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Bà sinh năm 1951 tại miền Bắc VN, di cư vào Nam 1954, là thư ký hành chánh sở Mỹ Defense Attaché Office (DAO) cho tới ngày 29 tháng Tư 1975.
Nhạc sĩ Cung Tiến