Hôm nay,  

Dòng Đời

30/10/200400:00:00(Xem: 140862)
Người viết: MARY LONG
Bài số 640-1181-vb4271004

Tác giả tên thật Hoàng Huỳnh Mai, đã có gia đình và 3 con, hiện đang sống tại Westminster. Nghề nghiệp chuyên viên thẩm mỹ (parttime) nội trợ (fulltime). Bài Viết Vè Nước Mỹ đầu tiên của bà là tự truyện 15 năm của một gia đình đoàn tụ trên đất Mỹ.
*

Ngày tôi cùng đứa em gái kế bước chân xuống phi trường New Orlean là tháng 6 năm 1989. Năm đó tôi vừa 23 tuổi và Quỳnh em tôi thì 17. Chúng tôi bước chân vào "Thiên đường Mỹ quốc" sau gần hai năm sống ở trại tỵ nạn Thái Lan.
Bố tôi qua được Mỹ năm 1980, ông làm giấy bảo lãnh mẹ và ba chị em tôi nhưng đến năm 1986 thì giấy tờ bị ngưng lại mẹ tôi nóng lòng nên cho tụi tôi đi vượt biên. Bà để tôi và Quỳnh đi trước, khi tụi tôi đến nơi an toàn thì bà và Vân là em gái út sẽ đi sau. Đó là do kinh nghiệm năm 1979, cả nhà đi vượt biên một lượt nằm chờ cả tháng ngoài Nha Trang, rốt cuộc bị lừa hết tiền, trở về Saigon thì nhà đã bị tịch thu, đồ đạc mất hết, tụi tôi phải mặc đồ của bà con, bạn bè cho.
Nhưng oái ăm là khi chị rm tôi cùng với một người anh con dì là Huy đến Thái an toàn thì mẹ và Vân được Mỹ gọi phỏng vấn, dĩ nhiên là không cần đi nữa, báo hại làm tụi tôi phải ở Thái gần hai năm, vì tụi tôi đã có hồ sơ bảo lãnh của bố nên không nước nào phỏng vấn. Ở Saigon, mẹ và em cũng gặp rắc rối vì hồ sơ thì có bốn người mà đi thì chỉ có hai, làm mẹ tôi phải tốn tiền đút lót. Thành ra hai chị em tôi là số đi diện ODP mà lại thành "O đi ghe"! Cũng may là chuyến đi gặp nhiều may mắn, không nguy hiểm gì cả, còn hai năm ở trong trại thì bố tôi và dì Na gởi tiền đều đều nên tụi tôi sống rất thoải mái.
Khi hai chị em đến Mỹ thì hai tuần sau mẹ và Vân cũng qua luôn. Sau những giây phút sung sướng được đoàn tụ, tụi tôi bắt đầu quan sát mọi sự xung quanh. Thành phố New Orlean sao mà lớn quá! Nước Mỹ thật là vĩ đại, xe cộ đâu mà nhiều kinh khủng, những chiếc cầu chồng chất lên nhau tới mấy từng. Chúng tôi há hốc mồm nhìn chiếc cầu treo khổng lồ được giỡ cao, rồi tách rời ra để cho một chiếc tàu lớn đi qua. Ngoài phố thì đông đúc người đi bộ.
- Úi trời! cả một "vựa" Mỹ đen. Vân hoảng hốt la lên.
- "Vựa" là để chỉ trái cây, chư không để chỉ người, phải nói là "cả khối" người. Bố tôi chỉnh lại
Ba chị em lè lưỡi nhìn nhau, sau bao năm sống với CS, dân Saigon sinh ra nhiều tiếng lóng.
Dọc theo bờ sông, từng nhóm nhỏ Mỹ đen đứng chơi nhạc Jazz. Họ chơi theo sở thích chứ không phải để xin tiền. Những người đứng xem cũng lắc lư theo nhạc.
- Kìa! có bà Mỹ đen "kéo đờn cò" kìa. Quỳnh lại la to lên.
- Không phải "kéo đờn cò" bà ta đang kéo Violon, bố tôi lại chỉnh.
Sau mấy năm gặp lại, sao thấy bố tôi khó tính quá, hồi ở Việt Nam tôi sống gần với ông bà ngoại và dì Na hơn, hồi đó cũng thấy ông khó tính nhưng không bằng bây giờ. Rồi ông cho cả nhà đi chợ, chợ sao mà to quá, hàng hóa hàng hàng lớp lớp.
- Các con cần gì thì lấy ra đây bố trả tiền, không được bỏ túi cái gì, vì họ có máy thu hình trên kia.
Bố tôi dặn. Ba chị em nhìn nhau bất mãn, sao ông có thể coi thường tụi tôi như vậy.
- Ổng sợ tụi mình "chĩa" đồ ẩu! Tôi thì thào.
- Đừng mua "nĩa" ở nhà có rồi, bố đi đàng trước nói.
Cả ba đứa bụm miệng cười vì ông nghe lộn. Ông đi đã lâu nên ông quên tính tình của ba đứa con gái. Tụi tôi được bà ngoại, mẹ, dì Na dạy dỗ kỹ lưỡng từ nhỏ. Bà ngoại tôi là một "mệ" Huế thứ thiệt, họ của bà là Công Tôn thuộc dòng Hoàng Thất của vua, nên ngoại "rèn" ba đứa cháu gái rất kỹ. Ngoài ra thời gian ở Saigon, nhờ tiền của bố, nhất là của dì Na, mẹ tôi đã khéo xoay xở buôn bán, nên tụi tôi có một đời sống rất sung túc, làm sao mà có màn "chôm được".
Nhà bố tôi là một căn apartment hai phòng, khi bước chân vô nhà thì cái đập vào mắt tụi tôi là đồ đạc sao mà cũ quá. Bộ bàn ghế nhựa nếu ở Saigon thì chỉ để ngoài vườn thôi. Cái tivi nhỏ xíu thật cũ. Hai phòng ngủ đều có tivi cũng thật cũ, mền gối thì cái nọ cái kia. Mở tủ thì thấy một lô quần áo đã lỗi thời.
- Bố mua sẵn cho mấy mẹ con. Bố giải thích.
Bốn mẹ con tuy không nói ra, nhưng ai cũng hiểu là có một người đàn bà nào đó đã ở đây với ông. Chúng tôi bắt đầu bất mãn ngầm. Những ngày sau đó thì bố mẹ tôi cãi vã thường xuyên.
- Tưởng sao qua Mỹ cả gần chục năm mà chả làm ra trò trống gì. Mẹ chì chiết.
- Thì mấy người ở Việt Nam cứ tưởng qua Mỹ là hốt vàng thôi. Bố gay gắt đáp.
- Biết vậy tôi với mấy đứa nhỏ ở Việt Nam cho rồi. Qua đây chả có gì cả. Mẹ đay nghiến.
- Vậy chứ ai cứ hối lo giấy tờ cho lẹ" Thật là rước của nợ. Bố hét lên.
Ba chị em ngồi một góc ngao ngán nhìn ông bà già gấu ó nhau. Chiều hôm đó ông đưa năm chục đồng để mấy mẹ con đi chợ, vì ông sẽ đi làm về trễ. Bên kia đường có một ngôi chợ Việt nhỏ xíu nhưng cũng bán đủ thứ. Bốn mẹ con hăng hái đi qua, tụi tôi mua đủ thứ đồ ăn vặt, từ trái cây đến bánh, mẹ cứ hối tôi và Quỳnh mua thêm, vì biết hai chị em đã hai năm chưa ăn đồ Việt Nam, ở Saigòn tôi là vua ăn hàng.
Tối khi bố về, ông nghe mấy mẹ con xài năm chục chỉ để ăn vặt, ông gào lên:
- Bộ tôi in tiền ra hả" Năm chục là người ta đi chợ cả tuần đó biết chưa.
Rồi thì hai ông bà lại gây nhau. Trong khi đó thì tối nào dì Na và cậu Lộc ở Cali cũng gọi qua kêu về Cali ở, làm mẹ tôi càng sốt ruột. Bố mua một chiếc xe Mustang màu đen cũ, ông bảo tôi:
- Con tập lái xe để đưa mẹ và mấy em đi đâu cần. Bố mệt mẹ lắm rồi.
Chiều nào ông cũng tập xe cho tôi ngoài con đường đất giữa cánh đồng. Con đường rộng rãi chẳng có xe nào qua lại, một bên là con lạch nhỏ mọc um tùm, đước với lau sậy. Tôi mới biết chạy đường thẳng nhưng dám phóng hết ga. Ở Saigon khi 16 tuổi là tôi đã chạy Honda rồi.
Tuần sau thì chúng tôi dọn về Cali. Lúc đó bà ngoại và gia đình dì Bích má của Huy cũng vừa đến Mỹ do dì Na bảo lãnh.
Về đến Cali sao mà sung sướng quá! Chúng tôi được gặp lại bà ngoại, cậu mợ, dì dượng và các anh chị em họ, chúng tôi lại đùa giỡn vô tư như hồi còn ở Việt Nam. Trước khi về Cali mẹ tôi nói với bố:
- Về bên đó mấy mẹ con tôi đã có Na lo. Ông muốn đi đâu thì đi.
Về đến Cali thì ông đi thật, sáng sớm là ông đi với bạn bè đến thật khuya mới về. Cả nhà ở chung với dì Na và dượng ở thành phố Long Beach. Được bà chị họ giới thiệu, tôi và mẹ vào làm việc trong một hãng may. Còn hai em thì lo học Anh văn để kịp tháng 9 vô trường học tiếp tục. Hàng ngày dì dượng đều đi làm sớm nên tôi với mẹ phải đi làm bằng xe bus. Dì Na cứ dặn đi dặn lại:
- Khi qua khỏi đường Wallow thì kéo chuông để xuống hãng may, còn lúc về thì kéo chuông khi thấy đường Market. Nếu lố đường thì xuống xe để đón xe khác đi ngược trở lại.
Hãng may đông người và chật chội. Cả gần bốn chục người chen chúc sau những đống vải cao vút. Tôi và mẹ ì ạch ngồi may, vì đây là lần đầu tiên làm việc này, đường may thì méo xẹo, vải thì lớp này chồng lên lớp kia, bà chủ coi xong lắc đầu:
- Trời đất quỷ thần, may kiểu này thì chỉ có nước may bao bố. Thôi hai người xuống cắt chỉ đi.
Tôi nhìn xuống những người đang ngồi bệt dưới đất cắt chỉ mà thấy ngao ngán, toàn ông già bà cả đeo kính dày cộm, đã vậy từ đầu đến chân, tóc tai đều dính chỉ cả. Tôi năn nỉ:
- Chị để em với mẹ thử hai tuần đi chị.
- Để em chỉ cho họ làm, ông em của bà chủ chen vào.
Anh chàng "chủ em" này cao lớn đen thui, cả ngày cứ lòng vòng quanh chỗ tôi ngồi. Những ngày sau đó hai mẹ con cố gắng lắm cũng chẳng có kết quả gì, mà chiều nào khi về cũng phải trốn ra trước vì "ông chủ em" cứ đòi chở về dùm.
Sau hai tuần hết sức cố gắng tôi và mẹ lãnh được ba mươi hai đồng. Nghĩa là mỗi ngày mỗi người làm được....một đồng. Nhưng khi cầm tiền do mồ hôi mình làm ra thì cũng vui vui, hai mẹ con quyết định đi shopping. Trên đường về, khi xe bus chạy qua một khu phố cao tầng, đông người đi lại, tôi giựt chuông để xuống.
Sau khi đi vòng vòng mới phát hiện ở đó toàn là văn phòng, chả có tiệm nào cả. Khi ra lại đường chính thì không biết giờ nào mới có xe bus, hai mẹ con đành đi bộ về nhà, mất hơn một tiếng đồng hồ. Sau đó thì tôi và mẹ ngưng nghề "thợ may" vì biết không thể nào "đạp ra tiền" được.
Dì Na đưa hai mẹ con xuống khu Bolsa vào một trường beauty college ghi danh cho tôi học nghề tóc, còn mẹ thì học nail. Bắt buộc tôi phải lấy bằng lái xe gấp. Tôi rớt ngay vì chỉ biết lái đường thẳng. Tôi phải tập lái xe lại, dì Na đang có bầu Lisa nhưng hàng ngày vẫn ráng tập xe cho tôi. Lần thứ hai thì tôi thi đậu, rồi thì cả nhà dọn xuống khu Bolsa ở cho tiện việc đi lại. Gia đình tôi "share" hai phòng trong một ngôi nhà bạn của mẹ. Bắt đầu trên chiếc xe 600 đô đó, bốn mẹ con phiêu lưu khắp nơi.
Sáng sớm tôi chở Vân và Quỳnh đi học ở trường Bolsa Grande, còn tôi và mẹ thì đi đến trường beauty college. Chiều về cơm nước xong là bắt đầu đi chơi lúc thì ra Huntington Beach ngắm mặt trời lặn hoặc chạy vòng vòng trên những con đường nhỏ ven biển để ngắm những ngôi nhà đắt tiền, thỉnh thoảng lại shopping, thường là ở Thrifty hay Goodwill, sang lắm là K Mart.
Chiếc xe quá cũ hai đứa em tôi bước vô hơi mạnh nên làm lủng hai lỗ ở sàn xe băng sau làm hai nàng khi muốn vô xe phải đưa cái mông vô trước, rồi mới nhẹ nhàng bỏ hai chân vào. Thắng xe cũng không ăn, khi tôi đạp thắng thì xe lết thêm một đoạn rồi mới ngừng hẳn, vậy mà cứ cách một ngày tôi lại chở mẹ và hai em lên Long Beach thăm bà ngoại và dì Na mà đi bằng freeway nữa chứ. Cũng trên chiếc xe đó tôi đã chở bà ngoại đi chơi nhiều nơi.
Những buổi đi chơi, bốn mẹ con đùa giỡn tưng bừng. Tôi mở nhạc thật lớn rồi mấy chị em hò hét hát theo, chúng tôi đùa giỡn để quên đi những lo âu, những nỗi buồn hiện tại.
Bố và mẹ vẫn chưa hòa hợp được với nhau sau gần mười năm cách biệt. Còn ba chị em tôi vẫn chưa thích nghi được cuộc sống ở đây. Có lần Vân mếu máo:
- Em không thích đi học, thấy nói gì em cũng không hiểu. Còn em nói tiếng Anh thì tụi nó chọc em. Quỳnh thì buồn so:
- Không đứa nào chịu chơi với em cả. Tôi ôm hai em vào lòng mà thương quá. Quỳnh là đứa lanh lẹ mà còn chịu không nỗi chứ đừng nói Vân là đứa ù lì, ít nói nhất nhà.
- Ráng lên hai đứa à, từ từ mình sẽ quen thôi.


Tôi an ủi hai đứa mà cũng như an ủi chính mình, vì ngay bản thân tôi khi vô lớp cũng chả hiểu gì cả, những ngày tháng học anh văn ở Saigon hình như đã để lại cho thầy không mang theo.
Sau mấy tháng học Nail thì mẹ đi làm, thấy mẹ vất vả quá tôi quyết định tìm việc làm ban ngày còn học tóc vào buổi tối. Đọc trên báo thấy mục: "cần các cô trẻ, việc làm đứng đắn, có xe đưa rước" tôi mừng quá gọi lấy hẹn để đi làm liền, bà chủ nó tôi sẽ làm từ 5 giờ chiều đến 12 giờ khuya, 4 giờ chiều sẽ có xe đến tận nhà đón. Tôi lén mẹ đi làm mà không nói cho bà biết. Huy, anh họ tôi cùng đi vượt biên chung nhưng hắn qua Mỹ trước tôi cả năm, hắn rất rành ở đây. Hắn can:
- Nè. "Ổ" đó đừng có đi làm. Dĩ nhiên là tôi đâu có tin, hắn nói hoài tôi vẫn nhất định đi làm, hắn đành nói:
- Thôi được mi cứ đi, cỡ 11 giờ ta sẽ lên đón về.
Chiều hôm đó thì có một chiếc xe sang trọng đến đón tôi, khi vô xe thì tôi hơi chột dạ vì thấy trong xe có thêm ba cô nữa, nhưng cô nào cũng son phấn lòe loẹt. Đến nơi thì đúng là "ổ" thật. Đó là một quán rượu bà chủ nhìn tôi vẻ hài lòng:
- Em vô trong kia phụ chị hai pha rượu.
Khách ngồi xung quanh một quầy rượu lớn, ở giữa là chỗ để tôi và một chị lớn tuổi rót rượu hoặc bia. Tôi để ý thấy mỗi người khách đàn ông đều có một "em" ngồi bên, cặp nào cũng âu yếm như "Yêu em từ kiếp nào". Lâu lâu thì chàng lại đưa ly vô để rót thêm bia, nàng cũng đưa theo. Nhưng khi rót cho chàng thì chị hai rót bia thật, còn nàng thì lại là....nước trà, nhưng khi tính tiền thì bằng nhau, đó là chưa kể mỗi lần tôi hay chị hai đưa ly bia ra thì chàng lại cho "tip" 1 đô. Cuối căn phòng có một cánh cửa thông qua một phòng khách, phòng bên này đèn đã vàng vọt, nhưng bên kia thì tối hù chỉ có vài ánh đèn xanh đỏ nhỏ xíu, lập lòe như đom đóm. Thỉnh thoảng lại có một cặp đưa nhau vào đó. Tôi suy nghĩ không biết bên đó có cái gì, chị Hai đoán được ý nghĩ của tôi, chị thì thầm:
- "Ngưỡng cửa thiên đường" đó.
Tôi vẫn không hiểu là cái gì nhưng không dám hỏi lại, tôi nghĩ thây kệ nó là cái quái gì miễn tối mình cứ đứng đây pha rượu, rồi được "tip" là được rồi, tôi sờ vào cái túi tạp dề đang mặc thấy đã khá bộn tiền nên lòng thấy vui hẳn. Bỗng bà chủ đến trước mặt tôi bà lấy hai ngón tay sơn đỏ choét kẹp điếu thuốc ra khỏi đôi môi dầy bóng nhẩy màu tím thẩm bà phà một hơi khói vào mặt tôi làm tôi xây xẩm mặt mày, bà thì thào:
- Tối mai em phải ra ngoài này tiếp khách. Tiền "tip" gấp 3, 4 lần đó.
Rồi bà hất mái tóc một cách điệu nghệ, quay cái thân hình phốp pháp được bó chặt trong cái áo đầm ngắn ngủn, y như đòn chả lụa, núng nính đi về phía "cửa thiên đàng". Nghe bà chủ nói tôi giựt mình xuýt rớt ly bia, trời đất, tôi làm sao mà có gan "tiếp khách" như vậy. Với bạn trai của tôi hồi còn ở bên Việt Nam, tôi còn chưa "mùi" đến cỡ đó. Lúc sau thì Huy vào, tôi mừng quá chừng và xin phép bà chủ cho về và xin nghỉ luôn, tôi nói công việc này không thích hợp với tôi, bà chủ cũng dễ dãi:
- Thôi về kiếm việc khác đi. Chừng nào cần thì lên đây.
Huy cằn nhằn tôi suốt cả đường về, tôi chỉ biết cười trừ nhưng cũng vui, đêm nay tôi kiếm được gần 150 đô, một số tiền quá lớn.
Qua hôm sau ba chị em tôi đi chợ hết 70 đô, còn gần 80 đô tôi dắt hai em đi shopping. Tụi tôi vô một tiệm Fashion của Đại Hàn, tiệm này mấy lần trước đi ngang mà không dám vô. Không ngờ đồ trong đây rất mode mà rẻ. Tôi mua cho mẹ một cái áo kiểu bông rất nhã nhặn, tôi thì một bộ đồ "bay" là áo dính liền quần. Còn Quỳnh và Vân thì mỗi đứa được một áo thun và quần short jean. Lại còn được tặng free mỗi người một đôi bông tai nữa. Hai đứa nhỏ thích quá cười tít cả mắt. Quỳnh liếng thoắng:
- Đi bữa nay thiệt là đã đó chị Hai.
- Chị ráng kiếm "mánh" nữa đễ mình đi nữa nghe chị. Bé thích! Vân nhỏ nhẹ nói.
Tôi đã nói dối với tụi nó là tôi "trúng mánh". Tôi suy nghĩ làm sao kiếm "mánh' khác đây, chữ "mánh" tối hôm qua cho tiền tôi cũng không dám. Rồi tôi nộp đơn đi làm hãng, trong khi chờ đợi hãng kêu, tôi ra quán cà phê của bà mợ để phụ bán. Tôi bán buổi sáng, buổi chiều đi học, bán được một tuần thì bố tôi biết được, ông ra quán bắt tôi về. Tôi bướng bỉnh nói:
- Chừng nào bố đi làm thì con sẽ nghỉ.
Tôi và bố đang trong giai đoạn gay cấn thì hãng kêu tôi đi làm. Mẹ tôi dặn chỉ làm ngày thường chứ không làm ngày cuối tuần, vì cuối tuần còn chở mẹ với hai em đi chợ, giặt đồ, đi chơi... đủ thứ việc. Đây là hãng làm ổ khóa, công việc cũng nhẹ nhàng, tôi là người Việt Nam đầu tiên duy nhất và nhỏ tuổi nhất, nên mấy người Mỹ, Mễ giúp đỡ tôi tận tình. Cuối tuần đầu tiên ông leader Mỹ đen nói với tôi là thứ bảy và chủ nhật này tôi ở lại làm overtime, nhớ lời mẹ dặn nên tôi muốn nói từ chối, nhưng chẳng lẽ nói là "má tao không cho đi làm" thì nghe nó kỳ quá. Dù gì mình cũng đã trên tuổi "vị thành niên" rồi. Tôi suy nghĩ và nói với ông leader:
- I don't need
- Why" Ông leader trợn dọc con mắt trắng dã hỏi tôi. Tôi nhún vai rất là Mỹ (cái này tôi mới học được từ ngày vô hãng làm)
- I 'm lazy
- What" Ông Mỹ đen trợn ngược mắt lần nữa. Tôi lại nhắc lại
- I' m lazy
Tự nhiên tôi thấy mấy người đang làm chợt đứng tụm lại với nhau, vừa liếc tôi vừa xì xào nho nhỏ, tôi nghe loáng thoáng cái gì mà "mental" gì gì đó, sau này nghĩ lại tôi mới hiểu là tại lúc đó tôi phát âm tiếng anh còn rặt giọng....Saigon quá. Nên tôi nói "lazy" thì họ nghe thành "crazy". Nhưng cũng là "crazy" thiệt. Ai đời đi làm hãng mà lại không cần làm overtime.
Tôi làm chưa được ba tháng thì hãng dời sang Arizona, tôi lại thất nghiệp. Một buổi tối tôi chở hai em đi chợ về, bỗng đâu từ bên đường một chiếc xe đâm thẳng vào bên hông xe của tôi. May mắn là cả ba chị em không bị gì cả, chỉ một phen đứng tim, nhưng chiếc xe thì lủng một lỗ lớn bên hông và bay luôn cánh cửa. Người đụng chúng tôi là hai thanh niên Mễ, hai anh chàng xuống xem xét xe của chúng tôi rồi làm hiệu kêu chúng tôi vô lề để nói chuyện, vì cả hai xe đang đứng giữa đường. Tôi lo nổ máy xe nhưng máy không nổ được, còn Quỳnh và Vân thì lo khiêng cánh cửa bỏ vô xe, ba chị em loay hoay một chập nhìn lại thì hai anh Mễ đã chạy đâu mất tiêu rồi! Đó là bài học "hit and run" đầu tiên của tụi tôi trên đất Mỹ.
Trong lúc chờ bảo hiểm đền xe, cả bốn mẹ con bắt đầu chuỗi ngày đi ké xe, đi bộ hoặc đi bằng xe bus. Cũng có những anh chàng lợi dụng cơ hội để "ra tay nghĩa hiệp" chở giúp. Nhưng bà ngoại nói:
- Nếu mình không thích người ta thì đừng lợi dụng, sau này sẽ gặp rắc rối.
Vậy là mấy mẹ con bất kể trời mưa, trời nắng cứ tha hồ lội bộ. Vài tháng sau thì nhận được tiền bảo hiểm đền, tôi mua một chiếc xe khá hơn giá hai ngàn. Chạy được vài tuần thì xe bắt đầu overheat. Lúc này mẹ làm lương đã khá, mẹ không cho tôi kiếm việc làm nữa, bà nói:
- Con phải học bài để chuẩn bị thi tóc, rồi năm tới phải vô Goldenwest College để đi học lại. Chứ làm việc lăng nhăng không đi tới đâu cả.
Gia đình tôi bắt đầu đỡ hơn trước, bố tôi cũng kiếm được việc làm, mẹ lại làm lương khá hơn nên cuộc sống không phải khổ sở, lo lắng nữa. Chị em chúng tôi trở lại thú vui ngày xưa là chơi nhạc. Trên chiếc đàn piano của Châu con cô chủ nhà, Vân đã dạo lại những tình khúc Lê Uyên Phương, Ngô Thụy Miên, những dòng nhạc của Chopin, Mozart....thấy tôi và Quỳnh dành nhau cây guitar bố tôi đi garage sale đem về một cây guitar điện và một dàn trống, tụi tôi mừng quá chừng. Cũng nhờ ngày xưa mẹ tôi tốn bao nhiêu tiền nên chị em tôi đứa nào cũng có thể chơi vài loại nhạc cụ.
Sau đó thì Uyên con của cậu Lộc đem xuống thêm hai cây keyboard, Châu con cô chủ nhà cũng nhập bọn, vậy là tụi tôi thành một ban nhạc nữ với năm cô (chuyên trình diễn cho gia đình chứ không dám cho người ngoài xem). Cuối tuần tụi tôi không đi chơi chỉ ở nhà chơi nhạc, ca hát um xùm, thỉnh thoảng mẹ và mấy dì cũng vào giúp vui, mấy bà đều có giọng hát rất khá.
Cũng trong thời gian này thì tình yêu đã gỏ cửa với tôi, tôi quen với L. Trước đó cũng có nhiều chàng trai đeo đuổi tôi nhưng chỉ với L tôi có cảm giác an toàn.
Một năm trôi qua trên đất Mỹ quá ư là ...action. Nếu tôi cần một tàn cây lớn có thể che chở cho tôi qua những ngày mưa nắng thì anh chính là cây cổ thụ tôi mong đợi. Anh yêu thương tôi hết mình, lo cho tôi từng li từng tí, anh học cao hiểu rộng, mọi vấn đề tôi thắc mắc đều được anh dễ dàng giải thích. Anh đang học xong năm cuối với nghề nghiệp đầy hứa hẹn, sau nhiều lần sửa xe cho tôi quá mệt, anh đã dám mượn tiền Loan học để mua cho tôi một chiếc xe mới. Anh đối với tôi như vậy làm sao tôi không chịu "nâng khăn sửa túi tiền...rỗng" của anh được. Năm sau thì chúng tôi làm đám cưới cũng vừa lúc anh ra trường.
Trải qua bao nhiêu biến đổi, dòng đời vẫn êm ả trôi. Gia đình tôi ngày một khá hơn, bố mẹ tôi sau bao nhiêu lần trật duột bây giờ "xe lửa đã khớp với đường rầy", hai quả tim đã cùng một nhịp đập, hai cụ bây giờ còn tình tứ hơn ngày xưa nữa. Quỳnh đã ra trường về nghành business, chồng của Quỳnh lại cùng ngành với ông xã tôi. Còn bé Út Vân lầm lì ngày nào thì bây giờ trở thành luật sư, đúng là chuyện không thể tưởng tượng được. Vân lấy chồng cùng ngành và ở tiểu bang khác cùng gia đình bên chồng. Cả hai vợ chồng trở thành hai luật sư Việt Nam đầu tiên của Nebraska.
Riêng tôi thì từ lúc lấy chồng thì sanh liền tù tì ba đứa, hàng ngày lo săn sóc ba đứa nhỏ, rồi lại ra ngoài clinic phụ chồng, nên tôi không có thì giờ để đi học, nhưng tôi rất bằng lòng với cuộc sống hiện tại, ông trời đã quá ưu đãi cho tôi, cho cả gia đình chúng tôi quá rồi. Bố mẹ đã tìm lại được hạnh phúc, ba chị em đều may mắn lấy được ba ông chồng có địa vị, học cao và quan trọng là đều thương vợ hết mình.
Bây giờ ngồi trên những chiếc xe đời mới tụi tôi vẫn thường nhắc về chiếc Mustang đen năm xưa, chiếc xe mà mỗi tuần chỉ cần đổ có bảy đồng xăng mà đi khắp mọi nơi. Chiếc xe đã chở bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu là ước mơ của tuổi mới lớn, của những bước đầu tập tễnh bước vào xứ sở văn minh. Biết bao điều khi nghĩ lại vẫn làm lòng bồi hồi. Kỷ niệm như một bức tranh muôn màu muôn sắc, có những điểm sáng, có những chấm tối, có những vùng rực rỡ làm cho ta không quên bao giờ.
Mary Long

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,230,970
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến