Tác giả Kim N.C. cư dân Anaheim, đã viết "Vui buồn nghề Nails," "Người đẹp Hà Thành và nước Mỹ" và “Nước Mỹ Đủ Chuyện”. Sau đây là bài viết mới của bà.
Trong một chuyến trở về thăm quê nhà, chị Ba thấy khắp nơi trên mọi nẻo đường của Saigon, nơi nào cũng tưng bừng nhộn nhịp vì những quán ăn. Nào là quán Đặc sản Đồng Quê, nào là Đặc sản Nam bộ v.v...và v.v... Có quán mở 24/24 như 24 Fitness ở bên Mỹ, nghĩa là non-stop. Đặc sản diễn nôm na là hải sản đặc biệt, thí dụ như hải sâm, rùa biển, con gì mà bắt ở dưới nước lên đều được gọi là hải sản, kể cả con ốc-bù-loong-xe-đạp rớt xuống nước cũng trở thành hải sản tuốt.
Bằng cớ là có một buổi chiều ở Saigon, Cu Bim cháu chị Ba dẫn chị ra con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Thiện Thuật được mệnh danh là Ngã 4 Quốc Tế, chiều chiều con hẻm nhỏ này tràn ngập hàng quán, xe đẩy bán đủ thứ nào hột vịt lộn, hủ tiếu, xôi nóng, ốc xào dừa, ốc bươu luộc chấm mắm gừng, con hẻm nhỏ nhộn nhịp tới quá nửa đêm đón các ca sĩ tan show ghé vào. Cu Bim kêu 2 diã ốc len xào dừa. Mới kêu thôi mà chị Ba đã ứa nước miếng, nghĩ tới mấy con ốc len béo ngậy thơm ngát mùi xả mùi ớt mùi nước dừa mùi rau răm, cứ tưởng tượng nhón con ốc lên hít một cái rột là thấy cả một trời thương nhớ ốc len.
Khi bà chủ quán bê 2 dĩa ốc ra, 2 cô cháu tạm ngừng đấu hót, 2 cô cháu chăm chỉ hút, hít hà loáng một cái là gần sạch dĩa ốc thì chị Ba nhón được một con ốc bù loong của xe đạp dài cỡ lóng tay... Tuy nhiên cũng có những thứ không hề sống dưới nước cũng năm trong thực đơn của quán Đặc sản. Đó là con dế và con bò cạp. Nhưng không hề chi, vì sau khi qua tay mấy người đầu bếp, 2 đứa đó cũng trở thành món đưa cay cho dân nhậu, cứ "vô tư" mà say tí bỉ.
Trở lại món đặc sản Hoa Kỳ, món này rất độc đáo, hầu như mấy trăm triệu công dân của nước Mỹ từ 16 tuổi trở lên kể cả mấy vị Tổng thống, ai ai cũng đã nếm thử ít nhất một lần trong đời, có người ăn vài chục lần...l à thường.
Đặc sản Hoa Kỳ bảo đảm "lô-cạp" no cholesterol, no sugar, hình dạng dễ nhìn. Nó có màu vàng như “áo-nàng-vàng-anh-về-yêu-hoa-cúc. Nó không ở dưới nước mà ở trên cạn; cảm giác khi được ăn thì tùy đối tượng: có kẻ nhăn mặt, có kẻ hốt hoảng bần thần, có kẻ buột miệng ra chưởi thề một phát.
- Cái món gì mà "quái đản" quá vậy"
- Dạ, thưa quí vị, đó là món "Tickets" của Cảnh sát. Bởi vì mỗi khi bị chận lại vì vi phạm luật lệ giao thông, ký giấy nhận phạt và nhận lại 1 tờ copy màu vàng thì hầu như ai cũng nói: "Xui quá, bữa ni "bị" ăn 1 cái ticket. Nghĩ cũng lạ - "Ăn" mà "bị" - thường thì ta chỉ nghe nói là được ăn thôi, tỷ dụ như được ăn tôm hùm... chẳng hạn.
"Ticket" là món ăn khó nuốc khó tiêu làm đau bụng nhức đầu cho người nhận được tờ giấy phát, nó còn làm cho người ta khó ngủ vì không ghi giá tiền bị phạt. Phải chờ khi có một lá thư tình gửi về thì đương sự mới biết được "trị giá" của món ăn đó có "giá trị" là bao nhiêu, lá thư làm cho "họ" bồn chồn lo lắng, than thân trách phận (trách rằng bữa nớ tự răng em gọi cho anh làm chi để anh vượt đèn đỏ, trách rằng mụ vợ già ở nhà không chịu tin "ta" đi làm overtime thứ 7, bày đặt gọi "double check" làm ta vớ cái cell phone mà không ngừng ở stop sign, trách rằng ông-chồng-ưa-thú-điền-viên gọi sai "ta" ghé Home Depot mua phân bón cây cỏ làm chi để cho "ta" nổi nóng mà nhấn ga làm "ta" lái "ô vờ sí pít"...
*
Chị Ba qua Mỹ gần 20 năm nay, được chồng con dẫn đi ăn đủ thứ trên đời nhưng chưa bao giờ ăn thử món này. Tuy nhiên Anh Ba và mấy đứa con thì có vẻ như là...bạn của dân, tức cảnh sát tức Police Officer của Hoa Kỳ. Cứ mỗi lần, trong những bữa cơm chiều, "họ" bắt đầu câu chuyện bằng bữa ni xui quá...là y như rằng.."họ" ăn hoài mà không biết ngán.
Thành phố Placentia có một khu vườn cam, có một cây cầu trên con dốc nhỏ đổ xuống khu vườn này, có đám lau sậy đủ che dấu cho chiếc motorcycle của anh bạn dân ngồi chễm chệ trên xe, tay chĩa cây súng rada mỗi tuần, cứ chiều thứ 3 sau giờ tan sở, anh Ba thường chở lũ con đi học thêm ở thư viện Placentia thì phải đi qua khu vườn cam này. Anh Ba thì vẫn có cái thói quen rất đáng yêu là hễ leo lên chiếc Fiat "Công-vớ-thấy-bồ" là ảnh dzọt 70-80 miles là chuyện nhỏ. Anh Ba vừa phóng xuống chiếc cầu biên giới thì lũ con thấy đèn chớp nháy của cảnh sát bèn chắc lưỡi: thôi rồi, Bố ơi...
Thứ 3 tuần sau, anh Ba lại chở con đi thư viện, lần này thì quả thật là xui, anh Ba đã giảm tốc độ chậm hơn lần trước mà sao vẫn dính. Anh chàng Cảnh sát của tuấn trước ngã mũ nghiêng mình chào anh Ba ra vẻ rất là ngưỡng mộ: "You again". Thằng Út thì trầm trồ "Woa! I can't believe it. Sometime same place, same Police Officer and same mistake - chắc chắn rằng trong lịch sử "bị ăn" ticket, ít ai có được loại tickets vô cùng đặc biệt này.
Buổi chiều thứ Sáu, chị Ba đang chuẩn bị cơm chiều thì anh Ba điện thoại về dặn dò- Mai làm lunch cho anh và nhớ để đồng hồ báo thức. Chị Ba hí hửng chắc chàng đi cày overitme. Một lát sau đứa con gái gọi về:
- Mẹ ơi, mai con muốn turkey sandwich để đi học nha mẹ.
Một chút nữa thì con út nhắn nhe:
- Mẹ ơi, mai con dậy sớm và mẹ nhớ làm cho con cái chicken sandwich. Chị Ba mừng thầm, thứ 7 mà cha lo đi làm con lo đi học thiệt là có phước.
Buối tối cả nhà tập trung ở phòng ăn thì cả 3 cha con anh Ba cùng thú nhận:
- Xui quá, mai phải đi học Traffic School. Quả là có phước, 3 người được đi học. Thắng con út của chị Ba, đi học về hỉ hửng khoe: con mới thi đậu bằng lái, con cũng vừa kiếm được job ở Mac Donald vậy là con có tiền phụ mẹ trả bảo hiểm xe rồi. Vậy mà chỉ 2 ngày sau, nó than thở vừa "bị ăn" ticket vì chạy quá nhanh trong khu trường học.
Chị Ba thì gần như đứng tim mỗi khi nhận được ticket của "mấy người", vì nó làm tham thủng ngân qũy gia đình dài dài mà lần nào chị cũng nghe phân trần hoặc là "lên lớp" kiểu của "họ". Nào là:
- Hôm nay anh xui quá, vừa change lane thì bị "nó" chụp, anh quên mở đèn signal.
- Chưa bao giờ mà xui như bữa này, anh đang chạy trên 55N, vừa quay cái kiếng xe xuống gạt tàn thuốc lá thì bị "nó" chộp. (tội xả rác trên freeway, mà chị nhớ không lầm là gần 500 đô la)
- Thiệt là xui, hồi chiều đi coi xe cho chú Tư, vừa lái xe (thử thôi) ra khỏi dealer, quên dừng ở stop sign, thế là...Chị Ba kêu trời không thấu, xe thì vẫn còn là của dealer mà ticket thì chồng mình "ăn"
- Mom, khi nào muốn qua đườngmẹ phải tới chỗ có đen xanh đèn đỏ bấm cái nút, khi nào thấy nó cho walk thì mới được qua nha. Đừng băng ngang ẩu ở giữa lòng đường nha. Con mới bị chộp đây và Cảnh sát biểu đưa tờ giấy này về cho Bố Mẹ. Té ra ông con út chạy băng qua đường và tờ giấy cảnh cáo nếu trong vòng 1 năm mà còn tái phạm thì cha mẹ phải ra toà vì con dưới 18 vi phạm luật đi đường.
- Mẹ nhớ nha, khi mẹ lái xe ở khu trường học, mẹ thấy có cái bà hoặc ông mặc áo cam, đưa cái bảng Stop xe cộ lại và dẫn học trò qua đường. Khi họ đưa cái bảng lên cao có nghĩa là họ sẽ quay trở lại chỗ cũ và xe cộ phải chờ Bà quay lại mới được lái đi. Con mới "ăn" một cái ticket ở đấy.
- Bữa nay cuối tháng hay sao mà đi đâu cũng gặp Cảnh sát. Hồi sáng tụi nó rủ anh đi đánh Tennis, sực nhớ em dặn mua bánh mì , nên phải ra Brookhurt, tới ngã tư Bolsa đèn vàng quên đứng lại, "nó" đứng núp ở sau lưng bụi lau sậy của tiệm 7 Eleven thế là nó "chụp" được mình (No turn on Red) cho đến khi hãng bảo hiểm tăng tiền và gửi cho 1 lá thư warning, cha con anh Ba mới bớt được cái tật chạy ẩu.
Kim NC