Hôm nay,  

Chỉ Còn Là Ký Ức

07/09/200400:00:00(Xem: 255536)
Bài số 607-1146-vb7040804

Nguyễn Trần Diệu Hương, hiện sống và làm việc tại miền Bắc California, là tác giả có giải danh dự Viết Về Nước Mỹ năm đầu tiên, 2001. Cho tới nay, cô vẫn không ngừng góp bài mới và trở thành một trong những tác giả được đọc nhiều nhất của giải thưởng. Bài mới nhất của cô là một truyện tình thời chiến tranh Iraq.

Cái thư mới nhất gởi về từ Baghdad ở đất nước Iraq mà nhiều anh lính Mỹ còn rất trẻ chỉ quen sống trong nệm ấm chăn êm, trong cơm cha áo mẹ đã mô tả một cách cường điệu là "địa ngục của trần gian" Trung sĩ Andrew đã viết cho vợ:
- Nếu vì một lý do nào đó, anh không trở về anh muốn em được hạnh phúc. Anh yêu em, Denide, nhiều hơn anh có thể nói hay diễn tả. Hãy tự lo cho bản thân em và làm bất cứ điều gì em có thể làm được để có hạnh phúc. Anh sẽ trở về ngay khi nào anh có thể.
Như một lời trăn trối, Andrew chỉ trở về quê nhà bằng phần xác, còn phần hồn có lẽ đã rong chơi ở "hạc nội mây ngàn".
Cô gái hai mươi tuổi, khuôn mặt "baby face" còn phảng phất nét trẻ thơ rất dễ thương, đã ngất xỉu trong khu nội trú của trường đại học California ở Santa Barbara khi hai người lính Mỹ trong quân phục chỉnh tề hiện ra ở cửa phòng cô. Hai người lính chưa kịp mở miệng, Denise đã hiểu, cô té xuống với trời đất quay cuồng, tối sầm trước mắt. Mặc dù khoa học kỹ thuật ở đầu thế kỷ 21 vô cùng hiện đại với đủ phương tiện liên lạc nhưng tin báo tử của những người lính luôn luôn được mang đến thân nhân gần nhất với cách cổ điển: bằng người với "eye contact" để trực tiếp, chia xẻ nỗi đau không cùng với thân nhân của người chết trận bằng lòng thành kính và chân thành.
Tại sao không phải là ai khác" Mà là Andrew yêu dấu của cô" Tại sao đạn không bay lệch một chút để Andrew chỉ bị thương rồi được trở về với cô, dù bằng thân thể không còn lành lặn" Thượng đế ở đâu, hình như đang còn bận rộn giải quyết nhiều bất hạnh, nhọc nhằn khác của chúng sinh, hình như không nghe thấu lời cầu nguyện mỗi đêm của cô.
Họ có một mối tình đầu đẹp như mơ, thơ mộng như tiểu thuyết. Denise để ý đến Andrew năm cô học lớp tám vừa bước vào tuổi mười ba mới lớn. Đến nhà người bạn thân cùng lớp ít nhất ba lần mỗi tuần, hình ảnh Andrew, ông anh của bạn vừa bước vào tuổi mười lăm, vừa tháo vát, vừa học giỏi lại cao lớn, đẹp trai, đã in vào lòng Denise từ lúc nào không biết. Nhưng Denise không dám hé môi, ngay cả với người bạn thân, cô lặng lẽ trải lòng mình trong 6 quyển nhật ký dày cộm.
Hầu như mỗi ngày cô điều tìm thấy một điều tốt hay thú vị về Andrew để chia xẻ với nhật ký. Chừng như chưa đủ, cô có cái hộp giày không phải đựng giày mà đựng tất cả những đồ vật liên quan đến Andrew. Chẳng hạn hai viên kẹo bạc hà "Tic-tac" màu xanh bích ngọc nhỏ xíu, Andrew đã dốc từ hộp kẹo nhỏ hình khối chữ nhật ra lòng bàn tay mời Denise cô bạn thân nhất của em gái mình: Denise nhặt hai viên kẹo từ lòng bàn tay của Andrew. Đó là lần đầu tiên cô đụng tay vào bàn tay Andrew. Hai hạt kẹo bé tí chỉ lớn hơn hai hạt đậu xanh một chút, Denise không dám ăn, giữ lấy trân quý nâng niu đem về gói kỹ trong một mảnh nylon nhỏ xíu, lâu lâu nhớ Andrew cô lấy ra đưa hai viên kẹo màu xanh ngọc bích lên mũi hít hà tưởng như đang chạm vào lòng bàn tay của Andrew. Hai cái muỗng nhỏ màu hồng của tiệm bán kem nổi tiếng Baskin Robbins đã chạm vào môi Andrew ở lần anh dẫn hai cô gái mười bốn tuổi đi ăn kem bằng tiền kiếm được từ cái pay check đầu tiên trong đời. Khi cả bọn ăn xong, Denise dành phần dọn dẹp mang tất cả ly và khăn giấy bỏ ở giỏ rác trong góc tiệm, cô len lén lấy cái muỗng trong ly kem của Andrew dấu trong túi quần Jeans mang về rửa sạch và cất trong một cái chai nhỏ rồi để cái chai trong hộp shoe box. Bất cứ đồ vật gì có liên quan đến Andrew nếu có thể giữ được Denise đều lén nhặt về cất giữ cẩn thận trong cái hộp vuông như "bảo tàng viện tình yêu" của mình. Kể cả những cái nhỏ nhặt nhất như một mẫu chỉ nhỏ rớt ra từ túi quần hay gấu áo của Andrew. Bởi vì với cô Andrew là tất cả, Andrew còn là người con trai đầu tiên cầm hai bàn tay thon nhỏ, mềm mại của cô một cách trân trọng, nâng niu.
Tình yêu của Denise dành cho Andrew lớn dần với tuổi mới lớn của cô theo cấp số nhân. Mẹ cô không biết cô bạn thân nhất, em gái của Andrew cũng không biết chỉ có những quyển nhật ký biết, cái hộp shoe box thì càng ngày càng đầy ắp. Vậy mà Andrew biết, mặc dù mãi đến sau ba năm Denise yêu thầm Andrew mới nhận ra cô bạn thân của em mình với mái tóc ngắn bồng bềnh màu brunette đẹp tự nhiên rất là "hương đồng gió nội" có cái "deep crush" cho mình.
Cũng có thể mãi đến năm Denise mười sáu tuổi Andrew mới nhận ra vì lúc đó cô bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì đẹp hẳn ra, hai con mắt màu hạt dẻ hình như to hơn, mơ màng hơn, hàng lông mi dài thêm, cong vút mà không cần phải dùng đến mascara, khiến Andrew nhìn vào đó lâu hơn, nhiều hơn và anh chợt nhận ra tín hiệu của tình yêu.
Dĩ nhiên những ngày tháng đó chiếm đầy cả một quyển nhật ký của Denise. Cô trải lòng mình trên những trang giấy trắng, có giấc mơ của người con gái vừa bước vào tuổi dậy thì, thấp thoáng hình ảnh "chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt" tên là Andrew.
Khi họ trở thành người yêu của nhau cô em gái của Andrew, người bạn thân nhất của Denise bị "ra rìa". Những lần đi ăn kem vào mùa hè ở Baskin Robbins chỉ có Denise và Andrew. Những lần đi ice skating vào mùa đông cũng chỉ có hai người. Họ thương nhau không những chỉ vì "physical attractive" mà còn vì tính tình của họ cũng hiền hòa, cũng tốt bụng, cũng không mê tiền như hầu hết nhân loại. Họ cũng có một ước mơ nhỏ nếu sau này lấy được nhau họ sẽ có một căn nhà nhỏ, sơn màu xanh dương nhạt, trong đó căn phòng lớn nhất nhà sẽ được Andrew vẽ bầu trời mùa xuân với mây trắng lững lờ, có hoa carnation cánh trắng nhụy vàng mà cả hai người cùng thích, có cô nàng Dorothy mặc áo ô vuông xanh trắng trong chuyện thần thoại cùng cái giỏ đựng đầy trứng đang vừa đi vừa múa hát mơ mộng. Như vậy, dù bầu trời có trở nên xám ngắt vào mùa đông buốt giá, hay đầy mây trắng đục vào những ngày mùa thu se lạnh, họ vẫn có hoa lá mùa xuân trong tầm mắt.
Andrew có một năng khiếu bẩm sinh đặc biệt về hội họa. Điều đó thể hiện rất rõ ngay cả trên những cái thư anh gởi về từ mặt trận của Iraq đến trường đại học UC Santa Barbara cho Denise. Mỗi một cái phong bì là một bức tranh đầy nghệ thuật dù chỉ được vẽ bằng viết mực bình thường. Địa chỉ người nhận vẫn được viết bằng chữ thường để chắc chắn là người đưa thư có thể đọc được và thư đến tay người nhận mà không bị thất lạc. Nhưng tên của người nhận, chữ Denise được vẽ thành những hình khối 3D nằm rải rác trên mặt phong bì hết sức mỹ thuật. Mỗi một bức thư gởi về từ chiến trường đều mang theo những nốt nhạc tình yêu bên trong và một bức vẽ nghệ thuật bên ngoài.
Khỏi phải nói, Denise trân trọng những bức thư đó lắm. Ngày xưa, thời mời "thầm yêu trộm nhớ" nhiều thứ đã được tích lũy trong những hộp shoe box. Bây giờ, đã là vợ chồng, đã mang họ của Andrew, cô sinh viên Denise dành cả một góc phòng trong khu nội trú ở trường đại học trưng bày những cái phong bì gởi về từ một vùng đất xa xôi, đầy bất ổn.
Khi họ quyết định lấy nhau, cả nhà hai bên ủng hộ hoàn toàn, nhất là ba của Denise. Đời ông không dư dả nhiều vì ông bà lấy nhau sớm quá, chưa có sự nghiệp, rồi lũ con lần lượt ra đời, là một bức tường trở ngại ngăn ông bà vươn lên một cuộc sống tốt đẹp hơn, ông không muốn Denise đi vaò vết xe đổ của bà ngày trước, ông không có điều gì phàn nàn về Andrew, đó là một chàng trai hiền hòa, chịu khó biết lo toan nhưng Andrew vừa mới gia nhập quân đội, lại đúng lúc có chiến tranh ở bên Iraq rất nhiều quân nhân Hoa Kỳ được gởi qua đó. Chuyện chiến trường thì tên bay đạn lạc rủi nhiều hơn may, ông không muốn con ông phải vướng vào vòng khổ lụy khi nó còn quá trẻ. Ông đã nói ra những suy nghĩ của mình với con gái, chỉ rõ cho Denise thấy là chờ cho đến lúc cô ra trường và Andrew hoàn thành thời gian phục vụ trong quân đội lúc đó là thời điểm tốt nhất để lấy nhau. Nhưng hình như ông không lay chuyển được quyết định của cô con gái vừa bước vào tuổi hai mươi.


Thật ra, Denise chỉ có quyết định làm đám cưới với Andrew khi cô được biết Andrew sẽ được đưa qua Iraq vào cuối tháng hai, 2004. Họ bắt đầu từ năm Denise đang học lớp mười và Andrew ở lớp mười hai với tình yêu học trò nhẹ nhàng, thơ mộng. Tốt nghiệp trung học, Andrew tình nguyện gia nhập quân đội và trải qua những ngày quân trường ở Fort Hood, Texas. Không giống như rất nhiều người khác vẫn bị cảnh "cách mặt xa lòng" tình yêu của họ ngày càng mãnh liệt.
Dạo đó, từ cuối lớp mười một cho đến khi tốt nghiệp trung học, phòng riêng của Denise thường đóng kín cửa sau giờ đi học và mỗi cuối tuần cô không còn cái thú đi shopping hay đi movie với bạn học mà cô dành thời gian trên đường dây điện thoại đường dài giữa California và Texas. Anh lính trẻ Andrew không về thăm người yêu được đã dồn hết thương nhớ vào những lá thư qua cả đường bưu điện email. Andrew cũng nhờ tiệm hoa gần nhà đem hoa đến cho Denise đều đặn mỗi dịp valentine, sinh nhật hay những ngày đặc biệt với riêng hai người.
Đời sống quân ngũ không cho phép hai người gặp nhau đều đặn như ngày Andrew còn là một học sinh trung học nhưng mỗi kỳ phép ngắn ngủi của một người lính còn đang trong thời gian huấn luyện ở quân trường đều được dành trọn cho Denise và tình yêu đầu đời của hai người trên những con đường có nhiều bóng mát ở miền Bắc California.
Họ biết mình còn rất trẻ và chưa hề nghĩ đến chuyện lấy nhau cho đến khi Andrew cho Denise biết anh sẽ được tăng cường cho liên quân Mỹ-Anh cùng nhiều nước khác ở Iraq. Andrew muốn Denise sẽ gắn bó với mình ở một mức độ sâu đậm hơn, anh ngỏ lời cầu hôn với cô "Will you marry me"" trong một lần gặp gỡ hiếm hoi gần đây giữa hai người ở thành phố quê hương của họ, nơi họ sinh ra, lớn lên và có một tình yêu đầu đời thanh khiết và nồng nàn.
Không một chút đắn đo, ngại ngùng. Denise nhận lời cầu hôn trả lời bằng chữ "Yes" nhẹ nhàng nhưng đầy cương quyết. Cô muốn cho Andrew có thêm một lý do quan trọng hơn để giữ gìn mạng sống của mình ở chiến trường, với rất nhiều đạn bom, khói lửa, hiểm nguy như bất cứ một cuộc chiến tranh nào dành cho một người lính.
Như trong một bài hát phổ từ thơ của thi sĩ Hữu Loan đám cưới của một người lính sắp ra trận rất đơn giản, gấp rút nhưng tình yêu thì đầy ắp, ngút ngàn. Họ chỉ có năm ngày để làm hôn thú, để chuẩn bị đám cưới so với ít nhất là ba tháng với đủ thứ "things to do checked list" cho một đám cưới bình thường ở Mỹ. Giống hệt một lực sĩ điền kinh chạy nước rút, mọi thứ đều nhanh ngoài sức tưởng tượng. Denise chọn ngay cái áo cô thử đầu tiên là áo cô dâu trong ngày cưới, cái áo trắng đơn giản và tinh khiết như tình yêu đầu đời của cô. Họ chạy ngược chạy xuôi ở thành phố quê nhà và nhiều thành phố lân cận để tìm một nhà hàng cho một tiệc cưới đơn giản, nhưng với thời gian năm ngày và một ngân khoản rất eo hẹp, cả hai không tìm được một nơi nào nhận tổ chức tiệc cưới cho mình. Cuối cùng hàng xóm của Andrew biết "Bên ấy có người ngày mai ra trận" thương anh lính trẻ đã gác ước mơ vào trường mỹ thuật để "lo việc đao cung" thương cô sinh viên năm thứ nhất sắp gởi lòng và gói tình yêu vào tuyến đầu ở một đất nước xa xôi, bằng lòng cho họ tổ chức đám cưới với hình thức "garden wedding" ở sân sau nhà mình.
Không hài lòng lắm nhưng thương con, bố mẹ cùng gia đình hai bên tụ tập lại với đủ nghi thức tối thiểu của một đám cưới. Đó là một ngày đầu xuân, hoa lá bắt đầu nãy mầm trên những cành cây khô cằn. Đám cưới của họ có hoa anh đào hồng nhạt của mùa xuân rụng xuống phủ lên chiếc Volvo cũ kỹ của Denise, không đài các như những chiếc Limousine được kết hoa tươi, trang trí như của đa số đám cưới khác nhưng với họ hạnh phúc vượt trội, quý hơn tất cả mọi thứ trên đời. Denise đi lấy chồng khác hẳn những người con gái khác, không có cảnh "chăn đơn gối lẽ gởi lại giường xưa" mà tất cả những thứ đó: chăn mền, gối và cả cái giường nhỏ với tấm nệm size twin được chở về từ khu nội trú ở UC Santa Barbara. Cô chưa cần giường đôi vì thời gian trong quân ngũ của Andrew còn kéo dài gần 4 năm nữa.
Mọi thứ nhanh và hoàn hảo như ước mơ giản dị cũa họ. Cả hai có một đêm tân hôn nồng nàn hạnh phúc ở một khách sạn lớn nợi vị cựu lãnh đạo số một của Hoa Kỳ đã "ngủ đô" qua đêm trong một chuyến đi "thăm dân cho biết sự tình". Sáng hôm sau, Andrew lái xe đưa Denise về lại trường đại học California ở Santa Barbara sau tuần Spring Break của cô. Một ngày ở đó anh lính trẻ chuẩn bị lại chỗ ở cho vợ tươm tất hơn. Bàn tay tháo vát và nghệ sĩ của Andrew dựng nên những kệ sách treo tường rất mỹ thuật, nơi đó không những là chỗ để những quyển text book dày cộm mà còn là chỗ để trưng bày những bức thư, bức vẽ của Andrew gởi về từ chiến trận. Anh lính trẻ chỉ có một ngày để lo cho nơi ăn chốn ở của vợ. Ngay ngày hôm sau, anh bay về lại đơn vị ở Texas và có mặt ở Baghdad chỉ hai tuần sau ngày đám cưới.
Hành trang ra trận của Andrew bây giờ không chỉ có súng đạn và đồ dùng cá nhân của một người lính ở tuyến đầu mà còn có một tấm hình đám cưới của hai người, có đôi mắt màu hạt dẽ của Denise, đôi mắt long lanh, buồn vời vợi tiễn chân anh vào một sáng trời mù sương ở ven biển Santa Barbara.
Những ngày sau đó, với Denise là những ngày chờ thư chồng, từ những dòng Email ngắn gọn, những cái E card đến những cái thư đầy yêu thương được trình bày mỹ thuật như những bức họa nhỏ được gởi qua bưu điện. Dù bận rộn với bài vở, Denise không quên cầu nguyện mỗi ngày và cô cũng theo dõi tin tức chiến trường, nhất là từ thủ đô Baghdag của nước Iraq, nơi có Andrew yêu dấu của cô đang "xếp bút nghiên theo việc đeo cung".
Andrew kể cho vợ nghe những điều bình thường ở chiến trường, giúp đỡ đồng đội bị thương hay những giọt nước mắt được nén vào lòng khi nhìn một đồng đội khác vĩnh biệt cõi đời một cách đột ngột ở tuổi hai mươi đầy sức sống vì một viên đạn bay lạc hướng. Anh viết thư cho vợ bất cứ lúc nào có thể viết được, trước giờ đi ngủ hay ngay cả trong giờ trực chiến bên cạnh chiếc Humvee mà bàn viết là cái mũ helmet của một đồng đội vừa mới được tản thương về hậu cứ. Cũng như Andrew, Denise cũng gởi nhớ thương vào những cái thư với địa chỉ là hộp thư quân bưu ra chiến trường. Cô kể cho chồng nghe về những ngày đầu tiên của cô ở trường đại học, về nỗi nhớ ngút ngàn của một người vợ trẻ về ước mơ của hai người có căn nhà với bức tường màu xanh nhạt. cuối thơ, cô luôn khuyên anh cẩn thận giữ gìn mạng sống, không chỉ cho anh mà còn cho cô, cho hạnh phúc trước mắt của hai người. Andrew trả lời qua thư:

"Em đã nói nếu anh không ra mặt trận ở Iraq em sẽ chưa làm đám cưới với anh vì ba em muốn tương lai mình vững vàng hơn, nhưng mình đã có một đám cưới nhanh và đẹp như một giấc mơ. Cảm ơn em, sweetie hôn nhân của mình và tình yêu của em là tất cả những điều anh cần để sống vững vàng với lòng tự hào của một người lính ở tuyến đầu nhiều bất trắc. Hết hạn phục vụ trong quân đội anh sẽ học về mỹ thuật, lúc đó chắc em đã học xong và là một cố vấn về hôn nhân và gia đình dịu dàng dễ thương nhất phải không vợ yêu dấu của anh" Mình sẽ có tiền nhưng không cần nhiều lắm chỉ đủ để sống, bởi vì với chúng ta tình yêu của mình là một món quà lớn nhất thượng đế dành cho mình mà không một tài sản nào, dù lớn đến đâu, có thể mua được."

Hai ngày trước khi Andrew vĩnh viễn rời bỏ đời sống cả hai nói chuyện được mười lăm phút qua điện thoại, anh cho cô biết anh vừa viết cho cô ba thư liên tiếp trong ba ngày và gởi qua đường bưu điện. Cô đang chờ những cái thư mà cô biết sẽ chuyên chở tình yêu và nâng cao ý chỉ của cô.
Vậy mà, bây giờ anh đã bỏ cô, bỏ đời sống nhiều hệ lụy, nhiều lo toan để về với "hạc nội mây ngàn". Một người bạn chở cô từ trường về với gia đình để đón hình hài của Andrew về với cô vài ngày trước khi về với lòng đất, vả chăng cô cũng cần sự nâng đỡ của ba mẹ cô của cả hai gia đình để cô có thể đứng vững trước nỗi đau, có lẽ là lớn nhất đời người.
Rồi cô sẽ về lại trường để hoàn thành việc học để cố đi hết đường đời chắc chắn sẽ dài và buồn lắm khi không còn Andrew hiện hữu trên đời. Rồi "Life is still going on" Denise sẽ phải thích nghi với đời sống không có Andrew bên cạnh nhưng cô biết những bức thư của Andrew ước mơ của hai người sẽ có một góc trang trọng trong ký ức của cô và sẽ theo cô đến cuối cuộc đời.

Nguyễn Trần Diệu Hương
Để tưởng nhớ tất cả những người đã nằm xuống vì hai chữ tự do.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,333,386
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo