Hôm nay,  

Không Ai Biết Nước Nguồn Cũng Khóc

01/09/200400:00:00(Xem: 216673)
Người viết: KAREN N. NGUYỄN
Bài số 603-1142-vb2300804

Tác giả Karen N. Nguyen, trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Với hai bài đặc biệt “Chuyện Cấm Đàn Ông” và “Viết Cho Em Trai Tôi” cô là tác giả được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Bài mới của cô lần này là chuyện viết cho mùa Vu Lan, về một bà mẹ sau hôn nhân Mỹ-Việt.

Kim nhìn tấm ảnh đen trắng to bằng cuốn notebook các học sinh Mỹ hay dùng, nước thuốc đã bắt đầu úa vàng. Ảnh đám cưới, chụp ở Việt Nam trong đầu những năm 60. Những người phụ nữ Việt Nam trong ảnh tóc đánh rối, bới cao, áo dài không có cổ theo kiểu áo bà Nhu dài gần chấm gót chân, giày cao gót mũi nhọn, phô bày những nụ cười tươi tắn trên những vành môi bôi son khá công phu. Những người đàn ông Việt Nam trong ảnh mặc âu phục, tóc chải brilantine, giày da bóng loáng. Đứng ở trung tâm hình là cô dâu chú rể.
Cô dâu còn rất trẻ có mái tóc à la garcon, không trang điểm nhiều không đeo nữ trang gì cả. Cô mặc một bộ váy đầm ngắn trên đầu gối giản dị nhưng vô cùng thanh lịch, ôm gọn lấy thân người thon thả, cái khăn voan trên đầu chỉ ngắn đến quá vai một chút, tay cầm một đóa hoa nhỏ xinh xinh. Dù cô dâu có mang giày cao gót, dù trên đầu cô có một cái vương niệm nhỏ, cô vẫn còn thua cái vai chú rể gần 1 tấc. Giữa những mái tóc đen trong hình, chú rể nổi bật lên mái tóc vàng, với cái dáng người cao ráo, vững chải trong bộ đồ vest may cắt rất khéo. Chú rể cũng còn rất trẻ nhìn còn muốn trẻ hơn mấy đứa học sinh seniors ở trường high school bây giờ. Kim thầm nghĩ. Chú rể và cô dâu đều có khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc và cười thật tươi, nụ cười mấy chục năm rồi vẫn còn lưu lại trên tấm hình không phai nhòa.
Đây là chị Vân đó sao" Kim nhìn tấm ảnh cố tìm ra những nét quen thuộc của cô dâu trong ảnh với hình ảnh của chị Vân bây giờ. Thời gian, thời gian hơn bốn mươi năm trôi qua rồi, nếu không biết trước đây là ảnh đám cưới của chị Vân. Kim sẽ không tài nào đoán ra được cô dâu trong ảnh là ai hết. Kim đưa trả tấm ảnh cho Lan, cô em họ của chị Vân. Lan làm cùng sở với Kim và ở chung nhà với chị Vân, tình cờ thấy tấm ảnh khi chị Vân dọn dẹp nhà cửa nên mượn tấm ảnh mang vào cho Kim xem.
Lan nói với Kim, giọng nói có đôi chút luyến tiếc, xót xa "Hồi đó chị Vân đẹp biết chừng nào, dễ thương biết là chừng nào, đúng không Kim. Bây giờ lớn tuổi rồi chứ chị Vân vẫn được mấy ông ái mộ lắm đó. Năm ngoái chị Vân qua California chơi thăm bà con bên đó có một ông cụ góa vợ cảm quá xá cỡ, quen mới vài tuần nói chuyện mấy lần mà bị sét ái tình đánh trúng, nài nỉ xin chị Vân dọn qua bên Cali ở, mà chị Vân đâu có chịu. Mấy chục năm rồi chị ấy chỉ sống vì con mà thôi Kim ơi".
Sống vì con ư" không chỉ đơn thuần như vậy đâu, Kim thầm phản đối. Chị Vân sống vì con, mà còn sống và đem lại niềm vui cho bao nhiêu người xung quanh nữa kìa.
Kim chuyển đến pharmacy này năm ngoái, lần đầu tiên chị Vân gọi điện thoại đến để fill thuốc, Kim và chị Vân nói chuyện qua điện thoại bằng tiếng Anh. Tên chị Vân trong computer của pharmacy hoàn toàn không có chút gì là Việt Nam hết, cái họ cũng là của người Mỹ, cái tên cũng là tên Mỹ. Mãi mấy tuần sau, chị Vân và Kim mới phát hiện ra mình là đồng hương với nhau, khi Kim tình cờ thấy chị Vân qua bên bakery department kế bên pharmacy và nói chuyện với Lan bằng tiếng Việt, rồi Kim được Lan giới thiệu với chị Vân, chị họ của Lan.
Chị Vân, nếu đem tuổi tác ra so sánh thì Kim phải gọi là Cô Vân, dì Vân, bác Vân mới đúng vì tuổi của chị Vân cũng xấp xỉ tuổi của má Kim. Chính chị Vân đề nghị Kim gọi chị Vân là chị và Kim cảm thấy gọi như vậy cũng hay hay, vì sau một thời gian quen với chị Vân, Kim phải công nhận là chị Vân rất trẻ trung và vui tính. Tóc chị Vân còn đen mướt, chỉ điểm lấm tấm vài sợi bạc. Nếu không biết tuổi thực của chị Vân, Kim có thể đoán mò là chị Vân ở vào lứa tuổi 50 mà thôi. Chuyện boyfriend, girlfriend, chuyện bồ bịch, chuyện ăn hàng, chuyện nhảy nhót, muốn nói chuyện gì chị Vân cũng có thể đóng góp ý kiến phê bình xây dựng ngoài lề được cả.
Làm việc ở pharmacy bao giờ công việc cũng bận rộn liền liền, nhưng cứ vài tuần chị Vân tạt qua pharnacy mua thuốc, Kim gặp chị Vân nói chuyện vài ba phút với chị Vân là bao nỗi phiền toái bực bội ở pharmacy biến mất tăm tích đi hết. Không những như vậy, những lần chị Vân ghé qua pharmacy là Kim lại có quà. Hôm là trái bắp luộc còn nóng hổi, hôm là mấy cái bánh đậu xanh Bảo Hiên rồng vàng ngọt ngào, hôm là ly chè đậu thơm ngon, hôm là mấy thanh chocolate Thụy sĩ để nhâm nhi từ từ lúc pharmacy hết việc (lời chị Vân).
Tết đến, chị Vân nghe Kim nói năm nay Kim bỏ qua mục bánh tét bánh chưng vì bận quá không đi mua được, chị Vân mang đến cho Kim tối mùng một mấy khoanh bánh tét nhân đậu xanh gói kỹ lưỡng kèm theo một hộp nước mắm nhỏ và một bao nylon dưa giá củ kiệu cho đủ món. Mình người Việt Nam, tết Việt Nam ở xứ người đi nữa có điều kiện ít ra cũng phải ăn chút bánh cổ truyền để nhớ hương vị quê hương, chị Vân nói. Phong tục Việt Nam phải nhớ đừng có quên, chị Vân nhắc nhở Kim như vậy. Mấy cửa hàng thực phẩm ở gần bên tiệm Kim làm có seafood on sale, tôm càng tôm hùm nửa giá chị Vân biết được nếu có dịp ghé qua pharmacy chị Vân cũng cho Kim hay để đi mua. Nhà chị Vân chỉ cách pharmacy có chừng 5 phút đi bộ, thành ra Kim gặp chị Vân đều đều và được ăn quà của chị cho đều đều.
Mối tình Việt Mỹ của đầu những năm 60 tại Saigon khởi đầu đẹp như trong chuyện cổ tích hóa ra lại không kéo dài cho đến khi cô dâu chú rể trong hình sống đến tuổi đầu bạc răng long. Lý do chị Vân và chồng chia tay, Kim chỉ có thể tóm tắt trong hai chữ: không hợp. Theo lời Lan, em họ chị Vân thì hai người có một đứa con gái, sau khi ly dị thì cô bé ở với bố, còn chị Vân thì vẫn giữ liên lạc với con và lâu lâu chị Vân lại ghé thăm con. Con gái chị Vân bây giờ đã ở tuổi 30 rồi, cô đang sống và làm việc ở một tiểu bang tít bên phía miền tây nước Mỹ, giáp Thái Bình Dương và vẫn gọi phone nói chuyện với chị Vân, viết thư, viết email cho chị Vân đều đều. Lan nói vậy với Kim. Chồng chị Vân sau đó lập gia đình lần nữa với một phụ nữ gốc Á Châu, xấu hơn chị Vân nhiều, theo lời Lan kể.
Kim chỉ mới quen biết chị Vân có chưa tới một năm mà chị Vân đã đối xử với Kim như bát nước đầy, đi party chị Vân thấy có bánh kẹo ngon cũng gói một chút để dành cho Kim, ngày nào nấu món gì ngon mà biết Kim làm ở tiệm chị Vân cũng ghé qua sớt cho một chút. Có hôm chị Vân ghé qua pharmacy buổi chiều gần đến giờ đóng cửa, hỏi Kim có ăn cá kho hay không. Kim trả lời có, thế là chị Vân kêu xong việc ở pharmacy thì lái xe theo chị Vân về nhà, chị Vân cho một hộp cá kho kèm theo một hộp cơm với cá kho. Ăn mà nhớ mấy món ăn má Kim nấu hết sức. Má Kim ở xa cách cả mấy giờ máy bay, Kim nói chuyện với má thường xuyên nhưng bây giờ Kim không có dịp thưởng thức mấy món ăn má nấu như ngày nào. Nhiều lúc nhận mấy món ăn chị Vân cho Kim nhớ má quá chừng, vì cách chị Vân nêm nếm đồ ăn cũng giống như má Kim vậy.
Tuổi Kim cũng gần với tuổi con gái chị Vân, con gái chị Vân ở xa, những lúc chị Vân nấu đồ ăn rồi mang biếu Kim một chút, có phải chị Vân nhớ đến con mình, mong con gái mình được ở gần bên để được chị chăm nom lo từ miếng ăn đến giấc ngủ như ngày nào hai mẹ con ở bên nhau hay không, Kim tự hỏi.... Kim nhớ má và chị Vân nhớ con gái, có phải vì vậy mà Kim cảm thấy thoải mái thư thái tâm hồn những khi gặp chị Vân, nghe giọng nói ấm cúng của chị, nhìn ánh mắt tha thiết của chị Vân, thấy cái cười đôn hậu của chị Vân. Trong những món ăn Việt chị Vân nấu có bao nhiêu phần nhớ phần thương của người mẹ dành cho cô con gái sống ở xa, cô con gái "đi học ở Harvard mà vẫn nhớ cơm Việt Nam, mang theo cả cái nồi cơm điện vào dorm, ngày ngày đi học về là nấu cơm ăn với xì dầu" theo lời chị Vân kể, Kim không thể đo được nhưng biết là nhiều lắm, nhiều lắm.
Ngày Mother's day Kim bước vào tiệm là thấy choáng ngộp trước bao nhiêu là bong bóng và hoa chưng đầy trong tiệm. Những cái bong bóng đủ màu đủ kiểu có những dòng chữ biểu lộ tình yêu của con cái với mẹ được cột thành chùm và bày kế những hộp chocolate ngọt ngào đủ loại, đủ kiểu, những bó hoa hồng, hoa tulip, hoa daffodil thắt những cái nơ màu hồng, màu xanh màu đỏ rực rỡ. Đối với pharmacy chỗ Kim làm thì ngày nào cũng là một ngày bận rộn cả, nhưng hôm đó trên quầy pharmacy đặc biệt có thêm một lọ hoa hồng đỏ thắm, Kim nghi chắc là bên flower shop đem qua. Nhỏ cashier nói đùa với Kim: Hôm nay mà có bà khách nào không hài lòng với cách phục vụ của tụi mình em sẽ rút một cái hoa hồng ra cho bà khách đó để tạ lỗi Kim nhe, và Kim cười gật đầu đồng ý với nó ngay.


Có tiếng người nói trên intercom của tiệm nói pharmacy bắt line số 1. Kim nhấc phone anh chàng làm ở văn phòng phía ngoài hỏi Kim "Kim, do you have kids" và Kim trả lời không có. Too bad, anh chàng nói. Kim sực nhớ ngày Mother's day hỏi lại, vậy là coi như tôi không có quà của tiệm hôm nay rồi chứ gì, không có bong bóng không có hoa, không có bánh kẹo gì hết đúng không" Anh chàng cười hì hì trả lời đúng boong, sorry Kim nha. Kim thầm nghĩ, hoa mà tiệm cho đem về vài hôm cũng héo, kẹo ăn thì thêm lại sâu răng, bong bóng mang về cũng chỉ để ở xó nhà, nghĩ như vậy để cảm thấy dễ chịu hơn một chút xíu.
Kim nhớ đến những câu chuyện tràng giang đại hải mấy ông anh bà chị và mấy đứa em kể về chuyện nuôi mấy đứa con và nghĩ đến những món quà của ngày Mother's day company biếu cho mấy bà mẹ làm việc trong tiệm hôm nay, bỗng cảm thấy lòng mình đau đau. Không có kid nhưng có một ông chồng để lo lắng, chăm sóc, thương yêu, vậy có tính là one big kid hay không kìa, Kim bật cười với suy nghĩ của mình.
Buổi chiều xong ca làm việc ở pharmacy Kim chuẩn bị ra về, lúc đi ra khỏi pharmacy thì gặp chị Vân. Chị Vân hỏi Kim có ăn kẹo chuối hay không, kẹo chuối Bến Tre người quen ở Việt Nam mới gởi qua và bắt đầu mở cái túi xách của mình để lấy cho Kim mấy cái. Kim nhận mấy cái kẹo từ tay chị Vân rồi vui miệng thuật chi chị Vân nghe chuyện company hôm nay chỉ biếu quà cho những người phụ nữ nào làm việc trong tiệm có con cái mà thôi. Kim nói đùa với chị Vân cứ đà này chắc Kim phải xin con nuôi để cho bằng chị bằng em với mấy bà mấy cỡ trong company quá.
Chị Vân nhìn Kim, ánh mắt chị Vân buồn hẳn đi và giọng nói chị Vân như muốn tắt nghẽn vì nước mắt "Đừng Kim ơi, đừng xin con nuôi. Con nuôi nó phản mình". Kim nghe chị Vân nói mà bàng hoàng. Chị Vân có con nuôi ư, sao cả năm rồi Kim quen với chị Vân mà Kim không hề biết" Ngay cả Lan em họ của chị Vân cũng không đả động gì đến chuyện con nuôi của chị Vân cho Kim nghe hết. Có mấy cái ghế nằm bên cạnh pharmacy để khách hàng ngồi chờ lấy thuốc, chị Vân và Kim đến đó ngồi rồi chị Vân bắt đầu kể cho Kim nghe.
Hóa ra ngày xưa vợ chồng chị Vân có xin hai đứa bé trai ở viện mồ côi bên Việt Nam về làm con nuôi, rồi mang hai bé qua Mỹ. Rồi về sau chị Vân sinh được một bé gái. Mấy chục năm về trước ở Mỹ không có một cộng đồng Việt Nam rộng lớn như bây giờ, vùng gia đình chị Vân ở lúc đó không có khu thương mại Việt Nam cửa tiệm sầm uất bán đủ loại thức ăn như bây giờ. Muốn mua đồ ăn Á Châu phải lái xe cả mấy tiếng mới ra đến khu phố Tàu ở city kế bên mới có. Chị Vân không muốn mấy đứa con quên nguồn cội Việt Nam của mình, chị kiên nhẫn tập cho mấy đứa con nói tiếng Việt, ăn thức ăn Việt và cố dạy cho các con hiểu về phong tục tập quán của người Việt. Đến khi hai vợ chồng chị Vân ly dị, chị đau xót quyết định cho các con sống với bố của tụi nó vì chồng chị có điều kiện tài chánh khả quan hơn, có khả năng lo cho các con một cuộc sống vật chất đầy đủ, sung túc. Người mẹ từng hát ru con bằng những câu hát ầu ơ ví dầu ngày nào khi con còn bé bây giờ đành bấm bụng rời xa mấy đứa con mình, lâu lâu mới có cơ hội ghé thăm con. Con cò lặn lội bờ sông ở xứ người giờ phải vất vả trăm chiều để lo toan cho cuộc sống của mình chỉ mong ngóng đến ngày đến lúc mình được gặp lại các con thương yêu, để ôm con trong vòng tay để nghe con nói chuyện.... Nỗi nhớ thương con của chị Vân tăng dần, tăng dần theo thời gian khi con cái lớn khôn, ra trường có việc làm, dọn đi xa....
Người mẹ nhớ thương con, nỗi nhớ nỗi thương tăng dần theo năm tháng nhưng tình cảm của người con đối với mẹ thì không hẳn như vậy. Hai anh con trai càng lớn khôn thì càng lạnh nhạt với chị Vân và cuối cùng hai anh nói thẳng với chị Vân "Bà nội và mấy cô muốn tụi con cắt đứt quan hệ với má, bà nội nói làm như vậy thì bà mới để tên tụi con vào chúc thư của bà". Những câu nói phũ phàng của hai anh con nuôi như con dao bén đâm vào trái tim chị Vân đau buốt. Bà mẹ chồng người Mỹ có ác cảm với con dâu người Việt cho dù vợ chồng chị Vân đã ly dị bao năm rồi, nỗi ác cảm đó vẫn còn khá đậm. Mấy cô em chồng người Mỹ cũng cay nghiệt không kém khi họ về hùa với bà mẹ để cố tình chia rẽ tình mẹ con chị Vân. Bao nhiêu năm rồi sau lần gặp hai anh con nuôi và nghe hai anh nói vậy chị Vân không liên lạc với hai con nuôi nữa. Nỗi đau vẫn ám ảnh chị Vân không rời, chị Vân nói vì chị nghèo, bây giờ vẫn ở share phòng trong nhà người ta không có tài sản gì đáng giá để lại cho con, thành ra chị đâu biết nói gì hơn với hai người con nuôi mà chị đã từng thương như núm ruột của mình.
"Đừng xin con nuôi Kim ơi. Con nuôi nó phản mình". Chị Vân lập lại với Kim như vậy. Còn cô con ruột của chị Vân, thái độ của cô ra sao trước những lời hứa hẹn của bà nội cô, Kim thắc mắc. Chị Vân như đoán ra được câu hỏi trong đầu Kim, kể tiếp: Con bé con ruột của chị, nó nói thẳng với bà nội nó, bà nội và mấy cô cứ giữ lấy tiền bạc của mình đi, con không có cần đâu. Má là má của con, con chỉ có một bà má trên đời này thôi, không gì có thể chia cách con với má con được hết. Không gì chia cách được tình thương của cô với mẹ, mặc dù cô ở bên một tiểu bang miền tây nước Mỹ cách xa chị Vân vô cùng, con gái của chị Vân vẫn đều đặn gọi điện thoại, viết thư, viết email thăm hỏi mẹ mình.
Trên 30 nhưng con gái chị Vân vẫn sống một mình. Cô chưa tìm được người ý hợp tâm đầu. Kim biết không" chị Vân kể: Mới rồi con bé gọi điện thoại nói chuyện với chị, nói là bây giờ con có má, má có con, mai mốt má già má trăm tuổi rồi thì con biết chia xẻ buồn vui của cuộc đời này với ai. Chuyện hai người anh nuôi cư xử tệ với mẹ mình còn rành rành ra đó, thành ra cô cũng đi đến quyết định không xin con nuôi. Cô gái chị Vân đang suy nghĩ xem có nên dùng phương pháp thụ thai nhân tạo để có một đứa con hay không, chị Vân nói vậy. Đứa bé sẽ có một số gene của chị Vân, bà ngoại no,ù con gái chị Vân nói vậy và như vậy sẽ có một phần của chị Vân luôn luôn ở bên cô. Chị Vân kể cho Kim như vậy, nước mắt chảy lặng lẽ xuống đôi gò má. Kim nghe chị Vân kể và rồi thấy chính mắt mình cũng ướt đẫm.
Bây giờ con có má, má có con, mai mốt má già trăm tuổi rồi thì con biết chia xẻ buồn vui của cuộc đời này với ai" Câu nói của con gái chị Vân cứ vang lên mồn một trong óc Kim. Lần cuối cùng Kim nói chuyện qua điện thoại là ngày nào kìa, Kim không nhớ nữa. Kim bỗng muốn chạy về nhà gọi điện thoại cho má Kim, nghe tiếng nói của má Kim. Kim muốn chạy ra phi trường mua vé máy bay bay về với má hết sức.
Bàn tay có ngón ngắn ngón dài, con người tốt xấu đủ loại khôn lường được. Không phải người con nuôi nào cũng phản lại bố mẹ nuôi của mình, Kim muốn nói với chị Vân như vậy mà Kim cũng không tìm được lời để nói.
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"
Những câu ca dao này, không ai có thể quên được. Hai anh con nuôi của chị Vân có bao giờ ngồi nhớ lại những câu ca dao này hay không, Kim tự hỏi. Hay những vật chất phù hoa của cuộc sống nơi xứ người, những hứa hẹn hảo huyền về một gia tài được kế thừa trong tương lai đã làm cho hai anh choáng mắt choáng lòng, quên hết đi những nghĩa tình của mẹ nuôi của mình" Đối với hai anh, chị Vân không mang nặng đẻ đau, nhưng một ngày thương yêu chăm sóc cũng là nghĩa là tình, huống chi bao năm trời chị đã lo lắng, chăm nom, thương yêu hai anh hết mực hết lòng, cái nghĩa cái tình ấy lớn lao vô cùng, sâu đậm vô cùng, không gì so sánh được.
Ngày Mother's day hoa hồng không thể đem lại niềm vui cho một bà mẹ. Cái bà cần không thể bù đắp được chỉ bằng kẹo bánh và hoa. Kim chỉ biết lắng nghe câu chuyện của chị Vân, chia xẻ nỗi đau của chị Vân mà thôi.
Chia tay với chị Vân, Kim nhìn theo bóng dáng chị khuất dần ngoài cửa, bước đi như chậm hơn, dáng đi như oằn xuống hơn vì nỗi đau vô hình chất chồng bao năm trong lòng. Người mẹ tràn ngập tình thương con như dòng nước trong nguồn ngọt mát dạt dào tuôn chảy, bây giờ nghịch cảnh biến bà thành một dòng nước mắt xót đau rơi xuống lặng thầm, nhưng có mấy ai biết được đâu....

Karen N Nguyen

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,711,842
Tác giả cùng 2 con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà hiện có tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Với sức viết giản dị mà mạnh mẽ, tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm 2017. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả là cư dân Buffalo, NY. đã dự Viết Về Nước Mỹ từ hơn 10 năm trước Bài viết đầu tiên của ông là "Kinh 5 Dị Nhân" kể về vùng quê, nơi có hơn 1000 người -phân nửa dân làng- vượt biên mà có tới hơn 160 người tử vong... Hiện ông đang là cư dân Orlando, FL. và sau đây là bài viết mới nhất. Con số vượt biển chính xác là 1.300 dân kinh 5 vượt biển đến nơi. Sau đó bảo lãnh nhau hiện đã có 5 hay 6000 dân gốc kinh 5 ở Mỹ.
Với bài “Hành Trình Văn Hóa Việt tại UC Irvine”, tác giả đã nhận Giải Việt bút Trùng Quang 2016. Ông tốt nghiệp cử nhân về Ngôn Ngữ Học tiếng Tây-Ban-Nha tại UC Irvine. Sau 5 năm rời trường để theo học tại UCLA, tốt nghiệp với hai bằng cao học và tiến sĩ về ngành Ngôn Ngữ Học các thứ tiếng gốc La-Tinh, ông trở lại trường cũ và trở thành người đầu tiên giảng dạy chương trình tiếng Việt, văn hoá Việt tại UC Irvine từ năm 2000 cho tới nay
Tác giả từng nhận giải Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông là cựu sĩ quan VNCH, giảng viên trường Sinh ngữ quân đội, cựu tù cải tạo. Ông cũng là tác giả sách "Hành Trình về Phương Đông" do "Xây Dựng" xuất bản năm 2010. Mới nhất, là cuốn "Within & Beyond" do tác giả viết bằng Anh ngữ và tự xuất bản. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả hiện là cư dân Arkansas, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Bà tên thật Trịnh Thị Đông, sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Với bút hiệu Dong Trinh, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016, và luôn cho thấy sức viết mạnh mẽ và cách viết đơn giản mà chân thành, xúc động. Sau đây, thêm một bài viết mới.
Tác giả. Là cư dân Minnesota, Thanh Mai đã nhận giải vinh danh tác giả Viết Về Nước Mỹ 2008. Với những bài viết về nhiều thể loại đề tài, cô là một tác giả rất được bạn đọc yêu mến.
Tác giả là một nhà thơ, sĩ quan hải quân, từng tu nghiệp tại Mỹ. Sau năm 1975, ông trở thành người tù chính trị và định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. Ông góp nhiều bài tham dự Viết Về Nước Mỹ ngay từ những năm đầu tiên và đã nhận giải Danh Dự.
Chào mừng tác giả lần đầu góp bài Viết Về Nước Mỹ, mong ông tiếp tục viết và bổ túc mấy dòng sơ lược tiểu sử cùng địa chỉ liên lạc.
Là nhà báo trong nhóm chủ biên một số tuần báo tạp chí ở Dallas. Phan cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ từng nhận giải và có nhiều bài trên dưới một triệu lượt gõ để đọc bài. Sau đây là bài viết mới nhất.
Tác giả sinh quán tại Hội An, Quảng Nam, tốt nghiệp Đốc Sự Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Cựu tù chinh trị, hiện định cư tại Virginia. Ông góp bài Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua và đã ấn hành 4 tập truyện ngắn. Nhà văn Võ Phiến nhận xét về các nhân vật truyện của Phạm Thành Châu đã phải kêu là “Tuyệt vời. Sao mà họ chung tình đến thế.” Sau đây, thêm một truyện ngắn Phạm Thành Châu.
Nhạc sĩ Cung Tiến