Hôm nay,  

Bên Kia Hàng Rào

29/08/200400:00:00(Xem: 123946)
Người viết: Nguyễn Đại Toàn
Bài số 600-1139-vb5260804

Tác giả Nguyễn Đại Toàn đã góp một bài viết đặc biệt nhân lễ Father’s Day vừa qua, với lời ghi trân trọng "Để tưởng nhớ đến ba kính yêu của mẹ và chúng con." Lần này, nhân mùa lễ Vu Lan đang tới, ông có thêm bài viết thứ hai về lòng hiếu thảo với Mẹ Cha, không chỉ ở bên này mà còn cả bên kia hàng rào...
*
Cơn động đất nhỏ chỉ ba chấm hai độ Richter nhưng đủ để lại những vết nứt ngang dọc trên nhiều bức tường. Cùng chung số phận, hàng rào ngăn cách nhà tôi và nhà hàng xóm cũng bị nứt một đường dài khá sâu, chưa kể những đường nứt nhỏ, lăn tăn như những vết nhăn quanh miệng khi người ta đang nhoẻn miệng cười.
Thật ra tôi có thể để nguyên như vậy, như người Mỹ nói "we have to live with it" nhưng tôi muốn xây lại một hàng rào mới, giữ vững sự riêng tư cách biệt với nhà hàng xóm. Một lý do khác làm tôi muốn xây hàng rào mới vì tôi biết Mẹ vẫn ra ngồi chơi ở vườn sau, cạnh cây táo cao to nhiều bóng mát và cạnh bức tường có những vết rạn nứt vì động đất.
Sống ở California với những cơn động đất từ nhỏ chỉ đủ để cư dân sống ở một bán kính một mile chung quanh tâm điểm động đất thấy mình chợt mất thăng bằng chỉ một vài tích tắc đồng hồ; hay lớn đến độ làm sập được những cây cầu bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố, đan chéo nhau trên những xa lộ thênh thang của Mỹ, chúng tôi đã quá quen với những cơn chấn động từ trong lòng đất; nhiều khi lâu lâu lại thấy nhớ cảm giác hụt hẫng vì động đất. Nhưng cứ tưởng tượng đến động đất xảy ra đúng vào lúc Mẹ đang ngồi ở cạnh bức tường, tôi muốn xây lại tường mới càng sớm càng tốt.
Chủ nhà bên kia là hai ông bà cụ O'Connor, sinh ra ở tiểu bang Connecticut nổi tiếng bảo thủ và là một trong những tiểu bang đầu tiên của Hiệp Chủng quốc Hoa Kỳ. Trước khi chuyển về sinh sống ở California, họ vẫn nghĩ về tiểu bang non trẻ ở ven biển miền Tây như là một nơi ô hợp của những tay anh chị đã một thời phiêu lưu tìm vàng, một nơi không có truyền thống cổ kính như mười ba tiểu bang đầu tiên được tượng trưng bằng bảy sọc đỏ và sáu sọc trắng trên quốc kỳ của Mỹ. Vậy mà tình cờ, một lần bay về California giữa mùa Đông lạnh giá có tuyết trắng phủ gần hết nước Mỹ, ông bà O'Connor mê khí hậu của California, mặc dù vẫn mê người của Connecticut, nhưng đã quyết định dọn về ở hẳn tiểu bang tận cùng Tây Nam của nước Mỹ. Chỉ nguyên việc họ luôn tự giới thiệu với hàng xóm bằng last name cũng đủ nói lên tính bảo thủ và quá khứ là thầy, cô giáo của họ.
Còn nhớ lần đầu tiên gặp họ trong khi đang xem xét hồ bơi ở sân sau căn nhà, tôi nhìn qua bức tường và thấy hàm râu quai nón bạc trắng của ông và mái tóc màu vàng nhạt điểm trắng của bà. Ngay từ lúc đó, tôi đã có ý nghĩ giá mà bức tường được xây cao hơn một chút, bên này không nhìn thấy được bên kia, giữ được sự riêng tư cho cả hai bên thì tốt hơn nhiều. Lớn lên ở Mỹ, tôi tôn trọng sự riêng tư hơn nhiều người đến Mỹ muộn màng, vốn quen với truyền thống "bà con xa mua láng giềng gần" của Việt Nam.
Do vậy, là hàng xóm của ông bà O'Connor gần mười lăm năm qua, chạm mặt họ rất nhiều lần ở sân trước, nhưng tôi chưa bao giờ bước chân vào nhà họ. Có lần, người đưa thư, có thể trong một lúc mỏi mệt đã bỏ lộn thư của ông bà O'Connor vào hộp thư nhà tôi, tôi cũng chỉ mang qua bỏ lại vào thùng thư của nhà họ. Quan hệ giữa chúng tôi và hàng xóm ở mức độ chừng mực cần thiết của láng giềng ở Mỹ. Lâu lâu thấy xe bệnh viện đến nhà hàng xóm, trong lần gặp kế tiếp ở sân trước tôi thăm hỏi sức khoẻ của ông bà với thái độ kính trọng cần thiết cho những người cao tuổi, và được biết sức khoẻ của họ không đến nỗi đáng quan ngại ở lứa tuổi có lẽ đã ngoài bảy mươi, nhưng muốn yên tâm, nên thấy có dấu hiệu gì khác thường, họ gọi 911 xin xe cấp cứu đến nhà.
Thoạt đầu, hai ông bà cụ hàng xóm của chúng tôi có vẻ dè dặt. Nhưng sau khoảng hơn một năm chúng tôi sống bên cạnh giữ phép lịch sự cần thiết, và theo đúng quy tắc yên lặng của thành phố địa phương "quiet time" từ mười giờ đếm đến bảy giờ sáng, ông bà O'Connor đã tỏ ra có thiện cảm với chúng tôi hơn. Tuy nhiên, mối thân tình hàng xóm cũng chỉ dừng lại ở mức giơ tay chào nhau mỗi lần gặp nhau ở lối đậu xe trước nhà. Có những đêm thứ bảy cuối tuần, có sinh nhật ai đó trong nhà, biết mọi người đang vui vẻ nghe một bản nhạc hay, tôi vẫn phải tắt ngay hệ thống stereo vì đồng hồ vừa chỉ đúng mười giờ.
Ngày xưa, trong thần thoại, cô Cinderella vội vã chạy về nhà giữa dạ vũ tưng bừng vì sắp đến nửa đêm, áo quần, ngựa xe sẽ biến mất; ngày nay, mỗi cuối tuần, tôi vẫn phải đưa mắt nhìn đồng hồ và điều chỉnh hệ thống âm thanh nhỏ lại để tránh làm phiền lòng hàng xóm. Chẳng những thế, khi các anh chị của tôi đến chơi, Mẹ tôi đã rất cẩn thận dặn dò các anh, chị đậu xe tránh những lề đường thường có xe hàng xóm đậu ở đó. Mẹ ở nhà ban ngày và bằng quan sát, Mẹ rất rõ những vị trí nào thường có xe đậu vào thời khắc nào trong ngày. Đôi lúc các anh chị hay các cháu của tôi sơ ý quên lời dặn dò của Mẹ, đích thân Mẹ cầm tay lái đưa xe ra khỏi những vị trí có thể làm phiền hàng xóm. Chúng tôi vẫn gọi đùa Mẹ là "chuyên viên sắp xếp xe cộ" trong nhà.


Thân tình giữa tôi với vợ chồng người hàng xóm tăng lên một mức độ cao hơn khi Mẹ thường cho bà O'Connor mượn con chó nhỏ tên Ann-Marie của tôi về chơi vài giờ mỗi tuần. Vốn yêu thích loài vật, đặc biệt là chó, từ thủa còn học ở trường Tiểu học, Bà O'Connor luôn luôn nuôi chó trong nhà. Thú giải trí đó bị mất đi từ khi cô thiếu nữ McKinley trở thành bà O'Connor. Oâng O'Connor bị dị ứng với lông chó, lông mèo, nên vì tình yêu và sức khoẻ của chồng, bà đành phải chấm dứt thói quen nuôi chó trong nhà. Khi thấy con chó nhỏ giống Chiwawa của chúng tôi, bà chạy sang nhà chúng tôi xin đem con Ann-Marie về chơi những lúc ông O'Connor đi vắng. Bà còn cẩn thận đến độ chỉ để con chó ngồi ở ngoài sân, không dám mang vào hà, vì chỉ cần một sợi lông chó rơi rớt đâu đó trong nhà, ông O'Connor sẽ lên cơn suyễn, mà với người có tuổi, chỉ một cơn bệnh nhẹ đủ để đe doạ tính mạnh của họ, đủ để ngọn đèn trước gió phụt tắt bất cứ lúc nào.
Chuẩn bị xây lại bức tường ranh giới giữa hai nhà, tôi phải qua gặp hai ông bà O'Connor để trình bày dự án. Tôi còn cẩn thận vẽ ra trên giấy theo kiểu 3D để ông bà hàng xóm thấy được chiều dày mỗi bức tường sẽ dày hơn, chiều cao cũng cao hơn một chút. Về chiều cao tăng lên 10 inches, họ hoàn toàn đồng ý. Về chiều dày, vườn sau của mỗi nhà sẽ bị mất đi thêm 4 inches vì bức tường sẽ tăng thêm 8 inches, ông bà O'Connor lúc đầu còn lưỡng lự, nhưng tôi ra sức thuyết phục, bằng cả nguyên tắc cơ bản của xây dựng lẫn sự riêng tư cần thiết của cả hai bên, mà tôi biết cả Mẹ tôi lẫn hai người hàng xóm đều thường hay ra ngồi ở hai cái sân sau yên tĩnh, nhiều bóng mát.
Mọi chuyện diễn ra rất êm đẹp. Vậy mà, một buổi trưa đang cặm cụi ở sở, tôi nhận được điện thoại Mẹ gọi vào cho biết bức tường đang xây dở nửa chừng thì bà O'Connor tỏ ý muốn ngừng xây. Tôi vội gọi điện thoại về nhà hàng xóm, nhưng dường như không ai ở nhà. Thật tình tôi không hiểu tại sao ông bà O'Connor lại đổi ý một cách nửa chừng như vậy, nhất là khi tường cũ đã đập ra, và tường mới đang được xây lại dở dang. Điều duy nhất tôi biết mình sẽ phải qua nhà hàng xóm, trình bày và thuyết phục họ thêm. Chiều hôm đó, tôi vẫn không gặp được ông bà O'Connor, sau ba hồi chuông, hai cánh cửa lớn vẫn đóng im lìm, tôi đành về lại nhà mình mặc dù mỗi lần nhìn ra bức tường ở sân sau, tôi vẫn không vui khi thấy bức tường đang xây dở vẫn nằm đó.
Mãi đến ba hôm sau, tôi mới gặp được nhà hàng xóm, nhưng lần này không phải gặp ông bà O'Connor mà là gặp một người Mỹ tuổi trung niên, trông rất giống ông cụ O'Connor. Khi biết tôi là hàng xóm, và muốn nói chuyện với ông bà cụ O'Connor về bức tường đang xây dở ở sân sau, anh lịch sự mời tôi vào nhà, tự giới thiệu là Jonathan. Anh cho biết Ba anh phải vào nhà thương, lần này không may, mẹ anh vì căng thẳng tinh thần, nên cũng phải điều trị vài ngày ở bệnh viện. Anh phải lấy vacation bay về từ New Jersey để được trực tiếp chăm sóc cha mẹ. Theo yêu cầu của anh, bà O'Connor cho dừng lại việc xây bức tường ở sân sau. Jonathan ngại là ba mẹ mình đã có quyết định không sáng suốt trong lúc sức khoẻ đang suy yếu, tinh thần không được minh mẫn.
Tôi vốn không thích những việc bỏ dở nửa chừng, nhưng cũng kiên nhẫn chờ Jonathan có thì giờ xem xét lại bản vẽ với đầy đủ chiết tính của tôi, trong đó ông bà O'Connor sẽ góp một phần trả một nửa chi phí với tôi, và sân sau của mỗi nhà sẽ bị lấn vaò bốn inches. Bù lại, sự riêng tư về tầm nhìn và âm thanh sẽ được nâng lên ở một mức độ cao hơn. Để tránh mọi phiền phức, tôi đã thảo sẵn một Agreement Letter, trong đó ông bà O'Connor đã ký tên vào. Vậy mà, mọi sự vẫn không thông suốt như tôi dự tính vì cả hai ông bà đều phải nằm bệnh viện đúng lúc bức tường đang được đổ móng.
Bức tường hàng rào dang dở, nằm đó "trơ gan cùng tuế nguyệt", đập vào mắt tôi mỗi lần tôi nhìn ra sân sau, nhưng tôi không thể làm gì hơn được. Phải kiên nhẫn cho Jonathan có thì giờ xem xét lại chi tiết bản vẽ. Anh có vẻ là người cẩn thận, từ tốn, có lẽ là tôi sẽ không có câu trả lời sớm hơn như mong muốn. Vả chăng, trong lúc này, khi cả hai đấng sinh thành cua Jonathan đang nằm bệnh viện, chắc chắn là anh phải dồn hết tâm trí và thời gian cho việc chăm sóc bố mẹ.
Cuối tuần, rảnh hơn một chút, có thì giờ nhìn qua khung cửa sổ về phía nhà ông bà O'Connor, tôi thấy cái dáng cao to của Jonathan tất bật mang từng giỏ đồ về nhà, rồi lại mang từng giỏ khác ra đi. Vài hôm sau, anh ta bấm chuông nhà tôi, mặt mày tươi tỉnh hơn, cho biết bà O'Connor đã được phép rời bệnh viện, và sức khoẻ ông O'Connor đã khả quan hơn. Anh cũng đồng ý để bức tường hàng rào giữa hai nhà được tiếp tục xây như dự định, vì bà O'Connor hãy còn yếu, chưa tự lái xe đi ra ngoài được, bà sẽ ra vườn sau nhiều hơn, để có ánh nắng mặt trời, có không khí trong lành của thiên nhiên ở ven biển California.
Bên kia hàng rào của chúng tôi, vẫn có một người con có hiếu, biết lo cho Bố Mẹ ở tuổi về già. Ở trời Tây, quê hương thứ hai, và có lẽ là quê hương của chính tôi, vẫn có được một biểu tượng tinh thần cao quý nhất của trời Đông, lòng hiếu thảo với cha mẹ. Bức tường hàng rào chưa hoàn tất như dự định nhưng tôi vui hơn vì vừa tìm được thêm một điểm tương đồng lớn giữa hai quê hương. Điều đó giúp đời sống chúng tôi bám rễ vững chắc ở quê người.

Nguyễn Đại Toàn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,614,607
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến