Hôm nay,  

Đêm Thức Trắng

26/08/200400:00:00(Xem: 151108)

Người viết: KHẤT SĨ
Bài số 598-1136-vb2230804

Bài viết của Khất Sĩ được chuyển tới giải thưởng viết về nước Mỹ bằng eMail. Bài đầu đã phổ biến là là “Đổi Đời,” một truyện trào lộng. Bài thứ hai thể hiện nhiều thao thức của người “đi cầy” ở hãng xưởng Mỹ để trả bill trong. cũng vậy. Mong tác giả vui lòng bổ túc địa chỉ liên lạc và ít dòng sơ lược tiểu sử.
*

Ở cái đất Mỹ này đã hơn 10 năm trời, hắn đã chứng kiến quá nhiều cái cảnh thôi việc, với muôn ngàn lý do và không lý do. Tại cái hãng mà hắn đang làm việc, số người Việt Nam vào làm rồi nghỉ, tính kỹ ra đã hơn 50. Do đó khi biết tin ai đó nghỉ việc, hắn tiếp nhận rất “hồn nhiên”, cứ như người ta vừa bảo hắn rằng ngày mai là ngày bình thường. Nhưng với thằng Trí thì hơi khác vì giữa hắn với thằng này có chút kỷ niệm. Và rồi với chính cái “hơi khác” và “chút kỷ niệm” này, ai đó đã lôi cái bộ nhớ trong hơn 10 năm qua của hắn ra, thảy ngay trước mặt hắn và nói “thanh toán ngay”. Khổ thân hắn! Hắn không thể thanh toán lại chẳng thể chạy làng. Thế là hắn trằn trọc…
Cách đây hơn 10 năm, hắn cùng vợ con qua Mỹ theo diện HO. Đây là cái mốc sừng sững trong cuộc đời của hắn mà chắc kiếp sau hắn vẫn còn nhớ. Hồi còn ở Việt Nam, hắn khổ cực lắm. Sau những năm tù tội về, cũng như 1 số khác, hắn lấy vợ, và rồi cho đến lúc ra đi, gia đình hắn chỉ khá hơn ăn mày một chút. Nhưng, thật ngạc nhiên, đó không phải là giai đoạn làm cho hắn trằn trọc. Điều làm cho hắn khó ngủ mấy hôm nay là những chuyện xảy ra với hắn từ lúc hắn đặt chân tới Mỹ.
Những ngày đầu ở đây, hắn vui vẻ phấn khởi lắm, bạn bè tụ tập, chuyện trò rôm rả. Hắn cảm thấy đời hắn đã đến lúc … “lên Voi”. Lúc đó có 1 thằng bạn bảo hắn “này, thằng Mỹ là ông cố nội của thằng Cộng Sản đấy, rồi mày sẽ biết.” Trong không khí ấy, hắn không lưu tâm đến lời nói của thằng bạn, coi như đó là phát ngôn của kẻ thối mồm... Rồi thời gian trợ cấp qua đi, hắn mới bắt đầu thực sự cảm nhận được cuộc sống tại “miền đất hứa”.
Qua bạn bè, hắn tiếp xúc với anh Vân, một người chuyên giới thiệu việc làm, và nhờ anh tìm công việc cho hai vợ chồng hắn. Anh Vân rất vui vẻ bảo:
- Anh yên tâm, tôi sẽ kiếm cho anh, giỏi tiếng Anh như anh thì chẳng phải lo … việc ở Cali này nhiều lắm, chỉ sợ anh chị rồi đây làm nhiều tiền quá không biết để đâu mà thôi.”
Và rồi chỉ vài ngày sau, anh Vân gọi hắn thật:
- Tôi có một cái job rất tốt cho anh chị, ngày mai tôi sẽ đến nhà chở anh chị đi phỏng vấn.
- Cám ơn anh, tôi sẽ chờ anh tại nhà – hắn trả lời khá trầm tĩnh.
Dù rằng ở Việt Nam cực khổ, nhưng hắn đã chịu khó học tiếng Anh, và cũng tự cho mình thuộc dạng “có đầu óc”, nên cuộc phỏng vấn hôm sau, chẳng làm hắn bận tâm.
Đúng 10 giờ sáng anh Vân và vợ chồng hắn có mặt tại 1 văn phòng của một hãng điện tử. Người phỏng vấn hắn là một tay Mỹ Trắng, cỡ tuổi hắn, mặt mày sáng sủa, cử chỉ rất thân thiện, “một bắt đầu tốt đẹp” - hắn tự nhủ. Nhưng khi cuộc phỏng vấn bắt đầu, hắn thực sự “té ngửa”. Hắn không hiểu thằng Mỹ nói gì, và thằng Mỹ cũng chẳng hiểu hắn. Sau khi lập lại lần thứ 3 mà thằng Mỹ vẫn không hiểu thì hắn cảm thấy nóng mặt … thế là anh Vân bắt đầu công việc của mình - phiên dịch. Cuộc phỏng vấn kéo dài khoảng 10 phút và cuối cùng thằng Mỹ nói với hắn
- Tôi rất thích vợ chồng anh. Tôi sẽ gọi anh chị sau…
Thằng Mỹ nói bằng tiếng Anh, nhưng riêng câu này thì hắn hiểu, và thêm nữa được anh Vân dịch lại, nên hắn rất an tâm. Mọi người bắt tay nhau ra về trong vui vẻ. Hắn cảm thấy cuộc đời thật đáng yêu, dù có chút “quê độ” trong chuyện tiếng Anh vừa qua.
Hắn và vợ cùng sắp xếp công việc nhà, để chuẩn bị mai mốt đi làm. Mọi việc đều xong xuôi. Nhưng quái lạ! Một hai ngày rồi một tuần qua đi, không thấy ai gọi điện thoại lại. Rồi 1 tuần nữa cũng trôi qua như thế. Sốt ruột, hắn gọi điện thoại hỏi anh Vân. Anh Vân trả lời tỉnh rụi:
- Không sao! Ngày mai tôi sẽ chở anh chị vào xin làm ở hãng Rau. Hãng này rất tốt, quyền lợi nhiều, lại chẳng cần tiếng Anh …
Hắn nóng nảy cắt ngang:
- Nhưng mà thằng Mỹ kia đã đồng ý nhận vợ chồng tôi vào làm rồi mà.
Sau một chút lưỡng lự, anh Vân nói:
- … có lẽ hắn đã mướn được người rồi … nhưng anh chị yên tâm, tại hãng Rau…
- Cám ơn anh, tôi sẽ liên lạc anh sau.
Hắn cúp máy hơi sỗ sàng.
Hắn ngồi phịch xuống ghế, đôi mắt trống rỗng nhìn xuống sàn nhà. Lúc này chỉ có 2 điều làm hắn lưu tâm: một là cái đểu của thiên hạ, và hai là cái ngu của chính hắn. Hắn suy nghĩ mông lung lắm, về chính hắn, anh Vân, thằng Mỹ… và rồi cuối cùng buông một câu rõ to: “nhưng mà lạ thật, thằng Mỹ ấy có vẻ thân thiện và tốt với mình thế cơ mà.”
Chuyện này cũng đã “ngốn” mất của hắn 2 tuần lễ để phân tích – phân tích là thói quen cố hữu của hắn. Nhưng rồi những cái Bills đã lôi hắn về với thực tế. Tiền nhà, điện, nước v.v. đến “thăm” hắn không bao giờ trễ hẹn, có cái đã “cảnh cáo” vì chưa chịu thanh toán. Hắn cảm thấy rất bực bội vì cả hắn lẫn vợ chưa ai có việc làm. Và rồi thì cái cuộc phỏng vấn kia hắn cũng chẳng còn giờ mà phân tích.
Trong một lần có bạn đến thăm, hắn đem chuyện mấy cái Bills ra kể, thằng bạn nói tỉnh queo:
- Thì mày phải kiếm tiền mà trả tụi nó chứ sao!
Hắn thực sự ngạc nhiên trước câu trả lời này. Hắn tưởng là sẽ có được một lời an ủi, bao che chứ. Câu trả lời sao mà “trần trụi” quá, không có chút tình người. Hắn hậm hực:
- Nhưng mà hiện nay tao và vợ tao đều chưa có việc làm, phải trả thế nào đây"
- Thì phải đi kiếm việc làm… và trong thời gian đó phải vay tiền mà trả cho tui nó – người bạn đáp thẳng thừng.
- Thế tụi Mỹ cũng có những chương trình cho vay tiền dành cho những người ở vào trường hợp như tao à"
- Làm gì có! Mấy thằng Mỹ khôn bỏ xừ. Những thằng trên răng dưới dế như mày đời nào nó cho vay. Mày phải vay nóng của người Việt Nam … mà tiền lời cao lắm đấy …
Hắn đâm bực, nói càn:
- Ăn thua mẹ gì! Không trả làm gì tao. Tui nó ăn thịt tao à"
Người bạn vội la lên:
- Ấy chết! Không được! Không thể được! Tụi băng đảng ở đây ghê lắm, thế mà chính phủ đã khóa được hết … cỡ như tụi mình không ra gì đâu.
Hồi còn đi lính, hắn thường xuyên đùa với đạn. Sau này đi tù, hắn đùa với công an. Biết bao nhiêu trận đòn rồi mà hắn vẫn còn mạng tới đây. Nên nghe câu này, hắn thấy tự ái. Hắn thấy thằng bạn của hắn hèn quá. Hắn muốn đuổi thằng này về lắm, nhưng chẳng hiểu sao hắn lại không làm. Thằng bạn tiếp:
- Ở cái đất này là thế đấy!!! Thôi thì thế này, tao cho mày mượn 200, không lời lãi gì hết, khi nào làm có tiền thì trả lại tao cũng được. Rồi mày muợn thêm những thằng bạn khác … mày còn nhớ không, nhóm tụi mình 5 đứa đã từng sống chết với nhau ngoài chiến trường mà…
Hắn nghe bạn hắn nói mà lòng xót xa, cổ họng khô rát. Đầu óc hắn bỗng suy gẫm theo quán tính “đã từng sống chết với nhau ngoài chiến trường mà hôm nay đối xử với nhau như thế này ư" Hắn cho mình mượn 200 mà làm như cho mượn 1 kho tàng… (cứ tưởng là hắn cho chứ). Chẳng lẽ mạng sống của hắn nhỏ hơn 200" Quan trọng hơn nữa là cách nói. Trong lúc mình túng quẫn như thế này mà hắn không hề có một lời cảm thông. Bạn bè đây ư"” Mãi suy nghĩ mà không biết rằng thằng bạn kia vẫn tiếp tục nói. Thằng bạn hắn nói gì" Hắn không biết. Đầu óc hắn lúc này đang bận. Rồi thằng bạn ra về, và hắn cảm thấy buổi thăm viếng hôm ấy thật nhạt nhẽo. Nhưng với thằng bạn hắn thì hình như không. Ông ta vẫn cuời nói hớn hở khi ra xe.
Hắn quyết định gọi lại anh Vân để kiếm việc làm, và dường như hắn đã bắt đầu nhận ra đây là con đường duy nhất để giải quyết bế tắc này. Anh Vân trả lời:
- À cái việc hôm đó anh chị không làm, nên tôi đã đem người khác vào rồi … nhưng anh yên tâm, tôi sẽ kiếm cho anh chị một việc khác. Tôi sẽ gọi anh chị, có thể là ngày mai...
Cúp điện thoại rồi hắn lẩm bẩm “yên tâm thế chó nào được.” Sống chết không lo, công an không sợ, chẳng hiểu sao lúc này hắn lại rất lo, dường như đây là lần đầu tiên hắn cảm thấy lo lắng thì phải.
Thời gian trôi qua, nợ tiếp tục dồn và tiếp tục đòi. Bạn bè thì … hắn đã từng rủa, “mẹ kiếp! Ông mà khá lên rồi thì chẳng có thằng nào là bạn của ông sất!” Lúc này hắn chỉ có thế bám vào anh Vân, và chính anh này cũng đã từng bị hắn đánh giá, “tay này quỷ quái làm sao ấy.” Lúc này hắn như con cọp dữ đang bị giam trong chuồng, cứ nghĩ đến kế hoạch sau khi ra khỏi chuồng, nhiều hơn là tìm cách để thoát khỏi cái chuồng ấy.”
Hắn bỗng trở nên người khó tánh, la rầy vợ con vì lý do không vào đâu cả. Cái điện thoại lúc đó là vật mà hắn săn sóc nhất, thỉnh thoảng xem lại xem nó còn hoạt động không, vì hy vọng anh Vân sẽ sớm gọi lại. Hắn hay nói với vợ “anh ta bảo là ‘ngày mai’ mà”. Ba bốn cái “ngày mai” đã trôi qua mà anh Vân vẫn biền biệt phương nào. Ruột gan cồn cào, hắn thường xuyên lẩm bẩm một mình “không biết cái thằng Vân này đã chết tiệt đâu rồi…”

Nhưng không, đến cái “ngày mai” thứ 8, anh Vân “đáng kính” của hắn đã gọi lại, nói ngắn gọn, nhưng rất rõ:
- Ngày mai, lúc 9 giờ, tôi sẽ đến nhà, chở anh chị đi làm tại một hãng đồ nhựa. Anh chị chuẩn bị nhé!
Hắn tiếp điện thoại mà trống ngực đập thình thịch, ngoài chiến trận hay trong nhà tù, chưa bao giờ thế cả. Khi cúp điện thoại, sau khi cám ơn rối rít, hắn còn thòng thêm câu:
- Cho tôi gởi lời hỏi thăm chị Vân và các cháu.
Năm phút sau hắn mới nhớ ra là hắn không biết anh Vân đã có vợ con gì chưa… Hắn tự thấy mình đã trở nên khách sáo, cải lương – những điều mà trước đó, và cả bây giờ, hắn rất ghét.
Năm giờ sáng hôm sau hắn đã “dựng” vợ dậy để “chuẩn bị đi làm”. Hắn đứng trước gương, “gò lại dàn đồng” hết nửa tiếng, quần tây, áo trắng, rất lịch sự, cả giày lẫn tóc đều bóng láng như nhau. Xong xuôi, hắn bước ra phòng khách, huýt sáo một vài đoạn tình ca không đầu không đũa. Với kinh nghiệm của cuộc phỏng vấn lần trước, hắn thấy tởn. Mấy thằng ngồi ở văn phòng trông lịch sự yếu mềm vậy mà kinh quá. Hắn đã thua. Nên lần này hắn rất cẩn thận, thậm chí đã dợt nhiều lần những câu nói đùa bằng tiếng Anh để có dịp sử dụng trong cuộc phỏng vấn lần này. Thấy vợ, dù chưa quan sát kỹ, hắn đã vội la: “ăn mặc cho lịch sự một chút.” Đúng 9 giờ, anh Vân có mặt. Hắn bảo vợ: “anh Vân này ở Mỹ lâu chưa mà làm việc đúng hẹn quá ha.” Rồi cả hai lên xe.
Hắn đã lo hão. Chẳng có ma nào thèm tiếp chuyện với hắn. Đến hãng, người ta thảy vợ chồng hắn vào làm việc ngay, thủ tục giấy tờ tính sau. Hắn cũng hơi ngạc nhiên, nhưng có được việc làm mừng quá nên điều ngạc nhiên ấy cũng nhanh chóng chìm vào quên lãng. Tại đây, hắn làm việc ngày 10 tiếng, chỉ nghỉ ăn trưa 50 phút, không hề được nghỉ giải lao. Dù rất mừng khi có được công việc, nhưng vốn là thằng có máu đấu tranh, nên hắn có hỏi bà Việt Nam bên cạnh về chuyện bóc lột này. Bà ta trả lời: “chỉ mấy hôm nay có hàng mới làm vậy thôi ông à … vài hôm nữa muốn làm cũng không được.” Hắn hiểu, nhưng vẫn không trọn vẹn lắm.
Tại hãng này, hắn bắt chuyện với một số người Việt Nam, và cũng đã nhanh chóng tìm ra người chịu chở vợ chồng hắn đi làm mỗi ngày, mỗi tuần trả 20 đồng. Công việc không nặng nhọc gì, chỉ tội phải làm liên tục. Nhưng dù gì thì so với công việc của hắn ở Việt Nam, cái công việc này quá nhàn hạ. Hắn thở phào nhẹ nhõm, tự nhủ, “bây giờ là yên rồi, chỉ ráng chăm chỉ làm việc là xong…”
Hắn đã lầm. Tại xã hội này, số phận của hắn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, mà trong đó bản thân hắn chẳng đóng vai trò quan trọng gì. Ngay cả lúc này hắn vẫn thường xuyên lầm vậy.
Sau khoảng 3 tuần làm việc, người đốc công bảo hắn (qua 1 người Việt thông dịch) rằng hắn làm việc tốt lắm, nhưng bây giờ ít hàng, hắn tạm nghỉ, nhưng cho số điện thoại, khi có việc hãng sẽ gọi lại. Hắn không hiểu. Hắn thấy hàng còn rất nhiều, trong khi lại được khen là làm tốt, thế tại sao lại cho thôi việc" Hắn nhờ người thông dịch hỏi lại giùm, nhưng anh này lưỡng lự rồi trả lời: “người ta nói vậy thì cứ biết vậy đi. Còn thật sự ra sao thì đâu liên quan gì đến chúng ta.”
Nghe vậy hắn tức anh chàng Việt Nam thông dịch này lắm vì cho rằng anh ta muốn chơi khăm hắn. Nhưng ngẫm nghĩ một lúc, hắn cũng nhận ra trò đời. Đơn giản là tại hắn ngu. Tại sao người ta phải nói thật với hắn chứ" Người ta chỉ nói thế cho lịch sự thôi mà. Cũng như sau lần phỏng vấn đầu tiên, hắn lại tự rủa mình.
Hắn bước vào cái guồng máy này như thế đấy. Trong 10 năm qua, hắn đã làm qua 8 hãng khác nhau, có hãng làm được một năm có hãng vài tháng. Mỗi hãng một cung cách, chỉ giống nhau ở chỗ là cuối cũng tất cả đều đá hắn ra (trừ cái hiện tại), không thương tiếc, không lưu tâm đến cái cảnh ngặt nghèo của hắn.
Dần dần, trong tâm trí hắn, xuất hiện cái suy nghĩ vừa hận mà cũng vừa sợ. Hắn hận vì thấy người đời tàn nhẫn quá, những người khác màu da và cả những kẻ hắn đã từng coi là bạn. Hắn sợ vì nhận ra rằng với cái guồng máy khổng lồ này, hắn thật nhỏ nhoi, chẳng thể làm bất cứ chuyện gì để thay đổi. Trong cái guồng máy của xã hội này, hắn chẳng là cái đinh gì cả. Không thể làm gì được, và thậm chí muốn sống được phải biết “vâng lời”. Điều này trái với bản năng của hắn, nhưng thực tế là để được như hôm nay, hắn đã thực sự “vâng lời”, và hắn thấy xấu hổ…
Đôi lúc hắn cũng dành chút thì giờ suy gẫm chuyện này. Hắn phải sống một cách tức tưởi vì xã hội này hay vì chính hắn" Biết hỏi không có nghĩa là biết trả lời, đến giờ hắn vẫn chịu thua.
Hắn có quyền hỏi, có quyền phân tích, có quyền nhận định, nhưng hắn vẫn phải có nhiệm vụ trả tiền nhà, điện, nước …, ấm ức là ở chỗ đó. Thế là hắn đành phải gác những điều trăn trở ấy lại để lo làm nhiệm vụ.
Đến cái hãng thứ 8, tức tại cái hãng hắn hiện đang làm, hắn đã phấn đấu hết mình, bằng mọi cách phải giữ cho được công việc. Riêng mặt này hắn đã thành công. Hắn đã làm việc tại đây đã hơn 4 năm rồi. Và cũng nhờ thế, hắn đã giải quyết vấn để tài chánh gia đình một cách ổn thỏa. Vợ chồng hắn đã mua được nhà, và cả hai đều chạy 2 chiếc xe mới cáu cạnh. Con cái hắn cũng được lo cho học hành đến nơi đến chốn.
Nhưng cũng chính tại cái hãng này, hắn cảm thấy con người hắn đã bị tẩy rửa từ đầu đến chân. Hắn hiện là kẻ thức thời, nhưng cũng theo hắn, hắn đã trở thành thằng vô lại. Cái khí phách hiên ngang Trời sinh của hắn đã bay đi từ lúc nào, và thỉnh thoảng hắn cũng tiếc nuối…


Hắn không hiểu sao, và từ bao giờ, mỗi lúc tiếp xúc với người không phải là Việt Nam, hắn tự vo mình bé lại. Yếu kém về Anh Ngữ chăng" Có thể lắm. Mỗi lần nghe người ta nói thì không hiểu, mà nói lại thì người ta nghe không ra, thế thì còn đâu sự tự tin, con đâu để khẳng định cái tôi của mình nữa. Lần kia, một thằng người Nigeria đến bắt chuyện với hắn, dù biết rằng hắn kém Anh Ngữ. Có lẽ thằng này đang tìm cách giết thì giờ chứ chẳng phải hứng thú gì khi nói chuyện với hắn. Thằng này hỏi:
- Ê! Mày có biết “pussy” không"
Hắn nhớ láng máng hồi còn học Anh Ngữ tại Việt Nam, “pussy” có nghĩa là con mèo. A ha, thế là người ta đang hỏi hắn có biết con mèo không. Hiểu được thế, hắn mừng lắm. Có ai đã từng là người kém Anh Ngữ, đã từng lúng túng khi tiếp xúc với Mỹ, mới hiểu được tâm trạng của hắn lúc đó. Hắn ráng vận dụng hết kiến thức về Anh Ngữ để tiếp chuyện thằng này. Hắn làm vẻ tự tin:
- Biết chứ! Hồi ở Việt Nam tao có 1 “pussy” đẹp lắm, lông nó có ba màu, màu trắng, màu đen, và màu vàng.
Ý hắn muốn nói rằng hắn có 1 con mèo tam thể. Thực sự thì hắn bịa. Mèo tam thể thì tất nhiên hắn biết, nhưng ở Việt Nam hắn chưa hề nuôi mèo. Hắn phải bịa để có chuyện mà nói… Nghe hắn trả lời, thằng Nigeria nhíu mày đáp lại:
- Mày nói cái quái gì vậy" Mỗi “pussy” chỉ có 1 màu lông thôi. OK!
Nghe nói thế, hắn lại tưởng thằng Nigeria này chưa từng thấy con mèo tam thể, thế là hắn lên giọng “kẻ cả” hỏi lại:
- Ồ! Ra thế! Mày chưa bao giờ thấy 1 “pussy” mà lông có 3 màu khác nhau hả"
Thằng Negegia la lên:
- Mày ngu lắm!
Làm cả bọn Mỹ xung quanh được một trận cười bể bụng. Sau này nhờ hỏi người Việt Nam trong hãng, hắn mới biết ở Mỹ, “pussy” là chữ tục.
Những chuyện vặt vãnh trong hãng như thế giúp hắn dần dần hiểu ra rằng hắn đã lầm, lầm về tất cả, mà trước hết là lầm về chính hắn.
Khi bước chân đến Mỹ, hắn tự cho mình là kẻ rành Anh Ngữ, mình là người “có đầu óc”, và là nhân vật khí phách – đầu đội Trời, chân đạp đất. Rõ ràng, Anh Ngữ của hắn chỉ đủ để làm trò cười cho thiên hạ. “Đầu óc” hắn chỉ tổ làm mất thì giờ. Gặp chuyện trái khoáy cứ tra hỏi, suy luận lung tung. Hiện tại, chuyện “có đầu óc” thì hắn vẫn còn, nhưng là một dạng khác với trước đây hắn nghĩ. Hắn biết suy nghĩ, không thực sự thơ ơ với mọi chuyện quanh mình, nhưng chỉ đến thế là hết. Cái khả năng suy luận, phân tích của hắn chỉ làm cho hắn mất ngủ, trằn trọc mà thôi. Khí phách của hắn nếu có thì cũng chỉ để chuốc họa vào thân. Khí phách của hắn đã bốc hơi sau vài tháng sống tại Mỹ, nhưng cũng chưa mất hoàn toàn, tiếc rằng số còn tồn tại này chỉ đủ để hắn cảm thấy xấu hổ trong cuộc sống hiện tại chứ chẳng hay ho gì.
Lần lại quá khứ, hồi còn ở Việt Nam, hắn “hiên ngang” lắm. Đói khổ thì nhiều, nhưng chưa bao giờ quỵ lụy, ươn hèn. Còn bây giờ, hắn nhận thấy rằng cách xử sự của hắn, chẳng biết có phải là hèn hạ không, nhưng chắc chắn không phải là “hiên ngang” rồi. Những lần sếp bảo là hắn vâng lời răm rắp. Thậm chí, chẳng đợi sếp ra lệnh, hắn đã luôn cố gắng làm vừa lòng sếp. Ngay cả những kẻ không phải sếp của hắn, chỉ cần là Mỹ thôi, hắn đã đối xử rất ưu đãi, ưu đãi một cách vô lý. Tại sao thế" Như mọi lần, khả năng phân tích của hắn chẳng giúp ích gì.
Trong hãng, thấy hắn làm nhanh, tụi sếp thường cho hắn đứng đầu dây chuyền. Hắn coi đó là một vinh hạnh vì được xếp tin tưởng, và tiếp là cảm giác an tâm không bị mất việc. Và những ngày như thế, anh em sẽ phải một ngày chạy bở hơi tai. Hắn làm như điên, và những lúc anh em làm không kịp hắn còn chạy xuống làm giúp nữa – để “tăng năng suất, vượt chỉ tiêu”. Đơn giản là hắn muốn làm vừa lòng sếp. Mà chẳng phải ngày một ngày hai, hắn đã và đang làm vừa lòng sếp hơn 4 năm nay rồi. Hắn chẳng thực sự lưu tâm đến điều này cho đến ngày xảy chuyện thôi việc của thằng Trí.
Thằng Trí chỉ mới vào làm chừng 5 tháng, nhưng hắn nhanh chóng nhận ra đây là thằng đặc biệt. Cách nói chuyện của thằng Trí thể hiện sự sâu sắc mà hắn lâu lắm rồi mới gặp. Trong hãng, hắn từ lâu đã âm thầm coi những người Việt Nam khác là “bị thịt”. Gặp thằng Trí hắn mừng lắm, như là bắt đúng kênh vậy. Hắn nhanh chóng kết thân với thằng này, dù rằng thằng này nhỏ hơn hắn 20 tuổi. Dường như thằng Trí cũng trọng hắn vì quả thật những nhận định của hắn về các biến cố, hay về văn thơ Việt Nam cũng không tồi, hoặc giả thằng Trí chẳng tìm được người nào khá hơn.
Chỉ biết rằng từ lúc có thằng Trí, hắn và thằng này thường xuyên ngồi chung bàn ăn cơm, và trò chuyện có vẻ rất tâm đắc. Ngoài ra thằng Trí còn có một đặc điểm nữa mà hắn cho rằng đó là chính hắn thời xưa, mà nay hắn đã đánh mất. Chỉ tiếc rằng hắn chỉ phát hiện sau khi thằng Trí thôi việc. Đó là cái khí phách hiên ngang của một người đàn ông.
Ngày kia, trong hãng, hắn đứng đầu dây chuyền, làm rất nhanh. Còn thằng Trí thì làm ở giữa giây chuyền, bên cạnh là một cô Mỹ khá trẻ. Hắn làm nhanh quá, cô Mỹ kia làm không kịp. Bực mình, cô ta quang đồ lung tung xuống đất. Trong trường hợp này, dĩ nhiên cả dây chuyện phải ngưng làm việc. Như thế là có thể hụt “chỉ tiêu” mà xếp đã giao. Thế là hắn đến chỗ cô người Mỹ phụ nhặt đồ lên, sắp xếp lại để tiếp tục công việc. Vì cô này quăng đồ khá nhiều, nên hắn cũng khá vất vả. Và khi hắn ngẩng mặt lên thì thấy thằng Trí đang đứng khoanh tay, chẳng làm gì cả, chỉ nhìn chằm vào hắn. Hắn hơi ngạc nhiên và bảo thằng Trí:
- Giúp hắn nhặt đồ lên đi Trí!
Thằng Trí đáp một cách rắn rỏi:
- Không! Nếu hắn vô ý làm rớt thì cháu sẽ giúp hắn. Nhưng hắn tự tay quăng xuống đất thì hắn phải tự tay nhặt lên.
Hắn tiếp nhận câu nói của thằng Trí trong tâm trạng khó tả: nửa đúng nửa sai, nửa hay nửa dở. Hắn không biết, nhưng câu nói ấy làm hắn thực sự phân vân, buộc cái đầu cằn cỗi của hắn phải làm việc. Hắn nhận ra rằng có nhiều yếu tố để khẳng định đó là câu nói hay, nhưng cũng có không ít các yếu tố khác khẳng định đó là câu nói dở.
Cuối cùng, cái “dạ dày” đã thắng, hắn coi hành động của thằng Trí là “quân tử Tàu”, “anh hùng rơm”. Nghĩ là vậy, nhưng thái độ của hắn đối với thằng Trí vẫn không có gì thay đổi.
Rồi vài hôm sau, người ta cho biết thằng Trí đã thôi việc. Thằng Trí không phải bị đuổi mà tự nghỉ. Không ai biết chính xác tại sao thằng Trí nghỉ việc và người ta cũng chẳng lưu tâm nhiều. Chỉ có hắn. Có thể hắn biết lý do thằng Trí nghỉ việc. Từ ngày ấy, hắn luôn hình dung ra cái nhìn của thằng Trí khi hắn giúp cô Mỹ kia. Trong ánh mắt ấy chứa đựng nhiều điều hắn không hiểu hết, nhưng hắn biết chắc có một điều, đó là sự khinh bỉ.
Nhiều lúc hắn muốn quên đi, hay phớt lờ ánh mắt ấy, nhưng hắn thất bại. Ánh mắt ấy đã ở trong bộ não của hắn rồi, thỉnh thoảng lại hiện lên làm phiền hắn. Chính ánh mắt ấy thỉnh thoảng đã lôi hắn về quá khứ từ 10 năm trước, điểm lại từng sự kiện. Cứ như một cuốn phim, rất sống động, rất rõ nét, nhưng hắn lại không thấy thú vị mà chỉ thấy cay nghiệt, buộc hắn phải suy nghĩ, dù không bao giờ tìm ra lời giải thích trọn vẹn.
Như đêm nay, vợ con đã yên giấc mà hắn vẫn còn trằn trọc. Nguyên nhân nào và từ lúc nào con người hắn đã thay đổi như hôm nay" Và như hắn hiện nay có phải là người bình thường không" Tức thay đổi như thế có tốt không" Những câu hỏi này rõ ràng là có tính tương hỗ. Có thể con người trước kia của hắn là tốt đối với xã hội Việt Nam. Còn tại xã hội Mỹ, con người của hắn phải như hôm nay mới tốt. Nếu như vậy thì coi như hắn đã đi đúng hướng. Những lúc suy nghĩ như thế hắn mừng lắm. Nhưng những lúc vui mừng ấy hắn cũng thường tự hỏi “hay là mình đang ngụy biện để, che dấu cái xấu của mình"” Thế là hắn đi vào vòng luẩn quẩn.
Hắn nhận ra rằng quy luật đào thải tại xã hội này quả thật không chút nhân nhượng. Nếu mình không thích thì cho đó là nghiệt ngã, làm băng hoại đạo đức. Còn mình thích thì cho đó là công bằng, giúp xã hội phát triển.
Có lúc hắn nghĩ tại xã hội này không có tình người, tất cả đều đặt trên bàn cân, người ta đánh giá nhau bằng đô la. Điều này hắn có rất nhiều dịp để cảm nhận. Khi hắn quyết định đuổi việc hắn, có ai lưu tâm đến hoàn cảnh của hắn không" Chẳng có ai cả. Bạn bè hắn thì sao" Chỉ vài tháng sau khi đến Mỹ, hắn đã cảm thấy hụt hẫng. Đến thăm thì nhiều lắm, nhưng đụng đến tiền bạc thì rất phiền, đặc biệt là mất nhiều thời giờ. Hắn thấy đám bạn kia chỉ là lũ vô lại. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, chính hắn lại ở vào vị trí của những người kia. Xã hội này đã biến con người ta thành như vậy, không riêng gì hắn hay bạn hắn.
Nhưng đó có phải là không có tình người không" Không hẳn. Chính hắn cũng thừa nhận rằng dân Mỹ giúp đỡ người hoạn nạn nhiều nhất. Người dân các nước trên thế giới khi gặp hoạn nạn, thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của dân Mỹ. Trong khi dân Mỹ gặp hoạn nạn thì các nước có nặng tình nghĩa lắm thì cũng chỉ vài cú điện thoại hỏi thăm. Hắn cũng biết Mỹ là nước có nhiều hội thiện nguyện nhất … Vậy vấn đề nằm tại chỗ nào"
Đã 3 giờ sáng rồi, đầu óc hắn vẫn làm việc. Ở đây không bao giờ chết đói, nhưng người ra rất sợ không có tiền – hắn tự nhủ. Ngẫm lại, hồi mới sang, rõ ràng là hắn không thể chết đói, nhưng đó là lúc lo lắng nhất của cuộc đời hắn. Hắn lo vì không có tiền. Muốn có tiền, phải có việc, muốn có việc phải làm tốt, mà khá hơn nữa là biết “vâng lời”. Cứ như chuỗi dây chuyền mà cuối cùng là tính cách hắn phải thay đổi cho phù hợp, hay nói đúng hơn là cỗ máy ấy đã nhào nặn nên con người hắn. Nếu vậy thì đáng mừng chứ, vì dù sao hắn đã trở thành người Mỹ, thành phần mà hắn vừa cho là có tình người nhất nhì trên thế giới.
Đến đây thì hắn lại phải dừng vì cảm thấy khó có thể phủ nhận hắn là thằng khá bần tiện. Cũng là sản phẩm của xã hội này, nhưng hắn thấy rõ sự khác biệt của hắn và người Mỹ, một cách tổng quát. Hắn nhớ ra rằng hắn đã từng hư xe trên xa lộ đến 4 lần, lần nào cũng có 1 người Mỹ dừng lại hỏi hắn xem có cần giúp gì không. Và hắn đã từng thấy thiên hạ hư xe trên xa lộ hơn 40 lần, nhưng lần nào hắn cũng phớt lờ, chạy thẳng. Có phải những người Mỹ kia là ngu còn hắn khôn không, vì chuyện này liên quan đến sự an toàn" Không hẳn. Hơn nữa hắn nhận thấy rằng quyết định dừng xe giúp người ta hay chạy thẳng, phụ thuộc vào cái tâm nhiều hơn. Cái tâm của hắn chỉ đủ để ray rứt chút đỉnh chứ chẳng đủ để giúp ai.
Những lúc chạy xe vào đoạn đường phải trả tiền, hắn thường xuyên “chạy quỵt”. Tức lúc máy kiểm soát hư, hắn chạy thẳng chứ chẳng thèm bỏ 50 cents, thậm chí có lúc đang chạy lối này, nhưng thấy lối kia máy bị hư, hắn liền rẽ sang lối ấy. Trong lúc đó, hắn quan sát thấy người Mỹ làm ngược lại. Dù máy bị hư, tức họ có thể chạy thẳng, họ vẫn dừng laị bỏ 50 cents. Đấy là những chuyện khá nhỏ nhặt, nhưng qua đó hắn thấy rõ sự khác biệt giữa hắn và người Mỹ.
Đôi lúc hắn kết luận người Mỹ sống rất có tình, đồng thời cũng rất công minh. Còn hắn thì thiếu cả hai. Hắn rất chặt chẽ từng đồng bạc với mọi người, với bạn bè hắn cũng thế, và hắn còn biết chắc 1 điều rằng hắn chưa hề thực sự giúp đỡ ai. Còn sự công bằng, hắn thiếu trầm trọng. Hắn thường xuyên xài đồ chùa. Dù hắn biết rằng tại xã hội này, nếu anh nhận được một cái gì đó thì anh cũng nên đóng góp lại bằng một hình thức nào đó. Hắn biết rõ lắm, nhưng hắn chỉ nhận chứ không cho.
Còn việc hắn làm cật lực trong hãng thì khác. Hắn làm không phải vì sự công bằng mà vì cái dạ dày. Sau 7 lần bị đuổi việc, hắn đã tởn. Hắn làm hết mình không phải đền bù cho chủ hãng tiền lương hắn nhận, mà chỉ để vui lòng sếp của hắn. Chuyện này cũng giúp hắn thấy thêm điều khác biệt giữa hắn và người Mỹ. Hầu hết người Mỹ đều làm vừa sức của mình, không hơn cũng chẳng kém. Còn hắn thì làm gấp đôi người Mỹ, trong khi trọng lượng bản thân thì nhẹ bằng nửa. Sếp có thể muốn làm nhiều sản phẩm hơn, nhưng công nhân Mỹ chỉ làm theo khả năng của họ. Điều này thể hiện tư tưởng độc lập – công nhân và sếp cũng chỉ là người, hoàn toàn bình đẳng trong xã hội. Còn hắn thì rõ ràng thể hiện tư tưởng nô lệ… thế mà còn nghĩ đến chuyện khí phách với hiên ngang, hắn cảm thấy xấu hổ.
Đã 4 giờ sáng rồi, hắn vẫn trằn trọc, muốn ngủ một chút để còn đi làm nhưng không được. Thế là hắn lại suy nghĩ...
Con người hắn hồi còn ở Việt Nam và hiện nay khác nhau rất xa, cái này thì hắn rất rõ. Và sự khác biệt này là do xã hội này nhào nặn hắn trong hơn 10 năm qua. Nhưng hắn vẫn rất khác biệt với người Mỹ… có thể vì hắn không được sinh ra tại đây chăng" Và có thể vì hắn mang dòng máu Á Đông chăng"
Phải rồi... hắn bám vào ý tưởng đó như người chết đuối vớ được sợi giây. Tức hắn là một dạng sản phẩm pha trộn, và chỉ có thể là sản phẩm pha trộn chứ không thể là thuần nhất một loại nào.
Phải rồi … chính ngôn ngữ đã khẳng định sự khác biệt giữa hắn và người Mỹ. Yếu kém về Anh Ngữ đã làm cho hắn trở thành 1 người “bất bình thường” trong xã hội này mà chuyện về con mèo là một ví dụ.
Rồi hoàn cảnh sống nữa. Tình cảnh của hắn, nhất là lúc mới sang, khác hẳn người Mỹ tại đây, dẫn đến những suy nghĩ và hành động khác biệt để sống còn. Rồi vóc dáng, mũi tẹt da vàng thì chạy đâu cho khỏi. Rồi văn hóa … cái này hắn thấy là quan trọng nhất. Lúc ra đi hắn đã hơn 40 tuổi rồi, văn hóa Việt Nam tốt hay xấu cũng đã ngấm vào da thịt. Dù tại xã hội mới, nhiều hay ít, hắn vẫn bị cái văn hóa này tác động đến suy nghĩ và hành động.
Mỗi cái một ít, biến hắn trở thành sản phẩm pha trộn. Hắn có vẻ hài lòng khi tìm ra chút ánh sáng của vấn đề luôn mù mờ trong đầu hắn hơn 10 năm qua… Nhưng rồi vẫn chưa xong. Hắn đã phần nào tìm ra sự khác biệt và nguyên nhân của nó, nhưng vẫn hoàn toàn mù tịt về vấn đề tại sao hắn lại thay đổi xấu đi.
Cơ hội trở thành người tốt ở đây nhiều lắm mà. Sau 10 năm sinh sống tại Mỹ, hắn có 1 cuộc sống khá thoải mái. Nhưng cũng sau 10 năm này, hắn mới nhận ra rằng hắn là 1 thằng bất tài, một thằng thất đức, và là 1 thằng hèn hạ. Về cả 3 mặt này, hắn đều có nhận định ngược lại về hắn khi vừa đến Mỹ. Nói thế để biết rằng hắn vừa đưa ra 1 nhận định đau lòng … Hắn cố suy nghĩ để tìm cách sửa chữa, vì 3 đặc điểm đó rõ ràng không phải là những đặc điểm trời sanh của hắn. Chắc có gì lệch lạc mới ra nông nỗi.
Nhưng đã muộn, đồng hồ báo thức đã réo gọi hắn, báo hiệu một ngày quần quật phía trước. Đến lúc này, đầu óc hắn vẫn làm việc vớt. Hắn nghĩ “không ngủ để ngẫm nghĩ chuyện đời còn được, chứ không đi làm để ngẫm chuyện đời là không tưởng, dù chuyện đời đó quan trọng với anh cách mấy đi chăng nữa.
Hắn buông tiếng chửi thề rồi xuống bếp chuẩn bị đồ đi làm./.

Khất Sĩ

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,334,726
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến