Hôm nay,  

Cố Tri I: Trước Ngày Đi Mỹ

24/07/200400:00:00(Xem: 255393)
Người viết: KAREN N. NGUYỄN
Bài số 590-1128-vb4200704

Tác giả Karen N. Nguyen, trưởng nữ một gia đình H.O., hiện là một pharmacist, làm việc và cư trú tại Virginia. Với hai bài đặc biệt “Chuyện Cấm Đàn Ông” và “Viết Cho Em Trai Tôi” cô là tác giả được trao tặng một trong 4 giải thưởng chính Viết Về Nước Mỹ năm thứ ba, 2003. Bài viết mới nhất của Karen lần này là một truyện tâm tình ba hồi.
*

Ngày đầu tiên của Vi ở đại học, lúc anh chàng lớp trưởng tự giới thiệu là mình quê ở Cai Lậy, có một người ngồi trong lớp hỏi với lên "Anh lớp trường nè, hồi trường học ở Cai lậy bị pháo kích lúc đó anh ở đây vậy". Anh chàng lớp trưởng, con liệt sĩ chống Mỹ cứu nước theo lời của mấy đứa sinh viên khác ngồi cạnh Vi thì thào cho hay, thật thà trở lời "Hôm đó tôi bị bệnh, má tôi kêu tôi ở nhà" anh chàng ngồi dưới góc lớp, tác giả câu hỏi trên nói với lên, than thở đến thảm não: "Trời ơi tiếc quá, sao hôm đó anh lại nghỉ ở nhà, phải chi anh đi học hôm đó thì tụi tui được nhờ rồi!"
Cả lớp im như tờ. Ngày đầu tiên ở đại học thằng sinh viên nào bạo mồn bạo miệng quá xá cỡ vậy nè. Thế hệ của Vi, ai mà không nhớ chuyện pháo kích ở Cai Lậy trước 1975 đạn pháo rơi vào trường học chết nhiều học sinh làm sao quên được những hình ảnh thương tâm trên truyền hình bà mẹ ngồi khóc bên xác đứa con nhỏ với những vết thương đẫm máu, chết tức tưởi vì những mảnh đạn oan nghiệt. Lơ mơ lớp trưởng đi mét với trưởng khoa, trưởng khoa mét với chi bộ đảng của trường, thế nào cũng bị ghi tên vào sổ bìa đen của khoa cho mà xem. Chưa gì mà đã lo gây thù chuốc oán rồi gán cóc tía hay gan sư tử không biết nữa. Vi ngoái nhìn xuống cuối lớp thấy một anh chàng da ngăm ngăm, cao và ốm nhom, đang hất hất mái tóc hơi dài của mình ra phía sau, cười cười nhìn lên anh chàng lớp trưởng "Đùa chút thôi, lớp trưởng đừng giận nhe. Mới đầu năm mà em bị phạt là xui cả năm đó". Anh chàng chậm rãi rút một bao thuốc lá từ túi áo, gõ gõ một điếu thuốc xuống bàn học mấy cái, châm lửa, đưa điếu thuốc lá vào miệng, điệu nghệ chúm môi hít một hơi dài rồi khoan khoái thở ra những vòng khói trắng tròn tròn bay lang thang trong góc lớp. Anh chàng Lê Trí Vũ đã ra mắt bạn bè mới toanh ở khoa Hóa này như vậy đó.
Sách giáo khoa hiếm hoi, hai đứa sinh viên mới được một bộ sách. Ngày đầu tiên chưa quen biết nhau nhiều, nhưng bây giờ cả lớp ồn như một cái chợ vì phải tìm xem ai sẽ phải xài chung sách với ai. Đứa ở Phú Nhuận, đứa ở Bình Thạnh đứa ở gần chợ Saigon đứa ở Bàn Cờ xôn xao cả lên. Mấy đứa ở tỉnh lên thành phố trọ học thì được vào ở trong ký túc xá gần trường, chọn người xài chung sách không có vấn đề gì khó khăn hết vì ký túc xá đi vòng vòng chút xíu là hết. Mấy đứa ở thành phố thì phải một hồi sau mới thu xếp được.
Hóa ra là Vũ bên Phú Nhuận, còn Vi ở quận I thành ra hai đứa sẽ xài chung một bộ sách. Lúc đi đến thư viện để lãnh sách, bao nhiêu là dấu hỏi hiện lên trong óc Vi. Thằng cha này coi bộ gàn gần, không biết chuyện sách vở xài chung như thế nào đây nữa. Vi tự hỏi. Rồi Vi bắt đầu thấy hơi hối hận về quyết định của mình khi nộp hồ sơ thi vào trường đại học này, ngôi trường mà dân húi cua là đại đa số. Ở khoa Hóa khoa có nhiều nữ sinh viên nhất trường, cánh kẹp tóc trong lớp của Vi cũng chưa đến nữa dân số trong lớp. Mấy đứa con gái trong lớp lại ở khá xa nhà Vi, xài chung sách với cái tay có vẻ ngang như cau này thì thôi đành chịu vậy biết sao, Vi tự trấn an mình.
Lãnh ra một chồng sách giáo khoa cao nghêu Vi nhìn mấy tựa sách mà bần thần băn khoăn: Toán cao cấp, hóa vô cơ, hóa hữu cơ, hình họa, hóa lý, cuồn nào anh chàng Vũ sẽ giữ kìa" Vũ nhìn Vi cười cười chỉ cuốn "Lịch sử Đảng" dày cộm "Cuốn này nặng quá xe đạp tui không có cái giỏ chở không nỗi, cho Vi giữ đó". Rồi Vũ quay qua mấy cuốn sách kia, lật lướt qua mấy cuốn rồi chọn ra cuốn bài tập Toán cao cấp, nói với Vi: "Tui giữ cuốn này", còn mấy cuốn kia thì sao, Vi bắt đầu thắc mắc. Vũ trả lời tỉnh bơ "Cho Vi giữ đó, tui đem mấy cuốn sách về lơ mơ mấy thằng bạn ở chung nhà tưởng là giấy vụn đem chụm lửa nấu cơm thì nguy lắm. Lâu lâu cho tụi mượn coi vài ngày là đủ rồi". vậy là cuối buổi học hôm đó Vi còn còng lưng chở một đống sách về nhà, sách chất đầy cái giỏ phía trước xe đạp của Vi, nhét vào căng phòng cái cặp của Vi buộc ở phía sau. Lúc dắt xe đạp ra khỏi bãi để xe của trường, Vi thoáng thấy bóng Vũ ở phía trước cái dáng cao như cây sậy đi kế một chiếc xe đạp sườn ngang cũ mèm, một tay cầm ghi đông xe đạp một tay cầm cuốn bài tập toán, chân lê đôi dép nhựa lệt sệt, tóc hất hất, cái dáng coi bất cần đời vô cùng.
Sinh viên mỗi tháng được lãnh nhu yếu phẩm, lãnh gạo, lãnh thịt. Cánh ở ký túc xá thì phiếu gạo, phiếu thịt đưa cả cho nhà bếp của ký túc xá cả rồi, chỉ còn dân ở bên ngoài là mỗi đầu tháng lại lóc cóc vào trường chia gạo, chia thịt. Mỗi đứa một ký lô thịt, nói vậy cho oai chứ thật ra là được lãnh một mớ hỗn tạp giò heo, đuôi heo, mỡ, thịt nạc, thịt đùi, thịt vai, thịt...đủ thứ và kể cả những miếng thịt bọc bên ngoài những cục xương khó diễn đạt là loại gì. Lần đầu tiên lãnh thịt ra, cả bọn lấy giấy ra làm thành những cái phiếu nho nhỏ rồi làm trò bốc thăm cho tính dân chủ một chút. Đứa lấy được cục thịt ngon thì mặt hớn hở, đứa lấy nhầm miếng thịt không ra gì thì buồn đến phát khóc, nhất là mấy anh con trai trong lớp phải mang phần thịt về cho mẹ ở nhà.
Đến tháng thứ nhì, khi lớp trưởng tính chuyện bốc thăm chia thịt, Vũ là người đầu tiên nổ phát pháo phản công kịch liệt. Vũ lý luận, tính ra lớp bây giờ chỉ có 11 đứa là lấy thịt mỗi tháng, tại sao không một đứa mỗi tháng ăn trọn 11 phần thịt, xoay vòng như vậy đến cuối năm, mỗi đứa 1 năm chỉ lấy thịt 1 lần nhưng lãnh đủ mọi phần tốt dở, khỏi than phiền cằn nhằn chia rẻ đoàn kết nội bộ lớp, vậy có khỏe và chí lý hơn không. Cả bọn nhìn nhau, suy nghĩ thấy có lý. Thịt coi như là xa xí phẩm trừ mấy đứa con cán bộ trong lớp ăn thịt đều đều, chứ mấy đứa con thường dân và phó thường dân thì có cơm ăn không độn khoai, bo bo hay mì mốc là may rồi, tranh dành mấy miếng thịt mỗi tháng coi bần quá, giải quyết như Vũ là chí lý, chí lý.
Đến lượt Vũ lấy thịt, Vũ không mang về nhà mà mang hết vào trong ký túc xá đưa cho mấy cô trong lớp ở trong đó nấu nướng rồi mời hết các thành viên trong lớp vào ký túc xá để "dự tiệc". Tiệc xôm tụ thật khi có thịt nướng thơm lừng ăn với bún, đưa leo rau và nước mắm ớt, canh rau muống nấu với giò heo và đuôi heo, và nước rô-bi-nê để tráng miệng. Tụi con gái trong ký túc xá sau buổi tiệc còn dư cả một keo mỡ thắng được để dành chiên cơm. Ba anh con trai học bên khoa Cơ khí ở chung nhà trọ với Vũ bên Phú Nhuận cũng được mời dự tiệc, trong số đó có Thành, anh chàng cao ráo, khuôn mặt rất điển trai học cơ khí dệt có ngón đàn guitar làm chết lịm lòng người.
Vũ không đến lớp thường xuyên, Vi để ý hôm nào có hình họa hay toán cao cấp thì Vũ tạt vào ngồi nghe, đến lúc học lịch sử Đảng chung với mấy lớp khác trong khóa ở trong một giảng đường lớn mênh mông thì Vũ lặn mất. Cũng có khi Vũ ngồi lại nhưng chọn cái ghế xa nhất trong góc kẹt ngồi đó ngủ gà ngủ gật, cái lưng còng xuống trang vở tay che trán như đang chăm chú nghe những lời giảng thao thao bất tuyệt của ông thầy nhưng thật ra là che đôi mắt đang chìm vào "giấc cô miên" của mình. Chỉ có thằng Vũ mới dám ngủ trong giờ học như vầy mà không bị thầy phát hiện, tụi trong lớp phải bái phục. Vũ hay để mái tóc che lấp một phần cái trán của mình, ngồi cúi cúi xuống đố ai thấy được là mắt Vũ đang nhắm hay mở.
Không có cuốn sách nào Vũ giữ lâu. Cuốn toán cao cấp hôm đầu năm Vũ chỉ giữ chừng hơn 1 tuần rồi đưa lại cho Vi mượn cuốn khác. Vi thắc mắc hỏi Vũ: bộ Vũ học hết chương trình một học kỳ trong mấy ngày hay sao vậy, Vũ chỉ nheo nheo mắt và cười cười mà không trả lời. Đi học Vũ chỉ có một cuốn tập, môn nào cũng ghi vào đó, Vũ viết như tốc ký, tụi con trai trong lớp nói vậy, đọc không được cái gì hết chỉ có Vũ đọc được những gì Vũ ghi được mà thôi.
Gần cuối học kỳ Vũ hỏi mượn tập của Vi. Mùa kiểm tra sắp tới rồi Vũ mượn thì làm sao mà Vi ôn bài cho được, Vi than thầm trong bụng, nhưng nhớ ra là Vũ để cho Vi giữ hầu như tất cả sách nguyên học kỳ vừa rồi, Vi mà không học bài không nhớ bài là lỗi của Vi thôi, thành ra Vi đưa mấy cuốn tập cho Vũ, đưa và nói Vũ nhớ coi nhanh nhanh rồi trả cho Vi. Mấy ngày trôi qua, không thấy Vũ đi học Vi bắt đầu áy náy. Chiều tan học bước ra khỏi lớp Vi bỗng thấy Thành, anh chàng học bên khoa cơ khí ở chung nhà với Vũ ngồi đợi ngoài cửa lớp. Thành đưa Vi mấy cuốn tập của Vi, bảo là Vũ nhờ trả dùm Vi. Vi hỏi Thành có biết tại sao mấy hôm nay Vũ không đến lớp, Thành trả lời biết. Vũ bị sốt mấy hôm rồi sót rét nóng lạnh bất thường, trùm mền rên hừ hừ ở nhà đây này. Hết cơn sốt rét thì nó lại ngồi chép bài, chép quá xá cỡ để trả tập cho Vi, Thành nói.
Ra khỏi trường Vi bỗng thấy bóng Thành đạp xe song song với mình. Trái tim nhỏ bé của Vi bỗng nhiên đập hơi rối loạn một chút. Thành kể chuyện bên khoa cơ khí của mình, những lớp Thành học, chuyện đi thực tập ở dưới xưởng cơ khí, đứng máy bào, máy khoan, máy tiện như thế nào. Rồi Thành kể chuyện được cấp mấy que hàn để thực tạo chỉ có đi mấy đường hàn nối những miếng sắt vụn với nhau mà hơi nóng từ que hàn làm da cổ nhiều đứa trong lớp đỏ ửng lên như bị phỏng, rát không thể tả. Đó là kết quả của chuyện là điệu không đúng chỗ. Thành nói không chịu mặc áo bảo hộ lao động màu xanh dính đầy dầu mỡ và nhớp nháp mồ hôi gài nút che kín cả cổ như lời sư phụ dặn. Thành kể chuyện rất có duyên, chuyện này kéo chuyện kia, cuối cùng Vi nhận ra là Thành đã theo Vi về tới tận đầu ngõ nhà mình.
Theo truyền thuyết thì con gái khoa hóa phải quen con trai bên khoa điện mới oai mà phải là dân mấy năm cuối khoa điện thì càng hách. Trong mấy ngành điện, thiết bị, hệ thống tự động, điện tử, cánh điện tử là có giá nhất. Nói như vậy, nhưng chuyện anh chàng Thành bên khoa cơ khí để ý tới Vi và làm quen với Vi là chuyện khá đặc biệt rồi. Bỡi lẽ lưu truyền trong giới mày râu ở trường là một bài vè khá độc đáo:
Trai bách khoa như chim anh vũ
Gái bách khoa như củ sắn lùi
Gái sư phạm như cành liễu rũ
Trai sư phạm như khỉ cụt đuôi
Chim anh vũ đậu cành liễu rũ
Khỉ cụt đuôi ôm củ sắn lùi
Vi không hề biết đến bài vè này cho đến một ngày nọ, khi Vũ mang một cái bị xẹp lép đến nhà Vi gõ cửa hỏi mượn gạo nấu cơm thì Vi mới biết. Hôm đó Vi mới biết thêm một chút về Vũ: Vũ là người Saigon nhưng bố mẹ Vũ dọn về quê sau 75 thành ra Vũ bây giờ mang hộ khẩu tỉnh. Vũ sau khi tốt nghiệp lớp 12 bỗng nổi chí hải hồ đăng ký vào thanh niên xung phong bị điều đi một năm tải đạn cáng thương ở biên giới tây nam thì Vũ thấy mình cống hiến cho Đảng và nhà nước như vậy là đủ, quyết chí trở về xách cập đi học tiếp. Cái kỷ niệm sâu sắc gắn liền với một năm thanh niên xung phong của Vũ là bệnh sốt rét cứ lâu lâu lại trở về nhắc nhở Vũ nhớ những ngày lội suối băng rừng thuở nào. Cái tật hút thuốc của Vũ cũng bắt nguồn từ những ngày đó, Vũ nói thuốc Hoa Mai, thuốc lào, thuốc rê, thuốc nào Vũ cũng hút cả. Vũ kiếm được chân dạy kèm mấy đứa học trò lớp 9 cuối tuần thì lên nhà ông bác ở gần sân banh bên quận 10 để phụ ông giữ xe đạp, xe gắn máy kiếm chút tiền còm để hút thuốc lá.
Vi hỏi Vũ sao không xin vào ở trong ký túc xá ở trên đường Lý Thường Kiệt vì Vũ có hộ khẩu tỉnh. Vũ trả lời tỉnh rụi, bên chỗ tụi con trai ở có rệp, đợi đến chừng ký túc xá đời sinh viên, đổi mấy cô qua ở bên đó còn mấy anh qua ở khu khác, Vũ sẽ dọn vào. Hóa ra là Vũ đã có xin một chỗ trong ký túc xá từ mấy tháng trước, mà chưa có ý dọn vào. Mấy cô là chúa ở sạch, diệt rệp lớn rệp nhỏ hiệu quả không có chỗ chê. Vũ nói thành ra chừng nào có tin tình báo là ký túc xá đời sinh viên, đám con trai sẽ qua ở bên khu nữ, không phải động móng tay mà nhà sạch phòng sạch, không phải là đúng luật thiên thời, địa lợi nhân hòa hay sao. Vi đành lắc đầu khi nghe lý luận của Vũ chỉ tội nghiệp tụi con gái trong ký túc xá nghe phải dời chỗ ở là bực không thể tả, mà không thể phản đối gì được. Chuyện để các nữ nhi ra tay diệt rệp là chuyện không có trong văn bản giấy tờ gì cả, ban lãnh đạo ký túc xá nói vậy.
Vũ không đi học thường, nhưng mỗi lần gần đến kỳ kiểm tra thì lại mượn tập Vi thức trắng nguyên đêm chép nguyên si cuốn tập của Vi rồi đem trả, vậy mà lần nào kiểm tra phát bài ra điểm của Vũ cũng cao hơn điểm của Vi, làm Vi phải thán phục. Toán cao cấp những bài Vi không giải ra, đưa cho Vũ, Vũ nhìn lướt qua suy nghĩ chút xíu rồi viết lời giải ra giấy nhanh như gió. Sinh viên đứa nào cũng ráng kỵ cóp mua cái máy tính điện tử nhỏ để xài, chỉ có Vũ là dùng cây thước tính cũ của ông bố, kéo thước tính bằng tay màVũ đưa ra kết quả không sai là bao so với tụi Vi ngồi bấm máy tính lách cách mỏi cả tay.
Về kỹ thuật, bài vẽ nào của Vũ cũng được điểm cao. Những nét vẽ của Vũ đẹp như mấy nét vẽ của mấy họa viên cơ khí chuyên nghiệp vậy. Về sau Vi mới biết là Vũ được chân truyền từ bố của Vũ, ông cụ ngày xưa cũng học ngay trường này ngành xây dựng. Mua giấy, mua bút chì, mua bút kim, mua mực tàu Trung Quốc, chỗ nào trên đường Nguyễn Huệ bán đồ xịn Vũ đều biết và nhiệt tình chỉ cho bạn bè trong lớp. Cả cách dùng lưỡi lam để cạo rửa những chỗ sai trên bản vẽ, Vũ cũng không ngần ngại đem ra chỉ bạn bè và sửa dùm luôn. Trong văn phòng của bộ môn kỹ thuật của trường, có mấy tấm bản vẽ của Vũ được các thầy trưng ra làm mẫu cho sinh viên xem. Những tấm bản vẽ từng được Vũ cuộn tròn lại gói trong giấy báo, cầm bằng một tay, còn tay kia cầm ghi đông xe đạp chạy ngông nghênh trên con đường Lý Thường Kiệt nắng gắt gay và cát bụi mù trời....
Hai năm đầu ở đại học, mỗi năm lớp lại được học một tháng quân sự, không đi đâu xa cả chỉ học ở ngay trong trường mà thôi, dưới sự hướng dẫn của mấy ông thầy bộ đội mặc quân phục màu rêu, đội nón cối. Học đứng học đi, học xếp thành đội ngũ, học lăn, lê, bò, trườn, học ném lựu đạn, học tháo ráp súng và lưỡi lê, học cách tấn công vào một tòa nhà, tấn công xe tăng.... Mỗi lần lớp làm điều gì sai sót phật ý lão thầy, cả lớp lại bị phạt đi bóng đá cứ đi như vậy dưới trời nắng như đổ lửa 5, 6 vòng cho đến lúc nhễ nhại mồ hôi, mặt đứa nào đứa nấy đỏ ửng lên thì lão thầy hài lòng cho ngưng hình phạt.


Vũ không cúp cua được như những lúc học ở giảng đường vì các lớp trưởng bây giờ là tiểu đội trưởng, đại đội trưởng kiểm tra dân số lớp đều đặn và báo cáo cho lão thầy đều đặn, nhưng Vũ vẫn tranh thủ ngủ gà ngủ gật được trong những lúc thực tập ngắm chụm một đứa nằm ôm cây súng tập ngắm qua ống ngắm trên nòng súng, một đứa ngồi ở xa xa với cây viết chì rơi vào đường ngắm đi đúng vào trọng tâm của cái bia. Những lúc ngắm như vậy Vi vẫn không biết là mình có làm đúng hay không, vì qua đôi kính dày cộm của Vi cái bia giấy ở xa xa nhạt nhòa hư ảo, Vi không tài nào thấy được cái vòng tròn nhỏ nhất là tâm của cái bia ở đâu hết! Và Vi bắt đầu sợ, vì cuối khóa là mục bắn súng bằng đạn thật đứa bào mà rớt là khỏi lên học năm sau.
Ngày bắn đạn thật đến, cả mấy khoa lên xe đò lên đến trường bắn trên Thủ Đức. Mỗi đứa được phát một cây AK47 nghe nói ở bên trong có nạp 3 viên đạn thật. Từ chỗ nằm bắn đến cái bia là một khoảng khá xa, xa hơn rất nhiều cái khoảng cách tập ngắm ở trường. Lúc nằm xuống lên đạn và ngắm, Vi không thấy gì hết. Cái bia ở xa xa như một đốm đen nhỏ xíu. Vi bấm cò súng, đùng đùng, đùng. Đến lúc bắn xong mấy đứa báo điểm ngồi núp dưới hào gần bia chạy ra nhìn vào bia rồi vẫy cờ làm hiệu. Anh chàng sinh viên báo điểm của Vi phất phất lá cờ, và Vi nghe tiếng một đứa đứng gần bên thốt lên: "Chết rồi, mày bắn không có viên nào trúng bia hết, Vi ơi".
Đã không thấy đường là không thấy đường, có bắn lại thì cũng vậy thôi, Vi quay trở về căn lều của lớp nước mắt vòng quanh. Viễn ảnh rớt môn quân sự bị ở lại lớp sang năm học lại môn quân sự này và thi bắn rớt nữa rồi bị đuổi học, Vi cảm thấy như có một bức màn đen chắn xuống trước mắt Vi, bắt đầu kéo lên, đen thui, đen thui như cái tương lai Vi hình dung ra. Sao ai cũng thấy, cũng bắn trúng bia điểm ít điểm nhiều gì thì cũng có điểm còn chỉ có Vi là ăn con zero to tướng mà thôi, sao ông trời nhẫn tâm trừng phạt Vi vầy nè.
Không phải Bụt hiện ra như trong cổ tích, nhưng những gì Hòa, nhỏ bạn học cùng lớp với Vi đề nghị cũng có tác dụng tương tự như vậy. Hòa bắn được 24 điểm hồi nãy, dáng của Hòa cũng na ná như dáng của Vi, Hòa sẽ khoác cái áo bảo hộ lao động y như áo Vi mặc, đội cái nón rộng vành của Vi, buổi chiều sẽ thi bắn dùm Vi, Hòa nói vậy. Vi nghe Hòa nói mà không thể tin vào lỗ tai mình bởi vì nếu bị phát hiện ra cả hai đứa đều có nguy cơ bị đuổi học. Hòa trấn an Vi, không sao đâu hai đứa mình không có phải là những người nổi bật trong khoa, không phải là mấy cô đẹp nghiêng thành hay mấy cô có giọng hát ngọt ngào chết lịm lòng người hay cất giọng véo von lúc giải lao, làm sao mấy lão thầy biết được, đứa nào là đứa nào, cả mấy khoa thi bắn hôm nay, hai ba trăm đứa, không tài nào mấy lão thầy nhớ Vi với Hòa là ai đâu, đừng có lo.
Hòa đội cái nón rộng vành của Vi lên, kéo cái nón xuống che gần kín mặt, bước ra thi bắn dùm Vi. Buổi sáng Hòa bắn 24 điểm, buổi chiều con bé quen tay quen mắt bắn luôn 3 phát được 27 điểm. Về đến lều Hòa cười toe toét nói với Vi đậu rồi, đậu rồi. Buổi chiều trước khi các khoa lên xe đò ra về, một ông thầy quân sự tổng kết chuyến đi, ai cũng đậu phần thi bắn đạn thật, một viên đạn 10 điểm, 3 viên tối đa là 30 điểm, ai cũng bắn 15 điểm trở lên. Ông còn nói thêm, có sinh viên buổi sáng hồi hộp bắn không trúng điểm nào chiều bắn lại được đến 27 điểm. Hòa và Vi nghe ông thầy nói đến đó thì hai đứa thót cả tim. Không có đứa nào thóc mách đi mét chuyện Hòa đi thi bắn thế cho Vi hết. Thế là thoát. Về sau Vi mới đùa được với Hòa, cám ơn con bé chỉ bắn có 27 điểm chứ nếu Hòa mà bắn được 29,30 điểm thì chết cả hai đứa.
Buổi chiều trên đường ra xe đò quay trở về trường Vi gặp Thành. Thành nói nhỏ với Vi biết rồi đó nha, lúc nghe tên mấy đứa sinh viên phải thi bắn lại. Thành nghe có tên Vi nhưng người đi thi là cô khác, Thành nhận thấy như vậy, nhưng không nói cho ai biết.
*

Năm đầu đại học trôi qua nhanh chóng. Từ cái cảm giác lạc lõng buổi đầu trong một ngôi trường mới, bây giờ Vi có được nhiều người bạn cùng hít bụi phấn ở mấy dãy bàn đầu với Vi khi thầy cô viết bài trên bảng, cùng thích uống nước đá chanh và ăn chè đậu ở xưởng cơ khí phía sau trường, cùng đi hái trộm trứng cá, xoài non ở trong trường cùng chen lấn mua sách ở nhà sách ngoại văn ngoài Saigon những lúc nghe tin có sách kỹ thuật mới về.
Vũ cuối cùng đã dọn vào ký túc xá, đồng cam cộng khổ với bạn bè trong đó chia nhau những thau canh rau muống với những sợi rau dài cả thước, lơ thơ vài con tôm khô trong mấy lát tàu hủ mặn chát. và cả lớp không ngạc nhiên gì khi nhận thấy Vũ dành nhiều thời gian để chỉ Hòa làm bài, tính thiết kế đồ án, giúp Hòa với những bản vẻ kỹ thuật to như cái chiếu vẽ những quy trình công nghệ những thiết bị máy hóa chất phức tạp dần lên trong chương trình học của tụi Vi, Vũ vào ký túc xá có cả một dàn đệ tử các năm học sau thán phục theo học những cách Vũ giải những bài phân tích, vi phân hóc búa, những bài tập cơ kết cấu và sức bền vật liệu nan giải, và một lô bạn bè cùng lớp, cùng khoa, khác khoa cùng thích hút thuốc, cùng thích cà phê, cùng thích nhậu lai rai. Mỗi lúc lớp có tiết mục ăn uống chung trong ký túc xá, Vũ hay ôm cây đàn guitar hát "Hôm nay trời nhẹ lên cao, trời nhẹ lên cao, tôi buồn, tôi buồn...." nhưng ai cũng nói là Vũ ở trong ký túc xá vui muốn chết, buồn làm sao được mà buồn.
Vũ buồn thật, nhưng Vi không biết trong cả một thời gian dài. Vi không biết rằng gia đình Vũ có giấy tờ bảo trợ của người thân bên Mỹ, không biết là gia đình Vũ đã nộp hồ sơ xin định cư ở Mỹ, không biết là Vũ có thể sẽ phải thôi học một ngày nào đó. Vi không biết là Vũ trăn trở, đắn đo cân nhắc giữa chuyến đi Mỹ cùng gia đình và chuyện ở lại Việt nam. Đi Mỹ Vũ sẽ có cả gia đình, bố mẹ các anh chị em thân yêu của mình. Ở lại Việt Nam Vũ sẽ đơn độc một mình. Nhưng Vũ sẽ ở bên cạnh Hòa người đã chiếm trái tim của Vũ, trái tim ngang tàng một thời nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ bị thần ái tình bắn trúng.
Vũ có những lo toan trăn trở của Vũ. Vi có những lo toan trăn trở của Vi. Bố Vi còn ở trong trại cải tạo không biết ngày nào Bố Vi được trả tự do. Thành biết là bố Vi ở trong tù nhưng vẫn tiếp tục quen với Vi điều đó làm cho Vi cảm thấy hạnh phúc. Trái tim của Vi đập nhanh hơn bất bình thường khi Vi nhìn thấy xe đạp của Thành trong bãi để xe, khi Vi thấy dáng Thành đi trong hành lang phía xa xa những lúc đi từ giảng đường này qua giảng đường kia, khi Vi thấy Thành ôm đàn đứng trên sân khấu hát trong buổi thi đua văn nghệ của khoa cơ khí mừng Xuân đến, khi Thành đạp xe song song với Vi những chiều tan học dưới những con đường có những tàng cây xanh đan vào nhau như những người tình đi dạo tay trong tay âu yếm không rời. Rồi Thành sẽ ra trường rồi Vi sẽ ta trường yêu cầu của trường là sinh viên tốt nghiệp xong phải làm cho cơ quan nhà nước hai năm mới được lãnh bằng tốt nghiệp, nhưng chuyện đi làm ở đâu thì Vi chưa nghĩ đến. Vi vẫn còn một khoảng thời gian dài ở trường để vất vả chiến đấu với những tính truyền nhiệt, truyền khối phức tạp những phương trình thủy lực cầu kỳ, những bản vẽ chi chít chi tiết và vẫn còn thời gian để ngây thơ mơ ước về một tương lai trong đó có Vi và Thành khi hai đứa ra trường.
Dạo này Vũ gầy rộc đi, trong lớp Vũ không châm chọc nói đùa nhiều như trước, Hòa cũng kém vui, Vi ngồi trong lớp kế bên Hòa thấy con bé cứ lơ đễnh thả hồn đi đâu đâu, cái miệng ngày thường hay cười khoe cái răng khểnh rất có duyên bây giờ khép kín, lặng căm... Hai đứa giận nhau chăng, không có lẽ bởi sau giờ học Vi vẫn thấy Vũ và Hòa cùng ra bãi để xe đạp một lúc rồi cùng đạp xe song song về hướng ký túc xá.
Một buổi tối Vũ ghé nhà Vi đưa cho Vi mấy cuốn sách giáo khoa Vũ đang giữ. Vi giữ hết sách đi Vũ nói, bây giờ Vũ không cần đến chúng nữa đâu, Vũ phải nghỉ học. Gia đình Vũ làm hồ sơ đi Mỹ cả mấy năm rồi bây giờ đến lúc Vũ phải nghỉ học. Đã xin đi nước ngoài thì làm sao còn tiếp tục đi học ở trường đại học xã hội chủ nghĩa, ăn cơm của nhân dân lãnh tiền học bổng mỗi tháng của nhà nước nữa kia chứ, Vũ cười cay đắng. Bao giờ thì gia đình Vũ có vé máy bay xuất ngoại, Vi hỏi. Vũ lắc đầu không biết, còn lâu lắm nữa năm, một năm, hai năm, câu hỏi của Vi kỳ này Vũ không có lời giải đáp.
Vũ nghỉ học, Vũ dọn ra khỏi ký túc xá về lại với gia đình ở dưới quê. Cái bàn học trong góc lớp vắng bóng Vũ, không còn được thở ké khói thuốc lá của Vũ những ngày Vũ có chút tiền trong túi, không còn phải rít mùi thuốc rê Vũ vấn những lúc Vũ cạn tiền. Những lần lớp mua gạo đầu tháng Vi lại nhớ đến cái dáng cao gầy của Vũ kéo mấy bao gạo phần của lớp ra khỏi kho, cái dáng cao gầy của Vũ khiêng dùm mấy bao gạo của các cô trong lớp ro cột chắc vào xe đạp, cái dáng cao gầy của Vũ đi bán phần gạo của mình và mấy đứa khác trong lớp cho mấy tay con buôn đứng ngoài cửa trường, bao giờ Vũ cũng bán được giá cao. Hòa vẫn đi học đều đặn, nhưng con bé bây giờ có ánh mắt buồn rười rượi.
Hòa mất xe đạp, con ngựa sắt của Hòa để trong nhà để xe của ký túc xá một ngày nọ không cánh mà bay. Không chỉ xe Hòa, mà thêm một lô xe đạp khác nữa. Từ ký túc xá có thể đi bộ đến trường được, Hòa lóc có đi bộ. Mấy đứa con gái khác trong lớp ở ký túc xá có xe đạp ngỏ ý chia xẻ xe đạp mình với Hòa, chở Hòa đến trường, nhưng Hòa từ chối. Sinh viên nghèo rớt mồng tơi, cơm ký túc xá ăn đến xanh người, đâu có sức mà chở nhau mỗi ngày. Vả lại, xe đạp đứa nào cũng cũ mèn, chở nhau thì tăng thêm tải trọng xe, lốp xe sẽ mòn nhanh hơn, xe sẽ dễ bị bể bánh hơn. Trên đường đến trường có bao nhiêu chỗ bơm xe đạp, dán vỏ xe đạp bằng keo, ép lửa vỏ xe đạp, tiền học bổng mỗi tháng đâu có dư mà trả cho mấy dịch vụ này, mỗi lần xe bể bánh, xì hơi thì lấy ống bơm ra bơm tiếp để đủ hơi về lại ký túc xá vì chẳng tin tưởng được vào mấy chỗ sửa xe bên lề đường, xe lủng một lỗ thì nói là ba lỗ, ruột xe vá xong rồi vài hôm lại xì hơi.
Hòa mất xe đạp, có người quan tâm và muốn giúp đỡ. Anh chàng Cảnh học bên khoa cơ khí, lớp luyện kim ở ngay trong ký túc xá không hiểu sao có đến 2 chiếc xe đạp. Hòa mất xe đạp ư, Cảnh có dư một chiếc xe nè, Hòa dùng để chạy đến trường cho đỡ mệt nhé. Hòa nhã nhặn từ chối. Trường cách ký túc xá chừng 15, 20 phút đi bộ, Hòa đi bộ mỗi ngày bây giờ có một cái đuôi bám theo, xe đạp của anh chàng Cảnh, theo lời cánh ở ký túc xá thì có cái yên sau bọc nệm da ngồi "êm hết biết". Cảnh tình nguyện làm tài xế đưa đón Hòa đến lớp mỗi ngày, nhưng chưa có kết quả gì cả.
Chuyện Hòa mất xe đạp và chuyện Cảnh muốn làm tài xế riêng cho Hòa rồi cũng đến tai Vũ. Tưởng ai xa lạ, thằng Cảnh "hù" (nói lái là Củ hành) theo như cách gọi của dân ký túc xá, lăm le muốn kiếm điểm với Hòa ư" Vũ từ dưới quê vọt lên Saigon như tên bắn. Vũ không đi làm, không có một đồng dính túi, lấy gì mà mua xe đạp cho Hòa. Nhưng Vũ quyết định đi tìm việc, tài lau lách của Vũ cuối cùng giúp Vũ tìm ra việc ở một tổ hợp chưng cất cồn của người quen ở ngoại ô Saigon. Vũ khăn gói mấy bộ đồ và mấy cuốn sách học tiếng Anh đi ra tổ hợp làm việc, coi cái tháp chưng cất cồn ở đó. Lâu lâu Vũ tạt qua nhà Vi, hỏi mượn mấy cuốn sách Vi sinh, hóa, ngồi coi xem có cách nào tăng hiệu quả chưng cất cồn, tăng hiệu quả lên men mấy cái quy trình ở tổ hợp đang dùng hay không. Rồi Vũ dành dụm được tiền, lâu lâu lại sắm được một hai món phụ tùng xe đạp ngoại nhập mua xong gởi ở nhà Vi. Phải mấy tháng trời làm việc cật lực, nhịn ăn nhịn hút thuốc Vũ mới mua xong đủ đồ để ráp thành chiếc xe đạp cho Hòa. Ngày Vũ hoàn tất chiếc xe đạp cho Hòa cũng là ngày Vũ biết được ngày có chuyến bay rời Việt Nam.
Lớp đang bước vào những tuần cuối học kỳ, đồ án sắp đến hạn phải nộp cả mấy cái, thời khóa biểu kiểm tra dài ngoằng, nhìn thấy phát khiếp. Vũ phụ Hòa vẽ đồ án, khuôn mặt Vũ ngày thường đã gầy bây giờ hóp lại, coi Vũ già đi thêm cả mấy tuổi. Vũ không vào trường nữa nhưng vẫn là khách thường xuyên của cánh ký túc xá bạn cà phê, bạn thuốc lá, bạn nhậu của Vũ đầy ở trong đó, và Hòa của Vũ ở trong ký túc xá.
Bố Vi vẫn còn ở trong trại cải tạo, không biết bao giờ bố Vi mới ra khỏi tù. Năm này nối tiếp năm kia, hy vọng của một ngày đoàn tụ gia đình cứ lụi dần, lụi dần. Từ lúc Vi biết Vũ cùng gia đình sẽ được đi Mỹ trong lòng Vi bỗng sinh ra ganh tỵ với Vũ. Vũ sẽ được đi Mỹ, cái điều mà Vi mơ ước cả đời không bao giờ được hết. Vũ sẽ như con chim sổ lồng bay ra một chân trời mới bao la, rộng lớn. Vũ sẽ đến một xứ sở tự do, vật chất đủ đầy giàu có, hạnh phúc. Vi nghĩ vậy. Còn Vi, Vi ở lại thành phố này, đất nước này như ở lại trong một nhà tù không lối thoát, tương lai mờ mịt vô định. Vi muốn chia sẽ niềm vui với Vũ, mà Vi bao lần thấy nghẹn lời, cổ họng Vi đắng ngắt. Vi giận Vi và giận cả cuộc đời với bao nỗi trớ trêu.
Mấy ngày trước khi rời Việt Nam, Vũ ghé nhà Vi, nhờ Vi đi với Vũ ra chợ chọn mua cho Hòa cái đồng hồ đeo tay, quà của Vũ trước khi chia tay. Vũ nói Vi nhìn kiểu đồng hồ mấy cô mua đồ chọn khéo hơn mấy ông nhiều lắm. Trước khi ra về, Vũ nói với Vi cám ơn Vi rất nhiều về tất cả mọi điều, dầu hy vọng rất mong manh nhưng biết đâu có ngày Vũ sẽ gặp lại Vi ở xứ người, biết đâu chừng. Vũ nói với Vi biết đâu chừng một ngày nào đó sẽ có một chương trình dành cho những người tù cải tạo và gia đình đi Mỹ định cư, biết đâu chừng Vũ và Vi sẽ có dịp gặp lại ở xứ người. Vi nhìn Vũ giọng nói Vũ thành thật chứ không phải cái lối châm biếm sâu cay như ngày thường Vũ hay dùng. Ừ biết đâu chừng nhưng bây giờ thì Vi chỉ thấy là Vi đang bế tắc như con cá mắc cạn dẫy trên bờ sông chờ chết, còn Vũ thì như con cá chép vượt được vũ môn để hóa rồng. Nước mắt Vi chảy lặng lẽ xuống mặn chát trên bờ môi khi Vi nhìn theo bóng Vũ gầy gầy khom lưng đạp chiếc xe đạp sườn ngang ra khỏi đầu xóm.
Vi biết ngày Vũ và gia đình sẽ rời Việt Nam. Buổi chiều ngày trước đó, Vi lấy xe đạp ra khỏi nhà chạy vòng vòng vô định loanh quanh trong thành phố, rồi Vi ghé nhà một đứa bạn học hồi phổ thông có tiệm kem để nói chuyện nắng mưa, rồi phụ nó mang kem ra cho khách, những ly kem dâu, kem sầu riêng có rắc mấy sợi dừa tươi bào mỏng cong cong màu trắng, điểm mấy hạt đậu phọng và kèm theo cái bánh kẹp vàng óng dòn rụm.
Tối mịt Vi mới quay về nhà. Ở nhà nói với Vi hồi nãy có Vũ và Hòa ghé qua, nhưng Vi không có ở nhà. Vũ chào từ biệt mẹ Vi chào từ biệt mấy đứa em Vi, nhưng đệ tử trung thành của anh Vũ luôn thán phục những bài toán Vũ giải nhanh như chớp, những câu chuyện hài Vũ kể ai nấy nghe cười đến bò lăn....
Ngày mai Vũ sẽ rời Việt Nam. Ngày mai trên phi trường chắc chắn sẽ có Hòa đưa tiễn Vũ. Vi bước vào phòng mình đóng cửa lại. Sẽ không còn Vũ trong lớp học trong ký túc xá trong khoảng đời sinh viên của Vi, trong cuộc sống nhỏ nhoi của Vi ở Việt Nam này.
Lê Trí Vũ bỗng trở thành một cái tên trong tiềm thức, tên của một người Vi đã từng quen và giờ thì đã xa, xa lắm rồi. Tên của một cố tri.

Karen N Nguyễn

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,715,136
Tác giả hiện đang giảng dạy Việt ngữ Viện Đại Học UCR (University of California, Riverside). Bà thường xuyên tham gia sinh hoạt cộng đồng đặc biệt là góp phần duy trì văn hoá và ngôn ngữ Việt. Viết Về Nước Mỹ 2017, bà nhận giải Việt Bút Trùng Quang, dành cho những tác giả góp phần phát triển chữ Việt, văn hóa Việt tại hải ngoại.
Tác giả tên thật là Đặng Thống Nhất hiện cư ngụ với vợ tại Brooklyn Park, MN. Ông đã về hưu sau khi dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota. Ông cũng từng dạy Anh Văn thiện nguyện tại Trung hoa và Việt Nam và Việt Ngữ cho chùa Phật Ân tại Roseville, MN. Ông đã đoạt giải thưởng danh dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 18. Bài mới nhất của ông được đăng 2 kỳ. Sau đây là phần kết.
Tác giả từng sống ở trại tỵ nạn PFAC của Phi Luật Tân gần mười một năm. Ông tên thật Trần Phương Ngôn, hiện hành nghề Nail tại tiểu bang South Carolina và cũng đang theo học ở trường Trident Technical College. Với bài "Niềm Đau Ơi Ngủ Yên" viết về trại tị nạn Palawan-Philippines, Triều Phong đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bài mới nhất của tác giả viết nhân Ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Tác giả đã góp bài Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu và hiện vẫn liên tục góp thêm nhiều bài viết giá trị. Là cựu giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975, vượt biên đến Mỹ năm 1984, ông đi học và trở lại nghề cũ. Sau nhiều năm dạy tại một trường công lập Mỹ ở San Jose, tác giả về hưu tại Riverside, Nam California.
Tác giả là cư dân Miami, đã góp nhiều bài viết tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, quê hương, con người. Viết Về Nước Mỹ 2015, Y Châu nhận Giải Đặc Biệt. Bài mới của ông viết về lễ cưới của hai con Cúc Phương và Quang Nhật. Lễ cưới được tổ chức tại Texas 19/8/2017, kế cận mùa bão lụt.
Tác giả dự Viết Về Nước Mỹ từ năm đầu, đã nhận giải bán kết 2002 với bài "Tiểu Hợp Chủng Quốc" kể về nơi cô làm việc, khi khủng bố tấn công nước Mỹ ngày 9 tháng 11 năm 2001. Bài viết về nước Mỹ của Ngọc Anh cho năm thứ 18 là chuyện Bắc Houston, nơi cô đang sống, Tháng 8, 2017
Sau lớp tập cuối cùng trong ngày Thứ Sáu, Châu ngỏ lời mời vợ chồng Phong ra ngoài dùng cơm tối. Phong muốn thoái thác nhưng Châu nói nhân dịp sinh nhật của hắn; hơn nữa, hắn cũng muốn mượn cơ hội này để thảo luận với chàng về lời đề nghị mai mối mấy tuần trước.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas. Ông đã nhận giải Vinh Danh VVNM 2016, đồng thời, cũng là tác giả Viết Về Nước Mỹ đầu tiên có nhiều bài đạt số lượng trên dưới một triệu người đọc.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ, cho biết bà tên thật là Huỳnh Kim Oanh, sống tại tiểu bang Virginia. Trước 1975 tại Việt Nam đã làm thơ đăng báo. Đến Mỹ, hiện nội trợ việc nhà,
Tác giả quê quán ở Bến Tre, đi du học Mỹ năm 1973 và ở luôn cho tới ngày nay. TG gia nhập chương trình VVNM do Việt Báo tổ chức từ năm 2015. Năm đầu tiên, nhận được giải danh dự (2016)
Nhạc sĩ Cung Tiến