Hôm nay,  

Lá Rụng Về Cành

04/07/200400:00:00(Xem: 258727)

"Nhìn búp bê, không ai có thể nhầm lẫn: cặp mẹ con búp bê nầy rõ ràng là người Hoa giai cấp bình dân. Dưới gót giầy của búp bê mẹ là chữ ký của tác giả, Michael Lee, April 9, 1991. Tôi mua con búp bê nầy ở Hồng Kông cùng ngày."

*

Người viết: CHÚC CHÂN
Bài số 578-1116 VB7030704

Tác giả tên thật Hùng Túy Trước, tuổi Giáp Ngọ, cư trú tại Austin, Texas, đã 18 năm làm công việc một kỹ sư. Chúc Chân đã góp một số bài Viết Về Nước Mỹ đặc biệt, và đã được trao tặng giải thưởng danh dự năm thứ ba 2004. Bài viết mới nhất của bà là chuyện di dân tị nạn. Từ chuyện một nghệ nhân Hoa Lục trọn đời thấy mình là người tị nạn dù nơi ông định cư là Hồng Kông, lãnh thổ Trung Quốc, tới tâm sự của chính tác giả: Người Mỹ, gốc Việt, dòng Hoa.
*

Con búp bê làm bằng tay nhồi gòn có cặp tóc thắt bím bằng chỉ len đen bỏ thòng hai bên khuôn mặt chẹt lét làm bằng vải màu hồng, đôi mắt ti hí chỉ là hai vạch sơn đen nằm dưới hai vệt lông mày màu nâu ngắn, miệng nhoẻn cười bên hai gò má tròn tô cùng màu đỏ. Nó mặc chiếc áo cộc bằng vải thô gài xéo màu trắng sọc xanh, chiếc quần vải thô đen, chân mang đôi giầy vải đen. Trên lưng nó đeo cái đảy cột bằng vải đỏ, một chú nhóc con đầu trọc ngồi với túm tóc nhỏ bằng chỉ len đen cột ngược lên cao, khuôn mặt chẹt lét và cặp mắt ti hí như mẹ nó. Nhìn búp bê, không ai có thể nhầm lẫn: cặp mẹ con búp bê nầy rõ ràng là người Hoa giai cấp bình dân. Dưới gót giầy của búp bê mẹ là chữ ký của tác giả, Michael Lee, April 9, 1991. Tôi mua con búp bê nầy ở Hồng Kông cùng ngày.
Tôi thường hay đọc tạp chí của hãng máy bay vắt trong cái túi sau lưng chiếc ghế trước mặt. Trên chuyến bay Cathay Pacific đường bay quốc tế từ Los Angeles qua Hồng Kông trong chuyến đi công việc sở tháng Tư năm đó, tôi đọc một bài viết về “Nhà Sáng Tạo Búp Bê Hồng Kông Đương Thời”. Hàng chữ bắt mắt tôi “Mỗi cuối tuần ông bỏ thì giờ vô trại tị nạn Việt Nam giúp đỡ, làm việc từ thiện.”
Tôi đọc hết bài viết. Michael Lee, bài báo viết, đã sáng tạo những con búp bê làm tay nét Trung Hoa với vẻ đặc thù không thể nhầm lẩn với các tác giả khác. Một điều đáng buồn là tác phẩm của ông sau khi tung ra thị trường thì bị “ăn cắp”, copy không bản quyền. Bài viết có để lại địa chỉ của Michael Lee. Tôi bèn lấy một mẫu giấy nhỏ ghi xuống địa chỉ. Tôi hình dung Michael Lee, một anh chàng nghệ sĩ với dáng dấp phong lưu như tài tử Jackie Chan. Dân Hồng Kông ít ai mang tên thánh trừ giới trẻ trong lãnh vực nghệ thuật hay âm nhạc, điện ảnh.
Vào cuối thập niên 80s, đầu thập niên 90s, trong trại tị nạn Việt Nam ở Hồng Kông thường xảy ra các va chạm và tranh chấp với dân địa phương. Những cuộc hổn loạn khi lên cao điểm trong trại được báo Hồng Kông đăng tải, nhưng không giúp cải thiện được gì. Tôi có tới Hồng Kông nhiều lần trong thời gian nầy nhưng không hề có ý định tìm tới trại tị nạn. Tại sao tôi cũng không rõ. Có lẽ vì tôi đâu có ai quen còn kẹt trong đó, hay phải đi tìm thân nhân hộ ai. Còn làm chuyện từ thiện thì phải có mục tiêu chớ đâu có thể đi khơi khơi như đi tour du lịch. Khi những bận rộn hàng ngày chiếm trọn thời giờ, thì những chuyện vay trả “nợ đời” không còn là chuyện ưu tiên trong đời sống.
Hồi ở trại tị nạn tôi có nhận thực phẫm tiếp tế của Hồng Thập Tự. Miếng khi đói thì không làm sao kể cho xiết chuyện ơn nghĩa, tiền bạc. Nhưng mang ơn Liên Hiệp Quốc, nên tôi không biết ai mà trả. Thôi thì mỗi năm cứ viết cái chi phiếu gởi đi United Way là coi như ơn đền. Tiện hơn nữa, hàng năm khi công ty gởi giấy quyên tiền, tôi chỉ việc gạch dấu “deduction from pay check”, ký tên bỏ vô HR in-box là xong. Khỏi tốn thêm tiền con tem.
Nhưng khi đọc xong bài viết về Michael Lee hôm đó, tôi cảm thấy hơi bâng khuâng. Michael Lee không phải “phe ta” mà có hảo tâm như vậy. Tôi muốn đi tìm anh và nhờ anh chuyển hộ một món tiền nhỏ giúp đỡ “phe ta”.
Sau khi check in và ngủ được một giấc khoẻ người ở khách sạn, tôi bắt đầu cuộc phiêu lưu ký đi tìm Michael Lee theo mẫu giấy viết địa chỉ ghi từ tờ tạp chí.
Ở Hồng Kông khi đi ra khỏi khu du lịch Tsam Tsa Tsui ở Cửu long thì không mấy dân địa phưong biết tiếng Anh. Số vốn tiếng Quảng Đông của tôi góp nhặt chỉ đủ để trả giá ở chợ trời “Hong Kong Jade Market” thôi chứ không đi tới đâu. Đón taxi tôi nhờ nhân viên trong khách sạn bảo ông tài xế đưa tôi đi tới địa chỉ của Michael Lee. Chiếc taxi đưa tôi từ Cửu Long chui qua con đường hầm nối liền qua đảo Hông Kông.
Phố xá càng đi càng mất lần bảng quảng cáo bằng chữ Anh. Những bảng treo đầy màu sắc với chi chít dòng chữ viết dọc xuống, giăng mắc ngang con lộ hẹp khiến tôi cảm thấy như mình đang ở ngay trong lòng thành phố Chợ Lớn. Đường phố hẹp, các cửa hiệu bán đủ loại từ quần áo cho tới thực phẩm. Có những cửa hiệu thịt quay, treo những con heo quay đỏ ối. Rác đầy mặt lộ.
Chiếc taxi ngừng ở một khoảng đường hẹp. Ông tài xế nói vài tiếng, tôi tự động biết đã tới nơi . Kéo chiếc xách tay, bập bẹ vài tiếng Quảng Đông tôi móc tiền trả tiền cước. Dưới bảng địa chỉ sau một khung cửa hẹp là chiếc cầu thang tối om. Tôi dò lại địa chỉ lần nữa số nhà đúng không sai. Hơi ngại, nhưng tôi cứ lên xem sao.
Leo hết bậc thang là một cánh cửa cũ kỷ với chút ánh sáng hắt lên từ dưới chân cầu thang. Tôi đưa tay gõ. Một thiếu phụ trung niên đẩy cửa ra hỏi tôi bằng tiếng địa phương “Nị quảnh mách dẹ"” - không trách bà được vì tôi không có một dấu gì để bà trông mà biết là dân ngoại quốc. Tôi biết bà hỏi “Cô tới kiếm chi"” Nhưng vốn liếng tiếng Quảng của tôi chỉ tới đó thôi, tôi đáp “Michael Lee.” “Zịp lì.” - Vô đây. Bà đẩy cánh cửa rộng và khoát tay mời tôi vào.
Căn phòng tối. Từ ngoài sáng bước vào, một lúc sau mắt tôi mới thấy rõ căn phòng chật chội chất ngổn ngang đồ đạc và vật liệu. Sau chiếc bàn máy may Singer cũ kỹ, một ông cụ hơn 70 tuổi ngước lên nhìn qua cặp kiếng lão. Người thiếu phụ nói với ông có lẽ về tôi. Tôi khấn thầm xin cho Michael Lee có ở nhà bởi vì tôi không có cách nào để nhắn nhủ với hai nhân vật ở nhà anh cả.
Ông cụ dở cặp mặt kiếng xuống nhìn tôi, rồi sổ cho một tràng tiếng Quảng Đông. Tôi nhìn ông nói chậm rãi từng tiếng một, “I am looking for Michael Lee.” Với hy vọng tên Michael gợi được chút gì. Ông cụ tiếp tục nhìn tôi chằm chặp rồi chậm rải nói, “I am Michael Lee.” Tôi ngạc nhiên vô cùng với giọng Anh đúng âm của một cụ già ở một con ngỏ hẹp trong Hồng Kông, giữa một nơi “địa phương” không phải khu thương mại quốc tế.
Michael Lee, ông cụ nầy sao"
Ông cụ tiếp tục nói với tôi bằng tiếng Anh giọng Ăng Lê trôi chảy. “Where do you come from"” Tôi đáp rằng tôi tới từ Mỹ, nhân đọc được bài viết về ông trên Cathay Pacific nên tới tìm. Ông cụ vui vẻ rời chiếc máy may và mời tôi ngồi bên chiếc bàn gỗ nhỏ. Nói vài câu qua người thiếu phụ, ông bảo pha trà mời khách.
Rồi cuộc đàm thoại của tôi và ông bắt đầu hết sức cởi mở, đương nhiên bằng tiếng Anh. Tôi bảo ông rằng tôi rất ngạc nhiên về tiếng Anh nói rất trôi chảy của ông. Ông bèn kể tôi nghe về nguồn gốc tiếng Anh của ông.
Là một trẻ mồ côi, ông được một commissionaire người Anh trong giáo hội Cơ Đốc bên Thượng Hải mang về nuôi trong nhà dòng. Ông được nuôi lớn lên và cho theo học trường dòng ở Thượng Hải dạy theo hệ thống Anh và đương nhiên chữ Anh là chữ ông biết trước khi ông biết chữ Hoa. Năm ông lên đại học thì cách mạng Cộng Sản tiến chiếm Thượng Hải. Hàng trăm ngàn người chạy tị nạn qua Đài Loan và Hồng Kông. Theo làn sóng tị nạn ông qua Hồng Kông. Khi đó ông không biết tiếng Quảng Đông, vì dân Hoa Lục chỉ dùng tiếng Quan Thoại nên số vốn tiếng Anh của ông thật là vô dụng. Cuộc đời của dân tị nạn lúc đó rất cơ cực. Biết bao người đột nhiên trắng tay, không nhà, không cửa, sống trôi dạt và làm lại cuộc đời trên mảnh đất Hồng Kông nhỏ bé.
Qua lời tâm sự, ông cho biết ông không có lập gia đình. Người thiếu phụ trong nhà chỉ là người phụ việc sản xuất những con búp bê và nấu ăn cho ông. Ông cho biết những con búp bê đặc thù của ông chỉ bán cho những người sưu tầm biết ông. Ở Hồng Kông chuyện bản quyền chỉ là trò cười. Búp bê sáng tác của ông sau khi tung ra là có người cắp kiểu ngay. Thưa kiện không ăn thua gì. Có lần điện thoại của ông reo và trên đầu giây là cô thơ ký của hãng Mattel (hãng làm Barbie dolls). Cô hỏi ông có thể gặp ông tổng giám đốc Mattel được không. Nghe qua ông quá đỗi vui mừng . Thôi phen nầy trúng tủ rồi. Chủ hãng Mattel tới gặp, ông hy vọng sẻ đẩy được những con búp bê sáng tạo của ông lên thị trường quốc tế, và ông sắp giàu to tới nơi. Ông chủ hảng Mattel tới gặp ông cũng ở căn nhà nhỏ hẹp nầy. Ông ta rất thích và trầm trồ khen ngợi những con búp bê đặc thù, nhưng sau đó chỉ mua vài con để sưu tập thôi mà không đề nghị mua bán lớn hay hợp đồng gì cả.
Tôi hỏi ông về trại tị nạn Việt Nam. Ông buồn buồn nói rằng ông đã trải qua cuộc đời tị nạn khi xưa. Thật là thống khổ khi phải rời bỏ một nơi chốn mình lớn lên và sống trôi dạt một nơi mình không thể gọi quê hương. Bây giờ với ông, ông vẫn chỉ là một người tị nạn sống ở Hồng Kông. Ông thương hại cho biết bao gia đình người tị nạn Việt Nam bị “giam lỏng” trong trại, không được đi ra ngoài. Mỗi tuần ông mang vải, gòn và những vật liệu làm búp bê lên trại. Ông vẽ kiểu và dạy cho những cô gái, mấy bà trong trại may những con búp bê đơn giản, rồi mang những con búp bê đó ra chợ bán lại cho mối hàng của ông. Tiền bán búp bê ông đổi mua vật liệu và thực phẩm, hay đồ dùng cần thiết mang về cho những gia đình tị nạn.


Rồi ông cụ mang mấy con búp bê mới nhất của ông cho tôi xem. Trái với những con búp bê thuộc loại sưu tập trong lớp quần áo kết cườm lòe loẹt, những con búp bê của ông được tạo dựng theo dáng dấp của lớp người bình dân Trung Hoa. Tôi chọn mua hai con, con búp bê mẹ đay con trên lưng và con búp bê anh chàng ròm có đôi chân dài khẳng khiu ngồi bó gối. Ông vui mừng ký tên vào đế giầy vải.
Trước khi từ giả ông, tôi đưa ông một số tiền nhờ ông mua thực phẩm hay đồ cần dùng mang lên trại tị nạn Việt Nam dùm. Ông thật hoan hỉ. Bước vào bên trong, chốc sau ông trở ra với một cái bọc vải to tướng đựng đầy búp bê. Ông bảo với số tiền tôi đưa đã hơn số tiền để trả cho tất cả những con búp bê nầy do người Việt tị nạn làm. Ông bảo tôi mang hết đi. Tôi từ chối. Tôi không làm sao mang về được mớ hành lý kềnh càng nầy và ở Mỹ tôi không biết biếu ai cho hết. Tôi chỉ xin nhận một con thôi, con búp bê em bé có khuôn mặt tròn với chiếc áo cũng là cái bọc bỏ đồ vào chơi. Ông cám ơn tôi rối rít. Tôi bảo tôi cám ơn ông mới đúng với một tấm lòng nhân đạo giúp đỡ người dân tị nạn Việt Nam xứ tôi. Tôi từ giả ông. Ông chúc tôi may mắn trong cuộc sống ở Mỹ.
Michael Lee sau hơn năm mươi năm sống ở Hồng Kông vẫn cho mình là kẻ tạm cư, dân tị nạn. Trên đất Hoa, một người Hoa sống tị nạn. Lá chỉ muốn rụng về cội thôi. Nhưng đôi khi muốn xác định cội gốc của mình cũng là một vấn đề khó phân minh.
Trước khi cuộc cách mạng Cộng Sản trong thập niên 40s xảy ra ở Trung Hoa, vào khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, người Hoa Kiều di cư khỏi đất Hoa nhiều đợt và sống hầu như khắp nơi. Phần nhiều người Hoa hải ngoại trôi dạt về những quốc gia ở Đông Nam Á. Một số khác nuôi mộng tìm vàng ở Cựu Kim Sơn đã trở thành lao công làm đường rầy ở Mỹ. Gần như “Ở đâu có khói thì có người Hoa”.
Mặc dầu với nguyên nhân khác nhau, nhưng người Việt hải ngoại bây giờ sống trải ra nhiều nơi trên thế giới hơn người Hoa hải ngoại vào thế kỷ truớc. “Nơi nào có mặt trời, nơi đó có người Việt,” không ngoa chút nào, kể cả ở Alaska.
Ngoài một phần nhỏ dân Hoa kiều di cư ở Đông Nam Á ra đi vì lý do tị nạn chính trị, “Phản Thanh Phục Minh,” còn hầu hết phần lớn ra đi vì lý do kinh tế, với bằng chứng là câu chào hỏi khi gặp nhau rất phổ thông (universal) cũa người Hoa Việt Nam, người Hoa Mã Lai, người Hoa Singapore, người Hoa Thái Lan ..., là “Ăn cơm chưa"” Những người Hoa “Pioneer” nầy rời bỏ quê hương đi tìm sự sống theo chính nghĩa đen của nó. Nạn đói đã giết hàng trăm ngàn người ở Hoa Lục và đã đẩy hàng trăm ngàn người bỏ xứ ra đi tìm sự sống.
Trong chuyến đi qua Singapore hồi năm ngoái, tôi có tới trung tâm trưng bày China Heritage Center trong khu China Town ở Down Town. Đây có lẻ là một trung tâm duy nhất trên thế giới còn giữ di tích về dân Hoa Kiều di cư trong vùng Đông Nam Á.
Vừa bước vào gian phòng trưng bày đầu tiên, một exibit bày ngay giữa phòng làm tôi xúc động, bồi hồi. Trên bục triễn lãm là một bọc hành trang nghèo nàn với vỏn vẹn bộ quần áo vãi thô cũ kỹ , một chiếc túi con “hầu bao” và vài món đồ dùng cá nhân. Tất cả được gói ghém trong chiếc khăn tắm dệt bằng vải mỏng đã bạc màu. Nằm cạnh là một chiếc nón “cu li” bằng mây đan rách tả tơi và một chiếc gậy cùn (gậy đánh chó chăng"). Hành trang tạo nghiệp của người Hoa lưu vong vào thời đó chỉ có thế thôi, với hai bàn tay trắng và một niềm hy vong tràn trề. Những hy vọng đó có lẻ còn to hơn cả bầu trời, lúc nào cũng cưu mang trong lòng người di cư lưu vong.
Theo China Heritage Center ở Singapore, người Hoa trong đợt đầu ra đi chỉ nghĩ mình đi “tạm thời” thôi. Họ chịu khó làm những công việc lao động nặng nhọc như phu cạo nhựa cao su trong đồn điền, phu đào quặng thiết, hay phu gánh đá cho lục lộ làm đường. Họ chỉ cầu có đủ miếng ăn và cố gắng dành dụm chút it tiền để gởi về xứ sở nuôi gia đình còn để lại, hay quyến thuộc thân nhân. Tất cả người lưu vong đó đều ôm một giấc mộng trở về xứ sau vài năm tạo dựng được chút ít vốn liếng. “Về Đường Sơn!”, một giấc mơ hồ hương dài.
Bây giờ thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư Hoa Kiều sống ở hải ngoại đã hội nhập và trở thành dân Mỹ, dân Mã Lai, dân Singapore, dân Thái, dân Việt, dân Indo .... và đã “xin chọn nơi nầy làm quê hương.”
Trên chuyến bay từ Los Angeles qua Singapore tháng Ba năm nay, trong tờ tạp chí vắt trong túi lưng ghế trước mặt, tôi đọc một bài viết về Hội An, một thành phố Việt Nam. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài viết nầy, về lịch sử và những di tích của Hội An với những dữ kiện mà tôi không hề biết qua bao giờ khi học sử ký Việt Nam ngày xưa.
Vào thời vua Lê, chúa Trịnh và hồi đầu của chúa Nguyễn, Hội An đã là một cảng giao thương quốc tế bằng đường thủy. Dân thương thuyền phần nhiều là thương buôn người Hoa. Lúc đầu họ chỉ đến rồi đi. Sau đó, từ từ họ đỗ bộ “lên bờ làm ăn”, rồi đinh cư luôn và xây dựng nhà cửa, cơ sở và các địa ốc hạ từng, những chiếc cầu gạch, những ngôi đền thờ. Vào thời Nguyễn, sau khi Pháp chiếm đóng miền nam và biến Đà Nẵng thành một hải cảng thịnh vượng, thì Hội An không còn phồn thịnh. Chính nhờ vậy Hội An may mắn không bị tàn phá trong cuộc chiến chống Pháp và sau nầy cuộc chiến tranh bắc nam tàn khốc. Những kiến trúc Trung Hoa cổ xưa ít bị bom đạn tàn phá, còn nguyên vẹn và ngày nay đã trở thành những địa điểm thu hút giới du lịch tới Việt nam. Ngày nay sau hai trăm năm, qua năm hay sáu thế hệ cũng nên, người Hoa kiều ở Hội An đã hội nhập và hòa đồng.
Theo thẻ thông hành thì tôi là dân Mỹ, sinh quán tại Việt Nam. Tôi sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, theo học trường Việt cho đến đại học, nhưng gốc tích (origin) là 100% Hoa kiều, đời thứ hai rưởi trên đất Việt - vì bà nội và ông ngoại tôi sanh quán ở Quảng Châu, nên tôi kể ruởi. Tôi đã sống ở Việt Nam hơn hai mươi năm. Hiện nay hơn nửa đời tôi sống trên đất Mỹ. Gốc gác của tôi hơi luộm thuộm một chút: công dân Mỹ, gốc Việt, 100% dòng Hoa.
Mặc dầu gia đình tôi gốc Quảng Đông, nhưng tỉnh Quảng Châu chỉ thấp thoáng trong ký ức tôi qua những mẫu chuyện khi còn bé nghe bà nội tôi kể mà bây giờ tôi không còn nhớ gì cả. Lớn lên theo bản đồ, tôi chỉ biết lờ mờ Quảng Châu một nơi cực nam trên bản đồ Trung Hoa giáp ranh giới Việt Nam. “Thoòng Xán”, Đường Sơn, là tên ngọn núi (sơn) hay một thành phố nào đó trong Quảng Châu tôi cũng không rõ.
Về văn hóa và lịch sử Trung Hoa thì tôi mù tịt. Đông Châu Liệt Quốc, Hán, Sở, Tần, Minh, Thanh thật là hổn độn. Thế nhưng Trịnh Nguyễn Phân Tranh, Đinh, Ngô, Lê, Lý, Trần thì rất phân minh với tôi. Chuyện tình Huyền Trân Công Chúa và Trần Khắc Chung hấp dẫn tôi hơn là chuyện tình Dương Quí Phi và An Lộc Sơn. Tôi thích đọc chuyện Lê Tất Điều, Võ Hồng, Bình Nguyên Lộc..., nghe nhạc Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Lam Phương, Duy Khánh.... Ngoài Kim Dung tác giả Trung Hoa quá nổi tiếng với những bộ truyện kiếm hiệp được đăng tải trên nhật báo ở Việt Nam, tôi chỉ biết Lổ Tấn một tác giả cách mạng xả hội yếm thế (") với quyển “A Q Chính Truyện”; viết về một nhân vật quê dốt nát, tội nghiệp, nạn nhân điển hình trong buổi giao thời Đông Tây. Tôi chỉ biết Quỳnh Dao, một tác giả Đài Loan qua những quyển tiểu thuyết tình cãm lãng mạn bán rất chạy ở Sài Gòn. Ngoài ra thì tôi không biết tên một tác giả Trung Hoa nào khác. Về âm nhạc thì tôi chỉ nghe hai bài hát, nhưng là của Đài loan, Mùa Thu lá Bay và A Li Sơn (Mưa Lạnh Trên Đèo lời Việt).
Bây giờ con tôi là đời thứ nhứt sanh ở Mỹ. Mặc dù chúng thích ăn phở, bún mắm, bún rêu, canh chua, cá kho, bánh xèo, bánh khọt .... Thế nhưng Sài gòn, Ban Mê Thuột, Bạc Liêu vẫn là một chổ nào đó lạ hoắc. Và chúng ngáp dài khi bố mẹ mở DVD coi chương trình ca nhạc Thúy Nga Paris.
Người Việt lưu vong hội nhập xã hội Mỹ vào thập niên 70s, 80s, đã bắt đầu cuộc đời di cư bằng chiếu khán Tạm Dung, rồi Tị Nạn, qua Thường Trú và bây giờ đã trở thành Công Dân Mỹ “Naturalized”. Qua thế hệ thứ hai, thứ ba, đối với người công dân Mỹ gốc Việt “By Birth,” thì Austin sẽ là một quê hương hết sức thơ mộng, có river side với hàng cây Anh Đào, có con sông phẳng lặng với hai con đập ngăn dòng, có dãy đồi xanh mượt, với mùa xuân hoa Blue Bonet nở tím ngắt ngút ngàn, với nắng hè đốt cháy da .... Hay một Santa Ana... Hay một San Jose... Hay một New York ... Hay một Alaska .....Hay một Paris ...Hay một London.... Hay một Berlin .... Hay một Cairo.... Hay một Tokyo .... Hay một Sidney....
Một lần trong cú điện thọai viễn liên nói chuyện sở với cô bạn đồng nghiệp trẻ ở Singapore - Cô người gốc Hoa. Hơn 90% dân Singapore là người Hoa và Mandarin tiếng Quan Thoại là ngôn ngữ chánh ở Singapore - Tôi hỏi, “Georgina, would you miss Singapore or would you miss China, if you live out side Singapore"” Cô đáp “Singapore of course, why’d you ask"”
Hơn trăm năm đã trôi qua, sau mấy thế hệ, chưa có chuyện di dân ngược dòng của người Hoa ở hải ngoại. “Ngày Về Đường Sơn” vẫn còn mờ mịt.
Người Việt sống ở hải ngoại đã gần ba chục năm, nếu như ....
Thôi hơi đâu mà nghĩ tới. Không gần cội thì lá rụng về cành.

Chúc Chân

Lời ngoại chuyện - Mong là cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ thành lập được một Heritage Center, có thể ở “thủ phủ”Little Saigon, CA, để trưng bày và diễn giải cuộc di cư trong thế kỷ 20 của những người dân Việt tị nạn trên thế giới cho các thế hệ sau.

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 845,316,019
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Thông báo thay đổi giao diện trang nhà mới của Thư Viện Hoa Sen
Tin tức các cơ sở hội đoàn thông báo cộng đồng
Nhạc sĩ Cung Tiến