Hôm nay,  

Đoản Khúc Mẹ Tiềp Theo

08/05/200400:00:00(Xem: 176181)
Người viết: DI DI
Bài số: 535-1070-vb5060504

Nhân mùa Lễ Mẹ đang tới, từ số này, giải thưởng Viết Về Nước Mỹ trân trọng giới thiệu loạt bài “5 Đoản Khúc Mẹ”. Di Di, tác giả chính của loạt bài này, cho biết bà tên thật là Nguyễn Đinh Thị Dĩ, 55 tuổi hiện cư ngụ tại San Diego. Nghề nghiệp: Làm vợ, làm mẹ, làm việc nhà, và đang ước mong được làm bà nội. Riêng oản Khúc II trong loạt bài này được viết bởi cô Nguyễn Trung Ngọc Trân, 22 tuổi, sinh viên Đại Học Montreal Canada. Sau đây là 3 đoản khúc tiếp theo do bà Di Di viết.

+

Đoản Khúc III: Lời Thư Cuối

Đọc bài cháu tôi viết, tôi thấy nó diễn tả má tôi thật trung thực và sống động. Tôi sẽ phải nói gì với cháu tôi đây" Tôi vẫn chưa nghĩ ra lời phê bình cho bài cháu viết, thì Ngọc Trân bước ra ngoài phòng khách. Cháu ngồi xuống ghế, chải lại mái tóc, im lặng chờ đợi lời phê bình và nhận xét của tôi. Tôi cứ để những dòng tâm tư từ trong đáy lòng tôi tuôn chảy thành lời nói:
- Nếu có ai hỏi Dì Ba, phải ca ngợi một điều gì mà Dì cho là cao cả nhất trên cõi đời này, thì Dì chẳng cần suy nghĩ mà trả lời ngay rằng, đó chính là tình yêu của Ngoại. Nếu Dì trở nên một nhà văn thì bài đầu tiên Dì viết sẽ là bài ca ngợi tình yêu của Ngoại. Đến nay Dì đã ngoài 55 tuổi, nhưng chữ nếu ấy vẫn chưa xảy ra với Dì. Còn với con thì nó dường như đã xảy ra rồi thì phải. Nếu Dì được ngồi ghế giám khảo chấm bài, Dì Ba chấm bài con được giải Khuyến Khích ngay. Sở dĩ Dì Ba chỉ cho con giải Khuyến Khích thôi là vì Dì muốn con hãy tiếp tục viết. Dì Ba muốn thưởng cho con một món quà, con hãy suy nghĩ rồi cho Dì Ba biết con thích món quà gì nhất.
Mặt Ngọc Trân hồng lên vì e thẹn. Nhưng chỉ trong chốc lát, cháu tôi hồn nhiên trở lại:
- Con cám ơn sự khích lệ của Dì Ba, con sẽ cố tập viết và xem đó là một thú tiêu khiển của riêng con. Nhưng con muốn khoe với Dì Ba một bài viết cho Ngoại hay hơn bài con viết rất nhiều.
Tôi ngạc nhiên hỏi cháu:
- Ở hải ngoại này đâu có ai quen biết Ngoại mà viết về Ngoại"
Ngọc Trân làm ra vẻ bí mật:
- Có chứ Dì Ba, Dì Ba không phát hiện ra thôi. Trước khi đưa bài ấy cho Dì Ba đọc, con muốn kể cho Dì Ba nghe mấy việc xảy ra trong nhà con trước khi Ngoại qua đời.
Ngọc Trân ngưng nói, ngồi cúi đầu im lặng như để sắp xếp lại những điều sắp nói ra. Một lát sau, Ngọc Trân ngẩng đầu lên chậm rãi kể:
- Như Dì Ba đã biết, lúc gia đình con sang Canada được đúng ba năm, việc tạo dựng lại cuộc sống mới vẫn chưa ổn định, thì nhận được tin Ngoại lâm bịnh nặng. Má con vội vàng gom góp tiền bạc dành dụm được trở về Việt Nam thăm Ngoại. Lúc trở qua Canada, má con mừng lắm vì thấy bệnh tình Ngoại thuyên giảm nhờ con cái tận tình chăm sóc và thuốc thang đầy đủ. Chẳng được bao lâu, bệnh Ngoại tái phát. Má con lại buồn, con thấy má con càng buồn thì lại càng ngồi may nhiều hơn. Có lần má tâm sự cùng con: “Má biết Dì Ba có đủ khả năng về tài chánh cũng như tấm lòng để lo mọi sự cho Ngoại. Nhưng má xem việc lo cho Ngoại là nhiệm vụ là bổn phận là trách nhiệm và là phần thưởng của mỗi một người con. Nên dù ít dù nhiều má muốn đóng góp phần mình vào đó”. Những ngày ấy, người ta giao bao nhiêu đồ may má con cũng nhận hết. Má làm không biết mệt. Một đôi khi con thấy chân má đạp máy, tay má cắt chỉ mà nước mắt má tuôn chảy. Rồi tự nhiên má hết khóc, con hỏi tại sao thì má bảo: “Dì Ba ‘khuyên’ má cứ ráng vừa may vừa khóc cho nhiều đi rồi sẽ có ngày đui giống cụ Nguyễn Đình Chiểu là hết may hết vá luôn”. Má dặn con, mỗi lần thấy má khóc nhớ chọc cho má cười, cho má bớt buồn. Rồi một hôm, lúc con ngồi học bài trong phòng, má mở cửa bước vào căn dặn con: “Đêm nay may đồ xong, má viết thư về cho Ngoại, viết xong má để trước cửa phòng con, sáng đi học, con nhớ đem thư ra bưu điện gởi khẩn cấp về Ngoại cho má”. Sáng ra, con mở cửa phòng chẳng thấy lá thư nào. Con xuống dưới phòng may, má con đang nằm ngủ bên cạnh bàn máy. Lá thư má viết cho Ngoại vẫn còn nằm nguyên trên bàn. Con lấy lên xem, có nhiều chữ bị lem luốc, chắc tại nước mắt má con rơi lên trên ấy. Con ngồi đọc hết lá thư, thư bị lem luốc nhiều thêm bởi nước mắt con cũng rơi. Trước lúc bỏ thư vào phong bì, con copy giữ lại lá thư ấy. Con nghĩ, nếu Dì Ba chấm bài con viết cho Ngoại được giải Khuyến Khích thì thư má con viết về cho Ngoại phải được hạng cao hơn bài con viết rất nhiều.
Tôi xúc động theo từng lời cháu kể, ngước mặt lên, mắt cháu tôi cũng đỏ hoe. Ngọc Trân trao cho tôi tờ copy lá thư em tôi viết gởi về cho mẹ. Tôi đã nghe biết sơ qua về lá thư này, nhưng nay tôi mới được đọc lá thư bị hoen lệ của em và cháu tôi.

Montreal ngày 20-3-2002
Má của chúng con.
Thưa má! Lúc này má đang chịu đựng từng cơn đau của căn bệnh ngặt nghèo. Thì nơi Montreal này, cách xa má đúng nửa vòng trái đất, Tâm của má, cũng từng phút từng giây thương nhớ và xót xa theo từng cơn đau nhịp thở của má. Ngồi viết những dòng này cho má, con không ngăn nổi dòng lệ. Con vẫn nhớ, cháu Duy nói cùng con: “Bà ngoại là người rất năng động, vui buồn giận ghét đều thể hiện một cách rất rõ ràng, Duy vẫn luôn nhớ lời ngoại dạy...” Chỉ đôi lần tiếp xúc với bà Ngoại, mà má đã để lại trong lòng đứa cháu phương xa những ấn tượng mạnh mẽ như vậy. Thì với con đây, hơn bốn mươi năm làm con của má thì những ấn tượng ấy còn mạnh là dường nào.
Má ơi! Cuộc đời má thật nhiều ý nghĩa. Một người mẹ quê chân chất, tuy ít học nhưng có lối xử thế đúng với luân thường đạo lý. Má phải trải qua một tuổi thơ đầy cay đắng, thiếu thốn đủ điều, từ vật chất đến tình thương. Cho nên khi có chồng có con, má đã dành cho chúng con tất cả sự thương yêu, lo cho chúng con ăn học, dạy dỗ và hướng dẫn kỹ càng để chúng con có một cuộc sống tươi sáng hơn má ngày xưa.
Con còn nhớ, lần về thăm nhà hồi Tết 2001. Hai má con ngồi trước hiên nhà, nhìn ra ngã ba sông. Má ôn lại con nghe quãng đời thơ ấu của má. Mới bảy tám tuổi đầu, má phải lo cơm nước, trông nhà, trông Dì Ba cho ông bà ngoại ra đồng. Do ham chơi, để Dì Ba té xuống sình. Thời buổi ấy, việc giáo huấn con cái rất nghiêm minh, ông ngoại phạt má cởi hết quần áo đứng giữa ngã ba sông lúc nước ròng. Mãi khi nước lớn đến vai, một người bà con dắt má lên và xin tội cho má. Dù ông bà ngoại nghiêm khắc, má vẫn thương lo cho ông bà lúc sống, chu toàn việc ma chay và thờ cúng ông bà ngoại suốt đời.
“Lấy chồng gánh vác giang san nhà chồng”. Khi có chồng, má làm hơn nhiều lần lời cổ nhân dạy. Bởi ông ngoại mất sớm, nên một vai má phải gánh cả giang san nhà chồng lẫn giang san nhà mình. Má là một người vợ đảm đang, một người mẹ dịu hiền, thương yêu dạy dỗ con cái từng li từng tí. Không bao giờ má la rầy chúng con lớn tiếng. Những gì con tận hưởng từ tình mẫu tử của má, chính con cũng chưa làm tròn với Ngọc Trân đứa con gái duy nhất của con.
Cuộc đời má bôn ba trôi nổi theo từng thời gian. Tuổi thơ, má chăm lo cho đàn em nhỏ, lo toan mọi việc trong ngoài, bởi má là chị lớn trong nhà. Thời còn con gái, má miệt mài ngoài đồng ruộng quá nhiều, nên tay chân má bị nước ăn lở. Khi má lấy chồng, sau khi sinh anh Hai ra, ba ngã bệnh suyễn. Thế là kể từ đó một mình má lênh đênh trên chiếc xuồng máy, chạy khắp vùng sông nước, hết Tân Lộc, ra Cà Mau, lên Bạc Liêu...để kiếm miếng ăn cho gia đình. Đường sông từ Cà Mau lên Hòa Bình, có nhiều đoạn nước xoáy rất nguy hiểm, đàn ông đi còn sợ. Nhưng với má, sợ chồng con đói hơn sợ hiểm nguy sông nước. Một hai giờ khuya má đã thức dậy ra đi, để kịp mang hàng về bán. Thời còn chiến tranh, nhiều lần má tưởng bỏ mạng bởi buôn bán dưới hai lằn đạn. Sau biến cố 30-4-75, má lại xuôi ngược bằng xe hàng tuyến đường Cà Mau - Sàigòn - Phước Long, mua bán bàn tủ ghế cũ, kiếm tiền nuôi gia đình.
Con vẫn nhớ, những lúc con phụ má mua lúa chà gạo, cùng má bơi xuồng bán gạo, bán cám dọc theo kinh 16. Con thích đi làm phụ vì luôn được má cho ăn hàng. Ngồi nghĩ lại từng quãng đời của má, con vô cùng cảm phục. Thương má, con đã cố gắng học hành và nghe lời má dạy.
Tuy sống ở vùng quê nhỏ bé, thiếu thốn mọi phương tiện vật chất cũng như thông tin. Vậy mà má có một tư tưởng mở rộng, tiến bộ. Bản chất má sống rất trọng tình cảm, thế mà má vẫn chấp nhận hy sinh một tình cảm lớn lao. Đó là việc cho anh Hai và chế Ba đi học xa, dù lúc ấy bị mọi người thân ngăn cản. Anh và chế tuy cũng rất đau lòng, buồn tủi khi phải xa tổ ấm ở tuổi thơ dại. Nhưng phải nén lòng đau, lên Mỹ Tho sống nương nhờ bà con và chăm lo học hành. Mỗi lần đi thăm con về, ngồi trên xe đò, má khóc suốt trên đoạn đường từ Mỹ Tho về Cà Mau, bởi thương con, bởi tủi phận mình nghèo phải gởi con cái nhờ bà con nuôi ăn học xa. Rồi những lúc bệnh ba trở nặng, một mình má chèo xuồng trong đêm khuya vắng dưới trời mưa gió để mua thuốc cho ba. Vừa chèo vừa nghĩ đến người chồng vật vã trong cơn bệnh, má cứ để nước mắt chảy theo những giọt mưa. Sinh nở thường phải ở cữ cả tháng trời, riêng má chỉ được nghỉ hai tuần là phải ra ngoài bương chải lo miếng ăn cho gia đình.
Mọi gian khổ trong đời, má đều vượt qua, nhờ đó má tự luyện cho mình lòng gan dạ, sự can đảm để chống chọi với đời. Má ơi! những kỷ niệm không vui mà con nhắc lại đây, không phải để buồn, mà để chúng con tự hào về một người mẹ, má của chúng con. Rồi đến con dâu, con rể, cháu nội, cháu ngoại, cháu cố... trong gia tộc ta, không một ai không được bàn tay má chăm sóc. Trải qua cuộc chiến dai dẳng và tàn khốc hơn hai mươi năm. Biết bao gia đình bị mất mát, Chúa thương, cho má giữ nguyên vẹn mười đứa con. Với ba, má làm tròn đạo vợ. Với con cái má là người mẹ tuyệt vời. Ra ngoài xã hội, má là người đàn bà lịch thiệp, hoạt bát, chân thành... trong mọi tình huống. Nói chung bất cứ ai, dù chỉ một lần gặp, đều cảm mến má.
Má, người lúc nào cũng tranh đấu vươn lên trong nghèo nàn lạc hậu. Bao phen má suýt chết vì sóng gió cuộc đời. Nhưng nay đành nhắm mắt xuôi tay vì sức khỏe yếu dần, lụi tàn theo những thăng trầm của một đời người.
Má, người thuyền trưởng của con tàu gia đình qua mấy chục năm, má đưa con tàu đến bến bờ an toàn, vững vàng. Vậy mà giờ đây, người thuyền trưởng tài ba đó sắp phải đi xa, để lại một khoảng trống bao la, không có gì bù đắp nổi.
Má ơi! Con mong má nghe được những lời chân thành con tâm tình với má. Nhưng nếu má không nghe được, con xem đây như một nén nhang con kính dâng lên má, một người mẹ tuyệt vời đã một đời tận tụy vì chồng con. Con mượn tạm hai câu thơ để nói với má rằng:
Nếu cho con một điều ước thiêng liêng
Xin muôn kiếp được làm con của má.
Má, người chúng con thương yêu nhất đời này. Năm tháng sẽ trôi qua, con người sẽ dần vào dĩ vãng phôi pha, nhưng hình ảnh má vẫn sống mãi trong lòng con.
Thương má rất nhiều
Con gái thứ tám của má
Minh Tâm

+

Đoản Khúc IV: Lời Tạm Biệt

Đọc thư em tôi viết xong, mắt tôi lại hoen lệ. Tôi xúc động về những lời chân tình em tôi viết về cho Mẹ. Em tôi sống với má suốt từ tuổi ấu thơ cho đến khi theo chồng, có chồng rồi má vẫn thường xuyên lên xuống với em. Còn tôi, là con gái lớn, đáng lẽ tôi phải thay ba má trông coi các em. Nhưng má hy sinh đem gởi tôi nhờ người cậu sống trên Mỹ Tho nuôi cho ăn đi học từ năm tôi học lớp ba. Má tôi hy vọng, cái học sẽ giúp đời tôi mai sau bớt nghèo, bớt khổ, bớt lam lũ như cuộc đời má. Rồi đến ngày tôi theo chồng, ngày tôi bồng bế con thơ trốn chạy khỏi quê hương, sống cuộc đời tha phương, tôi chỉ còn gặp má tôi trong vài lần về thăm quê ngắn ngủi. Quả đúng như lời cháu tôi viết trong “Chiếc Bông Tai”: “Ngoại là một bà tiên”. Bên má tôi luôn tìm được sự thương yêu hết lòng hết trái tim. Ngày xưa mỗi lần má đi thăm tôi, sau này mỗi lần tôi về thăm má, tôi sợ nhất là những giây phút chia tay. Tôi thấy bà thường dấu những giọt nước mắt, rồi còn ôm hôn tôi, dù tôi ở bất cứ tuổi nào. Mặc dù tôi không:
Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.
Nhưng má tôi đã và đang và mãi mãi sống trong trái tim tôi.
Tôi đứng lên bước ra khu vườn sau nhà. Cháu tôi đã lấy lại sự hồn nhiên tươi trẻ, cháu đang ngồi đong đưa trên chiếc ghế đu dưới bầu trời trong xanh vương vài sợi mây trắng. Cháu tôi đang tận hưởng những tia nắng ấm, dù là nắng chiều, nhưng chẳng thể nào có được trong những ngày cuối đông ở Montreal. Tôi ngắt một bông hoa trắng, đem cài lên mái tóc cho cháu xong, tôi ngồi xuống bên cạnh. Ngọc Trân lên tiếng:
- Dì Ba đọc hết thư má con viết chưa"
Tôi mỉm cười gật đầu.
- Dì Ba có một đứa em viết giỏi như vậy mà Dì Ba đâu có biết. Chắc con ảnh hưởng cái khiếu viết văn của má nên bài viết đầu tay của con mới được Dì Ba phát giải Khuyến Khích. Dì Ba đồng ý với con là lá thư má con viết cho Ngoại hay hơn bài con viết, nhưng chỉ chút xíu thôi. Giờ mình tạm gạt qua ba cái chuyện văn chương văn chướng đi. Con đói bụng chưa" Nếu chưa thì cứ ngồi ngoài này để Dì Ba kể con nghe vài mẩu chuyện có liên quan đến lá thư má con viết cho Ngoại. Nếu kiến bò bụng rồi thì mình vô nhà nấu cơm ăn liền.
Ngọc Trân nhanh nhẩu đáp:
- Con thích những hạt nắng này quá, Dì Ba cứ ngồi đây kể cho con nghe đi, con vẫn chưa đói bụng.
Tôi chậm rãi nói:
- Thư má con về đến nơi nhằm đúng vào tuần lễ cuối cùng của cuộc đời Ngoại. Lúc đó thể xác Ngoại đau đớn tột cùng, nhưng tinh thần lại hết sức minh mẫn. Ngoại đọc đến đoạn má con nhắc lại câu chuyện Ngoại bị ông cố phạt cởi hết quần áo đứng giữa ngã ba sông lúc nước ròng. Ngoại thở dài chép miệng: “Mình là con cháu không được quyền trách phiền ông bà”. Hôm đưa Ngoại đến nơi an nghỉ cuối cùng, Dì Sáu Đẳng muốn đem lá thư má con viết đọc lại một lần cuối rồi đốt nó đi trước lúc hạ huyệt, nhưng tìm mãi không thấy lá thư. Chôn cất Ngoại xong, về đến nhà Dì Sáu lại thấy lá thư nằm ngay trên đầu tủ. Cả nhà đều nghĩ Ngoại không muốn cho đọc lá thư lên vì sợ có lỗi với ông bà.
Kể chuyện xong, tôi hỏi cháu:
- Con có hiểu tại sao Ngoại lại thở dài chép miệng không"
- Con nghĩ vì Ngoại chưa đọc đến đoạn gần cuối lá thư nên chưa hiểu rõ ý má con. Để con tìm đọc lại lời má con viết cho Dì Ba nghe.
Ngọc Trân vào trong nhà, lấy thư ra đọc lại cho tôi nghe:
- Có đây rồi Dì Ba: “Má ơi! những kỷ niệm không vui mà con nhắc lại đây, không phải để buồn, mà để chúng con tự hào về một người mẹ, má của chúng con”. Như vậy má con đâu có trách phiền gì ông bà cố!
- Không phải như con nghĩ đâu! Ngoại đọc thư má con viết hàng chục lần, cứ đọc đến đoạn đó là ngoại lại chép miệng thở dài. Lúc đầu Dì Ba cũng không thấy cái “tội” do má con gây ra. Dì Ba phải nghiền ngẫm tìm hiểu mấy ngày mới thấu đáo. Để Dì Ba vô nhà đem quyển sổ ra đây giải thích thì con mới hiểu được.
Tôi đứng lên bước vào nhà, vừa đi vừa nghĩ phải trình bày sao cho cháu tôi hiểu rõ mấy câu nói ngắn ngủi của một bà mẹ quê tuy học ít chữ nhưng thấm nhuần đạo nghĩa làm người, nhất là làm một người con hiếu thảo. Lát sau tôi trở ra với quyển vở trên tay, ngồi xuống bên cạnh cháu thỏ thẻ:
- Phong tục và tập quán Việt Nam mình ảnh hưởng “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín” của Khổng Mạnh. Nên Dì Ba đã lấy cây thước “Nhị Thập Tứ Hiếu” ra để đo lòng Ngoại, thì Dì thấy ngay được là vì sao Ngoại chép miệng thở dài. Con hãy đọc lên một gương hiếu đầu tiên trong “Nhị Thập Tứ Hiếu”, được xem như kim chỉ nam cho con cái biết phải làm gì để báo hiếu mẹ cha.
Trao quyển vở tôi thường dùng để ghi chép cho cháu, tôi chỉ vào đoạn viết về Vua Thuấn rồi nói:
- Con đọc đoạn thơ này lên để Dì và con cùng nghe, cùng học hỏi về cái hiếu của người xưa.
Cháu tôi cầm quyển vở lên chậm rãi đọc:
Đức Đại Thánh họ Ngu tên Thuấn,
Buổi tiềm long gặp vận hàn vi.
Tuổi xanh khuất bóng từ vi,
Cha là Cổ Tẩu, người thì ương ương.
Mẹ ghẻ lại tánh càng gay gắt,
Em Tượng nên rất mực điêu ngoa.
Một mình thuận cả vừa ba,
Trên chiều cha mẹ dưới hòa cùng em.
Trăm cay đắng một niềm ngon ngọt,
Dầu tử sanh không chút biến dời.
Xót tình khóc sớm kêu mơi,
Xui lòng ghen ghét hóa vui dần dần.
Trời cao thẳm mấy từng cũng đến,
Vật vô tri còn mến lựa người.
Mấy phen non Lịch pha phôi,
Cỏ chim vì lượm, ruộng voi vì cày.
Tiếng hiếu hữu xa bay bệ Thánh,
Mênh trung dung trao chánh nhường ngôi.
Cầm thi xiêm áo thảnh thơi,
Một nhà đầm ấm muôn đời ngợi khen.

Ngọc Trân đọc dứt câu, tôi bảo cháu:
- Chắc con ngạc nhiên về cách thực hành chữ hiếu của người xưa theo tinh thần bài thơ con vừa đọc. Nhưng nếu người xưa nhìn chúng ta thực hành chữ hiếu trong xã hội hôm nay, thì chắc họ cũng sẽ rất lấy làm ngạc nhiên như con vậy.
Chẳng biết cháu tôi hiểu được bao nhiêu phần những điều tôi muốn trình bày. Khi quyết định đem những điều khô khan ấy ra, tôi chỉ nghĩ đơn sơ. Có còn hơn không. Tôi cảm thấy đói, nên đứng dậy bảo cháu:
- Thôi mình phải tạm gác nói chuyện về Ngoại, con cứ ngồi ngoài này hưởng nắng ấm Cali, còn Dì Ba vào nấu cơm cho hai dì cháu mình ăn.
Ngọc Trân đứng lên theo rồi nói:
- Để con vào bếp phụ với Dì Ba cho vui.
Vào đến bếp, một ý nghĩ vừa vụt nhanh qua đầu, ngẫm nghĩ thêm một lát tôi bảo cháu:
- Con chờ Dì Ba lên lầu lục tìm cái thư Dì Ba viết cho Ngoại, thư Dì Ba viết sau thư má con mấy ngày, nhưng lại đến trước thư má con, vì Dì gởi về bằng điện thư. Dì Ba viết không văn chương bằng má con, Dì Ba cũng viết bằng tất cả lòng mình.
Ngọc Trân hóm hỉnh trả lời:
- Dì Ba rào trước đón sau phải không" Con nghĩ Dì Ba nói dzậy chứ chắc không phải dzậy đâu.
Tôi lên lầu tìm lá thư đem xuống trao cho Ngọc Trân. Thế là tôi đi lo chuyện cơm nước còn cháu tôi hớn hở, nôn nóng cầm lá thư trở ra ngoài vườn đọc những lời tôi viết gởi về cho Ngoại nó trước ngày bà lìa đời.

San Diego ngày 26-03-2002.
Má kính yêu!
Bên này, hàng ngày chúng con vẫn gọi điện thoại về theo dõi bệnh tình của má. Con biết sức khỏe má càng ngày càng suy giảm, má đang phải chống chọi với những cơn đau tột cùng. Nghĩ về sự đau đớn của má, con nhớ đến Thánh Nữ Têrêsa và Á Thánh Anrê Phú Yên, hai vị Thánh Bổn Mạng của má, cũng chịu đau đớn tột cùng trước khi rời thế gian. Con cầu nguyện với hai vị thánh ấy, để hai ngài chuyển cầu lên Thiên Chúa cho má biết hiệp thông vào nỗi thống khổ các ngài đã trải qua, để má cũng sẽ được hưởng vinh quang như các ngài.
Má ơi! Sức khỏe má yếu dần, con nghe như chính con đang bị đuối sức, con cảm thấy trong con không còn chút sinh lực nào. Con cứ tưởng là con đã tâm sự và nói hết bao nhiêu điều trong lòng con với má rồi. Vậy mà sao bây giờ con vẫn cảm thấy còn nuốn nói nữa. Có lẽ con sẽ nói mãi với má, dù má còn trên đời này hay đã ra đi. Con tin là má luôn nghe con nói.


Má nhớ không, má rửa tội ngày 10 tháng 2. Đó là ngày chúa nhật thường niên cuối cùng trước khi mọi người tin thờ Chúa bước vào mùa chay tịnh. Chúa nhật 24-3-2002 vừa qua đi, là chúa nhật lễ Lá, bài Phúc Âm hôm ấy nhắc nhở mọi người về sự thương khó của Chúa Giêsu. Giờ đây chúng ta đang ở trong tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong năm của người Kitô hữu. Suy gẫm về sự đau đớn của Chúa Giêsu trước lúc tử nạn, con nghĩ đến má cũng đang ở trong tuần lễ đau đớn nhất, trùng hợp với sự đau đớn của Chúa, trong tuần lễ thương khó đầy thánh thiện này. Con tin vì công nghiệp Chúa Giêsu, má cũng được hưởng mọi ân sủng của Người. Xin má hãy liên kết những đau khổ của mình với khổ nạn của Chúa, má sẽ thấy nỗi đau vơi đi.
Má ơi! tự nhiên con cảm thấy, lúc này là lúc má được tràn đầy ơn Thánh Chúa. Con cầu xin Chúa cho má con đủ can đảm và sức mạnh trong những giây phút này để phó thác hồn xác vào bàn tay nhân ái của Cha trên trời. Chúa nhật tới đây 31-3-2002. Là ngày lễ trọng đại nhất trong một năm, ngày mừng Chúa sống lại. Nguyện xin Thiên Chúa cho má con cũng được tràn đầy ơn Thánh Chúa. Con thương và nhớ má suốt đời.
Hôn má ngàn lần
Con gái lớn của má.

Tôi đang đứng trong bếp xào nấu thì Ngọc Trân đến ôm lấy tôi rồi nói:
- Con biết liền mà, Dì Ba nói dzậy chứ không phải dzậy. Nhưng con hơi tiếc một chút, vì lá thư Dì Ba viết cho Ngoại quá ngắn.
Tôi quay lại bảo cháu:
- Từ lúc Ngoại được lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, bịnh Ngoại bắt đầu tăng dần, cho đến Tuần Thánh tức là tuần lễ trước khi mừng lễ Chúa Phục Sinh, Ngoại không còn đi đứng được nữa. Ngồi biên thư về Ngoại, Dì Ba muốn viết thật dài, nhưng Dì sợ Ngoại xúc động và không còn đủ sức để đọc nữa, nên Dì Ba chỉ viết tóm lược những lời thật cần thiết để giúp Ngoại bình an và phó thác mọi sự trong bàn tay Thiên Chúa.
- Đọc thư Dì con cảm thấy chứa chan tình yêu thương, nó như một lời tạm biệt nhẹ nhàng, đầy niềm tin và hy vọng.
Để thay đổi bầu không khí, tôi cười hỏi Ngọc Trân:
- Ngoài mấy lời bình phẩm trên, “nhà dzăng” Ngọc Trân còn muốn phê bình điều gì nữa không"
Ngọc Trân hóm hỉnh trả lời:
- Để con ngẫu hứng “tối tác” à quên “sáng tác” vài câu thơ cho Dì Ba nghe há.
Tôi cười bảo cháu:
- Bộ con định làm dzăng sĩ kiêm thi sĩ luôn hả! Đâu đọc thử cho Dì Ba nghe coi.
Ngọc Trân liền che miệng đọc hai câu thơ “con nhái” cho tôi nghe:
Thị Tâm, Thị Dĩ hai nàng,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Tôi cũng bắt chước cháu nhái lại:

Rằng hay thì thật là hay.
Nghe xong thơ cháu Dì cho ngay điểm mười.
Rồi hai dì cháu ôm nhau cười.

+


Đoản Khúc V: Dòng Sữa Mẹ

Từ lúc gặp Ngọc Trân cho tới bây giờ, hai dì cháu lúc khóc lúc cười. Thoạt trông cứ tưởng khóc cười là hai thái cực, biểu lộ sự buồn, sự vui trong lòng. Nhưng nước mắt và tiếng cười đó thật ra chỉ để biểu lộ niềm vui, sự sung sướng, hoan lạc, hạnh phúc được phát sinh từ một tình yêu thương nồng ấm, chân thành của mẹ tôi mà thôi.
Ngọc Trân phụ tôi dọn bữa cơm ra bàn. Hai dì cháu vừa ăn vừa tiếp tục “hát liên khúc” tình ca Mẹ. Để bắt chước lối “trình làng” bài viết “Chiếc Bông Tai” của cháu. Tôi vừa ăn vừa bảo Ngọc Trân:
- Nhắc đến Ngoại thì có rất nhiều chuyện để nói. Ngày mai Dì cháu mình có nguyên một ngày nữa tha hồ ôn lại những kỷ niệm về Ngoại. Riêng hôm nay, ăn cơm xong, Dì Ba sẽ đưa con đọc một bài nữa viết về Ngoại. Bài này viết bằng tiếng Anh lúc Ngoại còn sống. Đương nhiên Ngoại không đọc được, nhưng Ngoại và mọi người nghe đọc bài ấy đều cảm nhận được hết những gì người viết muốn diễn đạt.
Ngọc Trân tròn xoe đôi mắt nhìn tôi chờ đợi. Tôi nói tiếp:
- Con cứ ăn cơm đi, Dì Ba sẽ từ từ bật mí cho con thấy những điều Dì Ba vừa nói.
Ngọc Trân chuyển sang giọng con nít nhủng nhẻo thúc dục:
- Thôi Dì Ba làm ơn vô đề ngay giùm con đi, cứ vong vo tam quốc mãi làm con sốt cả ruột.
- Để Dì nghĩ thêm một chút xem nên bắt đầu câu chuyện từ đâu.
Một lát sau, tôi bắt đầu vào chuyện:
- Hè năm rồi, anh Duy xin thôi việc để trở lại trường tiếp tục việc học. Anh Duy mang hết đồ đạc về San Diego. Lúc phụ con dọn dẹp, Dì Ba nhặt được một lá thư anh Duy viết bằng tiếng Việt cho bố mẹ mà không bao giờ gửi. Đọc thư, Dì thấy thời gian hai năm Duy tình nguyện về Việt Nam dạy học đã giúp cho vốn liếng tiếng Việt của Duy khá lên rất nhiều. Ngoài lá thư ấy ra còn một sắp giấy anh Duy viết bằng tiếng Anh; bài nói chuyện cùng các bạn trong buổi họp nhóm tại Nha Trang cuối năm 1998. Dì đã nhờ Bác Ba dịch đoạn viết có liên quan tới Ngoại ra tiếng Việt. Trước khi con đi ngủ, Dì Ba sẽ đưa bản dịch ấy cho con đọc.
- Dì Ba đưa cho con ngay bây giờ được không"
- Nhứt ngôn ký xuất, tứ mã nan truy.
- Con không hiểu Dì Ba nói gì hết.
- Đó là tiếng Hán Việt, có nghĩa là: Một lời đã nói, bốn ngựa khó theo.
- Sao Dì Ba không nói là chắc như đinh đóng cột, có phải dễ hiểu hơn không"
- Con nói vậy không sợ phạm húy hay sao. Đinh là họ ông Ngoại đó. Cơm nước xong Dì Ba đưa con đi dạo một vòng Bonita Shopping Center, để con ngắm thiên hạ mua sắm trước khi đi ngủ.

Hai Dì cháu rời shopping về đến nhà thì đã hơn 9 giờ đêm, giờ này ở Montreal đã bước qua ngày mới. Tôi bảo cháu:
- Thôi con đi ngủ đi để lấy lại sức, ngày mai đi chơi mà thiếu ngủ thì mất vui.
Tôi định quay ra khép cửa phòng thì Ngọc Trân kêu giựt ngược lại:
- Dì Ba quên đưa cho con.
- Quên đưa cái gì"
- Cái mà Dì Ba hứa ban chiều đó.
Tôi chợt nhớ ra, lên lầu lấy đưa cho cháu bản dịch có liên quan đến má tôi trong bài nói chuyện của Duy tại Nha Trang cuối năm 1998.
. . .
Các bạn thân mến
Trước khi tôi nói cùng các bạn về kinh nghiệm giảng dạy của tôi tại trường Đại Học Khoa Học Huế. Tôi xin chia sẻ một đôi điều vừa xảy ra mấy ngày trước khi tôi rời Huế vào Nha Trang hội họp cùng các bạn, những người từ Mỹ tình nguyện về Việt Nam dạy học theo chương chương trình VIA (Volunteer In Asia).
Nhận được tin bố mẹ tôi từ Mỹ về Việt Nam thăm tôi, tôi mừng lắm. Hôm bố mẹ tôi ra Huế có cả bà Ngoại tôi đi nữa. Dù đã là một người đang giảng dạy tại trường Đại Học, nhưng gặp mẹ, tôi luôn là một đứa bé thơ. Tôi đưa Ngoại cùng bố mẹ tôi đến căn phòng tôi ở. Bố tôi chau mày khi thấy căn phòng vừa nhỏ bé vừa bừa bộn. Còn Ngoại tôi thì trìu mến bảo tôi:
- Bộ không có ai phụ dọn dẹp phòng cho con hả" Để Ngoại dẹp lại cho con nhe.
Tôi vội thưa ngay với Ngoại:
- Ngoại đi đường xa mệt nhọc, Ngoại cần nghỉ ngơi, để lát nữa con dọn dẹp được rồi.
Sau khi tôi kể sơ qua về cuộc sống của tôi nơi xứ Huế xong. Nhìn thấy mái tóc tôi dài, mẹ tôi kéo chiếc ghế ra trước hàng ba rồi lục va ly lấy kéo lược ra cắt tóc cho tôi. Tuy không phải là thợ hớt tóc nhưng mẹ tôi khéo tay, mẹ đã chăm sóc mái tóc tôi ngay từ hồi tôi còn tấm bé. Những ngày sống xa nhà, tôi bị mất đi cái thú ngồi cho mẹ o bế cái đầu. Cắt tóc xong, trở vào phòng, tôi tưởng như mình bước lầm vào một căn phòng khác. Vào đến phòng tắm, Ngoại đang ngồi vò áo quần giặt giũ cho tôi. Thấy tôi vào, Ngoại ngẩng đầu lên nhìn tôi cười thật tươi. Trời ngoài Huế đã trở lạnh, nó càng lạnh hơn đối với người sống nơi xứ nóng như Ngoại tôi. Nhưng tôi thấy trên vầng trán Ngoại lấm tấm mồ hôi, còn nét mệt nhọc trên gương mặt lúc Ngoại mới đến thì không còn nữa. Ngoại âu yếm nói: “Con thấy Ngoại dọn phòng lại cho con được không" Mẹ mới cắt tóc cho con hả! Ngồi xuống đây để Ngoại gội sạch tóc cho con”.
Thưa các bạn. Đứng trước mẹ, tôi luôn là một đứa bé. Gìờ đây, tôi còn nhỏ bé hơn nữa trước tình thương của Ngoại. Tôi nhớ có một lần bố mẹ tôi đưa tôi đi xem phim Việt Nam, nhìn cảnh người mẹ múc nước từ dưới ao lên xối tắm rửa cho con, tôi ngơ ngác hỏi mẹ: “Mẹ ơi! Hai đứa tụi nó làm gì vậy mẹ"”. Hôm nay tuy không có cái cầu ao, nhưng những ca nước Ngoại múc xối lên đầu đã làm dịu mát tâm hồn tôi. Những ngón tay Ngoại cào lên từng chân tóc, như Ngoại đang truyền sang cho tôi tất cả tình thương yêu từ con người Ngoại tuôn ra. Tôi không thể nào diễn đạt được hết mọi niềm cảm xúc của một thanh niên cao lớn cố khom lưng xuống thật thấp để cho Ngoại có thể đưa tấm khăn lông lên lau khô mái tóc, lau khô từng giọt nước đọng trên khuôn mặt tôi.
Đêm hôm ấy, Ngoại không về phòng riêng bố mẹ đã thuê cho Ngoại. Ngoại sang hỏi tôi:
- Tối nay con cho Ngoại ngủ với con được không"
Tôi mỉm cười gật đầu, thế là Ngoại mừng rỡ, đi dọn ngay lại cái gường rồi giăng mùng để hai bà cháu ngủ. Cái mùng của tôi bị rách một lỗ lớn. Tôi đã báo cho nhân viên nhà trường biết, nhưng họ vẫn chưa vá lại hoặc đem cho tôi cái mùng khác. Thấy vậy, Ngoại bảo tôi:
- Con có kim chỉ không đưa cho Ngoại vá lại cái mùng.
Tôi làm gì có kim chỉ, trời cũng đã khuya, cổng cư xá cũng đã đóng. Ngoại đưa mắt tìm kiếm khắp căn phòng. Chợt mắt Ngoại sáng lên khi nhìn thấy chiếc đàn ghi ta treo trên vách. Cây đàn bị đứt một sợi giây. Ngoại bảo tôi gỡ sợi dây ấy xuống cho Ngoại dùng thay chỉ vá lại cái mùng. Vá xong Ngoại bảo:
- Hai bà cháu mình ngủ tạm trong cái mùng này đêm nay, ngày mai Ngoại bảo mẹ mua cho con cái mùng mới!
Đêm ấy, lần đầu tiên trong đời tôi được ngủ với Ngoại. Ngoại say sưa kể cho tôi nghe về cuộc đời của Ngoại, về những ngày còn bé của mẹ tôi... Ngoại đưa bàn tay cho tôi nắm, cái bàn tay lúc ban chiều tuôn đổ tình thương sang cho tôi, lại là một bàn tay chai cứng. Ngoại bảo ngày xưa Ngoại phải làm việc vất vả mới kiếm đủ tiền nuôi người chồng bệnh hoạn cùng mười đứa con. Kể chuyện xưa xong, Ngoại dạy tôi, phải chải tóc tai gọn ghẽ, ra đường phải quần áo chỉnh tề, ăn uống phải điều độ, đừng thức khuya, bớt hút thuốc, phải nghĩ đến chuyện vợ con... Ngoại còn bảo, giờ Ngoại đã có bố mẹ tôi nuôi rồi, không còn phải lặn lội cực khổ nữa. Ngoại xin tôi cho Ngoại ở lại để lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo cho tôi...
Thưa các bạn. Tôi là một đứa trẻ sinh ra ở Việt Nam, rời đất nước ra đi lúc mới 13 tháng tuổi. Tôi lớn lên ở Mỹ nhưng được nuôi bằng bầu sữa mẹ. Tôi đã được hưởng tất cả những tình thương nồng ấm của người mẹ. Cho đến cái đêm tôi thiếp đi dưới làn gió mát của cây quạt giấy trên tay Ngoại, cùng lời dạy dỗ đơn sơ chân thành mộc mạc. Buổi tối hôm ấy, tôi tìm ra người đã truyền cho mẹ tôi cái tình thương con vô bờ vô bến ấy. Cái tình thương con của người mẹ Việt Nam, được lưu truyền đời này sang đời khác bằng chính những dòng sữa mẹ từ gần năm ngàn năm nay. Tôi muốn đem cái tình mẹ ấy ra chia sẻ cùng các bạn.

Vì muốn Ngọc Trân sống lại cái không khí miền quê, nên tôi thức dậy sớm nấu một nồi cháo trắng. Lúc tôi đang trộn dưa mắm thì Trân từ trong phòng ngủ bước ra. Tôi liền hỏi cháu:
- Đêm qua con ngủ ngon không"
- Quá đả luôn Dì Ba! Nếu không có mấy con gà gáy chắc giờ này con còn nướng cho nó thành than luôn. Đã lâu lắm rồi con không nghe tiếng gà gáy, nay nghe lại con thấy nó êm ả làm sao ấy!
Nhìn sang đĩa dưa mắm, mấy cái hột vịt muối đã chẻ làm đôi...Ngọc Trân mừng rỡ la lên:
- Hôm nay giống y chang như những lần con theo má từ Sàigòn về dưới Cà Mau chơi vậy đó Dì Ba. Chỉ tiếc một điều là không có Ngoại.
- Vậy con ra bàn thờ đốt nén nhang lên là con cảm thấy Ngoại về với mình ngay.
Ngọc Trân bước ra ngoài phòng khách, tôi dọn chén bát lên bàn, thế là hai dì cháu có một bữa ăn sáng đậm nét quê hương trong một khung cảnh gia đình đầm ấm. Hai dì cháu vừa ăn vừa bình phẩm bài Duy diễn tả về Ngoại. Ngọc Trân nói:
- Đêm qua con đọc đi đọc lại ba bốn lần bài anh Duy viết. Con nghĩ nếu con còn ở trong nước chắc con khó lòng mà cảm nhận hết những gì anh Duy muốn giải bày. Bởi chuyện ấy quá bình thường đối với nếp sống người Việt Nam. Nhưng đối với anh Duy và bạn bè người ngoại quốc thì quả là một điều lạ lùng.
- Đúng vậy đó con. Sau khi đưa Ngoại ra thăm đất Bắc, trở về đến Nha Trang thì nhằm ngay lúc nhóm anh Duy nhóm họp xong. Họ mời luôn Ngoại cùng Dì và Bác Ba đến dự buổi tiệc chia tay. Bạn anh Duy ai cũng đến chụp hình chung với Ngoại, ai cũng gọi Ngoại bằng Ngoại và muốn Ngoại là Ngoại của mình. Ngoại nói chuyện bằng tiếng Việt với người ngoại quốc rất tự nhiên, chẳng cần biết họ có hiểu hay không. Gặp ai Ngoại cũng mời về Cà Mau để Ngoại đãi mắm lóc, mắm sặc ăn với dưa bồn bồn.

Điểm tâm xong hai dì cháu đưa nhau qua bán đảo Coronado nhìn ngắm thành phố San Diego. Sáng nay màu trời trong xanh khiến làn nước biển thành màu thạch bích. Đứng từ bờ bên này nhìn sang thành phố San Diego bờ bên kia, tôi có cảm tưởng như đang ngắm nhìn một bức tranh sơn thủy tuyệt đẹp. “Sơn” là những tòa building tráng lệ, “Thủy” là dòng nước từ biển Thái Bình Dương đổ vào vịnh San Diego. Tôi đến đây không biết bao nhiêu lần, nhưng lần nào tôi cũng thấy cảnh quang đẹp tuyệt vời. Tôi thích tản bộ trên con đường xi măng sạch bóng, một bên là nước một bên là thảm cỏ xanh mướt. Theo nhịp chân đi, lúc thì thành phố hiện ra trước mặt, khi thì lui về phía sau lưng. Ngọc Trân vừa đi vừa khen cảnh đẹp như tranh vừa ca ngợi thời tiết San Diego rối rít. Tôi “bình loạn” cho cháu nghe về thành phố mình đang ở:
- Nơi có khí hậu tốt nhất nước Mỹ là California. Nơi có khí hậu tốt nhất California là San Diego. Con có biết nơi nào có khí hậu tốt nhất San Diego không"
- Dạ biết Dì Ba!
Tôi trố mắt ngạc nhiên. Ngọc Trân nhìn tôi mỉm cười rồi dùng cái giọng học trò trả bài nhí nhảnh nói:
- Dạ thưa Dì Ba, nơi có khí hậu tốt nhất San Diego chính là Chula Vista nơi Dì Ba đang ở đó.
Tôi phì cười bảo cháu:
- Con biết hết tẩy của Dì Ba rồi!
Đi ngắm cảnh xem hoa và chụp ảnh được một lát, tôi hơi thấm mệt nên quay sang bảo cháu:
- Con ngồi trên ghế đá này đợi Dì Ba đi mua cà phê về uống.
- Để con đi luôn với Dì Ba.
Mua cà phê xong, hai dì cháu ra ngồi trên thảm cỏ ngắm nhìn tàu thuyền, thành phố, mây trời...Dưới ánh nắng ban mai, dưới bầu trời cao rộng. Tôi muốn chia sẻ nốt với cháu tôi thêm vài điều về má tôi. Tôi hỏi cháu:
- Cho đến giờ phút này Dì Ba và con đã đọc được lời diễn đạt về Ngoại của bốn người. Con có biết trong bốn người này, ai là người sống bên Ngoại lâu nhất không"
- Dạ biết. Má con có nói, Dì Ba chỉ sống với Ngoại trên mười năm thôi. Như vậy so với má con, Dì Ba thua rất xa. Con thì được gần Ngoại hơn Dì Ba ít năm, còn anh Duy thì chỉ được vài ngày.
Tôi tiếp lời cháu:
- Nhưng dù là con, dù là cháu, dù lâu năm hay chỉ vài ngày bên Ngoại, đều nhận được tình yêu thương của Ngoại. Được sống trong tình thương tràn đầy của mẹ, nên Dì luôn tội nghiệp cho những ai không may mất mẹ sớm hay vì một lý do nào đó mà không có mẹ.
- Con cám ơn Dì Ba đã cho con thấy rõ thêm về Ngoại.
- Mới mười tuổi đầu Dì Ba đã phải sống xa nhà, nhớ nhà quá nên nước mắt Dì Ba chảy mỗi ngày. Sợ Dì Ba khóc nhiều sinh bịnh, người lớn trong nhà đã bàn đến việc trả Dì về cho Ngoại. Dì sợ không được học hành đến nơi đến chốn nên Dì Ba phải khóc thầm. Sự hy sinh và tình yêu thương của Ngoại còn là một sức mạnh giúp Dì Ba vượt qua mọi khó khăn để sửa mình, chăm lo việc học...Con có biết Ngoại để lại cái gì quý giá nhất cho gia tộc mình trước khi Ngoại nhắm mắt không"
- Con không đủ sức hiểu tới điều này.
- Trước đây Dì Ba vẫn tưởng cái tin Ngoại mất sẽ là một tin khủng khiếp nhất đến với Dì, nó sẽ gây cho Dì đau khổ tột cùng. Nhưng ngược lại, lúc mất, Ngoại mang đi hết những nỗi buồn đau, xót thương. Ngoại để lại sự bình an cho tất cả mọi người. Dì Ba tin con cũng nhận thấy rõ điều này nơi con và ba má con trong những ngày ấy. Các dì dượng, cậu mợ bên nhà đã cho Dì biết, những gì tốt đẹp nhất đều xảy ra sau khi Ngoại ra đi. Đám tang Ngoại tựa như một tiệc cưới. Có nhạc, có hoa, có đông người đưa tiễn. Lúc đưa tang có cờ hoa võng lọng. Qua đó Dì Ba hiểu thật rõ nghĩa câu: “Sống gởi thác về”. Trong bài viết, con cho sự chết của Ngoại “là sự ngăn cách vĩnh viễn”. Không phải vậy đâu con. Nếu con sống tốt lành con sẽ gặp lại Ngoại sau cuộc sống này. Con có nhớ Dì Ba đã nói cùng con sau khi đọc bài “Chiếc Bông Tai” không"
Ngọc Trân vẫn chưa nhớ ra thì tôi nói tiếp:
- “Nếu Dì trở nên một nhà văn thì bài đầu tiên Dì viết sẽ là bài ca ngợi tình yêu của Ngoại”. Đến giờ thì bài viết ấy đã tượng hình trong đầu Dì Ba rồi. Dì sẽ có một bài viết về mẹ mà không cần trở thành một nhà văn.
Ngọc Trân vừa vỗ tay hoan hô tôi, vừa nói chơi, vừa khen ngợi tôi:
- Con không ngờ Dì Ba có nhiều tư tưởng sâu sắc sấu như vậy. Con cần phải thọ giáo Dì Ba nhiều hơn. Qua lời Dì Ba vừa nói, con cũng nói cho Dì Ba biết luôn. Món quà mà con muốn Dì Ba thưởng cho con là bài viết về Ngoại vừa tượng hình trong đầu Dì Ba đó.
Nói xong Ngọc Trân nhìn tôi như trêu chọc, tưởng như vừa nói khích được tôi. Tôi liền đưa một ngón tay ra rồi nói:
- Dì Ba móc nghéo với con là Dì Ba sẽ gởi tặng con món quà đó trong một ngày rất gần đây.

Ngọc Trân ở chơi với tôi đúng một tuần lễ. Hôm đưa cháu ra phi trường, cháu ôm lấy tôi rồi nói:
- Con cám ơn Dì và Bác Ba rất nhiều. Chuyến đi San Diego này là một dấu ấn khắc sâu vào tâm trí con. Dì Ba nhớ tụi mình đã móc nghéo rồi không được ăn gian con nghe chưa!

Một tuần lễ sau ngày cháu về. Tôi viết gởi cháu lá thư.

San Diego Mùa Chay 2004.
Ngọc Trân cưng của Dì!
Những ngày tháng này hai năm về trước, Ngoại như đã đi vào sa mạc 40 ngày để đồng hình đồng dạng với Đức Kitô bằng căn bệnh có bứu trong ruột, bệnh tim, bệnh cao máu... Để rồi được Chúa đón Ngoại đi đúng vào ngày Chúa Phục Sinh. Sau khi con trở về Canada, Dì Ba ngồi suốt mấy ngày liền ghi chép lại từ lúc con bước xuống phi trường San Diego cho đến khi con rời xa nơi này, là Dì Ba đã hoàn tất “Đoản Khúc Mẹ”. Đoản khúc này không phải của riêng Dì, mà là của má con, của anh Duy, của Con, của mọi người trong gia tộc, của mọi người quen biết Ngoại ... Chắc con sẽ hỏi Dì, tại sao một bài dài hơn một truyện ngắn, ngắn hơn một truyện dài mà Dì lại đặt cho nó một cái tên ngắn ngủn là “Đoản Khúc Mẹ" Mỗi khi nhắc đến Ngoại thì lời ca tiếng nhạc bài Lòng Mẹ của cố nhạc sĩ Y Vân lại văng vẳng bên tai Dì: “Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào...”. Dì đem mấy trang viết này so với biển Thái Bình thì nó còn “đoản” hơn cái tên “Đoản Khúc Mẹ” nữa.
Dì Ba cám ơn con đã sang thăm Dì. Dì Ba cám ơn con đã xin món quà là bài Dì viết về Ngoại. Hy vọng con sẽ vừa ý món quà này. Dì Ba chúc con luôn tươi trẻ, yêu đời.
Thương con nhiều.
Dì Ba của con.

DI DI

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,205,974
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ năm thứ 20. Bà tên thật Trần Ngọc Ánh sinh 1955, sau khi đi tù gần 11 năm về tội chống Cộng Sản từ đầu 1979 đến cuối 1989, đã tốt nghiệp Đại học năm 1995 ngành Quản trị kinh doanh tại VN. Sang Mỹ định cư theo diện kết hôn năm 2007, hiện đang sống tại thành phố Victorville, miền Nam California. Nghề nghiệp nội trợ. Sau đây, thêm bài viết đầu năm mới của bà.
Chúc Mừng Năm Mới Kỷ Hợi 2019. Viết Về Nước Mỹ bắt đầu năm Canh Thìn 2000. Từ Thìn tới Hợi, vừa đúng 20 năm. Ngày đầu năm Hợi, xin mời đọc bài Tết của Lê Nguyễn Hằng. Tác giả là một cây bút nữ kỳ cựu tham gia Viết Về Nước Mỹ từ nhiều năm qua. Năm 2017, với bài viết “Ba Người Đàn Bà Tuổi Dậu”, bà nhận giải Vinh Danh Viết Về Nước Mỹ. Bài sau đây trích từ báo xuân Tết Kỷ Hợi 2019.
Tác giả định cư tại Pháp nhưng thường lui tới với nước Mỹ, tham gia Viết Về Nước Mỹ từ tháng Ba 2010. Họp mặt giải thưởng năm 2011, bà đã bay từ Paris sang California để nhận giải Vinh Danh Tác Giả -thường được gọi đùa là giải Á Hậu. Mừng Tết Kỷ Hợi đang tới, mời đọc chuyện tình tất niên của tuổi hạc.
Tác giả lần đầu tiết về nước Mỹ từ tháng 11, với bài “Tình người hoa nở”, tháng 12, “Mùa kỷ niệm” và “Chị em trung học Nữ Thành Nội.” Cô tên thật là Nguyễn thị Minh Thuý sinh năm 1955. Qua Mỹ năm 1985, hiện là cư dân thành phố Hayward thuộc Bắc Cali và còn đi làm. Sau đây là bài viết thứ ba của cô.
Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Bài mới của tác giả kể về khóa Thiền Vipassanna 10 ngày mà bà đã tham dự. Bài trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi, đang phát hành khắp nơi.
Tác giả tên thật Quách Ngọc Ánh, sinh năm 1954, hiện là cư dân Garden Grove, CA. Trước 75 học Sư phạm Sai gon, một thời dạy học tại miền Trung Việt Nam, định cư tại Hoa kỳ theo diện H.O. Bài viết về nước Mỹ đầu tiên của bà từ Tháng Sáu 2013 là một hồi ức xúc động về việc đi tìm người thân chết khi vượt biển. Sau đây thêm một bài viết mới.
Tác giả tên thật là Trần Văn Hai, hiện đã là cư dân hưu trí tại Nashville, TN. Thư ông viết: Tôi thường xuyên theo dõi và đọc bài viết trên trang Việt báo online. Đây là bài viết tôi gởi về cho tòa soạn đầu tiên, mong nhận được sự góp ý. Bài Viết Về Nước Mỹ đầu tiên của ông là bước khởi hành tốt: gọn nhẹ, giản dị và thành thực. Mong tác giả tiếp tục.
Tác giả quê gốc Kinh 5 Rạch Giá, hiện là cư dân Seattle, dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2010. Ba bài đã viết là chuyện 30 năm của gia đình bà: Vượt biển tới đảo tị nạn, sau 7 năm chờ đợi, bị buộc phải hồi hương. Nhờ chương trình ROV, gia đình vẫn tới được nước Mỹ, và với sức phấn đấu chung, tất cả đã đứng vững.
Tác giả tên thật Trịnh Thị Đông, hiện là cư dân Arkansas. Bà sinh năm 1951, nguyên quán Bình Dương. Nghề nghiệp: Giáo viên anh ngữ cấp 2. Tới Mỹ vào tháng 8, 1985, bà dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7, 2016 và đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2017. Sang năm 2018, Dong Trinh có thêm giải Vinh Danh Tác Giả, thường được gọi đùa là giải Á hậu. Sau đây, thêm một bài mới của tác giả.
Tác giả cùng hai con gái tới Mỹ ngày 27 tháng Bảy năm 2001 theo diện đoàn tụ. Mười sáu năm sau, bà là chủ tiệm Nails ở Texas và kết hôn với một người Mỹ. Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ và đã nhận giải Danh Dự năm thứ mười chín, 2018. Bài viết sau đây được trích từ báo xuân Việt Báo Tết Kỷ Hợi 2019, hiện đang phát hành khắp nơi.
Nhạc sĩ Cung Tiến