Hôm nay,  

Câu Chuyện Trên Biển Đông

30/04/200400:00:00(Xem: 208742)
Người viết: HẢI TRIỀU LẠI THẾ LÃNG
Bài số: 526-1064-vb4280404

Tác giả Hải Triều Lại Thế Lãng cư trú và làm việc tại tiểu bang Vermont, đã liên tục góp nhiều bài viết suốt ba năm vừa qua. Sau đây là bài viết mới của ông.

Ông ra đi vào một đêm tối trời tại bãi biển ở phía trước nhà dòng Chúa Cứu Thế Nha Trang.
Chọn địa điểm này làm nơi xuất phát cho một cuộc vượt biên quả là một việc làm táo bạo, nhưng những người tổ chức chuyến đi không phải là không có lý khi đi đến quyết định như vậy. Là vì nó tạo được sự bất ngờ, không ai có thể nghĩ một chiếc thuyền vượt biên dám ngang nhiên lấy người và khởi hành ngay tại một bãi tắm mặt tiền của thành phố. Chính yếu tố bất ngờ này đã lừa được bọn công an biên phòng giúp cho chiếc thuyền vượt biên có thể ra khơi một cách an toàn mà không bị phát hiện.
Ông được thông báo giờ giấc và địa điểm vào lúc chập tối. Tin này ông trông đợi từ lâu nhưng đã đến với ông thật không đúng lúc tí nào vì chiều hôm đó ông vừa trải qua một cơn sốt nặng. Cứ như lệ thường thì sau một cơn sốt nặng như vậy ông sẽ phải nằm trên giường cả tuần lễ hay ít ra cũng phải ba hay bốn ngày mới mong nhổm dậy được. Nhưng lần này thì khác, không những ông không thể nằm trên giường mà còn phải dấn thân vào một chuyến đi đầy bất trắc. Nếu chuyện vỡ lở ông sẽ bị bắt, bị tù tội; ông cũng có thể bỏ mạng vì cơn bệnh ông đang mang trong người hay thậm chí ông cũng có thể bị hy sinh tính mạng trên biển cảvì phong ba bão táp. Dù biết vậy ông cũng phải ra đi, không có cách chọn lựa nào khác.
Khi ông đi tù cải tạo về, không có nơi nương tựa, ông phải sống nhờ tại nhà một người bà con xa. Hoàn cảnh của ông thật bi đát: vợ bỏ đi lấy chồng khác, con cái bỏ nhà đi lang thang nay không biết ở đâu. Thấy tội nghiệp, người bà con này đã cố tìm cho ông một lối thoát bằng cách chạy vạy, mượn đầu nọ vay đầu kia để kiếm đủ tiền mua cho ông một chỗ ngồi trên chiếc thuyền vượt biển. Nếu bỏ lỡ chuyến đi này ông sẽ chẳng bao giờ trả nổi món nợ nói gì đến việc vay mượn tiền bạc để làm một chuyến đi khác. Nghĩ như vậy nên ông nhất quyết phải ra đi cho dù chuyện gì sẽ xẩy đến.
Ông mặc quần áo thật ấm và với một ít thuốc men đã chuẩn bị sẵn, ông ra khỏùi nhà trong đêm tối và lần mò đến điểm hẹn. Khi ông đến nơi thì thuyền đang chuẩn bị rời bến và lúc ông vừa bước chân lên thuyền cũng là lúc cánh buồm được kéo lên để thuyền có thể ra khơi mà không gây tiếng động. Ngay sau khi lên thuyền ông chỉ còn đủ sức bò trên sàn và tìm đến một góc thuyền rồi nằm bẹp ở đó. Tuy mệt lả vì cơn sốt trở lại, tai ông vẫn nghe được tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền khi chiếc thuyền lướt nhẹ trên mặt biển. Và đến khi chiếc máy trên thuyền được phép cho nổ thì ông cũng đoán được là con thuyền đã ra đến vùng biển an toàn, không còn sợ bị bọn công an biên phòng rượt đuổi nữa.
Sau vài ngày sống trên thuyền ông biết được trên thuyền có mười người đàn ông kể cả ông và khoảng ba chục người vừa phụ nữ vừa trẻ con. Một cô gái trẻ thấy ông bệnh hoạn lại không có thân nhân đi theo đã tận tình giúp đỡ ông. Cô gái lấy nước cho ông uống thuốc, nấu cháo cho ông ăn và tìm đồ đắp cho ông mỗi khi ông bị lạnh. Cô gái cũng kể cho ông nghe sơ qua về gia cảnh của cô. Cô cho biết có ba người anh trai đã vượt biên trước hiện đang ở trong trại tỵ nạn ở Phi. Cha cô cũng là sĩ quan đi tù cải tạo mới về. Trước kia cha cô là một sĩ quan huấn luyện võ thuật và cũng đã từng đoạt giải vô dịch về môn bắn súng lục. Mẹ cô một người đàn bà suốt đời vì chồng vì con đã tần tảo làm đủ mọi việc lấy tiền tiếp tế cho chồng ở trong tù và lo cho con cái vượt biên. Lần này những người cuối cùng trong gia đình cô ra đi gồm cô và cha mẹ cô.
*
Hôm đó là ngày thư tư kể từ khi chiếc thuyền rời bãi biển Nha Trang. Trên đại dương mênh mông chỉ còn nhìn thấy trời và nước, con thuyền cứ thẳng hướng lướt tới trong lúc tiếng máy nổ giòn giã vang dội cả một vùng biển. Không ai biết ngày sau sẽ ra sao nhưng ai nấy đều nuôi một niềm hy vọng là rồi đây con thuyền sẽ cập bến an toàn và mọi người sẽ đến được nơi muốn đến, thoát khỏi cảnh sống lầm than dưới chế độ độc tài Cộng sản để bắt đầu một sống mới tại một nơi nào đó trên một vùng đất tự do.
Bỗng người ta nghe tiếng máy nổ trở nên khác lạ nhưng người tài công tỏ ra không bận tâm vì nghĩ có lẽ vì xăng đã cạn. Xăng được chuyển tới và đổ đầy bình nhưng tiếng máy nổ vẫn không trở lại bình thường, tiếng nổ cứ yếu dần yếu dần rồi tắt lịm. Bây giờ thì ai cũng nhận ra là máy bị trục trặc chứ không phải vì hết xăng. Người tài công xách đồ nghề ra sửa chữa và mặc dù đã tận lực, máy cũng không chịu nổ trở lại . Cuối cùng thì được biết máy bị gẫy mất một cơ phận nhưng cơ phận đó lại không có sẵn ở trên thuyền để thay thế. Vậy là người ta đành bó tay để mặc cho chiếc thuyền từ đó lênh đênh trên mặt biển, trôi giạt theo sóng gió chứ không còn điều khiển con thuyền đi theo hướng muốn đi được nữa.
Đã nghèo còn gặp cái eo.Từ khi thuyền hư máy, thời tiết lại trở nên khắc nghiệt hơn. Ban ngày trời nóng như đổ lửa, đêm đến thì mưa gió đùng đùng lạnh buốt thấu xương khiến nhiều người không chịu nổi đã ngã bệnh, nhất là phụ nữ và trẻ con. Xác chết đầu tiên được thả xuống biển là một phụ nữ trung niên. Khi thả xác xuống biển người ta hy vọng người phụ nữ xấu số này sẽ được an nghỉ dưới lòng đại dương; nhưng ngay khi thân xác người phụ nữ chưa kịp chìm xuống biển thì đã thấy những con cá mập xuất hiện tranh giành nhau và chỉ trong một chớp nhoáng, thân xác người phụ nữ đã bị xâu xé thành nhiều mảnh và bị cướp đi bởi những con cá mập háu đói này.
Những ngày sau đó vẫn tiếp tục có người chết. Có người không chịu cho thả xác thân nhân của họ xuống biển vì không muốn nhìn thấy cảnh đau lòng; nhưng rồi vì vấn đề vệ sinh, người ta đãquyết định là tất cả các xác chết phải được thả xuống biển để bảo đảm sức khỏe cho người còn sống. Xác chết được tiếp tục thả xuống biển đã là cớ để cho bọn cá mập quần thảo quanh chiếc thuyền chờ mồi chứ nhất định không chịu rời xa. Nhiều lúc chúng bơi sát mạn thuyền đưa cái lưng đen bóng lên trên mặt nước làm cho nhiều người sợ hãi.
Trong suốt thới gian thuyền trôi giạt trên mặt biển mọi người mỏi mắt trông chờ có một chiếc tàu nào đó chạy ngang thấy được sẽ cứu vớt nhưng tuyệt nhiên không thấy có một chiếc tàu nào xuất hiện. Tình trạng cứ như thế cho đến ngày thứ hai mươi chín thì lương thực và nước uống đã cạn hết. Đói thì còn chịu đựng được ít lâu chứ khát thì thật là khó chống chọi. Ngoại trừ một số trong đám đàn ông còn đủ sức đi lại còn hầu hết những người trên thuyền đều đã kiết sức vì thiếu nước. Người lớn, trẻ con nằm la liệt miệng há hốc chỉ còn chờ chết. Giữa lúc không cón một hy vọng nào nữa vào một buổi sáng người ta thấy một chấm đen xuất hiện trên mặt biển. Chấm đen ấy lớn dần và khi đã nhìn thấy rõ người ta nhận ra đó là một chiếc tàu không lớn lắm. Ai nấy đều mừng rỡ hy vọng sẽ được cứu sống.
Chiếc tàu từ từ cặp sát vào chiếc thuyền vượt biên. Một người đàn ông từ trên tàu nhảy xuống thuyền quan sát và sau khi được biết những người trên thuyền kiệt sức vì thiếu nước, gã đàn ông trở lại chiếc tàu và xách một can nước xuống thuyền. Lập tức nước được phân phối và như là thần dược, sau khi được uống nước mọi người trên thuyền hồi tỉnh dần dần. Những thân xác trước đó dường như không còn cựa quậy được bây giờ đã có thể cử động, đi đứng được. Sức sống đã trở lại trên những con người khốn khổ. Gã đàn ông nói ít câu với đám người trên thuyền trước khi trở lại chiếc tàu. Không có ai hiểu gã nói gì nhưng qua điệu bộ, người ta đoán gã hứa trở về tàu để đem thực phẩm và lấy thêm nước uống cho người trên thuyền. Mọi người chờ đợi.
Khoảng năm phút sau gã đàn ông trở lại thuyền và đi theo sau gã còn có 4 người nữa. Mọi người ngỡ ngàng vì trong cả năm người không thấy người nào mang những thứ mà họ đang trông đợi. Thay vì nước và thực phẩm, trên tay mỗi người đều cầm dao, búa bửa củi hay là một thanh sắt. Bây giờ thì mọi người đã vỡ lẽ. Thì ra bọn này là hải tặc chứ không phải là cứu tinh của họ. Một tên trong bọn có lẽ là tên đầu sỏ vì ngoài cái búa bửa củi cầm lăm lăm trên tay hắn còn có một khẩu súng lục lận ở lưng quần.
Tên này ra lệnh cho đám thuộc hạ kêu từng người đàn ông trên thuyền đứng dậy và khám xét cẩn thận. Khám xong người nào chúng cho người đó sang chiếc tàu của chúng và chỉ cho đám đàn ông ngồi tập trung tại một nơi ở phía cuối chiếc tàu. Một tên trong bọn sau khi kiểm soát thấy còn một người đàn ông đang nằm ở một góc thuyền, hắn tiến đến nắm áo lôi dậy nhưng người đàn ông không đứng dậy nổi. Tên này biết người đàn ông này quá yếu, hắn thả ông ngã quỵ xuống sàn rồi bỏ đi, có lẽ hắn nghĩ có để người đàn ông bệnh hoạn này ở lại thuyền cũng chẳng hại gì vì ông hoàn toàn không còn sức kháng cự.
Sau khi đã lùa hết chín người đàn ông trên thuyền sang bên chiếc tàu của chúng, tên đầu sỏ ra lệnh cho đồng bọn xúm vào lục soát từng người phụ nữ và trẻ con. Tiền bạc, nữ trang và bất cứ vật gì khám xét thấy chúng tước đoạt hết không chừa thứ gì. Sau khi đã vơ vét tất cả của cải trên thuyền bọn hải tăc bắt đầu giở trò bỉ ổi đối với phụ nữ.


Tên đầu sỏ nhìn thấy cô gái trẻ ngồi núp sau lưng bà mẹ, hắn xông tới nắm cô gái kéo ra. Cô gái vùng vẫy nhưng không thể cưỡng lại sức mạnh của hắn. Hắn giật phăng chiếc áo cánh cô gái đang mặc rồi dùng sức đè cô gái xuống sàn thuyền định cưỡng hiếp. Người mẹ quá sợ hãi nhưng trước cảnh tượng ấy bà không thể ngồi nhìn con gái bị tên dâm tặc hãm hại, bà nhào thẳng về hướng tên dâm tặc này quyết sống chết với hắn. Không nhân nhượng, tên hải tặc vung búa phang một búa vào đầu người mẹ khiến bà lăn ra chết liền tại chỗ. Quá uất hận và đau khổ, cô gái thét lên rồi dùng hết sức đưa hai tay định móc mắt tên đầu sỏ nhưng những ngón tay của cô gái chỉ đâm trúng một mắt của hắn khiến cho hắn đau đớn, gầm lên như một con thú dữ. Lập tức, hắn túm lấy cô gái rồi với tất cả sự hung bạo của một tên sát nhân, hắn bóp cổ cô gái cho đến khi cô gái tắt thở mới chịu buông ra.
Cảnh hỗn loạn diễn ra trên thuyền cùng với những tiếng la hét của phụ nữ và trẻ con khiến cho đám đàn ông đang ở bên chiếc tàu không cầm lòng được. Họ bảo nhau trở về thuyền cùng liều chết với bọn hải tặc. Tên đầu sỏ thấy đám đàn ông ùn ùn kéo nhau trở lại thuyền hắn liền rút súng hăm dọa nhưng không ngăn cản được những người chồng, người cha đang nóng lòng vì sự an nguy của vợ con họ. Người trở lại thuyền đầu tiên là cha cô gái.
Vừa kịp nhìn thấy vợ và con nằm chết thê thảm trên sàn thuyền, ông liền bị tên đầu sỏ nã đạn vào ngực. Dù bị trúng đạn, cha cô gái đã nhanh nhẹn nhào tới dùng một thế võ quật ngã đối thủ và đạt được khẩu súng lục từ trong tay hắn. Thấy tên đầu sỏ gặp nguy, bọn hải tặc cùng nhào tới uy hiếp cha cô gái. Nhưng cha cô gái, một người đã từng đoạt giải thiện xạ về môn bắnsúng lục đã lần lượt bắn hạ từng tên. Còn một viên đạn nữa, cha cô gái định bắn hạ luôn tên đầu sỏ nhưng đúng vào lúc viên đạn ra khỏi nòng súng thì cha cô gái ngã quỵ. Do vậy mà viên đạn đã đi trật mục tiêu và tên đầu sỏ đã thoát chết. Quá kinh hãi và lợi dụng lúc chộn rộn, tên đầu sỏ hải tặc chạy trở về chiếc tàu, bỏ lại xác đồng bọn trên chiếc thuyền vượt biên, vội lái chiếc tàu chạy mất.
Sau khi tên hải tặc còn sống sót bỏ chạy, tình hình trên thuyền trở lại ổn định. Kiểm điểm lại thì ngoài ba người trong gia đình của cô gái bị chết, chỉ có một số ít phụ nữ khác bị thương nhẹ do chống cự với bọn hải tặc. Chưa có phụ nữ nào bị chúng làm nhục. Một cuộc dọn dẹp đã diễn ra ngay sau đó. Xác bốn tên hải tặc bị lăn xuống biển, tất cả vũ khí chúng để lại cũng bị liệng xuống biển. Xác của ba người trong gia đình cô gái cũng lần lượt được thả xuống biển trong nỗi tiếc thương và tiếng nấc uất nghẹn của những người đồng bào. Hy vọng được cứu sống đã tiêu tan bây giờ còn thêm nỗi chán chường do cảnh chết chóc vừa xẩy ra trên thuyền. Chiếc thuyền vượt biên lại tiếp tục lênh đênh trong cõi vô định.
Đến khoảng giữa trưa người ta thấy có hai chiếc tàu đang rẽ sóng chạy về phía chiếc thuyền. Một trong hai chiếc tàu đó là chiếc tàu của bọn hải tặc đã đánh phá chiếc thuyền vượt biên hồi sáng. Chiếc thứ hai chắc cũng của bọn hải tặc được gọi đến để trả thù. Mọi người nhìn nhau ngao ngán, chưa biết đối phó ra sao nhưng trong một tình thế không thể làm gì hơn được thì chỉ có nước chấp nhận tất cả, kể cả cái chết.
Hai chiếc tàu kè sát hai bên chiếc thuyền. Từ chiếc tàu của bọn hải tặc hồi sáng, tên hải tặc còn sống sót, với một mắt bị băng bo,ù nhảy xuống thuyền. Từ chiếc tàu thứ hai cũng có mấy người đàn ông nhảy xuống thuyền nhưng đều mặc đồng phục. Thì ra những người này là nhân viên công lực chứ không phải là hải tặc. Tên hải tặc còn sống sót lượm chiếc can nằm lăn lóc trên sàn thuyền đưa cho những nhân viên này xem như muốn chứng minh điều gì đó và hắn nói với họ những điều gì không ai hiểu. Những nhân viên này quan sát một lúc rồi cho cột chiếc thuyền vào phía sau chiếc tàu của họ và kéo vào bờ biển Thái Lan. Tại đây phụ nữ và trẻ con được chuyển đến trại tỵ nạn còn tất cả những người đàn ông đều bị tống giam để điều tra.
Cuộc điều tra không làm sáng tỏ được vấn đề vì những nhân viên thẩm vấn không chịu để ý đến lời khai của nhân chứng. Họ cứ khăng khăng cho rằng tất cả đám đàn ông Việt Nam đều là thủ phạm đã dính líu đến việc sát hại bốn ngư phủ của Thái Lan. Lập luận của họ là thuyền của những người vượt biên bị hỏng máy nên những người trên thuyền đã nghĩ đến việc giết người để cướp tàu khi những ngư phủ Thái Lan vì lòng nhân đạo đã ghé lại tìm cách giúp đỡ. Cuộc điều tra vô tình đã biến thủ phạm trở thành nạn nhân và nạn nhân trở thành thủ phạm.
*
Ông kể lại câu chuyện rành mạch mặc dầu thảm kịch đã xẩy ra từ hơn hai chục năm rồi. Sở dĩ ông nắm vững mọi chi tiết vì ông là nhân chứng của toàn bộ câu chuyện từ đầu đến cuối.
- Như vậy là bác cũng ở trong số những người bị tống giam"
- Tất nhiên rồi. Nhà chức trách Thái Lan bắt nhốt tất cả đám đàn ông chúng tôi, không chừa một ai.
- Rồi sao bác thoát khỏi cảnh tù tội"
- Còn những nạn nhân khác có được thả không"
Đám người ngồi quanh ông trong một dịp họp mặt thuyền nhân tranh nhau đưa ra câu hỏi vì muốn biết câu chuyện sau đó như thế nào. Ông nhấp một miếng nước trà rồi chậm rãi nói tiếp:
- Câu chuyện ly kỳ lắm. Các chú cứ để lão từ từ kể cho mà nghe.
Theo thói thường thì phủ bênh phủ, huyện bênh huyện, người Thái Lan dĩ nhiên phải bênh vực người Thái Lan; ở trên đời này làm gì có công ly. ùTừ khi bị đưa vào nhà giam, đám thuyền nhân bị oan ức tưởng đâu sẽ chẳng có cơ hội minh oan nhưng một hôm bỗng dưng được gọi lên văn phòng trại giam ký giấy tờ rồi được phóng thích và sau đó được chuyển đến trại tỵ nạn. Không ai hiểu tại sao trong lúc cuộc điều tra chưa ngã ngũ và đang hoàn toàn bất lợi cho đám thuyền nhân thì họ lại được thả. Ít lâu sau nhờ có một người Việt sinh sống ở Thái Lan đọc báo rồi kể lại thì người ta mới hiểu rõ cớ sự. Tất cả câu chuyện được bắt đầu từ việc tên đầu sỏ hải tặc trong cơn say rượu đã chém chết đứa con gái của hắn.
Bài báo kể rằng sau khi gây án mạng, tên này bị tống giam. Từ nhà giam hắn xin được phép trở về dự đám tang của đứa con gái. Trong tang lễ hắn khóc lóc và vô tình thốt ra lời lẽ than vãn rằng không phải là hắn mà chính "cô gái đó" đã khiến hắn ra tay giết hại đứa con. Lời than vãn đó đến tai một nhà báo và "cô gái đó" đã được nhà báo này khai thác, đặt thành nghi vấn, bàn luận tùm lum trên báo khiến cho giới hữu trách không thể làm ngơ. Cuộc điều tra về nguyên nhân gây ra án mạng do đó đã được tiến hành xoay quanh vấn đề "cô gái đó".
Cuộc điều tra này đã dẫn đến một vụ án mạng khác xẩy ra trên mặt biển mấy tháng trước có liên quan đến một số thuyền nhân Việt Nam hiện còn đang bị giam giữ. Trong vụ va chạm giữa chiếc tàu đánh cá của Thái Lan và chiếc thuyền vượt biên của người Việt Nam, hắn là người duy nhất sống sót trên chiếc tàu của bọn hải tặc nhưng hắn được coi là vô can trong vụ án. Mặc dầu vậy trong lòng hắn vẫn cảm thấy không được yên ổn. Sau vụ việc đó hắn không đi biển nữa nhưng hắn không thoát khỏi bị ám ảnh bởi những hình ảnh ghê rợn do hắn gây ra.
Nhiều đêm hắn giật mình thức giấc và không ngủ lại được vì những hình ảnh này cứ diễn đi diễn lại trước mắt. Hắn không thể nào quên cảnh tượng hãi hùng khi hắn bóp cổ cô gái cho đến lúc tắt thở. Khi hắn buông tay ra, hắn thấy lưỡi cô gái le dài, hai mắt trợn ngược đầy căm phẫn như muốn nói cho hắn biết hắn sẽ bị trả thù. Nhiều lần đang ngủ hắn thấy cô gái đến lôi đầu hắn dậy hạch hỏi tội lỗi của hắn, có lần cô gái còn làm dữ buộc hắn phải đi tự thú tất cả các tội hắn đã gây ra nếu không hắn sẽ bị bóp cổ chết. Đôi khi hắn cũng muốn làm theo ý cô gái nhưng nghĩ lại nếu đi tự thú hắn sẽ lãnh một bản án nặng nề do đã trực tiếp sát hại ba mạng người Việt Nam va gián tiếp gây ra cái chết của bốn tên đồng bọn của hắn. Do thần kinh căng thẳng thường xuyên, dần dần hắn bị chứng mất ngu, hắn không còn tìm được những giấc ngủ bình thường. Hắn vô cùng sợ hãi khi màn đêm buông xuống vì trong lúc mọi người an giấc thì đầu óc hắn cứ quay cuồng với những hình ảnh đáng sợ kia. Từ đó hắn bắt buộc phải mượn men ruợu mới mong tìm được giấc ngủ.
Tối hôm đó, như thường lệ, hắn tìm đến quán ruợu và chệnh choạng ra về trong cơn say. Vừa bước vào nhà hắn ngã quỵ xuống. Hắn cảm thấy có người đến đỡ hắn dậy và bên tai hắn nghe giọng nói quen quen nhưng dụi mắt nhìn kỹ lại, hắn thấy người đang ở bên cạnh hắn chính là cô gái. Cô gái đã bị hắn hại chết thảm thương chỉ có thể trả thù hắn chứ đâu có thể xử tốt với hắn. Nghĩ vậy hắn vùng vẫy cố xua đuổi cô gái. Miệng hắn nói lảm nhảm lúc thì la lối lúc lại năn nỉ nhưng cô gái vẫn không chịu buông hắn ra. Hắn lấy hết sức xô cô gái ra để chạy xuống bếp nhưng cô gái cũng không chịu buông tha, cứ đi theo hắn. Túng thế, hắn giật phăng con dao bếp chém loạn xạ. Khi tỉnh ruợu và thấy đang ở trong nhà lao hắn mới biết đã ra tay giết chết đứa con gái của hắn.
Trong cuộc điều tra của nhà chức trách hắn đã ngoan ngoãn thú nhận tất cả tôi ác đã gây ra trên biển ngày nào. Hắn thuật lại chi tiết diễn biến nội vụ, hắn khai báo rõ ràng đã giết cô gái như thế nào, đã hạ sát hai người thuyền nhân khác ra sao. Hắn cũng cung khai với nhà chức trách rằng bốn tên hải tặc đồng bọn của hắn bị giết không có liên quan gì đến những người đàn ông Việt Nam đang bị giam giữ. Hắn còn thỉnh cầu nhà chức trách trả tự do cho họ vì họ vô can.
- Nhờ vậy mà bác và những người bị giam mới thoát khỏi cảnh tù tội"
- Đúng vậy. Có người còn nghĩ không phải là tự nhiên mà hắn thỉnh cầu trả tự do cho đám chúng tôi.
- Ý bác nói là ...
- Chính oan hồn cô gái đã cứu chúng tôi.

Hải Triều

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,003,167
Tác giả lần đầu gửi bài Viết Về Nước Mỹ và cho biết tên thật là Trương Thị Anh Đào là tên thật. Năm sinh: 1962. Qua Mỹ theo diện ODP năm 2011.
Tác giả là cư dân Miami, Florida, đã góp nhiều bài viết tuy ngắn nhưng tinh tế, cho thấy tấm lòng của ông với quê hương, con người, và nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2015
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong.
Tác giả là một kỹ sư hồi hưu, đã sống 25 năm bên Pháp, hiện là cư dân Irvine, từng nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2013. Bài viết mới của ông là một du ký chất chứa nhiều tâm sự tác giả.
Tác giả tên thật Đặng Thống Nhất, một nhà giáo hồi hưu sau nhiều năm dạy Song Ngữ và ESL tại Khu Học Chính Minneapolis và Việt Ngữ tại Đại Học Minnesota.
Tác giả là nhà báo quen biết trong nhóm chủ biên một số tuần báo, tạp chí tại Dallas.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương.
Tác giả dự Viết về nước Mỹ từ năm 2000, Tám năm sau, ông nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2009. Tác phẩm đã xuất bản: “Lá Số Vượt Biên”. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả đã nhận giải bán kết - thường được gọi đùa là giải á hậu 2001.
Nhạc sĩ Cung Tiến