Hôm nay,  

Dấu Chân Ngừơi Lính

25/04/200400:00:00(Xem: 41045)
Người viết: ĐÀO NHƯ
Bài số: 524-1062-vb7240404

Tác giả Đào Như tên thật là Đào Trọng Thể, sinh năm 1936. Trước 1975, ở trong nước, là bác sĩ phẫu thuật. Đến Hoa Kỳ tháng 11 năm 1979, hiện là chuyên gia về bệnh tâm thần, làm việc tại Chicago, là người thành lập “Câu lạc bộ 309.81” (Đây là ø ước số quốc tế -code number- để chỉ chứng bệnh hội chứng tâm thần sau chấn thương và tress, dịch từ tiếng Mỹ post traumatic stress disorder syndromes. Việc dùng code number thay cho tên gọi một chứng bệnh là điều tế nhị muốn tránh xúc phạm và mặc cảm đến những anh em phần nào mất khả năng tri thức, thường bị mê sảng và ác mộng. Tác giả Duy Nhân đã có lần giới thiệu Bác sĩ Thể, người thành lập “câu lạc bộ 309.81” đồng thời cũng là tác giả một cuốn sách gồm nhiều truyện về những người lính VN trở thành hội viên của câu lạc bộ. Sau đây là cuộc trò truyện mới nhất của tác giả Đào Như vớià một người lính chiến, tác giả tượng “Trai Thời Loạn” tại trường Bộ Binh Thủ Đức cũ. Bài viết được phổ biến nhân dịp kỷ niệm 30 tháng Tư đang tới.
Gửi: Đỗ Cung

1- Đối diện

- ...Tôi là lính trận. Kẻ bị hy sinh! Chúng tôi chết cho tổ quốc à" Sau 30/04/75, chỉ còn người lính trung kiên ở lại với tổ quốc! Chết! Một danh từ khô đét, khét mùi thuốc súng! Chiến sĩ trận vong! Liệt sĩ cũng vậy thôi! Nghe oai đấy! Nhưng không có nghĩa gì hết, ngòai nghĩa chết!
Có lần tại mặt trận Quảng trị, tôi hỏi thằng bé Việt cộng, lính chính qui Bắc Việt, mặt còn non choẹt, trông rõ là tội nghiệp, chừng 17,18 tuổi:
“Tại sao mày giết nó" Nó tha mày. Nó có giết tụi mày đâu. Cả một lũ tụi mày đứng tần ngần, hứng đạn, ngây ngô đến đ thương hại! Không ai có đủ can đảm hạ tụi mày! Tụi mày đâu có biết trận mạc là gì đâu! Sao mày ác quá vậy. Mày là thằng giết người!”
“Tôi không phải là kẻ giết người! Tôi bắn như một phản xạ tự nhiên của kẻ cầm súng!“
Nó trả lời sòng phẳng, gọn gẫy. Tôi xử sự với nó thế nào bây giờ" Nó dưới 18 tuổi. Chết, Sống, với nó như trò chơi ‘cút ..hà.’. Tôi chưa biết xử trí làm sao, một trận pháo ập xuống trên đầu chúng tôi! Không còn thắc mắc gì nữa. Tất cả lao vào chiến đấu.
Chúng tôi nhiều lúc cận chiến với các trẻ em Bắc việt. Những xác chết còn lại trên chiến trường dưới 20 tuổi! Trước khi chết các trẻ em ấy chưa biết làm tình nữa là khác chứ đừng nói lý tưởng này chủ nghĩa nọ! Chúng chết với tâm hồn trong trắng như trang giấy mới trong tập vở học trò! Cái chết thật là phi lý! Bi thương!
Tiếng súng vang rền cả nước, từ Trận Ấp-bắc 1963. Ai ai cũng xoay lưng lại chiến tranh! Lúc ấy cả bọn sinh viên Sàigòn, thật nhảm nhí! Tên nào cũng kịch cợm: trên tay cặp quyển sách của J. P. Sartre, của André Gide, Gabriel Marcel, Simone De Beauvoir, Antoine De Saint Exupéry, Albert Camus..v.v...xuất bản dưới hình thức ‘sách bỏ túi’ (Livre de Poche,) bán với giá rẻ mạt mười đồng một cuốn, đồng giá với vé ciné Vĩnh Lợi, Lê Lợi. Họ dụm ba dụm bảy trong những nhà hàng Givral, Imperial, Continental, quán Hân...uống cà phê nói chuyện trên trời dưới đất phù phiếm. Trong những trò phù phiếm ấy, có cả phần tuổi trẻ của tôi. Mãi tới khi vào quân trường tôi mới hiểu được người lính, hiểu được thân phận của họ, thân phận của chính tôi!

2- Ta đã làm gì"
- Như vậy anh có ở quân trường"
- Vâng, tôi tốt nghiệp trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức năm 1969, sau khỉ tôi tốt nghiệp trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ thuật Saigon, ban Điêu khắc, hệ sáu năm! Tại quân trường Thủ đức, cùng hai bạn điêu khắc khác, chúng tôi thực hiện pho tựơng dựng trứơc ‘Hội Quán Sinh Viên Sĩ Quan Thủ Đức’ Với chủ đề ‘Trai Thời Loạn’. Đến nay, sau bao thăng trầm của đất nước, bức tượng vẫn còn nguyên vị trí của nó, nhưng Trường Bộ Binh Thủ Đức ngày xưa nay đổi thành Trường Đảng của Cộng sản.
- Như vậy, khi anh thụ huấn tại Thủ đức thì mặt trận Khe sanh đã chấm dứt, tháng 3 -1968.
- Dĩ nhiên, tôi không có tham chiến ở Khe sanh. Tôi là sĩ quan tác chiến, của Thủy Quân Lục Chiến, thuộc tiểu đoàn Trâu điên, đóng tại Đông hà, Thạch hãn, Huế... những năm 69-70. Tôi tham chiến những trận đánh tại Thạch hãn, Đông hà lúc đó. Qua Năm 71 tôi bị thuyên chuyển về hải quân làm Trưởng xưởng đúc của hải quân công xưởng. Sau nàỳ năm 1972, tôi là Sĩ quan Trửơng Phòng Chiến Tranh Chính Trị. Tháng 6/73 bị thuyên chuyển bằng công điện ra Đà nẵng thuộc đơn vị yểm trợ và tiếp vận hải quân tại Đà nẵng. Sau đó tôi tham dự trận hải chiến đánh Trung cng tại Hòang sa.
- Về mặt sáng tác, anh làm được những gì trong những năm chiến tranh, ngòai bức tượng bằng ciment cốt thép “Trai Thời Loạn ’’ tại Trường Bộ Binh Thủ đức!
- Hình như ai đã nói: ‘‘Chiến tranh là cha đẻ của sáng tạo và phát minh, và nguồn cảm hứng cho thi ca, văn học và triết học!.’’. Điều đó đúng! Những tác phẩm để đời của cho hậu thế đều được hình thành trong đòi hỏi nghiệt ngã của chiến tranh như Vạn Lý Trường Thành; Illiade và Odyssée của Homère luôn luôn là tác phẩm thi ca lớn của loài người! Trong thời chiến, tôi cũng có những suy nghĩ về sáng tạo; những suy nghĩ về tạo hình táo bạo! Nhưng chỉ để dành trong cuốn phác thảo chân dung, chờ ngày hòa bình! Nặn tượng làm sao có thể thực hiện trong những hòan cảnh khốc liệt được: trên đường hành quân, ngòai mặt trận, trong trại tù v.v... Khác với âm nhạc, thi ca, điêu khắc là một nghệ thuật có sức nặng và kềnh-càng! Tuy nhiên tôi cũng khắc phục những khó khăn. Những ngày ở hậu cứ, hay những lúc không bận rôn lắm như khi làm Sĩ Quan Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị của Hải quân Đà nẵng, tôi cũng tập trung sáng tác. Dĩ nhiên về kích thước, nó thuộc vào loại bỏ túi. Nội dung thì trái lại nó có thể làm nổ tung cái kích thước của nó. Năm 1973 tôi cũng tranh thủ triễn lãm những tác phẩm điêu khắc của tôi tại Hội Việt Mỹ tại Đà nẵng, với 32 tác phẩm điêu khắc của riêng tôi. Lúc ấy cũng có một họa sĩ chuyên về tranh trên lụa, anh xin cho được phụ vào với 20 bức tranh lụa của anh.
- Anh có thể cho tôi biết chủ đề của cuộc triễn lãm điêu khắc của anh năm 1973"
Nghe tôi hỏi anh cười:
- Tôi không thích chủ đề. Một cuộc triễn lãm nghệ thuật đóng khung trong chủ đề nghe nó chật chội, hạn hẹp, như một nhà thơ làm thơ bị hạn vận với nhiều kỵ húy vậy! Năm ấy, có nhiều anh em sợ cuộc triễn lãm của tôi thiếu định hướng, cũng như Bác sĩ đã hỏi tôi về chủ đề vậy! Làm sao mà quí vị lại đòi hỏi nhiều quá vậy! Anh em và Bác sĩ phải hiểu tôi chớ! Làm sao tôi có thể cho nó một chủ đề hay một hướng đi dứt khoát được! Những tác phẩm điêu khắc của tôi, những đứa con mang nặng tâm hồn của một người vốn dĩ đã một thời sống không lý tưởng, và mãi đến bây giờ vẫn chưa biết mình là ai" Vẫn chưa biết mình ở đâu trong giai đoạn nào trong cuộc đời của riêng mình! Của Tổ quốc!
Nói đến đây anh đứng dậy, nước mắt ràn rụa, anh quay mặt vô tường, anh nắm tay đấm mạnh vào tường. Tôi như chết lịm ngồi nhìn anh. Hai vai gầy yếu xanh xao của anh run lên cùng tiếng nấc! Tôi biết anh đang đau khổ! Đau khổ tột cùng! Tự nhiên tôi lại nghĩ: đau khổ là quyền lợi thiêng liêng của con người, những con người như anh! Tôi kính trọng sự đau khổ của anh. Tôi bàng hoàng! Một câu hỏi đơn thuần như vậy không ngờ lại dấy lên niềm trắc ẩn sâu xa của một nhà điêu khắc ngụy trang dưới lớp áo người lính trận trong hơn mấy mươi năm! Anh ngồi lại. Đối diện tôi! Tôi lặng yên nghe anh nói, như con chiên xưng tội nghe vị cố đạo thuyết giảng.
- Thưa Bác sĩ, 32 tác phẩm điêu khắc của tôi trong cuộc triễn lãm! Mỗi tác phẩm mang riêng những dấu ấn của tâm hồn tôi! Những khát khao của thời đại: Hòa bình và Thịnh vượng. Những mơ ước của lứa đôi: Tình yêu và Tự do. Những đòi hỏi chân chính rất mực là người: một Thế giới không có chiến tranh, không có người giết người. Những mơ ước của tuổi thơ: Được cắp sách đến trường; Giấc Mơ về tết Trung thu, v.v.. Những điều rất là đơn giản. Nhưng cũng là những điều đi ngược dòng chảy của thời đại! Có người hiểu được. Tôi rất cám ơn. Có nhiều người không hiểu được, tôi cũng không ngạc nhiên! Không hiểu được, không được hiểu, hay hiểu không được, đều là quyền tự do của mỗi người. Tôi rất trân trọng những tác phẩm của tôi! Tôi yêu thương những đứa con của tôi, những Quasimodo, những Zambano lạc lõng giữa chợ đời! Hiện tại tôi còn giữ lại tượng nổi ‘‘Sống còn’’. Tựơng này tôi làm bằng đá quí. Tôi hoàn thành thực hiện tượng này cuối năm 72. Có nhà buôn người Đại Hàn, nghe tiếng bức tựơng, ông ta tìm đến xem. Sau ba ngày chiêm ngưỡng, ông ta ngỏ lời muốn mua nó với giá 4000 đô la. Lúc ấy vàng chỉ có 90 đôla một lượng! Nhưng tôi từ chối! Tôi nói thẳng là tôi không có ý bán. Bức tượng ấy có một định mệnh khá hốc búa! Năm 1982, sau khi tôi đi tù cải tạo về, Sở Văn Hóa và Nghệ Thuật của Thành Phố có cho người lại xem mắt tượng ‘‘Sống còn’’ của tôi.
Quasimodo là nhân vật tiểu thuyết của Victor Hugo, một chàng gù canh nhà thờ Notre Dame De Paris, và Zambano là nhân vật chàng chủ gánh xiếc trong phim La Strada của đạo diễn Ý Fellili.
Nói đến đây, anh bê cái lồng kiến có tượng nổi của hai con cua lại cho tôi xem. Nhìn một đổi thật lâu, tôi phát biểu:
- Đó là hai con cua đang giương càng đánh nhau, không hiểu lý do gì mà chúng đánh nhau có vẻ sống mái. Trận chiến đang xảy ra trong vũng cát eo hẹp! Hai con cua mãi say đấu quên cả thân phận mình!
Nghe tôi nói anh cừơi phá lên:
- Đúng là cái nhìn của bậc thầy!
Tôi chưa kịp phản ứng, anh ấy thao thao nói:
- Tên ấy cũng vậ! Tôi muốn nói tên đại diện Sở Văn Hóa của Thành Phố. Khi đến xem mắt hai con cua của tôi, có lúc hắn ta mở tròn đôi mắt, và hai lỗ mũi của hắn mở toang ra có vẻ muốn hít trọn cả hai con cua vào hai cái lỗ mũi hĩnh của nó! Có lúc nó mơ màng nhấm đôi mắt lại.
Tôi thấy rất rõ hai mi mắt trên của nó giật, giật... run..run...Tôi ngại quá! Nó đang tập trung tìm ra một khuyết điểm nào đó của tác phẩm của tôi, và nó sẽ giáng xuống một đòn trí mạng: hỏng, hỏng, hỏng..tác phẩm ‘Sống còn’ của anh có tư tưởng phản động. Có thể như vậy lắm! Lúc nó khảo sát Hai Con Cua mặt của nó lúc ấy hình như biến dạng đi. Cái mũi của nó lệch sang một bên. Trông nó dị hợm!
Chợt, nó mở đôi mắt thao láo nhìn tôi:
- ‘‘Tác phẩm Sống còn’’ của anh... có tầm vóc lớn...rất lớn!
...
- Có một nhân vật thứ ba anh không ‘vẽ’ra, anh không ‘nặn’ ra, mà nguời ta vẫn thấy nó, sờ được nó trong trí tưởng!
- Đúng,Văn Cao đã nói‘‘những cái không nói tới mà người đời càng tìm càng thấy mãi...’’ Đó mới là thực chất của nghệ thuật, khả năng của nghệ thuật!
Rồi hắn ta đến ôm vai tôi, hắn ôm lây tôi thật mạnh. Tôi như người vừa tỉnh sau cơn mơ! Hắn tiếp tục nói với tôi mà hầu như độc thoại. Lúc này tôi tỉnh táo hơn, và nghe hắn ta nói mồn một:
-‘‘Tác phẩm Sống còn’’ của anh là bối cảnh thực tế của một ‘Thời suy nghĩ’! Anh là người có can đảm nói lên những điều suy nghĩ của mình! Nó có tính chất tiêu cực phần nào nói về cuộc chiến. Nhưng với lịch sử dân tộc nó là tác phẩm lớn! Không một ai có thể chối bỏ cái mặt tích cực lớn, vô cùng to lớn của nó. Nó xứng đáng là Tài Sản của quốc gia! Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc với Trung ương để đưa ‘‘Sống còn’’ của anh vào vị trí xứng đáng của nó, Tài sản của quốc gia!
Rồi hắn quay lại ôm tôi, bắt tay tôi, ra về không kịp uống với tôi một chén trà Hoàng liên sơn mà tôi làm sẳn để chiêu đãi hắn! Hắn đến với tôi như vậy đó! Như chớp nhoáng. Như cơn lốc!
Vợ tôi buồn. Bà ấy nói:
- Tên ấy, nói cho lắm, cũng không ngòai tước đoạt tài sản của anh! Tài sản quốc gia nghĩa là gì" Nó hợp tác xã hay quốc doanh ‘‘Sống còn’’ của anh, mình còn chia chác tí đỉnh mà sống; chớ còn tài sản quốc gia nghe thơm, nhưng mình không được gì hết! Đói đấy anh ạ! Hơn bốn mươi lượng vàng không chịu bán! Bây giờ đành chịu mất!

3- Thân phận
- Anh nói anh đi tù cải tạo về năm 1982"
- Vâng! Tôi đã bị nhốt tại Trảng lớn, từ 75-76; Xuân lộc (Long giao) 1976-77; rồi Suối máu 1977-81. Tôi cũng bị hành hạ cũng đói khát cũng bị chấn thương. Có một điều là họ biết tôi chuyên về nặn tượng. Họ biết cả tôi là tác giả của bức tượng thời danh Trai Thời Lọan. Hôm đó còn chừng một tháng nữa là đúng sinh nhật Bác Hồ của họ. Ban quản giáo đề xuất anh em chúng nặn tượng ‘Bác Hồ của họ để tỏ lòng nhớ ơn Người’. Họ yêu cầu đích danh tôi làm! Tôi từ chối. Lý do đơn giản là sức khoẻ tôi yếu. Dĩ nhiên họ chỉ định hai anh em khác. Phó Trại trưởng lên tiếng khuyến khích anh em làm bức tựơng càng đẹp càng quí. Tên ấy nói: ‘Bức tượng của Bác tráng lệ chừng nào thì thấy lòng nhớ ơn của chúng ta với Người nhường ấy. Nó là thước đo nói lên trình độ giác ngộ của của các học viên của trại!’
Nói đến đây, anh dừng lại và nhìn thẳng vào mắt tôi, anh hỏi:
- Bác sĩ có thấy nó ‘đểu’, nó‘điếm đàng’ quá đi thôi! Nó gọi chúng tôi là học viên, trại viên thay vì bọn Tù Cải Tạo! Ngụy quân! Ngụy quyền!
Anh nói tiếp:
- Họ tập chúng tôi hát bài ‘Như Có Bác Hồ Trong Ngày Vui Đại Thắng’ của Phạm Tuyên! Và họ cũng đề cử một anh nhạc sỹ, anh này cũng tù cải tạo như chúng tôi, lên đánh nhịp cho anh em chúng tôi hát! Không phải tên tù cải tạo nào cũng được đứng trong tốp đồng ca đâu nhé! Họ chọn ra hai mươi người. Con số ấy họ bảo là tượng trưng cho 20 năm chống Mỹ! Không hiểu họ dựa trên tiêu chuẩn nào, trong số họ chọn lại có tôi! Thật là định mệnh không buông tha tôi!
Từ chín giờ sáng loa phóng thanh đã dõng dạc inh ỏi, nhắc chúng tội nhớ hôm nay là ngày trọng đại! Chúng tôi bọn tù cải tạo cả ngàn đứa đứng sang một bên nghe phủ dụ. Còn bọn văn công đặc biệt 20 tên trong đó có tôi và nhạc trưởng được đứng chính giữa kháng đài, đối diện bức tượng. Chúng tôi được yêu cầu tỏ ra thành khẩn! Sau lưng chúng tôi là những hàng ghế ngồi trên bực cao gồm có trưởng trại phó trưởng trại, công an quản giáo và một tập hợp toàn là đại diện khu ủy, tỉnh ủy, huyện ủy! Lễ chào cờ. Phút tưởng niệm! Bài diễn văn của tên trưởng trại: ‘Để Nhớ Công Ơn Người’. Và phút linh thiêng đã đến: Ban hợp ca vừa xướng lên: Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng...thì cùng lúc tấm voile trắng được kéo lên để lộ chân dung của bức tượng, trắng như con chim bồ câu yêu chuộng hòa bình đang vỗ cánh! Nhưng rủi thay, sau buổi lễ họ khám phá, phía dưới cái tai trái của bức tượng bị nứt một tí, nhỏ như sợi chỉ, dài vào khoảng 3 phân. Ấy thế họ tập họp anh em chúng tôi lại kiểm điểm, kiểm thảo. Cuối cùng họ qui trách nhiệm về hai ông nặn tượng, với bản án 10 ngày nhốt xà lim, ngồi conex, vì tội chủ quan, thiếu cảnh giác!


Trong trại học tập tôi tham gia cũng như phát khởi nhiều ‘cú’ đấu tranh, đáng lẽ phải đi nằm vĩnh viễn ở Chí hòa hay Trại Kiên Giam A20 tại Xuân phước, Phú yên.! Nhưng nhờ anh em thương bao che mà còn sống tới hôm nay!
Và Anh hỏi tôi:
- Bác sĩ có biết sự cố ‘‘Đêm Noel Vùng Dậy’’ tại Suối máu năm 1978 không" Trong đó có tôi! Đó là sự vùng dậy không vũ trang và bất bạo động của hơn 10 ngàn tù nhân cải tạo diễn ra trong đêm Giáng sinh vào ngày 24 tháng12 năm 1978 tại Suối máu (Tân Hiệp, Biên hòa). Đó là cuộc tranh đấu nổi dậy nổ ra bất thần, đồng lọat, phối hợp nhanh, qui mô trên toàn thể năm trại: K1,K2,K3, K4,K5. Trong đó yếu tố tôn giáo được dùng làm ngòi nổ! Đêm Noel Vùng Dậy mặc dù rất ngắn ngủi chỉ trong vài tiếng đồng hồ; nhưng nó đã lây động đầu não của Cộng sản. Họ huy động quân đội và chiến xa, cùng công an vũ trang đến bao vây trại, chuẩn bị dập tắt chúng tôi! Họ biệt giam một số người chúng tôi cách đó mấy hôm, và họ dùng loa phóng thanh, yêu cầu chúng tôi giải tán, nếu không họ sẽ đem những người đó ra hành quyết. Chúng tôi cũng dùng loa phóng thanh (loa,chúng tôi tự chế) buộc họ phải thả những ngưởi ấy về trại thì chúng tôi giải tán. Họ nhượng bộ, những người của chúng tôi được trở lại trại. Sau khi chúng tôi giải tán là một sự lục soát, tra khảo, học tập, điều nghiên. Hàng trăm người bị cách ly ,biệt giam. Cộng sản gửi những người này đi giam ở Chí hòa, và hàng trăm người đi Trại kiên giam A20 ở Xuân phước, Phú yên...

Tôi được lệnh tha năm 1981. Hộ khẩu tôi tại Sàigòn. Công an quản chế, hắc ám hết chịu nổi. Nhưng rồi cũng gồng mình mà sống. Lăn-lóc sống. Hồi hộp sống. Sống trong chờ đợi...không biết ngày nào công an sẽ ‘vồ’ mình, vô tù. Cộng sản có hơn một ngàn lẻ một lý do để bắt chúng tôi trở lại trại tù tập trung! Đêm đêm ngủ không yên giấc, nghe tiếng chó sủa cũng sợ, nghe tiếng chân người láng giềng cũng sợ. Nhiều lúc thấy mình trong kiến cũng sợ. Mình cũng không nhận ra mình là ai! Có lúc giữa ban ngày nhìn thấy cái bóng mình mà cứ ngỡ tên công an theo dõi! Nhưng nghĩ cho cùng Tù Tại Gia hay Tù Tập Trung cũng không khác gì mấy! Tù Tại Gia Cộng sản khỏi lo cơm nên chế độ nới một chút! Nhưng thiệt thòi cho vợ con, tăng thêm một miệng ăn đã đành, lại còn phải lo ngay ngáy! Bác sĩ thấy không" Trong khó khăn nẩy sinh sáng tạo: ‘Biện Chứng Tù Tại Gia Và Tù Tập Trung Không Khác Gì Nhau’ giúp đỡ anh em rất nhiều. Mặc Cộng sản bắt bớ hàng đêm hà rằm! Mặc, anh em chúng tôi cứ sống, thản nhiên! Mặc thời gian cứ trôi! Không ai chờ đợi ai! Không còn cái gì để chờ đợi! Không còn gì để hi vọng! Thân phận bi đát! Trong Le Boujum (1) nhà tư tưởng Cung Giủ Nguyên nói: ‘...Một vật lơ lửng trên vực thẩm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại...’ Đó là kiếp nhân sinh! Con người tồn tại hôm nay là nhờ họ sống trong hi vọng! Mặc dầu hy vọng nhỏ nhoi! Con người cần có hy vọng để mà sống! Nhưng ‘Hy vọng nơi ai" Hy vọng cái gì" Và có lý do gì để hy vọng"’ Chúng ta hòan toàn trơ trụi! Trước khi vô sản hóa nhân dân miền nam, Cộng sản lột trần chúng ta: không gia đình, không tổ quốc, không có riêng tư, không hi vọng cá nhân... Trước mắt chỉ có Quốc Tế Vô Sản! Quốc tế Vô sản ở đâu" Họ đưa tay chỉ vào khoảng không: ngày mai! Nghĩa là không có gì hết! Có phải chăng chúng ta phải tạo ra hi vọng: ‘ta cứ hy vọng thời gian kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt...’ mặc dù đó là một hy vọng phi lý! Nhưng phải có hy vọng để tồn tại thì cần gì!
Nói đến đây anh quay lại hỏi tôi:
- Bác sĩ đọc xong Le Boujoum của Cung Giũ Nguyên chưa"
Anh có vẻ giận. Tôi gượng cười! Vì cách đây mấy tháng anh đến văn phòng tôi. Anh thấy quyển Le Boujoum (Tiểu Thuyết Triết Lý của tác giả Cung Giũ Nguyên, xuất bản năm 1980 tại Pháp) để trên bàn tôi, anh có hỏi tôi đọc chưa. Tôi cũng thú thật là chưa đọc hết vì đó là quyển truyện chan hòa tư tưởng triết học Hiện đại và Cổ điển, Đông phương và Tây phương! Rất khó đọc! Anh có khuyên tôi nên đọc đi và có dịp mình nói về quyển sách đó. Không ngờ hôm nay anh đem nó ra mổ xẻ một cách lý thú mặc dù anh mới vừa đề cặp một vài trang đầu.
Và anh tiếp tục nói:
- Chuyện phải đến đã đến! Chương trình H.O. lúc đầu còn mơ hồ, nhưng đến những năm 89-90 nó là sự thật hiển nhiên và lộ liễu: Người lính lại bị trao đi bán lại một lần nữa! Thôi thì cũng đành! Biết thế nhưng cũng phải thế thôi! Cánh hoa rụng chọn gì đất sạch! Có những anh em không chấp nhận ‘kiếp hoa rụng’ , họ quyết tâm ở lại. Có nhiều anh em ngộ nhận họ là những Pétain Việt nam! Không, họ cũng như chúng ta, những nạn nhân của chiến tranh, họ thấy đi đâu rồi cũng không thoát được thân phận mình: người lính, người dân yêu nước từ những quốc gia nhược tiểu, hay bị trị: ‘Nếu anh muốn có đời sống vật chất cao, hưởng thụ một phần nào tiến bộ về khoa học kỹ thuật, thì anh phải chấp nhận lệ thuộc! Còn nếu anh muốn bảo vệ độc lập, tự do và bình đẳng thì các anh phải chấp nhận nghèo khó và lạc hậu!’ Hình như đó cũng là câu phát biểu của của một sử gia nào đó!

4- Ta và đất dung thân
- Theo tôi biết thì anh chị đến Mỹ 1994 trong chương trình H.O. Anh nghĩ gì về nước Mỹ và người Mỹ"
- Tôi chấp nhận chương trình H.O. Chương trình này đến tôi, đúng lúc! Tôi là con bệnh nặng đang thiếu dưỡng khí. Người Mỹ mang lại chúng tôi bình dưỡng khí cấp cứu đúng lúc. Tôi không cần phải thắc mắc ai là những kẻ gây ra tình trạng suy kiệt và thiếu dưỡng khí cho chúng tôi. Trước mắt, tôi phải cứu tôi và gia đình tôi. Anh em ai cũng biết chương trình H.O.là miếng đắng! Nhưng mỉm cười chấp nhận thôi!
Khi đến Mỹ mình mới thấy sức mạnh của nước Mỹ! Họ khống chế thế giới mọi mặt mọi bề! Ở Việtnam, đối diện với Chuyên Chính Vô Sản mình đã khiếp rồi! Nhưng đến Mỹ xuyên qua cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2000, Chuyên Chính Vô Sản vẫn còn thua xa, thiếu dân chủ, thiếu khoa học so với Chuyên Chính Tư Bản! Hình như có ai đã nói ‘Ai chưa đến Mỹ, chưa biết được mình’. Tôi thiết nghĩ câu đó đáng để cho chúng ta suy ngẫm!
- Nước Mỹ, anh nói tiếp, là một quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, bao trùm trên vùng địa dư rộng lớn đủ mọi vùng khí hậu của trái đất. Trong lòng địa tầng của nước Mỹ là cả kho nguyên liệu từ dầu hỏa đến đủ loại kim khí quí cũng như kim khí nặng. Người Mỹ là nhà giàu biết giá trị đồng tiền của họ, đồng dollars, họ bảo là Chất xanh (Green stuffs). Họ biết dầu tư chất xanh để mưu cầu Chất xám (Grey Stuff, trí tuệ), và ngược lại! Có một nguyên tắc chung cho mọi đường lối sinh hoạt của xã hội Mỹ từ kinh tế, chính trị, nhân văn, tôn giáo.. Tất cả chỉ vì lợi ích của nước Mỹ. Tôi thán phục tinh thần yêu nước của người Mỹ! Trong công tác tiếp cận với ta, nhiều lúc xem chừng như họ gần gũi với ta, như những lúc ngồi nói chuyện với họ về ảnh hưởng, tai nạn chiến tranh; về học tập hay tù cải taọ; về sự khó khăn nhất thời của người tị nạn. Chẳng những họ cảm nhận hoàn cảnh mình sâu sắc, họ còn tỏ vẻ am tường vấn đề còn hơn cả mình! Nhưng khi nói về tiền bạc, ‘Chất xanh’, an sinh xã hội; va chạm văn hóa và khác biệt ngôn ngữ; họ thường nói xa vời: nước Mỹ trong mấy mươi năm chịu ảnh hưởng chiến tranh Việt nam nên nền kinh tế trì trệ! Họ khuyên ta học Anh văn thường xuyên để kiếm công ăn việc làm càng sớm càng tốt, để giảm bớt gánh nặng cho an sinh xã hội. Họ cũng thường khuyên nhủ mình nên quên cái quá khứ của mình đi; tạo cho mình một con người mới phù hợp với xã hội tiên tiến.v..v..Người Mỹ đối với chúng ta tuy xa mà gần tuy gần mà xa. Ta đối với họ cũng vậy xa xa gần gần... Cho nên mặc dầu có khối người Việt có quốc tịch Mỹ, vấn đề hội nhập vào xã hội Mỹ vẫn còn là vấn đề tù đọng của Cộng đồng người Việt, ngay cả những người đến Mỹ hơn 25 năm qua! Tôi hi vọng những ý tưởng của tôi không đến nổi sai biệt với phần đông các bịnh nhân của bác sĩ.
- Riêng cá nhân tôi, tôi công nhận chúng ta có nhiều điểm giống nhau. Hội nhập vào xã hội Mỹ đối người Việt nam không phải là dễ, nhất là cho thế hệ đầu tiên. Vì người Việt nam, chúng ta, rất kiêu hãnh về đất nước Việt, văn hóa Việt và nhất là lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt nam ta!

5- Thực tế- Bản thân
Tôi mãi nhìn vào bức phù điêu, chạm nổi, cỡ 8 tấc vuông, anh làm bằng thép. Những nét khắc sắc như chém vào thép, và hình nổi trên thép tạo thành hình ảnh người đàn bà mặc áo dài, cầm nón lá che cho hai con gái, đứng bên cạnh người chồng có dáng dấp của một người lính hiên ngang nhưng gương mặt anh có vẻ phản kháng một điều gì!
Anh nói với tôi;
- Tôi thực hiện bức điêu khắc nầy,‘ Mặt Trời Tự Do’, và hoàn tất nó một năm sau khi vợ chồng tôi và hai con đến Mỹ! Tôi sáng tác nó trong những điều kiện khó khăn về mọi mặt. Đó là hình ảnh ngày đầu tiên gia đình tôi đến Mỹ vào năm 94! Hiện tại các cháu đang ở riêng với mẹ, và đang theo học tại Đai học UIC, cháu lớn học về Điện toán, cháu nhỏ học về Kế toán.
- Anh nói các cháu đang ở riêng với Mẹ"
- Vâng, Bà ly dị tôi cách đây ba năm, sau hơn 25 năm đầu ấp tay gối! Một mất mát không gì đền bù nổi! Chúng tôi yêu nhau trong chiến tranh, tôi đã cưới bà, bà đã là mẹ các con tôi... tất cả không còn thuộc về tôi nữa, bà đã mang theo bà tất cả, ngay cả lời cầu xin của tôi ‘xin bà ngoái lại’ ! Bà vẫn dửng dưng! Thảm trạng của tình yêu không phải là đau khổ hay ghen tuông, hờn dỗi. Nó là sự dửng dưng! Không phải lỗi tại ai ca! Chúng tôi chỉ là nạn nhân của chiến tranh!
Nói đến đây anh ngước nhìn trần nhà. Hình như anh đang cố gắng ngưng những giọt nước mắt!
- Tôi xin lỗi anh, vô tình tôi chạm phải niềm riêng của anh!
Và tôi hỏi tiếp:
- Anh có thể cho tôi biết anh làm những gì hàng ngày.
Tôi biết anh đang xúc đng mạnh. Trong lúc chờ đợi anh trả lời tôi mới chú ý căn nhà anh đang ở. Đó là một căn phòng (Appartment) rất tươm tất sạch sẽ, trong một chung cư lớn. Anh ở theo chế độ housing: nhà nước phụ trả tiền thuê cho anh vào khoảng 80-90%. Đó là chính sách của chính phủ Mỹ giúp cho những người sống tại Mỹ hợp lệ (tị nạn, di dân), cũng như công dân Mỹ, có lợi tức thấp. Phòng của anh được cấu trúc theo kiểu phòng dành cho người độc thân! Yên tĩnh và buồn!
Anh ngước mặt lên nhìn tôi, anh nói:
- Như bác sĩ biết tôi bị ung thư hạch, lymphosarcoma, hậu vận rất là xấu. Tôi vừa chấm dứt điều trị đợt một Chiếu xạ và Ung thư trị liệu. Tóc rụng chưa hồi phục.
Anh vừa nói anh vừa dở cái nón cho tôi thấy đầu anh tóc đang rụng xác xơ! Da mặt tái xanh, chứng tỏ anh đang bị bần huyết nghiêm trọng, một phần vì chính bịnh tình của anh một phần vì ảnh hưởng của Chiếu xạ và Ung thư trị liệu. Và anh nói tiếp:
- Bác sĩ chuyên trị cho tôi, Alexander Bagal, cho tôi hay là tôi có thể sống trong vòng năm bảy năm nữa! Thời gian của tôi bắt đầu điểm từng khắc từng giây! Sống một mình, nửa đêm thức giấc, tiếng đồng hồ gỏ nhịp tic tắc..tíc tắc...nghe sốt ruột! Tôi tháo gở vụt mất cục ‘pin’. Anh vừa nói vừa chỉ đồng hồ treo trên tường. Đồng hồ đứng trơ, kim gió không lay động, chỉ 2 giờ 15 sáng, có lẽ lúc đó là anh thức giấc và phát cáu với tiếng gọi thời gian!
- Điều đáng sợ nhất hôm nay đối vối tôi là cô đơn, anh nói tiếp. Ở Mỹ nơi nào, đèn điện cũng sáng choang, ngày cũng như đêm, nhưng tìm một ngọn đèn để làm bầu bạn rất là khó!
- Các anh em trong Câu Lạc Bộ, và các anh em sĩ quan H.O. cũng thường lai vãng với anh chớ"
- Vâng các anh ấy vẫn lại thường xuyên. Tôi nghĩ nếu không có anh em trong Câu Lạc Bộ của mình và các anh em H.O. thì chắc tôi đã dứt hơi từ lâu rồi!
- Xin lỗi anh,và cũng xin phép anh cho tôi hỏi anh một câu có tính cách chuyên môn và nghề nghiệp.
Nghe tới đây anh phá lên cười:
- Chắc có lẽ bác sĩ sẽ hỏi tôi ‘‘anh có ý định tự tử không ’’ Phải không" Cách đây năm năm bác sĩ đã hỏi tôi câu này nhiều lần, khi bác sĩ khẳng định tôi bị Triệu Chứng Hậu Chiến! Không đâu bác sĩ, tôi là người lính trận, tôi đối diện với cái chết thường xuyên, tôi không đến nỗi khiếp nhược như vậy đâu! Bác sĩ hiểu cho! Tôi không bao giờ bị động chờ chết! Tôi đang sung mãn với nhiều đề tài sáng tác, mặc dầu tôi đang vướng bận với nhiều khó khăn: cơ sở chật chội, tài chánh eo hẹp thiếu trước hụt sau... không còn ai để cùng chăn gối giải bày! Thời gian còn lại với tôi quí lắm, Bác sĩ! Tôi cướp giật từng giây! Trước mắt, tôi đang cộng tác với những tờ báo Việt ngữ tại Chicago, Houston, Cali, Washington D.C. v.v...
Anh vừa nói vừa chỉ vào môt chồng báo việt ngữ ở những địa phưong khác nhau mà anh đang cộng tác!
- Anh hợp tác với các tờ báo Việt ngữ ở các tiểu bang dưới hình thức như thế nào, họ trả tiền nhuận bút anh có đúng mức như anh mong muốn. Họ có bóc lột anh không"
- Tôi nghĩ không ai bốc lột ai cả! Tất cả đều nghèo như nhau! Nạn nhân của thời thế cả! Đều sống trong hòan cảnh giống nhau, hiểu nhau đến tận xương tủy của nhau! Tôi không có viết. Tôi chỉ vẽ. Phần nhiều là biếm họa!
Và anh cho tôi xem những biếm họa của anh. Phần nhiều anh vẽ trên trang bìa của các báo.
Tôi hỏi:
- Tại sao anh lại chọn biếm họa, nửa thực nửa hư!
- Câu trả lời thật đơn giản vì nó dễ vẽ. Vẽ cái gì nó không có thực, hay nửa thực nửa hư dễ vẽ. Vẽ ma vẽ quỉ thì dễ vẽ, nhưng vẽ con người khó vẽ, nhất là vẽ con người với toàn vẹn lương tri của nó! Khó lắm! Vì hiếm lắm!
Anh đến bên cử sổ nhìn ra nhìn ra ngòai trời, hình như anh nói một mình ‘mới đó mà chiều rồi nhỉ! Không ngờ hòang hôn lại đến sớm thế!’
Chiều mùng một Tết Giáp thân tại Chicago! Một buổi chiều dửng dưng. Tuyết vẫn rơi. Gió vẫn siết trên mặt hồ Michigan. Giá lạnh! Một vài con hải âu đậu rũ người trên những trụ phá sóng. Không hiểu bọn chúng cũng trôi giạt từ xứ nào! Chúng cũng cô đơn và buốt giá! Tôi nghĩ về anh.
Tôi vừa từ giã anh, người lính trận của ba mươi năm về trước! Anh bước vào đời với lý tưởng yêu nước và với tất cả tâm hồn lãng mạn của một nhà điêu khắc! Ôm ấp bao nhiêu mộng tưởng, để rồi phải nhận biết bao nhiêu mất mát hư hao! Tổ quốc quê hương! Chiến tranh đã cướp giật anh rất nhiều, tuổi trẻ, hòa bình, hạnh phúc và tình nồng chăn gối. Định mệnh lại bủa vây anh! Ung thư! Một từ nghe khô róc mà có khả năng đè bẹp một kiếp người, xóa sạch mọi ý chí!
Chiến tranh như cơn sóng dữ xô giạt chúng ta hơn nửa vòng trái đất! Anh sanh tại Hà nội, di cư vào Nam năm 1954. Lúc ấy anh mới mừơi một tuổi mà anh vẫn nhớ ‘‘Nước Hồ Gươm xanh màu cẩm thạch...’’ (1) Anh thường băn khoăn lo nghĩ: anh không sợ chết, nhưng anh sợ ‘màu xanh cẩm thạch ấy’ phai mờ trong trí nhớ của anh trong lúc anh còn sống!./.

Oak park,Illinois, USA
Đào Như
(1) Thơ Đinh Hùng+++

Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 844,779,676
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Giải Thưởng Việt Báo Việt Báo
Nhạc sĩ Cung Tiến